Lý luận văn học

Chủ nghĩa cấu trúc


15-10-2020
Tác giả: Peter Barry

CHỦ NGHĨA CẤU TRÚC

Con gà chủ nghĩa cấu trúc và quả trứng chủ nghĩa nhân văn tự do

Chủ nghĩa cấu trúc là một trào lưu tri thức khởi sự ở Pháp vào những năm 1950 và có thể tìm thấy trước hết trong công trình của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss (1908 – 2010) và nhà phê bình văn học Roland Barthes (1915 – 1980). Rất khó cô đọng chủ nghĩa cấu trúc thành một mệnh đề cốt yếu duy nhất, nhưng nếu buộc phải làm thế thì tôi sẽ nói rằng cốt lõi của nó là niềm tin rằng ta không thể hiểu sự vật nếu chúng ở trong trạng thái cô lập – chúng phải được quan sát trong ngữ cảnh của những cấu trúc lớn hơn mà chúng là một phần trong đó (bởi vậy mới có thuật ngữ “cấu trúc chủ nghĩa”). Chủ nghĩa cấu trúc được xuất khẩu sang Anh chủ yếu vào những năm 1970 và đã có được ảnh hưởng rộng rãi, thậm chí trở thành điều hiển nhiên, vào những năm 1980.

Những cấu trúc được nhắc đến ở đây là những cấu trúc được tạo ra bởi cách mà chúng ta nhận thức thế giới và tổ chức kinh nghiệm của mình, chứ không phải là những thực thể khách quan đã tồn tại sẵn trong thế giới bên ngoài. Điều này dẫn đến việc nghĩa hay ý nghĩa không phải là một kiểu hạt nhân hay bản chất ở bên trong sự vật: đúng hơn, nghĩa luôn luôn nằm ngoài sự vật. Nghĩa luôn luôn là thuộc tính được gán vào sự vật (attribute), hiểu theo nghĩa đen tức là nghĩa được “gán” (attributed) vào sự vật bởi tinh thần của con người, chứ không phải là được chứa đựng trong sự vật. Nhưng hay thử xem xét cụ thể xem mọi thứ sẽ có nghĩa gì nếu ta quan sát văn học chủ yếu từ các cấu trúc. Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đối diện với một bài thơ, Good Morrow của Donne chẳng hạn. Phản ứng đầu tiên của các nhà cấu trúc chủ nghĩa hẳn sẽ là khăng khăng rằng ta chỉ có thể hiểu được bài thơ nếu trước hết ta có được một ý niệm rõ ràng về thể loại mà nó nhại và lật đổ. Mỗi bài thơ đơn lẻ là một ví dụ cho một thể loại nhất định, và thể loại và ví dụ liên hệ tới nhau giống như một cách diễn đạt trong tiếng Anh liên hệ với tiếng Anh nói chung như là một cấu trúc với tất cả những luật những qui ước v.v... của nó. Trong trường hợp bài thơ của Donne, thể loại liên quan ở đây là alba hay “bài hát bình minh” (dawn song), một thể thơ có từ thế kỉ 12, trong đó những người tình than khóc khi rạng đông đến bởi đó là lúc họ phải chia lìa.

Nhưng thể alba, đến lượt nó, lại hầu như không thể hiểu được nếu thiếu đi một vài ý niệm về tình yêu quí tộc (lịch thiệp, cao thượng), và hơn nữa, là một bài thơ, alba giả định người đọc có trước một nền kiến thức về cái được bao hàm trong hình thái lời nói có tính qui ước – chính là thơ ca. Đây chỉ là một vài cấu trúc văn hóa mà bài thơ của Donne là một bộ phận trong đó. Bạn sẽ thấy rằng hướng tiếp cận của chủ nghĩa cấu trúc đối với nó, thực chất là đang đưa bạn ngày càng xa khỏi văn bản vào đi vào những câu hỏi lớn và tương đối trừu tượng về thể loại, lịch sử, và triết học, thay vì tiệm cận càng sát với bài thơ càng tốt, như những đòi hỏi của truyền thống phê bình Anh – Mỹ. Bây giờ nếu chúng ta sử dụng phép tương đồng thô thiển với con gà và quả trứng, chúng ta có thể coi những cấu trúc chứa đựng (thể alba, tình yêu quí tộc, thơ như một thực hành văn hóa) như là con gà, và những ví dụ cụ thể (trong trường hợp này là bài thơ của Donne) như là quả trứng. Với chủ nghĩa cấu trúc, xác minh bản chất chính xác của con gà là vấn đề quan trọng nhất, trong khi với chủ nghĩa nhân văn tự do thì phân tích sâu quả trứng mới là tối cần thiết.

