Lý luận văn học

Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca – một đóng góp mới về thi học Việt Nam


15-10-2020
Tác giả: GS.TS Trần Đình Sử

(Đọc công trình nghiên cứu mới của GS. TSKH Nguyễn Quang Hồng và TS. Phan Diễm Phương, Nxb Đại học Quốc gia, 2017)

Thơ ca Việt Nam có truyền thống lâu đời và lời bàn về thơ đã có từ xưa (xem Từ trong di sản, 1981), sách vở nghiên cứu về thơ Việt Nam kể từ đầu thế kỉ XX cũng có không ít.  Song lí thuyết về thi học trên bình diện ngữ âm,  thì có thể nói đây là công trình đầu tiên, bởi các nhà làm sách trước đây phần nhiều mô tả thi luật theo kinh nghiệm truyền thống. Chẳng hạn như sách Khảo luận về thơ của Lam Giang (1957, 1994), Thi pháp thơ Đường của Quách Tấn (1997), v.v.  GS. TSKH Nguyễn Quang Hồng trước hết là một chuyên gia hàng đầu về loại hình học ngữ âm và ngữ âm học tiếng Việt (xem : Âm tiết và Loại hình ngôn ngữ, 1994 / 2002 / 2012). Ông muốn nhìn từ cơ chế đơn tiết (monosyllabism) của ngữ âm tiếng Việt kết hợp với những tri thức cần thiết về lý luận văn học và văn học sử Việt Nam để xây dựng một lí thuyết về thi học, mà trọng tâm là thi luật học Việt Nam, đồng thời kết hợp giải quyết một số vấn đề của thi loại học và thi thẩm học. Đây là chuyên luận được tác giả ấp ủ và thực hành giảng dạy đúng 40 năm nay, bây giờ mới có điều kiện viết thành sách. Với định hướng như trên, chuyên luận chia thành 3 phần: (1) Ngôn từ thi ca Việt : Những góc nhìn cần thiết (3 chương đầu), trình bày những lí thuyết cơ sở của chuyên luận. (2) Ngôn từ thi ca Việt: Những thể thức cơ bản (gồm 7 chương) trình bày thi luật học thi ca tiếng Việt thông qua mô tả chi tiết âm luật của các thể thơ chính. (3) Ngôn từ thi ca Việt : Những khía cạnh mỹ cảm (3 chương cuối) là phần nghiêng về “thi thẩm học”, trình bày lý thuyết và phân tích cụ thể về những khía cạnh mỹ cảm của âm điệu thi ca tiếng Việt .

Phần “thi luật học” mở đầu bằng một chương nói về biểu thức ngữ âm trong tục ngữ Việt. Tục ngữ là một thể loại ngôn từ thi ca, chứ không phải là một thể thức thi ca, song được khảo sát kỹ về cơ chế liên kết ngữ âm và qua đó có thể nhận thấy được các nhân tố cơ bản (vần điệu và đăng đối) tạo nên âm luật của các thể thơ tiếng Việt. Chương pháp thi ca là một chương hoàn toàn mới, viết về sự vận dụng âm luật thi ca Việt để tạo nên những bài thơ cụ thể, chủ yếu là phép biến cách và phá cách cùng phép phối xen các thể thơ. Chương pháp trong thi học Trung Hoa là chỉ tổ chức bài thơ, nó phân biệt với tự pháp, cú pháp của thơ. Ở đây tác giả hiểu một cách bao quát, trỏ việc vận dụng những thể thức thi ca một cách đơn nhất hoặc lâm thời, phối xen với nhau hoặc bỏ qua thể thơ,  trực tiếp lựa chọn những cấu trúc nhịp điệu thích hợp,  để tạo tác nên một tác phẩm thi ca cụ thể. Chương pháp đơn thể bao gồm biến cách, sử dụng phá cách, chương pháp phối thể sử dụng nhiều thể thức phối xen. Chương pháp cũng có thể được xem xét với thể loại (như ca dao) hoặc trong so sánh thi pháp tác phẩm, thi pháp tác giả. Quan niệm này phù hợp với thơ hiện đại. Cũng hoàn toàn mới mẻ là các chương viết về thể thơ Hát nói, Tám tiếng, Đường luật Việt ngữ. Còn lại, tuy một số thể thức đã viết trước đây như Lục bát và Song thất lục bát (xem sách của Phan Diễm Phương: Lục bát và song thất lục bát, 1998), song đã được tác giả bổ sung các bằng chứng và phân tích kĩ lưỡng về các mặt nguồn gốc, sự phát sinh lịch sử, thể thức (kể cả thường thể với biến cách và phá cách), và sức sống của mỗi thể thức. Tất cả các chương ở phần này đều được tác giả viết với một phong cách nghiên cứu nhuần nhuyễn, công phu và có nhiều điểm mới mẻ, so với các công trình cùng loại thì chúng vẫn tỏ ra hơn hẳn về nhiều phương diện.

