Lý luận văn học

GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM


15-10-2020
Tác giả: GS.TS. Trần Đình Sử

Khái niệm văn hoá ngày nay đã rất phổ biến, tuy vậy khi bàn về giá trị văn hoá của văn học thiết nghĩ cũng cần nhắc lại đôi nét về khái niệm văn hoá, bởi nó sẽ soi sáng giá trị văn hoá của văn học.

 

 

Về khái niệm giá trị văn hoá của văn học

Văn hoá

Khái niệm văn hoá ngày nay đã rất phổ biến, tuy vậy khi bàn về giá trị văn hoá của văn học thiết nghĩ cũng cần nhắc lại đôi nét về khái niệm văn hoá, bởi nó sẽ soi sáng giá trị văn hoá của văn học. Định nghĩa văn hoá đến nay đã có hàng trăm, các tác giả nổi tiếng của trường phái nhân văn như Dilthey, Casirrer, Arnold, T. Eliot…đến trường phái thực chứng như Taylor, Malinowski, Boas, Kroeber, Benedict, Durkheim…gần gủi nhau trong mấy nội hàm cơ bản sau đây. Văn hoá theo nghĩa rộng là tổng hoà mọi sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, trong đó thể hiện đời sống vật chất, tinh thần, các loại tư tưởng, phương thức tư duy, hình thức biểu đạt, mô hình hành động, thái độ ứng xử làm cho một cộng đồng dân tộc này phân biệt với các dân tộc khác; văn hoá thể hiện năng lực chế ngự thiên nhiên, phương thức tổ chức xã hội cùng chế độ điển chương dùng để phát triển nhân cách con người và phân chia hưởng thụ thành quả xã hội. Văn hoá nghĩa hẹp là quan niệm tư tưởng và quan niệm giá trị. Xét về cấu trúc thì văn hoá bao gồm tầng nền tảng là toàn bộ cơ sở vật chất, cái “tự nhiên thứ hai” của con người do con người sáng tạo ra bằng sức lao động. Tầng thứ hai là cung cách ăn ở, mặc, đi lại, nói năng, hôn thú, lễ nghi, phong tục. Tầng thứ ba gồm tư tưởng chính trị, tôn giáo, pháp luật, tổ chức nhà nước và tầng trên cùng, là các sáng tác văn học, nghệ thuật, triết học, biểu hiện tâm hồn, tài nghệ, sức sáng tạo của con người. Toàn bộ văn hoá thể hiện trong hệ thống kí hiệu, biểu tượng, ngôn ngữ của con người thấm nhuần ý thức về giá trị. Văn hoá không chỉ là cái phân biệt con người với con vật mà còn là cái tiêu biểu nhất cho một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Nhiều người định nghĩa văn hoá nhấn mạnh đến yếu tố sản xuất công cụ, ngôn ngữ, tư duy, vui chơi, bắt chước, kí ức…để phân biệt con người với con vật, nhưng Ch. Darwin đã chứng minh về các mặt ấy con người và con vật đều có cái chung, duy chỉ có ý thức về giá trị, định hướng giá trị trong cuộc sống là đặc điểm nổi bật nhất phân biệt con vật và con người.

Giá trị văn hoá

Dù cho đến nay có nhiều quan niệm về giá trị, như thế nào thì giá trị là phạm trù gắn liền với sự xuất hiện của con người ( tách khỏi động vật) và phát triển cùng đời sống con người như là một chủng loại có văn hoá. Tuân Tử nói: “Nước lửa có khí nhưng không có sinh, thảo mộc có sinh mà vô tri, cầm thú có tri mà vô lễ nghĩa. Con người có khí, có sinh, có tri, có lễ nghĩa đó là loài quý nhất.” Giá trị văn hoá về thực chất là sự khẳng định của con người đối với sự tồn tại vật chất, tinh thần của bản thân mình, quan hệ, trật tự của mình, hành vi, thái độ của mình, khích lệ con người sống và phát triển theo thang giá trị của mình. Dưới ánh sáng của giá trị con người thấy cuộc sống đáng quý và có ý nghĩa. Giá trị văn hoá thể hiện trong cách ứng xử của con người qua các quan hệ người với tự nhiện, người với cộng đồng xã hội, người với người khác, người với bản thân mình. Chân, giả, thiện, ác, đẹp, xấu, lành, dữ, cao quý, tầm thường, linh thiêng, phàm tục…chính là các giá trị thể hiện của con người trong các quan hệ ấy. Thiếu các giá trị văn hoá soi đường con người chẳng khác con vật.

 

Giá trị văn hoá không chỉ thể hiện ở hình thức kí hiệu, biểu tượng. E. Cassirer đã nói đến con người là động vật biết sử dụng kí hiệu, thể hiện từ trong thần thoại cho đến các hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ. Nhờ có ngôn ngữ, kí hiệu mà con người lưu giữ được kí ức, kinh nghiệm, có quan niệm thời gian, không gian, cộng đồng và nói chung, có kí ức, thế giới nội tại, tâm hồn….Kí hiệu một mặt là công cụ, phương tiện giúp con người lưu giữ, truyền đạt mọi thông tin, nhưng mặt khác, nó không phải chỉ là công cụ mà khi dùng xong, đạt mục đích người ta có thể vứt đi, ngược lại, nó chính là sự tồn tại của bản thân con người. Kí hiệu là chiếc cầu nối con người với thế giới, là hiểu biết, ý thức, tư duy của con người, nói như Heidegger là “ngôi nhà của hữu thể”. Không có kí hiệu thì không có khái niệm, không có tư duy, không có cả bản thân con người như là động vật có văn hoá nữa. Bản thân kí hiệu là phương diện quan trọng của giá trị văn hoá.

Giá trị văn hoá có tính nhân loại và đồng thời có tính khu vực, tính dân tộc, phụ thuộc vào điều kiện sinh hoạt. Văn hoá nào cũng phục vụ cho con người trong các nhu cầu ăn, uống, thở, bài tiết, giao cấu, mặc, ở, đi lại, giao tiếp, cưới xin, ma chay, sinh đẻ, chữa bệnh, sản xuất, tích trữ, tự vệ, chống thú dữ và kẻ thù, lưu giữ thông tin…Đó là nền tảng của tính nhân loại. Nhưng đồng thời con người thực hiện các nhu cầu trên theo những phương thức, phương tiện, nghi thức, chất liệu rất khác nhau lại làm nên tính khu vực và tính dân tộc.  Có thể nói địa vực nào văn hoá ấy.

Giá trị văn hoá tuy có ý nghĩa lâu dài nhưng vẫn là một phạm trù có tính lịch sử, không phải là vĩnh viễn. Theo sự phát triển của xã hội, có những giá trị văn hoá lỗi thời sẽ mất đi, có những giá trị mới phù hợp với tiến bộ nảy sinh. Khi một thời đại mới xuất hiện nảy sinh cuộc tái kiến tạo văn hoá mới, đấu tranh chống các giá trị văn hoá lỗi thời diễn ra. Có thể nói thời đại nào văn hoá ấy.

Giá trị văn hoá là cả một hệ thống được phân tầng. Có những giá trị văn hoá nằm ở tầng sâu, bền vững, lâu dài, như đạo lí, tín ngưỡng, phong tục, ngôn ngữ. Có những giá trị nằm ở bề mặt nhanh chóng đổi thay như thời trang, mốt.

    Giá trị văn hoá của văn học

Văn học là hình thái ý thức xã hội có chức năng kết tinh giá trị văn hóa tinh thần của con người. Xét theo nghĩa hẹp của văn hoá là sự thể hiện tư tưởng và giá trị thì văn học gần với triết học, là những hình thái ý thức xã hội thể hiện tư tưởng, lí tưởng, sự quan tâm đến giá trị tối cao, tốt ráo của con người. Xét theo đặc trưng thì văn học là sự thể hiện đời sống con người dưới hình thức hình tượng cụ thể cảm tính, sinh động, không lặp lại, không phải bằng khái niệm trừu tượng, làm cho ý nghĩa, giá trị văn hoá của văn học biểu hiện dưới hình thái tiềm tại, phụ thuộc vào sự cảm thụ, lí giải, cắt nghĩa của người đọc thì giá trị văn hoá của văn học sẽ có sự thay đổi theo thế hệ người đọc. Giá trị văn hoá của văn học thể hiện trong cả quá trình tồn tại của nó. Nhìn từ lịch trình cũng như quỹ đạo phát triển của văn hoá nhân loại, bản chất của văn học là sự đi tìm các tư tưởng và giá trị, văn học xưa nay chưa bao giờ khư khư giữ lấy một thước đo giá trị nào cả. Cho nên trong toàn bộ công cuộc xây dựng giá trị người văn học trước sau đều đảm nhận chức năng sinh thành, phán đoán, truyền bá, biến đổi, tiêu huỷ và đổi mới các giá trị văn hoá.

Giá trị văn hoá của văn học thể hiện ở việc phản ánh các hệ thống giá trị về con người, cuộc xung đột của các giá trị người nhằm khẳng định hệ thống giá trị người phù hợp với xu thế thời đại. Chức năng của văn học được phân hoá thành các phương diện cụ thể như chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ, chức năng giải trí, chức năng giao tiếp. Các chức năng trên có giá trị tổ chức đời sống xã hội và cá nhân, hình thành các quy phạm, các chuẩn mực của hành vi con người.

Giá trị nhận thức là giá trị khám phá chân lí, phát hiện sự thật, giá trị hoạt động cảm xúc, tình cảm, lí tính con người. Giá trị nhận thức chủ yếu thể hiện ở triết học, khoa học, nhưng văn học cũng có. Đối với văn học nghệ thuật giá trị nhận thức thể hiện ở nhận thức nhân sinh và xã hội, nhận thức quan hệ giữa người và người, người và tự nhiên, người với chính mình; nhận thức nhân sinh bao gồm từ phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ nghi, vũ khí, vật dụng, kĩ thuật chế tác, phương thức tư duy, tinh thần, tư tưởng, tình cảm, nghị lực, ý chí. Giá trị tình cảm là giá trị thẩm mĩ, thoả mãn, làm phong phú và mở rộng không gian đời sống tình cảm của con người, gắn liền với cảm xúc của cơ thể, những điều mà ngũ quan và toàn bộ thân thể cảm thấy. Giá trị quy phạm là các tư tưởng hướng dẫn hành vi con người trong các quan hệ người với người, người với thiên nhiên, người với bản thân nó. Giá trị quy phạm thể hiện ở chuẩn mực luân lí, đạo đức, cái thiện, cái đẹp. Con người sống giữa xã hội, thiên nhiên, chạy theo mục đích, lợi ích của mình thì cũng phải tính đến mục đích, lợi ích của cá nhân và tập thể khác, nghĩ đến mọi vật vô tri vô giác trên đời. Văn học có chức năng đi tìm các mối quan hệ đó, đề nghị những quy phạm hành vi cho một cuộc sống bền vững, lâu dài cho mọi người, chỉ ra những hạn chế, xác lập những tiêu chuẩn giữa thiện, ác, thị phi, nên và không nên, hợp lí và không hợp lí thể hiện trong các biểu hiện đa dạng, cụ thể nhất của dời sống con người.

