Lý luận văn học

HIỆN TƯỢNG “ĐỌC SAI” TRONG TIẾP NHẬN VĂN HỌC


15-10-2020
Tác giả: TS Mai Thị Hồng Tuyết

Văn học là phương tiện giao tiếp giữa người với người. Đó là điều mà lí luận văn học ngày nay đã xác nhận. Khi người đọc tiếp xúc với tác phẩm văn học là anh ta đã tham gia vào quá trình giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp này, độc giả muốn biết được thông tin thì anh ta phải giải mã văn bản, giải mã hình tượng. Đây thực chất là công việc tìm thông tin, kiến tạo nghĩa giấu đằng sau hình tượng văn bản, đằng sau hình tượng. Quá trình này đòi hỏi người đọc phải dựa vào mã của người sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, khi giải mã, bạn đọc lại sử dụng bảng mã giả định để giải bộ mã mà người sáng tạo đã sử dụng. Do đó, ở rất nhiều trường hợp, bạn đọc giải mã sai dẫn đến hiện tượng “đọc sai”. Vì thế, bài viết này của chúng tôi bàn về một hiện tượng của tiếp nhận văn học – một vấn đề phức tạp nhưng không phải hiếm trong khi độc giả đọc – hiểu các văn bản văn học

1. Văn học là phương tiện giao tiếp giữa người với người. Đó là điều mà lí luận văn học ngày nay đã xác nhận. Khi người đọc tiếp xúc với tác phẩm văn học là anh ta đã tham gia vào quá trình giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp này, độc giả muốn biết được thông tin thì anh ta phải giải mã văn bản, giải mã hình tượng. Đây thực chất là công việc tìm thông tin, kiến tạo nghĩa giấu đằng sau hình tượng văn bản, đằng sau hình tượng. Quá trình này đòi hỏi người đọc phải dựa vào mã của người sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, khi giải mã, bạn đọc lại sử dụng bảng mã giả định để giải bộ mã mà người sáng tạo đã sử dụng. Do đó, ở rất nhiều trường hợp, bạn đọc giải mã sai dẫn đến hiện tượng “đọc sai”. Vì thế, bài viết này của chúng tôi bàn về một hiện tượng của tiếp nhận văn học – một vấn đề phức tạp nhưng không phải hiếm trong khi độc giả đọc – hiểu các văn bản văn học

2. Khái niệm “đọc sai”

Để rõ hơn vấn đề “đọc sai” trong quá trình giải mã, chúng ta cùng theo dõi một tình huống trong phim tình báo: Quân Nhật dùng điện đài phát đi một thông điệp, thông điệp này đã được mã hóa. Điệp viên Trung Quốc bắt được thông điệp đó. Nếu điệp viên Trung Quốc có trong tay bảng mật mã (mã của tác giả) thì sẽ giải được chính xác 100%, tuy nhiên tình huống này khó xảy ra. Nếu điệp viên Trung Quốc không có trong tay bảng mật mã đó, thì họ sẽ phải phải dựa trên một bảng mật mã giả định để giải mã thông điệp. Do đó, quá trình phát và nhận thông tin ở đây là quá trình tương tác giữa bảng mật mã của quân Nhật – thông điệp – bảng mật mã giả định của điệp viên Trung Quốc…  Như vậy, giải mã thực chất là đem bảng mã giả định của mình để thử giải thông điệp được tạo ra trên một bảng mã (nguyên tắc) khác.

