Lý luận văn học

Quan điểm nghệ thuật tượng trưng của nhóm Xuân Thu và Dạ Đài


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Lê Lưu Oanh

Giữa lúc Thơ Mới đạt đến đỉnh cao và chủ nghĩa lãng mạn bắt đầu đi vào thoái trào thì nhóm các văn nghệ sĩ gồm: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Khoát (nhạc sĩ) Nguyễn Đỗ Cung (họa sĩ) muốn khai sáng một phong trào nghệ thuật cho riêng mình, để thay đổi cái cũ đang dần xuống sức.

Từ năm 1939, nhóm văn chương nghệ thuật trên gắn bó với nhau trong công việc lâu dài và trước mắt. Họ quyết định chọn tên cho nhóm và cho tập sách mang tính chất tuyên ngôn nghệ thuật của mình. Họ chọn tên theo mùa: xuân và thu. Theo Nguyễn Xuân Sanh: xuân thu đó là hai mùa đẹp nhất trong năm, chúng đi với nhau theo nhịp tuần hoàn của trời đất và cuộc sống (Hồi kí: Từ mảnh đất này, thơ đến – Nguyễn Xuân Sanh)

Nhóm các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ này đã trình bày quan niệm và sáng tác của họ theo một hướng mới, trong tập sách có tên gọi là Xuân Thu nhã tập (XTNT), ra đời năm 1942.

Về bản chất, Xuân Thu nhã tập là một tập hợp những tuyên ngôn và sáng tác minh họa cho một khuynh hướng nghệ thuật mới, mang dấu ấn của khuynh hướng thơ ca tượng trưng vừa có nguồn gốc từ văn học truyền thống phương Đông vừa chịu ảnh hưởng của văn học Pháp thế kỉ 19. Đó là những quan niệm nghệ thuật đề cao sự gắn bó với mĩ cảm truyền thống phương Đông và hướng tới cái Cao Siêu, Vô Cùng, Tuyệt đối.

Lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, lại chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng Pháp không phải với tư cách một cá nhân nghệ sĩ, mà với tư cách của một trào lưu, trường phái, nhóm Xuân Thu (XT) đã tạo được một vị trí và tiếng nói rất riêng, khá độc  đáo.

***

Nhóm XT, các nhà lập pháp và sáng tác tượng trưng Việt Nam, mang nhiệt tình vượt qua thi pháp lãng mạn để hướng tới một kiểu sáng tác mới mẻ. Nhiệt tình ấy thể hiện bằng những tuyên ngôn và những sáng tác khá độc đáo với một hệ thống những khái niệm cao siêu, một thế giới hình ảnh và ngôn từ mĩ lệ mới lạ.

1. Với XT, nghệ thuật chính là cái tuyệt đối, cái vô cùng, cái cao siêu.

Nghệ thuật mà XT hướng tới là một thứ nghệ thuật tuyệt vời với một con đường đi riêng: Trong cái bát nháo của người, ta tự vạch con đường. Soi sáng cái thuần túy: tri thức tuyệt vời và tuyệt đối [Quan niệm].

XT luôn nhấn mạnh đến cái tuyệt vời và tuyệt đối. Vậy cái tuyệt đối là gì? Đó chính là nội dung của nghệ thuật: một tri thức tuyệt vời, tuyệt đối, một tư tưởng mang tính vĩnh cửu. Tri thức và tư tưởng ấy là tuyệt đối bởi vì chúng thể hiện được nhịp điệu vĩnh viễn bao trùm thế giới vô hạn, ở cõi vô cùng, vượt lên tất cả.

Nghệ thuật là nơi chuyển tải tri thức, tư tưởng và đạo lý theo một nhịp điệu vĩnh viễn, thâm trầm. Nhịp điệu ấy chính là nghệ thuật, là Nhạc đời đời, là con đường nhịp nhàng; Ta… một niềm phụng sự cái Nhạc-Đời-Đời; Một niềm tín mộ, ta muốn tạo thành một tư tưởng theo cái nhịp điệu vĩnh viễn, thâm trầm; Ta cố gắng đạt đến Ta theo những đường nhịp nhàng: Văn chương, Nghệ thuật, và bao trùm hết cả, Thơ [Quan niệm].

Đó là sự nhịp nhàng tạo nên thế quân bình trong đời sống, có khả năng yên ả, trật tự điều hòa, là cội nguồn của sáng tạo. Con người sống cũng phải theo sự nhịp nhàng ấy: Kẻ hiền giả phải tìm cách sống cho xứng đáng, phong phú, nhịp nhàng với cuộc sống lớn của vũ trụ, cao quý và đường bệ [Thanh khí]. XT rất đề cao sự nhịp nhàng này của vũ trụ, và cho rằng, con người không những sống theo sự nhịp nhàng ấy mà còn nắm bắt được nó, diễn tả được nó, ấy là nghệ thuật, là chiếm lĩnh được cái Nhạc Đời Đời của vũ trụ. Nói cách khác, nghệ thuật, trong đó có thơ ca, là sự chiếm lĩnh cái Nhạc Đời Đời ấy: Đạo lớn trong hoàn vũ, Nhạc điệu; Từ tôi đến ta có ba vòng tu luyện: Hội ý nhạc (trí thức), Tìm điệu thật (sáng tạo), thấu tới Nhạc đời đời (Đạo lý) [Nhạc điệu]. Thâu tóm được Nhạc Đời Đời cũng tức là đạt tới cái tuyệt đích, tới những giá trị vĩnh cửu, tuyệt đối của đời sống, tức là Đạo lý! Và cũng vì thơ ca là nơi chuyển tải rõ nhất cái nhịp đời đời, vĩnh cửu ấy, nên thơ ca có một giá trị đặc biệt đối với XT.

Quan niệm về Đạo lý (cái này thuộc phạm trù nội dung): Theo triết học Trung Hoa, đạo là quy luật khách quan. Về bản chất, Đạo theo quan niệm của XT, là cái đẹp tuyệt đối, là chân lí tuyệt đối, là cái thật, nhưng ở mức độ cao siêu, bí hiểm hơn.

