CẢNH NGÀY HÈ
(Bảo kính cảnh giới – bài 43)
A – MỤC TIÊU BÀI HỌC
1. Kiến thức
Cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè. Qua bức tranh thiên nhiên là vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi với tình yêu thiên nhiên, yêu đời, nặng lòng cùng nhân dân, đất nước.
2. Kĩ năng
Có kĩ năng phân tích một bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi: chú ý những câu thơ sáu chữ dồn nén cảm xúc, cách ngắt nhịp ¾ trong câu bảy chữ.
3. Thái độ
Bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên đất nước, tình cảm gắn bó với cuộc sống người dân.
B – CHUẨN BỊ, PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
-GV chuẩn bị SGK, SGV, máy chiếu, thiết kế bài giảng powerpoint
-HS đọc và soạn bài theo câu hỏi trong sách giáo khoa
-Phương pháp dạy học : Phương pháp đọc sáng tạo, PP tái tạo, gợi mở, giảng bình, sử dụng phương tiện trực quan
C. TIẾN TRÌNH DẠY – HỌC
Hoạt động 1: Ổn định tổ chức, kiểm tra bài cũ (hình thức vấn đáp)
Em hãy đọc thuộc lòng bản dịch thơ bài Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão và phát biểu ngắn gọn cảm nhận về vẻ đẹp của người tráng sĩ đời Trần được biểu hiện qua bài thơ.
Hoạt động 2: Dẫn vào bài mới
Qua việc tái hiện, củng cố lại kiến thức ở bài Thuật hoài, chúng ta đã hiểu được cảm hứng chủ đạo trong văn học trung đại Việt Nam triều đại Lý – Trần là cảm hứng yêu nước. Hôm nay, thầy và cả lớp sẽ cùng nhau làm quen với văn học trung đại Việt Nam dưới triều Lê sơ, mà tác giả tiêu biểu cho giai đoạn này là Nguyễn Trãi – một nhà chính trị được biết tới không chỉ với những áng văn chính luận kiệt xuất mà còn với những tập thơ thấm đẫm cảm hứng thế sự. Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43) là một bài thơ như vậy.
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS,
PHƯƠNG PHÁP – PHƯƠNG TIỆN
|
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
|
Hoạt động 3: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần Tiểu dẫn
Các em hãy đọc phần tiểu dẫn trong SGK tr. 117 (GV gọi một HS đọc).
Từ những nội dung phần tiểu dẫn, kết hợp với hiểu biết của bản thân, các em hãy cùng khám phá ô chữ sau đây:
- Ô số 1: Hãy nêu tên hiệu của Nguyễn Trãi (Đáp án: Ức Trai).
- Ô số 2: Đây là tên một tập thơ của Nguyễn Trãi (Đáp án: Quốc âm thi tập).
- Ô số 3: Bài thơ Cảnh ngày hè được sáng tác bằng văn tự nào? (Đáp án: Chữ Nôm).
- Ô số 4: Đây là một trong những áng văn chính luận xuất sắc được Nguyễn Trãi viết vào đầu năm 1428 (Đáp án: Bình Ngô đại cáo).
- Ô số 5: Cảnh ngày hè được viết theo thể thơ nào? (Đáp án: Thất ngôn xen lục ngôn).
- Ô số 6: Bài thơ Cảnh ngày hè được Nguyễn Trãi xếp vào phần nào trong tập thơ của mình? (Đáp án: Bảo kính cảnh giới).
- Ô số 7: Đây là một người thân của Nguyễn Trãi, trước cũng cáo quan về ở ẩn tại núi Côn Sơn (Đáp án: Trần Nguyên Đán).
à Ô chữ chìa khóa: Cảnh ngày hè.
|
I – Tiểu dẫn
- Tập thơ Quốc âm thi tập:
+ Gồm 254 bài thơ (chia làm 4 phần: vô đề (ngôn chí, mạn thuật, tự thán, tự thuật, bảo kính cảnh giới), môn thì lệnh, môn hoa mộc, môn cầm thú.
+ Thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.
+ Viết bằng thể thơ thất ngôn xen lục ngôn (nhấn mạnh: đây là nỗ lực cách tân, Việt hóa thể thơ bằng cách xen vào văn bản những câu thơ lục ngôn).
- Bảo kính cảnh giới: Gương báu răn mình. Tuy nhiên, bài thơ không nặng về giáo huấn, khuyên răn, triết lí mà thể hiện cảm xúc tinh tế của một tâm hồn thi sĩ.
- Bố cục – xác định cách tìm hiểu văn bản:
+ Kết cấu tiền giải – hậu giải: cảnh thiên nhiên ngày hè – cảnh sinh hoạt nhân dân và ước mong của nhà thơ.
+ Kết cấu đề - thực – luận – kết.
+ Bức tranh ngày hè (câu 2, 3 ,4, 5, 6) – tâm hồn nhà thơ (câu 1 và hai câu kết).
+ Sáu câu đầu: bức tranh cảnh ngày hè. Hai câu cuối: tấm lòng Ức Trai.
|
Hoạt động 4: Hướng dẫn học sinh đọc văn bản – tìm hiểu chú thích.
- HS đọc chú thích ở chân trang SGK tr. 118.
- HS đọc diễn cảm văn bản.
- GV đọc diễn cảm lại một lần nữa văn bản.
|
- Chú thích các từ khó trong văn bản:
+ Rồi: rỗi rãi.
+ Lục:màu xanh; hòe lục: màu xanh của cây hòe; tán rợp giương: tán giương lên che rợp.
+ Thức: màu vẻ, dáng vẻ.
+ Tiễn mùi hương: ngát mùi hương.
+ Làng ngư phủ: làng chài lưới.
+ Dắng dỏi: inh ỏi; cầm ve: tiếng ve kêu như tiếng đàn; Lầu tịch dương: lầu lúc mặt trời lặn.
+ Dẽ có: lẽ ra nên có; Ngu cầm: đàn của vua Ngu Thuấn.
+ Đòi: nhiều.
- Đọc: ngắt đúng nhịp 1/2/3 ở câu thơ thứ nhất và nhịp 3/3 ở câu thơ cuối cùng. Đọc bằng giọng hồ hởi, thanh thản, vui tươi nhưng chậm rãi.
|
Hoạt động 5: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu 6 câu thơ đầu: Bức tranh cảnh ngày hè
- Đọc 6 câu thơ đầu, em hình dung như thế nào về bức tranh cảnh ngày hè?
(Bức tranh ấy được đón nhận trong tâm thế nào? Những sự vật nào được thể hiện trong bức tranh? Nhà thơ đã sử dụng những gam màu gì để thể hiện vẻ đẹp của cảnh ngày hè? Em có nhận xét gì về âm thanh, con người trong bức tranh ấy?)
Qua bức tranh cảnh ngày hè, em cảm nhận được gì về tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trãi?
|
1 – Bức tranh cảnh ngày hè
- Những cảnh vật được đưa vào trong bức tranh: hòe, thạch lựu, hoa sen.
- Màu sắc: lục, đỏ, hồng.
- Âm thanh: lao xao, dắng dỏi.
- Con người: chợ cá làng ngư phủ.
- Hệ thống động từ: đùn đùn, giương, phun, tiễn (phân biệt tiễn / tịn / tạn).
- Biện pháp nghệ thuật: đảo ngữ (nhấn mạnh sự rộn rã của âm thanh), hệ thống từ láy tượng hình, tượng thanh sinh động.
à Nhận xét: bức tranh thiên nhiên với màu sắc tươi tắn, rực rỡ, tràn ngập âm thanh (kết hợp so sánh với thơ Nguyễn Du: Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông).
è Bình dị, đời thường.
è Tâm hồn yêu thiên nhiên, giao cảm vừa mạnh mẽ vừa tinh tế với tạo vật, gắn bó với cuộc đời.
|
Hoạt động 6: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu hai câu kết: tấm lòng yêu nước thương dân của Ức Trai.