Giải mã trong văn học cũng vậy. Khi người đọc tiến hành giải mã hình tượng, giải mã văn bản, họ sử dụng một bảng mã giả định để thử giải thông điệp mà nhà văn đã mã hóa bằng một bảng mã khác. Bảng mã giả định này có khi khớp với bảng mã mà người sáng tạo sử dụng. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng hiếm gặp, nó có tính lí tưởng. Trong giao tiếp văn học, phổ biến là sự lệch pha giữa mã của người sáng tạo, mã của tác phẩm và mã của người tiếp nhận. Vì thế, chủ nghĩa giải cấu trúc xác định khoa học văn học nói chung và phê bình văn học nói riêng như là sự thực hành đọc mà sự thực hành này rốt cuộc xoay quanh ba khái niệm là đọc (reading), đọc sai (misreading) và không thể đọc (unreadability). Thậm chí họ còn đẩy vấn đề xa hơn khi cho rằng tất cả mọi sự đọc đồng thời là sự đọc sai.

3. Nguyên nhân dẫn đến “đọc sai”

Nguyên nhân đầu tiên của sự đọc sai này bắt nguồn từ vấn đề chất liệu của văn học. Chất liệu trong các loại hình nghệ thuật tạo hình khác ít dẫn đến những nhầm lẫn, tranh cãi nhưng ngôn ngữ, bản chất của nó là đa âm đặc biệt là đa nghĩa. Sự đa nghĩa của ngôn ngữ đã dẫn người đọc đi theo những con đường khác nhau, vì vậy người đọc dễ đi đến kết quả sai. Chẳng hạn, khi tìm hiểu về bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, Trần Yên Thảo dịch hai câu đầu thành:

Mù sương trăng khuất Ô Đề

Rặng phong chài lưới ngóng về Sầu Miên [4, tr. 18]

Bởi dịch giả cho rằng, thôn Ô Đề và núi Sầu Miên là hai địa danh có thực. Nhiều nhà   nghiên cứu khác như Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Hà… phủ nhận quan điểm này. Trong bài Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ “Phong Kiều dạ bạc”, Nguyễn Khắc Phi đã đứng từ góc độ văn học để tranh luận. Nhà nghiên cứu dẫn ra một số sách uy tín của Trung Quốc để bác bỏ quan điểm của dịch giả. Trong khi đó, Nguyễn Hà đến tận chùa Hàn San thăm thú, hỏi người dân địa phương để rồi một lần nữa khẳng định không có sự tồn tại của hai địa danh Ô Đề và Sầu Miên. Hai chữ “ô đề” và “sầu miên” phải được dịch như Tản Đà là “chiếc quạ kêu” và “sầu vương giấc hồ” mới đúng [2, tr. 171- 177]. Tìm hiểu kĩ vấn đề, chúng ta thấy, từng từ ngữ cụ thể vốn đã có khả năng mang đến nhiều nghĩa song vấn đề thực sự trở nên phức tạp khi các yếu tố này nằm trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống ngôn ngữ và các hệ thống ngoài ngôn ngữ. Vì lẽ đó, tùy năng lực, tùy tư duy của từng người đọc, họ sẽ tìm cách tái tạo bức tranh ngôn ngữ để từ đó xây dựng bức tranh thế giới theo những cách khác nhau.