Do nghệ thuật tương đồng với cái vĩnh viễn của trời đất, của vũ trụ, nên nghệ thuật là cái thiêng liêng mang tính tuyệt đối với những giá trị vĩnh hằng, đạt tới cái đẹp muôn đời, vĩnh viễn và vô cùng. Nghệ thuật đó chắc chắn sẽ bất tử cùng với thời gian.

Nghệ thuật là cái tuyệt đối: Một lời thơ…là lời nói của Vô cùng, dấu hiệu của Tuyệt đối [Thơ].

Nghệ thuật là cái vĩnh cửu: thơ…những giá trị bất diệt…tạo lại mình và vũ trụ: bài thơ muôn đời [Thơ].

Nghệ thuật là cõi thiêng liêng: xây đền Thơ Nhạc để điều hòa nhịp sống của Tâm hồn ; Thơ như thần linh, con đồng là thi sĩ, tạo được Bài-thơ-cảm-thông, nối thần linh với đệ tử là thi nhân; Thơ như tôn giáo, giáo sĩ là thi sĩ, tạo nên Bài-thơ-giác-ngộ cho tín đồ là thi nhân [Thơ]. Nghệ thuật là nơi nảy nở sáng tạo tuyệt đích, nơi gặp gỡ thần linh của con người.

Nghệ thuật là nơi của cái đẹp vô cùng, nhiệm vụ của nghệ sĩ là vươn tới cái đẹp Vô cùng, làm cho cái đẹp đó mọc lên, nảy nở và và bay hương: Nghệ sĩ ngày nay phải chịu trách nhiệm tạo thành những mỹ cảm ngày sau, những xúc động sau, những vô biên mới, những vĩnh viễn ngày mai [Ta mơ]. Nghĩa là nghệ sĩ phải mở đường đi vào vĩnh cửu bằng tác phẩm của mình. Họ có thể làm được điều ấy bằng cái cao quý, bằng cái đẹp: bằng tâm hồn ta mỹ lệ, bằng lễ nghi, bằng hương giao nhau trong mộng màu hường [Ta mơ].

Nghệ thuật và cái đẹp là sự huyền bí và chỉ có thể giao cảm với thế giới huyền bí ấy bằng cõi vô thức. Cõi nghệ thuật không thể lí giải được mà chỉ cảm được bằng tâm hồn thiên bẩm, bằng năng khiếu tinh nhạy của mỗi cá nhân: Người ta cảm thấy một cái gì siêu thoát ra ngoài ước lệ, ở trên lí trí, nó rung động ta theo nhịp điệu vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp trong ta cái đẹp, và ấp ta trong sự thật. Bởi bản chất của cái đẹp là thứ rung động xa vời, vô tư lợi, cảm thông với cái vô cùng, tuyệt đối [Thơ].

Nghệ thuật trở nên một cõi huyền bí, khó nhận biết, cách xa thế giới hiện thực, nó thuộc về cõi vô thức, tâm linh, cần có những đồng điệu của tri kỉ, tri âm, của những con mắt tinh tường.

Nhưng để mang được dáng vẻ siêu việt, vĩnh cửu, tuyệt đối, thiêng liêng như thế, nghệ thuật và thơ ca phải đạt được những phẩm chất sau:

Rung động để bắt được cái nhịp tuyệt đối, truyền được bằng cái đẹp cũng tuyệt đối: Vòng tương sinh của sáng tạo là ĐẠO-ÂM+DƯƠNG-SÁNG TẠO-RUNG ĐỘNG-THƠ-ĐẠO. Và điều kiện cần và đủ của cái rung động kia là: siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng [Thơ].

2. Phẩm chất của nghệ thuật là cái đẹp vĩnh hằng : Trong, Đẹp, Thật.

Trong? Đó là sự cao quí, không vụ lợi: Triết lý, luân lý, văn chương, nghệ thuật đều vươn tới chỗ trong. Tới cái gì không vụ lợi cao quí [Quan niệm]. Trong còn là nguồn sống trong trẻo của đời người: tìm người đồng điệu, để cùng dắt tay nhau tìm một nguồn sống trong trẻo nhịp nhàng và sáng sủa [Thanh khí]

Trong còn là phẩm chất của cái đẹp, là vẻ trong trẻo của hình tượng: áng thơm của hoa, vẻ trong của nước, là cái đẹp trong trẻo được gợi lên bởi âm thanh, cách điệu; là hương hoa, chất ngọc, lòng băng, và những ý tưởng vô tư lợi…[Thơ]; Vạn vật trong trời đất vũ trụ, mang trong mình vẻ trong trẻo, tinh túy sáng ngời…XT rất chú trọng đến vẻ trong đẹp của sự vật được miêu tả. Vẻ trong trẻo của đời sống, của sự vật liên tục được nhắc đến như tiêu chuẩn cao nhất, một phẩm chất tuyệt vời, tuyệt đối của cái đẹp. Thậm chí đó là tiêu chuẩn cao nhất. Chính vì vậy trong thơ của họ ta luôn bắt gặp những hình ảnh trong trẻo như vậy: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi, Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y (Nguyễn Xuân Sanh). Những vẻ đẹp của sự tuyệt đối: Ôi hàng mi, giọt lệ nắng, bình hương, tóc dương, nghiêng trang sách từ ngọn Hằng Hà giang đượm ép mấy rừng trầm (Nguyễn Xuân Sanh) [Ta mơ]. Vẻ trong trẻo còn được tạo bởi cái đẹp xưa cũ, hư ảo, mong manh, tĩnh lặng: Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa (Nguyễn Xuân Sanh).

Đẹp là cái mang dấu hiệu của vĩnh viễn bởi vì không vụ lợi: bản cốt của cái đẹp là thứ rung động xa vời, vô tư lợi, cảm thông với cái vô cùng, tuyệt đối [Thơ].

Cái đẹp cũng gắn với cái thật: Cái gì đẹp là thật [Thơ], thật là cái hiện thực cao siêu (cõi thiên nhiên, vũ trụ vô cùng), và cũng vô cùng sâu sắc, bởi nó là cái lẽ thật của muôn đời, là cái tinh túy muôn vật; Nó hòa hợp ta trong cái Đẹp và ấp ta nằm trong sự thật. Vẻ đẹp man mác của cái đẹp và ý sâu sắc của sự thật [Thơ].

