Lý luận văn học

ĐỌC LẠI PHẾ ĐÔ VÀ BÀN VỀ TRÍ THỨC THẬP NIÊN 90


15-10-2020
Tác giả: Vương Nghiêu (王尧)

Ngày nay, khi mà sự phân tranh giữa văn học và vấn đề văn hóa tư tưởng đã trở thành “thường nhật hóa”, thì chúng ta không thể không cảm khái trước sự tự tin và ngây thơ của trí thức khi bước vào thập niên 80. Nhà thơ Từ Trì trên Tạp san thơ số 1 năm 1980 đăng bài Thập niên 80, viết: “Chúng ta sẽ rũ bỏ quần áo cũ, mặc trang phục mới soi gương điểm trang lại”. Nói như nhà thơ, “chúng ta” và “Trung Quốc” của “chúng ta” bước vào không gian thời gian mà chúng ta gọi là “thời kì mới” với “trang phục” mới. “Tóc mây bên cửa sổ/ Soi gương dán hoa hoàng[1]” trí thức giống như “mộc lan”. Thế nhưng chưa hết thập niên 80, trạng thái như vậy đã tan rã, “chúng ta” và “gương” mà “chúng ta” soi đều vỡ vụn. Và nhà thơ kiệt xuất từng “soi gương điểm trang lại” ấy đã nhảy lầu tự sát vào năm 1996.

 

Cuối cùng chúng ta cũng ý thức được, sau khi “tính hiện đại” du nhập vào Trung Quốc, tinh thần của “chúng ta” một lần nữa xuất hiện vấn đề, vấn đề này đến nay vẫn chưa giải quyết được. Trên ý nghĩa này, thập niên 90 tiếp nối thập niên 80, thế kỉ mới tiếp nối thập niên 80, 90, với thể nghiệm của bản thân và nhận thức vấn đề trước mắt, tôi cảm thấy thập niên 80, 90 thực ra không ở phía sau, mà là đang ở trước mắt chúng ta, hoặc bản thân chúng ta đang ở trong đó. Nhìn lại thập niên 80 hoặc nhìn lại thập niên 90 chỉ là tìm kiếm nguồn mạch tinh thần trí thức từ một góc độ khác. Từ nửa sau thập niên 80, việc đề xướng “thuần văn học” đã thay đổi hướng đi của văn học sử, nhưng mặt sách lược của nó sau thập niên 90 cũng không thể hiện rõ ràng. Tính phức tạp của tiến trình lịch sử hoàn toàn vượt qua dự đoán của chúng ta, nhận thức của chúng ta về hiện tượng văn học, văn bản văn học cũng luôn không ngừng điều chỉnh. Sau khi “xóa bỏ chính trị hóa”, văn học không hề tiếp tục “thuần” như chúng ta dự đoán, sự tác động của “thị trường hóa” không chỉ thương phẩm hóa văn học, mà khó khăn lớn hơn chính là sự bắt tay giữa tư bản và quyền lực đã dần dần trở thành ngữ cảnh buộc trí thức phải đối mặt. Tôi nghĩ, trí thức ngày nay đã không thể thoái lui.

Trong trần thuật như vậy, chúng ta không thể không một lần nữa nhắc lại Phế đô của Giả Bình Ao, vì nó lưu giữ những điều mà tôi đã trình bày ở trên. Khi chúng ta quay trở lại thập niên 80, 90, một số nhà văn, tác phẩm đã không còn giá trị như xưa nữa, có thể bỏ qua hoặc lướt qua, nhưng trong trình bày phân tích về lịch sử, chúng ta không thể bỏ qua Phế đôPhế đô - tác phẩm gây nhiều tranh cãi - đã để lại một không gian rộng lớn cho sự diễn giải, nó đã động đến nhiều vấn đề mang tính mấu chốt trong văn hóa tư tưởng và trí thức Trung Quốc đương đại từ cuối thập niên 80 đến nay. Tất nhiên, đây không phải là bài viết lật lại vấn đề. Vì ngay cả khi Phế đô bị “càn quét”, tiếng nói ủng hộ nó cũng khá rõ ràng; hơn mười năm sau, tiếng nói ủng hộ Phế đô vẫn không dứt, những người từng ra sức phủ định Phế đô cũng đang điều chỉnh lại quan điểm của mình. Theo tôi, tranh luận về cuốn tiểu thuyết này có thể và nên tiếp tục diễn ra. Vì thế, “đọc lại” Phế đô mà tôi đề xuất cũng chỉ là tìm kiếm một trong những khả năng tiếp cận Phế đô mà thôi.