Giá trị tổ chức là các tư tưởng gắn kết con người thành những cộng đồng bền chặt nhằm tự bảo vệ và phát triển.  Giá trị tổ chức của văn học thể hiện ở chỗ nó có sức mạnh tập hợp, kêu gọi mọi người liên kết nhau thành một khối, giúp cho họ hiểu nhau, đồng cảm nhau trong hành trình tiến hoá.

Các sáng tác cụ thể tuỳ lúc mà có thể thiên về chức năng này hoặc chức năng kia, làm cho giá trị văn hoá của văn học cũng thiên về từng phương diện. Văn học còn có chức năng đổi mới tư duy, thăm dò các hình thức mới, thể loại mới và khả năng biểu đạt mới cho văn học. Các tác phẩm tiền phong thường thực hiện chức năng này và có giá trị đổi mới văn hoá nghệ thuật của bản thân văn học.

Về hình thức nghệ thuật giá trị văn hoá thể hiện ở hình thức biểu hiện: ngôn ngữ, nghệ thuật, thẩm mĩ, loại hình, thể loại, tu từ. Văn học mỗi dân tộc có hệ thống thể loại văn học, hệ thống thi pháp, hệ thống biểu tượng đặc trưng. Đọc bất cứ tác phẩm văn học nào ta đều có thể nhận thấy giá trị văn hoá của nó thể hiện ở hai phương diện đó.

Với các giá trị trên văn học có giá trị sử dụng như là sản phẩm văn hoá. Giá trị ấy gắn liền với ngữ cảnh lịch sử, thời đại, xã hội. Một khi có giá trị sử dụng văn hoá trong ngữ cảnh thì nó sẽ có giá trị hàng hoá trong điều kiện kinh tế thị trường.

Khái niệm giá trị văn hoá tuy thống nhất với giá trị văn học, song xét về ngoại diên giá trị văn hoá rộng hơn giá trị văn học. Một tác phẩm giá trị văn học không cao vẫn có giá trị văn hoá về mặt này mặt khác. Không phải bất cứ sản phẩm nào được gọi là văn học cũng có giá trị đích thực của văn học. Khái niệm giá trị văn hoá rộng hơn, còn giá trị văn học hẹp hơn, chuyên biệt hơn, tuy nhiên phải có giá trị văn học cao thì ở đây mới nói đến chuyện giá trị văn hoá nhiều mặt của nó được. Chẳng hạn ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá dân tộc, nhưng phải là tác phẩm văn học xuất chúng thì phẩm chất của ngôn ngữ dân tộc mới được thể hiện đầy đủ và sáng tạo, khi đó mới nói đến giá trị văn hoá ngôn ngữ của nó. Giá trị văn hoá của văn học, ngoài giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ còn bao gồm các phương diện xã hội học, sử học, chính trị học, đạo đức học, triết học, tôn giáo, ngôn ngữ…Giá trị văn hoá của văn học biểu hiện qua lăng kính của văn học sẽ là vũ trụ quan, nhân sinh quan, lí tưởng xã hội, lí tưởng nhân sinh, lí tưởng thẩm mĩ, quan niệm về con người, về văn học, ngôn ngữ…

Giá trị văn hoá của văn học phải kết tinh thành giá trị văn học. Do đó giá trị văn hoá của văn học thể hiện trước hết ở các sáng tác của các nhà văn hàng đầu như Homere, Tolstoi, Hugo, Balzac, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lí Bạch, Nam Cao, Nguyên Hồng…Vì vậy đi tìm giá trị văn hoá của văn học trước hết tập trung vào các tác gia và tác phẩm có ý nghĩa kết tinh và ý nghĩa thời đại.

Thừa nhận vai trò sáng tạo của cá nhân thiên tài, xuất chúng dẫn đến một tính chất đặc thù của giá trị văn hoá trong văn học. Đó là tính chất hai mặt. Một mặt giá trị văn hoá trong văn học, cũng như trong sáng tác nghệ thuật (hội hoạ, âm nhạc…nói chung) có giá trị được nhìn nhận dưới góc độ cá tính tác giả, có giá trị nhìn nhận của xã hội. Các giá trị đó tiềm tại trong tác phẩm, đến một thời điểm nào đó, do ngữ cảnh xã hội, lịch sử mới được phát hiện ra. Có những tác phẩm mà giá trị đương thời chưa được xã hội thừa nhận hoặc bài xích, phải một thời gian sau nó mới được sáng tỏ, đón nhận, lúc đó giá trị tiềm ẩn mới chuyển hoá thành giá trị thực tế. Do đó nghiên cứu giá trị văn hoá của văn học bản thân là một hành động lịch sử, phản ánh quan điểm của thời điểm nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là nghiên cứu giá trị văn hoá của văn học hôm nay là thời điểm có ý nghĩa nhất, khi mà nhu cầu khám phá giá trị văn hoá đang đặt ra bức thiết nhất, vào thời điểm văn hoá dân tộc buộc phải cọ xát dữ dội nhất trong quá trình giao lưu rộng mở chưa từng có. Giá trị văn hoá xét trong bối cảnh lịch sử quá khứ và cả trong viễn cảnh tương lai của dân tộc và nhân loại.

Trên vấn đề giá trị văn hoá của văn học còn có mối quan hệ giữa giá trị văn hoá dân tộc và giá trị văn hoá quốc tế. Giá trị văn hoá dân tộc có nhiều lí do mà rất khác nhau, trong đó giá trị nào đi gần với nhu cầu giải phóng tính người, cảm quan người, lí tưởng có tính người thì càng có điều kiện được thế giới thừa nhận. Ví dụ hội hoạ về vẻ đẹp cơ thể được phương Tây tôn sùng, nhưng ở phương Đông có nơi lại bị cấm kị. Giá trị văn hoá dân tộc được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế, trở thành giá trị quốc tế. Song song với sự giao lưu, các giá trị văn hoá dân tộc dần dần trở thành giá trị văn hoá nhân loại. Sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế càng cho ta vững tin vào giá trị văn hoá dân tộc.

Giá trị văn hoá có mặt tương đối, mọi văn hoá đều bình đẳng trong tính độc đáo, không phân biệt cao thấp; nhưng mặt khác, so với tiến hoá, sự giải phóng con người, thoả mãn con người thì văn hoá có thể phân biệt trình độ cao thấp, có sự học hỏi lẫn nhau để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho con người. Giao lưu các giá trị văn hoá là phương diện không thể thiếu.

Văn học là sản phẩm của lịch sử, giá trị của văn học cũng là có tính lịch sử, vì thế phải xét trong bối cảnh lịch sử. Theo chúng tôi, về giá trị văn hoá của văn học chúng ta có thể chia ra giá trị của cả nền văn học, giá trị của thời kì văn học, của giai đoạn văn học, tác gia văn học và giá trị văn hoá của tác phẩm văn học kiệt xuất. Toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam, theo quan niệm phổ biến hiện nay, được chia làm hai thời kì lớn: Văn học trung đại (thế kỉ X – XIX) và văn học hiện đại (thể kỉ XX). Mỗi thời kì lại chia ra các giai đoạn nhỏ. Văn học trung đại Việt Nam, theo quan niệm phổ biến hiện nay là thời kì văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ thế kỉ XIX, được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn thế kỉ X – XIV, Giai đoạn thế kỉ XV – XVII, Giai đoạn thế kỉ XVIII,  Giai đoạn thế kỉ XIX. Thời kì văn học hiện đại chia ra làm hai giai đoạn lớn: đầu thế kỉ XX đến 1945 và từ 1945 đến nay. Mỗi giai đoạn này lại chia ra làm mấy giai đoạn nhỏ, như giai đoạn giao thời (1900 – 1930), giai đoạn tập đại thành !932 – 1945, giai đoạn văn học cách mạng (1945 – 1985), giai đoạn văn học thời kì Đổi mới (1986 – 2000). Trong giai đoạn văn học 1954 – 1975 còn có bộ phận văn học vùng chưa giải phóng và từ sau 1975 có văn học Việt Nam hải ngoại.

  1. Giá trị văn hoá của văn học Việt Nam

  2. Nhìn chung giá trị văn hóa của văn học Việt Nam.

  3. a) Là một bộ phận của văn hoá Việt Nam, văn học Việt Nam xét từ cội nguồn dân gian chắc chắn xuất hiện từ thời viễn cổ. Văn học viết đánh dấu sự xuất hiện văn hoá thành văn của người Việt Nam, lúc đầu là văn hoá chữ Hán, tiếp sau đó là văn hoá chữ Nôm, một văn tự dân tộc được tạo tác theo hình mẫu chữ ô vuông của chữ Hán, tồn tại dưới dạng song ngữ cho đến hết thời trung đại. Văn hoá nào ngôn ngữ ấy, do đó dưới hình thái chữ Hán, ngôn ngữ của dân tộc khác, dĩ nhiên giá trị văn hoá của văn học Việt Nam chưa được thể hiện trọn vẹn, mặc dù chữ Hán đọc theo âm Hán Việt là một đặc sản Việt Nam. Cảm giác thiếu hụt trong sự tự biểu hiện thúc đẩy việc sáng tạo chữ Nôm. Chữ Nôm là một giá trị văn tự đặc sắc, thể hiện sự ý thức ngữ âm tiếng Việt và năng lực cải biến một thứ chữ vốn của nước khác thành thứ chữ của mình. Nhưng dưới hình thái chữ ô vuông, tuy có phần phù hợp với tính đơn lập của ngữ âm Việt, nhưng mặt khác lại khẳng định sự lệ thuộc sâu sắc vào văn hoá Hán. Và do chữ Hán là phương tiện chính thống cho nên chữ Nôm không được quan tâm chuẩn hoá thành văn tự quốc gia. Mặc dù vậy sự hình thành chữ Nôm là một cuộc cách mạng của văn hoá Việt. mở ra chân trời mới cho văn hoá Việt. Từ cuối thế kỉ XIX, đặc biệt là từ đầu thế kỉ XX văn học Việt Nam chuyển sang hình thái chữ quốc ngữ, được chế tác theo hình mẫu chữ cái La tinh, bởi các cố đạo phương Tây và thầy dòng Việt Nam. Đó lại cũng là một cuộc cách mạng nữa làm cho văn hoá Việt Nam được phát triển độc lập hoàn toàn.