Những quan niệm của XT thiên về hướng mỹ lệ hóa, thiêng liêng hóa, tôn giáo hóa nghệ thuật và cái đẹp. Những quan niệm này được diễn đạt bẳng một hệ thống khái niệm, ngôn từ, hình ảnh rất cao siêu, đẹp đẽ, khá nhất quán, mang nhiều hơi hướng thẩm mỹ phương Đông bởi đã hướng vẻ đẹp tới sự trong trẻo, tuyệt đối.

Nhưng thực sự nếu vẻ đẹp của nghệ thuật, thơ ca chỉ đọng lại ở vẻ trong trẻo của sự vật thì nghệ thuật và thơ ca sẽ bị hạn chế nhiều những giá trị thẩm mĩ, bởi giá trị thẩm mĩ của cuộc sống không chỉ dừng lại ở chỗ trong và đẹp.

Hơn nữa, dù XT coi cái đẹp là cái Thật, nhưng Thật ở đây không phải là cái bản chất hiện thực như chúng ta quen thuộc (cái thật bề bộn gắn chặt với cuộc đời), mà là cái hiện thực bên trên, không gắn kết mấy với đời sống hàng ngày. Cái đẹp này cũng không gắn với hiện thực trực tiếp. Cho nên nó khá mơ hồ, xa xôi, mông lung: Ta mơ, trái nồng say, ly rượu thiết tha đẩy đưa khúc hát mặt trời. Đường ánh sáng hẹn mở bốn mùa đến bến nghìn mây, đôi hàng mi, giọt lệ nắng [Ta mơ]. Cái đẹp ở đây đầy sức gợi, ám ảnh và lan tỏa, nhưng cũng thực sự khó hiểu. Cái đẹp XT đề cao ít mang sức sống hơi thở của đời sống cụ thể, với những chi tiết đời sống chân thực, do đó tính tượng trưng của những quan niệm của XT càng rõ nét.

Khi coi nghệ thuật là một cõi Tuyệt đối, Vô cùng, Cao siêu, khi coi nghệ thuật phải đạt đến cái Đạo của đời sống, XT đã thực sự đề cao nội dung của nghệ thuật, coi nghệ thuật thiêng liêng như một tôn giáo vậy. Nhưng cũng chính đều này làm cho nghệ thuật của chính XT rơi vào bế tắc, khó phát triển, bởi không có sự kết nối với mảnh đất hiện thực làm cội nguồn vô tận của nghệ thuật. Và bản thân nghệ thuật, dù có thể rất đẹp, rất quyến rũ, nhưng sẽ bị hạn chế rất nhiều khả năng phản ánh đời sống, một nguyên tắc làm nên sức sống mạnh mẽ và bền lâu của nghệ thuật

3. Những thiên chức đặc biệt của nghệ sĩ

Để có thể vươn tới cái đẹp tuyệt đích như thế, người nghệ sĩ phải có những phẩm chất đặc biệt.

Nghệ sĩ là người sinh ra để thực hiện thiên chức tuyệt vời của nghệ thuật: Như khoảnh khắc đã thành, và trong mảy may cát bụi đã có muôn đời sóng gió. Sức sống dào dạt không cùng đã hoàn thiện trong thân hình bé mọn, muôn ngàn số kiếp luân hồi, trong giây phút đã tụ lại để thành ta [Thiên chức].

Trước hết, người nghệ sĩ phải hướng tới một cái Ta tuyệt đối, rũ bỏ cái Tôi cá nhân phàm tục. Trong Thiên chức, XT đề nghị một cá nhân xa rời cá tính, xóa bỏ cái Tôi, hướng tới cái chung tuyệt đích: Cái Ta. XT coi cái tôi cá nhân là cái riêng biệt, thuộc về cái phàm tục, trần thế thông thường, một giới hạn của con người, làm con người bị hạ thấp: cái tôi dày đặc, tối tăm; cái tôi riêng chiếm một khu đời chật hẹp, cách biệt ta với vạn vật; tôi tự xây thành bức thành bao kín, mỗi ngày một dày, một kiên cố, bưng bít mịt mùng; cái tôi trần tục, cái tôi nặng duyên kiếp; trí khôn vụn vặt, lòng vụ lợi, tính vị kỷ … Cái tôi như con tằm trong kén, Ôi hẻo lánh biết chừng nào, Hiu quạnh là chừng nào! Vì vậy, phải thoát khỏi cái tôi để đến với cái Ta vĩnh viễn; ta là Tất Cả, là cõi Vô cùng, là nguồn đời Vô Tận.

Chỉ có đến với cái ta cao cả, sáng suốt như thế, người thơ mới có thể giác ngộ, giải thoát, tâm hồn mới có thể cao siêu, thấm thía được chân lý, cảm thông với sự thật của trời đất, để có thể hòa lẫn, rung động nhịp nhàng với khinh thanh, rung động nhịp nhàng với thiên thu, theo điệu tuyệt vời và tuyệt đối [Thiên chức]. Chỉ với cái Ta vĩnh viễn trong lòng, nghệ sĩ mới bắt gặp được nghệ thuật đích thực, chiếm lĩnh được cái nhịp điệu vô cùng, điệu Nhạc muôn đời, thực hiện được thiên chức của nghệ sĩ: Ta với sự vật đã cảm thông trong một lần rung động; Từ cái tôi dày đặc, tối tăm, biến trong khoảnh khắc đến cái “ta” sáng suốt…là một cuộc giải phóng, một sự giác ngộ … Ta là gì? Ta biết gì? Ta là chiếc đàn muôn dây, rung theo nhịp điệu của Vô Cùng, và trên cánh Nhạc, ta cảm thông với Sự thật của Trời Đất, Sự thật tuyệt đối; Ta đã là chiếc đàn văng vẳng Nhạc muôn đời, Ta cũng là cánh hoa ngoài đồng nội, nở theo nhịp sống tuyệt vời [Thiên chức].

Cái Ta ở đây mang tính siêu hình, huyền bí, linh thiêng. Là cái đích mà thơ ca vươn tới. Về thực chất, XT lấy cái Ta này làm cho nội dung trữ tình vượt khỏi thơ Mới đương thời. Từ cái tôi đến cái Ta là một nỗ lực vuợt ra khỏi cái riêng, cái cá tính để đến một cái chung, cái vĩnh viễn mang tính nhân loại. Như vậy, XT muốn phủ nhận cá tính để vươn tới cái chung tuyệt đối.

