Trải qua gần 40 năm, nghiên cứu Tự sự học ở Trung Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nên một tiếng nói riêng trong nghiên cứu tự sự học thế giới. Bài viết không đặt trọng tâm ở việc tái hiện tỉ mỉ bức tranh Tự sự học ở Trung Quốc, mà chủ yếu tập trung giới thiệu những hướng đi riêng, có sức gợi mở. Trên cơ sở dịch, giới thiệu, cập nhật những thành tựu nghiên cứu tự sự học ở phương tây, các học giả Trung Quốc xác lập hướng nghiên cứu riêng, như: Tự sự học văn thể, Tự sự học so sánh, Tự sự học văn hóa thẩm mĩ, Tự sự học không gian, Tự sự học nghĩa rộng, và Tự sự học Trung Quốc.
1. Dẫn nhập
Trong một thời gian dài (1949-1978) nghiên cứu văn học Trung Quốc chủ yếu chịu ảnh hưởng của học thuật Liên Xô. Khi Trung Quốc cải cách mở cửa thì lí luận phê bình văn học phương Tây nói chung và Tự sự học nói riêng đã đi được một chặng đường khá xa. Để có thể nhanh chóng bắt nhịp được với nghiên cứu Tự sự học ở phương Tây, học giả Trung Quốc không ngừng nỗ lực tiến hành dịch thuật, giới thiệu những thành tựu quan trọng của Tự sự học trên thế giới. Năm 1979, Viên Khả Gia đã lần đầu tiên giới thiệu Tự sự học với giới nghiên cứu trong nước qua bài viết Sáng tác và lí luận văn học trường phái hiện đại Âu – Mỹ (Tạp chí Khoa học học viện Sư phạm Hoa Đông, số 6 năm 1979) đã mở ra chặng đường đầu tiên trong nghiên cứu Tự sự học ở Trung Quốc – chặng dịch giới thiệu. Sau đó, công trình dịch giới thiệu tự sự học phương Tây ngày một nhiều, các đại diện tiêu biểu của tự sự học kinh điển như Roland Barthes, Lévi-Strauss, Todorov, Gérard Genette… đều lần lượt được dịch sang tiếng Trung. Học giả Trung Quốc cũng nhanh chóng nắm bắt các động thái mới nhất của nghiên cứu văn học phương Tây. Bên cạnh Tự sự học kinh điển, họ đã chú ý đến Tự sự học hậu kinh điển và Tự sự học hậu cấu trúc tạo nền tảng quan trọng cho tiến hành nghiên cứu trên phương diện lí thuyết và vận dụng vào thực tiễn nghiên cứu văn học.
Trên cơ sở dịch các trước tác kinh điển của Tự sự học phương Tây, các học giả Trung Quốc đã triển khai thảo luận trên phương diện lí luận về các vấn đề như phạm trù, thuật ngữ, khái niệm, nguyên lí cho đến bản chất, đối tượng nghiên cứu… của Tự sự học như Dẫn luận tự sự học của La Cương, Tự sự học và nghiên cứu thể loại tiểu thuyết của Thân Đan, Khi người nói bị nói – dẫn luận tự sự học so sánh của Triệu Nghị Hành, Tự sự học tiểu thuyết của Từ Đại, Tự sự học của Đổng Tiểu Anh, Bàn về nghệ thuật tiểu thuyết của Ngô Hiệu Cương, Lí luận tự sự và văn hóa thẩm mĩ của Đàm Quân Cường, Thi học của tự sự của Tổ Quốc Tụng, Tự sự học điện ảnh, lí luận và thực tiễn của Lý Hiển Kiệt…
Có thể thấy, đến nay, trong lĩnh vực Tự sự học, giới nghiên cứu Trung Quốc đã bắt nhịp được với nghiên cứu Tự sự học trên thế giới. Họ không chỉ cập nhật giới thiệu, nghiên cứu những thành tựu nghiên cứu tự sự học mới nhất ở phương Tây, mà còn tìm ra một số hướng đi, góp tiếng nói về mặt nghiên cứu lí thuyết, khắc phục tình trạng “thất ngữ” trong lí luận văn học. Đến nay, giới nghiên cứu Trung Quốc đã đề xuất 5 hướng nghiên cứu Tự sự học, đó là: Tự sự học thể loại, Tự sự học so sánh, Tự sự học văn hóa thẩm mĩ, Tự sự học không gian, Tự sự học nghĩa rộng.
