Lý luận văn học

Thành phần xen trong cốt truyện và sự trường lực, đại kiến tạo của tiểu thuyết


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Lê Lưu Oanh – Phan Hồng Hạnh

Nhà văn Mạc Ngôn đã nói về tiểu thuyết: Gọi là người nổi tiếng chữ nghĩa, chính là biểu hiện bên ngoài của dòng suối lớn, rặng núi cao, cảnh tượng lớn ở trong lòng họ. Sức sống mạnh mẽ, đan xen nhiều lo âu, nhiều thương xót, đem lại hoài bão lớn, như ngựa thần bay bổng, lưu lại cảnh ngộ lớn lao trên miền đất mênh mông trắng xoá – đều là nội hàm với tiểu thuyết dài. Tất cả những khí lực lớn đó làm nên sự trường lực và đại kiến tạo của tiểu thuyết (Bảo vệ sự tôn nghiêm của tiểu thuyết) [1]. Nói như vậy, bởi vì tiểu thuyết thường mang một dung lượng hiện thực lớn, như là dòng sông cuộc đời với rất nhiều những biến hóa khôn lường của văn hóa, phong tục, địa lí, những biến đổi, thăng trầm của lịch sử, của đời người, với nhiều tuyến nhân vật, nhiều tuyến sự kiện, nhiều câu chuyện đan xen, chồng chéo, tầng tầng, lớp lớp, tương đối phức tạp. Một trong những điều kiện để tiểu thuyết có thể đạt tới sự trường lực, đại kiến tạo về nghệ thuật chính là nhờ vào thành phần xen trong cấu trúc tự sự.

***

Trong tự sự, cốt truyện (fabula) là cốt lõi cơ bản của diễn biến câu chuyện, với một hệ thống sự kiện tiếp nối theo quan hệ nhân quả, còn truyện kể (story, siuzhet) là cốt truyện đã được gia công lại một cách nghệ thuật (V.B. Shklovsky, Tomashevsky) [2]. Như vậy, truyện kể là một chỉnh thể, có yếu tố cốt truyện là hạt nhân, với muôn vàn những yếu tố đan xen khác, ngoài cốt truyện, để tạo nên một sinh mệnh nghệ thuật thật sự.

Yếu tố ngoài cốt truyện là một thành phần của hệ thống trần thuật. Bên cạnh hệ thống mang tính động: các sự kiện tiếp nối nhau tạo thành cốt truyện, trần thuật còn bao gồm các thành phần có tính chất tĩnh tại nằm ngoài hệ thống sự kiện như: miêu tả ngoại cảnh, môi trường, đồ vật, giới thiệu lai lịch nhân vật, miêu tả chân dung, tái hiện tâm trạng, độc thoại nội tâm, hồi tưởng, các đoạn đối thoại, những lời trữ tình ngoại đề, những nhận xét mang tính triết lí, những bình phẩm đi sát nhân vật, những biểu tượng hoặc những câu chuyện nhỏ bổ sung hay giải thích cho một chi tiết, một nhân vật…Những yếu tố này đã làm cho toàn bộ câu chuyện kể có một diện mạo sinh động, một “bức tranh toàn cảnh về thế giới”. Bởi theo I.U. Lốtman, “cốt truyện không phải là một cái gì đó biệt lập được lấy trực tiếp từ đời sống hoặc khai thác một cách bị động từ truyền thống, nó có quan hệ hữu cơ với bức tranh thế giới”[3]

