Lý luận văn học

Tiếp nhận văn học Trung Quốc tại Việt Nam


15-10-2020
Tác giả: EMANUEL PASTREICH

Khu vực tương ứng với miền Bắc Việt Nam ngày nay từng là quốc gia Nam Việt độc lập thời cổ đại cho đến năm 111 tr.CN, khi nó rơi vào vòng cai trị của Trung Quốc sau những cuộc chinh phục vũ trang của nhà Hán. Kết quả là dù cho từng tồn tại một truyền thống trước khi có sự bức nhận của chế độ quân chủ Trung Hoa thì văn hoá Việt Nam trong quá trình phát triển suốt thiên niên kỉ đầu tiên đã không thể không liên hệ với Trung Quốc. Người Việt Nam tiếp thu những phong tục của Trung Quốc, và chắc chắn đã sáng tác văn học bằng chữ Hán từ lúc đó cho đến khi Việt Nam giành độc lập từ Trung Quốc vào năm 939. Có một số người Việt Nam đã sang Trung Quốc trong thời Đường (618 - 907) và đã thi đỗ trong các kì khoa cử Trung Quốc; đáng chú ý nhất trong số họ là Khương Công Phụ, người đã trở thành tể tướng trong triều đình phương Bắc. Chữ Hán vẫn tiếp tục giữ vai trò văn tự chính thức của quốc gia sau khi Việt Nam giành độc lập từ tay Trung Quốc.

Nhà Lí, triều đại cai trị Việt Nam từ 1009 đến 1225, thường được coi là đã xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền, căn cứ trên những nguyên tắc của Nho gia. Nhà Lí tổ chức một chế độ khoa cử tiêu chuẩn hoá dựa trên mô hình Trung Quốc, mặc dù đặc tính của nước Việt Nam trong suốt thời kì ấy phức tạp hơn rất nhiều so với việc diễn giải bằng một sự “di thực” đơn giản từ thể chế Trung Quốc. Dù vậy, khoa cử Việt Nam đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về văn học Trung Quốc, và tuy đôi lúc bị gián đoạn nhưng chế độ khoa cử ấy vẫn được duy trì đến năm 1919, khi nhà cầm quyền thực dân Pháp nắm quyền quản lí giáo dục ở Việt Nam. Cùng năm này, bản thân người Trung Quốc rốt cục cũng đã dứt khoát loại bỏ văn ngôn khỏi vai trò quốc văn. Kết quả là trong suốt thời kì tiền hiện đại, Việt Nam đã có một số lượng ổn định những người tinh thông cổ Hán học. Các vua nhà Trần (TK XIII – TK XIV) nổi bật như những nhà thơ và chủ soái về thơ ca chữ Hán. Gần như tất cả văn bản là sáng tác của người Việt hoặc du nhập từ Trung Quốc trong buổi sơ kì của dân tộc đều đã thất tán trong những năm sau đó. Cuộc chiếm đóng của quân đội Trung Quốc thời nhà Minh (1368 - 1644) trên lãnh thổ Việt Nam từ 1407 đến 1428 đã dẫn đến việc phá huỷ một cách có hệ thống những tác phẩm thành văn trên đất nước này.

Cả thơ cổ phong (old-style) và luật thi (regulated verse) đều được các thi nhân Việt Nam sử dụng, kết cấu của luật thi càng chặt chẽ hơn bởi những yêu cầu bắt buộc qua những luyện tập một cách quy củ khi tham gia khoa cử. Các nhà thơ Việt Nam sau này đã đưa âm điệu dân gian bản địa từ dân ca Việt vào thơ chữ Hán, đặc biệt là liên thơ bảy chữ, từ đó cải biến những thi phẩm dùng văn ngôn chữ Hán. Các nhà thơ Nguyễn Huy Oánh ở thế kỉ XVIII và Đinh Nhật Thận ở thế kỉ XIX đã sáng tác những bài thơ trường thiên bằng cổ Hán văn theo các thể thơ thuần Việt là lục bát và song thất lục bát, tuy nhiên những thi phẩm này chỉ là biệt lệ.

Nguyễn Thuyên là nhà thơ được được biết đến nhiều nhất với những nỗ lực kiến tạo luật thi theo kiểu Việt Nam, ông là người có vai trò tích cực trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XIII. Ông nhận thức được sứ mệnh văn hoá lớn lao của mình trong việc cách tân thi ca Việt Nam. Nguyễn Thuyên được vua ban cho họ Hàn theo họ của Hàn Dũ (768 - 824), một đại gia cổ văn Trung Quốc thời Đường. Ông đề xướng cách bố cục vần điệu theo kiểu Việt Nam cho luật thi chữ Hán để sáng tạo một hình thức thơ mới gọi là Hàn luật. Thực tế là, do cuộc phá huỷ một cách có hệ thống của quân Minh xâm lược trực tiếp theo lệnh của vua Minh Thành Tổ (tại vị 1403 - 1424), nên hiện nay nhìn chung chúng ta không còn biết tới những nỗ lực nhằm phát triển thể thơ Việt Nam thoát khỏi những thể cách của cổ thi.