Trong tiểu luận Thơ, các nhà XT cũng muốn chuyển đổi từ vị trí Tôi sang Ta là một yêu cầu vươn đến chỗ cùng cảm thông, hòa mình với cái bên ngoài, phá bỏ cái khuôn khổ cá nhân. Một số bài thơ minh họa cho quan niệm này như Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu là minh chứng cho việc không tồn tại một vị trí đặc biệt của cá nhân tác giả. Từ ngữ ở ngôi thứ nhất không được sử dụng như sự cố tình giấu đi cái tôi cá nhân.

Quan niệm cái Tôi cái Ta của XT hoàn toàn thống nhất với sáng tác của họ. XT nỗ lực hòng thoát khỏi quỹ đạo Thơ Mới lãng mạn, bỏ qua giới hạn cái tôi cá nhân khẳng định cá tính, đồng thời thay thế vào đó là một cái ta huyền bí, bí hiểm. Bởi vậy, hầu hết người đọc đều nhận thấy thơ XT rất đẹp, nhưng lại bất lực trước việc nhận thức cái Ta mơ hồ, quá chung chung, thể hiện qua một lớp ngôn từ bí hiểm mà XT sử dụng. Và cũng vì phủ nhận cá tính, nên nghệ thuật sẽ trở nên xa rời các vấn đề xã hội.

Nghệ sĩ là người có khả năng đặc biệt để có thể rung động và cảm thông, bước đầu tiên của sáng tạo. Rung động trước vẻ đẹp: Áng thơm của hoa, vẻ trong của nước, thần của vạn vật; Trong từng điệu cũ kĩ, ta còn mong gặp lại tiếng nhạc căn bản của lòng ta, để gây thành điệu mới: trong, đẹp, thật. Rung động như là tiêu chuẩn trực giác đầu tiên, cơ bản, không thể thiếu: Cảnh với tình đã hợp một, Ta với sự vật đã cảm thông trong một lần rung động. Ta đã tan trong Trời Đất và Trời Đất đã nằm trong ta; Ta chiếc đàn muôn dây, rung theo nhịp điệu vô cùng, và trên cánh nhạc ta cảm thông với sự thật của trời đất, sự thật tuyệt đối, ta không là gì riêng biệt, ta là tất cả. Ta sẽ là chiếc đàn văng vẳng của tiếng Nhạc muôn đời [Ta mơ]. Nhà thơ phải  thoát ra khỏi cái tôi riêng mà hướng tới cái chung, vĩnh cửu, muôn đời.

Thậm chí, trong thơ, nghệ sĩ chỉ cần có rung động, không cần lý trí: Có rung động là có thơ. Phải cần và chỉ cần có rung động ấy [Thơ].

Thi sĩ là người thấu hiểu được bản chất của sự vật một cách tinh nhạy, có thể chỉ bằng trực giác, thậm chí, không cần tới lí trí: hãy nằm trong thơ, dầm trong nhạc, đừng vội muốn hiểu trước khi xúc cảm; Thấu nghĩa từng chữ rồi những chữ ấy ở cạnh nhau sẽ nảy ra những âm thanh gì, những hình ảnh gì, gợi trong trí não một vũ trụ tức khắc, mới mẻ, không phải phân tích, không phải phê phán [Thơ]

4. Con đường đi tìm cái Tuyệt đối

Nhóm Xuân Thu có một khát vọng tìm một con đường nghệ thuật riêng, con đường đó không tách rời truyền thống: Tìm con đường thực, nối liền gốc xưa với những ước vọng nay. Không quanh co, lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài. Cuộc sống của ta phát triển trên cái nền móng thực, là trước hết. Ngăn cái họa mất gốc. Hai nghìn câu thơ Đoạn trường tân thanh đã cứu sống ta trong lịch sử cũng bằng hai mươi vạn quân Thát [Quan niệm] Như vậy, XT rất đề cao giá trị của nghệ thuật truyền thống và xác định rõ, chỉ có trong quan hệ với truyền thống, nghệ thuật và đạo lý sẽ phát triển rộng: Nghệ thuật và đạo lý cũng phóng khoáng nở trên nền tảng cố hữu và trong cái thực của ta [Quan niệm].

Các nhà XT muốn bảo vệ và đề cao truyền thống văn học dân tộc, tôn trọng bản sắc và ngôn ngữ dân tộc: Nghệ thuật thuộc về hồn dân tộc, mang vẻ đẹp gắn với truyền thống, dễ gây xúc động. Đối với XT, mảnh đất hiện thực và cội nguồn văn hóa dân tộc là yếu tố then chốt làm nên sáng tạo. Song hiện thực dân tộc đó với XT vẫn khá mơ hồ: Những câu ca dao, những ngôi đình cổ, những bước chân đi,… mỗi cái thường mang theo ít nhiều dáng dấp của cái nhịp điệu vĩnh viễn ấy khiến ta còn nhận được cái phần sót lại quý báu, dưới mọi nước sơn phủ kỳ quái và mau đạt tới những thể kết tinh phong phú, hợp lý và huy hoàng [Sống và vẽ]. Nghệ sĩ chân chính là người biết đi tìm hạt ngọc ẩn giấu sau lớp vỏ cũ xưa kia. Hiện thực là cái đẹp xưa cũ, không phải hiện thực đang tồn tại, đang hiển hiện với bao kiếp sống lầm than của mọi kiếp người. Cái đẹp đối với XT là khám phá, tái tạo từ cái đẹp đã có và đã mất. Bài Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ) là một minh chứng tuyệt vời về cái đẹp đã mất và trở thành huyền thoại.