  4. b) Văn học Việt Nam đánh dấu sự phát triển cao, toàn diện, phong phú của ý thức của dân tộc và đời sống tinh thần của người Việt và gắn liền với đời sống lịch sử của người Việt. Trong điều kiện các nghệ thuật khác như âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc ít có điều kiện để phát triển quy mô hoành tráng như nhiều dân tộc láng giềng, thì có thể nói văn học Việt Nam là “đài kỉ niệm hoành tráng nhất” của văn hoá Việt Nam chạy dài suốt mười thế kỉ.

  5. c) Văn học Việt Nam có nội hàm rộng và biến đổi theo thời gian. Trong thời trung đại “văn học”, theo quan niệm của người đương thời, được gọi là “văn chương”. Khái niệm văn học, văn chương chưa phân hoá, “văn sử, triết bất phân”, đều chỉ chung toàn bộ sáng tạo văn hiến. Đây là đặc điểm của văn học Trung Quốc và cả văn học phương Tây, thể hiện ý thức có tính loại hình của nhân loại. Trong bài báo Công dụng của văn chương Phan Bội Châu hiểu văn chương bao gồm tất cả mọi tác phẩm bằng ngôn từ, như kinh bổn, triết lí, lịch sử, thi văn, từ phú…Các nhà khoa học ngày nay chia văn học trung đại thành các loại: văn học chức năng hành chính (cáo,chiếu, hịch, biểu, tấu, sớ…), văn học chức năng lễ nghi (văn tế, , trướng, kệ, văn bia…), văn học ghệ thuật (thi, phú, truyện truyền kì…). Cái chung của các loại văn học nói trên là nghệ thuật ngôn tù, ngôn từ trau chuốt, cho nên bài cáo, bài hịch, tờ biểu đều có tính nghệ thuật. Chỉ sang đầu thế kỉ XX hai chữ văn học mới có ý nghĩa hiện đại, tức là văn học nghệ thuật, sáng tạo hình tượng, tách ra, phân biệt với lịch sử, hành chính, chính luận. Tuy vậy, xét qua các công trình như Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, thì nội dung hai chữ “văn học”, “văn” cũng hãy còn rất rộng, bao gồm cả sử, triết, kinh sách, khảo cứu…Rồi sau này trong phong trào văn học cách mạng, văn học bao gồm cả những tác phẩm tuyên truyền nữa. Dù như vậy, “văn học” thời nào vẫn có cái lõi vững chắc là các tác phẩm văn học nghệ thuật.

  6. d) Với nội dung như thế văn chương là sự biểu hiện trình độ văn hoá tinh thần của một dân tộc cao hay thấp. Văn chương Việt Nam thời trung đại đã làm cho các bậc tiền bối của chúng ta tự hào khi so sánh với Trung Quốc. Điều Lệ ngôn trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn viết: “Nước Việt ta gây dựng văn minh không kém gì Trung Quốc. Lê Tiên Hoàng tiễn sứ Tống một bài từ của Lý Giác uyển chuyển đẹp tươi có thể vốc được…” Ngô Thì Nhậm trong bài Tựa sách Hoàng công thi tập nói thơ của Hoàng công “sánh vai cùng Khuất, Tống, ngang hàng với Trần Tạ”[1]. Chưa bàn đến sự chính xác của những đánh giá cụ thể, cũng thầy giá trị văn bản đều được xét trên bình diện văn hoá, lòng tự hào về văn hoá. Cho đến nay văn học Việt Nam đã được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế, có những tên tuổi lớn được vinh dự mang tên danh nhân văn hoá thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Nhiều tác gia văn học Việt Nam được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới, được tổ chức thành những tủ sách về Việt Nam như ở Nga thời xô viết.

  7. e) Văn học Việt Nam – nhịp cầu nối liền Việt Nam và thế giới. Trong lịch sử văn họcViệt Nam đóng vai trò sứ giả văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngày nay văn học chữ Hán Việt Nam là một bộ phận trong kho tàng văn học chữ Hán ở Đông Á, tác phẩm ưu tú của văn học chữ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh đã được dịch thành hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Văn học Việt Nam đã được dịch thành nhiều thứ tiếng trên thế giới, ví dụ như thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyến Đình Chiểu, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…

 

 2.Giá trị văn hoá của văn học Việt Nam thời trung đại

Thời trung đại Việt Nam, theo quan niệm phổ biến hiện nay là thời kì văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ thế kỉ XIX, được chia làm 4 giai đoạn như đã nói trên.

  1. Giai đoạn thế kỉ X – XIV
  2. Giai đoạn thế kỉ XV – XVII
  3. Giai đoạn thế kỉ XVIII
  4. Giai đoạn thế kỉ XIX

2.1.Giá trị văn hoá của văn học giai đoạn thế kỉ X – XIV.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử bi thương và anh hùng, văn hoá Việt Nam là văn hoá khẳng định tính độc lập tự chủ của dân tộc. Giai đoạn này ứng với thời đại Lý Trần, là giai đoạn hình thành, đặt nền móng phát triển cho toàn bộ văn học viết Việt Nam về sau, trước hết là văn học chữ Hán, tiếp đó là văn học chữ Nôm. Về chữ Hán, văn học Việt Nam lúc này đã có hầu hết các thể loại văn hành chính quan phương như chiếu, biểu, hịch, luận, di chúc, lộ bố, các thể loại tự sự như sử ký, bình sử, truyện, chí, văn bia, minh, tựa, bạt, các thể văn thuyết lí phật giáo như (Khoá hư ) lục, phổ thuyết (sắc thân), luận, văn, ngữ lục, hành trạng, kệ, thực lục, chích quái lục, các thể loại từ , phú, thi (thơ), ca, sấm kí. Người Việt tiếp thu các thể loại Hán một lúc cùng với chữ Hán, với hệ thông tu từ học vốn có của chữ Hán, cùng với các điển cố có trong sử sách Hán. Chữ Hán gắn với văn hoá Hán, và việc tiếp nhận ngôn ngữ và thể loại Hán gắn với văn hoá, lịch sử, triết học Hán. Điều đó có lợi cho nhu cầu quản lí quốc gia buổi đầu để thống nhất chủ trương, pháp luật… Nhưng điều đó cũng trở ngại cho sự hình thành và phát triển của văn hoá Việt, một mặt, nó đóng khung trong một lớp người biết chữ Hán, không phải phổ biến trong toàn dân, mặt khác nó trở ngại cho việc thể hiện tâm tình và tư tưởng Việt. Do đó sự tạo lập chữ Nôm, thứ chữ ghi âm tiếng Việt là một điều tất yếu không thể tránh khỏi. Chữ Nôm hình thành sớm nhất được tìm thấy qua văn bản Nôm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Di văn chùa Dâu) vào thời nhà Lý, thể kỉ XII, sang nhà Trần còn lưu lại mấy bài phú Nôm, như Cư trần lạc đạo phú của Trần Khâm vào cuối thế kỉ XIII, các chứng tích khác về chữ Nôm nghi đã bị quân xâm lược Trung Quốc tiêu huỷ hoặc đem về  lưu ở thư viện Cố cung. Việc xuất hiện văn Nôm từ khoảng thế kỉ XII đến giữa thế kỉ XV, lúc Nguyễn Trãi viết Quốc âm thi tập, chứng tỏ người Việt Nam bắt đầu sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc gần như đồng thời với các nền văn học Ý (Dante, thế kỉ XIII – XIV ), Anh (Chaucer, thể kỉ XIV), sớm hơn văn học Đức (với Opitz Martin, Grimmelhauzen, thế kỉ XVI – XVII).

Đây là giai đoạn văn học thể hiện sự trỗi dậy của ý thức dân tộc biểu hiện qua việc viết lịch sử dân tộc qua Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử lược (khuyết danh ), các sách Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục , Tổ gia thực lụcThiền uyển tập anh đều đều đặt nền tảng cho quốc sử và lịch sử phật giáo Việt Nam. Ngoài sử lí. còn có Dư địa chí, một thứ sách địa lí văn hoá lịch sử tổng hợp của Nguyễn Trãi. Giai đoạn này văn học Việt Nam chưa phát triển loại hình văn học hư cấu, chỉ chủ yếu là thực lục, sử học, mà đã ghi lại được biết bao chân dung nhân vật truyền thuyết và lịch sử Việt Nam để cho ta tự hào, chẳng hạn Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Nam Đế, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Hồ Quý Ly, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Biểu…Họ là biểu tượng của con người Đại Việt, tinh thần Đại Việt.  Các thiền sư Việt Nam cũng có một dòng phái truyền thừa qua nhiều đời, có tông phái riêng cũng đánh dấu một tinh thần độc lập tự cường cả trong lĩnh vực tôn giáo.

Một bài thơ khuyết danh Nam quốc sơn hà Nam Đế cư tương truyền của Lý Thường Kiệt, Bài Quốc Tộ của nhà sư Pháp Thuận, một bài Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, một bài hịch Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Hưng Đạo cùng các truyền thuyết trong Lĩnh Nam chích quái lục, Việt Điện U linh tập, các bộ lịch sử Đại Việt đã khắc hoạ khá hoàn chỉnh lịch sử và tinh thần, phong tục dân tộc Đại Việt. Đó là những áng văn đầu nguồn, ghi chép và đánh dấu sự tích hình thành của  văn hoá Đại Việt mà sẽ ảnh hưởng lâu dài với đời sau.