2. Nội dung
2.1. Tự sự học văn thể
Người đề xướng nghiên cứu Tự sự học kết hợp với nghiên cứu văn thể là nữ học giả Thân Đan. Trong công trình Tự sự học và nghiên cứu văn thể học tiểu thuyết [1](1998) bà chỉ ra, sở dĩ có thể kết hợp hai hướng nghiên cứu này, là vì mặc dù chúng có sự khác biệt, nhưng lại có điểm trùng hợp trên phương diện đối tượng nghiên cứu, đều dùng mô hình ngôn ngữ để nghiên cứu tác phẩm văn học. Trong lời tựa cuốn sách, bà cho rằng, “trên phương diện kĩ thuật hình thức tiểu thuyết, “ngôn từ’ và “văn thể” có quan hệ bổ sung, chú ý đến cả hai thứ thì mới có thể nghiên cứu tương đối toàn diện kĩ thuật hình thức tiểu thuyết. Giữa “ngôn từ” và “văn thể” có hai phương diện trùng hợp quan trọng: Điểm nhìn trần thuật và phương thức khác nhau trong biểu đạt lời nói của nhân vật. Nhà Tự sự học và nhà Văn thể học đều chú ý đến góc độ trần thuật. Nhưng nếu như nhà Tự sự học chú ý đến phân loại loại hình điểm nhìn, thì nhà Văn thể học lại chú trọng đến điểm nhìn do câu từ cụ thể thể hiện ra; nếu nhà Tự sự học chú ý dến góc độ quan sát, thì nhà Văn thể học lại chú ý “điểm nhìn” trong văn bản, tức là quan điểm lập trường được biểu đạt qua câu chữ. Bà cho rằng, nhà Tự sự học hứng thú với các hình thức biểu đạt lời nói của nhân vật như “dẫn ngữ trực tiếp”, “dẫn ngữ gián tiếp”, là vì những hình thức này là công cụ quan trọng điều tiết khoảng cách trần thuật. Họ không hứng thú với bản thân đặc trưng ngôn ngữ, mà chủ yếu hứng thú với quan hệ giữa người trần thuật (và người tiếp nhận trần thuật) với đối tượng trần thuật. Trong khi đó, nhà Văn thể học lại hứng thú với bản thân sự lựa chọn ngôn ngữ, cho nên, khi phân tích, họ chú trọng đặc trưng biểu đạt của ngôn ngữ. Ngay khi phân tích tiết tấu, thì nhà nghiên cứu thể loại thường chú ý đến tiết tấu của bản thân câu chữ, loại tiết tấu được tạo nên từ sự sử dụng tiêu điểm, sự giao thoa giữa câu ngắn và câu dài, giữa trọng âm và phi trọng âm; còn nhà tự sự học khi phân tích tiết tấu tiểu thuyết lại chú ý đến tiết tấu trần thuật dược tạo ra bởi sự thay thế lẫn nhau giữa các phương thức tự sự, như phương thức triển khai sự kiện một cách chi tiết tạo tiết tấu chậm, hay phương thức tổng kết sự kiện tạo tiết tấu nhanh.
Năm 2006 Thân Đan tiếp tục khẳng định hướng nghiên cứu này trong bài viết Bổ sung và vay mượn lẫn nhau giữa Văn thể học và Tự sự học[2]. Bà cho rằng Văn thể học vay mượn Tự sự học là tất yếu, và có thể có những cách vay mượn như sau: Dùng khái niệm hoặc mô hình của Tự sự học để làm khung phân tích văn thể, như “điểm nhìn”, “thời tự”, “xây dựng nhân vật”… Chẳng hạn, vấn đề “điểm nhìn”, vốn có hai nội hàm: nội hàm thứ nhất chỉ góc độ cảm tri, góc độ thị giác khi trần thuật, tác động trực tiếp tới sự kiện; nội hàm thứ hai chỉ quan điểm, lập trường, giọng điệu, được biểu đạt qua câu chữ, và tác động gián tiếp tới sự kiện. Các nhà Tự sự học thường quan tâm đến nội hàm thứ nhất, còn các nhà Văn thể học lại thường quan tâm đến nội hàm thứ hai. Cần thiết phải bổ sung cho nhau, bởi vì, “điểm nhìn” trên phương diện kết cấu thuộc về vấn đề phi ngôn ngữ, nhưng trong văn bản lại thường chỉ có thể được thể hiện ra thông qua đặc trưng ngôn ngữ.
