Lý luận văn học

THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG RUBRIC ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC VIẾT VĂN THUYẾT MINH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


06-06-2023

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

Viện Sư phạm Xã hội, Đại học Vinh

Tóm tắt. Dạy học và kiểm tra – đánh giá theo định hướng phát triển năng lực là điểm thay đổi quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018. Văn thuyết minh là dạng thức cơ bản của văn bản thông tin, loại văn bản quan trọng ở Chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông từ sau 2018. Bài viết đề xuất quy trình thiết kế và sử dụng mô hình rubric đánh giá năng lực viết văn thuyết minh cho học sinh trung học phổ thông như một công cụ đánh giá hỗ trợ học tập nhằm đáp ứng định hướng kiểm tra – đánh giá theo năng lực của chương trình.

Từ khóa: Rubric, đánh giá hỗ trợ học tập, năng lực viết, văn thuyết minh.

1.Mở đầu

Trong Chương trình môn Ngữ văn Trung học phổ thông (THPT) 2018 [1], văn thuyết minh là dạng cơ bản của văn bản thông tin, một trong những nội dung dạy học quan trọng và xuyên suốt cùng với văn bản văn học và văn bản nghị luận. Đây là kiểu văn bản xuất hiện khá phổ biến trong đời sống, vì vậy việc dạy học văn bản thông tin nói chung, văn thuyết minh nói riêng cần được cụ thể hóa thông qua việc hình thành cho học sinh các kĩ năng giao tiếp quan trọng bao gồm đọc, viết, nói và nghe. Bên cạnh đó, sự thay đổi hệ hình giáo dục từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực đã tác động và làm chuyển biến sâu sắc mọi quá trình dạy học, trong đó có hoạt động kiểm tra – đánh giá. Nhu cầu đổi mới căn bản hình thức kiểm tra – đánh giá theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi việc ứng dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức và phương tiện đánh giá đối với mọi kĩ năng và năng lực cụ thể. Trong bối cảnh đó, theo chúng tôi, việc sử dụng rubric - công cụ đánh giá tham chiếu theo tiêu chí là một trong những phương tiện hiệu quả nhất nhằm đánh giá năng lực của học sinh, đặc biệt ở năng lực viết văn thuyết minh.

Trên thế giới, việc sử dụng rubric trong dạy học và đánh giá viết đã xuất hiện từ lâu và khá rộng rãi. Rubric, trong công trình nghiên cứu của Heidi Goodrich Andrade, Role of Rubric- Referennce Self-Assessment in Learning to Write [2] được đánh giá là một công cụ tự đánh giá tin cậy trong quá trình học viết của học sinh. Trong khi đó, Rezaei, A. &Lovorn, M. ở công  trình nghiên cứu Reliability and Validality of Rubric Assessment through Writing [3] một mặt khẳng định độ tin cậy và giá trị của rubric trong đánh giá hoạt động viết mặt khác đề xuất một cách tiếp cận khoa học và khách quan đối với cách thức và phạm vi sử dụng của rubric trong thực tế, tránh tình trạng áp dụng một cách mơ hồ và máy móc. Ở Việt Nam, trong xu hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, rubric bắt đầu được quan tâm và nghiên cứu trong việc thay đổi quan niệm về kiểm tra – đánh giá đối với nhiều môn học trong đó có Ngữ văn.  Đặc biệt, phạm vi sử dụng của rubric thường tập trung ở năng lực tạo lập văn bản. Nhóm tác giả Mai Bích Huyền, Nguyễn Thị Hồng Nam (2014) trong công trình Tiêu chí đánh giá bài luận – một trong những công cụ phát triển năng lực tạo lập văn bản cho học sinh [4] đã cho thấy những ưu thế của việc ứng dụng rubric trong xây dựng các mô hình đánh giá các bài luận thuộc nhiều kiểu loại như thuyết minh, nghị luận xã hội. Đi sâu hơn ở việc tiếp cận năng lực, tác giả Nguyễn Thành Ngọc Bảo (2017) đã xây dựng Mô hình rubrics đánh giá năng lực tạo lập văn bản nghị luận xã hội của học sinh trung học phổ thông [5] căn cứ trên các thành tố của cấu trúc năng lực. Riêng với văn bản thuyết minh, gần đây nhất nhóm tác giả Trịnh Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Thủy (2018) đã Thiết kế Rubric đánh giá bài viết văn thuyết minh của học sinh lớp 8 [6]. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nào đề cập đến việc sử dụng rubric trong đánh giá năng lực viết với tư cách năng lực chuyên biệt, một thành tố cụ thể trong năng lực chung về tạo lập văn bản. Đồng thời, do Chương trình môn Ngữ văn mới bắt đầu thực hiện ở những bước đầu tiên, nội dung dạy học cụ thể vẫn nằm trong dự thảo về sách giáo khoa vì vậy việc tiếp cận đối với văn bản thuyết minh ở THPT còn khá hạn chế. Trên cơ sở đó, chúng tôi lựa chọn nghiên  cứu việc đánh giá năng lực viết văn thuyết minh của học sinh thông qua thiết kế và sử dụng rubric nhằm gợi dẫn một phương án đổi mới hiệu quả và tích cực không chỉ trong hoạt động kiểm tra – đánh giá mà cả trong toàn bộ quá trình dạy học theo hướng phát triển năng lực.