Khi nói tới giá trị văn hoá của văn học cần lưu ý tới giá trị của văn học viết, ghi lại bằng văn tự. Một khi các truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, SơnTinh thuỷ Tinh, Phù Đổng thiên vương, Mai An Tiêm, truyện trầu cau… có nguồn gốc dân gian đã được ghi bằng văn tự thì nó sẽ phát huy giá trị của sản phẩm bằng văn tự, tức giá trị của văn học. Nó cộng hưởng với văn học dân gian phát huy giá trị sùng bái anh hùng đánh giặc của Phù Đổng, văn hoá của Lạc Long Quân, Âu Cơ, đề cao vai trò thiên nhiên cao hơn ơn Vua thể hiện trong câu trả lời của An Tiêm vốn là lí do mà chàng bị đi đày và chàng đã đúng.

Giá trị văn hoá Phật giáo thể hiện trong văn học thiền phái thời Lí Trần  một mặt khẳng định trình độ tư duy lí tính trực giác rất cao trong nhận thức vũ trụ, nhân sinh; mặt khác khẳng định trung tâm Tây thiên, đối trọng với quan niệm Trung nguyên, Trung Hoa là trung tâm. Thơ văn Thiền gia còn mang lai không chỉ các thể loại văn học có giá trị như thơ kệ, kệ, truyền đăng lục, ngữ lục, công án, kể hạnh, văn thuyết lí, thực lục và đăc biệt mang lại cho người Việt lối tư duy trực giác trong thi văn, tạo thành một dòng thơ văn thiền mang bản sắc dân tộc. Tiêu biểu cho thơ thiền Việt Nam là thơ cuả Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Trần Tung, đạt đến phá chấp, vô uý, kết hợp xuất thế và nhập thế, vừa tu hành vừa vừa trị nước. Tư tưởng phật giáo, Thiền Tông đem lại lí tưởng sống từ bi, hỉ xả, vô uý, nhịp sống hoà cùng thiên nhiên, giúp con người an nhiên trước mọi biến đổi của xã hội, lịch sử và đời người.

Ảnh hưởng văn học Hán với nhu cầu quản lí quốc gia dã dẫn đến di thực hầu như toàn bộ các thể văn hành chính như chiếu, biểu, tấu, khải, hịch, luận, bi, minh, kí, tự, bạt, sử, bình sử, chích quái lục, mà một số trong số đó đã trở thành tác phẩm bất hủ như Dụ chư tì tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn, Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ những tác phẩm bất hủ trong kho tàng văn hiến dân tộc. Các thể loại phú, thơ ca gồm nhiều thể luật thi và cổ phong, từ…làm nên sự phong phú của thi ca.

Toàn bộ văn học thời lập quốc này đánh dấu sự lựa chọn văn hoá của người Việt trong bối cảnh chính trị xã hội đương thời. Đó là sự lựa chọn truyền thống văn học Hán mà phương hướng này còn ảnh hưởng lâu dài suốt cả thời trung đại và tiếp sau nữa. Với sự hình thành văn học chữ Hán chữ Nôm văn hoá Việt Nam nghiêng hẳn về phía văn hoá và văn học Hán, thuộc vùng văn hoá chữ Hán.

2.2. Giá trị văn hoá của văn học giai đoạn thế kỉ XV – XVII.

Giai đoạn văn học này ứng với ba thế kỉ với các sự kiện lớn: nhà Hồ cướp ngôi, quân Minh xâm lược, nhà Lê đại định, rồi suy tàn, nhà Mạc lên thay, đất nước chia làm Đàng trong, Đàng ngoài. Tiếp tục phát triển các giá trị văn hoá giai đoạn trước và sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hoá mới là đặc điểm tiêu biểu.

Cuộc kháng chiến chông quân Minh xâm lược, một đội quan tàn bạo bậc nhất mang tính chất diệt chủng về văn hoá lịch sử đã làm phát triển dòng văn học yêu nước, thể hiện sâu sắc ý thức dân tộc, chí khí anh hùng, tố cáo tội ác diệt chủng của giặc Minh, tư tưởng quân sự “công tâm”, dụ hàng quân giặc, ngợi ca chiến công của dân tộc như Quân trung từ mệnh tậpBình Ngô đại cáo  của Nguyễn Trãi,  thể hiện khí phách anh hùng của những người chẳng may ở vào tình thế  hiểm nghèo như thơ của Nguyễn Biểu, Đặng Dung. Hồ Nguyên Trừng, người bị giặc Minh bắt về Trung Quốc, biết được chính sách đốt sạch, huỷ sạch của nhà Minh, thân ở tha hương đã kể về những bậc hiền nhân đất Việt (Nam Giao) để gửi lòng yêu nước trong Nam ông mộng lục, nhắc đến đức độ của Trần Nghệ Tông, tính cách cứng cỏi của Văn Trinh Chu An, y đức của Phạm Bân…

Cùng với tư tưởng yêu nước là tư tưởng nho gia được Hồ Quý Li truyền bá và được tiếp tục với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông với lí tưởng vua sáng tôi hiền, vận dụng đức trị kết hợp với pháp trị. Hội Tao đàn của Lê Thánh Tông với nhị thập bát tú là biểu tượng của nền văn học nho gia đã trở thành nền văn học quan phương, không còn mang tính chất tự phát.

Sang thế kỉ XVI có thêm dòng văn học ẩn dật, nhàn tản, tự do tự tại, tiêu biểu là thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài ra còn có Phùng KhắcKhoan…

Văn học chữ Hán có giá trị mới là thể loại truyền kì qua tác phẩm thiên cổ kì bút Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ,  Thánh Tông di thảo phần lớn là sáng tác của Lê Thánh Tông có ý nghĩa trong vùng Đông Á. Bên cạnh đó là các thể kí, lục, phả làm giàu thêm thể loại tự sự trung đại.

Văn học Nôm nở rộ các thể loại mới là thể đường luật pha lục ngôn, thể lục bát, song thất lục bát, thể hát nói, truyện thơ, các bộ sử ca bằng lục bát, song thất lục bát, tiêu bểu như Thiên Nam ngữ lục dài trên 8000 câu, có các tác phẩm phú nôm với vốn từ vựng rất phong phú, các thể loại ngợi ca như vãn. Thơ đường luật pha lục ngôn là một cố gắng phá cách, đa dạng hoá nhịp điệu thơ. Các tập sử ca có vai trò như các sử thi muộn của dân tộc Việt.

Giá trị văn hoá nổi bất của thơ văn thời kì này phải kể về tác phẩm của Nguyễn Trãi, người được Unesco tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới. Văn chương Nguyễn Trãi kết tinh tư tưởng nho phật đạo vào lí tưởng sống yêu nước, trọng đạo đức, yêu chuộng hoà bình, yêu chuộng con người và thiên nhiên, giản dị mà phóng khoáng, thực tế mà mộng mơ. Khát vọng lớn của ông là dân giàu, nước mạnh, trong thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hờn, vẫn là một lí tưởng có tính vĩnh cữu.

Thơ văn trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một giá trị văn hoá lớn thể hiện ở thể thơ triết lí, giàu chất trí tuệ, thể hiện tư tưởng ghét chiến tranh, yêu hoà bình, yêu thiên nhiên, lí tưởng sống tự do tự tại, không ham danh lợi.

Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ đánh dấu sự xuất hiện văn xuôi tự sự nghệ thuật hư cấu Việt Nam đạt trình độ khu vực Đông Á, có giá trị nhân bản sâu sắc bên cạnh gía trị phê phán xã hội, thời cuộc mạnh mẽ.

Nhìn chung cả giai đoạn văn học thế kỉ XV – XVII có thể coi là tương đương với giai đoạn “văn học cổ điển” coi trọng các giá trị lí tính, đề cao đạo lí kinh điển có ý nghĩa cộng đồng. Giai đoạn này cuộc sống trần thế của con người chưa được các nhà văn tập trung thể hiện.

2.3. Giá trị văn hoá của văn học giai đoạn thế kỉ XVIII

Thế kỉ XVIII là thế kỉ nhà Lê suy tàn, nội chiến liên miên, đất nước chia cắt, nhân dân khốn khổ. Vua Quang Trung chớp nhoáng đánh thắng giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước nhưng thời gian ngắn ngủi, chưa kịp có tác động lớn đến toàn bộ đời sống văn hoá. Văn học thế kỉ XVIII nổi bật với tư tưởng nhân văn, lên án chiển tranh, phê phán cuộc sống xã xỉ của vua chúa, khẳng định quyền sống của con người, đặc biệt là cuộc sống trần thế.

Giá trị nổi bật của văn học thế kỉ XVIII là xuất hiện hàng loạt truyện Nôm dài hơi hữu danh và khuyết danh, khẳng định tình yêu đôi lứa, khát vọng hưởng hạnh phúc hoà bình, tiêu biểu là Truyện Song tinh, Truyện hoa tiên, Sơ Kính tân trang, Truyện Phan Trần, Nhị độ mai, Thạch Sanh, Phạm Tải Ngọc Hoa...dài từ 1000 dòng đến 3,4 nghìn dòng. Đồng thời xuất hiện thể loại ngâm khúc, một loại trường ca trữ tình dài hơi của người Việt, khoảng 600 – 1000 dòng, như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc, Ai tư vãn...biểu hiện niềm thương tiếc tuổi xuân, sắc đẹp, lên án đấng chí tôn bạc bẻo, lên án chiến tranh thù địch với hạnh phúc cá nhân, thương xót người anh hùng, thương thân goá bụa.

Các thể loại tự sự và trữ tình dài hơi là một giá trị văn hoá mới của văn học dân tộc, thể hiện năng lực chiếm lĩnh đời sống, xây dựng cốt truyền, sử dụng ngôn ngữ. Tiếng Việt đạt đến mức điêu luyện cổ điển, có thể nói là ngôn ngữ văn học nghệ thuật đích thực, làm khuôn mẫu cho đời sau. Truyện thơ và khúc ngâm thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX đều chỉ là mô phỏng các tác phẩm cổ điển thời kì này. Thể loại văn học mới đòi hỏi vận dụng và sáng tạo nhiều phép tu từ văn chương mới mà các thể loại văn học ngắn không đáp ứng được.

Thơ nôm của Phan Huy Ích, Phạm Thái, của các chúa Trịnh như Trịnh Sâm, Trịnh Doanh, đặc biệt là thơ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã đạt đến trình độ cổ điển.

