Lý luận văn học

TỪ “CAO LƯƠNG ĐỎ“” ĐẾN “”ĐÀN HƯƠNG HÌNH“” (Phỏng vấn Mạc Ngôn)


15-10-2020
Tác giả: Vương Nghiêu (王尧)

“Nếu tôi không đọc “Khổ thái hoa”[1] thì không biết “Cao lương đỏ” mình viết ra sẽ như thế nào. Cho nên có thể nói ảnh hưởng của “kinh điển đỏ” đối với tôi không chỉ là rất cụ thể”. “Lịch sử trong mắt chúng ta, lịch sử mà chúng ta hiểu, hoặc là nói trạng thái dân gian của lịch sử rất khác so với lịch sử mà “kinh điển đỏ” miêu tả. Chúng ta không phải tô hồng lịch sử trên cơ sở kinh điển đỏ, mà là cố gắng phục hồi chân thực lịch sử”.

I

“Nếu tôi không đọc “Khổ thái hoa”[1] thì không biết “Cao lương đỏ” mình viết ra sẽ như thế nào. Cho nên có thể nói ảnh hưởng của “kinh điển đỏ” đối với tôi không chỉ là rất cụ thể”.

“Lịch sử trong mắt chúng ta, lịch sử mà chúng ta hiểu, hoặc là nói trạng thái dân gian của lịch sử rất khác so với lịch sử mà “kinh điển đỏ” miêu tả. Chúng ta không phải tô hồng lịch sử trên cơ sở kinh điển đỏ, mà là cố gắng phục hồi chân thực lịch sử”.

Vương Nghiêu: Bắt đầu từ cuối những năm 80, ở đại học tôi đã giảng dạy chuyên đề Lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, mặc dù không có quyền diễn ngôn như vậy, nhưng tôi quen thảo luận sáng tác của nhà văn từ góc độ văn học sử. Nếu đặt ông trong lịch sử văn học đương đại, tôi muốn làm một số so sánh. Thế hệ chúng ta đều rất quen với “kinh điển đỏ”, những tác phẩm như Khổ thái hoa, Rừng thẳm tuyết dày[2]Cuộc chiến đấu trong thành cổ[3], Hồng kì phổ[4] là những “bài ca của ngày hôm qua” trong năm tháng trưởng thành của chúng ta. “Kinh điển đỏ” liên quan đến rất nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, tư tưởng, văn hóa…của Trung Quốc thế kỉ XX, như cách mạng, anh hùng, giai cấp, khổ nạn, truyền kì, ái tình, bạo lực…. Điều tôi muốn hỏi là: “kinh điển đỏ” có ảnh hưởng đến sáng tác của ông không?

