Nhiều năm trước, một ngày trước khi viết Đất dày, Lý Nhuệ đã viết trong nhật kí: “Trung Quốc là gì? Trung Quốc là mùa thu “đã chín” quá lâu rồi”. Đây là câu nói mà ngày nay chúng ta không thể dễ dàng bỏ qua khi bàn về Lý Nhuệ.
I
Nhiều năm trước, một ngày trước khi viết Đất dày, Lý Nhuệ đã viết trong nhật kí: “Trung Quốc là gì? Trung Quốc là mùa thu “đã chín” quá lâu rồi”. Đây là câu nói mà ngày nay chúng ta không thể dễ dàng bỏ qua khi bàn về Lý Nhuệ.
Điều này bắt nguồn từ cuộc sống của Lý Nhuệ và cũng là kết quả của việc không ngừng truy vấn lịch sử của ông. Từ Đất dày đến Ngân thành cố sự, trần thuật và những suy tư của Lý Nhuệ về “vấn đề Trung Quốc” dường như đều là sự triển khai của câu “Trung Quốc là mùa thu “đã chín” quá lâu rồi”. Lý Nhuệ nhớ lại khi ông viết xong câu nói trên, “hồi lâu không nói gì, trong mắt chợt hiện lên gương mặt mệt mỏi già nua của Lữ Lương Sơn”. Già nua mệt mỏi là một phần của “mùa thu”, thế là Lý Nhuệ có Đất dày; trong “mùa thu” này, “ngay cả khi nhiệt huyết tràn đầy thì đập vào mắt mọi người vẫn là một màu vàng úa”, thế là Lý Nhuệ có Cây không gió và Vạn dặm không mây. Từ Đất dày đến Ngân thành cố sự, trong việc xây dựng làm nổi bật tính chủ thể của Hán ngữ, sáng tác của Lý Nhuệ không ngừng cải biến phương thức Trung Quốc trong tưởng tượng văn học, vẽ ra triển vọng phát triển và vấn đề tư tưởng trong sáng tác bằng Hán ngữ đương đại. Tôi cho rằng đây là ý nghĩa văn học sử của Lý Nhuệ.
Trước khi Lý Nhuệ trả lời câu hỏi “Trung Quốc là gì?” ông đã có những trải nghiệm trong sáu năm tham gia đội sản xuất ở Lữ Lương Sơn của ông. Trải nghiệm này đã thay đổi Lý Nhuệ, đồng thời thay đổi cả thế hệ ông. Sau này nhận thức về Trung Quốc, lí giải về những vấn đề mấu chốt trong sáng tác văn học của thế hệ nhà văn như Lý Nhuệ đều có liên quan đến trải nghiệm trong thời tham gia đội sản xuất ở nông thôn trong thời “Cách mạng văn hóa”. Đối với Lý Nhuệ, những thay đổi có tính chất căn bản này tuy không phải được hoàn thành trong sáu năm đó, nhưng chắc chắn có liên quan. Sau này khi kể lại những trải nghiệm trong giai đoạn ấy Lý Nhuệ thường dùng cụm từ “khắc cốt ghi tâm”. Không còn nghi ngờ gì nữa, tinh thần khổ cực, gân cốt mệt mỏi, cơ thể đói khát là một phần trong những điều “khắc cốt ghi tâm” đó, nhưng những điều “khắc cốt ghi tâm” đó không thuần túy là kí ức nhọc nhằn của một cá nhân. Nếu chỉ như vậy thì sẽ không có nhà tiểu thuyết Lý Nhuệ kiệt xuất hiện nay. Đương nhiên, trường hợp ngược lại cũng không hề hiếm gặp trong gần 20 năm nay.