Theo XT, bản chất nghệ thuật, nhất là thơ ca, phải chứa đựng đặc thù mĩ thuật Á đông. Đó là tính cách hàm súc, tĩnh mạc, tổng hợp; Ngôn ngữ, cú pháp Á đông rất thích hợp cho thơ, bởi phát hiện bằng toàn hình ảnh, hương sắc, xếp đặt một cách u uẩn huyền diệu. Tứ thơ thường ưa đọng lại trong những bài thơ ngắn, cốt gợi hơn tả, bằng vài nét rộng rãi, khả dĩ chứa cả một vũ trụ siêu hình, mở những chân trời bao la, rót vào giác quan bao nhiêu thế giới lý tưởng [Thơ]. Đó là lối diễn tả cảm giác riêng của ta, cái đẹp riêng của ta, …là đặc biệt từng dân tộc, linh khí từng giang sơn [Thơ]. Đặc biệt, sự kết hợp huyền diệu của âm thanh, màu sắc và hương vị một cách u uẩn, huyền diệu, đã mở rộng giác quan theo những chiều kích mới.

Nhưng XT không chỉ dừng ở đó, họ còn dùng ánh sáng tư tưởng phương Tây để soi sáng phương Đông, nối liền xưa và nay. Kết nối tư tưởng tượng trưng của phương Đông và phương Tây. Tượng trưng phương Tây cũng uẩn súc, huyền ảo, với hình ảnh Rimbaud, cú pháp Mallmarmé và triết lý Valéry [Thơ].

5. Thơ – biểu hiện của cái tuyệt đối

Quan niệm về thơ:

Theo XT, thơ trước hết là thuộc về một thế giới siêu thoát, bên ngoài lý trí, không giải thích được: Như Giai nhân, như Đẹp, như Trời; Thơ là cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn vật: cõi Vô cùng [Thơ]. Thơ là cõi thiêng liêng của cái đẹp:Niết bàn nghệ thuật [Thơ].

Thơ là những biểu hiện của sự trong trẻo, thuần túy, đẹp và cao quý, với phương trình Thơ = trong = đẹp = thật.

Thơ là cao quí. Thơ gắn với đạo: Thơ là Đạo. Đạo, trong quan niệm của triết học Trung Hoa cổ, là chân lý khách quan. Ở đây, đạo cũng được coi là đệ nhất nguyên lý, cái sáng tạo nên vạn vật, là âm dương tương phối. Vì vậy, khi thơ phản ánh được Đạo (thực chất là cái tuyệt đối), tức là thơ phát huy được cái Đạo nguyên thủy, là bắt kịp Đạo [Thơ].

Quan niệm này nghe có vẻ xa xôi, huyền bí, khó tiếp cận, nhưng thực sự là đề cao tuyệt đối giá trị nội dung của thơ ca, đề cao lẽ phải trong nghệ thuật.

Thơ hấp dẫn bằng trực giác, làm mê hoặc con người. Thơ có thể không cần hiểu, mà chỉ cảm: trước khi thưởng thức hương, nhận chân sắc, phân tích, dùng những phương thức lí trí, có ý thức, có hệ thống để hiểu biết, ta đã chịu sức quyến rũ của mùi thơm, ta cảm thấy cái đẹp trong trẻo gợi nên bởi âm thanh, cách điệu. Một cái gì trên cả âm điệu, không giải được mà chỉ cảm được thôi [Thơ]. Thậm chí, thơ còn là những lớp dày đặc của tiềm thức và vô thức, nên bài thơ không cần rõ nghĩa, vì nó không chủ động trong địa hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng sáng sủa vì nó giữ phần sâu kín, sâu sắc, vì nó chịu sức chi phối của những luật vô hình [Thơ].

XT rất đề cao âm nhạc. Họ tôn thờ Nhạc, coi đó như một Lễ Nghi, một Đạo lớn: Trong vòng tương sinh Thơ – Đạo, Nhạc vây phủ Thơ như đạo hào quang trên đầu vị thánh; Đạo lớn trong hoàn vũ: Nhạc Điệu… Các tác giả mong muốn Thơ hay Nhạc sẽ đạt được những giá trị bất biến, vĩnh cửu: Hội ý Nhạc (trí thức), tìm điệu thật (Sáng tạo) và thấu tới Nhạc đời đời (Đạo lý) [Thơ]. Nhạc là giá trị tuyệt đối của thơ ca: Không có Nhạc là không có gì hết [Thơ].

Thơ gắn với Nhạc. Nhạc gồm những gì nhịp nhàng giữa trời đất, vũ trụ và hồn người: Đi sâu vào là gặp cái tinh túy của sự vật hòa với cái chân chất nhịp nhàng: một bài tính kỉ hà, một ngụy thuyết, một cái nhìn…; Thơ và nhạc gắn kết, tạo nên những áng sáng tạo rất nhịp nhàng; Âm thanh, mầu sắc, mùi giọng được hòa hợp thành những biểu hiện nhịp nhàng để khêu gợi những rung động siêu việt của vô cùng [Thơ].

XT phân biệt nhạc và điệu. Nhạc như là sự giao hòa, hợp nhất, nhịp nhàng của vũ trụ, trời đất, của tinh thần: Nhạc (giao hòa hợp nhất) là cái luật cao cả chi phối cuộc sống lớn của vũ trụ, của tinh thần [Nhạc điệu]. Nhạc sẽ làm cho con người hòa nhịp nhàng vào đời sống, đặc biệt vào một đời sống tinh thần tuyệt đối: Nhạc điệu làm cho Ta nhịp nhàng hòa vào sự tương thân, lẫn với cuộc sống vĩnh viễn của Trời Đất, thấm tới cõi cao siêu [Nhạc điệu].

Nhạc sẽ thể hiện cụ thể bằng muôn vàn điệu nhỏ khác nhau với phẩm chất Trong, Đẹp, Thật: Nhạc phát sinh muôn ngàn khúc điệu, tiết tấu trong vạn vật, trong thơ văn, nghệ thuật, trong tư tưởng, hành vi; Tất cả lòng mong mỏi, nỗi băn khoăn cuả ta chỉ là thấy được cái nhạc của Trời Đất, và đạt được cái Điệu tuyệt vời, Trong, Đẹp, Thật [Nhạc điệu].

Đối với thơ ca, nhạc rất quan trọng, bởi lẽ, Nhạc thuấm nhuần cả vũ trụ, giao hòa trời đất với người. Nếu không nhìn thấy sự giao hòa này giữa sự vật thì Bài thơ sẽ chỉ còn là lời kể lể, bức tranh chỉ là những màu trơ trẽn, bản đàn là những tiếng vu vơ…Hoa cỏ cũng vô duyên, chim muông cũng ngơ ngác [Nhạc điệu].