Bởi vậy, trong cách tiếp cận của chủ nghĩa cấu trúc với văn học, có một vận động không ngừng đi xa khỏi sự diễn giải các văn bản văn chương cá biệt, và một vận động song song hướng đến sự hiểu các cấu trúc trừu tượng lớn hơn chứa đựng chúng. Những cấu trúc này, như tôi đề cập đến trong phần mở đầu của chương này, thường là có tính trừu tượng, chẳng hạn như ý niệm về tính văn chương hay tính thơ, hay bản chất của tự sự, hơn là những chi tiết cụ thể “thuần túy” như lịch sử của thể alba hay của tình yêu quí tộc mà chúng ta có thể dễ dàng tìm ra trong lịch sử văn chương thường thấy. Sự du nhập của chủ nghĩa cấu trúc ở Anh và Mỹ vào những năm 1970 đã gây là khá nhiều tranh luận bởi nghiên cứu văn chương ở những quốc gia này có truyền thống ít quan tâm đến những vấn đề trừu tượng to tát như kiểu vấn đề mà các nhà cấu trúc chủ nghĩa muốn giương lên. “Cuộc cách mạng Cambridge” trong nghiên cứu văn hóa Anh vào những năm 1920 đã ban bố tư tưởng đối lập hoàn toàn: nó đòi hỏi những nghiên cứu sâu về văn bản như một thực thể biệt lập, phải tránh xa những ngữ cảnh và cấu trúc rộng hơn: nó quyết liệt theo đuổi đường lối dựa vào văn bản và có xu hướng loại trừ những câu hỏi rộng hơn, những vấn đề và ý tưởng trừu tượng. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa cấu trúc đã đảo lộn nghiên cứu Anh học, và phá giá tất cả những gì nghiên cứu văn chương ở Anh xem trọng trong suốt nửa thế kỉ, và đưa ra những câu hỏi lâu nay bị trấn áp, chẳng hạn: “Tính văn chương là gì?” “Văn bản tự sự vận hành như thế nào” “Cấu trúc thơ là gì?” Nói tóm lại, phê bình truyền thống không chào đón lời gợi ý rằng họ phải chuyển hướng chú ý của mình từ quả trứng sang con gà.

Những kí hiệu của cha – Saussure

Mặc dù chủ nghĩa cấu trúc bắt đầu, như ta đã nói, vào những năm 1950 và 1960, nó có gốc rễ trong tư tưởng của nhà ngôn ngữ học người Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure (1857-1913). Saussure là một nhân vật then chốt trong sự phát triển của cách tiếp cận hiện đại đối với nghiên cứu ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ học thể kỉ XIX các học giả ngôn ngữ chủ yếu quan tâm đến khía cạnh lịch sử của ngôn ngữ (chẳng hạn như nghiên cứu sự phát triển lịch sử của ngôn ngữ và các quan hệ giữa chúng và suy đoán về nguồn gốc của ngôn ngữ). Saussure thay vì thế lại tập trung vào các mô hình và chức năng của ngôn ngữ được sử dụng hiện nay, nhấn mạnh vào cách thức ý nghĩa được duy trì và thiết lập, cũng như vào chức năng của các cấu trúc ngữ pháp.

Nhưng chính xác thì Saussure đã nói gì về những cấu trúc ngôn ngữ khiến cho các nhà cấu trúc chủ nghĩa sau này tỏ ra hết sức quan tâm? Vấn đề này có thể được tóm tắt thành ba tuyên bố cụ thể. Đầu tiên, ông nhấn mạnh rằng nghĩa mà chúng ta gán vào từ là thuần túy võ đoán, và những nghĩa đó chỉ được duy trì bởi qui ước mà thôi. Thế tức là, từ ngữ là “những kí hiệu không có nguyên do”, nghĩa là không có mối liên hệ cố hữu giữa một từ và cái mà nó biểu đạt. Chẳng hạn, từ “lều” hoàn toàn không có gì “tương ứng” với nghĩa của nó, và toàn bộ kí hiệu ngôn ngữ thì đều võ đoán như vậy. (Có một thiểu số ngoại lệ với các từ tượng thanh như chim “cu cu” hay “róc rách”, nhưng ngay cả chúng cũng không giống nhau giữa các ngôn ngữ.) Cho rằng kí hiệu ngôn ngữ là võ đoán là một luận điểm tương đối rõ ràng, và có lẽ nó cũng không phải là cái gì mới (Plato đã nói đến từ thời Hi Lạp cổ đại), nhưng việc nhấn mạnh vào ý niệm này thì là điều mới mẻ (đấy mới là cái quan trọng hơn nhiều), và các nhà cấu trúc chủ nghĩa chú tâm đến ngụ ý rằng nếu ngôn ngữ, với tư cách một hệ thống kí hiệu, dựa trên sự võ đoán như ở trên, thì suy ra ngôn ngữ không phải là một hình ảnh phản chiếu của thế giới và của kinh nghiệm, mà là một hệ thống tồn tại khá tách biệt khỏi thực tại. Về sau luận điểm này sẽ được phát triển xa hơn.