Mạc Ngôn: Chúng ta là những nhà văn sinh ra vào những năm 50, chịu ảnh hưởng văn học sớm nhất chắc chắn là kinh điển đỏ mà ông vừa nhắc đến. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê hẻo lánh, sách có thể đọc rất ít. Lúc đó trong trường học cũng tương đối thích đọc sách - sách văn học ở chỗ chúng tôi bị gọi là “nhàn thư”, đọc “nhàn thư” đương nhiên là không có chỗ dùng, trong làng một số người thích đọc “nhàn thư”, trong mắt mọi người họ đều là những người du thủ du thực, không có việc làm. Bố tôi là một người vô cùng nghiêm túc, chính trực, uy tín trong thôn rất cao, ông rất phản cảm với việc tôi đọc “nhàn thư”. Thầy giáo chủ nhiệm của tôi là một người yêu thích văn học, ông đọc rất nhiều sách, bản thân cũng có hơn chục cuốn sách, như Khổ thái hoa, Bài ca thanh xuân, Liệt hỏa kim cương, Cờ đỏ cắm trên đảo Đại Môn[5], Lữ Lương anh hùng truyện…còn có Thép đã tôi thế đấy của Xô Viết. Lúc đó điều kiện trường học rất khó khăn, giường của giáo viên ở ngay góc sau của lớp học. Sách của giáo viên cũng đều đặt ở dưới gối. Hằng ngày, buổi chiều, tôi đều chủ động ở lại trực nhật dọn dẹp lớp học để có thể lợi dụng cơ hội này đọc trộm sách của thầy giáo. Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên tôi đọc là cuốn Lữ Lương anh hùng truyện, sau đó bị giáo viên phát hiện, tất nhiên là tôi sợ lắm, nhưng thầy giáo không phê bình tôi. Có điều thầy cho rằng những sách như Lữ Lương anh hùng truyện không thích hợp với trẻ con, vì trong sách có một số chỗ miêu tả ái tình, sắc dục, ví dụ như tình tiết địa chủ và con dâu thông dâm. Sau đó thầy cho tôi mượn sách khác để đọc. Khi có sách trong tay tôi cũng không dám công khai đọc ở nhà, thường là giấu sách trong đống cỏ, sau đó tìm cơ hội chui vào, bất chấp việc có thể bị ăn đòn, đọc một mạch xong cuốn sách rồi mới chui ra, khắp người bị kiến đốt đỏ hết cả lên. Mẹ tôi biết bí mật của tôi, thường bao che cho tôi. Sau này thầy giáo chủ nhiệm đến nhà tôi chơi, nói với bố mẹ tôi về việc tôi thích đọc sách, thầy khen ngợi tôi một hồi, nói “nhàn thư” có ích cho việc nâng cao khả năng viết văn. Từ đó về sau, bố tôi quản lí bớt chặt đi một chút, tôi có thể công khai đọc “nhàn thư” ở nhà, đương nhiên là sau khi đã làm xong mọi việc. Trong vài năm, về cơ bản tôi đã đọc hết loạt “kinh điển đỏ” này. Cũng là “kinh điển đỏ”, nhưng tôi cảm thấy bút pháp của một số cuốn trong đó khác với những cuốn khác. Ví dụ như cuốn Hồng nhật miêu tả chiến dịch Mạnh Lương Cố của Ngô Cường, ngay mở đầu đã viết về sự thất bại của quân ta, viết về thời tiết mịt mù và quạ đen, viết về tinh thần bi quan của bộ đội và tâm trạng ủ rũ của cán bộ cấp cao. Lúc đó tôi cảm thấy ông không nên viết như vậy, viết như vậy rất không cách mạng. Trẻ con luôn hi vọng anh hùng luôn chiến thắng, giống như Rừng thẳm tuyết dàyĐội vũ trang vùng địch hậuHồng nhật ngay từ đầu đã viết về sự bi quan, thất bại, tôi cảm thấy rất không thoải mái. Sau này bước vào con đường sáng tác văn học, mới biết những chỗ khiến tôi đọc thấy không thoải mái hồi đó lại là sự miêu tả có ý nghĩa văn học nhất. Ấn tượng về sách đọc thời thiếu niên sâu sắc, cả đời khó quên. Hồng nham, Hồng kì phổ, Rừng thẳm tuyết dày, Bảo vệ Diên An… Đương thời, cuốn sách làm rung động lòng người nhất chính là Ngõ Tam Gia của Âu Dương Sơn, tôi đọc đến say mê, khi đọc đến Khu Đào hi sinh, tôi cảm thấy thế giới như đến ngày tận thế rồi, nằm sấp trong chuồng bò khóc. Tất cả những khoảng trống trong sách giáo khoa ngữ văn tôi đều dành để viết về Khu Đào, một bạn học phát hiện và nói với giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm này không phải là giáo viên chủ nhiệm thích văn học mà tôi nhắc ở trên, ông nói: “Đứa trẻ này tư tưởng phức tạp như vậy, không biết lớn lên sẽ thế nào?”

Vương Nghiêu: Khao khát sáng tác đã manh nha từ trong sự đọc?