I

Trước khi đọc lại về Phế đô, tôi muốn tìm hiểu sơ qua về sự thay đổi trong hứng thú tư tưởng nghệ thuật của Giả Bình Ao trước khi viết tác phẩm này. Vì sự huyên náo do Phế đô tạo ra đã làm lệch hứng thú của mọi người trong việc khảo sát một cách toàn diện khuynh hướng tư tưởng của Giả Bình Ao, mà điểm này chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít người đọc và nhà phê bình kiến giải không chính xác về Phế đôPhế đô của Giả Bình Ao không phải là một văn bản cô lập, xuất hiện một cách đột ngột, mà có thể tìm thấy dấu vết của nó ngay trong lịch trình tư tưởng của Giả Bình Ao.

Khi bàn về Phế đô, rất nhiều nhà phê bình đã so sánh nó với tiểu thuyết Phù táo viết giữa những năm 80 của ông, nhưng khi những nhà phê bình này khẳng định Phù táo thì lại thường không chú ý đến sự thay đổi bên trong của Giả Bình Ao. Tuy Phù táo là tác phẩm sáng rõ và đầy hào hứng, nhưng khi viết xong, Giả Bình Ao lại có chút nghi hoặc, nếu như khi viết Phù táo ông đã hiểu rõ các quan hệ giữa hiện đại hóa và nông thôn, thì gần đây đã không viết thêm tiểu thuyết Tần xoang nữa. A Thành từng trình bày cặn kẽ như sau: “Tác phẩm của Bình Ao đến tận Thái bạch, Phù táo đều là tiểu thuyết thế tục. Thái bạch thu thập về những thứ bị người đời coi là chuyện thị phi, Phù táo bắt đầu có sức sống trong không gian riêng của mình, không hiểu vì sao Bình Ao lại băn khoăn”[2]. Trong lời tựa Phù táo, Giả Bình Ao đã nói về sự “băn khoăn” của mình như sau: “Tôi không thể dùng khung này để cấu tứ tác phẩm của mình nữa, nói cách khác, phương pháp tả thực có vẻ nghiêm ngặt đang rất thịnh hành có lẽ không còn thực sự thích hợp đối với tôi nữa, thậm chí nó còn rất gò bó tôi”. “Kết cấu tầng sâu của văn hóa Đông Tây đều đang phân tách, làm thế nào để viết được về quá trình phân tách vừa khiến con người phấn chấn vừa khiến con người đau khổ này, và trên phương diện hình thức, làm thế nào để không dùng cách thấu thị tiêu điểm của người phương Tây mà dùng phép thấu thị tản điểm của hội họa Trung Quốc để tiến hành, như vậy sẽ là một thí nghiệm vô cùng thú vị”. Giả Bình Ao cảm thấy tác phẩm tiếp theo của mình có thể khác hoàn toàn so với Phù táo.

