Lý luận văn học

CHỦ NGHĨA HẬU CẤU TRÚC


15-10-2020
Tác giả: Terry Eagleton

Chắc hẳn độc giả còn nhớ, F. Saussure đã cho rằng, trong hành ngôn, ý nghĩa chính là vấn đề khu biệt. “Cat” (mèo) là “cat” bởi vì nó không phải là “cap” (mũ lưỡi trai) hay “bat”(con dơi). Nhưng liệu người ta có thể nhấn mạnh đến mức nào quá trình của sự khu biệt này? “Cat” có nghĩa thực của nó bởi vì nó không phải là “map”(bản đồ) hay “hat”(cái mũ). Và người ta nên dừng lại ở đâu? Dường như, trong hành ngôn, ta có thể theo đuổi quá trình khác biệt này một cách vô tận: mà nếu như thế thì điều gì đã khiến Saussure cho rằng hành ngôn đã hình thành một hệ thống chặt chẽ và ổn định? Nếu mỗi ký hiệu lại chính là nó vì nó không phải là tất cả những ký hiệu khác thì mỗi ký hiệu dường như là được tạo nên bởi một chuỗi những sự khu biệt vô tận. Do đó, việc xác định một ký hiệu hẳn là một công việc phức tạp hơn là mọi người có thể nghĩ. Ngôn ngữ học của Saussure đã đưa ra một cấu trúc có giới hạn của ý nghĩa; nhưng liệu trong hành ngôn bạn có thể kẻ đường gạch hết ở chỗ nào đây?


Chắc hẳn độc giả còn nhớ, F. Saussure đã cho rằng, trong hành ngôn, ý nghĩa chính là vấn đề khu biệt. “Cat” (mèo) là “cat” bởi vì nó không phải là “cap” (mũ lưỡi trai) hay “bat”(con dơi). Nhưng liệu người ta có thể nhấn mạnh đến mức nào quá trình của sự khu biệt này? “Cat” có nghĩa thực của nó bởi vì nó không phải là “map”(bản đồ) hay “hat”(cái mũ). Và người ta nên dừng lại ở đâu? Dường như, trong hành ngôn, ta có thể theo đuổi quá trình khác biệt này một cách vô tận: mà nếu như thế thì điều gì đã khiến Saussure cho rằng hành ngôn đã hình thành một hệ thống chặt chẽ và ổn định? Nếu mỗi ký hiệu lại chính là nó vì nó không phải là tất cả những ký hiệu khác thì mỗi ký hiệu dường như là được tạo nên bởi một chuỗi những sự khu biệt vô tận. Do đó, việc xác định một ký hiệu hẳn là một công việc phức tạp hơn là mọi người có thể nghĩ. Ngôn ngữ học của Saussure đã đưa ra một cấu trúc có giới hạn của ý nghĩa; nhưng liệu trong hành ngôn bạn có thể kẻ đường gạch hết ở chỗ nào đây?

