Lý luận văn học

Phản ánh nghệ thuật nhìn từ phương thức tồn tại của tác phẩm văn học


22-03-2023

Tác giả: Mai Liên Giang// (Qua công trình Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács György của Trương Đăng Dung)

Lukács György là triết gia phương Tây nổi tiếng ở các lĩnh vực triết học, mỹ học. Các tác phẩm của ông đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tư duy lí luận văn học mácxít với vấn đề trọng tâm là đặc trưng của phản ánh nghệ thuật. Tuy nhiên, ở Việt Nam những công trình mỹ học quan trọng nhất của ông vẫn chưa được giới thiệu và nghiên cứu có hệ thống. Đa số các ý kiến phê phán về Lukács György chỉ dựa trên con người chính trị, không ai chú ý đến những thành tựu của ông về mỹ học. Năm 2018, công trình khoa học Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács György của Trương Đăng Dung được Nxb. Khoa học Xã hội ấn hành. Đây là công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về mô hình phản ánh nghệ thuật một cách nghiêm túc, đóng góp quan trọng vào quá trình nghiên cứu tư duy mỹ học và lí luận văn học mácxít.

Từ các công trình Các vấn đề của khoa học văn học, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Tác phẩm văn học như là quá trình... đến Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács György, tác giả đã đặt ra những vấn đề nghiên cứu lí luận văn học, mỹ học quan trọng, chuyên sâu một cách bài bản trên cơ sở học thuật. Công trình nghiên cứu lần này cho thấy mô hình phản ánh nghệ thuật một khi được nghiên cứu nghiêm túc, sẽ là tri thức khoa học văn học quan trọng giúp người đọc hiểu sâu hơn những vấn đề phức tạp liên quan đến chủ nghĩa hiện thực, đến những đặc điểm của văn học Việt Nam hiện đại. Từ những năm 1990, Trương Đăng Dung đã bắt đầu cho in những công trình lí luận, mỹ học có quy mô, tác động đến quá trình đổi mới tư duy lí luận văn học ở Việt Nam. Việc nghiên cứu về Lukács György của ông thực chất đã được bắt đầu từ những năm 1970, khi ông còn là sinh viên của trường Đại học Tổng hợp Budapest, nhưng đến hơn hai mươi năm sau ông mới viết bài đầu tiên về Lukács György. Điều đó cho thấy Trương Đăng Dung đã nghiên cứu kỹ về Lukács György như thế nào. Với sự xuất hiện của tác phẩm Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács György, lịch sử phát triển của mỹ học ở Việt Nam có thêm một công trình nghiên cứu mỹ học từ gốc. Quan điểm mỹ học văn học về vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực khách quan, là mô hình phản ánh trong nghệ thuật đã được Trương Đăng Dung đặt ra một cách nghiêm túc trong nghiên cứu và sáng tác văn học. Nội dung cuốn sách cùng với sự xuất hiện các công trình dịch thuật công phu ở phần phụ lục đã cho thấy một đường hướng riêng biệt trong nghiên cứu, một khát vọng tiếp cận và đánh giá đúng những thành tựu của mỹ học mácxít của tác giả. Cách trình bày luận điểm trong các cuốn sách bao giờ cũng xuất phát từ gốc văn bản các trường phái triết học, mỹ học và các trào lưu triết học ngôn ngữ hiện đại, hậu hiện đại liên quan. Những vấn đề lí luận ông đưa ra đều dựa trên các văn bản khoa học gốc ông đã đọc, đã dịch.

Cuốn sách được mở đầu với cái nhìn tổng quát về các vấn đề có tính thời sự của lí luận văn học, mỹ học trên thế giới và đã được tác giả kết nối đưa ra những chính kiến cá nhân sâu sắc. Nhiều vấn đề mới liên quan đến sự phát triển một nền lí luận văn học, mỹ học được đặt ra ở đây. Bên cạnh việc giới thiệu Lukács György với mô hình phản ánh nghệ thuật ở cả những ưu điểm và nhược điểm của nó, những giới hạn của lí thuyết văn học nước ngoài ở Việt Nam cũng đã được tác giả gợi ra từ phần mở đầu như: vấn đề nghiên cứu giới thiệu lí thuyết văn học nước ngoài chưa có hệ thống; sự ngộ nhận về tính phổ quát và tính ngẫu nhiên lịch sử của lí thuyết văn học; sự chuyển giao lí thuyết văn học, giới hạn của mô hình phản ánh nghệ thuật đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy lí thuyết văn học mácxít và các nền văn học xã hội chủ nghĩa. Nội dung công trình được triển khai trong 4 chương. Dung lượng khoa học giữa các chương cân đối, phát triển theo mô hình diễn giải tăng tiến kết hợp với lối tư duy diễn dịch và quy nạp. Phương pháp tranh biện triết học được tác giả vận dụng tối đa khi đưa ra các kiến giải liên quan đến hướng mở của mỹ học Lukacs György.