Thứ hai, Saussure nhấn mạnh rằng nghĩa của từ có tính liên hệ. Thế nghĩa là, không có từ nào có nghĩa nếu chúng đứng biệt lập với những từ khác. Định nghĩa của bất cứ từ nào phụ thuộc vào mối liên hệ của nó với những từ “liền kề” khác. Chẳng hạn, từ “chòi” có ý nghĩa phụ thuộc vào vị trí của nó trong “chuỗi biến tố” (paradigmatic chain), tức là một chuỗi các từ có liên hệ với nhau về chức năng và ý nghĩa và mỗi từ có thể thay thế cho bất kì từ nào khác trong một câu cho trước. Chuỗi biến tố trong trường hợp này có thể gồm những từ sau:

chòi   chái   nhà    cung điện    lâu đài

Ý nghĩa của bất kì từ nào trong số các từ trên sẽ bị thay đổi nếu bất kì từ nào khác bị loại ra khỏi chuỗi. Bởi vậy chòi và chái đều là những kiến trúc nhỏ, nhưng chúng không hoàn toàn đồng nhất với nhau: một cái chủ yếu là để ở (chẳng hạn chòi canh đêm), trong khi cái kia thì chủ yếu là để chứa đồ: nếu không có tù kia, thì mỗi từ sẽ phải bao chứa cả hai nghĩa trên, và bởi vậy nó sẽ là một từ khác hoàn toàn. Tương tự, một cung điện có thể định nghĩa là một ngôi nhà to rộng hơn một cái nhà thông thường, nhưng không to rộng như một lâu đài. Bởi vậy, chúng ta định nghĩa “cung điện” bằng cách giải thích nghĩa của nó liên hệ như thế nào với nghĩa của hai từ đứng cạnh nó. Nếu chúng ta có một cặp đối lập thì sự định nghĩa qua lại của các từ lại càng rõ ràng hơn: từ “đực” và “cái” chẳng hạn, mỗi từ chủ yếu chỉ có nghĩa trong mối liên hệ với từ còn lại: mỗi từ biểu đạt sự vắng mặt của những tính chất nằm trong từ còn lại, bởi vậy “đực” có thể xem là “không phải cái”, và ngược lại. Tương tự, chúng ta hẳn sẽ không có ý niệm về “ngày” nếu không có ý niệm về “đêm”, không có ý niệm về “tốt” nếu thiếu “xấu” để định nghĩa ngược lại cho nó. Khía cạnh “liên hệ” này của ngôn ngữ đã đưa đến một nhận định nổi tiếng của Saussure: “Trong một ngôn ngữ, chỉ tồn tại các khác biệt, không có từ ngữ nào là cố định”. Như vậy, mọi từ tồn tại trong “các mạng lưới của sự khác biệt”, giống như các “dyah”, hay những cặp đối lập, và như chuỗi biến tố của các từ chỉ nơi ở ta vừa đề cập ở trên.