Một cách khác, khi nhìn nhận quan điểm của Saussure về bản chất khu biệt của ý nghĩa, đó là ý nghĩa bao giờ cũng là kết quả của sự phân chia hay sự khớp nối của các ký hiệu. Cái biểu đạt “boat” (con tàu) cho ta một khái niệm hay cái được biểu đạt “boat” đã được biểu đạt bởi vì nó tự tách ra từ cái biểu đạt “moat”. Vì thế ta mới nói, cái được biểu đạt là sản phẩm của sự khu biệt giữa hai cái biểu đạt. Nhưng nó cũng là sản phẩm của sự khu biệt giữa rất nhiều cái biểu đạt khác nhau: “coat” (áo choàng), “boar” (lợn đực giống), “bolt” (chốt cửa)... Điều này làm chúng ta thắc mắc quan điểm của Saussure về việc cho ký hiệu là một thể đối xứng tinh xảo giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái được biểu đạt “boat” thực sự là sản phẩm của sự tác động qua lại phức tạp của những cái biểu đạt không có điểm dừng rõ ràng. Ý nghĩa là phó phẩm của trò chơi tiềm tàng vô tận của những cái biểu đạt chứ không phải là một khái niệm gắn chặt vào đằng sau của mỗi cái biểu đạt cụ thể nào đó. Cái biểu đạt không đưa ra cho chúng ta cái được biểu đạt một cách trực tiếp như tấm gương phản ánh hình ảnh: ở đây không có cặp đối xứng nhau một cách hài hòa giữa mức độ của cái biểu đạt và mức độ của cái được biểu đạt trong ngôn ngữ. Việc không có sự phân biệt cố định giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt lại càng làm cho vấn đề phức tạp hơn. Nếu bạn muốn biết ý nghĩa (hay cái được biểu đạt) của cái biểu đạt, bạn có thể tra cứu trong từ điển: nhưng tất cả những gì mà bạn có thể thấy được đó là số lượng nhiều hơn những cái biểu đạt và bạn tiếp tục lại phải tra cứu những cái được biểu đạt của chúng... Về lý thuyết, quá trình mà chúng ta đang thảo luận không những là vô tận mà còn vòng tròn: cái biểu đạt liên tục biến đổi thành cái được biểu đạt và ngược lại, bạn sẽ không bao giờ tìm ra từ được cái biểu đạt cuối cùng mà lại không phải là chính cái biểu đạt. Nếu chủ nghĩa cấu trúc tách ký hiệu ra khỏi vật quy chiếu, loại tư tưởng này thường được biết đến như là của chủ nghĩa hậu cấu trúc. Lý thuyết này tiến thêm một bước nữa sẽ là tách cái biểu đạt ra khỏi cái được biểu đạt.

Một cách khác để diễn đạt điều chúng ta vừa nói, đó là ý nghĩa không hiện diện trực tiếp trong ký hiệu. Vì một số lý do nhất định, ý nghĩa thường xuyên không hiện diện trong ký hiệu. Nó nằm rải rác, phân tán dọc theo một chuỗi những cái biểu đạt: hoàn toàn không dễ dàng nắm bắt, nó không bao giờ hiện diện một cách đầy đủ trong bất cứ một ký hiệu riêng nào mà luôn luôn lúc ẩn lúc hiện. Đọc một văn bản cũng giống như việc lần theo quá trình ẩn hiện liên tục này chứ không giống như việc đếm tràng hạt. Ý tưởng ngôn ngữ là quá trình có ý nghĩa về thời gian, giúp chúng ta có thể không phải bó tay trong quá trình đi tìm ý nghĩa. Khi tôi đọc một câu, ý nghĩa của câu thường cách này cách khác đình lại, trì hoãn hoặc chưa giải mã ngay được: cái biểu đạt này đẩy tôi đến cái biểu đạt khác và cứ thế tiếp tục, những ý nghĩa đầu được xác định bởi những ý nghĩa sau, và mặc dù câu này có thể đi đến kết thúc nhưng chính quá trình của hành ngôn thì không. Bao giờ cũng có nhiều ý nghĩa hơn, điểm mấu chốt là thế đó. Tôi nắm bắt được ý nghĩa của câu không phải bằng việc dựa vào từ này vào từ kia một cách máy móc, bởi vì các từ sẽ tạo nên một ý nghĩa tương đối chặt chẽ, mỗi từ đứng sau đều có dấu vết của những từ trước đó và bản thân nó phải luôn rộng mở để đón nhận tiếp tục những dấu vết của các từ sau nó. Mỗi một ký hiệu trong chuỗi ý nghĩa được ghi lại với tất cả những ký hiệu khác để tạo thành dãy phức tạp không bao giờ kết thúc; và vì thế không có ký hiệu nào là “thuần túy” hay “đầy đủ ý nghĩa”. Tôi có thể nhận thấy mặc dù chỉ là vô thức, trong mỗi ký hiệu dấu vết của các từ khác mà nó đã loại ra để mang đúng nghĩa của mình. “Cat” có được đúng nghĩa của nó là do đẩy lùi được các từ “cap” (mũ lưỡi trai) và “bat” (con dơi), nhưng có thể, do những ký hiệu khác này thật sự là những yếu tố cơ bản xác định đặc tính của từ nên chúng vẫn tồn tại bên trong từ này.