Những yếu tố ngoài cốt truyện này được gọi bằng những cái tên khác nhau. Pôxpêlốp gọi là sự miêu tả tự sự có chức năng tạo hình khách thể [4]. Trần Đình Sử gọi là thành phần tĩnh tại, dư thừa, hay thành phần xen [5]. R. Barthes dùng thuật ngữ chất xúc tác. Thành phần này nằm ở khoảng giữa các sự kiện. Theo ông, trong tác phẩm nghệ thuật không có yếu tố thừa, cho dù sợi chỉ xâu chuỗi đơn vị cốt truyện với các đơn vị khác có thể rất dài, mong manh hay mảnh mai. Căn cứ vào chức năng của những đơn vị khác ấy, Barthes, đề xuất hai nhóm: nhóm chức năng cốt yếu (hay hạt nhân) và nhóm chức năng xúc tác bởi chúng mang tính phụ trợ [6]. Về tầm quan trọng của chúng, Barthes đã nói: “Không thể lược bỏ một chức năng cốt yếu nào mà không làm ảnh hưởng đến cốt truyện cũng tương tự như vậy, không thể lược bỏ đơn vị xúc tác nào mà không làm ảnh hưởng đến ngôn bản tự sự” [7] Các yếu tố này dù là phần phụ nhưng không thể thiếu, bởi chúng làm nên hơi thở, không khí, linh hồn và sự sống cho chính tác phẩm.

***

Đối với thể loại tiểu thuyết, một thể văn đồ sộ, cực kì phong phú (Mạc Ngôn), để có điều kiện thể hiện cái “hùng tâm tráng chí”, thì thành phần xen càng có ý? nghĩa lớn lao, thậm chí, nếu không có nó, câu chuyện chỉ còn lại bộ xương khô khốc “như những con cá mòi khô được sấy trên que củi” (Pautốpxki).

Ma Văn Kháng đã từng phát biểu: Tiểu thuyết, sở dĩ không có nó thì không có nền văn học, không phải chỉ vì chuyên chở một dung lượng hiện thực lớn, bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và thời đại, mà chủ yếu là, nó đặt được ra được những vấn đề thiết cốt của nhân sinh, nhân quần, nó tái hiện số phận con người và cuộc sống, do vậy gây hứng thú lâu dài, làm giàu có nhân tâm, làm phong phú đời sống tinh thần và gây rung động tâm hồn tư tưởng con người, đạt tới cõi bí ẩn của văn xuôi, là tạo được những âm hưởng sâu xa [8]. Theo chúng tôi, sở dĩ tiểu thuyết có được một vị trí như vậy, với một khả năng gây hứng thú lâu dài như thế một phần cũng chính bởi những yếu tố thuộc thành phần xen này. Hãy thử xem, nếu Truyện Kiều (Nguyễn Du) không có những câu thơ như: Cỏ non xanh tận chân trời; Buồn trông cửa bể chiều hôm; Giật mình, mình lại thương mình xót xa; Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo; Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san… thì có lẽ chúng ta chả còn gì để đáng tự hào về Truyện Kiều nữa. Cũng giống như Chiến tranh và hòa bình (L. Tônxtôi) nếu không còn những trang miêu tả công tước phu nhân nhỏ nhắn, đêm trăng, cuộc đi săn, điệu múa dân gian, bầu trời Aoxtéclit, cây sồi bên đường, những đoạn miêu tả nội tâm…thì cũng mất đi quá nhiều sự hấp dẫn (nếu là tôi, tôi sẽ không đọc tác phẩm này đến lần thứ hai nếu không có những trang văn ấy).

Bởi vậy, có thể xác định một số vai trò nghệ thuật của thành phần xen đối với thể loại tiểu thuyết như sau:

1. Sự trường lực và bề thế của tiểu thuyết được tạo từ việc mở rộng khả năng tự sự của thành phần xen. Thành phần xen có tác dụng làm tăng dung lượng hiện thực và khả năng phản ánh đời sống: mở rộng nội dung cốt truyện, khai triển hạt nhân nòng cốt của tác phẩm. Nói cách khác, nếu được mô hình hoá, coi cốt tru?yện là chủ ngữ và vị ngữ, thì các thành phần này chính là phần trạng ngữ, các thành phần biệt lập, đan xen, giải thích. Trong khi biến cố, sự kiện là thành phần hạt nhân cấu trúc của cốt truyện thì thành phần xen được bắt nhịp và nối tiếp, mở rộng chiều kích của sự kiện, mang lại những thông tin mới về văn hoá, lịch sử, chiều sâu tâm hồn người, cách đánh giá đối với cuộc đời của từng nhân vật. Chẳng hạn truyền thuyết về Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Maccơlâu), về Núi Thần lúc có lúc không trong Linh sơn (Cao Hành Kiện), những bài hát Miêu xoang trong Đàn hương hình (Mạc Ngôn), những câu chuyện về tục trải ổ, về Mẫu Thượng Ngàn trong Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), những câu chuyện xuất thế, nhập trần, tái sinh của Từ Đạo Hạnh, Lý Thần Tông…trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo). Theo M. Kundera, đó là những truyện ngắn lồng vào trong tiểu thuyết. Chúng soi sáng vào nhau và cắt nghĩa lẫn nhau trong khi cùng khảo sát một chủ đề duy nhất [9]. Điều đó làm cho một câu chuyện, một vấn đề luôn có lịch sử, cội nguồn trong các chiều của đời sống.

Thành phần xen có thể thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Với sự có mặt của thành phần xen, các sự kiện trong cốt truyện được dẫn dắt một cách lôgic, nói cách khác, thành phần xen đã xâu chuỗi các đơn vị cốt truyện, giải thích lôgic của những sự kiện tiếp nối theo phương thức nhân quả. Thường là do có tác động ngoại cảnh, dẫn đến những diễn biến tâm lí, từ diễn biến tâm lí thể hiện qua hành động, như là sự chuẩn bị, báo trước cho những sự kiện tiếp nối sau đó. Đoạn độc thoại nội tâm của Ăngđrây Bôncônxki nhìn cây sồi bên đường trong hai lần gặp gỡ, đã giải thích tâm trạng từ tuyệt vọng đến hồi sinh của chàng dẫn đến thái độ sống nhập cuộc tích cực của chàng sau này (Chiến tranh và hòa bình– L.Tônxtôi).

Trong tiểu thuyết, mật độ sự kiện, nhân vật, tư tưởng đều đến mức đông đặc, cần phải có sự miêu tả, giải thích, bình luận, tranh biện [10]. Không phải ngẫu nhiên mà người đời sau vô cùng thích thú với Hồng lâu mộng, đến mức : Khai đàm bất thuyết Hồng lâu mộng, Độc tận thi thư diệc uổng nhiên (mở miệng nói chuyện mà không nói Hồng lâu mộng thì đọc hết thi thư cũng vô ích). Bởi trong đó, bao nhiêu chi tiết được xâu chuỗi vào những biến cố của cốt truyện: truyền thuyết hư hư thực thực về hòn đá, và cây giáng châu (được coi là tiền kiếp của Bảo Ngọc và Đại Ngọc), những đoạn miêu tả phong cảnh, đồ vật, trang sức, quần áo, cách làm món ăn cầu kỳ cho thấy cuộc sống xa hoa tột đỉnh của hai phủ Vinh, Ninh, rồi đến những bài thơ, văn của nhân vật như là những lời ngầm tiên đoán về tương lai của nhiều nhân vật… Tất cả đã làm nên sức hấp dẫn lạ kỳ của thiên truyện đến từng chi tiết.

Thành phần xen qui định mô hình cấu trúc cốt truyện, làm xuất hiện những loại cốt truyện đặc biệt. Nếu tác phẩm mở rộng thành phần miêu tả các cảm xúc, cảm giác hay văn hoá, phong tục…sẽ tạo nên các dạng: truyện không có cốt truyện, truyện tâm lí, truyện phong tục, truyện lịch sử… Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh) là loại tiểu thuyết lịch sử – phong tục, bởi yếu tố miêu tả phong tục lấn át. Vì vậy, việc để cho thành phần xen mở rộng không giới hạn cũng là một yếu tố khiến cấu trúc tác phẩm thay đổi. Linh Sơn (Cao Hành Kiện) là tiểu thuyết không có đường dây cốt truyện, mà dựa vào thế giới bên trong của tác giả với những ấn tượng, cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng.