Chính sự tương đồng về loại hình học giữa tiếng Trung Quốc và tiếng Việt, chứ không phải vốn từ vay mượn tiếng Hán, đã khiến cho âm điệu tiếng Hán thích ứng với thơ ca Việt Nam dễ dàng hơn so với những vùng đất khác ở Đông Á. Cả tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ có thanh điệu, với sự nhịp nhàng tương ứng về hai thanh bằng và trắc trong lời ca. Từ khi cả hai ngôn ngữ này có nhiều hình vị đơn tiết, thì trong các tác phẩm thơ ca đã tinh giản dần chỉ còn danh từ và động từ mà không cần sự can thiệp của hư từ. Ngữ vựng tiếng Hán vẫn chiếm số đông ngay trong những tác phẩm thơ ca Việt Nam sử dụng chữ Nôm (văn tự cải biến từ đường nét chữ Hán) và đọc bằng âm Nôm. Các thể loại thơ Trung Quốc có thể được duy trì mà không cần một sự cách tân triệt để nào nhằm đáp ứng đòi hỏi phải phiên dịch thành một thứ cú pháp ngoại lai như đòi hỏi ở Nhật Bản và Triều Tiên.

Một thời điểm quan trọng trên diễn trình văn học Việt Nam là việc thành lập hội thơ Tao Đàn với nguyên soái là vua Lê Thánh Tông (1441 – 1497, ở ngôi 1460 - 1497). Sản phẩm nổi tiếng của nhóm thơ kiệt xuất này là Hồng Đức quốc âm thi tập vẫn được cho là của vua Lê Thánh Tông và nhóm triều thần. Thi tập này gồm 328 bài thơ được sắp xếp theo từng môn loại (chủ đề) là Thiên Địa môn, Nhân Đạo môn, Phong Cảnh môn, Phẩm Vật môn và Nhàn Ngâm Chư Phẩm. Tập thơ có ý nghĩa tôn vinh sự độc lập về văn hoá của Việt Nam đối với Trung Quốc, mặc dù phần lớn các chủ đề vẫn nằm trong truyền thống thơ ca Trung Quốc. Tuy vậy, Hồng Đức quốc âm thi tập có nhiều bài thơ, như thơ ca ngợi cây trầu không (Tân lang) chẳng hạn, đã vượt hẳn khỏi mô típ truyền thống của thơ ca Trung Quốc, và cho thấy một nỗ lực nhằm bản địa hoá thi ca.

Thuật ngữ “quốc âm” (national language) được dùng để chỉ chữ Nôm, loại văn tự vay mượn chữ Hán chủ yếu về mặt âm đọc đã hành chức với tư cách là phương tiện duy nhất của người Việt để ghi tiếng nói bản địa trước khi chữ cái Latin truyền vào Việt Nam trong thế kỉ XIX[i]. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, chữ Nôm cũng chứa đựng hàng trăm chữ sáng tạo riêng để ghi hình vị tiếng Việt. Dù mang tính chất phản kháng lại chữ Hán, nhưng trong các tác phẩm thơ ca dùng chữ Nôm vẫn tồn tại những ngoại lệ cho tới tận cuối thế kỉ XIX, thậm chí trong các truyện thơ Nôm, nhiều ngữ liệu được mượn trực tiếp từ truyền thống thơ Trung Quốc mà không cần dịch sang tiếng Việt bản địa. Mặt ngữ nghĩa của nhiều chữ Hán tiếp tục được sử dụng. Khi nhìn nhận tính chất của chữ Nôm như một chỉnh thể, dù ta muốn bảo lưu những phạm trù đồng nhất giữa “tính chất Việt Nam” và “tính  chất Trung Quốc” trong chữ Nôm, thì vẫn phải thừa nhận rằng đường nét chữ Hán cũng như từ vựng và thuật ngữ tiếng Hán đều đã được “Việt Nam hoá” (tức bản địa hoá) trong chữ Nôm.

Nhiều nhà phê bình và nhà sử học yêu nước hiện đại khẳng định rằng chủ đề đấu tranh và yêu nước trong thơ Việt Nam rất được ưu tiên, điều đó dường như do Việt Nam luôn ở trong tình trạng là đối tượng của chiến tranh liên miên. Trong khi trên thực tế thơ ca về đề tài này ở Việt Nam có thể không nhiều hơn so với trong thơ các nước khác, thì một số bài thơ lại được gán cho những người anh hùng trong đấu tranh chống lại sự thống trị của Trung Quốc như Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà chiến lược cốt cán trong chiến thắng quân Minh và kiến tạo triều Lê (1428 - 1789) ở Việt Nam. Bài Bình Ngô đại cáo của ông trở nên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam bởi nó ca ngợi việc Việt Nam giành độc lập từ tay Trung Quốc. Rất nhiều tác phẩm thơ vốn bị gán cho là tác phẩm của những người anh hùng dân tộc có thể chỉ là những sáng tác sau này, kể từ công cuộc dựng nước thế kỉ XIX dưới triều Tự Đức (1847 - 1883)[ii].

