Lý luận văn học

VĂN BẢN NHƯ MỘT HỆ THỐNG NĂNG ĐỘNG


15-10-2020
Tác giả: Lã Nguyên

Khái niệm “văn bản” đã hàm chứa tính phái sinh của nó trong tương quan với khái niệm “ngôn ngữ” (Xem: Ngôn ngữ trở thành cái hiển thị trong hình thức văn bản, P. Hartman, Z. Schmidt). Nhưng nếu nói chí ít là về những khái niệm ví như “văn bản của nghệ thuật” (văn bản nghệ thuật) và “văn bản văn hóa”, thì lại hoàn toàn có đủ cơ sở để xem văn bản là cái có trước, còn ngôn ngữ chỉ là hiện tượng phái sinh của nó. Kết luận này là hoàn toàn đúng đắn cả về mặt lí thuyết lẫn lịch sử (sự xuất hiện của các văn bản thuộc loại này thông thường có trước ngôn ngữ, văn bản được sáng tạo bằng thứ ngôn ngữ “chẳng cụ thể” nào cả, hoặc một thứ ngôn ngữ còn “chưa ai biết”. Với ý nghĩa như thế, văn bản không phải là sự hiện thực hóa của một ngôn ngữ nào đó, mà là cỗ máy sản xuất các ngôn ngữ.

1. Khái niệm “văn bản” đã hàm chứa tính phái sinh của nó trong tương quan với khái niệm “ngôn ngữ” (Xem: Ngôn ngữ trở thành cái hiển thị trong hình thức văn bản, P. Hartman, Z. Schmidt). Nhưng nếu nói chí ít là về những khái niệm ví như “văn bản của nghệ thuật” (văn bản nghệ thuật) và “văn bản văn hóa”, thì lại hoàn toàn có đủ cơ sở để xem văn bản là cái có trước, còn ngôn ngữ chỉ là hiện tượng phái sinh của nó. Kết luận này là hoàn toàn đúng đắn cả về mặt lí thuyết lẫn lịch sử (sự xuất hiện của các văn bản thuộc loại này thông thường có trước ngôn ngữ, văn bản được sáng tạo bằng thứ ngôn ngữ “chẳng cụ thể” nào cả, hoặc một thứ ngôn ngữ còn “chưa ai biết”. Với ý nghĩa như thế, văn bản không phải là sự hiện thực hóa của một ngôn ngữ nào đó, mà là cỗ máy sản xuất các ngôn ngữ.

2. Những gì vừa nói cho phép rút ra: cỗ máy cấu trúc là luật lệ của văn bản (nếu không nói tới các siêu văn bản và những văn bản của các ngôn ngữ nhân tạo). Các loại văn bản thuộc loại chúng ta quan tâm không bao giờ là những văn bản được tạo ra bằng một ngôn ngữ độc nhất nào đó. Chúng là kết quả hoặc là của một mã kép (mã hóa nhiều lần), hoặc được hình thành từ hai tiểu văn bản (subtexts) được mã hóa bằng những phương thức khác nhau, đồng thời, trong một tượng quan nào đó, nó là một văn bản thống nhất. Trong hàng loạt trường hợp, chúng ta thường bắt gặp hiện tượng nhập nhiều tế bào cấu trúc lạ vào một cơ thể văn bản, hoặc những hình thức cộng sinh nào đó của các tiểu văn bản (subtexts). Sự sai lệch hoặc lỗi cơ học, khi độc giả tiếp nhận chúng như một phương thức mã hóa đặc biệt nào đó mà anh ta chưa hề biết, sẽ là trường hợp cá biệt của hiện tượng đa tạp, không thuần nhất nói trên.

2.1. Từ góc độ ngữ dụng, kết luận rút ra từ điều vừa nói sẽ là khả năng tiếp cận văn bản từ hai giác độ là bình thường trong giao tiếp: a) Tiếp cận văn bản như là tiếp cận thông tin bằng ngôn ngữ mà người tiếp nhận đã biết; b) Như là tiếp cận thông tin bằng một ngôn ngữ xa lạ (trong trường hợp này, ngôn ngữ sẽ được phát hiện hoặc là bằng cách dựa vào kinh nghiệm văn hóa – kí hiệu học có sẵn, hoặc là dựa vào việc giải mã văn bản một cách tùy tiện).