Mạc Ngôn: Sau thời kì Cách mạng văn hóa tôi đã nóng lòng muốn thử, muốn viết một điều gì đó. Sở thích này, hoặc là ảo tưởng văn học này, có lẽ bị ảnh hưởng từ gia đình, anh tôi học đại học ở tỉnh khác, để ở nhà rất nhiều sách giáo khoa ngữ văn trung học, còn có mấy cuốn tạp chí, như tạp chí Manh nha, v.v… Ngữ văn những năm 60 chia làm hai loại: Văn học và Hán ngữ. Sách giáo khoa Văn học về cơ bản lựa chọn các trước tác kinh điển, kiểu như Cửa hàng nhà họ Lâm của Mao Thuẫn, Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược, Lạc đà Tường Tử của Lão Xá… trong văn học hiện đại, ngoài ra còn có thơ của nhà thơ Puskin Nga, truyện cổ tích của Andersen… Sách ít, đọc đi đọc lại. Sau này phạm vi mượn sách mở rộng, tôi bắt đầu mượn văn học cổ điển. Những cuốn như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Phong thần diễn nghĩa… đều phải tốn rất nhiều công sức, giúp người ta làm việc mới mượn được. Trước 20 tuổi tôi đã đọc những cuốn sách này, về cơ bản là “kinh điển đỏ”, sau đó là mấy bộ kinh điển cổ điển. Văn học nước ngoài, ngoài cuốn Thép đã tôi thế đấy, tôi có đọc thêm vài truyện đã nói ở trên trong sách giáo khoa Văn học của anh tôi.

Đến những năm 70, nhà hàng xóm có một người từng là sinh viên khoa Ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, Đại học Sư phạm Sơn Đông, khi học trong trường bị xếp vào phái hữu. Mặc dù ông ấy bị buộc tội vì phát ngôn bừa bãi, nhưng thói quen xấu khó thay đổi, luôn rót vào đầu tôi tư tưởng “tam danh tam cao”[6]. Như Lưu Thiệu Đường “phấn đấu vì ba vạn tệ”, “chủ nghĩa một cuốn sách” của Đinh Linh… Dưới sự tuyên truyền của ông ấy, tôi cảm thấy nhà văn là những người rất giỏi. Một người có thể viết ra một cuốn sách, thoáng chốc đã có thể thay đổi vận mệnh của mình. Tôi hỏi ông ấy: “Chú cho cháu hỏi, nếu cháu có thể viết ra một cuốn sách, liệu có thể không phải ở nông thôn lao động không, có thể được ăn no không?” Ông ấy nói: “Không chỉ là không phải lao động ở nông thôn, mà là cái gì cũng có, cháu muốn ăn bánh chẻo, một ngày có thể ăn ba lần”. Thời điểm sớm nhất tôi muốn động bút là năm 1973 khi ở công trường thủy lợi sông Giao Lai, tôi đã tham gia lao động ở công trường thủy lợi, bỏ ra vài xu tiền trợ cấp, mua một lọ mực và một cuốn sổ, mô phỏng đề tài và phương pháp sáng tác thịnh hành lúc bấy giờ, bắt đầu viết một tiểu thuyết có tên là Bờ sông Giao Lai. Sau này, vì lao động quá mệt, làm xong việc thì gân cốt đã rã rời, ăn cơm xong liền ngáy khò khò, không thể tiếp tục viết tiểu thuyết được. Nếu như tác phẩm của tôi hoàn thành, và được công bố, có thể tôi cũng sẽ được điều đến tổ sáng tác này nọ, tôi sẽ vì thế mà vui mừng phấn khởi, căn bản không nghĩ đến vấn đề khác, những thứ như “bè lũ bốn tên”, “văn học bang phái” đều là sự tình của hơn 10 năm về sau, trong hoàn cảnh xã hội như vậy, ngoài những người tỉnh táo một cách cá biệt như Trương Chí Tân, phần lớn người dân chỉ là cỏ trên tường, căn bản không có khả năng phân biệt thị phi một cách rõ ràng.