Ở chương 1, tác giả đã giới thiệu, phân tích những giai đoạn phát triển của mỹ học Lukács György, đánh giá cơ bản, tổng quát về sự phát triển của tư duy mỹ học của Lukács qua các giai đoạn. Từ khởi nghiệp với Lịch sử tinh thần đến bước ngoặt với Chủ nghĩa hiện thực, tác giả phân tích sâu vấn đề văn học và dân chủ theo quan điểm của Lukács György. Đọc chương 1 người đọc hình dung rõ quá trình phát triển tư tưởng của Lukács György. Trong giai đoạn “khởi nghiệp” từ 1910 - 1930, Lukács György chịu ảnh hưởng khá lớn từ Alfred Kerr (1867 - 1948). Đây là nhà phê bình người Đức theo trường phái ấn tượng chủ nghĩa. Sau đó ông đã đến với trường phái Lịch sử tinh thần của Wilhelm Dilthey (Đức). Từ bước khởi điểm ấy, Lukács đã nhận thức sâu sắc rằng, muốn có một hệ thống mỹ học mới, bản thân ông phải từ chối những cái đã lỗi thời, lạc hậu. Lukács György không chỉ từ bỏ chủ nghĩa ấn tượng, mà còn chống lại xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Đối với Lukács György, nghệ thuật muốn đổi mới cần phải dựa vào sự ra đời của một nền văn hóa thẩm mỹ mới ở ngay trong lòng bản thân nó chứ không thể chờ đợi từ yếu tố nào bên ngoài bản thân nghệ thuật. Qua chương 1, tác giả giúp người đọc thấy được lộ trình tiếp cận tư tưởng có hệ thống của Lukács György. Văn phong trình bày các vấn đề ở đây vì vậy luôn ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể. Những xác quyết của tác giả đặt ra ở chương 1 thể hiện một nghệ thuật viết lôi cuốn người đọc nhập cuộc với những vấn đề lí luận mới. Khi phân tích giai đoạn khởi nghiệp với Lịch sử tinh thần, nhận xét về cuốn Lịch sử phát triển kịch hiện đại, tác giả cho rằng Lukács György “chưa nêu lên được những yếu tố cơ bản quyết định quá trình đó, mặc dù có nói đến việc ở Hungary chưa có một giai cấp tư sản đủ mạnh để có thể “làm xuất hiện” những vở kịch như ở phương Tây” [1-tr.24]. Phân tích bước ngoặt với Chủ nghĩa hiện thực của Lukács György, Trương Đăng Dung đã có đánh giá khách quan: “Mặc dù ông phê phán rất đúng những biểu hiện chống chủ nghĩa hiện thực của trào lưu tiên phong chủ nghĩa nhưng ông vẫn có cái nhìn sai lệch về một số nhà văn” [1-tr.32, 33]. Giới thiệu tác phẩm Văn học và dân chủ (1947) của Lukács György, tác giả đặt ra vấn đề “Cũng dễ hiểu là tại sao ở thời điểm đó nội dung học thuyết này của Lukács György đã bị những kẻ giáo điều chống lại kịch liệt” [1-34, 35]. Không trực tiếp đưa ra những quan điểm mỹ học văn học nhưng qua cách trình bày những quan điểm mỹ học của Lukács György, cách ông phân tích, luận giải sâu sắc lộ trình thay đổi tư tưởng, những thành tựu cũng như hạn chế của Lukács György ở đây, người đọc hiểu rằng Trương Đăng Dung mong muốn có một quan niệm đúng đắn về mỹ học văn học, đặc biệt là sự thể hiện một cách sâu sắc trong cả lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác, tiếp nhận, phê bình. Sau khi phân tích những quan điểm về văn học và dân chủ của Lukács György, tác giả chỉ ra những sai lầm trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội đã đè nặng lên đời sống nhân dân, cùng với đó là sức ép của quyền lực và chủ nghĩa duy ý chí đã làm cho lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vì thế mà trở nên giáo điều cứng nhắc. Ông phân tích: “Một thứ chủ nghĩa bảo thủ trong mỹ học đã xuất hiện: người ta đề cao một cách cực đoan những giá trị nào đó của văn học truyền thống và phủ nhận các giá trị khác của văn học đương đại... Một cơ chế xã hội và đời sống văn  học như đã nêu trên đây chính là mảnh đất tốt cho chủ nghĩa sơ lược trong văn học phát triển” [1-tr.37, 38]. Việc nghiên cứu vấn đề phản ánh nghệ thuật trong các công trình mỹ học của Lukács György vì thế sẽ góp phần khẳng định rõ hơn vai trò và những giới hạn của ông đối với quá trình phát triển tư duy lí luận văn học mácxít.