Tháng 6 năm 1990 Giả Bình Ao xuất bản tập tản văn Nhân tích, không ít tác phẩm trong tập tản văn này đã bước đầu thể hiện tinh thần của Phế đôNhân tích đã thay đổi phong cách viết tản văn trước kia của Giả Bình Ao, tuy trong đó một số tác phẩm bắt nguồn từ sự hủy hoại của bệnh gan đối với ông, nhưng chắc chắn tập tản văn này là “bản cáo trạng về bệnh tật” của linh hồn và xã hội. Nếu chỉ nói riêng phương diện nghệ thuật, Giả Bình Ao đã từ bỏ bút pháp của Nguyệt tích, đã cự tuyệt cách biểu đạt đầy chất thơ và cách xây dựng hoàn mĩ. Nghiên cứu kĩ hơn sẽ thấy sự thay đổi này bắt nguồn từ việc ông phát hiện ra sự tàn khuyết và khốc liệt của nhân sinh, ý thức này vốn rất mờ nhạt, cũng có thể nói là rất ít gặp trong tản văn và tiểu thuyết trước đó của ông. Đây là ranh giới tư tưởng nhân sinh khi Giả Bình Ao gần 40 tuổi. Trong Tự bạch, ông nói: “Điều mà cuộc đời cho tôi là biết bao tàn khuyết, nghệ thuật của đời sống đáng tiếc như vậy sao? Tất cả những điều này lẽ nào muốn dạy tôi rằng: con người không chỉ giống như củ hành tây có vô số lớp vỏ, mà còn là quả óc chó vỏ cứng sần sùi phải đập ra mới thấy được hạt như đại não đã trưởng thành! Muốn tôi tiếp nhận tất cả sự cô độc và dằn vặt để kiểm nghiệm sức chịu đựng của tôi, để tôi có được một niềm vui khác trong sự chịu đựng khốc liệt này?!”. Trong Đất hoang, ông còn nói: “Sự khổ nạn và bi phẫn của con người tạo nên sự tàn khuyết và đáng tiếc vô hạn, vượt qua sẽ là nhân vật hài hước”. “Tàn khuyết” và “đáng tiếc” trong tản văn của Giả bình Ao được biểu hiện ra thông qua miêu tả muôn vàn dáng vẻ khác nhau của con người trong xã hội, thay thế sự tán thưởng nhân tính thuần phác bằng sự giải phẫu nhân cách bệnh tật. Giọng văn đã có những thay đổi này và không khí tinh thần dần dần hiện ra đã xác lập lại quan hệ giữa Giả Bình Ao và hiện thực, đã thay đổi phương thức miêu tả hiện thực của ông. Nếu như khi chúng ta đọc Phế đô, không chú ý đến sự thay đổi này, chúng ta sẽ bỏ qua tiền đề tinh thần khi Giả Bình Ao viết Phế đô và hướng toàn bộ sự chú ý vào chuyện được mất của việc miêu tả tính dục.

Ngoài nhân cách bệnh tật, trong Nhàn nhân, sự xuất hiện của hình tượng “nhàn nhân” và hứng thú khi viết Nhàn nhân cũng đã dự báo sự thay đổi trong tả người tả ý của Giả Bình Ao sau này. Mở đầu Nhàn nhân ông viết: “Không biết từ khi nào, trong xã hội có nhàn nhân”. Ông đã giảng giải về đặc trưng “nhàn” trong “nhàn nhân” bằng giọng điệu vô cùng thú vị: “Nhàn nhân không phải là người đầu óc giản đơn tứ chi phát triển, có thể nói, họ đều là những người rất thông minh, có văn hóa, và thích mua sách, chỉ có điều chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách. Nhưng học vấn đã đủ rồi, biết Freud, biết Hậu Nghệ, biết Mạnh Tử, Homere, Picaso và AQ. Khi mặc quần bò và kéo lê trên mặt đất đi dạo phố đêm, nhàn nhân thường sẽ gặp nhàn nhân, họ sẽ cùng nhau đến nhà một nhàn nhân, trong căn phòng bừa bộn, quyết không dùng đũa mà dùng tay bốc đậu kho và đùi gà, nói chuyện thiên văn, địa lí, huyền học, triết học, kinh tế, từ phụ nữ bàn đến Nữ Oa tạo ra con người, từ cơ quan nhà nước bàn đến chúa trời, và thường nói nhiều nhất đến cuộc đời, từ cuộc đời nói đến tuần hoàn của trái đất, như vậy, mỗi người đều treo ngược trên trái đất, thì khó tránh khỏi nói một câu mà lần nào cũng nói: “thượng đế đã chết”!. Sau đó có người đi tiểu tiện, có người khạc đờm xuống gầm bàn, chửi rủa “trái đất quá nhỏ”! Có người mở cửa ngắm cảnh đêm thành phố, cảm thấy đau lòng, có người trang nghiêm đi vệ sinh, ngồi đại tiện, có người lấy cuốn sách muốn đọc, nhưng lại ngồi lên nó. Đêm đó họ mở cửa, say đến ngày hôm sau, hôm sau, rửa mặt, đánh răng, phẩy bụi trên quần áo, đạo mạo trang nghiêm đi làm việc của mình”. Phế đô đã “khuếch đại hóa” hình tượng “nhàn nhân” trong tản văn, đọc đoạn văn này, tôi thậm chí cảm thấy, Phế đô chính là đã bắt đầu từ đây.

Trích trong "Văn học đương đại Trung Quốc, tác giả và bình luận, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2017, Đỗ Văn Hiểu dịch)


[1] “Hoa hoàng” là một kiểu trang sức lấy giấy cắt thành hình hoa, trăng, chim… dán lên trán. (ĐVH)

[2] A Thành, Mạn đàm, Nhà xuất bản Nhà văn, tháng 2 năm 1998, xuất bản lần 1.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020