Với sự xuất hiện của dòng văn học chữ Nôm gồm các thể loại thơ nôm đường luật, ngâm khúc và truyện Nôm văn học Việt Nam vừa phân hoá hai dòng văn học bình dân và bác học, và phần nào có sự kết hợp văn học bác học và văn học bình dân. Văn học bình dân này, nói theo thuật ngữ hôm nay chính là văn học đại chúng, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ, giải trí mua vui của đông đảo quần chúng. Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương chính là văn học bình dân, văn học đại chúng của thời đại, một phạm trù quan trong của văn học mà đời sau nhiều khi bỏ quên.

Tiểu thuyết chương hồi chữ Hán với Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Hoan châu kí (khuyết danh), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)…đánh dấu bước phát triển mới của tiểu thuyết văn xuôi chữ Hán với dung lượng lớn từ 8 hồi đến 17 hồi. Cùng với tiểu thuyết chương hồi, văn kí sự, tuỳ bút (vẫn thuộc loại ghi chép) đạt đến trình độ cổ điển như Thượng kinh kí sự  của Hải Thượng Lãn Ông, Vũ trung tuý bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án ( viết chung với Phạm Đình Hổ). Truyện truyền kì vẫn tiếp tục với Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm… Đặc sắc của tiểu thuyết chữ Hán là diễn nghĩa lịch sử theo truyền thống tiểu thuyết Trung Hoa nhưng quy mô nhỏ hơn, nhưng vì là tiểu thuyết nên đã xây dựng nhân vật với nhiều chi tiết cụ thể, điển hình có tính lịch sử, có sức hấp dẫn. Trong thể kí sự cũng thể hiện tài quan sát, tái hiện các chi tiết sự việc có tính lịch sử, điển hình mà không một cuốn lịch sử nào có thể ghi lại được.

Trong sự đa dạng của các hình thức văn học nói trên các hình thức văn học chữ Hán như tiểu thuyết chương hồi tuy là mới mẻ đối với Việt Nam vẫn  chưa vượt ra khỏi khuôn khổ Trung Quốc, song các thể loại ngâm khúc, hát nói, truyện Nôm đã trở thành những thể loại văn học dân tộc độc đáo thời trung đại. Tiểu thuyết Nam triều công nghiệp diễn chí thể hiện tư tưởng yêu hoà bình, chống nội chiến, huynh đệ tương tàn.

Giá trị văn hoá mới mẻ nhất của văn học Việt Nam thế kỉ XVIII là tinh thần nhân văn, khẳng định quyền sống, nhu cầu hưởng hạnh phúc của con người, tinh thần đấu tranh chống mọi áp bức, bất công, thái độ khoan dung đối với những thân phận bất hạnh, ý thức phê phán đối với các tư tưởng nho giáo đã lỗi thời, chống ngu trung, ngu hiếu trong quan hệ đối với phụ nữ. Những người khổ đau bất hạnh tìm thấy trong văn học tiếng nói đồng tình, tiếng kêu đồng cảm của tình người, tính người, Tinh thần này nhiều mặt đã vượt ra ngoài tính chất bảo thủ, thiếu nhân văn của ý thức hệ phong kiến. Chẳng hạn như việc coi tướng giặc Từ Hải là anh hùng, coi gái đĩ Thuý Kiều là bậc nữ lưu hào kiệt, văn tế thập loại chúng sinh chiêu hồn, thông cảm với tất cả mọi kiếp người đau khổ bất hạnh, coi thơ Hồ Xuân Hương là tiếng thơ lành mạnh, táo bạo… thể hiện tinh thần dân chủ, nhân đạo, vừa thương thân vừa thương người rất độc đáo trong tâm thức người Việt. Một tinh thần mới mẻ mà sau này nhà nho yêu nước Ngô Đức Kế đầu thế kỉ XX vẫn còn tiếp tục bài xích.

Giá trị văn hoá nổi bật thứ hai là sự giàu đẹp của tiếng Việt thể hiện qua các tác phẩm truyện Nôm và khúc ngâm, thơ đường luật. Lúc này chúng ta tuy vẫn chưa có văn xuôi tiếng Việt, nhưng qua các tuyệt tác thế kỉ XVIII ngôn ngữ thơ Việt đã thể hiện được phẩm chất giàu đẹp, uyển chuyển, có khả năng biểu đạt mọi cung bậc của tình cảm, cảm xúc của con người. Đó là phẩm chất văn hoá cao quý mà sau này đến đầu thế kỉ XX Phạm Quỳnh cùng hàng loạt trí thức Tây học, sau khi học văn học Tây, quay lại nhìn văn học dân tộc vẫn không hết bàng hoàng khâm phục, vững tin vào gia tài văn hoá dân tộc, đến nỗi Phạm Quỳnh đã thốt lên: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nhận thức chính trị ở đây có thể còn ngây thơ, song sự cảm phục rất chân thực và ý nghĩa về văn hoá là rất đúng đắn.

Thế kỉ XVIII còn có thêm những nhà biên khảo, lí luận, phê bình văn học lớn như Phan Huy Chú với thiên Nghệ văn chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, tập hợp ,phân loại các tác phẩm văn học Việt Nam cho đến lúc ấy. Lê Quý Đôn xuất hiện như là nhà bác học Việt Nam, đặc biệt với các công trình Vân Đài loại ngữ, Quần thư khảo biện đã để lại những giá trị lí luận văn học Việt Nam thời trung đại. Giai đoạn này còn có nhiều lời tựa, bạt thể hiện quan niệm sâu sắc về thi ca và văn chương nói chung.

2.4. Giá trị văn hoá của văn học Việt Nam thế kỉ XIX

Thế kỉ XIX là thế kỉ chứng kiến sự thống nhất quốc gia Việt Nam dướí triều nhà Nguyễn, một triều đại phong kiến suy thoái, nhưng đồng thời cũng là thế kỉ đau thương trong âm vang tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp và nước ta chính thức trở thành nước thuộc địa của Pháp sau hiệp ước Patenôtre 1884.

Tiếp tục mạch phát triển văn học từ thế kỉ XVIII, văn học thế kỉ XIX tiếp tục phát triển văn thơ chữ Hán (Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Miên Thẩm…), tiểu thuyết chữ Hán (Ngô Giáp Đậu vơi Hoàng Việt long hưng chí 34 hồi), các truyện truyền kì, kí (… các thể loại văn Nôm như ngâm khúc, hát nói, truyện Nôm, thơ đường luật… Thế kỉ XIX có nhiều hiện tượng văn học nỗi bật.

Một là hát nói của Nguyễn Công Trứ, người đã hoàn chỉnh và đạt đến trình độ cổ điển, mẫu mực của thể loại thơ hát nói. Thơ của ông thể hiện một nhân cách Việt Nam mạnh mẽ, ngang tàng, khí phách, vừa trung với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, vừa thể hiện ý thức cao độ về giá trị của cái tôi của mình. Ông là người có chí tiến thủ mạnh mẽ, tuy cũng thấy sự chật chội của trật tự phong kiến, nhưng luôn luôn có thái độ “ngất ngưởng” coi thường, tự làm chủ bản thân, biết hưởng thụ cuộc sống.

Hai là thơ văn của Cao Bá Quát, những tác phẩm thể hiện một nhân cách thanh cao, một tài thơ siêu việt có thể sánh với Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Thơ chữ Hán của ông thể hiện một phong cách tự do phóng khoáng, một bút lực mạnh mẽ, một tư tưởng thi ca tiến bộ, coi trọng cá tính của nhà thơ, thoát khỏi mọi sự bắt chước giản đơn thi ca Trung Quốc. Cao Bá Quát thể hiện  tâm hồn của một người trí thức khát khao tiến thủ, nhưng cũng là người thấy sâu sắc sự bế tắc, bi phẫn trước thực tại đen tối đương thời.

Ba là thơ ca của các ông hoàng nhà Nguyễn như Tùng Thiện vương Miên Thẩm và Tuy lí vương Miên Trinh, những nhà thơ được đương thời coi là văn hào, yêu kính đề cao trong câu nhận định “thơ đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”. Những ông Hoàng không còn cơ hội tham chính đã dồn hết tâm lực vào hoạt động văn chương, thể hiện lòng đồng cảm sâu sắc với sô phận của nhân dân, góp phần làm cho thơ chữ Hán thế kỉ XIX thêm dồi dào, nhưng dấu vết “thi giáo nho học ôn nhu đôn hậu” còn đậm, sự mô phỏng thơ Trung Quốc cũng còn dấu vết mà Cao Bá Quất từng biểu thị ít đồng tình..

Bốn là thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, ông Đồ mù đất Ba Tri đã mở đầu dòng thơ văn yêu nước Việt Nam chống Pháp thời cận đại và hiện đại với những tác phẩm bất hủ như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Công Định…Thơ Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của nhân dân. Dòng thơ này rất đông đảo, bao gồm thơ văn của Phan Văn Trị, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, …

Năm là thơ văn của Nguyễn Trường Tộ, người đã sớm nhận thức những tư tưởng tiến bộ của văn hoá phuơng Tây, viết nhiều bản điều trần chứa chan lòng yêu nước, tinh thần dân chủ, lo lắng cho tương lai nước nhà, tiêu biểu là Tế cấp bát điều bằng chữ Hán. Tác phẩm Nguyễn Trường Tộ khơi dòng văn chương có khuynh hướng dân chủ trong văn học cận đại Việt Nam.

Sáu là dòng thơ siêu thoát, hưởng lạc bao gồm ngoài Nguyễn Công Trứ còn có Dương Lâm, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh. Trong sự thối nát của xã hội, dặc biệt là trong thời buổi triều đình đầu hàng trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, sự thoát li có tính tiêu cực, song một mặt khác nó cũng chứng tỏ một cách quay lưng với thời cuộc, và tìm đến thú vui siêu thoát.

Bảy là thơ Nôm đường luật đạt đến đỉnh cao mới điêu luyện, tinh tế, cổ điển trong hình thức biểu hiện và ngôn ngữ. Đó là thơ của bà Huyện Thanh Quan, thơ, câu đối của Nguyến Khuyến, thơ Trần Tế Xương…Thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương là một hiện tượng lớn trong văn học cận đại Việt Nam. Thơ Nguyễn Khuyến, một vị khoa bảng nổi tiếng từ quan về làng thể hiện sự bất lực của trí thức nho học trước thời cuộc, làm thơ tự trào cho cái bảng vàng bia đá của mình, đồng thời bày tỏ tình cảm sâu nặng với những người dân làng quê, vui thú với cảnh sắc quê hương. Thơ Tú Xương là tiếng cười trào lộng cay chua đối với thực trạng xã hội nhố nhăng giá trị đảo lộn của làng nho và đô thị trong thời buổi Tây đặt ách thống trị và tự trào đối với số phận mình. Thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương phát triển văn hoá cười trong văn học viết Việt Nam bắt đầu từ Nguyễn Công Trứ với Hàn nho phong vị phú, Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc), khơi một dòng thơ trào phúng sau này với nhà thơ Tú Mỡ và nhiều nhà thơ khác.