Nguyên nhân thứ hai của hiện tượng đọc sai này có thể xuất phát từ việc người đọc khi tiếp xúc với hình tượng văn học thường không có cảm giác bị vấp về mã, vì thế, người đọc dễ bị đánh lừa. Do đó, họ tiếp tục tiến hành thao tác đối chiếu hình tượng với bức tranh đời sống để nhận diện giá trị của hình tượng. R. Barthes trong Những huyền thoại khái quát về hiện tượng thuộc dạng này như sau: Người ta thường đọc các “huyền thoại” như là những hệ thống sự việc trong khi nó lại là những hệ thống giá trị. Điều đó có nghĩa là họ xem “huyền thoại” như là những gì có thực trong khi nó chỉ là những kí hiệu của những thông tin nhất định. Chính vì vậy khi tác phẩm Báu vật của đời được in ra, búa rìu đã đổ xuống đầu Mặc Ngôn thật ghê gớm. Tại sao quân Quốc dân đảng lại được miêu tả tốt, tại sao người cộng sản lại tả xấu, tại sao công kích đảng cộng sản… Trong Sông Đông êm đềm, khi M. Sôlôkhôp miêu tả các kị sĩ Hồng Quân ngồi ngất ngưởng dị dạng trên những chiếc yên của đội kị binh thì lập tức có nhà phê bình nghi ngờ sao lại có thể miêu tả kị binh Hồng quân như thế được. Còn độc giả thì viết: “Người đọc không muốn tin Mêlêkhôp là hư cấu. Họ tin anh ta sống thực sự, làm việc ở nông trại, anh ta vào Hồng quân, tham gia tập thể hóa nông nghiệp ở Thượng sông Đông” [Dẫn theo 3,  tr. 228]… Tại Việt Nam, khi Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp ra đời, Bùi Bình Thi trả lời phỏng vấn sau hội nghị Ban Chấp Hành Hội Nhà văn (Văn nghệ Quân đội, số 11/ 1988): “Không có viên tướng sống vô ích đến thế, bi kịch gia đình đâu đến nỗi ấy”. Hay khi Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư ra đời, có một anh cán bộ ở Cà Mau phát biểu rằng mình không thích tác phẩm vì câu chuyện về mối quan hệ gia đình, cha con trong truyện này phản ánh không đúng cuộc sống, tâm tư của người dân Cà Mau… Có thể nói, trong những trường hợp này, người đọc đã đọc sai vì đồng nhất hình tượng trong tác phẩm với các hiện tượng ngoài đời sống.

Như vậy, nguyên nhân thứ nhất và nguyên nhân thứ hai đều cho thấy vấn đề là bề mặt CBĐ của hình tượng văn học có đặc điểm là được lạ hóa, mơ hồ hóa, những cú pháp, những cách kết hợp để tạo hình có thể dẫn đến nhiều cách lí giải khác nhau. Nhưng một vấn đề quan trọng không kém cũng có thể dẫn đến hiện tượng đọc sai là do yếu tố ngữ cảnh. Yếu tố ngữ cảnh xuất phát từ các vấn đề tâm lí, sinh lí, giới tính, lứa tuổi, xã hội, thời đại… Khi ngữ cảnh thay đổi, bảng mã cũng thay đổi theo.

Trước hết, ngữ cảnh lịch sử thay đổi đã dẫn đến cách giải mã cũng thay đổi. Trong xã hội phong kiến xưa, khi người đọc tiếp nhận hình tượng Thị Mầu (Quan Âm Thị Kính) dưới góc nhìn của Nho giáo, người ta chỉ thấy đây là biểu tượng cho người phụ nữ lẳng lơ còn trong mắt nhiều người hôm nay, Thị Mầu lại là con người có cá tính, dám chống lại những lề thói cổ hủ để đi tìm tình yêu cho mình – một thứ tình yêu rất trong sáng… Tương tự, nhân vật Xúy Vân trong vở chèo Kim Nham xưa kia thường được xem là nhân vật phản diện thì nay, cô được nhìn nhận như là con người vừa đáng giận nhưng cũng vừa đáng thương. Trong văn học hiện đại, tình hình cũng xảy ra như vậy. Câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” từng khiến tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng “điêu đứng” vì người ta coi đó là biểu hiện của “mộng rơi”, “mộng rớt”, của lãng mạn, ủy mị kiểu tiểu tư sản thì nay, tình thế đã đổi khác. Nó chính là một minh chứng cho thấy sự hào hoa, lãng mạn của người trí thức Hà Thành… Sự thay đổi của ngữ cảnh lịch sử khiến nhiều giá trị được phát hiện nhưng cũng khiến vô số tác phẩm “mất giá” đặc biệt là những tác phẩm hướng vào những vấn đề có tính giai đoạn, những tác phẩm mà hình tượng của nó không đạt đến mức độ khái quát.

