1. Tìm một định nghĩa cho truyện cực ngắn, ngỡ là việc dễ, hóa ra, lại không đơn giản. Trước hết, là vì tên gọi, cùng một đối tượng nhưng có vô số cách định danh: ““flash fiction” (truyện chớp), “sudden fiction” (truyện thình lình), “postcard fiction” (truyện bưu thiếp), “furious fiction” (truyện hỏa tốc), “fast fiction” (truyện nhanh), “smoke-long fiction” (truyện khói), “micro-fiction” (vi truyện)… Julio Cortázar – nhà văn nổi tiếng người Argentina, có lần, còn gọi truyện cực ngắn là “những truyện chạy đua với đồng hồ” (los cuentos contra el reloj).
1.1. Khảo sát một vài từ điển thuật ngữ văn học thông dụng trên thế giới, như Từ điển thuật ngữ văn học do M.H.Abrams biên soạn (A Glossary of Literary Terms), Từ điển Penguin về thuật ngữ và lý thuyết văn học (The Penguin Dictionary of literary terms and literary theory)…dễ thấy: các mục từ về văn xuôi chỉ mới dừng lại ở “fiction” (truyện hư cấu) hay “short story” (truyện ngắn), chứ chưa có một mục riêng dành cho truyện cực ngắn. Sự thiếu vắng ấy có thể giải thích, khi ta biết: có quan niệm xem truyện cực ngắn chỉ là thứ phó sản của truyện ngắn. Hơn nữa, xoay quanh thể truyện sinh sau đẻ muộn này, thường có những ý kiến không đồng thuận về mặt nội hàm thuật ngữ: về dung lượng, truyện bao nhiêu từ thì gọi là truyện cực ngắn; về tính chất: đâu là biên giới giữa một truyện cực ngắn và một bài thơ văn xuôi (prose poem)?
Dĩ nhiên, giữa những dị biệt, không phải không có tương đồng. Các nhà nghiên cứu, hầu hết, đều cho rằng: nguồn gốc của truyện cực ngắn nói chung, truyện cực ngắn phương Tây nói riêng, có thể tìm thấy trong truyện dân gian, trong những ngụ ngôn, truyền thuyết, cổ tích, truyện đạo lý – “những truyện kể ngắn, giống như những lời ẩn ý, bài ngụ ngôn, theo truyền thống thường xây dựng nhằm mục đích giáo huấn”[3;377]. Với văn học viết, có thể xem ngụ ngôn của Aesop và tập Metamorphosis của Ovid thời cổ đại là những mẫu mực cho thể truyện này. Ở phương Tây, tiền thân của truyện cực ngắn, còn có thể tìm thấy trong những mục “tin vặt” trên báo chí. Theo Roland Barthes, trong “tin vặt”, đã tìm ẩn những yếu tố hấp dẫn của một “truyện mini”. Đó là “sự trục trặc nào đó trong quan hệ nhân quả” và “những sự trùng hợp đã thủ tiêu khoảng cách của những đối cực trong các tình thế của câu chuyện”[3;373].
1.2. Không dừng lại ở vấn đề nguồn gốc, tương quan giữa các ý kiến còn hướng đến đặc tính và thi pháp thể truyện. Nhanh, mạnh và hàm súc, “tạo ra được một cú sét đánh từ một nhúm chất liệu tối thiểu”(Julio Cortázar), cho thấy “những sự giàu có vô tận trong một căn phòng hẹp”(Keats) – đó là những phẩm tính của thể truyện. Nếu xét trên phương diện thể loại, truyện cực ngắn có sự dung hợp, hòa trộn giữa truyện và thơ, truyện và kịch, đúng như Charles Baxter, trong Lời dẫn nhập cuốn Sudden Fiction International đã nhận xét : “chúng nằm giữa thơ ca và truyện hư cấu, giữa truyện và phác thảo, giữa tiên tri và hồi ức, giữa cá nhân và tập thể.”[1;17-25].
2. Việc tìm hiểu những đường biên thể loại giúp hình dung rõ hơn những vấn đề thi pháp của truyện cực ngắn phương Tây. Trong tương quan với thơ ca và kịch, truyện cực ngắn soi chiếu cảm quan, đặc trưng thẩm mỹ của hoàn cảnh hiện đại và hậu hiện đại.