Và khi nghệ sĩ nắm bắt được cái bí mật giao hòa nhịp nhàng của các sự vật, thì: phải hội được ý Nhạc kia mới tìm được một đường diễn tả thật nhịp nhàng, những giọng văn thích đáng, mới tạo ra được một Điệu huyền diệu [Nhạc điệu].

Cơ sở của sự gắn bó giữa Điệu và Nhạc là sự tương đồng giữa nhịp điệu của vũ trụ và tâm hồn. Nội dung của tâm hồn phải có một hình thức âm nhạc nào đó tương ứng Điệu huyền diệu.

Nhưng XT lại cho rằng, nội dung tâm hồn không phải là sự giãi bày tình cảm (như thơ lãng mạn): Mượn nỗi lòng gái góa, đặt câu chuyện thất tình, để bênh vực một ý tưởng hẹp hòi, để mong giải quyết một vấn đề xã hội, tức là đã khuấy tan cái ý Nhạc của sự vật và của lòng mình (cần phải trong trẻo), còn đâu là nhạc, còn đâu là điệu, còn đâu là sự cảm thông thấm thía, sức khêu gợi nhịp nhàng.

Quan niệm về thơ ca, nhạc và điệu của XT thực sự là rất sâu xa, cao diệu. Nhưng khi cho rằng điệu tâm hồn không phải là sự giãi bày tình cảm trực tiếp, ý kiến đó đã đưa điệu tâm hồn của XT quá xa rời thực tế, ít cội nguồn hiện thực, giảm sút chất trữ tình.

6.Những dấu hiệu của thơ tượng trưng qua sáng tác của nhóm XT- những bài ca của vẻ đẹp tuyệt đối.

Thế giới là một cõi huyền bí, linh thiêng, kỳ diệu, là thế giới của tâm linh và những tiếng nói tâm linh. Thơ tượng trưng thể hiện khát vọng tìm kiếm cái bí ẩn đằng sau sự vật. Thế giới dù rất đẹp song lại bị tan rã thành từng bộ phận. Nhưng khi ghép lại, tạo thành những tương quan mới: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi thì ngôn từ, hình ảnh là một sự khêu gợi bí ấn.

Thơ tượng trưng xây dựng một quan niệm mới về ngôn từ thơ ca, rất đề cao âm nhạc. Ngôn từ phải có một ý nghĩa đặc biệt để có thể truyền đạt được những bí ẩn của thế giới. Ngôn từ có khi mất tính chất bình thường mà trở thành một phương tiện thôi miên. Ta choáng ngợp trước một loạt những hình ảnh, ngôn từ đẹp lộng lẫy và mơ hồ trong thơ XT. Tương giao cảm giác giữa biểu tượng, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, hương thơm được huy động triệt để.

Qua hình ảnh tượng trưng, người ta đoán biết cái khác ẩn giấu sau đó. Khắc phục cách biểu lộ tính cảm trực tiếp của lãng mạn bằng sự ám thị, bằng những ám chỉ. Tất cả bài thơ của XT chỉ thể hiện một nỗi mơ hồ không xác định, bởi bản chất của sự vật là cái đuợc biểu đạt đã bị che giấu.

Theo Trần Đình Sử (Những thế giới nghệ thuật thơ ca, Nxb Giáo dục, HN, 1995) thơ XT quay về vẻ đẹp quá khứ, đó là vẻ đẹp của sự mong manh, hư ảo, nhẹ nhàng, rất phù hợp với quan niệm cho rằng nghệ thuật hướng về vẻ đẹp cao siêu, không gắn với cái vụ lợi truớc mắt: Buồn xưa (Nguyễn Xuân Sanh), Hồn ngàn mùa (Nguyễn Xuân Sanh), và Người có nghe (Phạm Văn Hạnh), đều như là hồi vọng của ngày xưa – mùa thu nhớ mùa xuân, của nay hướng về xưa – tuổi trẻ đầy hoa trái, sức sống, âm nhạc, hương thơm đã trở thành sương cũ, rừng xa, màu xưa, hồn xa, tóc xưa. Không gian và thời gian xưa hòa quyện làm thành một, thành cái đã mất. Tất cả đều thật đẹp trong cái mơ hồ hư ảo và trong trẻo.

Cũng vì hướng tới cái không vụ lợi của tình cảm trực tiếp, nên thơ XT cố giấu đi cái được biểu đạt mà chỉ có cái biểu đạt. Cảm xúc có được nhắc đến nhưng chỉ thoảng qua. Cũng có hận, có nhớ, có òa, có điệu hồn rơi, có rầu rĩ, vỉ van, phấn lệ não nề, nhưng không còn có thổ lộ giãi bày bởi vì đó chỉ là chuyện của quá khứ, không phải là tâm trạng thời sự của con người hiện tại. Kỉ niệm xưa đã biến thành một cõi siêu thực, trong đó con người tan rã thành bộ phận: hồn, ngón, tóc, vai, mày, môi, ngực, da, hương, hoa nhạc, đàn, xiêm, y… để dệt nên một cõi siêu thực, hòa đồng giữa mơ và thực, không còn phân biệt khách thể và chủ thể.

Thế giới trong XT là thế giới của những mảnh vụn, liên kết với nhau theo sự tổng hợp của các giác quan âm thanh, màu sắc, hương vị. Thế giới của thơ mang vẻ siêu thực –vượt lên trên thế giới thực tại là một thuở, tình cũ, để đắm mình vào thế giới vĩnh viễn, của hồn, của những gì trong trẻo và tinh tuý nhất. Cho nên thế giới này mang màu sắc huyền bí, mơ hồ, siêu hình, hư ảo mang màu sắc tâm linh và tôn giáo

Để khêu gợi thế giới ấy, lời thơ hình ảnh được cấu tạo lại hoàn toàn, không tuân theo trật tự logic thông thường, làm cho không gắn với hiện thực, chỉ tồn tại một hiện thực không có thực. Cho nên cái thế giới ấy, có những dấu vết của hiện thực nhưng lại không là thế giới hiện thực, đó là một thế giới siêu nghiệm. Trong các bài Màu thời gian và Hồn ngàn mùa, thời gian ở đây là một cách cảm nhận thời gian đặc biệt. Không phải là thời gian khách quan vô tình như trong thơ cổ, không phải là thời gian mang cảm xúc của người như trong thơ lãng mạn mà là thời gian nghiệm sinh, tức là một loại thời gian bị đổi chỗ cho những cảm giác ngoài thời gian, thời gian mang hương sắc, mùi vị. Thời gian đó, không làm cho sự vật biến mất mà là hình thức tồn tại lưu giữ tình cảm con người. Mối tình của Tần Phi như thấm vào thời gian, hòa vào thời gian, làm cho nó thanh thanh, tím ngát, kéo dài từ thu nay đến ngàn thu khác.