Sống trong thời kì xung đột trên diện rộng giữa lực lượng chính quyền nhà Lê và những phiến quân chiến đấu để giành quyền cai trị đất nước, quan Ngự sử đài Đại phu Đặng Trần Côn (1710 - 1745) đã viết Chinh phụ ngâm khúc qua con mắt của người chinh phụ, tác phẩm thơ này tràn đầy địa danh và điển cố truyền thống Trung Quốc; như một tỉ dụ trong thơ ca, nó căn cứ trực tiếp trên những hình mẫu đời Đường, như tác phẩm Tần phụ ngâm nổi tiếng của tác giả Vi Trang (836 – 910, xem chương 14 và 48). Những văn bản bằng tiếng Việt [dùng chữ Nôm] hiện còn được viết theo thể song thất lục bát và nhiều khả năng là của Phan Huy Ích (1750 - 1822). Tác phẩm thơ này hay được dịch sang tiếng Việt, và hiện còn ít nhất bảy văn bản khác nhau.

Những tác phẩm thơ của các tác giả nam mượn lời người phụ nữ bị ruồng bỏ là một thể loại phổ biến tại Việt Nam. Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798), một đại quý tộc ở Đàng Ngoài, đã sáng tác một khúc “oán ca” nổi tiếng qua con mắt của người phụ nữ dưới tiêu đề Cung oán ngâm khúc. Tác phẩm thuật lại câu chuyện của một cung nữ bị thất sủng, đây là một lối so sánh thường thấy trong thơ ca khiến ta liên tưởng đến việc một đại thần không được vua tin dùng. Cung oán ngâm khúc tồn tại dưới dạng văn bản bằng tiếng Việt[iii], ưu thế của những điển cố được sử dụng thuần thục, song khó hiểu đối với độc giả không có nền tảng vững chắc về văn học Trung Quốc.

Trần Tế Xương (1870 - 1907) là một nhà Nho sinh ra muộn màng trong truyền thống cổ điển, ông không có đất dụng võ trong thời buổi thực dân Pháp cai trị và thời kì hiện đại hoá, những điều này đã khiến cho công sức học hành dùi mài của ông trở nên vô ích. Những vần thơ chua chát bằng văn ngôn chữ Hán[iv] của ông đã đặt nghi vấn cho ý thức cộng đồng đương thời. Ông tự chui vào cái lốt một tài tử lãng du như một phản ứng mang tính văn học cho địa vị ngoài rìa xã hội của mình.

Một số không nhiều tác phẩm tiểu thuyết tự sự có giá trị trong giai đoạn đầu của lịch sử văn học Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tác phẩm cổ nhất hiện còn là một tập hợp truyện thần kì mô phỏng những hình mẫu của Trung Quốc dưới nhan đề Việt điện u linh tập (1329) của tác giả Lí Tế Xuyên, kể lại 27 chuyện thần thoại theo thể lục (bibliographic form). 

Truyền kì mạn lục (truyền bản sớm nhất hiện còn ra đời năm 1712) của Nguyễn Dữ là tác phẩm tiểu thuyết hư cấu dài hơi sớm nhất của Việt Nam hiện còn, ước đoán xuất hiện vào đầu thế kỉ XVI. Xuất thân từ một gia đình trí thức quý tộc, Nguyễn Dữ sống qua giai đoạn đấu tranh gay gắt gây nên bởi cả phiến loạn và thoán đoạt. Ông viết Truyền kì mạn lục sau khi về trí sĩ tại quê nhà để tránh thế loạn. Truyền kì mạn lục mô phỏng tác phẩm Tiễn đăng tân thoại, một cuốn sách sưu tập những truyện truyền kì Trung Quốc của Cù Hựu (1347 - 1433). TrongTruyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ đan xen các chi tiết trong lịch sử Việt Nam với những yếu tố hoang đường và các cốt truyện từ tập truyện của Trung Quốc trên. Thơ ca đóng vai trò quan trọng trong mỗi truyện. Các truyện nêu cao chủ đề luân lí đạo đức; như trong một truyện, một con cáo đã biến thành xử sĩ và tự đến yết kiến vua nhằm thuyết giáo cho vua nghe về những nguyên tắc đạo đức[v].

Vẫn còn một truyền bản của Truyền kì mạn lục ra đời năm 1783[vi] dùng chữ Nôm để giải âm văn bản, nhằm giới thiệu tác phẩm một cách rộng khắp tới những người đọc không thạo văn học chữ Hán. Bộ sách tục biênTruyền kì mạn lục là Truyền kì tân phả được cho là của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), nữ tác gia này còn được biết đến với những bản dịch thơ Trung Quốc ra chữ Nôm.