Nền văn học trung đại Việt Nam tuy có nhiều thành tựu rực rỡ, có văn chương chữ Hán và chữ Nôm, song cũng có nhiều hạn chế. Một là nó chưa có văn xuôi tiếng Việt, thứ văn phản ánh cách nói năng và suy nghĩ thông thường hằng ngày của mọi người mà ai cũng hiểu. Khiếm khuyết đó chẳng những đã trói buộc rất nhiều khả năng biểu hiện tư tưởng của người Việt, mạt khác nó làm cho cái nhìn văn xuôi đối với đời sống không có cơ hội phát triển. Phải sang giai đoạn sau thiếu sót này mới được bù lấp. Thứ hai là thể thơ trữ tình đường luật bằng chữ Hán và chữ Nôm với các yêu cầu về thể thức của chúng cũng có những hạn chế rất lớn là cách luật cứng nhắc, gò bó, thiếu tự nhiên hơn nhiều so với ca dao, thơ lục bát và song thất lục bát. Thơ lục bát và song thất lục bát tuy tự do hơn đường luật, ngắt nhịp, gieo vần phong phú hơn đường luật, nhưng dù sao đó vẫn là thơ có cách luật, là thứ thơ hạn chế sự biểu hiện tự do, phong phú của tình cảm con người mà sau này phong trào thơ mới sẽ tập trung giải quyết.

  1. Giá trị văn hoá của văn học giai đoạn văn học 1900 – 1945

3.1. Giá trị văn hoá của văn học 10 năm đầu thế kỉ XX

Hai mươi năm đầu thế kỉ XX, sau thất bại của phong trào Cần vương, các sĩ phu phong kiến chuyển hướng sang tư tưởng yêu nước theo tinh thần dân chủ Nhật Bản và phương Tây trong các hoạt động Đông du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục. Các tên tuổi lừng lẫy trong lịch sử đầu thế kỉ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Đại, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đã sáng tác thể hiện lòng yêu nước với tinh thần dân chủ: “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Tuyên truyền chữ Quốc ngữ, cổ động nếp sống văn minh, tinh thần dân chủ, chấn hưng thực nghiệp là tinh thần thời đại. Sáng tác văn học của họ tuy về hình thức chưa có gì mới, vẫn là những hình thức truyền thống, nhưng hệ thống biểu tượng đã có nhiều cái mới góp phần quan trọng vào cuộc chuyển đổi văn hoá từ loại hình phong kiến sang loại hình dân chủ, thực dụng.

Song song với việc kết thúc cái học chữ Hán khoa cử, bắt đầu nhà trường Tây học, nhu cầu sách dịch truyện Tàu tràn lan trong xã hội. Một số tác giả như Trần Thiện Chung, Phạm Duy Tốn bắt đầu sáng tác truyện bằng thứ ngôn ngữ thông tục, dễ hiểu với độc giả bình dân.

Sự truyền bá chữ quốc ngữ có thể coi là cuộc cách mạng văn hoá to lớn của thời này, bởi nó đã thay thế chữ Hán, thứ tử ngữ của nước ngoài, và chữ Nôm, tuy mang hồn dân tộc, nhưng chưa chuẩn hoá và rất khó học, những thứ chữ chỉ có thể lưu hành trong một phạm vi dân cư nhỏ hẹp bằng một thứ chữ dễ học, dễ viết, ăn khớp với cách đọc và lời ăn tiếng nói cũng như nếp suy nghĩ trực tiếp của con người là một cuộc thay đổi lớn có tác dụng giải phóng tư duy cho người Việt. Ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng này càng về sau cang thấy rõ, nhơ chữ quốc ngữ mà sang thập kỉ sau, văn học Việt Nam phát triển mau lẹ, nhờ nó mà khoa học, phê bình, giáo dục được phát triển mau chóng, thuận lợi. Đương nhiên chữ quốc ngữ có phần xa cách với truyền thống văn tự chữ Hán và chữ Nôm của 10 thế kỉ, (có tiến bộ nào mà không phải có chút hy sinh?) nhưng bù lại với mẫu tự La tinh nó làm cho dân tộc gần gủi với phần đông thế giới còn lại, giải phóng cho tư duy Việ được phát triển trong bối cảnh văn hoá toàn thế giới.Về phương diện này đóng góp của các Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh là rất to lớn. Họ là những người đầu tiên  viết văn quốc ngữ, phiên âm tác phẩm Nôm ra quốc ngữ, là người sáng tácvăn học quốc ngữ, làm báo quốc ngữ, làm cho quốc ngữ được phổ biến rộng rãi trong đời sống.

3.2. Giá trị văn hoá của văn học giai đọn 1920 – 1930

Sau khi các cuộc cách mạng bị dìm trong bể máu tầng lớp trí thức mới bắt đầu chuyển trọng tâm vào sáng tác văn học biểu hiện cuộc đổi thay trong xã hội và tâm trạng cá nhân và thời thế, lòng yêu nước kín đáo như thơ văn Tản Đà, thơ văn Trần Tuấn Khải, thơ Đông Hồ, Tương Phố. Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật sáng tác những tác phẩm văn xuôi mới. Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính… chú trọng dịch thuật tác phẩm triết học, văn học phương Tây và Trung Quốc tạo thành một luồng văn học dịch ồ ạt đầu thế kỉ. Một số khác như Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trung Viên… sưu tầm, biên khảo, dịch thuật văn học nước nhà: dịch thuật tác phẩm chữ Hán ra chữ quốc ngữ, phiên âm tác phẩm Nôm ra chữ Quốc ngữ, soạn các hợp tập truyện cổ nước Nam, ca dao tục ngữ…. Hầu hết các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam đều được biên soạn, phiên âm, phiên dịch từ giai đoạn này cho mọi người lần đầu tiên thấy được cái vôn văn chương có giá trị của dân tộc.

Tản Đà, nhà thơ đầu tiên sống với cơ chế thị trường sáng tác đủ loại sách mà xã hội cần. Thơ ca và tiểu thuyết của ông thể hiện một tâm hồn lãng mạn, một cái tôi cá nhân bơ vơ, lạc lõng mà vẫn giữ cốt cách nhà nho vui với đời, tự tin vào hai chữ thiên lương, sống một cách có bản sắc độc đáo. Tản Đà cùng Trần Tuấn Khải sử dụng thể loại văn học truyền thống có tính tự do, ít gò bó để thể hiện những tình cảm mới, khởi đầu cho những tiếng thơ mới với ngôn ngữ điêu luyện mà sau này các nhà thơ mới sẽ cung chiêu anh hồn Tản Đà.

Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học sáng tác những truyện ngắn đầu tiên, tuy giọng điệu vẫn cũ. Hoàng Ngọc Phách mở đầu tiểu thuyết hiện đại với ngòi bút kể chuyện, phân tích tâm lí sắc sảo qua tác phẩm Tố Tâm. Tác phẩm thể hiện một mối tình lãng mạn bằng một nghệ thuật hoàn toàn mới.

Phạm Quỳnh với tạp chí Nam Phong với ba thứ tiếng: chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp, một mặt dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm triết học, văn học phương Tây, đăng tải cổ vũ văn xuôi qúc ngữ mới, thúc đẩy cho nó hình thành. Phạm Quỳnh cũng là người thể nghiệm lối phê bình văn học mới của Thái Tây, đồng thời cũng khẳng định các giá trị văn học cổ điển. Viêc ca tụng truyện Kiều có tác dụng nêu cao giá trị văn chương tiếng Việt khi mà trong giáo dục tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ chính thống. Ông đóng vai trò như một nhà cổ vũ văn hoá mới, mặc dù trong một mức độ nhất định ông còn tinh thần bảo thủ, dung hoà đông Tây.Nguyễn Văn Vĩnh mở ra trào lưu văn học dịch tiếng Pháp với các dịch phẩm tiếng Việt từ thơ thơ La Fontaine đến tiểu thuyết Victor Hugo. ông đem cả cuộc đời cồng hiến cho quốc ngữ. Ông cùng Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh được Vũ NGọc Phan gọi là những nhà văn tiên phong.

Phan Kế Bính người viết cuốn Việt Hán văn khảo, cuốn sách lí luận giới thiệu các thể văn chữ Hán và chữ Nôm đầu tiên bằng quốc ngữ.

 3.3. Giá trị văn hoá của văn giai đoạn 1930 – 1945

Đây là giai đoạn tập đại thành của công cuộc hiện đại hoá văn học.   Giá trị văn hoá nổi bật của văn học giai đoạn này là đã hoàn thành công cuộc chuyển đổi có tính cách mạng văn học. Từ đây ta đã có một nền văn học mới hoàn toàn về nội dung và hình thức, văn học cũ không còn tiếp tục sáng tác, không còn tình trạng nửa nọ nửa kia của giai đoạn giao thời. Từ đây ta có một nền văn học mới với hệ thống thể loại: thơ mới, tiểu thuyết mới, kịch nói, phê bình văn học, tiểu luận, phóng sự, bút kí, tản văn…

Sự xuất hiện gần như thần kì củ nền văn học hiện đại Việt Nam, theo chúng tôi là gắn kiền với sự phổ biến của chữ quốc ngữ, một thứ chữ hầu như là ghi rất sát âm đọc của tiếng Việt, dễ học, dễ viết. Nếu theo chữ Nôm, một thức chữ mà người ta chỉ có thể học được sau khi bắt buộc phải biết chữ Hán thì còn lâu mới có được một tầng lớp người đông đảo biết chữ Nôm, mà thiếu đội ngũ ấy thì, dù tiếng Pháp của họ có rất giỏi đi nữa, họ cũng khó mà biểu đạt tiếng Việt một cách tự do.