7. Vĩ thanh

Vào năm 1946, một số nghệ sĩ như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương,Vũ Hoàng Địch, Trần Dần, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu, thành lập nhóm thi sĩ tượng trưng, lập ra Tạp chí Dạ Đài. Số 1 ra ngày 16-11-1946 đăng bản Tuyên ngôn tượng trưng của nhóm, do Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch chấp bút. Số 2 chưa kịp ra mắt thì kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ.

Bản tuyên ngôn tượng trưng ra đời với mong muốn thúc đẩy, đưa nền văn chương, đặc biệt là nền thơ Việt tiến thêm một bước mới.

Lí do lựa chọn hướng đi mới :

Đây là giai đoạn thoái trào của chủ nghĩa lãng mạn Việt Nam. Chủ nghĩa lãng mạn Việt Nam đã đi hết con đường lịch sử của nó. Đã đến lúc, chính bản thân các nhà thơ nhận thấy rằng, không thể tiếp tục con đường đi của chủ nghĩa lãng mạn, cần thiết và cấp bách phải có lối ra cho thơ ca Việt Nam. Chính vì vậy, cũng như nhóm Xuân Thu, nhóm Dạ Đài cũng có tuyên ngôn rời bỏ chủ nghĩa lãng mạn để tìm đến một con đường đi mới cho nền thơ Việt: con đường theo khuynh hướng tượng trưng.

Trước hết, đó là sự chối bỏ việc thể hiện tình cảm theo kiểu lãng mạn (thể hiện trực tiếp, giãi bày tâm trạng), chối bỏ việc thể hiện một thế giới quá thực, gắn với cái hàng ngày của thơ lãng mạn, không muốn tiếp tục kiểu thể hiện ký thác tâm trạng vào ngoại vật như thơ ca từ trước đến nay.

Tuyên ngôn tuyên bố, họ không còn muốn giãy bày tâm trạng: Người ta khóc mãi ái tình, công danh, thế sự. Không muốn thơ ca có những cảm xúc gắn quá chặt với cuộc đời thực: Đau khổ sầu vui rung động với trần tâm, với những yêu thương, mừng giận, với những mối sầu nhân loại. Theo họ, thơ ca lãng mạn chỉ là loại thơ ca nông hẹp, miêu tả cảm xúc. Họ không muốn kiểu thể hiện đơn giản là ký thác tâm trạng vào ngoại vật. Theo họ, thế giới của lãng mạn là thế giới của cái thực. Họ chán ngắt thứ thơ ca nông hẹp chỉ miêu tả phong cảnh và những tâm tình thế tục. Họ cho đó chỉ là những cái tôi nông cạn, là thi sĩ của lòng (tức tình cảm). Họ cho rằng: Làm sao người ta cứ khóc mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động cũ; Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều, và thu hẹp tâm tư ở bảy dây tình cảm. Các thi sĩ Dạ Đài nhận thấy sự cạn kiệt nguồn cảm xúc, sự bất lực của các thi nhân lãng mạn. Vì vậy họ muốn vượt qua cái tôi nông cạn đó, thi sĩ chỉ của tấm lòng đó, muốn đi tới một kiểu đối tượng khác, một kiểu thể hiện khác.

Mục đích của thơ ca: Thể hiện cõi thâm u, huyền bí, muôn đời

Trước hết, đó là thế giới của cái khác lạ: muôn trùng biển lạ. Đó là một thế giới mở ra vô tận, không chỉ có những điều trong hiện tại, mà là thế giới của ngàn xưa: Chúng ta đã mang nặng: những thế hệ tàn vong ở những triều đình đổ nát – trăm nghìn lớp phế hưng, những sự vật điêu tàn, biết bao chuyện tang điền đã xáo động hình hài nhân thế; Biết bao thế kỷ đã trầm tư, núi lở non tàn… Hãy đưa chúng ta đi ngược vào dĩ vãng. Đi cho hết những trời xa đất lạ. Để chúng ta sống muôn ngàn cõi sống. Để chúng ta có hàng triệu năm dài và vô vàn kí ức của những dân tộc đã tàn vong, kí ức của cõi đời xa thẳm, ký ức của những thế kỷ đã lùi xa. Theo nhận xét của Hồ Thế Hà, đây là cách nói hình tượng về việc đi tìm những mẫu gốc trong văn học (?). Tìm và sử dụng những dấu vết của những hình tượng cổ mẫu (archetype), tức là những dấu vết của quá khứ nhân loại, những kinh nghiệm, văn hoá truyền thống được lưu lại ở cõi vô thức bên trong của con người [Hồ Thế Hà, Quan niệm về thơ của nhóm Dạ Đài – nhìn từ sự tiếp biến Lý luận văn học phương Tây, http://www.vienvanhọc.org.vn]. Như vậy, tìm cảm hứng ở cõi xa xưa, nói cách khác, tìm về những mẫu gốc, chính là tìm đường tới nhân loại, và cõi vô biên (chứ không dừng ở thời điểm hiện tại như thơ ca lãng mạn): chúng ta đã góp gom hình ảnh tinh cầu, muôn trùng cõi đất, muôn nghìn thực tại, rung động của vô biên.Thế giới này mang dấu ấn của vĩnh cửu (muôn trùng cõi đất, muôn nghìn thực tại, thế giới của vô biên).