Do đó, chúng ta có thể nói, ý nghĩa không bao giờ được xác định bởi chính nó. Ý nghĩa là kết quả của quá trình phân định và phát âm các ký hiệu. Đôi khi nó cũng đình lại, trì hoãn hoặc chưa giải mã ngay được. Ý nghĩa không bao giờ được xác định bởi chính nó còn là do các ký hiệu luôn được nhắc đi nhắc lại hay sao chép nhiều lần. Chúng ta không thể gọi một “ký hiệu” là một dấu (mark) chỉ xuất hiện có một lần. Do đó, việc một ký hiệu có thể được sao chép nhiều lần là một phần đặc tính của nó; nhưng cũng chính là điểm chia rẽ đặc tính của nó, bởi vì nó luôn luôn có thể được sao chép trong ngữ cảnh khác làm thay đổi ý nghĩa của nó. Một điều rất khó có thể biết được nghĩa, ngữ cảnh “ban đầu” của một ký hiệu là gì: đơn giản là vì chúng ta gặp thấy chúng trong nhiều tình huống khác nhau, mặc dù nó cần phải duy trì tính kiên định trong suốt những tình huống đó để có thể trở thành một ký hiệu có thể nhận biết được, bởi lẽ ngữ cảnh của nó bao giờ cũng khác, không bao giờ y hệt như thế, không bao giờ hoàn toàn giống hệt như chính bản thân nó. “Cat” có thể được hiểu là một con vật có lông, bốn chân; một con người ác tâm; cái roi xoắn; người Mỹ; bàn 6 chân; que nhọn và ngắn v.v... Nhưng ngay cả khi nó chỉ có nghĩa là con vật 4 chân, thì nghĩa này cũng sẽ không còn hoàn toàn như thế trong các ngữ cảnh khác nhau: cái được biểu đạt sẽ bị thay thế bằng các chuỗi cái biểu đạt khác nhau mà trong đó nó bị nhiễu.

Tất cả những biểu hiện trên cho ta thấy ngôn ngữ không ổn định như các nhà cấu trúc luận cổ điển vẫn nghĩ. Thay bằng việc là một cấu trúc được xác định, có giới hạn rõ ràng bao gồm những cái biểu đạt và cái được biểu đạt, ngôn ngữ ngày nay có vẻ bắt đầu giống như một cái mạng nhện trải dài vô tận, nơi diễn ra sự thay thế, lưu thông liên tục của các yếu tố, nơi không có một yếu tố nào là hoàn toàn được xác định và là nơi mọi thứ đều được nắm bắt và truy xét bởi tất cả mọi thứ khác. Nếu đây là sự thực thì nó đã giáng một đòn mạnh vào một số lý thuyết truyền thống về ý nghĩa. Theo những thuyết này, chức năng của các ký hiệu là phản ánh kinh nghiệm bên trong, các vật thể trong thế giới thật để “miêu tả” những ý nghĩ và cảm giác của ai đó hay thực tế. Chúng tôi đã gặp một số vấn đề liên quan đến sự “miêu tả” trong thảo luận trước của chúng ta về cấu trúc luận, nhưng bây giờ còn nhiều vấn đề phức tạp hơn nữa được đặt ra. Như tôi đã vừa phác ra ở lý thuyết trên, không có gì được thể hiện đầy đủ trong các ký hiệu: đối với tôi thật là một ảo giác nếu tin rằng tôi có thể trình bày tất cả những gì tôi nói và viết cho bạn, bởi lẽ để sử dụng các ký hiệu với tất cả ý nghĩa đầy đủ thì ý nghĩa của tôi bao giờ cũng rải rác, phân tán và không bao giờ hoàn toàn là chính nó cả. Thật sự, cũng không chỉ riêng ý nghĩa của tôi, mà chính bản thân tôi: bởi vì ngôn ngữ tạo dựng nên tôi chứ không đơn thuần chỉ là công cụ thuận tiện cho tôi sử dụng, và toàn bộ ý tưởng rằng tôi là chủ thể ổn định và thống nhất chắc hẳn cũng chỉ là chuyện huyễn tưởng. Tôi không thể trình bày một cách đầy đủ không chỉ cho bạn mà cả cho chính tôi nữa. Tôi vẫn cần phải dùng những ký hiệu khi tôi xem xét tâm tư, lục lọi tâm hồn mình, và điều này có nghĩa là tôi sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được “sự cảm thông hoàn toàn” với chính bản thân mình. Điều này không có nghĩa tôi có thể có được một ý nghĩa, dự định hay kinh nghiệm trong sáng, không tỳ vết mà sau đó lại bị bóp méo, bị khúc xạ bởi môi trường trung tính có vết của ngôn ngữ: bởi vì ngôn ngữ chính là không khí mà tôi hít thở, tôi không thể có được một ý nghĩa hay kinh nghiệm trong sáng, không tỳ vết.