Vương Nghiêu: Bây giờ, ông nhìn nhận thế nào về sự ảnh hưởng của “kinh điển đỏ” đối với ông?

Mạc Ngôn: Trước kia ca ngợi “kinh điển đỏ” lên trời là không đúng, nhưng bây giờ lại nói “kinh điển đỏ” cái gì cũng sai lại là không khách quan. Không ít thứ có ảnh hưởng đến sáng tác sau này của tôi, chẳng hạn như Khổ thái hoa. Tôi lấy ví dụ, ái tình được miêu tả trong tiểu thuyết hồi đó, ý nghĩa cách mạng lớn hơn ý nghĩa sinh lí, luôn lí tưởng, hoàn mĩ như vậy, kì thực là tuân theo motip cũ anh hùng yêu người đẹp. Miêu tả ái tình trong Khổ thái hoa tôi đọc xong thấy rất khó chịu, đội trưởng quân Bát Lộ Vương Đông Hải là một anh hùng chiến đấu, ở nơi đóng quân có một phụ nữ tên là Hoa Tử, chồng cô vì yểm hộ quân Bát Lộ đã hi sinh, cô trở thành góa phụ, nuôi một đứa trẻ nhỏ. Ngoài ra vẫn còn một đội trưởng vệ sinh của quân Bát Lộ tên là Bạch Vân, vừa đẹp vừa có văn hóa, cô nói với Vương Đông Hải rằng quan hệ giữa chúng ta có thể đi xa hơn quan hệ đồng chí được không? Vị đội trưởng đó nói không được. Lúc đó, Hoa Tử tay trái ôm một cây bắp cải, tay phải ôm con, bước vào. Chồng cô hi sinh để yểm hộ cho đội trưởng, điều đó ngầm nói rằng tôi phải có trách nhiệm với người góa phụ này. Do đó Bạch Vân liền ôm Hoa Tử nói “chị tốt”, rồi chủ động đi ra. Lúc đó tôi vô cùng khó chịu, tôi cảm thấy viết như vậy là không hay. Tôi cảm thấy đội trưởng anh hùng Vương Đông Hải và Bạch Vân mới là trai tài gái sắc thực sự, anh hùng xứng với người đẹp. Còn tìm một góa phụ nông thôn, mang theo con nhỏ, cảm thấy rất không thoải mái. Điều này cho thấy tôi hồi đó tuy còn trẻ nhưng ý thức phong kiến trong đầu đã thâm căn cố đế rồi. Tư duy truyền thống cho rằng chỉ có những người không có bản lĩnh mới tìm góa phụ kết hôn. Đây là sự coi thường phụ nữ, coi thường phụ nữ tái hôn, ảnh hưởng của văn hóa phong kiến này đến nay vẫn tồn tại ở quê tôi, tám năm, mười năm sau cũng sẽ chưa mất đi. Sau khi tôi bước vào con đường sáng tác văn học mới cảm thấy hành động của người đội trưởng này vô cùng vĩ đại, nghĩ lại về hai người phụ nữ Hoa Tử và Bạch Vân, tôi lại cũng cảm thấy Hoa Tử dường như gợi cảm hơn, nữ tính hơn, còn Bạch Vân thì rất lạnh. Những thứ này đều là liên tưởng rất chủ quan. Trong Khổ thái hoa có rất nhiều đoạn miêu tả rất tàn khốc, miêu tả về ái tình trong chiến tranh cũng vô cùng mạnh dạn, trong đó viết về ái tình giữa người ở và vợ địa chủ…, viết về ái tình giữa người đàn ông mặt rỗ và người vợ ốm đau liên miên…, đương nhiên cũng có ái tình tươi đẹp giữa thanh niên cách mạng Đức Cường và con gái địa chủ (trên thực tế là con gái của người ở) Hạnh Lợi, nhưng nhà văn lại không để cho cuộc tình tươi đẹp duy nhất này có kết thúc tốt đẹp, mà lại để cho Hạnh Lợi - người con gái xinh đẹp chết. Tôi cảm thấy Khổ thái hoa viết về ái tình trong những năm cách mạng đã cao hơn rất nhiều tiểu thuyết đương thời. Sau này khi tôi viết Cao lương đỏ, cũng là viết về sự tình thời kì chiến tranh kháng Nhật, do đó tôi học được rất nhiều từ Khổ thái hoa, như vấn đề kĩ thuật miêu tả chiến tranh, chẳng hạn như người Nhật dùng súng, pháo và đạn như thế nào, quân Bát Lộ mặc trang phục như thế nào…. Nếu tôi không đọc qua Khổ thái hoa, không biết Cao lương đỏ mà tôi viết ra sẽ như thế nào. Cho nên nói ảnh hưởng của “kinh điển đỏ” đối với tôi không chỉ là rất cụ thể.