Thế giới này nằm ở chiều sâu, đằng sau cái thực tại. Vì vậy, cặp mắt nhìn của thi sĩ là nhìn thấy đằng sau cái đời thường, cái thực tại (như đám mây, sắc nắng, chiều vàng, bình minh…), một thế giới khác lạ, lớn lao hơn thực tại, một thế giới u huyền, thế giới bên kia, thế giới của vô biên, của muôn ngàn thế giới, là thế giới của những điều thâm u, huyền bí: u huyền, cái rung động của vô biên, của muôn nghìn cõi đất. Theo họ, thế giới của lãng mạn là thế giới của những phong cảnh trần gian, những tâm tình thế tục, là thế giới của cái thực, nông cạn, còn thế giới mà thơ tượng trưng hướng đến là thế giới cao siêu hơn nhiều.

Để chiếm lĩnh được thế giới ấy, phải phát huy được một thế giới khác, chính là cái thế giới im lìm đang nằm ngủ trong lòng nhân loại: cái tôi thầm kín, phần linh hồn bí hiểm của thi nhân. Đó chính là cõi vô thức, bản năng. Phải là thi sĩ của linh hồn, của cái tôi thầm kín, mới có thể phát hiện những rung động vô biên, những muôn nghìn cõi đất, để đánh thức thế giới im lìm đang nằm ngủ trong lòng nhân loại… Chúng ta hãy trở về với cái bản năng mà thế tình che đậy, người ta đương gắng sức trả lại con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc, sông núi hoang sơ.

Con người ở thế giới ấy là con người không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ và đạo lý, mà là con người: thuở đất trời khai lập, thuở hoang sơ, hư không, đạo lý của con người chính là ở chỗ thả lỏng thiên năng, đam mê và khoái lạc.

Như vậy, để chiếm lĩnh được thế giới cao siêu, huyền bí, hướng tới cái vô biên về cả không gian và thời gian ấy, thi sĩ cần phát huy phần linh hồn, bản năng, những phần vốn bị che giấu, khuất lấp bởi muôn vàn những quy tắc đạo lý, mang tính lí trí.

Cuối cùng, thi sĩ sẽ tạo nên được một thế giới thơ ca đan xen hai cõi thực hư, cái có và cái không có, thực và hư, mộng và đời, thấm đượm vào nhau trong cõi giao hoà bí mật. Một loại thơ ca được cấu tạo bằng những tinh chất của vô biên.

Để diễn tả được thế giới vô biên ấy, chỉ có thể bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Đó là sau những hàng chữ phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới. Thơ phải đầy ẩn ý, có khả năng gây không khí hoang đường và hiện thực, hư và mộng, mộng và đời, thực tại và u huyền giao hoà.

Làm được điều này, câu thơ sẽ trở nên nhiều nghĩa: Một câu thơ sẽ có một ý nghĩa – cái ý nghĩa rất thường – nhưng sẽ mang nặng biết bao ý nghĩa thâm u, khác lạ. Nghĩa bề mặt của hình tượng sẽ là nghĩa trần gian, còn bề sâu của hình tượng chính là thế giới thâm u, cảnh giới hoang vu. Thi sĩ Dạ Đài rất chú ý phân biệt hai thế giới trong thơ ca: phàm trầm và u huyền; phân biệt hai cõi đất: cõi đất chúng ta và cõi đất ngoài kia.

Phải dùng những âm thanh huyền diệu, vốn được khơi gợi từ âm nhạc. Dùng sự tương giao cảm giác để miêu tả được cái vô biên của thế giới. Ngôn ngữ phải tân kì.

Tuyên ngôn tượng trưng của nhóm Dạ Đài có thể được coi như là nỗ lực cuối cùng của thơ ca lãng mạn đang đi đến chặng đường cuối cùng của nó. Các thi sĩ Dạ Đài mong muốn đưa thơ ca hướng tới thế giới của tượng trưng: Một thế giới chối bỏ sự giãi bày tâm trạng, gắn bó với cái hàng ngày và cuộc đời thực như thơ ca lãng mạn. Họ chú ý tới một thế giới khác, thâm u, kì lạ, huyền bí, cao siêu, mang dấu ấn của sự vĩnh cửu, muôn đời. Chỉ có như vậy, thơ mới thực hiện được những thiên chức cao cả của mình. Và để thể hiện thế giới ấy, thơ ca có những con đường riêng: Trước hết là sự quay về nguồn cội, với những điều sâu xa trong lịch sử có khả năng rung động được muôn đời. Tiếp đến là việc chú ý tới cõi u huyền, bí hiểm của tâm hồn con người, có chạm được tới cõi này mới có thể đưa thơ đến với điều làm rung động muôn đời. Muốn được thế, thơ phải cởi bỏ mọi ràng buộc về mặt ý thức, chỉ đi theo con đường dẫn đắt của bản năng. Và thơ ca, sản phẩm này phải thực độc đáo, đan cài giữa cái thực và hư ảo, hiện thực và hoang đường. Chú ý các biểu tượng, âm nhạc, tương giao cảm giác…

Những quan niệm này mang dấu ấn của hiện thực sáng tác thơ ca tượng trưng Pháp thế kỉ 19. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, những quan niệm thơ ca này của nhóm Dạ Đài khá tân kì và độc đáo, mặc dù không hệ thống và sâu sắc bằng quan niệm của nhóm Xuân Thu. Nhưng cái quan trọng là sản phẩm thơ ca của họ có minh chứng được việc thực hiện những điều trong Tuyên ngôn? Đây mới chỉ là những giả định lý thuyết, chưa có phần chứng minh. (Những nỗ lực quyết liệt suốt năm mươi năm sau của Trần Dần chưa cho thấy thơ ông vươn tới đuợc cái muôn đời hay thâm u, huyền bí của thơ ca!).

***

Những quan niệm nghệ thuật của Xuân Thu và Dạ Đài có rất nhiều điểm sâu sắc, thể hiện một khuynh hướng vươn tới cái cao cả của nghệ thuật. Tuy thực tiễn sáng tác chưa có nhiều, nhưng với những tuyên ngôn trực tiếp hoặc gián tiếp, Xuân Thu và Dạ Đài đã để lại những dấu ấn khá độc đáo trong lý luận Việt Nam thế kỷ XX: lý luận về khuynh hướng văn học tượng trưng mang màu sắc Việt Nam.

Tháng 6 / 2008

Lê Lưu Oanh

Bản tin ĐHSPHN, tháng 10-2010

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020