2.2. Từ góc độ chức năng của văn bản, điều vừa nói làm lộ ra khả năng về chức năng kép của văn bản: a) văn bản nhắm vào việc truyền đạt một thông tin nào nó đã có sẵn từ trước (ý nghĩa có trước văn bản). Trong trường hợp này, xu hướng thống nhất các mã văn bản sẽ chiếm ưu thế, người phát và người nhận cùng sử dụng một ngôn ngữ duy nhất đã biết trước. Ở mức độ cao nhất đó là sự giao tiếp nhờ sử dụng các ngôn ngữ nhân tạo. b) Văn bản hướng tới tạo ra thông tin mới (ý nghĩa không có sẵn, mà đang tạo ra). Trong trường hợp này, chiếm ưu thế tuyệt đối là xu hướng phức tạp hóa mối quan hệ giữa các phương thức mã hóa các tiểu văn bản. Ở mức độ cao nhất, đó là văn bản được tạo ra bằng ngôn ngữ trừu tượng, khó hiểu, bí hiểm.

Ghi chú: Báo cáo sẽ dẫn ra các trường hợp đa dạng về mã hóa văn bản trên chất liệu của thơ Baroque, văn xuôi lãng mạn và thơ trữ tình của Tyutchev.

3. Những điều vừa nói mở ra cách nhìn mới đối với việc nghiên cứu so sánh và sự tác động qua lại giữa các loại văn hóa. Nhập vào một mối thống nhất văn hóa nào đó, khi hoạt động với nhau như những văn bản, các loại văn hóa không chỉ xích lại gần nhau tạo nên sự thống nhất các hệ thống mã của chúng, mà còn bị chuyên môn hóa tạo nên độ căng về mặt cấu trúc đảm bảo cho quá trình tạo nghĩa bùng nổ. Sự giao tiếp càng chặt chẽ thì nhu cầu về sự độc đáo, mới lạ, dị thường, tức là độ căng nội tại giữa các mã càng lớn.

Ghi chú: Luận điểm sẽ được minh họa bằng lịch sử khái niệm “văn hóa lạ”. 4, Những điều đã nói cho phép rút ra một số dấu hiệu chung về văn bản:

a) Văn bản nào cũng có sự vênh lệch, không đồng đều kí hiệu học. Ngoài chức năng truyền đạt thông tin, tạo ra các ngôn ngữ mới, văn bản cũng hoạt động như một cỗ máy, trước khi lưu chuyển trong văn hóa, rơi vào lối đi của nó, các văn bản sẽ vượt qua các ranh giới mã nội tại, sẽ biến thành các thông tin mới. Văn bản sinh ra các văn bản mới, do đó, có thể tạo ra sự nghịch lí: văn bản phải đi trước văn bản về mặt lịch sử.

b) Văn bản nào cũng có một cơ cấu mà nhờ đó nó được xem vừa như một nhóm văn bản độc lập, vừa như một văn bản duy nhất nào đó ở cấp độ cao hơn, và với tư cách là một phần của một số văn bản thuộc trình tự cao hơn. Văn bản biệt lập chỉ là trò hư cấu khoa học đầy tính ước lệ. Xu hướng văn bản bị chia nhỏ tới vô hạn và hợp nhất tối đa, trong khi vẫn lưu giữ toàn bộ đẳng cấp ranh giới mã, được thể hiện rõ trong lịch sử văn hóa của các khái niệm về cấp độ văn bản “cao hơn” và “thấp hơn”. Một mặt thường xuyên có sự vận hành của cơ chế chia tách những yếu tố trước kia vốn dĩ không thể chia tách thành những đơn vị riêng lẻ, được tổ chức lại với nhau về mặt cấu trúc và cấp cho các yếu tố của kí hiệu một ý nghĩa kí hiệu độc lập, tức là biến các bộ phận của văn bản thành một tập hợp văn bản. Mặt khác, để mọi thông tin, ở cấp độ cao nhất, có thể hoạt động như một văn bản, nó phải được nối kết với một văn bản khác để chúng tạo thành một sự thống nhất ở trật tối cao.