Thành phần xen còn quy định tổ chức cấu trúc của văn bản tự sự, tạo nên những chất lượng nghệ thuật khác nhau. Có những tác phẩm văn học có chung một cốt truyện, nhưng chính thành phần xen này làm nên sự khác biệt giữa chúng. Rômêô và Giuliét, Đôngkisôt-chàng dũng sĩ mặt buồn xứ Măngsơ, Truyện Kiều so với những truyện đã lưu truyền là những thí dụ.

Như vậy, thành phần xen không chỉ dẫn dắt, giải thích cốt truyện, làm nên bề dày và chiều sâu cho các sự kiện, chi tiết, làm dung lượng đời sống đã được tăng một cách đáng kể, mà còn làm nên sự độc đáo của tác phẩm.

2. Sự đại kiến tạo còn được tạo bởi sự chồng chất các kết cấu lồng ghép. Kết cấu lồng ghép chính là một phương thức đan cài các thành phần xen vào cốt truyện. Lồng ghép dễ nhận thấy nhất là lồng ghép các cốt truyện, các môtíp, các bình diện của đời sống, lồng ghép các hệ thống nhân vật, lồng ghép huyền thoại và hiện thực, dã sử và lịch sử, phong tục và cá nhân, lịch sử và cá nhân… Ma Văn Kháng từng nói: “Tôi thích sự vật nên có cái bóng, cái khúc xạ của nó, tôi nghĩ …có thể nhờ vậy, mà hình tượng văn học có thêm cái bảng lảng, nhoè mờ, cái chiều sâu gợi mở mĩ cảm của nó. Thông thường, một cốt truyện, một hình ảnh, nhân vật đến cùng với cái bóng của nó, khi tôi dự định viết một cuốn sách, để hình thành một cái mà tôi tạm gọi là kết cấu kép. Trong những sách tôi viết, thường có cái lộ diện đi song song với cái thấp thoáng như hai bình diện nghệ thuật bổ sung cho nhau, khi thì là cuộc sống hiện thực gay gắt và một huyền thoại lấp ló sau nó. Khi thì là những biến động trong đời sống con người và sự vận chuyển của thời gian và tự nhiên. Khi thì là những ngày đang sống đây và bóng dáng những câu chuyện cổ xưa” [11].

Lồng ghép các thể loại cũng là một kiểu cấu trúc các thành phần xen. Theo Carlos Fuentes, truyện Đôngkisốt, tác phẩm được coi là hay nhất mọi thời đại, trong đó luôn có sự đối thoại của các thể loại. Các thể loại có sự gặp gỡ trong kết cấu không gian mở của truyện. ở đây có thể loại giang hồ (Săngso Pansa), bắt tay với thể loại hùng tráng (Đôngkisốt). Tính đơn tuyến của câu chuyện bị phá vỡ, đưa vào thế quay nhanh, đảo ngược bằng truyện trong truyện. Kiểu như trong truyện Một nghìn lẻ đêm, chen ngang tiểu thuyết luyến ái cung đình và những mạch truyện Hồi giáo và truyện đông phương Byzantine đan xen vào một tấm thảm tiểu thuyết[12].

Sự đại kiến tạo còn được tạo bởi những trường thẩm mỹ chồng chéo trong tác phẩm lớn. Đó là việc kết hợp đủ các phương diện của cái bi hài, cái cao cả, tầm thường…Thành phần xen chính là thành phần tạo không khí của truyện, với các cung bậc sắc điệu thẩm mỹ của nó. Các phong cảnh khắc nghiệt, dữ dội trong Đồi gió hú (S. Brônti) làm nền cho những câu chuyện kì quái, ghê sợ. Trong Đàn hương hình của Mạc Ngôn, điệu Miêu xoang độc đáo đã làm cho tác phẩm trở thành một tác phẩm đầy âm thanh. Nếu như có người nói, truyện ngắn là độc tấu (Paul Bourget) [13] thì tiểu thuyết là giao hưởng, chính bởi sự đa dạng thẩm mĩ này.