Thân Đan được coi là nhân vật tiêu biểu cho giới nghiên cứu Tự sự học Trung Quốc. Sau cuốn Tự sự học và nghiên cứu văn thể tiểu thuyết, bà còn tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu này qua các công trình Nghiên cứu lí luận tự sự tiểu thuyết Anh Mĩ (viết chung, 2005), Tự sự, văn bản và tiềm văn bản – đọc lại truyện ngắn kinh điển Anh Mĩ (2009). Cùng với việc đề xướng hướng nghiên cứu kết hợp Tự sự học và Văn thể học, Thân Đan đã đề xướng phương pháp đọc kĩ. Phương pháp đọc kĩ vốn là phương pháp do Phê bình mới đề xướng vào nửa đầu thế kỉ 20, nhưng từ những năm 80, sau chuyển hướng phê bình chính trị, văn hóa, phương pháp đọc kĩ bị coi là lạc hậu. Nhưng sang thế kỉ 21, khi hướng nghiên cứu văn hóa chính trị có xu hướng giảm nhiệt, thì không ít học giả lại dần dần phục hưng phương pháp này. Phương pháp đọc kĩ do Thân Đan đề xuất lấy văn bản làm cơ sở, tăng cường khảo sát tổng hợp tác động tương hỗ giữa các thành phần trong tác phẩm, giữa tác phẩm và ngữ cảnh, và khảo sát liên văn bản. Đồng thời, đọc kĩ vừa chú ý đến sử dụng câu từ, vừa chú ý đến sách lược tự sự, kết cấu tự sự; khảo sát kĩ vai trò của bộ phận trong chỉnh thể tác phẩm… Tóm lại, đọc kĩ như Thân Đan đề xuất là kết hợp giữa đọc vi mô và đọc vĩ mô, giữa đọc trong văn bản và đọc liên văn bản, giữa phân tích tác phẩm và chú ý đến ngoại cảnh[3].
2.2. Tự sự học so sánh
Tự sự học so sánh ra đời như một tất yếu khi du nhập Tự sự học phương Tây vào Trung Quốc. Bởi vì, ngay cả khi một số học giả Trung Quốc không trực tiếp đưa ra thuật ngữ “tự sự học so sánh”, thì trong cách làm của họ cũng đã biểu hiện ít nhiều hướng nghiên cứu này. Chẳng hạn như Dương Nghĩa trong cuốn Tự sự học Trung Quốc (1997) mặc dù không đề xuất khái niệm, nhưng việc so sánh kinh nghiệm và lí luận tự sự Trung Quốc và phương Tây, về cơ bản là nhất trí với phương hướng nghiên cứu Tự sự học so sánh. Các học giả Trung Quốc cho rằng họ rất có lợi thế trong việc phát triển Tự sự học so sánh. Bởi vì trong học thuật phương Tây, tư tưởng coi phương Tây là trung tâm đã hạn chế các học giả hướng sang phương Đông, ngay trong lĩnh vực văn học so sánh, thì họ cũng chủ yếu so sánh giác các nền văn học trong phạm vi phương Tây. Trong khi đó, giới nghiên cứu tự sự học Trung Quốc lại am hiểu cả lí luận và thực tiễn văn học phương Tây, cộng thêm hiểu biết sâu sắc về truyền thống lí luận và thực tiễn văn học trong nước.
Học giả Trung Quốc thực sự ý thức xây dựng hướng nghiên cứu Tự sự so sánh mới chỉ khoảng 10 năm gần đây. Năm 2006, Xa Cẩn Sơn lần đầu tiên đề xuất có thể xây dựng Tự sự học so sánh trong bài viết Ý tưởng về Tự sự học so sánh[4]. Hưởng ứng chủ trương đó, Đàm Quân Cường đã có một loạt công trình, như: Tự sự học so sánh: Một trong những con đường nghiên cứu tự sự học Trung Quốc[5] (2010) …Các học giả Trung Quốc cho rằng Tự sự học so sánh là một trong những con đường quan trọng để xây dựng Tự sự học Trung Quốc, và làm cho nghiên cứu Tự sự học ở Trung Quốc có một vị trí nhất định trong nghiên cứu Tự sự học thế giới.