Vương Nghiêu: Khi chúng ta học tiểu học, trung học cơ sở đã đọc các sách như Khổ thái hoa, Cuộc chiến đấu trong thành cổ, Ngõ Tam Gia, không có sách hay khác để đọc. Tôi có một người chị họ tốt nghiệp cấp ba sưu tầm được rất nhiều sách như vậy. Sau Cách mạng văn hóa rồi mà loại sách này ở thư viện vẫn bị niêm phong, nhưng đã lưu hành trong dân gian. Trong thời kì đầu của Cách mạng văn hóa, loại sách này cũng bị phê phán, bây giờ tôi vẫn còn giữ cuốn Phê phán 100 bộ tiểu thuyết độc hại, những “kinh điển đỏ” mà chúng ta nhắc đến nằm ngoài sự phê phán đó. Trên thực tế Khổ thái hoa đã có phần vượt qua phương pháp sáng tác đương thời được gọi là “chủ nghĩa hiện thực cách mạng chủ yếu dựa vào phương pháp phân tích giai cấp để sắp xếp nhân vật, tình tiết”… Tôi cảm thấy sáng tác của ông sau này trên thực tế đã cung cấp một phương thức dùng tiểu thuyết để giải thích lại lịch sử, có học giả dùng lí thuyết “chủ nghĩa lịch sử mới” để giải thích sáng tác của ông. Tôi thấy 100 năm qua, kể cả hiện tại, trong sáng tác tiểu thuyết của rất nhiều nhà văn có một thứ vô cùng đặc biệt, đó là thường dùng phương thức miêu tả “chính sử” để giải thích, trần thuật về lịch sử, đến nay nhìn lại, phần lớn những tác phẩm được coi là tiểu thuyết dường như đều thất bại. Dùng phương thức “dã sử” để viết tiểu thuyết lại là một cảnh tượng khác. Trong “kinh điển đỏ” mà chúng ta vừa nói đến, những thứ làm chúng ta xúc động lại luôn là những thứ ngoài diễn ngôn trung tâm đương thời, những thứ mang tính ngoại biên. Cho nên, tôi luôn cảm thấy dùng phương thức “chính sử” để viết tiểu thuyết, viết lịch sử trăm năm như kiểu Nữ dân binh hải đảo của Lê Nhữ Thanh... đều đã trở thành quá khứ rồi.