2.Nội dung nghiên cứu

2.1.Cơ sở của việc thiết kế và sử dụng Rubric đánh giá năng lực viết bài văn thuyết minh cho học sinh trung học phổ thông

2.1.1.Những điểm mới trong quan niệm về kiểm tra – đánh giá và ưu thế của rubric trong kiểm tra – đánh giá năng lực

Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi tích cực, hạn chế được những điểm bất cập so với chương trình hiện hành. Nhìn chung, chương trình Ngữ văn hiện hành do chủ yếu tập trung vào cung cấp kiến thức cho học sinh vì vậy chưa hướng học sinh đến việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực. Ngoài ra, tính tích hợp và tính phân hóa trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành thể hiện chưa rõ ràng. Có thể thấy, điểm khác biệt rõ nhất giữa chương trình mới và chương trình hiện hành ở tất cả các môn học, trong đó có Ngữ văn, là ở mục tiêu giáo dục. Chương trình mới nhấn mạnh mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực. Chính cách tiếp cận mục tiêu này đã chi phối và làm thay đổi các yếu tố khác, đặc biệt là phương pháp dạy học và hình thức, phương pháp kiểm tra – đánh giá.

Ngoài việc hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung, Chương trình môn Ngữ văn còn vì mục tiêu đặc biệt là “giúp học sinh phát triển năng  lực ngôn ngữ và năng lực văn học; rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hóa; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các sản phẩm thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống” [1; 5]. Chương trình cũng định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các năng lực đặc thù, tập trung vào phương pháp dạy đọc, phương pháp dạy viết, phương pháp dạy nói và nghe. Như vậy, 4 kĩ năng đọc, viết, nói và nghe sẽ tạo thành một trục chiến lược và trọng tâm để các hoạt động cụ thể xoay quanh nó, hướng về nó và việc kiểm tra, đánh giá cũng không nằm ngoài trục.

Quan niệm về kiểm tra – đánh giá trong giáo dục hiện nay đang có những thay đổi sâu sắc và linh hoạt. Cụ thể, ở phương diện đối tượng, kiểm tra – đánh giá không chỉ là công việc một chiều của giáo viên, người làm giáo dục… mà được mở rộng nhiều chiều với sự tham gia của tất cả các thành tố giáo dục bao gồm cả tự đánh giá (self-assessment) của bản thân học sinh. Tự đánh giá vừa là nhu cầu và là động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển năng lực của người học. Ở phương diện mục tiêu, kiểm tra – đánh giá được xây dựng trên ba chiều kích: (1) Đánh giá học tập (Assessment of learning), (2) Đánh giá hỗ trợ học tập (Assessment for learning), (3) Đánh giá để học tập/Tự đánh giá (Assessment as learning). Bảng so sánh dưới đây cho thấy sự khác biệt giữa các hình thức kiểm tra – đánh giá:

 

Đánh giá học tập

Đánh giá hỗ trợ học tập

Đánh giá để học tập/ (Tự đánh giá)

Người thực hiện

Giáo viên (GV)

Giáo viên, học sinh

Học sinh (HS)

Mục đích

Giúp GV hoàn thiện bài giảng, phương pháp dạy học.

Giúp nhà  trường xác định được HS đạt các kết quả học tập được kỳ vọng

Giúp GV hoàn thiện bài giảng, phương pháp dạy học.

Giúp HS biết được mức độ đạt được hoạt động học tập và hướng cải thiện

Giúp HS tự đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức, kĩ năng  trong quá trình học (thông qua phản hồi của GV, HS khác)

Phương tiện/Phạm vi

Hệ thống bài kiểm tra, bài thi kết thúc môn học, lớp học, cấp học.