Saussure sử dụng một ví dụ nổi tiếng để giải thích luận điểm của ông rằng không có ý nghĩa cố định và có tính bản chất trong ngôn ngữ - ví dụ về chuyến tàu từ Geneva tới Paris lúc 8.25 (đọc Course, pp. 108-9, và thảo luận của Jonathan Culler về ví dụ này trong Structuralist Poetics, p. 11). Đâu là thứ đem lại cho con tàu một căn cước (identity) phân biệt nó với những thứ khác? Nó không phải là bất cứ cái gì vật chất, bởi mỗi ngày con tàu sẽ có một động cơ và những toa máy khác nhau, những lái tàu và hành khách khác nhau, v.v... Nếu nó bị trễ, nó thậm chí còn không rời ga lúc 8.25. Thậm chí, liệu nó có phải là một con tàu? Tôi từng hỏi tàu Brighton ở một nhà ga tại Southampton, và người soát vé chỉ vào một cái xe bus đậu bên ngoài ga và bảo, “Nó kia kìa.” Hôm đó là ngày Chủ nhất, và bởi vì đường ray đang được xây lắp nên một dịch vụ xe bus đã được sử dụng để chở hành khách tới các ga nằm ngoài khu vực đang được sửa chữa. Như vậy, đôi khi một “con tàu” không nhất thiết phải là một con tàu. Kết luận của Saussure là cái duy nhất đem lại cho con tàu một căn cước chính là vị trí của nó trong một cấu trúc những cái khác biệt: nó đến vào khoảng giữa 7.25 và 9.25, tức là, căn cước của nó thuần túy có tính liên hệ.

Thứ ba, với Saussure, ngôn ngữ tạo nên thế giới của chúng ta, nó không chỉ ghi lại hay đóng nhãn sự vật. Nghĩa luôn luôn được gán vào sự vật hay ý tưởng bởi tinh thần của con người, và được kiến tạo và biểu đạt thông qua ngôn ngữ: nó không nằm sẵn ở trong sự vật. Những ví dụ nổi tiếng của quá trình này sẽ là sự lựa chọn giữa các cặp từ như “khủng bố” hay “chiến binh tự do”. Không có một cách thức khách quan hay trung tính để chỉ một người như vậy, chỉ thuần túy là một lựa chọn giữa hai từ ngữ sẽ “kiến tạo” nên người đó theo những cách nhất định. Một ví dụ khác về ý niệm này có thể thấy trong hai cách gọi thuế nội địa được chính quyền của Thatcher áp dựng ở Anh: phe phản đối thuế này thì gọi nó là thuế đầu người (poll tax), gợi lại hình ảnh thời Trung cổ và Cách mạng Nông dân. Chính quyền thì lại gọi thuế này là chi phí cộng đồng (community charge) nhằm tránh từ “thuế” có sắc thái tiêu cực và tận dụng từ “cộng đồng” chiếm được nhiều thiện cảm. Từ chỉ loại thuế này được dùng bởi một cá nhân nào đó sẽ ngay lập tức chỉ ra lập trường chính trị của họ, và, lần này cũng vậy, không có lựa chọn nào là trung tính và “khách quan”. Người ta bảo rằng mọi câu chuyện đều có ba phiên bản: chuyện của anh, chuyện của tôi, và sự thật, nhưng trường hợp ở đây lại phức tạp hơn thế, bởi tất cả những từ ngữ mà ta có đều là thuần túy ngôn ngữ - không có sự thật về những thứ vật chất nằm ngoài ngôn ngữ.

Nhìn bất cứ chỗ nào, chúng ta cũng thấy ngôn ngữ tạo nên thế giới theo cách này, chứ không chỉ phản ánh nó. Chẳng hạn, những từ chỉ màu sắc tạo nên một hiện thực, chúng không chỉ gọi tên những thứ đã “ở đó”: quang phổ không được chia thành bảy màu cơ bản; tất cả các màu đều trộn lẫn vào màu khác. Thế thì chúng ta hẳn phải có 14 cái tên chứ không phải là 7. Một ví dụ khác là những từ chúng ta dùng để chỉ mùa trong năm. Chúng ta có bốn cái tên phân biệt (xuân, hạ, thu, đông), nhưng thực tế thì một năm diễn ra liên tục mà không có sự ngắt quãng hay bước chuyển dứt khoát nào. Trong thực tế, một năm đâu có được chia thành bốn. Tại sao không phải là sáu, hay tám mùa? Bởi sự thay đổi diễn ra liên tục trong năm, ta có thể phân chia vào bất cứ thời điểm nào. Như vậy, các mùa là một cách nhìn đối với năm, chứ không phải là một sự thật khách quan của tự nhiên. Thế nên tư tưởng của Saussure nhấn mạnh vào việc ngôn ngữ là võ đoán, dựa vào liên hệ, và có tính kiến tạo, và lối tư duy này về ngôn ngữ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà cấu trúc chủ nghĩa, bởi nó cung cấp cho họ một mô hình của một hệ thống tự đủ, trong đó các đơn vị lẻ liên với với các đơn vị khác và nhờ đó tạo nên những cấu trúc lớn hơn.