2.1. Trước hết, truyện cực ngắn – với “độ căng”, sự tối giản của dung lượng từ ngữ, thường ít chú trọng những yếu tố truyền thống của thể truyện, như: tình tiết cốt truyện, nhân vật. Câu chuyện về cuộc đời, số phận, tính cách nhân vật – nếu có, chỉ được giới thiệu một cách vắn tắt. Nó chỉ đóng vai trò làm khung nền, làm cầu nối để truyện được gọi là truyện. Làng gần nhất của Franz Kafka tiêu biểu cho truyện cực ngắn, trên phương diện này:
“Ông tôi thường nói: – Cuộc đời ngắn ngủi lạ thường. Với tôi, ngoái nhìn lại, cuộc đời dường như bị thu ngắn đến không thể hiểu, chẳng hạn, làm thế nào mà một chàng trai có thể quyết định cưỡi ngựa đến làng bên cạnh mà không lo ngại rằng – không nói đến những sự cố, ngay cả một cuộc đời may mắn bình thường, có thể cũng không đủ thời gian cho chuyến đi đó.”[5]
Về cú pháp, truyện chỉ gồm hai câu hoàn chỉnh. Truyện có hai nhân vật: người kể chuyện xưng “tôi” và người ông. Nhưng các nhân vật bị xóa mờ đường viền lịch sử: không họ tên, không nghề nghiệp, không có những đặc điểm ngoại hình, tính cách, hành động. Truyện xoay quanh lời tường thuật của nhân vật “tôi” về ý nghĩ của “ông tôi”. Ý nghĩ ấy cũng chỉ là giả thiết. Cho nên, có thể nói: không hề có một tình tiết, sự kiện thật sự nào được nhắc đến trong truyện cực ngắn này. Vậy, đâu là phương cách tốt nhất để tiếp cận Làng gần nhất của Kafka, cũng như bao truyện cực ngắn khác? Đặng Anh Đào hết sức tinh tế khi đề nghị một cách đọc, qua đó: “Người đọc không thể thấy cái gọi là “ý đồ”, mà đơn giản, chỉ cảm nhận một cách hồn nhiên mà thôi. Bởi vậy, đọc truyện của Kafka, ta chỉ cảm thấy dư ba của nó ngân lên trong tâm tưởng như một bài thơ”[3;374].
Truyện cực ngắn – bài thơ, tương giao giữa thể truyện này với thơ ca, không phải chỉ Đặng Anh Đào mới thấy. Trước Đặng Anh Đào, nhà văn người Mỹ Robert Fox đã hình dung những truyện cực ngắn như những bài thơ nhỏ, nhà văn Joyce Carol Oates cũng đã phát hiện: “hình thức tiết điệu của truyện cực ngắn gần với phong cách thơ ca hơn văn xuôi truyền thống”[7;296]. Sự gần gũi giữa truyện cực ngắn và thơ, có thể được nhìn nhận trên những phương diện sau.
2.1.1. Về phương thức biểu hiện, cả truyện cực ngắn lẫn thơ ca đều thiên về gợi hơn tả, sức hấp dẫn của chúng nằm trong những ám dụ “ý tại ngôn ngoại”. Trong truyện cực ngắn, tính chất gợi mở, trước hết, bắt nguồn từ dung lượng câu chữ vô cùng tiết giảm. Nó phải tìm cho mình cách thể hiện riêng, để qua một hạt cát, chiêm ngắm được cả vũ trụ. Thơ ca lẫn truyện cực ngắn đều sử dụng khả năng khơi gợi những kinh nghiệm thẩm mỹ nơi người đọc. Tập truyện trong thời đại chúng ta (in our time) của Ernest Hemingway, xuất bản tại Paris năm 1924, là những mảnh vỡ ký ức, như những vần thơ nhỏ, có khả năng khơi gợi, làm sống dậy bao khoảnh khắc hiện sinh của cuộc chiến tranh khốc liệt, của trận đấu bò tót, không khí ngột ngạt chốn lao tù… Tác phẩm gồm 18 chương, được kết dệt từ những truyện cực ngắn, đây là chương 4 của tập truyện:
“Chúng tôi ở trong một khu vườn tại Mons
Chàng Buckley bước vào, sau lúc tuần tra qua sông. Tên Đức đầu tiên tôi nhìn thấy đang trèo tường. Bọn tôi đợi đến khi hắn đưa được một chân qua rồi mới bắn. Hắn mang quá nhiều đồ, ngạc nhiên kinh khiếp rồi rơi xuống vườn. Sau đó, hơn ba tên nữa trèo lên phía cuối tường. Bọn tôi bắn chúng. Tất cả bọn chúng đều rơi như thế.”[4;12]
Ấn tượng về sự vô nghĩa, phi lý của kiếp người, của chiến tranh được khắc họa thông qua lối viết điện tín, với độ căng ngôn từ, mà cũng là độ căng của cảm xúc, dồn nén trong không gian, thời gian. Sức gợi của truyện cực ngắn làm liên tưởng đến định nghĩa của Robert Frost về bài thơ, đó là “một cấu trúc ngôn từ, tự mình tiêu tán đến đâu thì lại trải ra đến đấy, như băng tan trên lò lửa”[7;297].