Hệ thống phiếu đánh giá, rubric, checklist…

Hệ thống bài tập môn học, bài tập trắc nghiệm…

Nhìn trên bảng đối chiếu, có thể thấy sự xuất hiện của rubric với ưu thế của công cụ đánh giá hỗ trợ học tập, phù hợp trong bối cảnh giáo dục lấy người học làm trung tâm. Cho đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa về rubric như Andrade Goodrich H. (1996), Steven D.D (2005), Reddy Y.M (2007)… Tựu trung, quan điểm về rubric đều có những điểm gặp gỡ: là thang đánh giá đo lường, chấm điểm giá việc học tập thông qua hệ thống các tiêu chí, mô tả cụ thể dưới dạng bảng biểu, thể hiện những mong đợi và kỳ vọng cụ thể của người đánh giá đối với người được đánh giá. Rubric gồm hai loại: rubric định lượng (Analytic rubric) và rubric định tính (Holistic rubric). Về cơ bản một rubric luôn đảm bảo ít nhất 3 phần: các tiêu chí đánh giá (Evaluation Criteria), các mô tả chất lượng (Quality Definition) và cách thức cho điểm (Scoring Stratery). Ở góc độ lý thuyết, rubric mang tính xây dựng và công khai với nghĩa học sinh có thể biến quá trình kiểm tra đánh giá trở nên chủ động và hữu ích đối với việc học tập của bản thân. Rubric giúp cho công việc học tập trở nên rõ ràng, có tổ chức và có thể kiểm soát được. Nhờ sử dụng rubric, khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, giữa dạy và học được thu hẹp lại. Từ đó, cả giáo viên và học sinh đều có thể kiến tạo được quá trình dạy và học chất lượng, đạt đích thông qua việc tối ưu hóa các ưu điểm của rubric. Đối với dạy học viết, sử dụng rubric sẽ giúp học sinh nâng cao năng lực viết bằng việc gợi dẫn những gì được mong đợi trong bài văn, đồng thời kích thích nhu cầu tự đánh giá của học sinh bằng cách để học sinh cùng tham gia vào quá trình xây dựng rubric, gửi phản hồi về việc tự đánh giá.

2.1.2.Vị trí của văn thuyết minh trong Chương trình môn Ngữ văn 2018 và cấu trúc năng lực viết văn thuyết minh

Ở chương trình môn Ngữ văn hiện hành, phân loại theo phương thức biểu đạt, văn thuyết minh là một trong 6 kiểu văn bản quan trọng được dạy để giúp tiếp nhận và tạo lập (đọc – viết) văn bản. Theo định nghĩa của sách giáo khoa Ngữ văn 10, đây là kiểu văn bản xuất hiện thông dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhằm “giới thiệu, trình bày chính xác khách quan  về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị… của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề thuộc tự nhiên, xã hội và con người” [7; 165]. Sang Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành tháng 12/2018, hệ thống văn bản được lựa chọn gồm 3 dạng cơ bản là văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Văn bản thuyết minh với những đặc điểm như đã đề cập là một dạng nằm trong văn bản thông tin, loại văn bản có mục đích truyền tải thông tin về thế giới tự nhiên và xã hội. Từ Tiểu học và Trung học cơ sở, học sinh đã được làm quen với văn thuyết minh. Các yêu cầu cần đạt đối với kĩ năng viết văn thuyết minh ở từng cấp cụ thể như sau:

CẤP HỌC

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

Tiểu học

Viết đoạn văn và bài văn thuyết minh về sự vật và các hoạt động gần gũi với cuộc sống của chính các em.

Trung học cơ sở

Viết được văn bản thuyết minh về những vấn đề gần gũi với đời sống và hiểu biết của học sinh với cấu trúc thông dụng.

Trung học phổ thông

Về văn bản thuyết minh, chương trình chủ yếu yêu cầu viết về những vấn đề có tính khoa học dưới hình thức báo cáo nghiên cứu có những quy ước thông lệ; biết kết hợp thuyết minh với các yếu tố nghị luận, tự sự, miêu tả, biểu cảm khi cần, kết hợp các thông tin khách quan với cách nhìn nhận, đánh giá mang dấu ấn cá nhân của người viết

Như vậy, mức độ khó của yêu cầu cần đạt đối với năng lực viết tịnh tiến theo các cấp học.

Do đó, việc đánh giá năng lực viết văn thuyết minh không hề đơn giản.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (2018), “năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt được kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể” [8; 37]. Ngoài các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) , hai năng lực chuyên biệt của môn Ngữ văn là năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong quan điểm xây dựng,  chương trình xác định lấy các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt, ở đó, năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ sẽ tích hợp và hòa kết trong mọi hoạt động và nhiệm vụ học tập thực tế. Điều này hoàn toàn khác với quan niệm phổ biến trước đây vốn phân chia năng lực chuyên biệt của môn Ngữ văn thành hai năng lực cơ bản là năng lực tiếp nhận văn bản và năng lực tạo lập văn bản. Năng lực viết vì vậy chính là sự tổng hòa các thành tố gồm kiến thức, kĩ  năng và thái độ để tạo ra một văn bản dạng viết hoàn chỉnh theo một phương thức biểu đạt nhất định. Theo đó, năng lực viết văn bản thuyết minh được hiểu là khả năng tạo ra một văn bản thuyết minh ở dạng viết, hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, thể hiện cách thức tổ chức và xây dựng văn bản theo đúng phong cách văn bản thuyết minh. Dựa theo mô hình cấu trúc năng lực của nhóm tác giả Mai Bích Huyền, Nguyễn Thị Hồng Nam (2014) [4] và tác giả Nguyễn Thành Ngọc Bảo (2017) [5], chúng tôi đề xuất cấu trúc thành phần của năng lực viết văn thuyết minh sẽ bao gồm các thành tố như sau:

  1. Nhận biết vấn đề thuyết minh
  2. Tập trung vào mục đích viết và người đọc giả định
  3. Tổ chức nội dung thông tin thuyết minh
  4. Tổ chức hình thức văn bản phù hợp với đặc trưng kiểu bài thuyết minh
  5. Lựa chọn phương pháp thuyết minh
  6. Diễn đạt thuyết phục
  7. Sáng tạo

2.2.Quy trình thiết kế Rubric đánh giá năng lực viết văn thuyết minh

Bước 1: Xác định các tiêu chí đánh giá cho Rubric

Cơ sở để xây dựng các tiêu chí cho rubric đánh giá năng lực viết văn thuyết minh mà chúng tôi đề xuất dựa trên các thành tố cấu trúc năng lực viết như đã trình bày ở trên và đặc trưng của kiểu văn bản thuyết minh. Các tiêu chí đánh giá bắt buộc phải gắn liền với mục tiêu đánh giá cụ thể và dễ đo lường. Dưới đây là các mục tiêu đánh giá của năng lực viết văn thuyết minh cho học sinh THPT:

  • Đánh giá kĩ năng nhận biết và xác định vấn đề cần thuyết minh
  • Đánh giá kĩ năng xác định mục đích thuyết minh và người đọc giả định
  • Đánh giá kĩ năng kiến thức và hiểu biết của người viết về vấn đề thuyết minh
  • Đánh giá kĩ năng tổ chức bài văn theo đúng kiểu văn thuyết minh
  • Đánh giá kĩ năng lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh
  • Đánh giá kĩ năng diễn đạt để thuyết phục
  • Đánh giá thái độ, hứng thú, niềm tin… của người viết đối với vấn đề thuyết minh
  • Đánh giá sự sáng tạo về quan điểm và cách thức diễn đạt

Các mục tiêu được mô tả cụ thể tương ứng với từng tiêu chí đánh giá năng lực viết văn thuyết minh ở bảng dưới đây.

Bảng 1. Mô tả các tiêu chí để đánh giá trong rubric đề xuất

TIÊU CHÍ

MỤC TIÊU ĐÁNH GIÁ

Vấn đề thuyết minh

Xác định đúng vấn đề cần thuyết minh

Cấu trúc bài văn

Triển khai bố cục bài văn thành ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) rõ ràng, cân đối; tổ chức kết cấu theo một trình tự thuyết minh hợp lý và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của kiểu văn thuyết minh.

Nội dung thuyết minh

Lựa chọn và trình bày thông tin chuẩn xác, khách quan và hấp dẫn;  thông điệp rõ ràng; sử dụng các dẫn chứng và số liệu chính xác và khoa học; đưa ra các quan điểm cá nhân về cách nhìn nhận và đánh giá đối với vấn đề thuyết minh.

Phương pháp thuyết minh

Lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh phù hợp, hiệu quả với mục đích thuyết minh và người đọc giả định; biết lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm và nghị luận khi cần trong quá trình thuyết minh.

Diễn đạt

Tuân thủ các quy định về chính tả, dùng từ và đặt câu; sử dụng đúng những quy ước thông lệ và cước chú; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng theo đúng yêu cầu của phong cách văn thuyết minh.

Sáng tạo

Có những quan điểm độc đáo, sâu sắc; cách diễn đạt mới mẻ, mang màu sắc cá nhân.

Bước 2: Xác định mức điểm cho từng tiêu chí đánh giá

Căn cứ vào mục tiêu và chuẩn kiến thức cần đạt đối với kiểu văn thuyết minh, chúng tôi đề xuất các trọng số điểm tương ứng cho từng tiêu chí để đánh giá năng lực viết bài văn thuyết minh của học sinh như sau:

Với tiêu chí Vấn đề thuyết minh, chúng tôi đề xuất mức điểm là 15%. Đây là yêu cầu quan trọng cần đạt được trước tiên đối với học sinh khi viết bài văn thuyết minh. Chỉ khi xác định đúng vấn đề và phạm vi của đề bài, học sinh mới có thể huy động kiến thức hiểu biết và lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp với đối tượng cần thuyết minh. Việc nhận diện chuẩn xác, rõ ràng vấn đề do đó là bước đầu tiên để định hình năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề của học sinh.