Độc giả Việt Nam đặc biệt thích thú những câu chuyện tài tử giai nhân kể về nỗ lực của một chàng trai trẻ hào hoa đỗ đạt rồi kết duyên cùng một cô giá trẻ đẹp cho dù họ phải trải qua biết bao gian truân. Những chuyện tình lãng mạn như vậy cũng phổ biến rộng rãi trong độc giả Trung Quốc suốt thế kỉ XVIII và tiếp tục thu hút được đối tượng độc giả ở Việt Nam bởi văn hoá khoa cử tương đồng. Lí Văn Phức (1785 - 1849) đã dịch tiểu thuyết tài tử giai nhân Ngọc Kiều Lê sang tiếng Việt theo thể lục bát dưới nhan đề Ngọc Kiều Lê tân truyện. Tại Việt Nam, độc giả của những truyện dịch từ tiểu thuyết Trung Quốc về cơ bản đều là người Việt Nam, trái với những nước Đông Nam Á khác, nơi mà giới độc giả của những tác phẩm dịch từ tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Malaysia ở Malaysia hay ở quần đảo Indonesia chủ yếu là người gốc Hán.

Không mấy ai biết tiểu thuyết rốt cục đã lưu hành ra sao ở Việt Nam, cho dù sắc lệnh của chúa Trịnh (miền Bắc Việt Nam) ban hành năm 1734 đã quy định rằng sách vở phải được in ấn trong nước, sắc lệnh này cho thấy khi ấy Việt Nam đã thông thương rộng rãi với Trung Quốc. Việt Nam đã có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà in ở Quảng Đông, và nhiều khi có cả sự liên kết xuất bản giữa các nhà in Quảng Đông và Sài Gòn. Một số tác phẩm chữ Nôm thậm chí còn được in ở Quảng Đông và “xuất khẩu” sang Việt Nam. Hiện chúng ta vẫn chưa rõ người gốc Hoa sống ở Việt Nam đã đóng vai trò đến đâu trong việc du nhập và phiên dịch tiểu thuyết Trung Quốc. Hệ thống văn tự Nôm chưa được sử dụng phổ biến trước thế kỉ XVIII, nhưng trong suốt quãng thời gian đó đã bùng phát việc giải âm từ Hán văn sang chữ Nôm với mục đích phục vụ rộng rãi tới các đối tượng độc giả.

Có thể trong thế kỉ XVIII, và chắc chắn là thế kỉ XIX, một số lượng lớn tiểu thuyết Trung Quốc đã lưu hành qua những bản dịch tiếng Việt (dùng chữ Nôm) dưới cả hai dạng sách chép tay và khắc gỗ. Những cuốn sách này thường được biết đến với cái tên “truyện” (tales) và trong đại đa số các trường hợp đều được thể hiện dưới hình thức thơ hơn là văn xuôi. Có hai thể thơ chính trong các tác phẩm tự sự này: lục bát và song thất lục bát. Những truyện thơ dài này vẫn tiếp tục thu hút đông đảo độc giả Việt Nam ngày nay. Từ đặc trưng của những tự sự bằng thơ ở Việt Nam có thể liên hệ đến sự phổ biến của thể loại đàn từ của tiểu thuyết Trung Quốc lưu hành ở miền Bắc Trung Quốc và đặt nền móng cho việc tiếp nhận phổ biến nhiều tác phẩm tự sự Trung Quốc nửa sau thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX (xem chương 50). Ví dụ như một tác phẩm tự sự bằng thơ của Việt Nam là Hoa tiên truyện của nhà văn kiệt xuất Nguyễn Huy Tự (1742 - 1790) đã dựa trên một tập truyện theo thể đàn từ của Quảng Đông dưới nhan đề Hoa tiên kí. Khác với văn giới ở Triều Tiên và Nhật Bản, các nam tác gia Việt Nam rất quan tâm đến thể loại này, trong khi tại Trung Quốc nó lại được xem là của nữ giới.

Những truyện nổi tiếng với những đề tài rành mạch thường đóng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc với các vùng ngoại diên văn hoá của nó, và do vậy trong nội dung mỗi truyện đã tóm lược những vấn đề thuộc tình hình Việt Nam trong mối liên hệ với truyền thống vĩ đại của Trung Quốc. Truyện sớm nhất hiện còn là Vương Tường truyện (có thể bắt nguồn từ trước thế kỉ XVIII, cho dù chưa thể minh định tác giả), kể về số phận của Vương Chiêu Quân, một cung nữ nhà Hán bị gả cho thủ lĩnh dân du mục Hung Nô phía Bắc trong thời Hán, nàng đã được ngậm ngùi tiễn đưa đến vùng biên giới. Vương Tường truyện dường như là sản phẩm pha trộn giữa nhiều tác phẩm khác nhau kể về số phận bi kịch của Vương Chiêu Quân, có thể bao gồm tác phẩm kịch đời Nguyên của Mã Chí Viễn (1260 - 1325) là Hán cung thu, hoặc nó đã được căn cứ vào một truyện Trung Quốc nào đó chưa rõ. Bằng việc “di thực” một hình ảnh từ trung tâm của thế lực văn hoá Trung Quốc sang vùng biên viễn, tác giả người Việt đã đưa tình hình xã hội Việt Nam vào mà không nhắc đến Việt Nam. Một chủ đề tương tự đã thôi thúc sự ra đời của Tô công phụng sứ, tác phẩm xuất hiện với nguồn gốc hoàn toàn từ sự tiếp nhận Hán thư. Tác phẩm tự sự bằng thơ này thuật lại cuộc phiêu lưu của Tô Vũ, một sứ giả nhà Hán bị tộc Hung Nô giam giữ từ năm 99 đến năm 81 tr.CN 

Tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Kim Vân Kiều[vii] truyện, một tiểu thuyết tài tử giai nhân đầu thế kỉ XVII, được biết đến rộng rãi ở Việt Nam với một bản dịch tiếng Việt bằng thơ tự sự trường thiên theo thể lục bát dưới nhan đề Kim Vân Kiều. Bản tiếng Việt là của Nguyễn Du (1765 – 1820; không phải là tác giả trùng tên đã nói ở trên[viii]), phó sứ của triều Nguyễn trong sứ đoàn sang Trung Quốc năm 1813. Truyền bản Kim Vân Kiều sớm nhất hiện còn được in tại Hà Nội vào quãng năm 1815 và đã lưu hành rộng rãi[ix].

Câu chuyện bi kịch về một người phụ nữ bị đẩy vào hoàn cảnh ô nhục về đạo đức giữa các thế lực mạnh hơn đã được xem là sự trải nghiệm mang tính lịch sử của Việt Nam. Nhiều người Việt Nam hiện nay có thể đọc thuộc lòng Truyện Kiều. Nhân vật chính trong truyện là Vương Thuý Kiều bị ép phải bán mình cho lầu xanh để chuộc cha và người em trai bị tù oan. Cuối cùng nàng làm thiếp của Từ Hải, [thủ lĩnh] một phiến quân khống chế miền ven biển phía Nam Trung Quốc. Quan lại địa phương đã dụ dỗ Thuý Kiều để nàng thuyết phục Từ Hải đầu hàng triều đình, nàng nghe theo mà không biết rằng đó là một quỷ kế để hãm hại Từ Hải.

Nguyễn Du đã lược bớt một số tình tiết trong cốt truyện dài đó và sáng tạo ra một thi phẩm tự sự tương đối súc tích. Nhân vật chính trong truyện, nàng Kiều, đã sử dụng thơ Trung Quốc, bao gồm tuyệt cú và cổ thi trong suốt tác phẩm như một phương tiện để bộc lộ cái tôi. Trong tác phẩm có hơn 60 điển cố từ thơ Trung Quốc, trong đó có thơ ca của một nữ sĩ đời Đường là Tiết Đào (770 - 830). Nguyễn Du cũng cải biến cốt truyện Trung Quốc để khiến cho Vương Thuý Kiều và Từ Hải trở thành nhân vật chính diện.

Vai trò không tự ý thức được của Vương Thuý Kiều trong thất bại của đấng phu quân [Từ Hải] dưới tay [triều đình] Trung Quốc đã có tiếng vang về chính trị sâu sắc đối với độc giả Việt Nam thế kỉ XIX. [Câu chuyện] nàng kĩ nữ bị giằng xé giữa quan lại Trung Quốc và thủ lĩnh phiến quân, phải lưỡng lự giữa vùng trung tâm chính trị và một phiến quân miền biên viễn đã được đọc với tư cách là một lời ngụ ngôn cho tình trạng văn hoá Việt Nam dưới sự xâm phạm về văn hoá và chính trị của Trung Quốc, và sau này là Pháp. Nàng Kiều là biểu trưng cho một người Việt Nam chân chính bị lừa gạt phải phản bội đất nước mình.

Điều đó chí ít cũng là một cách hiểu điển hình trong thời hiện đại theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa về thi phẩm trường thiên này, cho dù có thể có những cách đọc hiểu Truyện Kiều tinh tế và giàu sắc thái hơn.

Trong thế kỉ XIX, các tác gia Việt Nam đã nắm bắt được hình thức tự sự xuất hiện trong tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc như là một sự quy nhận về ngôn ngữ phù hợp với việc diễn tả lịch sử người Việt chống lại Trung Quốc để giành độc lập chính trị. Điều thú vị là, dù cho những tiểu thuyết này xuất phát từ quan điểm dân tộc, nhưng chúng không được viết bằng tiếng Việt, mà lại viết hoàn toàn bằng Hán ngữ bạch thoại. Những tiểu thuyết lịch sử này có thể xuất hiện từ triều vua Tự Đức.

Một trường hợp như thế là tác phẩm Hoàng Việt xuân thu, tác phẩm khuyết danh[x] và chưa minh định được niên đại dù biết là nằm trong khoảng thế kỉ XIX. Tác phẩm này kể lại những cuộc đấu tranh của người Việt Nam chống quân Minh Trung Quốc trong giai đoạn 1400 – 1428. Một tác phẩm tự sự bằng chữ Hán khác được viết trong thế kỉ XIX là Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Bảng Trung[xi], bao trùm khoảng thời gian từ 1567 đến 1802, thời điểm xác lập quốc hiệu Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này được viết hoàn toàn bằng Hán văn bạch thoại, nhưng xen kẽ nhiều cước chú bằng những từ ngữ tiếng Việt [chữ Nôm] cho phần chữ Hán trước đó. Trong truyện đã tuân thủ tất cả những quy ước về một người kể chuyện chuẩn mực để viết nên một cuốn tiểu thuyết Hán văn bạch thoại. Cả hai tác phẩm này đều nỗ lực xây dựng một huyền thoại thống nhất đất nước trong thời kì cận kề mối đe doạ bành trướng từ phía Pháp. Dù sao thì chính Trung Quốc, chứ không phải Pháp, mới là thế lực ngoại bang trực tiếp được miêu tả.