Ở chương 2, tác giả luận giải những vấn đề mỹ học cơ bản trên đường đến với chân lý khách quan và chân lí lịch sử của Lukács György. Vấn đề khách thể hóa trong phản ánh nghệ thuật, nghệ thuật và chân lí lịch sử được tác giả phân tích từ cội nguồn quan điểm lí thuyết đến sự thể hiện qua các ví dụ minh họa cụ thể. Với mục đích tập trung khai thác bản chất chủ nghĩa hiện thực của Lukács György qua các công trình: Nghệ thuật và chân lí khách quan; Tiểu thuyết lịch sử, tác giả đã đề cập đến những quan điểm của Lukács György trong mối liên hệ với mô hình phản ánh như nghệ thuật phản ánh hiện thực, sự khách thể hóa hình thức nghệ thuật, bản chất của chủ nghĩa hiện thực. Ở chương này, tác giả đã tạo cơ hội cho người đọc tiếp cận với hệ thống các quan niệm mỹ học của Lukács György về phản ánh nghệ thuật trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời hiểu rõ hơn mục đích nghiên cứu các vấn đề mỹ học cơ bản về phản ánh nghệ thuật của Lukács György được sản sinh từ sự phản ánh các vấn đề của tồn tại xã hội qua công trình Tiểu thuyết lịch sử (1937). Về vấn đề khách thể hóa trong phản ánh nghệ thuật, giải thích cội nguồn nguyên nhân tư tưởng này, tác giả nhận định: “Xuất phát từ sự khách thể hóa chân lí trong lí luận nhận thức của chủ nghĩa Marx-Lenin với việc thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới bên ngoài độc lập với ý thức con người, xem đây là yếu tố quan trọng để Lukács György xây dựng mô hình phản ánh nghệ thuật” [1-tr.42]. Ông cũng rất tinh tế khi đánh giá: “Lukács György, trong những năm ba mươi của thế kỷ trước, đã chạm đến vấn đề phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, một vấn đề cơ bản của lí thuyết tiếp nhận văn học, mặc dù mới chỉ đề cập đến một cách sơ lược” [1-tr. 49]. Là người nghiên cứu sâu về mỹ học tiếp nhận và có nhiều đóng góp cho lí luận văn học, hẳn đây là một nhận định, một tuyên bố quan trọng về đóng góp khoa học Lukács György mà Trương Đăng Dung đã suy nghĩ, trăn trở trong một thời gian dài. Tác giả biết rõ vấn đề khách thể hóa hình thức là một trong những vấn đề khó nhất và ít được nghiên cứu của mỹ học mácxít. Nghiên cứu vấn đề này từ các công trình Lukács György càng khó khăn hơn bởi nhiều lí do. Tư tưởng chống lại Lukács György, bài trừ Lukács György tồn tại đã quá lâu mà không ai đặt ra vấn đề khoa học này một cách nghiêm túc để giúp người đọc thế hệ sau nhận diện rõ hơn vị trí của mỹ học Lukács György. Khi nhận định thêm một lần nữa Lukács György đã dựa vào định nghĩa của Hegel về nội dung và hình thức, tác giả có kết luận “Lukács György nhấn mạnh thêm rằng sự chuyển hóa vào nhau của nội dung và hình thức càng mạnh và yếu tố hình thức càng đạt đến mức độ hoàn thiện nhất thì tác phẩm nghệ thuật càng ảnh hưởng một cách tự nhiên nhất” [1-tr.54].