Trong đối sánh với các kiểu loại văn bản khác, tính chuẩn xác và hấp dẫn là đặc điểm quan trọng để nhận diện văn bản thuyết minh. Mục đích của văn bản thuyết minh là cung cấp những tri thức về sự vật khách quan nhằm giúp cho hiểu biết của người đọc (người nghe) thêm chính xác và phong phú. Nếu lập luận là đặc trưng của văn nghị luận thì ở văn bản thuyết minh, việc tổ chức nội dung thông tin và lựa chọn phương pháp thuyết minh là hai tiêu chí vô cùng quan trọng để đánh giá việc hình thành năng lực viết văn thuyết minh ở học sinh. Đặc biệt, ở cấp THPT, yêu cầu về nội dung và phương pháp thuyết minh đặt ra tương đối phức tạp. Cụ thể trong nội dung thuyết minh, học sinh phải biết lựa chọn thông tin chuẩn xác, khách quan và phong phú; sử dụng các dẫn chứng và số liệu chính xác, khoa học và có nguồn gốc xác thực; biết lồng ghép và kết hợp giưa tri thức khách về vấn đề với cách nhìn nhận và đánh giá mang màu sắc cá nhân. Bên cạnh đó, trong tiêu chí phương pháp thuyết minh, các yêu cầu về năng lực được phân thành việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh một cách đa dạng,  hiệu quả kết hợp với việc lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm và tự sự, phù hợp với mục đích thuyết minh và người đọc giả định. Hai tiêu chí Nội dung thông tin thuyết minh Phương pháp thuyết minh vì thế lần lượt chiếm 30% và 20% tổng thang điểm.

Xét trên phương diện hình thức, Cấu trúc bài văn Diễn đạt là hai tiêu chí thể hiện rõ ràng các mức độ đạt được năng lực viết của học sinh. Vì thế, cả hai tiêu chí đánh giá quan trọng này đều sẽ chiếm 15% trọng số điểm. Ở tiêu chí Cấu trúc bài văn, chúng tôi phân thành các yêu cầu về bố cục và kết cấu. Cụ thể, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong tạo lập bố cục văn bản (với ba phần mở bài, thân bài, kết bài cân đối, hợp lý) vốn đã được rèn luyện từ các lớp trước, chúng tôi nhấn mạnh hơn ở kết cấu của bài viết do chương trình Ngữ văn THPT yêu cầu học sinh phải có năng lực tổ chức bài viết theo những nguyên tắc đảm bảo đặc trưng thể loại và kiểu văn bản. Cụ thể, trong văn bản thuyết minh, kết cấu bài viết cần được tổ chức theo một trình tự nhất định như trình tự thời gian, trình tự không gian, trình tự logic hay trình tự hỗn hợp. Việc tuân thủ theo trình tự thuyết minh như vậy sẽ đảm bảo tính nhất quán và thống nhất trong nội dung thông tin của bài văn. Ở tiêu chí Diễn đạt, năng lực viết của học sinh sẽ được đánh giá trên các mức độ gồm: làm chủ được các quy tắc chính tả, dùng từ và đặt câu; sử dụng đúng các quy ước và cước chú khoa học; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc phù hợp phong cách văn thuyết minh.

Cuối cùng, với tiêu chí Sáng tạo, chúng tôi đề xuất mức điểm phù hợp là 5%. Thực tế, trong mỗi tiêu chí đã xét ở trên đều có sự lồng ghép yếu tố sáng tạo. Tuy nhiên, khi đánh giá trên tổng thể quá trình đạt được năng lực và biểu thị trên sản phẩm, cần thiết phải đặt Sáng tạo như một tiêu chí độc lập riêng để thấy được sự hòa kết giữa các thành tố của năng lực bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ. Điều này đòi hỏi năng lực viết văn thuyết minh phải trình bày và chuyển hóa được quan điểm và cách nhìn nhận độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân, cá tính của người viết.

Dưới đây là các mức điểm cụ thể cho từng tiêu chí đánh giá năng lực viết văn thuyết minh của học sinh THPT (theo thang 10).