Hình thức truyện kí lịch sử Trung Quốc đã được người Việt nắm bắt như là phương tiện để lấp đầy những lỗ hổng lớn trong lịch sử của mình. Nguyễn Văn Danh[xii] viết Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện vào năm 1846 để lấp đầy khoảng trống trong việc biên sử: thiếu vắng những tác phẩm viết về người phụ nữ Việt Nam nghĩa liệt.

Thời đại hoàng kim cho việc phiên dịch tiểu thuyết Hán văn ra tiếng Việt đã đến trong bước chuyển sang thế kỉ XX, khi bảng chữ cái Latin vốn được người Pháp giới thiệu đã được chấp nhận với tư cách văn tự quốc gia, được biết đến với tên gọi quốc ngữ trong tiếng Việt, và khi ấy chữ cái Latin chưa có nhiều liên hệ với chủ nghĩa đế quốc. Trên thực tế, chữ quốc ngữ đã trở thành một công cụ đầy sức mạnh để làm cách mạng dân tộc chống Pháp, đế quốc đã bắt đầu xâm lược Việt Nam từ năm 1858 và cai trị toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ năm 1884. Kể từ khi chữ cái Latin chứng tỏ được tính chất phù hợp hơn hẳn so với hệ thống chữ Nôm trước đây trong việc biểu đạt tiếng Việt, thì nó nhanh chóng thay thế hệ thống văn tự cũ. Lần đầu tiên hàng trăm tiểu thuyết Trung Quốc được chuyển dịch sang tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ và được xuất bản từ đầu thế kỉ XX đến những năm 1930. Vì vậy thật trớ trêu khi có một thực tế là văn tự mới dựa trên chữ cái Latin rõ ràng đã hữu hiệu hơn trong việc chuyển dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Việt so với hệ thống văn tự cũ [chữ Nôm] vốn được mô phỏng theo đường nét chữ Hán. Nhà Nho Phan Kế Bính (1875 - 1821) đã chuyển dịch nhiều tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Việt, trong đó có Tam quốc diễn nghĩa. Trong những năm 1920, Lí Ngọc Hưng (rất có thể là người gốc Hoa) đã dịch một lượng lớn tiểu thuyết võ hiệp (knight-errant) phục vụ nhu cầu của số dân ngày một đông đúc ở Sài Gòn và Hà Nội. Cũng có một thị trường rộng lớn cho việc phiên dịch tiểu thuyết lãng mạn theo mô típ “uyên ương hồ điệp” vào đầu thế kỉ XX (xem chương 38). Nhiều dịch giả là nhà báo.

Có một truyền thống đầy sức sống trong hí kịch Việt Nam là hát chèo, mà việc tầm nguyên đã đưa người ta đến với một nam diễn viên Trung Quốc đã được quốc vương Việt Nam mời dạy kịch tại Việt Nam vào năm 1005. Một loại hình ca kịch cổ điển Việt Nam, được biết đến với tên gọi hát bội [tức tuồng], đã thu hút được sự quan tâm trực tiếp của vua và lớp sĩ phu, và đã được biểu diễn tại cung đình. Những tác phẩm hát bội hiện còn được căn cứ trên cơ sở ca kịch Trung Quốc. Tương truyền, ca kịch Trung Quốc lần đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam khi quân Mông Cổ sang xâm lược vào năm 1285[xiii]. Có thể nghĩ rằng nhiều nghệ nhân Trung Quốc trong số ấy đã bị bỏ rơi lại Việt Nam khi quân Mông cổ rút chạy, và họ đã truyền dạy kĩ năng cho người Việt. Có một ghi chép nữa ở thời điểm 1350 về một nghệ nhân Trung Quốc đã phục vụ tại triều đình bắc Việt Nam[xiv]. Cho dù khởi đầu của hát bội chỉ giới hạn trong triều đình, nhưng ca kịch hát bội đến thế kỉ XVI đã được Đào Duy Từ phát triển để trở thành một bộ phận trong thú vui dân dã. Phần lớn các tác phẩm hát bội hiện còn có niên đại trong triều Tự Đức, giai đoạn đánh dấu những cố gắng đưa kịch Trung Quốc vào Việt Nam. Người Việt nam đã nhìn nhận về văn hoá Trung Quốc một cách mới mẻ và tiến bộ hơn. Mặc dù được biểu diễn tại Việt Nam, hát bội vẫn có đặc trưng là sử dụng từ ngữ mượn từ Hán văn. Các vở hát bội đã được phân loại thành loại quân[xv] và quốcTam quốc diễn nghĩa là một vở hát bội lưu hành phổ biến.