Chương 3 tập trung phân tích vấn đề đặc trưng của phản ánh nghệ thuật thông qua đối tượng của phản ánh nghệ thuật và mối quan hệ giữa chủ thể - khách thể. Nội dung chương 3 giúp người đọc nhận thức rõ hơn vấn đề đặc trưng của phản ánh nghệ thuật đã được thể hiện trong công trình mỹ học quan trọng Đặc trưng của cái thẩm mỹ (1965) của Lukács György. Các luận điểm cơ bản của công trình được tác giả phân tích cả về những đóng góp cũng như hạn chế về mặt phương pháp tiếp cận đối tượng của Lukács György. Có thể nói, nếu không có phần giới thiệu và luận giải thấu đáo nội dung công trình Đặc trưng của cái thẩm mỹ của Trương Đăng Dung hẳn nhiều bạn đọc ở Việt Nam sẽ không biết đây là một trong những công trình mỹ học đồ sộ rất cần được dịch, được giới thiệu ở nước ta. Trương Đăng Dung đã luận giải về các quan điểm cơ bản như vật tự nó và vật cho ta, đối tượng của phản ánh nghệ thuật, mối quan hệ khách thể - chủ thể trong phản ánh nghệ thuật, từ đó cho thấy những giới hạn của phản ánh nghệ thuật trong mỹ học văn học. Để làm rõ hơn những đóng góp và hạn chế của hai nhà mỹ học mácxít về vấn đề này, tác giả đã so sánh, phân tích các lập luận của Lukács György và Ch. Caudwell sau khi giúp người đọc hiểu Ch. Caudwell qua việc phân tích tác phẩm Ảo ảnh và hiện thực. Không phải ngẫu nhiên ở các công trình khoa học và những bài thuyết trình khoa học dành cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh ở các trường đại học, Trương Đăng Dung thường hay nói về giới hạn của lí luận văn học mácxít, trong đó giới hạn về quan điểm phản ánh nghệ thuật được ông nói đến nhiều nhất. Ông cho rằng “Suốt một thời kỳ dài, nghiên cứu văn học vì thế chỉ quan tâm tới nội dung trong các tác phẩm văn học nhằm chứng minh một chân lí nào đó ở bên ngoài theo một hệ quy chiếu có sẵn” [1-tr.10]. Theo tác giả, nghiên cứu, giảng dạy văn học là để nhận ra vẻ đẹp của tác phẩm, chỉ ra được sự vận động của tư duy nghệ thuật qua từng giai đoạn phát triển của văn học chứ không phải chỉ quan tâm tới những yếu tố ngoài văn học qua việc đối chiếu nội dung của tác phẩm văn học với hiện thực bên ngoài. Vấn đề phản ánh nghệ thuật nhờ vậy đã được tác giả phân tích thấu đáo, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những đóng góp cũng như những giới hạn của mỹ học mácxít trong quá trình phát triển tư duy lí luận văn học ở Việt Nam.

Đóng góp quan trọng của chương 4 là ở việc vận dụng tư duy lí thuyết văn học hiện đại, hậu hiện đại để phân tích giới hạn của mô hình phản ánh nghệ thuật, nhìn nhận một cách khoa học mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trên cơ sở những ý kiến quan trọng về đặc trưng bản thể của văn bản văn học và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Những quan điểm mỹ học của Lukács György và những giới hạn của chúng đã được tác giả vận dụng những thành tựu của lí luận văn học hiện đại, hậu hiện đại một cách phù hợp để phân tích từ nhiều khía cạnh.