Nền văn học hiện đại là kết quả giao lưu văn hoá giữa tinh hoa văn học Việt Nam với văn hoá Pháp trong điều kiện thuộc địa, đánh dấu sự hội nhập văn học Việt Nam với thế giới, chấm dứt tình trạng phát triển biệt lạp. Tuy phát triển trong điều kiện thuộc địa, nhưng hầu hết thành quả văn học ưu tú thời kì này đều thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc, gắn bó với vận mệnh dân tộc.

Các truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự bất hủ của Nguyễn Công Hoan (truyện ngắn, Bước đường cùng), Ngô Tất Tố (Tắt đèn, Việc làng), Vũ Trọng Phụng (Số đỏ, Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Lục sì…), Nam Cao (Chí Phèo, Đời thừa, Lão Hạc, Sống mòn...), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ, Địa ngục, Lò lửa...) Nguyễn Đình Lạp (Ngoại ô) tập trung phơi bày thực trạng hiện thực đen tối, vô đạo, ngột ngạt chế độ sưu thuế và bất công, tàn bạo, các hiện tượng nhố nhăng, bịp bợn trong xã hội thuộc địa. Nổi bật trong các tiểu thuyết này là một quan niệm hiện đại về xã hội, sự áp bức bất công có tính giai cấp mà số phận con người chỉ có thể giải quyết bằng cách mạng xã hội. Hoàn toàn không còn quan niệm về số phận, định mệnh ngẫu nhiên xưa cũ.  Các tác phẩm này cũng khẳng định một phương pháp miêu tả cuộc sống mới mẻ được mệnh danh là phương pháp tả thực, dựa trên sự quan sát, ghi chép, lựa chọn và miêu tả chân thật như những điều trông thấy, khiến người đọc cảm thấy như đã được thấy ở đâu đó trong kinh nghiệm của mình.

Tác phẩm của Đỗ Đức Thu, Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Hiển, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh… lại miêu tả cuộc sống thôn quê với những mối tình, buồn vui, quan hệ, phong tục mang phong vị làng quê mộc mạc, êm đềm. Những tác phẩm này gợi lên tình yêu làng quê Việt Nam đẹp đẽ, êm đềm, nghèo khổ, nhưng nhiều bất hạnh.

Các tiểu thuyết của văn phái Tự lực văn đoàn như của Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam đã thể hiện nhu cầu giải phóng cá tính, phê phán quan niệm gia đình phong kiến, cổ vũ sự đoạn tuyệt, thoát li khỏi các lề thói gia đình xưa cũ, xây dựng đời sống mới theo khuynh hướng hiện đại, mang tính chất tư sản, cải lương. Các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng miêu tả những tình yêu, cảm xúc, rung động kiểu mới, tinh tế, mang tính chất thẩm mĩ mới, gắn với thế giới tình cảm và mộng mơ của tầng lớp trí thức, thị dân mới trong xã hội. Nổi bật trong các tiểu thuyết này là quan niệm mới về quyền con người trong xã hội, ý thức mới về con người cá nhân như là những hiện tượng xã hội và ý thức, vô thức, phức tạp. Phương pháp của các nhà văn Tự lực mới mẻ, khắc hoạ tình cảm tinh tế, phong phú, nhưng do tính chất luận đề khá đậm mà trong nhiều tiểu thuyết tỏ ra còn sơ lược.

Tuỳ bút và truyện ngắn của Nguyễn Tuân viết về những cái “tôi” độc đáo, vừa đề cao những cá tính xuất chúng, vừa thể hiện những giá trị văn hoá truyền thống, vừa thể hiện lối cảm nhận mang tính cá nhân nhiều khi cực đoan, khinh bạc. Tuy thế tác phẩm của ông có giá trị nêu bật quyền thành thật và tự do cá nhân trong miêu tả nghệ thuật.

Phóng sự là một thể loại hoàn mới, chưa từng có trong văn chưiơng ViệtNam xuất hiện do nhu cầu của báo chí, điều tra, miêu tả các hiện tượng xã hội khách quan. Phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, chứng tỏ chức năng của ngòi bút nhà văn có thể phanh phui trần trụi các sự thật xã hội (các hủ tục, kĩ nghệ mại dâm, nạn đói kém) mà thông thường dư luận hoặc thói quen ý thức đã không nhận ra, không biết hoặc cố tình che giấu. Nó chứng tỏ phóng sự có một sức mạnh xã hội rất to lớn.

Các hình thức văn xuôi nói trên đã hình thành một nền văn xuôi tiếng Việt, điều mà chúng ta chưa có trong suốt cả thời trung đại. Văn xuôi tiếng Việt hiện đại có cú pháp, văn pháp thuần tuý tiếng Việt, sử dụng vốn từ vựng thuần Việt, dĩ nhiên bao gồm cả từ gốc Hán vốn có trong tiếng Việt. Đó là một giá trị văn hoá rất lớn của nền văn học hiện đại. Có hình thức văn xuôi này làm cơ sở chúng ta mới có thể có tư duy lí luận tiếng Việt, từ đó mới có nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt, viết lịch sử, nghiên cứu  văn học, phê bình văn học, dạy học, dạy đại học… bằng tiếng Việt.

Kịch nói là thể loại hoàn toàn mới ở Việt Nam. Các tác giả Vi Huyền Đắc, Vũ Đình Long, Vũ Trọng Phụng, đã thể hiện những bi kịch trong xã hội, đặc biệt là Nguyễn Huy Tưởng đã thành công trong vở bi kịch lịch sử Vũ Như Tô, khắc hoạ sự tan vỡ của một ước vọng xây dựng một công trình kiến trúc đồ sộ có giá trị lâu dài cho dân tộc.

Thơ mới là một cuộc cách mạng thật sự trong thi ca Việt Nam. Như một sự bùng phát đồng loạt và thành công, sự xuất hiện của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Anh Thơ, Nam Trân, Yến Lan, Tố Hữu, Thái Can, Đoàn Văn Cừ, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn…thi đàn Việt Nam tràn ngập một tiếng thơ mới đầy sức thuyết phục, làm cho thơ đường luật cổ điển không đủ sức ganh đua trong việc biểu hiện tình cảm của con người thời đại mới.

Thơ mới 1932 – 1945 là một hệ thống thơ mới hẳn về thể thức và thể loại. Thơ tám chữ là thể thơ điển hình phổ biến nhất, tiếp đó là thơ tự do, thơ kịch, bên cạnh đó các thể thơ bảy chữ năm chữ, lục bát, song thất lục bát vẫn được sử dụng, nhưng không còn niêm đối, hạn chế số câu, số chữ, không có bất cứ đòi hỏi nào về lề luật mà viết một cách tự nhiên, các khổ thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ liên kết thành những khổ bốn câu, sáu câu tạo ra những bài thơ  nhiều khổ dài ngắn không hạn định, cho phép nhà thơ thổ lộ dòng tình cảm tự nhiên của mình. Câu thơ mới, dù viết theo thể nào cũng đều là câu thơ tự do tự bên trong, nó có thể vắt dòng để nối với câu tiếp sau, không bắt buộc phải nói ý trọn vẹn trong từng câu riêng như thơ luật, cho nên có khả năng biểu cảm cao. Cấu trúc thơ mới nhìn chung phù hợp với câu nói, tạo thành lối “thơ điệu nói”, sử dụng được ngữ điệu nói, do đó giọng điệu thơ chân thực, đa dạng. Từ vựng trong thơ cũng được sử dụng đa dạng các ngôn từ đời sống, sinh hoạt, bao gồm cả những hư từ mà thơ Đường nói chung ít sử dụng. Đó thật sự là một cuộc cách mạng lớn trong thi ca mà cho đến nay nó vẫn còn nguyên ý nghĩa. Ngày nay có xu hướng vượt qua giới hạn của thơ mới, theo trào lưu thơ chung của thế giới, nhưng cũng phải từ thơ mới mà đi lên. Điều đó càng khẳng định giá trị to lớn của thơ mới đối với tương lai thơ tiếng Việt. Về phương thức biểu đạt thơ mới đã vượt qua lối thơ thiên về ý hoạ của thơ đường mà hình thành lối thơ giải bày, thổ lộ trực tiếp tâm tư tình cảm của chủ thể. Nó cũng tạo cách diễn đạt trực tiếp những cảm giác, cảm xúc nảy sinh trong tâm hồn, khác với lối biểu đạt gián tiếp như trong thơ luật cũ. Có thể nói với thơ mới thơ Việt Nam mới thực sự thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của lối thơ Đường luật và tạo ra tiếng thơ hoàn toàn Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn học giai đoạn 1930 – 1945 đã đem lại cho văn học Việt Nam sự đa dạng về phương pháp sáng tác và phong cách. Lần đầu tiên chủ nghĩ hiện thực cũng như chủ nghĩa lãng mạn được ý thức, trở thành các nguyên tắc miêu tả đời sống con người. Một phương pháp đề cao sự quan sát, biểu hiện khách quan, một phương pháp khích lệ trí tưởng tượng biểu hiện thế giới tình cảm, cảm xúc của con người, đều có tác dụng nâng cao phẩm chất và kinh nghiệm văn học cho cả một thế hệ nghệ sĩ. Đồng thời cũng xuất hiện các thử nghiệm sáng tác theo khuynh huớng tượng trưng, siêu thực, những hình thức tư duy nghệ thuật rất tiêu biểu cho mĩ học của thế kỉ XX.

Cùng với các thể loại văn xuôi, kịch, thơ, thể loại phê bình văn học cũng lần đầu tiên hình thành vào giai đoạn này. Sau những bài phê bình giới thiệu văn học của Phạm Quỳnh trên tạp chí Nam Phong, đặc biệt là bài phê bình về Truyện Kiều, thể văn phê bình văn học dần dần được chú ý, đó là thể văn, ngiêm khắc mà nói chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam.

Phê bình văn học Việt Nam từ Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Trương Chính,Trương Tửu, Lê Thanh, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Vũ Ngọc Phan chủ yếu đi theo hướng tìm tòi các giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ của văn học. Đặc biệt Hoài Thanh là nhà lí luận đầu tiên nêu lên vấn đề bản chất thẩm mĩ của văn học. Với Hải Triều, ĐặngThai Mai…phê bình văn học đi theo quỹ đạo ý thức hệ xã hội. Cả hai hướng đều thể hiện tính hiện đại của phê bình, song cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh đã làm cho hai hướng chống đối loại trừ nhau, khiến cho văn học phát triển phiến diện. Tiến trình văn học đã cho thấy phải chú ý kết hợp cả hai thì văn học mới phát triển lành mạnh.