3. Việc dựng lại môi trường, không khí thời đại và không gian văn hoá bề thế và rộng lớn trong tiểu thuyết do chính thành phần xen đảm nhiệm.

Trong tác phẩm Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh) tràn đầy không khí của một đời sống phồn thực nguyên thủy bản địa đầu thế kỉ 20, bất chấp sự bạo tàn của hoàn cảnh: bị chiếm đóng, giết chóc, khổ sai, dịch bệnh và đói nghèo. Tất cả được dựng lại trong một không gian văn hóa tâm linh gắn với tục thờ Mẫu của người Việt. Mà thực sự đời sống đó, từ rất lâu đã bị lãng quên trong văn học Việt Nam. Đúng như Carlos Fuentes đã nói, tiểu thuyết bảo chúng ta rằng, nghệ thuật phục hồi đời sống trong chúng ta vốn bị làm ngơ vì sự hối hả của lịch sử. Văn học làm hoá thật những gì lịch sử đã bỏ quên [14].

Đối với thể loại tiểu thuyết, một thể loại, nói như Mạc Ngôn, là một thể văn đồ sộ, cực kỳ phong phú, với một khung cảnh lớn, ở đây có cả cừu non, chim chóc, sư tử cùng cá sấu. Nghĩa là có cả một thế giới sinh tồn của các loại người khác nhau trong một sự cạnh tranh quyết liệt. Do đó, tiểu thuyết đưa ra rất nhiều con người, nhiều vấn đề nhân sinh, cho nên rất cần một vùng mờ ảo với một không gian, thời gian rộng lớn để tác giả thi thố tài hoa. Đối với người này thì đó là những độc thoại nội tâm, đối với người kia là sự tả cảnh, đối với người khác là việc miêu tả phong tục, đối với người nọ lại là những hiểu biết về địa lí, lịch sử, văn hóa (những đoạn tả cảnh của Nguyễn Du, miêu tả cống ngầm Paris, nhà thờ Đức Bà của V. Huygô, độc thoại nội tâm của Hêminhuê…). Chả thế mà Ăngghen đã nói rằng, tiểu thuyết của Bandắc bằng bao nhiêu sách vở của các nhà thống kê, kinh tế, địa lí, lịch sử cộng lại đó sao. Có người nói, để giới thiệu một nền âm nhạc nào đó, người ta sẽ giới thiệu những tác phẩm giao hưởng lớn, còn giới thiệu một nền văn học, người ta sẽ giới thiệu những nhà tiểu thuyết. Bởi lẽ, tiểu thuyết là thể loại trình bày được rõ nét nhất không khí thời đại, văn hóa, lịch sử của cả một dân tộc.

4. Thành phần xen còn giúp cho nhân vật trở nên trọn vẹn, đầy đặn, mang dáng dấp của một sinh mệnh sống thực sự và có tính quá trình, có sự vận động và phát triển, nói cách khác, có lịch sử cuộc đời. Những đoạn về lai lịch nhân vật, hay miêu tả ngoại hình, thói quen, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói, thế giới nội tâm, đặc biệt là những nhận xét, đánh giá, cái nhìn của nhân vật về thế giới xung quanh…Tất cả những nội dung ấy đã cụ thể hoá chân dung, tính cách con người, làm cho nhân vật có một đời sống thực sự mang tính quá trình, thông qua chiều sâu tâm lí nhân vật.

Bên cạnh đó còn có sự cảm nhận về số phận của chính tác giả với tư cách là người chứng kiến, người kể chuyện. Từ đó mới dẫn đến độ sâu và sức mạnh của nội tâm người kể chuyện, mới bộc lộ được những tình cảm sâu sắc, lớn lao, những sức mạnh có tầm vóc “dòng suối lớn, rặng núi cao, cảnh tượng lớn”.