Mạc Ngôn: Trước Đại cách mạng văn hóa, “kinh điển đỏ” là diễn ngôn trung tâm. Mặc dù Đại cách mạng văn hóa đã đánh đổ “kinh điển đỏ”, nhưng tác phẩm văn học nghệ thuật trong Cách mạng văn hóa trên thực tế lại là sự tiếp diễn của “kinh điển đỏ”. Cũng có nghĩa là, văn học nghệ thuật bang phái của “bè lũ bốn tên” không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, giống như Đại cách mạng văn hóa không phải đột nhiên nổ ra, mà là kết quả tất yếu của con đường cực tả từ thời kiến quốc. Loại tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng trong quá khứ về cơ bản đều muốn minh họa cho tư tưởng quân sự của Mao Trạch Đông. Nhà văn rất ít biểu hiện tư tưởng của mình trong tác phẩm, nhận thức của nhà văn về chiến tranh cũng không được biểu hiện. Có thể mạnh dạn nói rằng, phần lớn “kinh điển đỏ” là những tác phẩm không có cá tính, nếu có cá tính, thì chút cá tính này cũng chính là đối tượng bị phê phán. Nhà văn đương thời đều tuân theo phương pháp sáng tác kết hợp giữa “chủ nghĩa hiện thực cách mạng” và “chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”, đều là sáng tác dưới sự chỉ đạo của Bài nói chuyện trong tọa đàm văn học nghệ thuật Diên An của Mao Trạch Đông. Đối với bản chất phi lí của chiến tranh, sự dị hóa của con người trong chiến tranh, sự bóp méo linh hồn của kẻ xâm lược và người bị xâm lược trong chiến tranh đều không có và không dám thể hiện. Lí tưởng cao nhất của nhà văn lúc bấy giờ là hi vọng có thể dùng tác phẩm tái hiện được bức tranh tráng lệ về cuộc chiến tranh nhân dân, hi vọng có thể tái hiện một giai đoạn lịch sử nào đó. Trong “kinh điển đỏ” cái gì cũng có, chỉ thiếu bản thân nhà văn. Nhà văn của “kinh điển đỏ” phần lớn đều xuất thân từ đội ngũ cách mạng, bản thân họ chính là chiến sĩ quân Bát Lộ, là chiến sĩ quân giải phóng, họ đích thân tham gia chiến đấu, vì thế yêu - hận của họ đặc biệt rõ ràng. Họ khẳng định mình chính là giai cấp vô sản, đứng trên lập trường giai cấp vô sản, viết tác phẩm có lập trường giai cấp đặc biệt rõ ràng. Đương nhiên, điều này không thể nói là sai, nhưng còn mỏng, không đủ đối với tiểu thuyết. Tôi cảm thấy văn học chiến tranh hay đứng trên quan điểm tương đối siêu giai cấp, đứng trên tầm cao nhân loại để viết. Lịch sử có thể thấy trong sách giáo khoa đều rất rõ ràng, nhưng một khi cụ thể hóa, cá thể hóa sẽ phát hiện ra không hề giống với những điều trong sách giáo khoa. Cuối cùng thì lịch sử nào mới phù hợp với chân tướng lịch sử? Là “kinh điển đỏ” phù hợp với chân tướng lịch sử hơn hay là tác phẩm của các nhà văn như chúng ta phù hợp với chân tướng lịch sử hơn? Tôi thấy tác phẩm của chúng ta phù hợp hơn với chân tướng lịch sử. Đương nhiên, ở đây chúng ta không bàn đến việc phê bình nhân cách của các nhà văn đã viết “kinh điển đỏ” và đánh giá về tài năng của họ, thực ra trong số các nhà văn này không hề thiếu những người có kiến giải chính xác, thấu triệt, sở dĩ họ viết như vậy, là vì họ không thể không viết như vậy, giống như rất nhiều nhà văn trong thời kì mới kịch liệt phê phán Đại cách mạng văn hóa, nhưng chính họ trong thời kì Đại cách mạng văn hóa cũng đã từng công bố những tác phẩm ca tụng Đại cách mạng văn hóa. Ngay cả tôi, chẳng phải là cũng từng viết tiểu thuyết như vậy khi ở công trường thủy lợi đó sao? Không công bố, chỉ có thể nói là tôi viết chưa phù hợp với tiêu chuẩn thời đó chứ không phải là tôi không muốn công bố.