Từ năm 1919, bằng sức mạnh của mình, thực dân Pháp đã kiểm soát được hệ thống trường lớp và khởi đầu một tiến trình dài nhằm xoá bỏ di sản văn hoá Việt Nam thời trung đại vốn chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Ảnh hưởng sâu sắc mà văn học Trung Quốc có được ở Việt Nam trước Thế Chiến Thứ Hai đã gần như bị xoá bỏ bởi những cách tiếp cận văn học mang đậm tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh tính nguồn gốc của truyền thống dân ca Việt Nam và quy toàn bộ văn học về nguồn gốc bản địa. Nhiều tác giả qua cân nhắc thận trọng đã không còn viết bằng Hán văn nữa bởi chúng không còn giá trị gì. Khối tư liệu văn bản chữ Hán đồ sộ còn lại ở Việt Nam được trông giữ bởi các thủ thư không biết đọc chữ Hán. Chừng nào mà khối tư liệu ấy còn chưa được nghiên cứu một cách đúng đắn, thì hiểu biết của chúng ta về truyền thống Việt Nam sẽ vẫn còn chưa toàn diện. Tuy nhiên, những truyện kiếm hiệp Trung Quốc và những tư tưởng Trung Quốc về tính hiện đại trong văn học đã tiếp tục thẩm thấu vào Việt Nam đến tận ngày nay, nhưng chúng đã hoàn toàn được trình bày bằng tiếng Việt qua chữ cái Latin.

Kinh nghiệm của Việt Nam trong lịch sử đối diện với truyền thống văn học Trung Quốc về nhiều phương diện giống với Nhật Bản và Triều Tiên. Xuất hiện đầu tiên trên vũ đài là chế độ giáo dục và thi cử chủ yếu là dùng văn ngôn chữ Hán. Nhưng dần dần đã diễn ra một sự tiếp biến sản sinh những phong cách viết ngày một mang đậm tính bản địa, giống như tình hình đã diễn ra đối với chính Trung Quốc. Tiếp đó là thời kì thay đổi về ngôn ngữ qua việc chuyển sang dùng bản ngữ và viết bằng văn tự bản địa (phi Hán). Rồi, cùng với sự xuất hiện của phương Tây ở Đông Á, một lần nữa lại có nhiều điều chỉnh mang tính căn bản hơn nữa đã được thực hiện trong các lĩnh vực từ vựng, ngữ pháp, phong cách, thể loại, và nội dung. Tuy nhiên, hiện nay trong khi Trung Quốc một lần nữa đang có những chuyển biến mạnh mẽ trên các bình diện cốt lõi về kinh tế, chính trị, và văn hoá, thì vẫn cần phải xem xét xem không chỉ riêng những người láng giềng Đông Á mà trên toàn thế giới đã cảm nhận về ảnh hưởng của văn học Trung Quốc như thế nào. 

EMANUEL PASTREICH  

Nguyễn Tuấn Cường dịch và chú thích

Dịch xong: tháng 12/2005

Nguồn dịch: Emanuel Pastreich: The Reception of Chinese Literature in Vietnam [Tiếp nhận văn học Trung Quốc tại Việt Nam], in trong: Victor H. Mair (chủ biên): The Columbia History of Chinese Literature [Lịch sử văn học Trung Quốc của Đại học Columbia], New York: Columbia University Press, 2001, Chương 55, tr. 1096 – 1104. Những phần trong ngoặc vuông […] và tất cả các chú thích là của người dịch.

(mời xem giới thiệu Mục lục sơ giản của cuốn sách trên)

(mời download nguyên bản tiếng Anh của phần dịch trên)


CHÚ THÍCH (của người dịch):

[i] Viết là “chữ cái Latin truyền vào Việt Nam trong thế kỉ XIX” thì có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh đến thời gian chữ Quốc ngữ (chữ cái Latin ghi tiếng Việt) được chú ý phổ cập hóa ở Việt Nam sau khi người Pháp chiếm đóng, chứ không có ý nói đến thời điểm ra đời hoặc đưa những chữ Quốc ngữ đầu tiên vào Việt Nam.

[ii] Ở đây có lẽ ý tác giả muốn nói đến một số tác phẩm như Gia huấn ca (hoặc Lê triều Nguyễn tướng công gia huấn ca) từng một thời bị gán cho là tác phẩm của Nguyễn Trãi.

[iii] Tức các văn bản dùng chữ Nôm để ghi tiếng Việt.

[iv] Có lẽ tác giả nhầm, bởi hiện nay chúng ta chỉ biết đến Trần Tế Xương với những bài thơ Nôm tự sáng tác và một số bản dịch thơ Đường sang tiếng Việt dùng chữ Nôm.

[v] Đây là truyện Chuyện tiệc đêm ở sông Đà (Đà giang dạ ẩm kí) trong Truyền Kì Mạn Lục.