Tuy vậy, điều hấp dẫn hơn cả là lí thuyết thi ca, được thuyết trình chủ yếu ở Phần (1) và Phần (2) gồm 3 chương đầu và 3 chương cuối. Tác giả bắt đầu chuyên luận với vấn đề “chức năng thi ca” của ngôn từ mà nhà ngữ học Mĩ gốc Nga Roman Jakobson đã nêu từ  năm 1958. Nhưng tác giả biết cách diễn giải để làm mới và dễ hiểu đối với độc giả Việt Nam. Vạch ra mô hình giao tiếp 6 thành phần gồm người gửi, người nhận, thông điệp, bối cảnh, tiếp xúc, tín mã, nhà lí luận nêu ra chức năng thi ca của thông điệp (ngôn từ) như sau: “Chức năng thi ca đem nguyên tắc tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp” và “vấn đề cơ bản của thi ca là sự song hành (parallelism)”. Từ đó tác giả chuyên luận rút ra “ngôn từ thi ca luôn đề lên hàng đầu sự chia cắt ngôn từ thành các về tương đương và ở từng vị trí  trên các vế ấy người ta  thực hiện sự lựa chọn  những gì đồng nhất hoặc khác biệt, tạo nên sự láy lại hoặc đối lại  giữa các vế tương đương”. Đó là cơ sở lí thuyết của toàn chuyên luận. Thơ ca phải kiến tạo thành các vế tương đương, ngữ âm trong các vế có chức năng liên kết và chức năng gợi tả. Đây là hai chức năng cơ bản nhất, được Nguyễn Quang Hồng đề xuất làm cơ sở để xử lí các vấn đề khác trên phương diện âm thanh của thơ ca. Ở đây có vấn đề “ý nghĩa ngữ âm” của ngôn từ thi ca trong chức năng gợi tả. Thi ca dân tộc nào cũng phụ thuộc vào hệ thống ngữ âm của tiếng nói dân tộc đó và cả phương pháp mô tả hệ ngữ âm ấy. Tác giả đã cho thấy sự khác biệt thi ca âm tiết và thi ca âm vị, chức năng liên kết của nhịp và vần, chức năng gợi tả của âm tiết và các yếu tố trong âm tiết, đặc trưng điệu tính của ngôn ngữ tiếng Việt có tính đơn lập và âm tiết tính, có thanh điệu. Tác giả đã nêu nhiều ví dụ thú vị và thuyết phục để người đọc làm quen với các vấn đề có vẻ khô khan đó. Ông cho thấy những ai phân tích âm điệu thơ Việt theo lối Tây, nghĩa là lối âm vị, chỉ thấy các nguyên âm, phụ âm, mà không thấy âm tiết, thì không tránh khỏi những nhầm lẫn tai hại. Ngay bậc thầy thẩm âm thi ca như Xuân Diệu cũng có khi lầm. Trong chương 3 tác giả phân biệt thể loại và thể thức thơ, đồng thời liệt kê ra các thể thức thơ tiếng Việt. Các thể thơ quen thuộc được phân tích chuyên sâu. Và các thể loại thơ ca tiếng Việt được hình dung hoàn toàn khác với tập quán truyền thống. Phạm vi thể thức bao gồm các thể thơ “đếm tiếng” như hai tiếng, ba tiếng, bốn tiếng, năm tiếng, sáu tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, lục bát, song thất lục bát, các thể thức phối xen, các thể thức hiện đại như thơ tân hình thức, thơ không vần, thơ tự do đều được đề cập. Phạm vi thể loại thi ca ở đây được quan niệm rộng hơn nhiều phạm vi của thơ ca chính hiệu, nó bao gồm cả tục ngữ, ca dao, vè, chèo, câu đối, phú, văn biền ngẫu, thơ diễn ca, thơ tuyên truyền, quảng cáo… đều thuộc phạm vi ngôn từ thi ca. Điều này mới nghe ắt hẳn bạn đọc có vẻ ngỡ ngàng, nhất là những ai quen đối lập thơ ca với vè, với văn biền ngẫu, cho là sĩ nhục thơ chính hiệu. Nhưng ở tất cả thể loại có nguyên tắc tổ chức nội dung và có phạm vi hành chức khác nhau, các thể thức thơ ca đều có khả năng đem đến cho chúng một vẻ đẹp của ngôn ngữ, thể hiện trước hết ở chức năng liên kết ngữ âm trong ngôn từ.  Đây là một quan điểm đúng và mới mẻ. Hiểu điều này mới thấy ngày nay chất văn, chất thơ thấm đượm trong nhiều lĩnh vực hoạt động giao tiếp. Tất nhiên thơ chính hiệu sẽ có các thuộc tính khác nữa xét về nội dung và hình thức của chúng.