Hemingway – với nguyên lý tảng băng trôi – là nhà văn của sự tinh lọc, thẩm thấu hiện thực để tạo nên sức mạnh tối đa từ chất liệu ngôn từ tối thiểu. Người đọc nhớ mãi một truyện cực ngắn của Hemingway, truyện chỉ gồm sáu từ: “For sale: Baby shoes, never worn” (Để bán: Giày trẻ em, chưa dùng). Truyện cực ngắn này thu mình lại, giống như một mẩu quảng cáo trên báo chí. Nhưng đó là lớp vỏ bề ngoài, mang dáng vẻ humor. Ấn tượng bên trong vẫn là một kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, gắn với nỗi đau khôn cùng. Có nhiều giả thiết được đặt ra: đó có thể là câu chuyện về một đứa trẻ không được chào đời, câu chuyện về một cặp vợ chồng sống trong niềm tuyệt vọng… Lớp băng ngôn từ tan chảy, đẩy cảm xúc lan tỏa và thăng hoa khi người đọc tự mình chiêm nghiệm, giải mã những ẩn ngữ trong truyện.
2.1.2. Vì cần tạo nên một ấn tượng, một ám ảnh trong tâm hồn người đọc, nên giống như thơ, truyện cực ngắn hay tìm đến với những ẩn dụ, biểu tượng, để tái dựng không khí huyền thoại. Làng gần nhất trong truyện của Kafka là một biểu tượng, con khủng long trong truyện của Augusto Monterroso cũng là một biểu tượng: “Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó” (Cuando despertó, el dinosaurio todaví a estaba allí.). Trong nguyên văn, truyện Con khủng long chỉ gồm 8 chữ tiếng Tây Ban Nha. Chỉ cần 8 chữ để dẫn người đọc vào một thế giới. Con khủng long nào luôn thức dậy và hiện hữu trong tâm hồn người đọc? Người thức hay khủng long thức? Thực tại hay ảo mộng, ranh giới lý tính và cảm tính xóa nhòa trong cái giật mình tỉnh thức – bất an, giữa một thế giới đa nguyên “bốn bề bờ bụi”(Akutagawa).
Song đôi với việc sử dụng những ẩn dụ, biểu tượng, truyện cực ngắn còn gần với thơ ở nghệ thuật trùng điệp. Đấy có thể là sự trùng phức những mệnh đề hay những hình ảnh, biểu tượng để dựng xây cấu trúc trần thuật. Franz Kafka có viết truyện cực ngắn với nhan đề Những thân cây, hãy thử đọc nó như một bài thơ: “Vì chúng ta giống những thân cây trong tuyết. Bề ngoài, chúng nằm trơn mượt, và một cú đẩy nhẹ cũng đủ làm chúng lăn tròn. Không, không thể làm thế được, vì chúng gắn chặt với mặt đất. Nhưng kìa, ngay cả điều ấy cũng chỉ bề ngoài”[5]. Nếu là thơ, đây là một bài thơ ngắn, có nhiều mệnh đề – phản đề tiếp nối, gắn liền với cảm thức về cái phi lý. Có sự ứng đối giữa người và thân cây, giữa cái vẻ ngoài và bản chất của sự vật. Cái phi lý của nhận thức, của ngôn ngữ hiển hiện trong câu chuyện – như một bài thơ văn xuôi – hình thành nên “kết cấu vẫy gọi”(Wolfgang Iser).