Vương Nghiêu: Điều này liên quan đến vấn đề bối cảnh văn hóa của sáng tác, cần phải nhìn nó một cách lịch sử. Cần thiết phê phán sáng tác của những nhà văn trong Đại cách mạng văn hóa, nhưng tôi nghĩ cần xuất phát từ lịch sử, từ học thuật.

Mạc Ngôn: Đúng vậy. Không thể đánh giá hành vi sáng tác trong thời kì Đại cách mạng văn hóa của nhà văn từ phương diện đạo đức cá nhân. Bây giờ có rất nhiều người phê bình Hạo Nhiên, phê bình Dư Thu Vũ, nói họ viết gì, tham gia tổ chức gì trong thời kì Đại cách mạng văn hóa. Tôi thấy nên nhìn nhận bằng quan điểm lịch sử. Đương thời có rất nhiều nhà văn, trong đó có cả những nhà văn bây giờ phê phán Hạo Nhiên, trong lòng họ cũng đầy hi vọng mình được giới quyền cao chức trọng đương thời chú ý tới, Giang Thanh vỗ về ai một chút, người đó liệu có không cảm động đến rơi nước mắt? Có lẽ cũng có người cau mày trợn mắt trước sự vỗ về của Giang Thanh, nhưng chỉ là “có lẽ” thôi, còn ví dụ cụ thể, vì kiến thức nông cạn, nên đến nay tôi vẫn chưa từng được nghe.

Vương Nghiêu: Vấn đề trí thức trong Đại cách mạng văn hóa rất phức tạp, có nguyên nhân từ thể chế, cũng có nhược điểm của bản thân trí thức. Tôi luôn không thật sự tán thành dùng phương thức sám hối để giải quyết vấn đề như vậy. Đây thường không phải là vấn đề đạo đức cá nhân. Đối với phần lớn mọi người, có lẽ đều là như vậy.

Mạc Ngôn: Người từng trải không nên né tránh, không nên cảm thấy đây là vết nhơ của mình, điều này thực ra là rất bình thường. Chỉ có thể cho thấy tôi giác ngộ thấp, tôi thừa nhận tôi là một người dân bình thường, thừa nhận mình không có tầm nhìn chính trị, giác ngộ thấp hơn những người như Trương Chí Tân, Cố Chuẩn. Nếu trong Đại cách mạng văn hóa tôi từng công bố văn chương, thì không nên nói mình chưa từng công bố. Mọi người đều là người dân bình thường, nhà văn cũng là một phần của nhân dân, không ai cao minh hơn ai. Đương nhiên, đối với những người mấy chục năm nay lấy việc chỉnh đốn người khác làm nghề, đối với những người trong tình huống có thể đánh người cũng có thể không đánh người lại tích cực ra tay đánh người, đối với những người lấy đánh người khác làm vui, thì không cần dùng thái độ chính trị, thái độ lịch sử phân tích họ, mà cần tìm ra hạn chế trên phương diện đạo đức cá nhân của họ. Khi tôi ở nông thôn, từng tận mắt thấy, có người tính cách ác độc, thực ra là di truyền từ gia tộc họ. Tục ngữ nói: hang sói không thể sinh ra cừu non.

Vương Nghiêu: Vừa rồi nói đến vấn đề ảnh hưởng của “kinh điển đỏ” đối với ông, từ góc độ văn học sử, tôi thấy Gia tộc cao lương đỏ đã kết thúc cách viết kiểu “kinh điển đỏ”, quan điểm của mọi người về thổ phỉ, anh hùng, nhân tính đã hoàn toàn thay đổi.