Về mặt phương pháp khoa học, ở nước ta, trong lĩnh vực nghiên cứu lí luận rất cần những công trình nghiên cứu các thành tựu lí thuyết văn học nước ngoài một cách hệ thống, đi từ gốc của vấn đề. Nói như Trương Đăng Dung, do nhiều lí do thì vẫn còn có hiện tượng nghiên cứu theo kiểu “hớt ngọn”. Vì vậy, việc nghiên cứu, giới thiệu tư tưởng mỹ học của Lukács György nhìn từ tư duy lí thuyết văn học hiện đại, hậu hiện đại là một thành tựu quan trọng của ông xét về mặt phương pháp. Từ phương pháp này, ông đã giúp người đọc tiếp cận với mỹ học, một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của Lukács György bên cạnh những công trình triết học khác. Bằng cách vận dụng sáng tạo linh hoạt phương pháp trong từng luận điểm cụ thể, tác giả đã giúp người đọc nhận thức đúng hơn về những giới hạn của mô hình phản ánh nghệ thuật đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy lí thuyết văn học mácxít và các nền văn học xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh việc giới thiệu, phân tích luận giải những vấn đề cơ bản trong tư tưởng mỹ học của Lukács György, tác giả đã trích dịch, đưa vào phần phụ lục các công trình mỹ học của các nhà mỹ học mácxít nổi tiếng khác có liên quan đến đặc trưng của phản ánh nghệ thuật. Nội dung các công trình Đặc trưng của cái thẩm mỹ, Nghệ thuật và chân lý khách quan của Lukács György, Ảo ảnh và hiện thực của Christopher Caudewell, Kafka của Ernst Fischer ở phần cuối của cuốn sách thực sự là những tài liệu quý, cần thiết cho những người nghiên cứu, giảng dạy văn học, mỹ học, lí luận văn học. Những vấn đề đặt ra từ các công trình này sẽ tiếp tục mở ra những suy nghĩ mới về vấn đề chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận trong tư duy lí luận văn học. Trên con đường học thuật, tác giả luôn ý thức về những khả năng và giới hạn của tư duy  khoa học để từ đó xác lập ý thức về sự vượt thoát giới hạn. Nói như một số nhà nghiên cứu khi nghiệm thu, đánh giá sách của Trương Đăng Dung thì đứng trước một tri thức khổng lồ như vậy của nhân loại, ông đã không đứng “kiễng chân” lên để phê phán, đánh giá mà chỉ xếp mình vào một vị trí học thuật xứng đáng, phù hợp tầm đón, dùng những thành tựu của học thuật để soi sáng những vấn đề học thuật với một thái độ khách quan, tôn trọng các giá trị khoa học của người đi trước. Ông đã từ học thuật để nghiên cứu đánh giá về học thuật. Các ý kiến ông đưa ra qua từng chương sách vừa có tính gợi dẫn đến việc xây dựng một nền mỹ học văn học ở Việt Nam, vừa có tính ứng dụng cao trong quá trình nghiên cứu tác phẩm văn học. Bên cạnh việc xác định những đóng góp của Lukács György đối với sự phát triển của mỹ học mác xít, tác giả đã chỉ rõ những giới hạn của nhà mỹ học qua mô hình phản ánh. Đây cũng là một vấn đề cơ bản, là điểm thu hút của Lukács György qua các công trình nghiên cứu của ông. Vận dụng hệ thống những nguyên tắc, thao tác phân tích, cắt nghĩa tác phẩm một cách khéo léo, tác giả đã để lại cho bạn đọc những trang viết hấp dẫn về nhà mỹ học Lukács György. Để có thành tựu này, ông đã xác lập được một lập trường đánh giá rõ ràng. Lập trường khoa học của ông không chỉ được tạo thành từ quan điểm triết học, chính trị, đạo đức mà chủ yếu là từ quan điểm học thuật có hệ thống. Các yếu tố này được tác giả thể hiện trong từng trang viết, hòa quyện với  nhau chặt chẽ, giúp ông có cái nhìn bao quát, có quy mô phù hợp khi so sánh, đối chiếu quan điểm của Lukács György với các quan điểm mỹ học khác. Chính nhờ sự vững vàng trong học thuật, ông đã tạo nên những luận điểm khoa học có tính nhất quán trong cuốn sách, giúp người đọc dễ lĩnh hội hơn về những vấn đề mỹ học. Tác giả đã tạo cơ hội cho người đọc cùng tham gia đối thoại với tư tưởng của nhiều triết gia trên thế giới có liên quan đến việc luận giải tư tưởng mỹ học của Lukács György như Christopher Caudewell, Ernst Fischer, R. Garaudy, P.Macherey, L.Goldman, Edmund Husserl, Martin Heidegger, S.Freud,Roman Ingarden, Hans Georg Gadamer, Hans Robert Jauss, Jaques Derrida, Paul Ricoeur, Paul