  1. Giá trị văn hoá của văn học thời kì từ năm 1945 – 2000

    • Giá trị văn hoá của văn học giai đoạn 1945 – 1986.

Văn học 1945 là một cuộc cách mạng mới trong văn học. Theo chủ trương của Đảng Cộng sản cầm quyền, văn học chuyển đổi hình thái, hình thành loại hình văn học phục vụ chính trị, phản ánh hiện thực cách mạng, gắn bó với phong trào quần chúng trong cách mạng. Văn học trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp, vũ khí tuyên truyền cách mạng, lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Văn học xây dựng các hình tượng quần chúng công nông binh, hình tượng lãnh tụ, hình tượng bộ đội, phụ nữ, thanh niên, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa lạc quan, phẩm chất cách mạng. Thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh, thơ của Chính Hữu, Hồng Nguyên, Tân Sắc, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu…, văn của Tô Hoài, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Đỗ Chu, Chu Văn, Ma Văn Kháng, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà…Kịch của Nguyễn Huy Tửởng, Phan Vũ, Học Phi, Đào Hồng Cẩm, Hồ Ngọc… tiêu biểu cho văn học theo định hướng lí tưởng cách mạng nói trên.

Cuộc cách mạng và kháng chiến của dân tộc thực sự là một cuộc cách mạng về văn hoá, trong đó lần đầu tiên, các tầng lớp thanh niên, phụ nữ trong phạm vi toàn dân lần đầu tiên “thoát lí” gia đình ra đi kháng chiến, sống trong môi trường đồng đội, trong tình đồng chí cùng lí tưởng giải phóng đất nước. Toàn bộ quan hệ người và người đã thay đổi lớn, hình thành những con người mới. Tình cảm đối với Tổ Quốc được đẩy lên cao độ, lí tưởng độc lập tư do thấm nhuần trong tâm thức mỗi người. Nền văn hoá mới đã góp phần làm cho hai cuộc kháng chiến đạt được thắng lợi hoàn toàn.

Giá trị văn hoá của văn học thể hiện ở các hình tượng nghệ thuật tích cực, ở các hình tượng nhân vật anh hùng của thời đại. Quả thật trong thực tế cũng như trong văn học chúng ta không hiếm những con người biết hi sinh, xả thân vì nước, một lòng một dạ vì sự sống còn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Hình tượng Bác hồ, hình tượng những chiến sĩ cộng sản như Hoàng VănThụ, Lí Tự Trọng, Tôn Đức Thắng; hình tượng các anh hùng như chị Lí, mẹ Tơm, chị Sứ, Nguyễn Văn Trỗi, Kan Lịch, Kinh, Lữ…, những hình tượng người dân như ông Hai trong Làng của Kim Lân, những nhân vật trong Sỗng mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, những người như Tuy Kiền, Biền, Nam… trong truyện của Nguyễn Khải, Nhẫn trong Cỏ non của Hồ Phương…đều là hình ảnh những con người mới của thời đại.

Văn học đã đóng góp tích cực trong vai trò động viên, cổ vũ nhân dân, quân đội chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến đấu cam go nhất, ác liệt nhất và tàn bạo nhất trong lịch sử. Nhưng việc phục vụ chính trị cũng làm cho văn học khó tránh khỏi sơ lược, đơn điệu, nghèo nàn, ít quan tâm các mặt của đời sống đa dạng, đa chiều, phức tạp của con người cũng như ít tính chất kì ảo, ít tình yêu, ít tính chất éo le, bất ngờ nhằm thoả mãn các chức năng giải trí, thẩm mĩ của văn học. Về phương diện nghệ thuật, bên cạnh một số mặt tiến bộ, trên một số mặt nào đó có thể nói văn học cách mạng có bước thụt lùi so với sáng tác trước cách mạng.

Sáng tác và trước tác của Hồ Chí Minh là một hiện tượng đặc biệt, thể hiện sự kết tính của văn hoá Việt Nam. Tác giả sáng tác để phục vụ cách mạng bằng tiếng Pháp (Bản án chế độ thực dân Pháp, Truyện và kí đăng trên tờ báo Le Paria),tiếng Trung (Nhật kí trong tù), Tiếng Việt (Thơ tiếng Việt, Những Lời kêu gọi…) tập trung thể hiện bản sắc dân tộc trongtư duy, tình cảm, trong ngôn ngữ. Người trở thành biểu tượng Việt Nam, được tôn vinh anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thé giới thế kỉ XX.

Phê bình, lí luận văn học trong cơ chế chính trị hoá của văn học cũng thiên về hướng xã hội học và tuyên truyền cổ động. Một mặt ra sức ngợi ca các tác phẩm đi đúng hướng, làm tốt việc tuyên truyền, mặt khác thường xuyên vận dụng quan điểm giai cấp và quan điểm chính trị một cách dung tục để uốn nắn, phê phán các lệch lạc, đi sai định hướng, trở thành vũ khí đấu tranh các tư tưởng thù địch, nhiều trường hợp biểu dương thiếu chính xác cũng như phê phán sai, trở thành công cụ chụp mũ, quy kết, hù doạ, gây nguy hiểm và làm tổn thương không ít lực lượng sáng tác, nhiều người bị xử lí, treo bút gần như suốt đời, khó khăn cả trong đời sống cơm áo. Lối phê bình đó thúc đẩy sự trói buộc tự do văn nghệ mà sau này ông Nguyễn Văn Linh đã gợi ý nhà văn “tự cởi trói”để tự cứu.

4.2. Giá trị văn hóa của văn học giai đoạn 1986 đến 2000

Mọi cực đoan đều dẫn đến nhu cầu phản động ngược trở lại. Bước sang thời bình, trong bối cảnh xây dựng chính trị và kinh tế, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, nhu cầu làm bạn với các nước trên thế giới cũng như nhu cầu xây dựng đất nước theo kịp với đà tiến bộ của các nước tiến tiến trên thế giới và khu vực đã làm cho giới lãnh đạo thay đổi về đường lối chính trị. Điều đó làm cho quan điểm văn hoá văn nghệ có những thay đổi lớn so với trước. Trước hết, văn học thời kì mới đánh dấu sự nới lỏng quan hệ văn nghệ và chính trị, văn nghệ được xác định trước hết ở chức năng văn hoá nhằm thoả mãn các nhu cầu đời sống tinh thần của con người, không đặt yêu cầu phục vụ chính trị như trước. Thứ hai, văn nghệ không bắt buộc phản ánh hiện thực theo các định hướng chặt chẻ như trước; văn học có thể viết về các vùng cấm như cải cách ruộng đất, về khuyết điểm hay thất bại của “phía ta”, viết về đời thường, về tình yêu, về con người tự nhiên, bản năng… Thứ ba, văn học không bắt buộc phải vận dụng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa từng được quy định là phương pháp sáng tác tốt nhất, mà chủ trương nhà văn được tự do lựa chọn phương pháp và phong cách, miễn là đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, tiến bộ của bạn đọc. Thứ tư, văn học không nhất thiết phải viết theo quan điểm giai cấp, mà có thể viết theo tinh thần nhân văn, nhân đạo. Cuối cùng,  nhà văn được tạo điều kiện phát huy tối đa cá tính sáng tạo và tìm tòi về bút pháp.

Những đổi thay về quan điểm và chỉ đạo đã làm cho văn học thời kì đổi mới mang những giá trị mới như tính nhân văn, tính dân chủ, tính đối thoại, tính phản tư (nhìn lại chính tư tưởng của minh) và rất đa dạng.  Một thế hệ nhà văn mới nảy sinh trong thời đổi mới. Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỉ văn học phản ánh những mặt chiến công, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần nhân đạo của chiến tranh giải phóng dân tộc, nay ngòi bút nhà văn đã chạm đến mặt trái của chiến tranh và của cuộc sống đời thường như tính chất vô nhân đạo, sự tha hoá con người ( Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh); con người đánh mất bản ngã, cá tính ( Thời xa vắng của Lê Lựu); con người mất hết niềm tin, lí tưởng, sa vào cuộc sống thực dụng, ích kỉ (truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…), những khát vọng dân chủ cháy bỏng, những đổ vỡ về văn hoá, niềm băn khoăn về số phận (Ma Văn Kháng và nhiều nhà văn khác). Cũng lần đầu tiên sau nửa thế kỉ văn học Việt Nam viết về những khám phá mới trong tình yêu, biết ngắm những vẻ đẹp của thân thể con người, khám phá những biểu hiện của vô thức…. Những tác phẩm viết về cải cách ruộng đất với cái nhìn phê phán ( Ngô Ngọc Bội, Tô Hoài…); những xung đột mới ở nông thôn, những bi hài kịch thay bậc đổi ngôi. Hình thức văn học lại rất đa dạng. Nhà văn Việt Nam thời đổi mới đã sử dụng nhiều hình thức mới. Trong bối cảnh văn hoá Hậu hiện đại nhiều người ghi nhận có ảnhhưởng của trào lưu này trong sáng tác.

Lời kết

Nhìn lại giá trị văn hoá của văn học Việt Nam  trong mười một thế kỉ qua chúng ta nhận thấy: 1) Văn học Việt Nam ngay từ đầu đã nằm trong vùng ảnh hưởng sâu sắc của văn học Hán, các ảnh hưởng khác cũng có nhưng mờ nhạt. Tiếp theo là ảnh hưởng châu Âu, chủ yếu là Pháp, sau đó là ảnh hưởng của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác, rồi gần đây bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, chủ yếu là Mĩ.  2) Mặc dù vậy tâm thức Việt vẫn âm thầm hình thành bản sắc Việt của Văn học, có thể nói càng vào thời hiện đại bản sắc dân tộc của Văn học Việt Nam càng bộc lộ nổi bật, càng xậy dựng được những giá trị độc lập của văn học dân tộc, nhất là về ngôn ngữ. 3) Tuy ở vào điều kiện nghèo khó và lạc hậu, nhưng văn học Việt Nam vẫn đi theo các giá trị văn hoá tiên tiến của nhân loại, luôn luôn có ý thức tiếp thu và sáng tạo các giá trị mới phù hợp với thời đại. Các giá trị văn học của dân tộc của văn học Việt Nam cho ta niềm tin vào nội lực của văn học dân tộc, vững tin vào tiền đồ văn học nước nhà.

 (nguồn: trandinhsu.wordpress.com)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020