5. Tất cả những gì đã nói biến văn bản ở bất kì cấp độ nào thành một hệ thống năng động, tạo nên toàn bộ tòa nhà văn hóa.

Người dịch: Lã Nguyên
(Nguồn: Cấu trúc văn bản – 81. Đề cương Hội thảo khoa học. – M., 1981, Tr. 104 – 105 – http://inslav.ru/publication/struktura-teksta-81-tezisy-simpoziuma-m-1981).

 

Posted in: Dịch thuật

PHÁT BIỂU NHẬN GIẢI NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VĂN VIỆT 2018

By languyensp on  | Bạn nghĩ gì về bài viết này?

Lã Nguyên

(Trần Đình Sử – Trần Đình Sử – PHÊ BÌNH KÍ HIỆU HỌC CỦA LÃ NGUYÊN – THÀNH TỰU MỚI CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM: Hôm nay chúng ta vui mừng trao giải Văn Việt về phê bình văn học cho tập sách “Phê bình kí hiệu học” của tác giả Lã Nguyên, được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2018.
Năm nay có ba tác phẩm được xét; quyển của Lã Nguyên được nhất trí chọn làm tác phẩm được giải với 5/5 số phiếu.
Quyển sách được giải vì nó đã có những cống hiến quan trọng cho nền lí luận và phê bình văn học Việt Nam đương đại.
Thứ nhất, cuốn sách đã góp phần giới thiệu tổng hợp lí thuyết kí hiệu học hiện đại của trường phái Tartu-Moskva vào Việt Nam cùng với nhiều trường phái kí hiệu học khác, nhất là kí hiệu học văn hoá của Ju. Lotman, M. Bakhtin, V. Tiupa, N. Tamarchenco. Cùng với kí hiệu học, cuốn sách vận dụng lí thuyết diễn ngôn, tức là hướng nghiên cứu văn học từ phương diện thực tiễn giao tiếp – nghiên cứu văn học mà thoát li giao tiếp giống như nghiên cứu ngôn ngữ chỉ trong phạm vi từ điển. Chúng ta đều biết kí hiệu học thế giới đã được giới chuyên môn Việt Nam chú ý từ những năm 79 thế kỉ trước, song đó chủ yếu là kí hiệu học của F. de Saussure và Jakobson. Từ đó đến nay lí thuyết này đã có những bước tiến dài. Công trình của Lã Nguyên đã phản ánh kịp thời những bước tiến ấy.
Thứ hai, Lã Nguyên đã vận dụng lí thuyết vào phê bình văn học một cách nhuần nhuyễn. Lí thuyết trong sách của Lã Nguyên không khô cứng nhờ ông chọn cách dùng lí thuyết để phân tích tác phẩm, khiến các hiện tượng văn học tự bộc lộ ra các đặc điểm của mình cho người đọc thể nghiệm. Với cách làm đó, người đọc tiếp nhận ông một cách dễ dàng và thú vị. Đọc các bài về thơ Tố Hữu, về Nguyễn Tuân, về “nói to nói nhỏ”, người đọc đều có cảm giác như vậy. Ông thể hiện một phong cách phê bình rất hiện đại. Đó là phê bình học thuật, nó không diễn, không bình tán, khiến người đọc xa rời văn học. Phê bình của ông đem người đọc vào sâu trong tung thâm của biểu đạt và ý nghĩa, vào trong bản thân cơ chế tạo nghĩa của văn bản. Và khi đã vào, người đọc tự hình thành ý niệm về văn bản.
Thứ ba, quyển sách đã có ý thức chọn lọc các đối tượng phê bình. Ngòi bút phê bình của tác giả, trước hết hướng tới hai vấn đề. Một là tiếng nói thời đại, bao gồm các hiện tượng văn học lớn từ năm 1945 cho đến nay, từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trước 1975, qua các đổi mới từ sau 1975 đến những năm 90 và những dấu hiệu hậu hiện đại từ những năm 90 trở lại đây. Ngòi bút tác giả đã khắc hoạ được những đặc trưng cơ bản của một thời đại văn học. Đó là mô hình giao tiếp của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính chất tượng đài của nó, tiếng “nói to nói nhỏ” của nó cùng diện mạo thể loại của nó. Thứ hai là tìm tòi về ngôn ngữ tác giả của một số nhà văn, bao gồm tác giả trước 45 như Nam Cao, Nguyễn Tuân, tác giả văn học xã hội chủ nghĩa như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, và các tác giả thời đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Thị Hoài, Sương Nguyệt Minh, Đặng Thân. Mỗi nhà văn tác giả đều phát hiện và khái quát được những nét ngôn ngữ nghệ thuật đáng chú ý, mới mẻ và giàu ý nghĩa đối với thời đại.
Cuối cùng, cuốn sách giàu gợi ý và nhiều triển vọng. Một cuốn sách phê bình hay không chỉ thể hiện ở những gì nó đã làm được, mà quan trọng hơn là cái phương hướng mà nó gợi ra. Nó cho thấy tiềm năng của lí thuyết văn học hiện đại, kí hiệu học và lí thuyết diễn ngôn. Nó cho thấy triển vọng của một lối phê bình học thuật mà giàu có tính tư tưởng, bám sát các hiện tượng văn học của thời đại, thấm đượm tinh thần thời đại. Nhà phê bình cùng một nhịp thở với văn học hiện đại, hướng đến tiếng nói trung thực, tự do đối với nghệ thuật. Một cuốn sách ấm áp tình yêu đối với các hiện tượng văn học mới của văn học nước nhà.
Ban Giám khảo chúc mừng tác giả và chúc mừng thành công mới của phê bình văn học Việt Nam)