Tôi có thể thuyết phục bản thân mình rằng điều này cũng có thể thực hiện được nếu lắng nghe giọng nói của chính mình khi nói, chứ không ghi chép lại những ý nghĩ của mình vào giấy. Bởi vì, khi nói tôi dường như “đồng nhất” với bản thân mình theo một cách hoàn toàn khác với khi viết. Những ngôn từ của tôi dường như xuất hiện ngay lập tức trong tiềm thức, giọng nói của tôi trở thành công cụ thân thiết và tự phát của chúng. Ngược lại, trong khi viết, các ý nghĩa dường như đe dọa trốn thoát khỏi tầm kiểm soát của tôi, nên tôi giao phó những ý nghĩ của mình cho công cụ in ấn vô cảm, văn bản in có thể tồn tại lâu dài, lúc nào cũng có thể lưu hành, tái xuất bản, trích dẫn, hay dùng theo cách mà tôi không ngờ tới hay không dự định trước. Viết lách dường như làm mất bản thân tôi, đây là cách giao tiếp gián tiếp, là bản sao lời nói một cách yếu ớt và máy móc, và vì thế lúc nào nó cũng biến ngay khỏi tiềm thức của tôi. Chính vì lý do này mà truyền thống triết học Tây Âu từ Plato đến Lévi-Strauss đã cương quyết phỉ báng lối viết, coi nó như một hình thức thể hiện không có sức sống, xa lìa, và nhiệt liệt tán dương giọng nói sinh động. Đằng sau sự phán xét này là quan điểm cụ thể về “con người”: con người có thể ngay lập tức kiến tạo và thể hiện những ý nghĩa của chính anh ta, có thể hoàn toàn sở hữu bản thân mình, và chế ngự ngôn ngữ như một công cụ trong sáng trong sâu thẳm sự tồn tại của mình. Điều mà thuyết này không thấy được đó là “giọng nói”cũng hữu hình như in ấn. Vì những ký hiệu nói, viết hoạt động chỉ bằng quá trình phân biệt và chia tách nên nói có thể được nhìn nhận như một dạng viết và viết là dạng gián tiếp của nói. 

Triết học Tây Âu đã đặc biệt chú trọng “thuyết lời nói trung tâm” và rất nghi ngờ chữ viết. Ở khía cạnh rộng hơn, nó cũng thiên về biểu tượng, tin tưởng vào từ, sự thể hiện, bản chất, sự thật hay thực tế nào đó như cơ sở của tất cả ý nghĩ, ngôn ngữ và kinh nghiệm của chúng ta. Nó muốn ký hiệu sẽ truyền ý nghĩa cho tất cả các từ khác - “cái biểu đạt mơ hồ”- và muốn có một ý nghĩa chắc chắn, không thể nghi ngờ được cho tất cả các ký hiệu của chúng ta (“cái được biểu đạt mơ hồ”). Có một số lượng lớn các ứng cử viên cho vai trò này - Chúa trời, ý niệm, Linh hồn Thế giới, cái Tôi, vật chất, vấn đề v.v. - đã dần dần tự tiến lên phía trước. Vì mỗi khái niệm này đều hy vọng xây dựng cả một hệ thống tư duy và ngôn ngữ, nên bản thân nó phải vượt xa hệ thống này, không bị phương hại bởi trò chơi của những khác biệt ngôn ngữ. Nó không thể bị lôi kéo vào chính những ngôn ngữ mà nó có dự định sẽ sắp đặt và củng cố, bằng cách nào đó nó phải đi trước những bài thuyết trình này, phải xuất hiện trước chúng. Nó phải là ý nghĩa, nhưng lại không giống bất cứ ý nghĩa nào khác vốn là sản phẩm của trò chơi sự khác biệt. Nó phải thể hiện đúng là ý nghĩa của những ý nghĩa, là bản lề của cả hệ thống tư duy, là ký hiệu mà tất cả ký hiệu khác xoay quanh và được chúng phản ánh một cách ngoan ngoãn.