Thế giới nội tâm nhân vật thường được đặt điểm nhìn vào bên trong, cho nên nhân vật nói bằng ngôn ngữ của mình. Điều đó cho thấy sự đa dạng của các lời nói trong tác phẩm. Bakhtin cũng từng nói, nếu như tác giả chỉ viết bằng ngôn ngữ của mình mà không biết phối khí (tức dùng ngôn ngữ của nhiều nhân vật), thì tác phẩm đó chỉ mang hình thức của tiểu thuyết chứ không phải là tiểu thuyết thật sự.

5. Nhịp kể chậm của tiểu thuyết do thành phần xen tạo nên. Thành phần xen còn đóng vai trò thể hiện sự tự do trong trần thuật. Ngay trong lúc kể chuyện, nhà văn có thể tạt ngang, rẽ hướng, xen vào những lời bình luận, câu triết lí, lời giới thiệu, miêu tả…. Nghệ thuật này cho phép sự bỏ ngỏ tính tuần tự của cốt truyện. Theo R. Barthes, những thành phần xúc tác này có thể làm tăng, giảm tốc, kéo lui trở lại, tóm tắt hay tiên liệu diễn tiến cốt truyện, đôi khi còn đánh lạc hướng sự chờ đợi của độc giả [15]. Điều này làm cho tiểu thuyết là một thể loại đủng đỉnh (José Gortega Y. Gasset) [16].

Khi phối hợp luân phiên các sự kiện trong cốt truyện, có sự đan xen giữa các thành phần động và tĩnh, sẽ tạo nên nhịp điệu trần thuật lúc nhanh lúc chậm trong tác phẩm, phù hợp với một nhịp đi về cơ bản là chậm rãi, khoan thai, trang trọng, trầm tĩnh, như một bức điêu khắc nổi, của thể loại tiểu thuyết.

***

Tóm lại, với những yếu tố của thành phần xen, thể loại tiểu thuyết đã được mở rộng khả năng tự sự, nới rộng cốt truyện, tạo ra những kết cấu lồng ghép, làm thay đổi mô hình cấu trúc cốt truyện, bên cạnh đó là việc làm cho bức tranh đời sống rộng lớn với môi trường, thời đại, phong tục, lịch sử, văn hóa và con người hiện lên một cách đầy đặn, sống động, mang đầy sinh khí. Như một sinh thể sống thực sự !

Nguồn: leluuoanh.wordpress.com

(in trong Tự sự học, một số vấn đề lý luận và lịch sử, phần 2, Nxb ĐHSP, HN, 2008)

_______

Chú thích

1. 10. Mạc Ngôn, Bảo vệ sự tôn nghiêm của tiểu thuyết, Báo Văn nghệ, số 43/ 2006

2. S. Onega, J.A.G.Landa, Narratology: An Indotruction, Longman, London and New York, 1996

3. I.U. Lốtman, Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Nxb ĐHQGHN, HN, 2004

4. G.N. Pôxpêlốp, Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, HN, 1985, tr.67-87

5. Trần Đình Sử, Lí luận văn học ĐHSP, T2, Nxb Giáo dục, HN, 1987; Lí luận văn học CĐSP, Nxb ĐHSP, HN, 2006.

6. 7. 15. R.Barthes, Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1/2003, HN

8. 11. Ma Văn Kháng, Mấy suy nghĩ về tiểu thuyết, Báo nhân dân, theo www. giao điểm.com/vanhoc/tiểu thuyết-vn.

9. M. Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết, Nxb Văn hóa thông tin, HN, 2001, tr.77-80

12. 14. Carlos Fuentes, nhà văn Mêxicô, Phát biểu tại Lễ hội văn học quốc tế Berlin lần thứ 5, 6-17/9/2005 – www. talawas.de 3/9/2007

13. Paul Bourget, nhà văn, nhà phê bình Pháp – theo Đào Duy Hiệp, Độ dài và cấu trúc tiểu thuyết, http://www.evan. 19/8/2005

16. José Gortega Y. Gasset, nhà tiểu thuyết lớn Tây ban nha – theo Ma Văn Kháng, bài đã dẫn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020