Bảng 2. Các mức điểm cho từng tiêu chí đánh giá trong rubric đề xuất

Vấn đề TM

Cấu trúc bài văn

Nội dung TM

Phương pháp TM

Diễn đạt

Sáng tạo

0 – 1.5

0 – 1.5

0 – 3

0 – 2

0 – 1.5

0 – 0.5

Bước 3: Xác định các mức độ đánh giá và gia tăng các mô tả cụ thể cho mỗi mức độ

Trong Rubric đề xuất, chúng tôi đề xuất 04 mức độ để đánh giá năng lực viết bài văn thuyết minh, đó là: Thành thạo, Đạt yêu cầu, Bắt đầu hình thành Chưa đạt. Bốn mức độ được sắp xếp từ cao nhất đến thấp nhất, tương ứng với các mốc quá trình hình thành của năng lực viết. Đặc biệt, các mức độ được xây dựng trên nguyên tắc công khai, phân hóa và dễ đo lường nhằm hướng tới khả năng đánh giá, tự đánh giá và đồng đánh giá của cả giáo viên và học sinh. Các mô tả cho mỗi tiêu chí đánh giá được diễn đạt bằng các động từ theo thang đo năng lực Bloom, ranh giới có sự phân cấp rõ ràng, cụ thể giữa các mức độ. Đối chiếu ma trận hai chiều ngang (tiêu chí) và chiều dọc (mức độ đạt được của tiêu chí), học sinh hoàn toàn có thể tự đo lường năng lực thực tế của mình, theo dõi sự tiến bộ của bản thân từ đó thúc đẩy quá trình tự đánh giá để hỗ trợ học tập (Assessment as learning).

  1. Đề xuất mô hình Rubric đánh giá năng lực viết văn thuyết minh cho học sinh THPT Căn cứ trên yêu cầu cần đạt về kĩ năng viết đối với văn bản thuyết minh ở chương trình  Ngữ văn THPT, chúng tôi thiết kế rubric bao gồm 05 tiêu chí và 04 mức độ cụ thể như đã đề xuất ở trên. Đây sẽ là thang đo chung áp dụng cho mọi kiểu bài văn thuyết minh ở cấp THPT.

Tuy nhiên, khi giải quyết từng đề bài cụ thể, giáo viên sẽ phải vi chỉnh và hiện thực hóa các tiêu chí và mức độ theo yêu cầu thực tế.

 

TIÊU CHÍ

CÁC MỨC ĐỘ ĐẠT ĐƯỢC TIÊU CHÍ

Mức độ 1

(Thành thạo)

Mức độ 2

(Đạt yêu cầu)

Mức độ 3 (Bắt đầu hình thành)

Mức 4

(Chưa đạt)

Vấn đề thuyết minh

(15%)

Xác định chính xác và hấp dẫn vấn đề thuyết minh

Xác định đúng và rõ ràng vấn đề thuyết minh

Xác định được vấn đề thuyết minh

Xác định chưa đúng vấn đề thuyết minh

 

 

 

 

Cấu trúc bài văn (15%)

Triển khai bài viết đầy đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết  bài). Cấu trúc ba phần tổ chức cân đối, hợp lý.

Triển khai  bài viết đầy đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Cấu trúc ba phần tổ chức cân đối.

Triển khai bài viết đầy đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).

Triển khai bài viết không hợp lý, không đầy đủ ba phần (mở bài, thân  bài, kết bài),

Tổ chức bài viết theo trình tự thuyết minh hợp lý và hiệu quả, thể hiện rõ thông điệp, giữa các phần có sự liên kết chặt chẽ và logic.

Tổ chức bài viết theo trình tự thuyết minh hợp lý, giữa các phần có sự liên kết.

Tổ chức bài viết theo một trình tự thuyết minh nhất định, rõ ràng.

Tổ chức bài viết lộn xộn, không theo một trình tự thuyết minh nhất định, thiếu mạch lạc và logic.

 

 

 

 

 

Nội dung thuyết minh (30%)

Lựa chọn thông tin thuyết minh chuẩn xác và phong phú. Chất lượng thông tin khách quan,  khoa học và hấp dẫn.

Lựa chọn thông tin thuyết minh chính xác, đầy đủ và khách quan.

Lựa chọn thuyết minh chính xác nhưng chưa đầy đủ, phiến diện.

Lựa chọn thông tin thuyết minh không phù hợp hoặc không chính xác, sơ sài.

Sử dụng dẫn chứng và số liệu chính xác, tiêu biểu, thuyết phục, có dẫn nguồn.

Sử dụng dẫn chứng và số liệu chính xác, hợp lý, có dẫn nguồn.

Sử dụng dẫn chứng và số liệu không phù hợp hoặc không dẫn nguồn.

Không có hoặc sử dụng dẫn chứng và  số liệu thiếu chính xác.