Theo Xa Cẩn Sơn, lí do tồn tại của Tự sự học so sánh là sự thực tồn tại sự tương đồng, khác biệt giữa Tự sự học Trung Quốc và phương Tây. Chẳng hạn, trong nghiên cứu Tự sự học phương Tây, yếu tố thời gian chiếm vị trí quan trọng, và văn học truyền thống Trung Quốc cũng đầy cảm thức thời gian qua những miêu tả về tứ thời, sự hưng – vong, nỗi tiếc xuân, hoài cổ. Nhưng quan trọng hơn trong nghiên cứu Tự sự học so sánh là chỉ ra sự khác biệt, chẳng hạn như Trung Quốc thường mượn hình tượng không gian để thể hiện thời gian. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt đó nằm ở thi học cổ điển, quan niệm văn chương, truyền thống văn hóa.
Đàm Quân Cường đã đưa ra một số lưu ý khi tiến hành nghiên cứu Tự sự học so sánh như sau: Thứ nhất, Tự sự học so sánh nghiên cứu so sánh tác phẩm tự sự và lí luận tự sự giữa các hệ thống văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Nó cố gắng tìm ra sự tương đồng khác biệt giữa tác phẩm tự sự và lí luận tự sự ở các hệ thống văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, đồng thời chỉ ra nguyên nhân văn hóa, tập tục, tâm lí, xã hội tầng sâu tạo nên những tương đồng khác biệt đó. Do đó, có thể mượn lí luận và phương pháp của Văn học so sánh để nghiên cứu Tự sự học so sánh, nhưng cần lưu ý, nó là nghiên cứu tự sự đích thực, chứ không phải là nghiên cứu Văn học so sánh. Thứ hai, Tự sự học so sánh trên cơ sở lí luận Văn học so sánh và Tự sự học, hướng tới tìm tòi nghiên cứu tác phẩm và lí luận tự sự cổ đại, hiện đương đại Trung Quốc trong thế so sánh với lí luận và tác phẩm văn học nước ngoài. Thứ 3, Đối tượng nghiên cứu của Tự sự học so sánh đương nhiên là song phương hoặc đa phương. Trong thực tiễn hiện nay, với Tự sự học so sánh ở Trung Quốc, thì sự lựa chọn tốt nhất về đối tượng nghiên cứu vẫn là lí luận và tác phẩm tự sự của Trung Quốc và phương Tây[6].
Nhìn chung, tự sự học so sánh là hướng nghiên cứu kết hợp phương pháp nghiên cứu của Tự sự học và phương pháp nghiên cứu của Văn học so sánh. Ngay khi các nhà nghiên cứu vận dụng lí luận tự sự học phương Tây vào nghiên cứu các tác phẩm tự sự cụ thể của Trung Quốc với ý thức tìm ra nét đặc sắc của tự sự Trung Quốc thì về cơ bản họ đã đi theo hướng Tự sự học so sánh rồi. Nhưng khi nâng lên thành một hướng so sánh với định hướng lí thuyết cụ thể, thì hướng nghiên cứu này sẽ gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng hơn.
2.3. Tự sự học văn hóa thẩm mĩ
Nghiên cứu Tự sự học từ những năm 90 trở lại đây đã vượt ra ngoài nghiên cứu khép kín trong văn bản trần thuật, nó đã kết nối với nhiều yếu tố bên ngoài, giao lưu với nhiều phương pháp khác nhau. Tự sự học hậu kinh điển mở rộng quan hệ giữa văn bản và ngữ cảnh, mở rộng phạm trù nghiên cứu của Tự sự học kinh điển. Trong bối cảnh học thuật xuất hiện nhiều phân nhánh của Tự sự học, Đàm Quân Cường đề xuất một hướng nghiên cứu, đó là Tự sự học văn hóa thẩm mĩ với một loạt bài viết như: Sự phát triển của lí luận tự sự và tự sự học văn hóa thẩm mĩ (2002)[7], Lí luận tự sự trong ngữ cảnh nghiên cứu văn hóa (2003)[8]…, đặc biệt là cuốn Tự sự học văn hóa thẩm mĩ: lí luận và thực tiễn[9]. Đàm Quân Cường cho rằng, có thể tiến hành phân tích, nghiên cứu đối tượng văn học nghệ thuật từ các phương diện như lịch sử xã hội, tâm lí tinh thần, tích lũy văn hóa… Tự sự học văn hóa thẩm mĩ là sự kết hợp giữa Tự sự học và Văn hóa thẩm mĩ, nhưng phải giữ phương hướng phát triển chung của lí luận tự sự. Tự sự học văn hóa thẩm mĩ mở rộng phạm vi nghiên cứu, vượt qua tác phẩm tự sự hoặc văn bản trần thuật trên ý nghĩa thuần túy, mở rộng phạm vi đến tác phẩm tự sự trên ý nghĩa văn hóa – bất luận là tác phẩm tự sự này xuất hiện với hình thức phương tiện nào. Tức là ngoài tác phẩm tự sự lấy ngôn ngữ làm phương tiện, thì còn có thể bao gồm cả tác phẩm âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, vũ đạo…, chỉ cần trong những tác phẩm này có ý nghĩa “trần thuật”. Tất nhiên, trên ý nghĩa thực tiễn, sản phẩm văn hóa lấy ngôn ngữ làm phương tiện vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đối tượng nghiên cứu.