Chương về tiết tấu và nhịp điệu, khắc phục tình trạng còn mù mờ chưa phân biệt về khái niệm trong nhiều tài liệu, tác giả đưa ra định nghĩa về hai khái niệm đó, thấy trước ranh giới mong manh, nhưng vẫn có dấu hiệu khu biệt. Nhịp điệu gắn với nhịp chẵn, nhịp lẻ, nhịp trắc, nhịp bằng… thiên về chức năng liên kết; tiết tấu là âm hưởng được tạo nên bởi sự biến chuyển của cấu trúc âm điệu của dòng thơ hay bài thơ, thiên về chức năng gợi tả. Chương sách đã phân tích với nhiều ví dụ sinh động nói về chức năng gợi tả của tiết tấu qua nhiều hiện tượng thơ. Về nhạc điệu, chuyên luận cũng có định nghĩa về khái niệm nhạc điệu như là sự hoà phối âm điệu tạo nên hình tượng âm nhạc của thơ, nâng cao khả năng gợi tả tình ý. Chương cuối cùng nêu các hình thức trình diễn ngôn từ thi ca Việt. Mặc dù hình thức trình diễn thi ca đã quen thuộc lắm, song đây là lần đầu có chương trình bày về vấn đề này với những lời bàn có tính lí thuyết, có ý nghĩa thực tiễn đối với nhà trường và sinh hoạt thi ca trong xã hội. Các hình thức được bàn gồm hình thức diễn đọc (đọc to và đọc diễn cẩm), hình thức diễn ngâm (ngâm lối truyền thống và ngâm lối cách tân), hình thức hát xướng (theo làn điệu dân ca hay theo hình thức phổ nhạc do nhạc sĩ thực hiện).

Tôi đánh giá cao công trình chuyên luận này ở giá trị lí thuyết và thực tiễn của nó. Tác giả có ý thức xây dựng một hệ thống thuật ngữ và khái niệm mới, chặt chẽ về thi học ngôn từ thi ca Việt Nam, làm giàu cho lí thuyết thi ca Việt Nam. Cả ba phần đều gắn bó trong một quan niệm nhất quán, gợi ra một bộ khung lí thuyết về thi luật và thưởng thức âm điệu, nhạc tính của thi ca Việt. Sự khu biệt chức năng lien kết với chức năng gợi tả, sự khu biệt thể thức thi ca và thể loại thi ca v.v. sẽ có ý nghĩa thực tiễn rõ rệt. Đặc biệt trong việc phê bình, phân tích thơ, cũng như giảng dạy học thơ trong nhà trường, hiện vẫn là một lĩnh vực phó cho sự cảm thụ chủ quan, thiếu một lí thuyết có hiệu lực. Công trình này sẽ có tác dụng bổ khuyết chỗ trống ấy và giúp các giáo viên các cấp có cơ sở để xử lí các hiện tượng âm điệu trong thơ. Nguyễn Quang Hồng và Phan Diễm Phương không chỉ là hai nhà nghiên cứu khoa học ngữ văn nghiêm túc, chuyên sâu, mà còn là những người rất nhạy bén với vẻ đẹp của thi ca, tinh tế trong thẩm định tiết tấu, nhạc điệu, vần điệu. Bên cạnh hệ thống lí luận chặt chẽ là các dẫn liệu được lựa chọn công phu, phân tích thấu đáo, do đó công trình đọc rất hấp dẫn và thú vị. Chuyện luận không chỉ là một đóng góp mới trong lĩnh vực lí thuyết thơ ca ở Việt Nam, mà còn có thể được sử dụng làm giáo trình về thơ ca Việt Nam để dạy chuyên đề cho sinh viên hoặc học viên cao học. Những sách này chúng ta vẫn đang rất thiếu.

Đánh giá rất cao chuyên luận, song tôi vẫn muốn tác giả bổ sung thêm ít điều dẫn giải để công trình thêm hoàn thiện. Khi diễn giải ý kiến của R. Jakobson về nguyên lý song hành và các cặp tương đương, thiết nghĩ, cần nhấn mạnh luôn vấn đề câu thơ (dòng thơ) với tư cách là đơn vị nhịp điệu của thơ. Nguyên lí song hành như là nguyên lí tạo thành nội dung thẩm mĩ của thơ cũng nên có thêm đôi lời. Những đề nghị này không làm giảm giá trị của chuyên luận. Tôi mong công trình sớm được nghiệm thu để công bố rộng rãi cho đông đảo bạn đọc trong nước.

Hà Nội,  ngày 5 tháng 4  năm 2017

TĐS

 Nguồn: trandinhsu.wordpress.com

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020