Mạc Ngôn: Có người cho rằng trên thực tế, bắt đầu từ những năm 80, trong sáng tác văn học của chúng ta đã tồn tại trào lưu “chủ nghĩa lịch sử mới”. Một loạt tác phẩm có thể được xếp vào trào lưu này. Gia tộc cao lương đỏ của tôi, Cổ thuyền của Trương Vỹ, Bạch lộc nguyên của Trần Trung Thực, Hoa vàng cố hương của Lưu Chấn Vânvà tiểu thuyết lịch sử của Diệp Triệu Ngôn, Tô Đồng…, đều tự giác chất vấn, phản tư đối với lịch sử trung tâm. Vì sao mọi người không hẹn mà có cùng quan điểm, cùng phương thức sáng tác như vậy? Tôi cảm thấy đây chính là sự phản kháng đối với “kinh điển đỏ” từng chiếm địa vị diễn ngôn trung tâm. Mọi người đều biết “kinh điển đỏ” không phải không có chút giá trị nào, nhưng quả thực nó tồn tại rất nhiều vấn đề. Lịch sử trong mắt chúng ta, lịch sử trong sự lí giải của chúng ta hoặc là nói trạng thái dân gian của lịch sử rất khác so với lịch sử được miêu tả trong “kinh điển đỏ”. Không phải chúng ta tô hồng lịch sử trên cơ sở “kinh điển đỏ”, mà là cố gắng phục hồi chân thực lịch sử. Cũng chính là nói, chúng ta có thể viết có chất văn học hơn họ một chút, có thể làm cho lịch sử cá tính hơn một chút. Hoàn cảnh sáng tác những năm 80 cho phép chúng ta cởi mở hơn một chút khi nhìn nhận con người, viết về con người, đối xử và viết về kẻ thù từ góc độ con người. Thực ra, những thứ này cũng không phải là sự phát minh của chúng ta, rất nhiều nhà văn tiền Xô Viết đã làm rất tốt rồi, thậm chí rất nhiều “tiểu thuyết lịch sử mới” của chúng ta hiện nay còn chưa vượt được họ. Đương nhiên, khi dùng phương thức này để sáng tác, nhà văn tiền Xô Viết cũng từng gây ra sóng to gió lớn trên đất nước họ. Rất nhiều quan chức cao cấp phê phán Sholokhov viết tiểu thuyết trên lập trường của Bạch phỉ. Vấn đề mà nhà văn Xô Viết trong những năm 30, 40 đã nhận thức được, chúng ta đến những năm 80 mới bắt đầu ý thức được, hoặc là nói đến những năm 80 mới có thể viết được như vậy.

 


[1] Khổ thái hoa là tiểu thuyết đầu tay của Phùng Đức Anh, do Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng quân, Trung Quốc xuất bản năm 1958. (ĐVH).

[2] Rừng thẳm tuyết dày - tiểu thuyết của Khúc Ba, do Nhà xuất bản Nhà văn, Trung Quốc xuất bản năm 1957, viết về công cuộc tiễu phỉ và thanh toán tàn quân Quốc dân Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng của giải phóng quân và nhân dân Trung Quốc.(ĐVH).

[3] Cuộc chiến đấu trong thành cổ - tiểu thuyết của Lý Anh Nho, xuất bản năm 1958, miêu tả cuộc sống và chiến đấu của những người chiến sĩ cộng sản hoạt động bí mật.

[4] Hồng kì phổ - tiểu thuyết của Lương Bân, do Nhà xuất bản Thanh niên, Trung Quốc xuất bản năm 1957. (ĐVH).

[5] Cờ đỏ cắm trên đảo Đại Môn - tiểu thuyết của Tôn Cảnh Thụy, do Nhà xuất bản Nhà văn xuất bản năm 1964.

[6] “Tam danh tam cao” là cách gọi chung của: nhà văn nổi tiếng, diễn viên nổi tiếng, giáo sư nổi tiếng và lương cao, thù lao cao, tiền thưởng cao (ĐVH).

(Trích trong cuốn Văn học đương đại Trung Quốc, tác giả và bình luận, Nxb Hội nhà văn, 2017, Đỗ Văn Hiểu dịch)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020