Về phương pháp nghiên cứu, Tự sự học văn hóa thẩm mĩ tiến hành nghiên cứu thẩm mĩ trên ý nghĩa văn hóa đối với văn bản trần thuật theo nghĩa rộng. Theo Đàm Quân Cường, nghiên cứu Tự sự học truyền thống yêu cầu người nghiên cứu sử dụng thái độ khách quan để nghiên cứu đối tượng, miêu tả khách quan hình thức kết cấu và ngữ pháp trần thuật của tác phẩm văn học. Cách này vô tình né tránh phán đoán giá trị thẩm mĩ vốn rất phong phú trong bất kì tác phẩm tự sự nào. Còn Tự sự học văn hóa thẩm mĩ lại tìm kiếm ý nghĩa giá trị thẩm mĩ tồn tại trong văn bản trần thuật, để hướng tới ý nghĩa xã hội, tư tưởng, ý thức, tâm lí, tức là ý nghĩa văn hóa trên nghĩa rộng. Tự sự học văn hóa thẩm mĩ rất coi trọng tìm hiểu cái đẹp hình thức nghệ thuật, tìm ra bản chất lịch sử xã hội ẩn tàng trong hình thức đó. Khi nghiên cứu văn bản “nói như thế nào” thì cũng cần nghiên cứu vấn đề “vì sao lại nói như vậy”. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc, người trần thuật thường xuất hiện với ngôi thứ ba, tiến hành trần thuật trên lập trường toàn tri. Điều này không tách rời quan niệm đạo đức “trung dung” trong truyền thống Trung Quốc. Công khai, trực tiếp, tường tận nói về bản thân là không phù hợp với phương thức tư duy và thói quen thẩm mĩ của Trung Quốc truyền thống, cũng không phù hợp với quan niệm đạo đức truyền thống. Tự sự học văn hóa thẩm mĩ cũng chú ý đến nghiên cứu tâm lí tinh thần, thể nghiệm thẩm mĩ của người sáng tác và người tiếp nhận. Nghiên cứu Tự sự học văn hóa thẩm mĩ cũng chú ý đến tầng diện tích lũy văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, mỗi quốc gia, khu vực trong bối cảnh văn hóa lịch sử khác nhau thường có một số hình thức văn học nghệ thuật nhất định, hoặc một số đặc điểm hình thức riêng. Chuyên luận Tự sự học văn hóa thẩm mĩ: lí luận và thực tiễn Đàm Quân Cường đã thể hiện một cách có hệ thống ý tưởng lí luận về tự sự học văn hóa thẩm mĩ, thông qua phương thức kết hợp giữa lí luận và phân tích tác phẩm tự sự, nghiên cứu một số vấn đề liên quan như người trần thuật và hình thái ý thức, tiêu cự trần thuật và ý thức giới tính, văn bản và ngữ cảnh… Chuyên luận chú ý đến chức năng tư tưởng của điểm nhìn, hình thái ý thức của điểm nhìn, quan hệ giữa hình thái ý thức và vấn đề được trình bày trong tác phẩm thông qua người trần thuật. Đồng thời cũng quan tâm đến quan hệ giữa tiêu cự trần thuật và ý thức giới, lí giải nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về cốt truyện, ngôn từ và tiêu cự trần thuật từ vấn đề tâm lí, địa vị văn hóa xã hội của phụ nữ…
Thực ra, về việc kết hợp nghiên cứu hình thức và nghiên cứu văn hóa trong nghiên cứu Tự sự học, Triệu Nghị Hành đã chú ý đến từ khá sớm qua cuốn Người trần thuật khổ não – Hình thức tự thuật và văn hóa Trung Quốc của tiểu thuyết Trung Quốc (1994), Khi người nói bị nói: Dẫn luận tự thuật học so sánh (1998). Ông đã chỉ ra: Ý nghĩa của hình thức tự sự nằm ở một biểu trưng nào đó của văn hóa, chỉ có thâm nhập vào tầng sâu văn hóa dân tộc mới có thể nhận thức và lí giải sâu hơn. Sau này, khi nghiên cứu về Tự sự học, ông luôn thông qua hình thức để thâm nhập vào tầng vỉa văn hóa xã hội. Có thể thấy, Tự sự học văn hóa hình thức như một phân nhánh của tự sự học hậu kinh điển. Việc kết hợp giữa tự sự học và nghiên cứu văn hóa thẩm mĩ đã mở rộng phạm vi, giới hạn của Tự sự học kinh điển, mang lại kết quả nghiên cứu nhất định.