Nữ văn sĩ Pamelyn Casto đã từng nói về cách viết truyện cực ngắn: “Các truyện cực ngắn phải luôn được tinh giản, nén chặt” để gây cảm xúc thật mạnh. Đó là phẩm tính của truyện cực ngắn nhưng cũng là yếu tính của thơ ca. Truyện cực ngắn, trên phương diện thể loại, là sự kết hợp những đặc trưng thẩm mỹ của thơ và truyện.
2.2. Nhưng không chỉ với thơ, truyện cực ngắn còn có mối giao duyên với kịch. Dung lượng câu chữ tạo nên sự tích tụ, dồn nén trong không – thời gian nghệ thuật và một ấn tượng duy nhất tỏa ra từ truyện, chi phối cảm quan người đọc. Đó phải chăng là tính kịch được nhìn nhận trong hệ quy chiếu luật tam duy nhất, mà Boileau đã tổng kết qua lý luận của kịch cổ điển?
Như đã nói ở trên, không chú trọng về nội dung cốt truyện lẫn nhân vật, truyện cực ngắn thường chỉ chớp lấy cái khoảnh khắc hiện sinh của cuộc đời, để làm nổ ra tiếng sét từ một nhúm chất liệu tối thiểu. Cho nên, tính kịch ở đây, cần phải hiểu là độ căng, sự mãnh liệt của cảm xúc được nén lại trong hình thức của truyện. Ta có thể xem truyện ngắn sau đây của nhà văn bậc thầy Jorge Louis Borges như một vở kịch: “Abel và Cain đã gặp nhau sau cái chết của Abel. Bọn họ đi trên hoang mạc và từ xa đã nhận ra nhau, bởi vì cả hai đều rất cao. Hai anh em ngồi xuống đất, đốt một đống lửa và ăn cơm. Họ giữ im lặng, theo kiểu của đám đông mệt mỏi khi ngày tận. Trên trời ló ra mấy vì sao vẫn chưa có tên gọi. Nhờ ánh sáng ngọn lửa bập bùng cháy, Cain nhận ra vết đá in hình trên trán Abel, y đánh rơi miếng bánh sắp đút vào mồm và xin hãy tha tội cho y.
Abel trả lời:
– Anh giết em hay em giết anh? Em chẳng nhớ nữa; tại đây, anh em mình lại ở bên nhau như trước đây.
– Bây giờ thì anh biết rằng em đã tha thứ cho anh, – Cain nói – bởi vì quên nghĩa là tha thứ. Anh cũng sẽ cố quên đi.
Abel thư thả:
– Đúng vậy. Trong lúc nỗi ân hận còn thì tội lỗi vẫn còn.”[2;502]
Truyện có tên là Truyền thuyết. Nếu xem đây là một vở kịch ngắn, chúng ta thấy, các thành phần của vở kịch hiện lên rất rõ. Những chỉ dẫn sân khấu rất cụ thể, cả về không gian, thời gian, hoàn cảnh xảy ra sự việc; kịch có hai nhân vật: Abel và Cain – những nhân vật trong Kinh thánh; kịch có lời thoại, lần lượt Abel nói và Cain nói. Kịch tính của vở kịch ngắn này không nằm ở hành động, mà nằm ở bầu không khí mặc cảm tội lỗi đòi hỏi một sự hóa giải. Huyền thoại trong Kinh thánh về Cain – kẻ giết người đầu tiên, kẻ phải chịu lưu vong như một hình phạt, được tái hiện trong sắc màu của truyện – kịch ngắn. Huyền thoại được viết lại, trong một tâm thức hiện đại, nên lời cuối cùng của Abel như một sấm ngôn mà mỗi người phải tự giải mã, tự tìm chìa khóa cho riêng mình.
2.3. Như vậy, với sự năng động, khả năng bao chứa, dung hòa những thể loại khác, truyện cực ngắn mang trong mình ánh cầu vồng bảy sắc của thi pháp, đặc trưng thẩm mỹ. Truyện cực ngắn là thể loại nằm trên những đường biên giữa truyện và thơ, truyện và kịch…Nó mang trong mình tâm thức của đời sống hiện đại và hậu hiện đại. Đặc biệt, tính chất hậu hiện đại – sự hoài nghi với các siêu tự sự (méta – récits) thể hiện rất rõ trong hình thức ngôn ngữ và thể thoại: Các hình thức ngôn ngữ và thể loại văn học không ngừng được phi trung tâm hóa (decentralization), để thực hiện cuộc hòa kết ngoạn mục với tham vọng thể hiện một hiện thực đa nguyên, đa chiều. Hiện thực ấy nằm ngoài khả năng nắm bắt của bất kỳ thể loại thuần túy nào. Nó đòi hỏi một sự gắn kết, phối hợp thể loại để kiến tạo và diễn giải cái thế giới như nó là – nơi các hình thức ngôn ngữ và thể loại luôn đa thanh, không ngừng đối thoại với nhau.