Ngữ cảnh thay đổi theo cá nhân cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến việc giải mã trở nên đa dạng và dẫn đến hiện tượng đọc sai. Bởi mỗi cá nhân là một cá thể độc đáo, duy nhất không lặp lại, họ có hiểu biết, có tâm lí, có quan niệm, tư tưởng khác biệt nhau. Thậm chí bản thân một cá nhân trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời cũng khác nhau. Nói như nhà triết học cổ đại: Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Người tri âm tri kỉ, chỉ cần nghe tiếng đàn mà hiểu được tiếng lòng là rất hiếm. Vì vậy, có những câu chuyện “dở khóc, dở cười” trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông. Đơn cử như trường hợp học sinh đọc đoạn trích Con có thương thầy, thương u? (trích Tắt đèn của Ngô Tất Tố) phản biện rằng: Chị Dậu bán con đi thì đâu có thương con mà đòi hỏi cái Tí là “Con có thương thầy thương u?”. Hay học trò có thể bảo Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là dại dột khi tự tử. Theo các em, Vũ Nương có thể về nhà mẹ đẻ ở một thời gian, chờ khi Trương Sinh nghĩ lại thì hàn gắn gia đình? Rõ ràng, những trường hợp tiếp nhận và giải mã hình tượng trong tác phẩm như vậy không phải là hiếm. Chúng chính là những ví dụ dễ thấy cho thấy việc “đọc sai”.

4. Hệ quả của việc “đọc sai”

Có thể nói, quá trình tương tác giữa người đọc với hình tượng trong tác phẩm đã khiến hình tượng nảy sinh những ý nghĩa vượt ra ngoài ý muốn của tác giả. Thời đại sau lại tìm đến những ý nghĩa mà thời đại trước không nghĩ đến. Vì vậy, trước đây, khi nghĩ về Cô bé Lọ Lem, người ta chỉ thấy đó là câu chuyện “Ở hiền gặp lành” nhưng xem bài Người Mỹ dạy bài học “Cô bé Lọ Lem” như thế nào?, chúng ta sẽ thấy đấy là một cách tiếp nhận khác hẳn. Mỗi chi tiết trong câu chuyện lại mang một ý nghĩa độc lập, gắn chặt với cách tư duy thiết thực của học trò. Tương tự, với nhiều nhà nghiên cứu trước đây, vở kịch Âm mưu và tình yêu của nhà viết kịch Đức thường được giải mã như là biểu hiện của sự thù địch giữa chế độ phong kiến với tình yêu của con người. Song khi dựng vở kịch này ở Việt Nam, Nguyễn Đình Nghi lại đưa người xem vào sự say đắm của con người trong tình yêu. Cách tiếp cận như vậy đã khiến tác phẩm đến được bản chất vĩnh cửu của con người, do đó, tạo ra sức hấp dẫn về mặt thẩm mĩ.