Ý tưởng cho rằng bất cứ ý nghĩa mơ hồ nào như thế cũng đều là tưởng tượng, mặc dầu có lẽ là tưởng tượng cần thiết,và là một hậu quả của lý thuyết ngôn ngữ mà tôi đã nói đến. Không có khái niệm nào mà không bị làm rối lên trong cái trò chơi ý nghĩa vô tận này, không bị thử nghiệm với những dấu vết và các mảnh vỡ của các ý tưởng khác. Ra khỏi trò chơi này, những ý nghĩa nhất định sẽ được những hệ tư tưởng xã hội nâng lên vị trí đặc ân hay trở thành trung tâm buộc những ý nghĩa khác phải xoay quanh. Chúng ta hãy xem xét trong chính xã hội chúng ta những ý nghĩa về Tự do, Dân chủ, Độc lập, Uy quyền, Thứ bậc và v.v. Đôi khi những ý nghĩa này được nhìn nhận như nguồn gốc của tất cả những ý nghĩa khác, khởi nguồn cho những dòng chảy. Nhưng như chúng ta thấy, đây là cách suy nghĩ kỳ lạ, bởi vì, không thể không có những ký hiệu đã tồn tại trước đó để tạo nên ý nghĩa này. Ta không thể nghĩ đến nguồn gốc mà lại không xét đến thời kỳ trước đó. Vào những thời điểm khác, những ý nghĩa như thế này có thể không được nhìn nhận như là nguồn gốc mà như mục đích cho những ý nghĩa khác đang hay phải vươn tới. “Thuyết mục đích” (suy nghĩ về cuộc sống, ngôn ngữ và lịch sử theo hướng tiến tới mục đích) là cách sắp đặt và xếp loại ý nghĩa theo thứ bậc của tầm quan trọng vì mục đích cuối cùng. Nhưng như một sự tiến hóa đơn thuần, tất cả các lý thuyết lịch sử hay ngôn ngữ như thế đều bỏ qua sự phức tạp như mạng nhện của của các ký hiệu mà tôi đã miêu tả: những chuyển động tiến lên, lùi xuống, ẩn, hiện, tiến sang các phía của ngôn ngữ trong quá trình thực tế của nó. Chính cái sự phức tạp như mạng nhện này đã được chủ nghĩa hậu cấu trúc mệnh danh là “văn bản”.