Cũng cần nói thêm, thể truyện cực ngắn không làm biến mất đi những thể loại khác, nó chỉ khiến cho các thể loại văn học thêm phần phong phú, làm giàu có thêm những hình thức tự sự trong hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Với tính chất trí tuệ, ngắn gọn, hàm súc trong ngôn từ, mạnh mẽ trong hiệu quả thẩm mỹ, truyện cực ngắn như một trò chơi gọi mời người đọc tham gia đồng sáng tạo. Sáng tác và thưởng thức truyện cực ngắn, do đó, là một niềm vui trí tuệ, một sự thụ hưởng tao nhã về mặt tinh thần. Bằng tri thức và sự nhạy cảm, người đọc lựa chọn, lấp đầy những khoảng trống của truyện cực ngắn, biến văn bản trở thành một sinh thể nghệ thuật sống động.
3. Khi nói về tham vọng của truyện ngắn, nhà văn Mỹ Steven Millhauser đã có những nhận xét thật thú vị: “Truyện ngắn tập trung vào hạt cát của nó, với niềm tin mãnh liệt rằng: ngay ở đó, trong lòng bàn tay của nó — tồn tại cả vũ trụ. Nó tìm hiểu hạt cát đó, như một người tình tìm hiểu gương mặt người mình yêu. Nó tìm kiếm cái khoảnh khắc khi hạt cát khai mở bản nguyên. Trong cái khoảnh khắc phát lộ huyền bí ấy, khi đoá hoa đại vũ trụ bừng nở từ hạt mầm tiểu vũ trụ, truyện ngắn cảm nhận được quyền năng của nó”[6]. Có lẽ, đây cũng là tham vọng của thể truyện cực ngắn, nếu không muốn nói, là lý do cho sự tồn tại của nó, với tư cách một loại thể văn học đương đại.
Nắm chặt bí quyết khai mở những bí mật của đời sống và tâm hồn con người, các bậc thầy của truyện cực ngắn phương Tây như: Anton Chekhov, Franz Kafka, Italo Calvino, John Updike, Jorge Louis Borges… hiểu rõ hơn ai hết, cái mong manh, hữu hạn mà cũng vô biên của thể truyện này. Truyện cực ngắn, trong tính tương thích với thời đại toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin, như chiếc lò xo có khả năng co giãn, vượt qua những đường biên, những giới hạn tự thân để vươn lên không ngừng trong hành trình sáng tạo, làm ra cái mới.
Nó mang trong mình phẩm tính tự do, để hướng đến những chân trời rộng mở. Nó nén mình lại thật nhỏ, để bay đi vô ngại trong cái bề bộn của cõi trần ai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xem thêm Charles Baxter (1989): Introduction to Sudden Fiction International: Sixty Short-Short Stories, edited by Robert Shapard and James Thomas, W. W. Norton & Co.,New York.
2. Jorge Louis Borges (2001): Tuyển tập, Nguyễn Trung Đức tuyển và dịch, Nxb Đà Nẵng, H.
3. Đặng Anh Đào (2007) : Việt Nam và phương Tây – Tiếp nhận và giao thoa trong văn học, Nxb Giáo dục, H.
4. Ernest Hemingway (1924): in our time, Three mountains press, Paris.
5. Franz Kafka (1999): The Complete Short Stories of Franz Kafka, edited by Nahum N.Glatzer, Vintage, London.
6. Steven Millhauser (2008), “The Ambition of the Short Story”, The New York Times (October 5, 2008). Xem trên trang mạng http://www.nytimes.com
7. Joyce Carol Oates (2003): “The Very Short Story”, trong Mark Mills, Crafting the Very Short Story: An Anthology of 100 Masterpieces, Prentice Hall, New Jersey.
Lê Minh Kha