de Man, Fedinand De Saussure, Friedrich Wilhelm Nietzsche, Hegel,Marx-Engels-Lenin… thậm chí đến cả các nghệ sĩ nổi tiếng như Van Gogh, Kafka, Balzac và cả các nhà văn được yêu quý của Việt Nam như Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng… Ông chỉ đưa ra những gợi ý về cách hiểu, còn quyền quyết định chân lý của các triết gia này vẫn cứ phụ thuộc vào sự hưởng ứng tích cực, sáng tạo của người đọc. Tác giả đã trao cho người đọc được tự do nắm giữ quyền lực ấy. Các câu hỏi trong cuốn sách vì thế đã khơi gợi, thu hút sự chú ý của bạn đọc, đồng hành với người đọc, “kêu gọi” người đọc cùng tham gia đối thoại trước các vấn đề lí thuyết quan trọng. Nếu dùng thao tác đọc chọn điểm, liên kết các câu hỏi trong công trình của Trương Đăng Dung, người đọc sẽ nhận ra logic của tư duy triết học khá thú vị. Bàn luận về công trình Nghệ thuật và chân lý khách quan ở quan điểm Lukács György cho rằng mỗi thời đại đều tạo cho mình một chủ nghĩa hiện thực riêng, ông liên tục đặt ra các câu hỏi: “Vấn đề muôn thuở là các nhà văn cần phải phản ánh trung thực những vấn đề cơ bản của thời đại như thế nào? ...Nếu người nghệ sĩ chỉ nắm bắt được các chi tiết và chỉ phản ánh những chi tiết đó thì làm sao anh ta có thể là nhà hiện thực?” [1-tr.29]... Một số câu hỏi gợi ra cho người đọc những suy nghĩ mới về mối quan hệ giữa khách thể và vai trò của chủ thể sáng tạo. Nhiều câu hỏi có tính vấn đề khoa học quan trọng cũng đã được tác giả đặt ra trong các luận điểm khiến người đọc bị cuốn hút, muốn được tham gia đối thoại. Đây cũng là biểu hiện của nghệ thuật xây dựng một kết cấu văn bản có tính vẫy gọi người đọc theo quan điểm của mỹ học tiếp nhận. Phương pháp này cũng được ông sử dụng khá hợp lý bằng cách thay đổi nhiều dạng cấu trúc câu hỏi khác nhau qua từng vấn đề khoa học [1-tr 47, 51, 55, 57, 65, 88, 89, 101, 115, 122]. Thậm chí có những lúc thủ pháp đối thoại trong nghiên cứu phê bình được tác giả sử dụng liên tục khi muốn có người đọc, hay nói cách khác là các cộng sự cùng vào cuộc với mình trong quá trình tranh luận. Cách viết này góp phần tăng thêm tính thuyết phục của các luận điểm ông cần hiện trình. Chẳng hạn, khi nói đến việc người ta nói nhiều về thiên chức cao cả của văn học, nghệ thuật, giao cho nó những nhiệm vụ lớn lao mà không hiểu biết thỏa đáng về bản chất của văn học nghệ thuật, hay vì những lợi ích chính trị nhất thời, một tổ chức chính trị có thể định hướng cho sáng tạo nghệ thuật mà không cần biết sáng tạo nghệ thuật là hành động tự biểu hiện, là sự thôi thúc bên trong của người nghệ sĩ, tác giả đặt ra hàng loạt câu hỏi liên tiếp “Tại sao Franz Kafka muốn đốt các tác phẩm của mình đi nhưng lại rất hạnh phúc khi viết chúng? ...Và điều mà các tác phẩm văn học muốn nói đó là tấm vé để bước qua cánh cửa của mọi thời đại? [1-tr.123]. Tất nhiên, trước khi đưa ra các câu hỏi mang tính liên kết, tác giả đã đặt ra những vấn đề cơ bản cần được lý giải về giới hạn của một mô hình lý thuyết. Vận dụng phương pháp này, hẳn tác giả đã hiểu rõ vai trò quan trọng của những cuộc đối thoại lớn mang tính học thuật sẽ còn mãi với thời gian. Vừa khẳng định, vừa khơi gợi sự tranh luận, cũng như biết để những khoảng trống thú vị cho các cộng sự cùng tham gia nghiên cứu là cách của Trương Đăng Dung. Mặt khác một số khái niệm, thuật ngữ mới, phương pháp sử dụng thao tác mô hình hóa trong nghiên cứu ở công trình của ông như khái niệm khách thể hóa [1-tr.42], đặc trưng bản thể [1-tr.6], sự phản ánh đúng đắn [1-tr.51], nỗi cô đơn bản thể, cô đơn thời gian [1-tr.124]… (chúng tôi chưa phân tích sâu ở đây) đã góp phần khẳng định thêm việc phân tích lý thuyết và các dẫn chứng mỹ học, văn học của ông có chiều sâu. Việc kết hợp các phương pháp nghiên cứu phong phú trong nghiên cứu vì vậy đã phát huy hiệu quả cao, giúp người đọc đi theo một đường hướng khoa học đầy say mê của nhà nghiên cứu tài hoa này. Là người đã nghiên cứu sâu về mỹ học tiếp nhận và có những tác phẩm thành công, hẳn ông hiểu rõ điều đó rất cần thiết cho bạn đọc thế hệ sau.