Lồng ghép và thể hiện  rõ  ràng  và  sâu

sắc quan điểm nhìn nhận    và    đánh  giá

Thể    hiện    quan điểm   nhìn   nhận

và đánh giá riêng đối   với   vấn   đề

Thể    hiện    cách nhìn nhận và đánh

giá đối với vấn đề thuyết   minh  còn

Không thể hiện được quan điểm

và   cách   đánh giá  đối  với vấn

 

mang dấu ấn cá nhân đối với vấn đề thuyết minh

thuyết minh.

chung        chung, không rõ ràng.

đề thuyết minh.

 

 

 

 

 

Phương pháp thuyết minh

(20%)

Lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh một cách nhuần nhuyễn, đa dạng và hiệu quả, phù  hợp với mục đích thuyết minh và người đọc giả định

Lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh hiệu quả, phù hợp với mục đích thuyết minh và người đọc giả định.

Lựa chọn, vận dụng  phương pháp thuyết minh nhưng chưa phối hợp được giữa các phương pháp để phù hợp với mục đích thuyết minh và người đọc giả định.

Lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh chưa đúng hoặc chưa phù hợp với mục đích thuyết minh và người đọc giả định.

Lồng ghép khéo léo và đa dạng các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm và nghị luận trong quá trình  thuyết minh.

Biết kết hợp một trong số các yếu miêu tả, tự sự, biểu cảm và nghị luận trong quá trình thuyết minh khi cần.

Thiên về trình bày thông tin, chưa lồng ghép được các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm và nghị luận khi cần.

Không biết kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm và nghị luận.

 

 

 

 

 

Diễn đạt (15%)

Viết đúng chính tả và ngữ pháp. Trình bày rõ ràng, sạch đẹp.

Viết đúng chính tả, mắc rất ít lỗi dùng từ và đặt câu.

Mắc một số lỗi chính tả và dùng từ và đặt câu.

Mắc rất nhiều lỗi chính tả, dùng từ và đặt câu.

Sử dụng chính xác và thành thạo các quy ước và cước chú chính xác.

Sử dụng đúng các cước chú và các quy ước khoa học

Sử dụng các quy ước và cước chú còn mắc lỗi

Không sử dụng hoặc sử dụng  sai các quy ước và cước chú.

Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, sâu sắc với sự phát triển về nội dung và hình thức phù hợp phong cách thuyết minh.

Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc với sự phát triển nội dung và hình thức phù hợp phong cách thuyết minh.

Tổ chức ngôn ngữ bài viết phù hợp phong cách văn bản thuyết minh.

Tổ chức ngôn ngữ bài viết không phù hợp với phong cách văn bản thuyết minh.

 

Sáng tạo (5 %)

Đưa ra những quan điểm độc đáo, sâu sắc; cách diễn đạt mới mẻ, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Đưa ra những quan điểm riêng; cách diễn đạt mới mẻ.

Đưa ra một số quan điểm riêng; cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu

Không đưa ra quan điểm, cách diễn đạt còn rối và vụng về.

2.4.Triển vọng ứng dụng của Rubric đánh giá năng lực viết bài văn thuyết minh cho học sinh THPT

Với hàng thập kỉ được nghiên cứu và ứng dụng phổ biến trên phạm vi toàn thế giới, rubric đã trở thành công cụ đánh giá tin cậy và giá trị trong nhiều lĩnh vực học tập, đặc biệt là đánh giá năng lực viết của học sinh. Tuy nhiên, Rezaei, A. &Lovorn, M. trong công trình nghiên cứu Reliability and Validality of Rubric Assessment through Writing cho rằng, việc sử dụng rubric chỉ thực sự diễn ra hợp lý, cần thiết và hiệu quả khi rubric ngoài được thiết kế chuẩn, có bối cảnh (chủ đề) rõ ràng, định tính, được bổ sung mẫu còn phải được phát triển ở phạm vi cụ thể với mục đích rõ ràng và nhóm học sinh tương ứng [3; 29-30]. Đối chiếu với rubric đánh giá năng lực viết bài văn thuyết minh vừa đề xuất, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của những chỉ dẫn về cách thức ứng dụng trên thực tế của mô hình này. Với tư cách công cụ đánh giá hỗ trợ học tập (Assessment as Learning), mô hình rubric đánh giá năng lực viết bài văn thuyết minh cho học sinh THPT sẽ được sử dụng trong tiến trình viết của học sinh bao gồm các giai đoạn: trước khi viết, trong khi viết và sau khi viết. Điều đặc biệt là cả giáo viên và học sinh có thể đều tham gia tích cực trong mọi khâu của tiến trình.