Bên cạnh đó, việc “đọc sai” cũng khiến số phận của tác giả và tác phẩm nổi chìm theo thời gian. Những năm 1940, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho Tản Đà sống theo chủ nghĩa khoái lạc, theo chủ nghĩa vật chất, thờ tình yêu, ham chơi, ham rượu, thích ăn ngon và khi không được mãn ý, ông có tư tưởng ngông cuồng và yếm thế. Ngược lại, Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam cho Tản Đà là người của hai thế kỉ, là cái gạch nối giữa thơ ca trung đại và thơ ca hiện đại. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tiếp nối quan niệm của Hoài Thanh, Hoài Chân, tiếp tục khẳng định vẻ đẹp nhân cách cũng như giá trị văn chương của nhà thơ này. Nhân cách của Vũ Trọng Phụng có một thời kì bị bôi nhọ, ông bị cho là người có lối sống sa đọa. Vấn đề nghiêm trọng đến mức một vài bằng hữu của ông phải viết bài chiêu tuyết cho ông. Số phận các cuốn tiểu thuyết của ông cũng nổi chìm không kém. Có ý kiến xem tiểu thuyết Giông tố là tiểu thuyết gợi lòng dâm dục trong đó có những đoạn người ta coi Vũ Trọng Phụng là môn đồ của Freud. Vũ Ngọc Phan xem Số đỏ là quyển tiểu thuyết hoạt kê nhưng lối hoạt kê không lấy gì làm cao cho lắm. Nhà nghiên cứu này thấy lối khôi hài của cuốn tiểu thuyết là lối khôi hài nông nổi, tuy nhạo đời nhưng không có căn cứ. Nó không có cái thú vị, thấm thía như Molie. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu khác như Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Suyền… lại đánh giá rất cao tiểu thuyết Số đỏ. Hơn nữa, có ý kiến còn cho rằng Số đỏ là cuốn tiểu thuyết trào phúng có thể làm vinh dự cho bất cứ nền văn học nào. Là một bài thơ nhưng Lá diêu bông của Hoàng Cầm cũng có số phận nổi chìm không kém. Có một thời, người ta gán cho tác phẩm này những vấn đề chính trị nghiêm trọng song hôm nay, ý nghĩa tự thân của nó đã được tìm lại, do đó, giá trị của tác phẩm đã được tái khẳng định. Vì thế, để tránh những hệ lụy này, chúng ta nên xác định giới hạn cho những cách đọc (dẫu biết khó thực hiện được trong thực tế tiếp nhận). Độc giả có quyền sử dụng những kinh nghiệm, những tri thức về đời sống, về văn hóa, văn học… để giải mã một hình tượng tuy nhiên họ không nên chỉ dựa vào suy luận mà áp đặt hay võ đoán về hình tượng. Mọi cách giải mã đều phải bám chặt vào văn bản và phải dựa trên những tiêu chí thẩm mĩ nhất định.

 5. Kết luận

 Hiện tượng “đọc sai” của người tiếp nhận là do ngôn ngữ vốn mơ hồ, đa nghĩa, do cấu trúc Cái biểu đạt phức tạp và đặc biệt là do ngữ cảnh sáng tạo và tiếp nhận khác nhau. Tuy nhiên, chính hoạt động này của người đọc lại khiến cho tác phẩm văn học, hình tượng văn học nảy sinh những nét nghĩa mới. Điều đó cho thấy, nếu giải mã thông thường bao giờ cũng tìm được đáp số thì giải mã nghệ thuật nói chung và giải mã văn học nói riêng lại không có đáp số cuối cùng. Quá trình này thường không đi đến cùng của nghĩa vì nghĩa của hình tượng văn học luôn sản sinh trong giao tiếp. Tác phẩm văn học, hình tượng văn học trở thành một “kết cấu mở”, luôn “vẫy gọi” bạn đọc mọi thế hệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thùy Giang (2009), Xúy Vân đáng trách hay đáng thương, tapchisongthuong.com/index.php?option.com_content&view=article&id=1142:xuy-van-dang-trach-hay-dang-thuong&catid=114:nghien-cuu-trao-doi&Itemid=511

 2. Nguyễn Khắc Phi (1999), “Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc”, Thơ văn cổ Trung Hoa – mảnh đất quen mà lạ, Hà Nội, NXB Giáo dục

3. Trần Đình Sử (1995), “Lịch sử sáng tạo tác phẩm như một vấn đề khoa học”, Thai nghén tác phẩm, Hà Nội, NXB Giáo dục,

4. Trần Yên Thảo (1998), Quà tặng người xưa, Hà Nội, NXB Trẻ

 5. Anh Vân (2006), Tác giả Cánh đồng bất tận bị kiểm điểm, http://giaitri.vnexpress.net/tac-gia-canh-dong-bat-tan-bi-kiem-diem-1887965.html

 6. http://vietnamnet.vn/vn/giaoduc/196404/nguoi-my-day-bai-hoc-co-be-lo-lem-nhu-the-nao-html

  Nguồn: Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, số 4/2015, tr. 8 - 13

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020