Jacques Derrida, nhà triết học Pháp, với quan điểm mà tôi đã trình bày chi tiết ở những trang trước, đã dán mác “trừu tượng” cho bất cứ hệ thống tư tưởng nào phụ thuộc vào một nền móng vững chắc. Đây là nguyên tắc đầu tiên hay là lý lẽ không thể bắt bẻ được nhờ đó mà cả hệ thống thứ bậc của ý nghĩa có thể được xây dựng lên. Derrida cho rằng công việc của chính ông không tránh khỏi đã bị “phương hại” bởi tư tưởng trừu tượng này. Nhưng nếu bạn xem xét những nguyên tắc đầu tiên này một cách kỹ lưỡng, bạn có thể thấy rằng chúng hoàn toàn có thể được “giải cơ cấu”, chúng có thể được thể hiện như những sản phẩm của hệ thống ý nghĩa cụ thể nào đó chứ không phải là được dựng lên từ bên ngoài. Những nguyên tắc đầu tiên dạng này thường được xác định bởi những gì mà chúng loại trừ: chúng là một phần của dạng “nhị phân đối kháng” quan trọng của cấu trúc luận. Do đó, trong xã hội phụ hệ, người đàn ông là nguyên tắc cơ bản và người đàn bà là nguyên tắc đối kháng bị loại, và chừng nào mà sự phân biệt này còn được duy trì một cách chặt chẽ, thì chừng đó hệ thống ấy còn có thể hoạt động một cách có hiệu quả. “Giải cơ cấu” là tiêu đề được đặt cho công việc phê bình, nó làm cho những đối kháng như thế có thể sẽ bớt đi một phần, hay vì nó mà các bên đối kháng sẽ làm hại lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa văn bản. Người phụ nữ là bên đối kháng, bên kia là đàn ông. Người phụ nữ ở đây không phải là người thường mà đóng vai trò như nhà thám tử, mà có trọng trách chính là phủ nhận nguyên tắc phụ hệ đầu tiên. Nhưng công bằng ra, người đàn ông chỉ là chính mình khi biết luôn khép lại trước giới đối kháng, nếu thể hiện mình là đối kháng thì tất cả bản tính (identity) của anh ta sẽ bị nắm bắt và sẽ bị đe dọa trong từng động thái khi anh ta tìm cách xác nhận sự tồn tại độc lập, tự trị của mình. Phụ nữ cũng không phải là cái gì đó vượt quá tầm hiểu biết của anh ta, phụ nữ là một thế giới khác, có quan hệ gần gũi với anh ta như hình với bóng, như một sự nhắc nhở cần thiết anh ta là ai. Do đó người đàn ông rất cần “nửa kia” của mình, và mặc dù anh ta bác bỏ nó, nó vẫn buộc anh ta phải công nhận đặc tính tích cực của cái mà anh ta vẫn coi không là cái gì cả. Ngoài lý do trong cuộc sống của mình, anh ta lệ thuộc vào người phụ nữ, loại trừ và hạ thấp cô ta; còn một lý do nữa khiến cho việc loại trừ trở nên cần thiết, đó là rốt cuộc cô ta có thể không hoàn toàn là phía bên kia. Có thể người phụ nữ tồn tại trong chính bản thân anh ta như một triệu chứng nào đó mà anh ta cần phải kiềm chế, loại bỏ ra khỏi mình, cho ra một lãnh địa khác để không phương hại đến anh ta. Có lẽ cái bên ngoài cũng chính là cái bên trong, xa xôi cũng là gần gũi, vì thế người đàn ông cần phải xem xét biên giới tuyệt đối giữa hai lĩnh vực một cách thận trọng, bởi vì nó luôn luôn có thể vượt quá giới hạn, vì nó đã vượt quá rồi và không còn tuyệt đối nữa như nó biểu hiện.

Vì thế nên mới nói, “giải cơ cấu luận” đã nắm bắt được vấn đề đối kháng nhị phân mà cấu trúc luận cổ điển có xu hướng nghiên cứu, đã thể hiện cách nhìn nhận thuyết không tưởng đặc trưng. Thuyết không tưởng thường có xu hướng vạch ra biên giới cứng nhắc giữa cái có thể chấp nhận được và cái không thể, giữa bản ngã và phi ngã, thật và giả, có nghĩa và vô nghĩa, có cớ và vô cớ, trung tâm và ngoại vi, bề mặt và chiều sâu. Như tôi đã nói, tư tưởng trừu tượng như thế không phải dễ dàng né tránh được: chúng ta không thể tự mình vượt qua bản chất nhị phân của tư tưởng để đến với thế giới cực siêu hình (ultra-metaphysical). Nhưng nếu phân tích văn bản “văn học” hay “triết học” theo một cách nhất định, chúng ta có thể bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề đối kháng nhị phân, có thể diễn giải việc các bên đối kháng lại bí mật thuộc về nhau như thế nào. Cấu trúc luận nói chung là đạt yêu cầu nếu có thể chia văn bản thành hai phía đối lập (cao / thấp, sáng / tối, tự nhiên / văn hóa v.v.) và chứng minh được tính logic của mình. Giải cơ cấu luận đã cố gắng chỉ ra vấn đề các bên đối lập để trụ vững được đôi khi đã đảo ngược, phương hại chính mình, hay loại bỏ một số chi tiết tỉ mỉ ngoại biên của văn bản có thể quay ngược lại và làm hại chúng. Thói quen đọc sách của Derrida là nắm bắt yếu tố ngoại biên nào đó trong tác phẩm, ví như: lời chú ở cuối trang, thuật ngữ thứ yếu được nhắc đi nhắc lại, hình ảnh, lời nói bóng ngẫu nhiên, và kiên nhẫn, kỹ lưỡng nghiên cứu xem ở chỗ nào chúng đã đe dọa phá hủy những sự đối kháng vốn thống trị văn bản. Vì thế mới nói, chiến thuật phê bình giải cơ cấu là chỉ ra các văn bản đã gây khó khăn cho chính những hệ thống lôgíc chủ đạo của mình và giải cơ cấu luận chỉ ra điều này bằng cách tập trung vào những vấn đề “có tính chất triệu chứng”, vào sự bế tắc của ngữ nghĩa, vào chỗ mà văn bản gặp phải vấn đề rắc rối, được lột gỡ, mâu thuẫn với chính mình.