Một sự phân biệt khác của Saussure cũng cung cấp cho các nhà cấu trúc chủ nghĩa một lối tư duy về những cấu trúc lớn hơn có liên hệ tới văn chương. Ông sử dụng từ langue và parole để biểu đạt giữa một bên là ngôn ngữ như một hệ thống hay cấu trúc, và một bên là bất kì cách diễn đạt nào trong ngôn ngữ đó. Một nhận định cụ thể trong tiếng Pháp (một mẫu parole) chỉ có nghĩa với bạn nếu bạn đã nắm được toàn bộ những qui tắc và qui ước chi phối hành vi ngôn ngữ, cái mà chúng ta gọi là “Tiếng Pháp” (tức chính là langue). Một nhận định đơn lẻ, như vậy, là một đơn vị riêng biệt chỉ có nghĩa nếu được nhìn trong mối liên hệ với một cấu trúc lớn hơn chứa đựng nó, theo cách hiểu của chủ nghĩa cấu trúc kinh điển. Giờ đây, các nhà chủ nghĩa cấu trúc sử dụng sự phân biệt langue/parole bằng cách xem tác phẩm văn chương đơn lẻ (tiểu thuyết Dấu chân người lính chẳng hạn) như một ví dụ của parole văn chương. Tác phẩm đó cũng chỉ có ý nghĩa khi đặt trong ngữ cảnh của một cấu trúc rộng lớn hơn bao chứa nó. Bởi vậy cái langue có liên hệ với parole Dấu chân người lính chính là ý niệm về tiểu thuyết như một thể loại, như một bộ phận của thực hành văn chương.

DỪNG VÀ NGHĨ

Hãy xem xét một vài luận điểm về ngôn ngữ đã được đưa ra trong phần này.

Thứ nhất, bạn có thể nghĩ ra ví dụ nào khác về ngôn ngữ kiến tạo hiện thực chứ không chỉ đơn thuần gọi tên những thứ đã có sẵn ở đó, không? Ví dụ của bạn có thể cùng một kiểu với những ví dụ được đề cập ở trên (“chiến binh tự do”, “thuế đầu người”, mùa). Bạn cũng có thể xem xét ý nghĩa trong ngữ cảnh của những “hành động nói” (chúng còn được gọi là “biểu hành” (performatives)), tức là kiểu lời nói mà bản thân nó chính là thực tại mà nó chỉ đến, chẳng hạn như đưa ra một lời hứa (“Tôi hứa sẽ bảo anh ấy”) hay khai trương một công trình mới nào đó (“Bây giờ tôi xin tuyên bố mở cây cầu này”).

Thứ hai, bạn có thấy sơ hở nào trong những dòng lập luận về ngôn ngữ và hiện thực mà Saussure đưa ra không? Chẳng hạn, liệu nó có nghĩa không nếu ta thừa nhận một phạm trù về sự khác biệt thuần túy? Bạn có thấy chút thuyết phục nào trong quan điểm phản biện từng được nhà phê bình Christopher Ricks đưa ra, rằng bạn không thể chỉ có mỗi sự khác biệt được, bạn phải có sự khác biệt giữa các sự vật? (Đọc bài viết “In Theory” trong London Review of Books, Tháng 4 – 1981, pp. 3-6.) Nếu bạn thừa nhập quan điểm của Ricks và đồng ý rằng bạn chỉ có thể có sự khác biệt giữa các sự vật, thì điều này sẽ có những can hệ gì tới lập luận của Saussure rằng ngôn ngữ chỉ có sự khác biệt, không có những từ ngữ cố định?

Thứ ba, cái ví dụ về con tàu có thuyết phục bạn không? Liệu vị trí của nó trong bảng giờ tàu chạy thực sự là thứ duy nhất cấp cho nó một căn cước? Saussure bổ sung thêm một ví dụ khác:

Tại sao một con phố có thể được xây mới hoàn toàn mà vẫn là chính nó? Bởi nó không cấu thành một thực thể thuần túy vật chất; nó được dựa vào những điều kiện nhất định khác với những yếu tố vật chất nằm trong những điều kiện đó, chẳng hạn như vị trí của nó trong liên hệ với những con phố khác.

