Lý luận văn học

SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ CHUYỂN HƯỚNG CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC


15-10-2020
Tác giả: Vương Nghiêu (王尧

Những năm gần đây, giới nghiên cứu văn học đương đại rất chú ý đến Nghiên cứu “60 năm văn học đương đại Trung Quốc” từ nhiều góc độ, tầng diện khác nhau. Chắc chắn “60 năm văn học đương đại Trung Quốc” không phải là khái niệm văn học sử theo đúng nghĩa của nó, nhưng trong liên hệ bên trong giữa văn học và hiện thực, cách đặt tên này mang đến khả năng mới cho nghiên cứu văn học sử đương đại Trung Quốc, nó vừa là kết quả của bối cảnh hiện thực, vừa phản ánh những thành tựu mới của nghiên cứu văn học đương đại. Với tư cách là một bộ phận của văn học sử đương đại Trung Quốc, phê bình văn học không chỉ tác động qua lại với sáng tác, mà còn thúc đẩy sự hình thành, phát triển và chuyển hướng của văn học đương đại Trung Quốc, ý nghĩa lịch sử học thuật của nó rất lớn.                                                                                I

Phê bình văn học đương đại Trung Quốc trong quá trình quá độ từ văn học hiện đại sang văn học đương đại đã phát huy vai trò đặc biệt quan trọng, đã thể hiện yêu cầu bản chất của văn học chủ nghĩa xã hội trong quá trình hình thành chế độ văn học đương đại Trung Quốc. Điều này về cơ bản giống với vai trò của phê bình hiện đại sau thời vãn Thanh trong văn học hiện đại. Trong quá trình ra đời và phát triển của văn học mới, phê bình văn học luôn chiếm một vị trí quan trọng. Văn học sử đương đại từng có lúc đề cao vai trò của phê bình văn học lên mức cực đoan. Kinh nghiệm lịch sử phê bình văn học cho thấy, thổi phồng hay hạ thấp, hiểu sai về vai trò của phê bình văn học đều là một trong những nhân tố dẫn đến sự lệch lạc trong quá trình phát triển của văn học.

Với tư cách là một hoạt động thực tiễn, văn học của chúng ta, ngay từ những năm 40 của thế kỉ XX tại khu giải phóng Diên An, phê bình đã xác lập con đường phát triển của văn học đương đại Trung Quốc. Chủ trương này đã tiếp nối trào lưu văn học cánh tả những năm 30. Chúng ta có thể thấy điều này trong văn luận của những nhà lí luận văn học nghệ thuật Mác xít thời đó như Chu Dương và Phùng Tuyết Phong. Trong quá trình phát sinh, phát triển của phê bình văn học hiện đại, lí luận văn học nghệ thuật và phê bình văn học nghệ thuật cách mạng, cánh tả, tả khuynh luôn là trào lưu tiếp nối không ngừng từ văn học nghệ thuật khu giải phóng Diên An đến văn học nghệ thuật Trung Quốc mới, vai trò hạt nhân của nó dần dần được xác lập[1].