Đây không đơn thuần là sự quan sát dựa vào kinh nghiệm về những lối viết nhất định mà là lời công bố có tính tổng quát về bản chất của chính lối viết. Bởi vì, nếu như thuyết về ý nghĩa mà tôi đã dùng để mở đầu chương này là hoàn toàn có lý thì chắc chắn trong chính lối viết có cái gì đó nhất định cuối cùng sẽ lảng tránh tất cả các hệ thống và lôgic. Sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng bập bùng, tràn trề và giảm bớt của ý nghĩa - cái mà Derrida gọi là sự phổ biến - và nó cũng không dễ dàng bị kiềm chế bởi với các phạm trù kết cấu văn bản, hay các phạm trù của phương pháp tiếp cận phê phán theo quy ước. Lối viết, như bất cứ quá trình nào của hành ngôn, cũng hoạt động bởi sự khu biệt; nhưng bản thân sự khu biệt ấy lại không phải là khái niệm, không phải là một cái gì đó có thể nghĩ ra được. Văn bản có thể “chỉ” cho ta thấy điều gì đó về bản chất của ý nghĩa và tầm quan trọng mà nó không thể lập thành một lời tuyên bố được. Theo Derrida, tất cả hành ngôn thể hiện “sự thặng dư” này đối với từng ý nghĩa cụ thể, thường xuyên đe dọa vượt quá giới hạn và thoát khỏi ý muốn cố gắng kiềm chế chúng. Điều này rất rõ trong diễn ngôn “văn học”, và nó cũng đúng trong các thể loại viết khác. Sự hiện diện của khái niệm lối viết là một thử thách đối với chính ý tưởng của cấu trúc bởi vì cấu trúc vẫn luôn là trung tâm, là nguyên lý cố định, là nền móng vững chắc, là hệ thống tầng bậc của ngôn ngữ và chính những khái niệm này đang là câu hỏi cho sự khác biệt, sự bất đồng vô tận của lối viết. Nói cách khác, chúng ta đang chuyển từ kỷ nguyên của chủ nghĩa cấu trúc sang triều đại của chủ nghĩa hậu cấu trúc, một phong cách suy luận bao hàm các thao tác “giải cơ cấu” của Derrida, tác phẩm của nhà sử học người Pháp Michel Foucault, những bài tham luận của nhà phân tâm học người Pháp Jacques Lacan, nhà triết học và phê bình văn học Julia Kristeva. Tôi chưa thảo luận một cách rõ ràng về tác phẩm của Foucault trong cuốn sách này, nhưng vẫn có thể kết luận được bởi mức độ ảnh hưởng của nó rất rộng lớn.

Có một cách để đánh giá được sự phát triển đó là xem xét tác phẩm của nhà phê bình Pháp Roland Barthes. Trong những tác phẩm đầu tay như: Mythologie (Thần thoại học, 1957); On Racine (Về Racine, 1963); Elements of Semiology(Những cơ sở của ký hiệu học, 1964) và Système de la mode (Hệ thống mốt, 1967), Barthes là một nhà cấu trúc luận“cao cấp” trong việc phân tích những hệ thống biểu thị mốt, múa thoát y, bi kịch, bít tết, khoai tây chiên một cách không khó khăn gì. Bài tiểu luận quan trọng năm 1966 với tựa đề Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể là theo lối của Jakobson và Lévi-Strauss. Bài này đã phân chia cấu trúc của văn tự sự thành các đơn vị riêng biệt, các chức năng và các “chỉ số” (biểu thị tính chất, tâm lý học, “môi trường” và v.v.). Những đơn vị này theo sát nhau trong văn tự sự, và nhiệm vụ của nhà phê bình là gộp chúng vào trong một khung diễn giải nhất định. Thậm chí ngay ở giai đoạn đầu này, cấu trúc luận của Barthes tuy có bị làm mờ nhạt đi bởi các lý thuyết khác như: những lời gợi ý của hiện tượng học trong Michelet par lui-même (1954), của phân tâm học trong On Racine, nhưng rốt cuộc Barthes đã vượt lên tất cả do lối hành văn của ông. Lối viết văn xuôi lịch sự, khôi hài, dùng nhiều từ mới của Barthes chứng tỏ sự “vượt trội” của lối viết so với sự hà khắc mà cấu trúc luận yêu cầu: đây là một lãnh địa tự do, nơi ông có thể giải trí, giải thoát một phần khỏi sự bạo ngược của ý nghĩa. Tác phẩm của ông: Sade, Fourier, Loyola(1971) là sự pha trộn thú vị của cấu trúc luận và trò chơi hoa tình sau này. Chúng ta thấy được trong Sade sự hoán vị liên tục một cách có hệ thống của các tư thế hoa tình. 