KÍNH THƯA QUÝ VỊ! THƯA CÁC BẠN!

Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ, nếu không có sự ngẫu nhiên, chắc cảm nhận của ta về hạnh phúc sẽ khác đi. Tôi được sinh ra vào ngày mồng 3 tháng 3. Văn đoàn của chúng ta lấy ngày thành lập Ban Vận động làm ngày trao giải thường niên. Thế là cuốn sách Phê bình kí hiệu học của tôi được trao giải đúng vào ngày tôi chào đời. Có phải đó là một sự ngẫu nhiên không? Sự ngẫu nhiên đầy thú vị ấy đã nhân đôi cảm nhận của tôi về hạnh phúc: hạnh phúc không chỉ vì được trao giải, mà còn vì sự hiện hữu của mình trên thế gian này.

Tôi nhớ, trong một cuốn sách bàn về nghệ thuật, Lev Tolstoi nêu câu hỏi: – Người ta viết sách để làm gì? Ông trả lời: – Người thì vì tiền, người vì danh, có người vì cả hai thứ ấy. Ông lại hỏi: – Vì cái gì mà độc giả bỏ tiền mua sách để người viết sách có cả danh lẫn tiền? Ông trả lời: – Vì ai cũng muốn được hạnh phúc. L. Tolstoi không biết rằng cho đến tới tận thế kỉ XXI , ở Việt Nam, đa phần nhà văn vẫn cần được “nuôi”, không ai sống được bằng nghề viết sách, không mấy ai viết sách để kiếm tiền, thân phận của người viết sách chẳng ra gì, nói theo lời Nguyễn Huy Thiệp, danh hiệu nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hay nhà trí thức nói chung “chỉ là danh hiệu lỡm người bạc phúc”. L. Tolstoi không biết rằng ở Việt Nam, dẫu chẳng được danh, không được tiền, nhiều người vẫn viết sách chẳng qua vì họ cũng muốn được hạnh phúc như độc giả của họ.