Bài thơ kết lại bằng mong ước gì của tác giả (HS kết hợp chú thích, giải nghĩa từ Ngu cầm)?
Mong ước của nhà thơ cho em thấy tấm lòng Ức Trai với dân với nước như thế nào?
|
2 – Tấm lòng yêu nước thương dân của Ức Trai (2 câu cuối)
- Khát vọng: có cây đàn của vua Ngu Thuấn để ca ngợi đời thái bình, dân no ấm.
(liên hệ câu: Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn - Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền)
- Tấm lòng yêu nước thương dân: nhân dân là món nợ suốt đời, công thành nhưng thân không thoái; thân nhàn, ngôn nhàn mà tâm không nhàn.
- Ước mong cao quí của một bậc hiền nhân. Lấy chuyện xưa để nói nay, khao khát thấy cảnh đời no ấm của nhân dân, dám mong bệ hạ rủ lòng thương, chăm lo tới muôn dân, sao cho nơi hang cùng ngõ vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu. Đó là gốc của nhạc.
(liên hệ với bài Mao ốc vị thu phong sở phá ca của Đỗ Phủ - muốn có một ngôi nhà rộng trăm ngàn gian che khắp cho kẻ sĩ trong thiên hạ, riêng mình chịu đói rách cũng được à tấm lòng của bậc trí giả đời nào cũng vậy, luôn đau đáu vì dân vì nước).
|
Hoạt động 7: Hướng dẫn học sinh tổng kết, luyện tập và dặn dò
HS trả lời các câu hỏi trắc nghiệm.
- Câu 1: Những màu sắc nào được tác giả sử dụng để gợi tả bức tranh cảnh ngày hè trong bài thơ?
A. Lục, hồng, đỏ, vàng.
B. Vàng, hồng, đỏ.
C. Lục, hồng, đỏ, lam.
D. Lục, lam, đỏ.
Câu 2: Biện pháp nghệ thuật nào sau đây không được sử dụng trong bài thơ Cảnh ngày hè?
A. Đảo ngữ
B. Tăng tiến
C. Liệt kê
D. Đối ngẫu
Câu 3: Trong bài thơ Cảnh ngày hè, tác giả mong ước điều gì?
A. Có ngôi nhà ngàn vạn gian để che cho khắp kẻ sĩ trong thiên hạ.
B. Có tài trí mưu lược như Vũ hầu Gia Cát Lượng để cứu đời, giúp nước.
C. Có cây đàn của vua Ngu Thuấn gảy khúc Nam phong ca ngợi đời thái bình thịnh trị.
D. Có người hậu thế đồng cảm chia sẻ với mình về nỗi đau tài mệnh tương đố.
Câu 4: Nội dung chủ đạo toát ra từ bài thơ Cảnh ngày hè là:
A. Tâm hồn yêu thiên nhiên, khát vọng của người anh hùng cái thế.
B. Tâm hồn yêu thiên nhiên, lánh đục về trong của người quân tử.
C. Tâm hồn yêu thiên nhiên, khát vọng cao cả gắn liền với tấm lòng thương dân của bậc trí giả.
D. Tâm hồn yêu nước, yêu dân sâu sắc.
Từ việc trả lời các câu hỏi trên và quá trình tìm hiểu bài thơ, em hãy khát quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Cảnh ngày hè.
Dặn dò:
-Học sinh làm bài tập phần Luyện tập trong SGK tr.119.
- Chuẩn bị soạn bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong SGK tr.128 – 129.
|
III – Tổng kết
- Nội dung: bức tranh thiên nhiên ngày hè bình dị, dân dã; tâm hồn Nguyễn Trãi chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu dân, yêu nước.
- Nghệ thuật: sử dụng thành công những câu thơ lục ngôn xen vào những câu thơ thất ngôn, ngôn ngữ bình dị mộc mạc.
- Ghi nhớ SGK tr.119.
|
D– RÚT KINH NGHIỆM SAU GIỜ DẠY