2.4. Tự sự học không gian
Tự sự học không gian được đề xuất ở Trung Quốc trong bối cảnh nghiên cứu văn học trên thế giới có bước chuyển hướng không gian tương đối rõ nét, với những công trình như Thi học không gian của Bachelard, Sự sản xuất của không gian của Henri Lefebvre, Thực tiễn đời sống thường nhật của Michel de Certeau, Hậu hiện đại địa lí học của Edward Soja… Trong lĩnh vực nghiên cứu lí luận Tự sự học không gian, thành tựu lớn nhất là Long Địch Dũng. Từ năm 2003 đến nay, ông công bố 11 bài nghiên cứu và một luận án về vấn đề Tự sự học không gian. Ở Trung Quốc, ông là người đầu tiên xác định phạm trù và nội dung cơ bản của Tự sự học không gian. Trong bài viết Tự sự học không gian – lĩnh vực mới của nghiên cứu tự sự học[10], ông khẳng định nghiên cứu đặc tính không gian của tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại thế kỉ 20 là điều cần thiết, bởi vì những tiểu thuyết này đã phá vỡ quy luật tuyến tính thời gian, mang nhiều đặc tính không gian.
Hưởng ứng đề xướng nghiên cứu tự sự học không gian, Trương Thế Quân có đóng góp không nhỏ trong việc vận dụng lí thuyết vào phân tích văn bản. Ông công bố 8 bài viết vận dụng lí luận tự sự học không gian vào nghiên cứu Hồng lâu mộng và các tiểu thuyết Minh Thanh khác. Ngoài ra, cũng rất nhiều nhà nghiên cứu dùng công cụ lí luận để giải phẫu tác phẩm văn học nước ngoài. Ví dụ như bài viết của Trình Tích Lân Bàn về tự sự không gian trong The great Gatsby. Bài viết này từ không gian địa chí, không gian xã hội và không gian văn bản nghiên cứu các chiều kích không gian trong The great Gatsby của F. Scott Fitzgerald.
Nói chung, nghiên cứu tự sự học không gian ở Trung Quốc mới chỉ dừng ở việc bàn về nội dung và hàm nghĩa của khái niệm này, về quan hệ giữa không gian và thời gian, về tầm quan trọng của hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, với thời gian xuất hiện ngắn, (khoảng trên dưới 10 năm), Tự sự học không gian vẫn đang trong quá trình tìm kiếm khung lí luận, xây dựng cơ sở lí thuyết và có nhiều triển vọng.
2.5. Tự sự học nghĩa rộng
Tự sự học nghĩa rộng có thể coi là một hướng đột phá mới trong nghiên cứu Tự sự học ở Trung Quốc với sự táo bạo trong tư tưởng học thuật của Triệu Nghị Hành. Ông đề xuất Tự sự học nghĩa rộng với tham vọng phá vỡ lối nghĩ mang tính chất thụ động của không ít học giả Trung Quốc - đó là lối nghĩ: về lí thuyết, phải chờ phương Tây nói đã, rồi mình mới nói.