(Course, pp. 108-9)

Người ta có thể phản biện rằng con số 8.25 phải là một đoàn tàu trước khi nó là 8.25: sẽ không ai nhận xét, “Kìa chuyến 8.25 đi Hải Phòng” khi một bầy chim lợn xuất hiện từ dưới mái vòm nhà ga: tương tự như vậy, cũng đúng khi nói rằng một con phố cho trước có một thứ căn cước liên hệ rộng hơn – bạn định nghĩa phố X bằng cách nói rằng nó là cái con phố chạy giữa phố Y và phố Z. Hoàn toàn tương tự, một mẩu dây chăng ngang giữa phố Y và phố Z sẽ không bị nhầm lẫn thành phố X.

Mục tiêu của chủ nghĩa cấu trúc

Nhưng chủ nghĩa cấu trúc không chỉ là về ngôn ngữ và văn chương. Khi công trình của Saussure được “kết nạp” vào những năm 1950 bởi những người mà ngày nay chúng ta gọi là các nhà cấu trúc chủ nghĩa, họ cảm thấy rằng mô hình của Saussure về sự vận hành của ngôn ngữ có thể “bứng” được sang các địa hạt khác, và nó cũng giải thích cách vận hành của mọi hệ thống kí hiệu. Nhà nhân chúng học Claude Lévi-Strauss ứng dụng quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc vào việc diễn giải huyền thoại. Ông cho rằng những câu chuyện đơn lẻ (parole) từ một nhóm các huyền thoại thì không có ý nghĩa nội tại và tách biệt, mà chỉ có thể được hiểu bằng cách xem xét vị trí của nó trong toàn bộ nhóm huyền thoại (langue) và sự tương đồng và khác biệt giữa truyện đó với những truyện khác trong chuỗi.

Như vậy, khi diễn giải huyền thoại Oedipusông đã đặt câu truyện đơn lẻ về Oedipus vào ngữ cảnh của tập hợp các truyện kể có liên hệ tới thành đô Thebes. Sau đó ông bắt đầu nhận ra những motif và đối lập lặp đi lặp lại, và ông sử dụng chúng như là cơ sở cho sự diễn giải của mình. Với phương pháp này, truyện và nhóm truyện chứa đựng nó sẽ được tổ chức lại theo những cặp đối lập cơ bản: thú/người, người thân/kẻ lạ, chồng/con trai và v.v... Những chi tiết cụ thể từ câu chuyện được xem xét trong ngữ cảnh của một cấu trúc lớn hơn, và rồi cấu trúc lớn hơn lại được xem xét như là một mạng lưới tổng thể những cặp đối lập nhị phân (dyadic pairs) có những cộng hưởng rõ rệt về biểu tượng, chủ đề, và cổ mẫu (như sự đối lập giữa nghệ thuật và cuộc sống, đực và cái, thành thị và nông thôn, kể và tả, v.v...)

Đây là điển hình cho quá trình dịch chuyển từ cái cụ thể sang cái khái quát, đặt tác phẩm cá nhân vào trong một mạng lưới cấu trúc rộng hơn. Cái cấu trúc rộng hơn cũng có thể được tìm thấy trong, chẳng hạn, toàn bộ trước tác của một tác giả; hay trong các qui ước thể loại khi viết về đề tài cụ thể đó (chẳng hạn, thử thảo luận về tiểu thuyết Thời gian khó của Dicken từ sự vênh lệch của nó khỏi các qui ước của tiểu thuyết và hướng đến những thể loại khác có tính đại chúng hơn, như kịch melo hay ballad; hay từ sự nhận diện các tập hợp của các cặp đối lập cơ bản nằm ẩn trong văn bản. Một hệ thống biểu đạt, theo nghĩa này, là một ý niệm rất rộng: nó sẽ là bất kì tập hợp kí hiệu vào được tổ chức và cấu trúc, ở đó chứa đựng những ý nghĩa văn hóa. Nằm trong phạm trù này sẽ là những hiện tượng đa dạng như: tác phẩm văn chương, những nghi lễ bộ lạc, thời trang (trong quần áo, ẩm thực, “phong cách sống”, v.v...), phong cách xe cộ, hay nội dung của các quảng cáo. Với nhà cấu trúc chủ nghĩa, cái văn hóa chứa đựng chúng ta có thể được “đọc” như một ngôn ngữ, sử dụng những nguyên tắc trên, bởi văn hóa được tạo nên từ rất nhiều mạng lưới cấu trúc mang nghĩa và có thể được chứng minh là vận hành một cách có hệ thống. Những mạng lưới này vận hành thông qua các “mã” theo kiểu một hệ thống kí hiệu; chúng có thể đưa ra các tuyên bố, cũng như ngôn ngữ vậy, và chúng cũng có thể được đọc và được giải mã bởi các nhà cấu trúc chủ nghĩa hay nhà kí hiệu học.