[vi] Bản Truyền kì mạn lục bằng chữ Nôm sớm nhất hiện biết có niên đại 1714 (Vĩnh Thịnh thập niên), do Kế Thiện đường khắc in, đã được học giả người Nhật là Xuyên Bản Bang Vệ (Kawamoto Kuniye) giới thiệu trong cuốn Truyền kì mạn lục san bản khảo, Khánh Ưng nghĩa thục đại học xuất bản, Tokyo, 1998. Trong các truyền bản của Truyền kì mạn lục giải âm hiện còn không có văn bản nào có niên đại 1783, có lẽ ở đây tác giả nhầm từ niên đại 1763 (Cảnh Hưng nhị thập tứ niên), truyền bản do Nguyễn Bích gia trùng san, là truyền bản khá quen thuộc.

[vii] Nguyên bản viết nhầm tên là “Chin Yun-ch’iao” (viết theo hệ phiên âm Wade-Giles), viết như vậy chứng tỏ tác giả hiểu tên truyện là tên một người họ “Kim”, tên là “Vân Kiều”. Viết đúng là “Chin Yun Ch’iao”.

[viii] Nguyễn Du và Nguyễn Dữ, chuyển sang tiếng Anh đều ghi là “Nguyen Du”, trở thành trùng tên.

[ix] Đây chỉ là một ức thuyết, cho rằng có một bản phường của Phạm Quý Thích (1759 - 1825) cho khắc in ở phường Hàng Gai (Hà Nội) ngay khi ông còn sống, nhưng điều này không có xác chứng. Đào Thái Tôn đã chứng minh rằng không có “bản phường” với nghĩa là bản Phạm Quý Thích đưa khắc in vào khoảng thời gian trên, khái niệm “bản phường” chỉ là sản phẩm ngoa truyền, mà bắt đầu là từ Kiều Oánh Mậu với bản Đoạn trường tân thanhkhắc in năm 1902 của ông (xin xem Đào Thái Tôn, Không có bản phường với nghĩa là bản Kiều do Phạm Quý Thích đưa in, in trong: Văn bản Truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2001, trang 17 - 42).

Truyền bản Truyện Kiều có niên đại sớm nhất hiện biết là một bản tàn khuyết do Liễu Văn đường khắc in năm 1866 (ví dụ xin xem: Nguyễn Khắc Bảo & Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo dị, Truyện Kiều – bản cổ nhất khắc in năm 1866, Liễu Văn đường, Tự Đức thập cửu niên, Nxb Nghệ An, 2004); Nguyễn Thạch Giang còn giới thiệu một bản nữa có niên đại sớm hơn, 1834, nhưng bản Nôm đã bị thiêu huỷ nên không còn xác chứng nữa, cuốn sách giới thiệu bản 1834 này cũng tỏ ra bất nhất khi lúc thì ghi là “bản khắc” (hai trang bìa), lúc lại ghi là “bản chép tay” (trang 3, 85) (xin xem Nguyễn Thạch Giang (phiên khảo), Đoạn trường tân thanh, Nxb. Văn hoá thông tin, 2005).

[x] Theo một số nhà nghiên cứu, Hoàng Việt xuân thu (còn gọi là Việt Lam xuân thu, hay Việt Lam tiểu sử) là tác phẩm tương truyền do Vũ Xuân Mai khởi thảo, Lê Hoan biên tập và đề tựa (xem: Việt Lam xuân thu, Trần Nghĩa dịch và giới thiệu, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999).

[xi] Việt Nam khai quốc chí truyện còn có tên gọi Nam triều công nghiệp diễn chí, tác giả Nguyễn Bảng Trung, tức Nguyễn Khoa Chiêm, tự là Bảng Trung, tước Bảng Trung hầu.

[xii] Ở đây có lẽ đã sự nhầm lẫn: Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện là tác phẩm của Hoàng Đạo Thành, tác gia cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, hiện còn bản do Quan Văn Đường khắc in năm 1906. Còn Nguyễn Văn Danh là tác gia thế kỉ XVIII, từng làm quan dưới thời Quang Trung, có viết cuốn Đại Việt quốc thư tập.

[xiii] Tác giả muốn nói đến sự kiện xảy ra năm 1285 khi quân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên và bắt được Lí Nguyên Cát làm tù binh, Cát diễn vở Tây vương mẫu hiến bàn đào, được con em các quý tộc học theo. Trong Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên cho rằng tuồng truyện của nước ta bắt đầu từ đó (xem: Đại Việt sử kí toàn thư – Nội các quan bản, bản dịch tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 141).

[xiv] Tác giả muốn nhắc đến sự kiện “người Nguyên là Đinh Bàng Đức, nhân nước có loạn, đem cả nhà đi thuyền vượt biển chạy sang ta. Bàng Đức giỏi leo dây, làm trò ca múa, người nước ta bắt chước làm trò múa leo dây. Trò leo dây bắt đầu có từ đó” (xem: Đại Việt sử kí toàn thư, sđd, tr.131).

[xv] Có lẽ ở đây tác giả hiểu nhầm nghĩa của chữ quân (= vua) thành “quân sự”, nên nguyên văn dịch thành từ military.

(bản dịch công bố lần đầu tại website http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/

Nguồn: http://khoavanhoc.edu.vn
 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020