Thuật ngữ Tự sự học nghĩa rộng đã được nhắc đến trong cuốn Tự sự học (2001) của Đổng Tiểu Anh, chỉ có điều, nó được nêu lên như một khái niệm đối lập với “tự sự học nghĩa hẹp”, nhưng nội hàm của nó vẫn là tri thức của các ngành khoa học khác phục vụ nghiên cứu văn học, và về cơ bản vẫn chưa phá vỡ được biên giới của nghiên cứu văn học. Sau đó, Phan Văn Mộc trong Lí luận về mô hình trần thuật trong Tả truyện (2004) đã mở rộng nội hàm khái niệm khi đặt lịch sử vào vị trí trung tâm của tự sự chứ không phải để hỗ trợ cho nghiên cứu tự sự tiểu thuyết. Đến Triệu Nghị Hành với bài viết Sau “bước ngoặt trần thuật” – tính khả năng và tính tất yếu của trần thuật học nghĩa rộng (2008)[11], thì nội hàm khái niệm đã mở rộng sang phạm vi của các ngành khoa học, phá vỡ giới hạn của mô hình tự sự tiểu thuyết. Năm 2013 ông xuất bản cuốn Tự sự học nghĩa rộng[12], bước đầu xây dựng khung thi học của Tự sự học nghĩa rộng. Trong công trình này, các khái niệm về trần thuật, thời gian, tác giả hàm ẩn… đều có những nét nghĩa mới. Có người đã cho rằng, Tự sự học nghĩa rộng là giai đoạn thứ ba sau giai đoạn kinh điển và hậu kinh điển của Tự sự học. Bởi vì theo Triệu Nghị Hành, cái gọi là Tự sự học hậu kinh điển thực ra vẫn là lấy tiểu thuyết làm hạt nhân, và hấp thu thành tựu của các trần thuật khác.
Để xây dựng được Tự sự học nghĩa rộng, Triệu Nghị Hành thay đổi định nghĩa về trần thuật, và cho rằng cần phải phá vỡ tính quá khứ vốn là cơ sở của tự sự học tiểu thuyết. Ông kiến nghị, chỉ cần giảng thuật thỏa mãn hai điều kiện sau thì chính là trần thuật: 1. Chủ thể đặt sự kiện có nhân vật tham dự vào một chuỗi kí hiệu. 2. Chuỗi kí hiệu này có thể được một chủ thể khác lí giải thành có thời gian và ý nghĩa. Định nghĩa này đã bài trừ điều kiện “thuật lại” cần phải có của trần thuật, nhân vật và sự kiện được trần thuật không nhất định phải thuộc về quá khứ, tính thời gian – biến đổi trong sự kiện và ý nghĩa của sự biến đổi này có được do sự trùng cấu trong ý thức của người tiếp nhận.
Tự sự học nghĩa rộng phân các tác phẩm tự sự thành tự sự kí thực và tự sự hư cấu. Với Tự sự học nghĩa rộng, Tự sự kí thực lần đầu tiên xuất hiện trong thi học tự sự với hình thái của thi học và được cho rằng nó mới là trạng thái thường thấy của nghiên cứu tự sự. Dựa theo tiêu chí về tính hư cấu và tính chân thực, trần thuật có thể chia thành 1. Trần thuật mang tính chân thực: tin tức, lịch sử, biện hộ trong tòa án…; 2. Trần thuật mang tính hư cấu: tiểu thuyết, kịch, điện ảnh, trò chơi điện tử…; 3. Trần thuật mang tính giống như thực: quảng cáo, tuyên truyền…; 4. Trần thuật mang tính giống như hư cấu: giấc mơ, giấc mơ ban ngày, hoang tưởng…. Dựa theo tính chất của phương tiện, có thể phân trần thuật thành: 1. Phương tiện mang tính kí thực: lịch sử, tiểu thuyết, nhật kí, hoạt hình; 2. Phương tiện mang tính biểu diễn: kể chuyện, vũ đạo, kịch câm, hí kịch, điện ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử…; phương tiện tâm linh: giấc mơ, giấc mơ ban ngày…[13]
Nghiên cứu Tự sự học trong lĩnh vực khác ngoài văn học đã được các học giả Trung Quốc chú ý, ví dụ như Phó Tu Diên với Bước đầu tì hiểu tự sự thính giác, Lưu Bích Trân với Nghiên cứu tự sự wechat, Tăng Khánh Hương với Tự sự học báo chí … Chính những điều này cho thấy đề xuất xây dựng Tự sự học nghĩa rộng của Triệu Nghị Hành là có cơ sở thực tiễn. Nghiên cứu Tự sự học kinh điển thiên lệch khi chỉ chủ yếu tập trung vào kết cấu nội tại của văn bản tự sự văn học, coi nhẹ các thể tài khác. Bởi vì, bản thân tự sự là một hành vi đặc thù của con người, không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực văn học. Trong khi đó, một đoạn nhạc, một bộ phim, một bức họa, một toàn kiến trúc đều có thể được coi là một văn bản tự sự. Tham vọng thông qua con đường nghiên cứu liên ngành liên phương tiện, tiến hành phân loại tất cả các văn bản tự sự và tổng kết quy luật phổ biến của nó là một tham vọng táo bạo của Triệu Nghị Hành nói riêng, và của các nhà tự sự học Trung Quốc nói chung. Vấn đề lí thuyết này vẫn còn nhiều điều cần trao đổi, nhưng giá trị gợi mở của nó là không thể phủ nhận.