Trước tiên, đây là sẽ là bảng thiết kế các chuẩn đánh giá giúp cho học sinh mường tượng trước về sản phẩm của mình để lên ý tưởng và lập dàn ý cho bài viết. Hay nói cách khác, khi học sinh sử dụng rubric, các em sẽ hình dung một cách rõ nét về những gì mà giáo viên đòi hỏi, kỳ vọng đạt được ở mình, cụ thể ở năng lực viết văn thuyết minh từ đó sẽ chủ động hơn khi giải quyết các vấn đề học tập. Trong quá trình viết, việc đối chiếu và theo dõi rubric sẽ giúp học sinh thực hiện đúng hướng, không chệch ra khỏi các yêu cầu và mục tiêu của đề bài. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh có thể bổ sung và điều chỉnh rubric sao cho phù hợp với năng lực và tiến độ thực tế của người học. Thậm chí, giáo viên có thể sử dụng rubric như một phương tiện dạy học bằng cách hướng dẫn học sinh tự thiết kế các rubric tương tự để tự đánh giá các hoạt động và thao tác quá trình riêng rẽ như xác định đối tượng thuyết minh, lập dàn ý, tổ chức nội dung thuyết minh hay lựa chọn phương pháp thuyết minh… nhằm kiểm soát mức độ thành thục của các kĩ năng.

Sau khi viết, rubric ngoài chức năng công cụ hỗ trợ học tập và đánh giá quá trình (process) còn có thể được sử dụng như công cụ đánh giá học tập (Assessment for Learning), tức đánh giá sản phẩm (product). Rubric đề xuất sẽ bản tham chiếu cho giáo viên trong đánh giá và cho điểm bài văn thuyết minh một cách chuẩn xác và có căn cứ. Nhờ đó, tránh được tình trạng cho điểm dựa trên cảm tính, thiếu công bằng. Không chỉ vậy, điều quan trọng ở khâu đánh giá này chính là sự tiến bộ của học sinh luôn được nhìn nhận trong một quá trình thông qua nguyên tắc so sánh, đối chiếu và kiểm chứng kết quả đạt được với những tiêu chí và tiêu chuẩn đã thiết lập hoặc dự kiến trước khi viết.

Như vậy, rubric đánh giá năng lực viết văn thuyết minh do chúng tôi đề xuất không phải là một bản hướng dẫn khép kín mà mà ngược lại, mang tính mở, linh hoạt và phân hóa. Tùy thuộc phạm vi và mục đích sử dụng, rubric có thể vừa là phương tiện dạy học vừa là công cụ đánh giá năng lực song đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển năng lực học sinh.

3.Kết luận

Có thể khẳng định, năng lực viết văn thuyết minh là cơ sở quan trọng để hình thành nên năng lực tạo lập văn bản thuyết minh, một loại hình văn bản cụ thể của văn bản thông tin. Trong dạy học văn bản thông tin, việc dạy viết có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa năng lực tiếp nhận văn bản, đồng thời thúc đẩy các kĩ năng cụ thể như đọc, nói và nghe. Với những ưu thế  của một công cụ đánh giá hiện đại, rubric chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học văn bản thông tin – một nội dung vừa mới mẻ, hấp dẫn vừa chứa đầy thách thức ở chương trình Ngữ văn THPT. Trên cơ sở bám sát đặc trưng của thể loại văn bản và cấu trúc năng lực của học sinh, rubric đánh giá năng lực viết văn thuyết minh mà chúng tôi đề xuất trên đây sẽ là một gợi mở để thiết kế các rubric tương tự trong đánh giá các hoạt động và năng lực liên quan của học sinh, đáp ứng tinh thần kiểm tra đánh giá theo năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ sau 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông - Môn Ngữ văn (ban  hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
  2. Andrade, H., & Boulay, B., 2010. “Role of Rubric-Referenced Self-Assessment in Learning to Write”. Journal of Education Ressearch, 97(1), pp.21-30.
  3. Rezaei, A., & Lovorn, M., 2010. “Reliability and Validality of rubric for assessment through writing”. Assessment Writing, 15, pp.18-39.
  4. Mai Bích Huyền, Nguyễn Thị Hồng Nam, 2014. “Tiêu chí đánh giá bài luận – một trong những công cụ phát triển năng lực tạo lập văn bản cho học sinh”. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, số 62, tr.137-145.
  5. Nguyễn Thành Ngọc Bảo, 2017. “Mô hình rubrics đánh giá năng lực tạo lập văn bản nghị luận xã hội của học sinh trung học phổ thông”. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 10, tr.163-172.
  6. Trịnh Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Thủy, 2018. “Thiết kế Rubric đánh giá bài viết văn thuyết minh của học sinh lớp 8”. Tạp chí Giáo dục, số 432, tr.44-48.
  7. Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên), 2018. Ngữ văn 10 (tập 1, 2). Nxb Giáo dục.
  8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

NGUỒN: HNUE JOURNAL OF SCIENCE                                                           

Educational Sciences, 2020, Volume 65, Issue 9, pp. 34-43 

Post by: Khoa Ngữ văn
06-06-2023