Chẳng hạn, thời trang có thể được “đọc” như một ngôn ngữ. Những đồ vật hay nét vẻ rời rạc được tập hợp vào một “bộ cánh” hay “vẻ ngoài” hoàn chỉnh với những qui tắc kết hợp phức tạp: chúng ta không mặc áo vét với quần đùi: chúng ta không đi dạy học trong bộ quần áo ngủ, v.v... Cũng tương tự, mỗi kí hiệu bộ phận sẽ tìm thấy ý nghĩa của nó từ một ngữ cảnh cấu trúc. Tất nhiên, nhiều xu hướng thời trang phụ thuộc vào việc phá vỡ các qui tắc theo một lối khá “thông minh”, nhưng cái “tuyên bố” được đưa ra bởi những hành động phá luật như vậy (chẳng hạn, làm cho phần trang phục ngoài trông giống đồ lót, hay cắt lởm chởm những miếng vải đắt tiền) phụ thuộc vào sự tồn tại có trước của “luật” hay cái quy ước đang bị người ta chế nhạo thẳng thừng. Chẳng hạn, trong thế giới thời trang (cuối năm 1994), sự kết hợp của những yếu tố như đường may nổi, vải có bề mặt nhàu, và trang phục hoặc quá to hoặc quá nhỏ đối với người mặc, biểu đạt phong cách thời trang được biết đến (một cách khá rối rắm trong ngữ cảnh này) như là giải cấu trúc. Tuy nhiên, lấy bất kì một trong số những yếu tố trên ra khỏi ngữ cảnh của tất cả các yếu tố còn lại, chúng sẽ chỉ thuần túy biểu đạt rằng bạn đang mặc cái áo khoác lộn từ trong ra ngoài hay cực lười chuyện là ủi quần áo. Một lần nữa, những đồ vật đơn lẻ này có vị trí của chúng trong cấu trúc tổng thể, và cấu trúc có ý nghĩa quan trọng hơn sự vật đơn lẻ.

Một nhân vật quan trọng khác trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cấu trúc là Roland Barthes, người đã áp dụng phương pháp của cấu trúc chủ nghĩa vào địa hạt văn hóa hiện đại. Ông khảo sát nước Pháp hiện đại (của những năm 1950) từ điểm nhìn của một nhà nhân chủng học văn hóa trong một cuốn sách nhỏ có tên Những huyền thoại được xuất bản ở Pháp vào năm 1957. Cuốn sách trông giống như một rổ những sự vật chưa bao giờ trở thành đối tượng của phân tích học thuật, chẳng hạn như: sự khác biệt giữa đấm bốc và đấu vật; ý nghĩa của việc ăn thịt nướng và khoai tây rán; phong cách của xe Citroen; gương mặt của Greta Garbo trên màn ảnh; một bức ảnh tạp chí chụp một người lính Algeri đứng chào lá cờ Pháp. Mỗi sự vật trên được ông đặt trong một cấu trúc rộng hơn của các giá trị, niềm tin, biểu tượng, như là chìa khóa để hiểu thấu nó. Bởi vậy, đấm bốc được xem như một môn thể thao liên quan đến khả năng kiềm chế và chịu đựng, khác với đấu vật nơi đau đớn được trình diễn đầy khoa trương. Võ sĩ đấm bốc không khóc vì đau khi họ ăn đấm, các luật không thể bị xem nhẹ tại mọi thời điểm trong cuộc đấu, và võ sĩ đấm bốc chiến đấu như là chính anh ta, chứ không phải dưới lớp vỏ tinh vi của một người hùng hay ác nhân nhập vai. Trái lại, võ sĩ đấu vật gầm gừ và lầm bầm đầy khiêu khích, diễn một cách tinh vi những cảnh đau đớn hay chiến thắng, và chiến đấu như những ác nhân hay siêu anh hùng được thổi phồng, được cường điệu hóa. Rõ ràng, hai môn thể thao này có vai trò khá khác nhau trong xã hội: đấm bốc biểu đạt sự chịu đựng kiên cường mà đôi lúc ta cần đến trong cuộc đời, trong khi đấu vật thì kịch hóa những đấu tranh và xung đột cực hạn giữa cái thiện và cái ác. Như vậy, hướng tiếp cận của Barthes ở đây là hướng tiếp cận của chủ nghĩa cấu trúc kinh điển: sự vật đơn lẻ được “cấu trúc hóa”, hoặc được “ngữ cảnh hóa bởi cấu trúc”, và trong quá trình thực hiện điều đó, những lớp nghĩa sẽ được hé lộ.