Giống như phần lớn thanh niên trí thức đương thời, Lý Nhuệ đến Lữ Lương Sơn mang theo lí tưởng “làm được một điều gì đó lớn lao”, nhưng điều kiện tiền đề lại là “tiếp nhận giáo dục lại của tầng lớp bần nông và hạ trung nông”. Theo tôi, chúng ta không thể bỏ qua kiến thức lịch sử này khi bàn về thế hệ Lý Nhuệ. Sự hưng khởi của phong trào “lên núi xuống đồng” với quy mô lớn sau năm 1968 đã thay đổi vị trí của thanh niên trí thức trong “Cách mạng văn hóa”. Có thể nói là đã đảo lộn vị trí. Một thế hệ nhà văn “lên núi xuống đồng” với danh nghĩa là thanh niên trí thức, nhưng thực ra họ không hề có thân phận trí thức thực sự, “thanh niên trí thức” chỉ là thân phận chính trị, thân phận này không đảm nhiệm vai trò khai sáng, mà ngược lại, phải tiếp nhận sự “giáo dục lại”. Đây là sự sắp xếp chế độ và quy định chính trị những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Vì thế, cho dù một bộ phận thanh niên trí thức có năng lực “khai sáng” cũng không có tính hợp pháp trong quy định và sắp xếp đương thời. Chính vì sự thay đổi vị trí này đã xác lập lại quan hệ giữa “trí thức” và “dân chúng” (“nhân dân” trên ý nghĩa giai cấp). Cho nên, khi đọc lại Lý Nhuệ, tôi cảm thấy “sự kết hợp” giữa thanh niên trí thức với bần nông, hạ trung nông là “nấm mồ chung” theo một nghĩa khác. Có thể nói đây là trải nghiệm tư tưởng chung của phần lớn thanh niên trí thức. Sau này, một bộ phận trong số họ sau khi có được thân phận trí thức thực sự thì quan điểm và sự lí giải của họ về “dân chúng” lại có nhiều khác biệt, thậm chí khác nhau rất lớn. Rất dễ nhận thấy sự chia rẽ của lớp người này sau những năm 90. Có thể nói, lí giải khác nhau về “dân chúng” đã tạo nên sự khác nhau trong tự sự lịch sử của văn học thời kì mới. Sự khác biệt giữa Đất dày của Lý Nhuệ và “văn học thanh niên trí thức” một thời đã một lần nữa nhấn mạnh đặc điểm này. Sau này Lý Nhuệ kịch liệt phản đối “diễn ngôn khai sáng” của văn học và những thứ liên quan đến nó.
Lý Nhuệ từng nhớ lại, cảnh tượng ông nhìn thấy khi ngồi hố xí ở Lữ Lương Sơn đã thay đổi cách giải thích về “nhân dân” mà ông đọc được trong sách vở, “lí giải của ông về nhân dân hoàn toàn khác. Đó là kết quả của việc tích lũy từng li từng tí một từ những cảnh tượng trước đây chưa từng được nghe, chưa từng được thấy”[1]. Có thể nói lí giải khác về “nhân dân” là lật lại tất cả. Trên vùng đất khô cằn ở Lữ Lương Sơn, Lý Nhuệ ý thức được “từ “lịch sử” chính là có người làm cho thóc vàng vài nghìn lần, cao lương đỏ vài nghìn lần”. Đây là phát hiện ngoài “lịch sử vĩ mô” và nhận thức về cảnh ngộ nhân dân Lữ Lương Sơn của Lý Nhuệ. Vì thế, khi viết về vấn đề “quốc dân” Lý Nhuệ không thể không mang thái độ thận trọng, hơn nữa còn chuyển mũi nhọn phê phán sang phủ nhận và phê phán “tiến trình lịch sử”. Tri thức và logic được truyền bá trong hệ thống tri thức trước kia đã vấp phải sự hoài nghi của Lý Nhuệ, điều này mở đầu cho phản tư về lịch sử phi lí trong thời gian khá dài của ông. Chúng ta đã quen với việc coi hoài nghi này là mở đầu cho sự thức tỉnh tinh thần, nhưng theo tôi, nói một cách chính xác hơn, thực ra đây lại là mở đầu cho việc rơi vào khó khăn tinh thần một lần nữa. Tôi cảm thấy, dù là thế hệ Lý Nhuệ hay là thế hệ 6x chúng ta thì đều không thể nào thoát khỏi khó khăn về tinh thần, với ý nghĩa này, sáng tác thực ra là sự “tự cứu rỗi tinh thần” (lời của Lý Nhuệ). Vì thế nên nói, “Lữ Lương Sơn” là một “nấm mồ”, nơi đó chôn “thanh xuân”, “lí tưởng”, “cách mạng”, “chân lí”. Câu chữ viết về Lữ Lương Sơn chỉ là cỏ xanh mọc trên “nấm mồ” này.