Mặc dù nhận thức về “văn học chủ nghĩa xã hội” những năm 60 có sự thay đổi sâu sắc, nhưng trong thời gian tương đối dài, phê bình văn học đảm nhiệm vai trò diễn giải giá trị hạt nhân của chế độ văn học đương đại Trung Quốc. Năm 1949 tại Bắc Kinh, Đại hội đại biểu công tác văn học nghệ thuật lần thứ nhất được tổ chức, đại hội này thường được coi là mở đầu cho văn học đương đại Trung Quốc. Trong báo cáo Văn học nghệ thuật nhân dân mới Chu Dương chỉ ra phê bình văn học là phương pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo tư tưởng của công tác văn học nghệ thuật: “Xây dựng phê bình văn học nghệ thuật khoa học, tăng cường lãnh đạo cụ thể của công tác văn học nghệ thuật”. Quan điểm này của Chu Dương bắt nguồn từ tư tưởng của Mao Trạch Đông trong Phát biểu tại tọa đàm văn học nghệ thuật Diên An: “một trong những phương pháp đấu tranh chủ yếu của giới văn học nghệ thuật chính là phê bình văn học nghệ thuật”. Chu Dương chỉ ra, “thực tế hiện nay rất thiếu phê bình, đặc biệt là phê bình có tư tưởng, cụ thể, và thiết thực. Không khí phê bình trong công tác văn học nghệ thuật quá mỏng manh. Vì thiếu sự dẫn dắt đúng đắn của phê bình, cho nên đông đảo độc giả đã lựa chọn tác phẩm một cách tùy tiện. Do thiếu sự hỗ trợ của phê bình đúng đắn, nhiều tác giả trẻ phải tự mày mò, có lúc phải đi đường vòng mà lẽ ra họ có thể tránh được. Cũng do thiếu phê bình nên đoàn kết trong giới văn học nghệ thuật có lúc trở thành đoàn kết vô nguyên tắc. Chúng ta phải tiến hành đấu tranh tư tưởng trên trận tuyến chung của văn học nghệ thuật. Phải thường xuyên chỉ ra, trong văn học nghệ thuật cần đề xướng cái gì, phản đối cái gì. Phê bình phải là vận dụng cụ thể tư tưởng văn học nghệ thuật của Mao Trạch Đông, phải tập trung biểu hiện ý kiến của quần chúng công nhân và cán bộ khác, phải qua phê bình để thúc đẩy tự phê bình giữa những người làm công tác văn học nghệ thuật, phải thông qua phê bình để nâng cao tính tư tưởng và tính nghệ thuật của tác phẩm. Phê bình là phương pháp quan trọng thực hiện sự lãnh đạo tư tưởng đối với công tác văn học nghệ thuật”[2]. Chu Dương cũng nhắc đến việc thông qua phê bình nâng cao tính tư tưởng và tính nghệ thuật của tác phẩm văn học, nhưng trong trình bày và kết luận ông luôn nhấn mạnh: “Phê bình là phương pháp quan trọng để thực hiện sự lãnh đạo tư tưởng trong công tác văn học nghệ thuật”. Trong cuộc đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật và phê bình văn học nghệ thuật trên “mặt trận tư tưởng” luôn được coi trọng, điều đó đã quyết định dòng mạch cơ bản trong sự phát sinh, phát triển của văn học đương đại. Vì thế, phê bình văn học được đặt vào vị trí quan trọng, đặc thù, đảm nhiệm chức năng diễn giải chính sách văn học nghệ thuật của Đảng và tiến hành đấu tranh tư tưởng.

Trong thời kì đầu những năm 50, phê bình đã phát huy vai trò “đấu tranh tư tưởng”, nhưng sự thiên lệch này đã dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực. Tháng 9 năm 1953, trong Đại hội Đại biểu văn học nghệ thuật toàn quốc lần thứ 2, khi truyền đạt ý kiến bàn về báo cáo của Chu Dương trong hội nghị của cục chính trị trung ương do Mao Trạch Đông chủ trì, Hồ Kiều Mộc đã nhắc lại nhiều lần là lãnh đạo trung ương cần phải cổ vũ sáng tạo, phản đối phê bình thô bạo: “Lựa chọn phương châm cổ vũ, bảo hộ sáng tác văn học nghệ thuật mới có thể làm văn học nghệ thuật phồn vinh. Phê bình là để cổ vũ chí khí, phát huy phê bình mang tính xây dựng, phản đối thái độ thô bạo trong lãnh đạo sáng tác”[3]. Báo cáo Phấn đấu để có càng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc của Chu Dương tại Đại hội Văn học nghệ thuật toàn quốc lần thứ 2 đã thể hiện tinh thần phát triển phê bình mang tính xây dựng, phản đối phê bình thô bạo. Lúc đó đã trải qua sự phê phán phim Võ huấn truyện của giới văn học nghệ thuật.