Hành ngôn là chủ đề của Barthes từ đầu đến cuối, và cụ thể là sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề ký hiệu học, rằng nó luôn luôn mang tính quy ước của lịch sử và văn hóa. Đối với Barthes, một ký hiệu “lành mạnh” là phải có khả năng thu hút sự chú ý đến tính chuyên quyền, độc đoán của nó, không cố gắng dỗ dành mình là “tự nhiên”, mà nên hiện vị thế tuyệt đối, không tự nhiên của chính mình khi truyền đạt ý nghĩa. Trong tác phẩm trước đó, sự thúc đẩy đằng sau đức tin này mang tính chất chính trị: những ký hiệu tự xưng là tự nhiên, những ký hiệu tự coi mình là phương pháp nhìn nhận thế giới duy nhất chính là những ký hiệu độc đoán và không tưởng. Đây là một trong những chức năng của hệ tư tưởng có ý định “tự nhiên hóa” thực tế xã hội, biến nó thành vô tội và không thay đổi như chính bản chất của Thiên nhiên. Hệ tư tưởng này tìm cách biến đổi văn hóa thành Thiên nhiên, và dấu hiệu “tự nhiên” là một trong những vũ khí của nó. Việc hoan nghênh hay đồng ý rằng nền dân chủ phương Tây thể hiện ý nghĩa đích thực của từ “tự do” là sự phản hồi rõ ràng và tự phát nhất trên thế giới. Theo cách nghĩ này thì thuyết không tưởng là một trong những dạng huyền thoại đương thời, một lĩnh vực tự giải thoát khỏi sự nhập nhằng, không rõ ràng và khả năng có thể thay thế.

Barthes cho rằng có một thuyết không tưởng văn học phù hợp với “quan điểm tự nhiên” này đó là thuyết duy thực (matérialisme - trước đây vẫn dịch là duy vật). Văn học duy thực có xu hướng che đậy bản chất quan hệ tương đối hay cấu trúc xã hội của hành ngôn: nó giúp cho việc xác nhận có một dạng hành ngôn “thông thường” tương đối tự nhiên. Hành ngôn tự nhiên này ban tặng cho chúng ta một thực tế theo đúng nghĩa của nó. Không giống như chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng thường bóp méo chúng, ngôn ngữ tự nhiên miêu tả thế giới đúng như Thượng đế đã ban tặng cho chúng ta. Ký hiệu không được nhìn nhận như một thực thể dễ thay đổi và được quyết định bởi các quy tắc của một hệ thống ký hiệu cụ thể; nó được nhìn nhận như cửa kính mờ đối với vật thể hay trí tuệ. Nó hoàn toàn trung tính và không màu: nhiệm vụ duy nhất của nó là trình bày một điều gì đó, trở thành phương tiện của ý nghĩa vốn được hình thành hoàn toàn độc lập, và nó phải can thiệp vào càng ít càng tốt. Trong hệ tư tưởng của thuyết duy thực, các ngôn từ dường như được nối với những tư tưởng của nó hay các vật thể một cách đúng đắn không thể tranh cãi được: ngôn từ trở thành phương tiện chính xác duy nhất trong việc nhìn nhận vật thể này hay thể hiện ý nghĩa này.

 Đỗ Lai Thúy dịch

( Còn nữa)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020