Vâng, tôi sống bằng nghề dạy học và bằng đồng lương còm cõi của ông “giáo khổ trường công” tôi vẫn có thể sống qua ngày. Giá không vì niềm khát khao hạnh phúc, chắc tôi sẽ chẳng viết phê bình để làm gì. Chỉ trong nghiên cứu văn học, chỉ khi viết phê bình, tôi mới thực sự được làm người tự do: tự do là mình, không buộc mình phải giống ai, tự do lựa chọn cái này hoặc cái kia, tự do nói lời riêng của mình trước con người và thế giới. Được sống tự do như thế, với tôi, là niềm hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.

clip_image004
Năm 2018, tôi in hai cuốn sách: Số phận lịch sử của các lí thuyết văn học và Phê bình kí hiệu học. Mỗi cuốn sách là một sự lựa chọn tự do của cá nhân tôi.

Cuốn thứ nhất là sự lựa chọn lí thuyết. Qua nội dung và lôgic cấu trúc của cuốn sách, tôi nói lời chia tay với mĩ học và lí luận văn học xô-viết chính thống từng thống trị ở Liên Xô từ những năm 1920, đến những năm 1930 được du nhập vào Việt Nam và cho đến nay vẫn đang tiếp tục sống thoi thóp ở nước ta. Chia tay với học thuyết “văn học tòng thuộc chính trị”, với xã hội học văn học ngây thơ, thô thiển mà hạt nhân là kinh tế luận, giai cấp luận, phản ánh luận, tôi chào đón các lí thuyết tiên tiến của nhân loại và chọn riêng cho mình môn kí hiệu học văn hóa làm hướng tiếp cận các sáng tác nghệ thuật.

Cuốn thứ hai là sự lựa chọn phương pháp phê bình và các xu hướng nghệ thuật. Tiếp cận sáng tác văn học từ góc độ kí hiệu học, tôi chia tay với kiểu phê bình lấy khen – chê là mục đích để đến với phê bình khoa học. Từ góc độ phê bình kí hiệu học, tôi nói lời vĩnh biệt xu hướng nghệ thuật sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà thực chất là nghệ thuật tuyên truyền, minh họa, nghệ thuật điển phạm, từ chương, nghệ thuật của những câu chữ, khuôn mẫu có sẵn. Tôi nồng nhiệt chào đón những tác phẩm văn nghệ thể hiện tinh thần dân chủ, nhân văn và các xu hướng cách tân của thời đại mới.

Tôi nghiệm ra, không có sự lựa chọn nào diễn ra thông thuận, dễ dàng. Phải mất hàng chục năm nghiễn ngẫm, tôi mới có được xác tín riêng để làm người tự do. Tôi biết sự lựa chọn của tôi chẳng dễ được chấp nhận từ quan điểm chính thống đang ngự trị phổ biến ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, trong một bài viết, nhà phê bình tài năng Đỗ Lai Thúy, người bạn “cùng lứa bên trời” với tôi, đã ví cuốn Phê bình kí hiệu học của tôi với tiếng “sư tử gầm giữa hoang mạc”.

Dĩ nhiên tôi có cơ sở để không bi quan về môi trường học thuật và sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam như thế. Chẳng phải Nhà xuất bản Phụ nữ đã trở thành bà đỡ mát tay cho cả hai cuốn sách nói trên của tôi đó sao? Riêng cuốn Phê bình kí hiệu học chỉ sau mấy tháng phát hành, nay đã được tái bản. Thế là cuốn sách đã được đông đảo bạn đọc, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, chấp nhận cấp “thông hành” cho nó. Chẳng phải những cặp mắt xanh của Hội đồng giải thưởng của Văn Đoàn độc lập đã tán thành trao giải thưởng cho cuốn sách của tôi đó sao? Nghĩa là tôi không thiếu tri âm. Tôi thực sự là người hạnh phúc.

Cảm ơn Nhà xuất bản Phụ nữ và đông đảo độc giả, cảm ơn Văn đoàn độc lập và Hội đồng giải thưởng của Văn đoàn đã trao cho tôi niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao này.

Cảm ơn Quý vị và các bạn đã cùng tới chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc tại lễ trao giải ngày hôm nay.

Tp Hồ Chí Minh, Ngày 28 tháng 2 năm 2019

https://www.youtube.com/watch?v=e3l41tZ-6KI

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020