3. Kết luận
Mặc dù các hướng nghiên cứu lí thuyết Tự sự học ở Trung Quốc nhiều khi mới chỉ dừng lại ở đề xuất bước đầu, và cũng thường xuất phát từ những gợi ý từ lí luận văn học phương Tây, nhưng việc định hình và phát triển thành 5 hướng nghiên cứu cụ thể đã cho thấy sự chủ động của các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi tiếp nhận lí thuyết văn học nước ngoài. Chính điều này đã trở thành cơ sở để họ tiến hành nghiên cứu, phát hiện ra đặc sắc của lí luận tự sự và tác phẩm tự sự Trung Quốc, tham vọng xây dựng Tự sự học của riêng Trung Quốc (như cuốn Tự sự học Trung Quốc của Dương Nghĩa). Bản thân các nhà nghiên cứu Tự sự học Trung Quốc đã công bố những bài viết mang tính chất lí thuyết trên tạp chí quốc tế (như Thân Đan, nhiều lần công bố bài viết trên tạp chí Tự sự học của Mĩ). Như vậy, Tự sự học ở Trung Quốc đã đi từ tiếp nhận lí thuyết phương Tây đến chỗ có thể đối thoại với phương Tây, đây là một thành công không nhỏ của học giả nước này.
Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học
số tháng 1 năm 2017
* Tiến sĩ Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội, (1979 - )
[1] Thân Đan, Tự sự học và nghiêu cứu văn thể tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 1998
[2] Than Đan, Bổ sung và vay mượn lẫn nhau giữa thể loại học và tự sự học, Tạp chí Giang Hán luận đàn, số 3, 2006
[3] Than Đan, Đọc kĩ chỉnh thể và ý nghĩa tầng sâu – Đọc lại “Một phiến đoạn chiến tranh” của Stephen Crane, Tạp chí Nghiên cứu văn học nước ngoài, số 2, 2007
[4] Xa Cẩn Sơn, Ý tưởng về tự sự học so sánh, Văn học so sánh Trung Quốc, số 2, 2006
[5] Đàm Quân Cường, Tự sự học so sánh: Một trong những con đường nghiên cứu tự sự học Trung Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Giang Tây, số 3, 2010
[6] Đàm Quân Cường, Tự sự học so sánh: Một trong những con đường nghiên cứu tự sự học Trung Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Giang Tây, số 3, 2010, tr 37
[7] Đàm Quân Cường, Sự phát triển của lí luận tự sự và tự sự học văn hóa thẩm mĩ, Chiến tuyến tư tưởng, số 5, 2002
[8] Đàm Quân Cường, Lí luận tự sự trong ngữ cảnh nghiên cứu văn hóa, Bình luận văn học, số 1, 2003
[9] Đàm Quân Cường…, Tự sự học văn hóa thẩm mĩ: lí luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Trung Quốc, 2002.
[10] Long Địch Dũng, Tự sự học không gian – lĩnh vực mới của nghiên cứu tự sự học, Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm Thiên Tân, số 6, 2008
[11] Triệu Nghị Hành, Sau “bước ngoặt trần thuật” – tính khả năng và tính tất yếu của trần thuật học nghĩa rộng, Tạp chí Khoa học xã hội Giang Tây, 9-2008
[12] Triệu Nghị Hành, Tự sự học nghĩa rộng, Nhà xuất bản Đại học Tứ Xuyên, 2013
[13] Triệu Nghị Hành, Sau “bước ngoặt trần thuật” – tính khả năng và tính tất yếu của tự sự học nghĩa rộng. Tạp chí Tự sự, Nhà xuất bản khoa học xã hội Trung Quốc, 2009