Đương thời đã ý thức được những “thiên lệch” và từng có sự điều chỉnh, nhưng sau năm 1957, những thiên lệch này không những không được khắc phục, mà còn tăng lên mạnh mẽ. Từ giữa những năm 60 thế kỉ XX, cùng với tả khuynh trong tư tưởng lãnh đạo của Đảng, phê bình văn học nghệ thuật đã trở thành công cụ đấu tranh giai cấp, và xu hướng này bị đẩy lên đến mức cực đoan trong “Cách mạng văn hóa”. Yêu cầu về đấu tranh tư tưởng trong phê bình văn học nghệ thuật càng ngày càng rõ rệt. Chu Dương trong bài nói chuyện năm 1958 đã trình bày một cách rõ ràng ý nghĩa đặc thù của phê bình văn học nghệ thuật trong đấu tranh tư tưởng: “Lí luận phê bình văn học nghệ thuật là lính gác tuyến đầu trong trận tuyến đấu tranh tư tưởng. Sự thay đổi của tình thế đấu tranh giai cấp thường được bộc lộ đầu tiên trong văn học nghệ thuật, tư tưởng của giai cấp tư sản cũng thường thông qua văn học nghệ thuật gặm nhấm chúng ta. Tư tưởng giai cấp tư sản muốn ảnh hưởng đến giai cấp vô sản, tư tưởng giai cấp vô sản muốn đả kích tư tưởng của giai cấp tư sản thì trạm tiền tiêu cũng thường là văn học nghệ thuật. Trước và sau Diên An chỉnh đốn tác phong và sau thời kiến quốc đều như vậy. Chiến đấu trên mặt trận văn học nghệ thuật là sự phản ánh sinh động đấu tranh giai cấp; lí luận phê bình văn học nghệ thuật là công cụ đắc lực trong việc thực hiện chính sách văn học nghệ thuật của Đảng”[4]. Trong một bài nói chuyện khác Chu Dương lại coi “phương pháp phê bình văn học nghệ thuật” là phương pháp chủ yếu của “đấu tranh tư tưởng” trên mặt trận văn học nghệ thuật: “Đấu tranh tư tưởng trên mặt trận văn học nghệ thuật chủ yếu là dùng phương pháp của phê bình văn học nghệ thuật, phê bình tư tưởng, dùng tư tưởng của Mao Trạch Đông, chủ nghĩa Mác - Lênin và những học thuyết về văn học nghệ thuật để phê bình tất cả những tác phẩm và tư tưởng văn học nghệ thuật sai lầm, để củng cố và mở rộng vị trí lãnh đạo của tư tưởng văn học nghệ thuật chủ nghĩa Mác - Lênin”. Những bàn luận này không vượt qua sự lí giải về bản chất của phê bình văn học và văn học chủ nghĩa xã hội của tư tưởng văn học nghệ thuật chủ lưu, nhưng càng ngày càng chú ý liên kết phê bình văn học nghệ thuật với giai cấp và đấu tranh giai cấp trong quan hệ xã hội. Từ năm 1958, ngoài phê phán tư tưởng giai cấp tư sản, phê bình văn học nghệ thuật còn tập trung phê phán tư tưởng của chủ nghĩa xét lại.

Đặt trong bối cảnh đó chúng ta dễ dàng nhận ra: chính nhờ “tính mục đích chính trị” đậm đặc mà phê bình văn học có được vị trí quan trọng trong sáng tác văn học. Nhưng “tính mục đích chính trị” lại không phải là toàn bộ phê bình văn học. “Tính mục đích chính trị” đã quyết định phê bình văn học đương đại phải là lí luận phê bình văn học nghệ thuật Mác xít, nhưng phê bình văn học vẫn có nhiệm vụ riêng: “lí luận phê bình văn học nghệ thuật Mác xít phải là lí luận phê bình có tính sáng tạo, tính chiến đấu và phải kết hợp mật thiết với thực tiễn sáng tác, với truyền thống văn học nghệ thuật nước nhà; phải coi thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ chủ yếu. Lí luận văn học nghệ thuật không phải là thứ gì khác, mà là sự tổng kết kinh nghiệm sáng tác văn học nghệ thuật của các thời đại. Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Mác xít chính là vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác để tổng kết kinh nghiệm sáng tác văn học nghệ thuật. Phê bình văn học nghệ thuật của chúng ta chính là căn cứ trên quan điểm văn học nghệ thuật Mác xít để nghiên cứu, phân tích và bình giá thành tựu sáng tác cụ thể”. Nhiệm vụ này cũng bao gồm sáng lập “quan điểm mĩ học mới”: Lí luận phê bình văn học nghệ thuật nên chú ý xây dựng quan điểm mĩ học mới”. “Đặc điểm của văn học nghệ thuật chính là khơi dậy hình tượng thẩm mĩ để giáo dục nhân dân bằng tinh thần Chủ nghĩa Cộng sản, bồi dưỡng quan niệm thẩm mĩ mới cho nhân dân”[5]. “Quan điểm mĩ học” ở đây vẫn xuất phát từ tính đặc thù của hình thái ý thức.

Cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỉ XX, phê bình văn học vẫn phát huy tác dụng đặc thù trong thể chế văn học đương đại. Trong bước quá độ từ “cách mạng văn hóa” đến “thời kì mới”, một mặt, phê bình văn học tham gia “chỉnh lí hỗn loạn, khôi phục trạng thái bình thường”, mặt khác, lại dẫn dắt trào lưu văn học nghệ thuật mới, thúc đẩy sự hình thành dòng chính trong sáng tác. Tuy phê bình văn học với tư cách là vũ khí “đấu tranh tư tưởng”, và được sử dụng trong gần 30 năm (cũng vì thế, lịch sử phê bình văn học gần 30 năm tương đối phức tạp), nhưng về nhìn nhận lại quan hệ giữa văn học và chính trị, phê bình chủ yếu quay trở lại bản thể của văn học. Trong thể chế văn học vừa có sự kế thừa vừa có sự thay đổi, tính hình thái ý thức của phê bình văn học không còn là vấn đề chủ yếu nữa, phương thức thông qua “đấu tranh tư tưởng”… dẫn dắt trào lưu văn học, thúc đẩy sáng tác về cơ bản đã kết thúc.

Sau khi trải qua biến động trong những năm 80, từ thập niên 90, thể chế văn học tương đối ổn định. Ý thức quốc gia vẫn đặt ra yêu cầu nhất định đối với phê bình văn học nghệ thuật, nhưng tính tự do và tính đa dạng của phê bình cũng dần dần tăng lên. Trong phê bình văn học, ở mức độ nào đó, sự tác động của chủ nghĩa tiêu dùng đã vượt qua ý thức quốc gia. Bối cảnh văn hóa tư tưởng, kinh tế, chính trị, xã hội của văn học đương đại đã biến đổi mạnh mẽ, định vị phê bình văn học như thế nào sau khi nó rơi từ cao xuống thấp trở thành một vấn đề mới cần được quan tâm nghiên cứu.


[1] Cuốn Lịch sử ra đời của phê bình văn học hiện đại Trung Quốc của nhà Hán học Slovakia Marian Galik cho rằng bộ phận chủ yếu của lịch sử ra đời phê bình văn học hiện đại là lịch sử của các nhà phê bình cánh tả.

[2] Chu Dương, "Văn học nghệ thuật nhân dân mới", trong Chu Dương tập, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc, năm 2000, tr.85.

[3] Xem Lê Chi, “Văn nghệ nhân dân mới”, Chu Dương tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Trung Quốc, năm 2000, tr.85.

[4] Chu Dương, “Xây dựng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Mác xít của Trung Quốc”, trong Chu Dương văn tập, quyển 3, Nhà xuất bản Văn học Nhân dân, năm 1984, tr.31.

[5] Chu Dương, “Xây dựng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Mác xít của Trung Quốc”, trong Chu Dương văn tập, quyển 3, Nhà xuất bản Văn học Nhân dân, năm 1984, tr.29 - 30.

Trích trong Văn học đương đại Trung Quốc, tác giả và bình luận, Nxb Hội nhà văn 2017, Đỗ Văn Hiểu dịch

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020