Cho nên vấn đề tư tưởng trong sáng tác bằng Hán ngữ đương đại chỉ có thể là sự truy vấn đối với khó khăn tinh thần và quan sát tìm hiểu cảnh ngộ của người Trung Quốc. Lý Nhuệ từng nói một cách thẳng thắn rõ ràng rằng “với tư cách là một nhà văn Trung Quốc, tôi chỉ có thể viết về người Trung Quốc, khi tôi viết về người Trung Quốc thì bản thân tôi cũng là một người Trung Quốc chính hiệu. Tôi không có dự định và cũng không thể có sự lựa chọn khác, hoàn cảnh khác. Giống như tôi đã nói trong lời nói đầu, mỗi người Trung Quốc chỉ có thể là một bộ phận của mùa thu “chín” quá lâu rồi. Tôi chỉ có thể quan sát tìm hiểu cảnh ngộ của loài động vật được gọi là người này tại ngôi làng trái đất trong thể nghiệm thâm trầm về cảnh ngộ của người Trung Quốc”. Chính trong truy vấn và quan sát tìm hiểu như vậy, “Trung Quốc bản thổ” của Lý Nhuệ dần dần hình thành. Điều này vô cùng quan trọng. Từ những năm 90 của thế kỉ XX, sự khác biệt trong con đường tư tưởng của nhà văn và của một lớp trí thức Trung Quốc phần lớn được quyết định bởi trí thức có hay không “Trung Quốc bản thổ” hoặc có “Trung Quốc bản thổ” như thế nào?
Ở Lữ Lương Sơn, Lý Nhuệ mang một nỗi bi ai “thiên trường địa cửu”. Trong phần hậu kí của Đất dày Lý Nhuệ đã trích dẫn Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang: “Người trước chẳng thấy ai/ Người sau thì chưa thấy/ Gẫm trời đất thật vô cùng/ Riêng lòng đau mà lệ chảy”[2]. Sau này Lý Nhuệ nhiều lần dẫn ra bài thơ này để thể hiện cách hiểu của ông về tinh hoa truyền thống văn hóa Trung Quốc, về bi kịch trong nghệ thuật Trung Quốc, về tính phong phú trong việc biểu đạt cuộc sống của Hán ngữ… Theo tôi, điều này không phải là sự phục chế cảm xúc, mà là lí giải lại, là lí giải trên cơ sở bối cảnh Lữ Lương Sơn. Sự lí giải này khiến Lý Nhuệ tìm thấy trong câu thơ của Trần Tử Ngang sự tự tin khi sáng tác bằng Hán ngữ. Trong tưởng tượng của tôi, Lý Nhuệ luôn đứng ở trước ngôi nhà cỏ ở Lữ Lương Sơn “Gẫm trời đất thật vô cùng, Riêng lòng đau mà lệ chảy”[3]. Màu nền trong ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ của Lý Nhuệ đều đến từ đó.
Tôi cũng không biết có cách diễn đạt nào phù hợp hơn cách nói “khắc cốt ghi tâm”, nhưng Lý Nhuệ thường không hề do dự khi sử dụng cụm từ này khiến tôi có cảm giác: Lý Nhuệ là một phần của “mùa thu” này, “mùa thu” cũng “khắc” trong trái tim ông. Trong sáng tác sau này, mặc dù Lý Nhuệ cũng đã từng bỏ qua Lữ Lương Sơn, nhưng theo tôi, trần thuật có sức sống nhất của ông chưa bao giờ rời xa Lữ Lương Sơn, “Ngân thành” (một thành phố hư cấu lấy quê hương Tự Cống, Tứ Xuyên của ông làm bối cảnh) cũng chỉ là “quê hương thứ hai” trong tiểu thuyết của ông. Khi bàn về tiểu thuyết của Lý Nhuệ, không chỉ là tôi mà rất nhiều độc giả, nhà phê bình đều đánh giá cao Đất dày, Cây không gió và Vạn dặm không mây. Thậm chí tôi cảm thấy, trong cuộc sống của một nhà tiểu thuyết ưu tú có lẽ chỉ có một “chốn xưa”, ví dụ như Tương Tây đối với Thẩm Tùng Văn, quê hương Đông Bắc Cao Mật đối với Mạc Ngôn, Mã Kiều đối với Hàn Thiếu Công, Thương Châu đối với Giả Bình Ao; Tôi muốn nhìn nhận ý nghĩa của Lữ Lương Sơn đối với Lý Nhuệ trên ý nghĩa như vậy.
[1] Lý Nhuệ, “Ba vấn đề của việc tham gia đội sản xuất”, trong Nhân loại của ai, Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, 9-2000.
[2] Bản dịch thơ của Tương Như (ĐVH).
[3] Xem thêm: “Tiếng ca khóc của sinh mệnh”, trong Nhân loại của ai, Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, tháng 9 năm 2000.
(Trích trong Văn học đương đại Trung Quốc, tác giả và bình luận, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2017, Đỗ Văn Hiểu dịch)