Công trình nghiên cứu đã mở ra nhiều suy nghĩ về mỹ học của Lukács György nói riêng và các nhà mỹ học mácxít nói chung về bản chất của mô hình phản ánh nghệ thuật nhìn từ phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Những ý kiến đánh giá về thành tựu và giới hạn của Lukács György chính là quá trình đối thoại theo cách riêng của một nhà lí luận nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của tư duy lý thuyết văn học ở Việt Nam. Đỗ Lai Thúy đã nhận định: “Nghiên cứu về ai, viết về vấn đề gì, Trương Đăng Dung đều ít nhiều dịch các công trình của họ hoặc về họ. Từ chuyên luận Tác phẩm văn học như là quá trình đến công trình này đều có phần phụ lục với những dịch phẩm quan trọng của ông. Điều này giúp người đọc hiểu sâu rộng hơn những gì ông viết, cũng như có điều kiện đối chiếu để tìm ra sự sáng tạo riêng của ông. Ngoài ra các dịch phẩm của Trương Đăng Dung còn có giá trị độc lập, cùng với những sáng tác thơ, tạo nên những chân dung khác của các nhà nghiên cứu tài ba này” [1-tr.294]. Trước thực trạng đời sống học thuật hiện nay, việc nghiên cứu, giới thiệu tư tưởng mỹ học của Lukács György ở nước ta là rất cần thiết. Cuốn sách của ông không chỉ giúp những người nghiên cứu hiểu hơn về mỹ học Lukács György mà còn nhận thức đúng những giới hạn của mô hình phản ánh nghệ thuật đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy lí thuyết văn học mácxít và các nền văn học xã hội chủ nghĩa. Những thông tin khoa học từ công trình đã khẳng định phong cách riêng của một nhà nghiên cứu lí luận văn học, mỹ học chuyên nghiệp với tinh thần luôn ý thức về trách nhiệm với xã hội, mà trước hết là với quá trình phát triển của mỹ học văn học.

M.L.G
(TCSH368/10-2019)
 

Tài liệu tham khảo:

[1] Trương Đăng Dung (2018), Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács György, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[2] Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[3] Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[4] Lý Trạch Hậu (1995), Bốn bài giảng về Mỹ học, (Trần Đình Sử và Lê Tẩm dịch), Nxb. ĐHQG Hà Nội.

[5] Vũ Minh Tâm (2000), Mỹ học Mác Lênin, Nxb. ĐHQG Hà Nội.

[6] Hêghen (1999), Mỹ học, Nxb. Văn học (Phan Ngọc giới thiệu và dịch).

[7] Denis Husmain (1998), Mỹ học, Nxb. Thế giới, Nguyễn Lộc dịch.

Source: http://tapchisonghuong.com.vn/ Post by: Khoa Ngữ văn
22-03-2023