Roland Barthes trong những năm đầu sự nghiệp cũng có những khảo sát nhất định về các khía cạnh của văn chương, và vào năm 1970, chủ nghĩa cấu trúc đã thu hút được sự chú ý rộng rãi ở Paris và trên thế giới. Một số viện sĩ ở Anh và Mỹ đã dành thời gian ở Paris vào những năm 1970 để theo những khóa học dưới sự dẫn dắt của các nhà cấu trúc chủ nghĩa (bao gồm cả Colin MacCabe) và trở lại Anh và Mỹ để bắt đầu giảng dạy những ý tưởng và cách tiếp cận tương tự như ở Pháp. Những tác phẩm chủ chốt về chủ nghĩa cấu trúc được viết bằng tiếng Pháp, và chúng bắt đầu được dịch vào những năm 1970 và được xuất bản bằng tiếng Anh. Một số học giả Anh Mỹ đã đảm nhận đọc những tài liệu chưa được dịch và diễn giải chủ nghĩa cấu trúc cho người đọc nói tiếng Anh; những trung gian quan trọng này bao gồm: Jonathan Culler, xuất bản cuốn Thi học cấu trúc (Structuralist Poetics) vào năm 1975; nhà phê bình người Anh Terence Hawkes, có cuốn Chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học ra mắt năm 1977 như là cuốn sách đầu tiên trong dòng sách mới có tên “New Accents” (Những trọng tâm mới) được Methuen xuất bản. Hawkes là tổng biên tập của cả dòng sách, và nhiệm vụ của nó là “khuyến khích thay vì kháng cự lại quá trình đổi thay” trong nghiên cứu văn chương. Một nhân vật có ảnh hưởng khác là nhà phê bình người Anh Frank Kermode, sau này là giáo sư tại trường Đại học College, London, người rất nhiệt thành viết về Roland Barthes, và mở ra các buổi seminar để thảo luận công trình của ông (mặc dù vào những năm 1990, khi đã nghỉ hưu, ông được xem là gắn với những cách tiếp cận truyền thống hơn). Cuối cùng là David Lodge, giáo sư môn Anh học ở Birmingham, người đã cố gắng kết hợp những ý tưởng của chủ nghĩa cấu trúc với những cách tiếp cận truyền thống hơn. Nỗ lực này được cụ thể hóa bằng cuốn sách Làm việc với chủ nghĩa cấu trúc (Working with Structuralism).

Các nhà phê bình cấu trúc chủ nghĩa làm gì

1. Họ (chủ yếu) phân tích văn xuôi tự sự, liên hệ văn bản tới những cấu trúc rộng hơn chứa đựng nó, chẳng hạn:

a) những qui ước về một thể loại văn chương đặc thù, hoặc

b) một mạng lưới những quan hệ liên văn bản, hoặc

c) một mẫu hình của một cấu trúc tự sự phổ quát chìm ở dưới văn bản, hoặc

d) một ý niệm về tự sự như là một phức hợp các kiểu mẫu trở đi trở lại của các motif.

2. Họ diễn giải văn chương theo một trường những yếu tố tương đương với các cấu trúc của ngôn ngữ, như trong mô tả của các nhà ngôn ngữ học hiện đại. Chẳng hạn, ý niệm về “mytheme”, được Lévi-Strauss đưa ra, biểu thị đơn vị nhỏ nhất của “nghĩa” trong tự sự, được hình thành dựa trên sự tương đồng với hình vị, mà trong ngôn ngữ học, hình vị là yếu tố nhỏ nhất của nghĩa ngữ pháp (đối với tiếng Anh). Một ví dụ về hình vị là đuôi ‘ed’ thêm vào một động từ để chỉ thì quá khứ của động từ đó.

3. Họ ứng dụng ý niệm về sự cấu trúc vào kiến tạo một cách hệ thống vào toàn bộ văn hóa Châu Âu, và xuyên văn hóa, coi là “hệ thống ký hiệu” tất cả những gì từ thần thoại Hy Lạp cho đến các nhãn hiệu bột giặt.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020