Lý luận văn học

Ngôn ngữ thân thể trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh


15-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Lý

Vấn đề thân thể được văn học quan tâm từ rất sớm, thân thể từng xuất hiện trong ca dao, văn học trung đại, văn học hiện đại nhưng phải đến sau 1986, thân thể mới thực sự đậm nét trong văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng. Thân thể như một ngôn ngữ, một kí hiệu đặc thù sẽ là một góc độ nhiều hứa hẹn khi nghiên cứu “Nỗi buồn chiến tranh” nói riêng, và văn học Việt Nam sau 1986 nói chung.

I. MỞ ĐẦU:

“Ngôn ngữ” có hai cách hiểu, theo nghĩa hẹp là kho từ vựng và hệ thống các quy tắc ngữ pháp dùng để giao tiếp, truyền đạt tri thức, thông tin, bộc lộ tư tưởng tình cảm của con người; theo nghĩa rộng là tất cả những gì con người dùng để giao tiếp với nhau, lúc đó, những thứ con người dùng để giao tiếp như cử chỉ, điệu bộ, thân thể… đều trở thành kí hiệu chuyển tải ý nghĩa nhằm mục đích giao tiếp. Nhà triết học John Dewey từng nhấn mạnh: “Tuy vậy, khi cho rằng chúng ta không thể suy nghĩ nếu không có ngôn ngữ, chúng ta phải nhớ lại ngôn ngữ bao gồm một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với khẩu ngữ và văn bản. Điệu bộ, tranh ảnh, biểu tượng, hình ảnh, cử động của ngón tay – bất cứ thứ gì được chủ ý dùng làm dấu hiệu, xét về logic, chính là ngôn ngữ. Nói rằng ngôn ngữ cần thiết cho suy nghĩ cũng có nghĩa bảo rằng các ký hiệu là cần thiết” [1, tr.282]. Vì thế mà thân thể cũng là một ngôn ngữ, khi ngôn ngữ thân thể được nhận ra thì cái được thông báo lại nhiều hơn những gì được nói ra bằng lời. Trong giao tiếp, khoảng 60% thông tin được truyền đi từ phương tiện phi ngôn ngữ (nghĩa hẹp), trong đó, yếu tố thân thể góp một phần không nhỏ. Khi dùng để giao tiếp, truyền đạt thông tin, biểu đạt ý nghĩa, thân thể tồn tại như một kí hiệu, một loại “ngôn ngữ”(nghĩa rộng).

Vấn đề thân thể được triết học, mĩ học, văn học quan tâm từ rất sớm với những góc độ khác nhau. Gần đây, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa giải cấu trúc, đặc biệt là lí thuyết diễn ngôn quyền lực của Focault và lí luận chủ nghĩa nữ quyền, thân thể được coi như một hình thái ý thức, là sản phẩm được kiến tạo bởi các diễn ngôn xã hội. Do đó, thân thể không chỉ là yếu tố thuộc về lĩnh vực tự nhiên, mà còn là yếu tố thuộc về lĩnh vực xã hội, nó được xã hội tạo nên thông qua các diễn ngôn khác nhau, trở thành công cụ thể hiện các cơ chế văn hóa, xã hội, ý chí, quyền lực, tư tưởng, quan niệm… Thân thể trong văn học thực chất cũng là thân thể được kiến tạo và tồn tại trong một loại diễn ngôn đặc thù.

Thân thể từng xuất hiện trong ca dao, văn học trung đại, văn học hiện đại đầu thế kỉ, nhưng phải đến sau 1986, thân thể mới thực sự đậm nét trong văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng. Đám cưới không có giấy giá thú – Ma Văn Kháng, Bến không chồng - Dương Hướng, Bóng đè – Đỗ Hoàng Diệu, Thiên sứ - Phạm Thị Hoài, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… đều đậm đặc yếu tố thân thể. Trong bài viết này, người viết chỉ tập trung làm nổi bật vấn đề ngôn ngữ thân thể - một dạng kí hiệu biểu đạt ý nghĩa - trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu) của Bảo Ninh như một bước khởi đầu cho quá trình nghiên cứu ngôn ngữ thân thể trong tiểu thuyết sau 1986.

II. NỘI DUNG:

Sau chiến tranh, đặc biệt là sau đổi mới, văn học Việt Nam chuyển hướng quan tâm từ những vấn đề chung của cả cộng đồng dân tộc sang những vấn đề riêng, vấn đề cá nhân của mỗi con người. Lúc này, có một xu hướng viết về chiến tranh từ góc độ con người cá nhân xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Con người cá nhân với những giới hạn và sự mềm yếu được đặt trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc. Trong chiến tranh, vấn đề trung tâm chính là sự sống và cái chết, mà sự sống, cái chết không đâu bộc lộ rõ hơn so với bộc lộ trên thân thể con người. Đây có lẽ là một trong những lí do khiến Bảo Ninh tập trung tập trung khắc họa vấn đề thân thể con người trong tác phẩm đầy tâm huyết của mình. Qua tiểu thuyết thân thể hiện lên với những đặc điểm khác nhau, từ thân thể rạo rực tình yêu ban sơ đến thân thể đầy ham muốn dục vọng, thân thể đau đớn trong sự bị hủy diệt và quằn quại trong suy tư.

1. Thân thể rạo rực tình yêu ban sơ

Viết về tình yêu trong chiến tranh, văn học cách mạng thường chỉ nhấn mạnh phương diện tinh thần và nhìn nhận từ góc độ cái ta – cộng đồng, có động, nhưng không hề có chút rạo rực thân thể, kiểu như: “Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”(Tố Hữu). Văn học sau 1986 viết về tình yêu từ góc độ cá nhân, nên đã nhấn mạnh yếu tố thân thể - thân xác trong tình yêu đôi lứa. Không phải ngẫu nhiên mà khi phải sửa tên tiểu thuyết, Bảo Ninh đặt tên là Thân phận của tình yêu. Nói đến “thân phận” là nói đến sự yếu đuối, đau khổ của tình yêu trong sự tàn khốc của thời chiến. Để làm nổi bật điều đó, trước hết, Bảo Ninh tập trung khắc họa tình yêu đó lung linh với những rung cảm sáng trong và mạnh liệt đầu đời. Ấn tượng về tình yêu ban sơ thường đi liền với xúc cảm ban đầu của thân thể khi nhìn, đụng chạm với một thân thể giới khác. Thân thể Phương hiện lên đầy sức cuốn hút khó cưỡng lại: “thân hình mềm mại của người bạn gái… Và khuôn mặt trắng mịn… mái tóc ướt nặng, bờ vai, đôi chân dài, thân thiết, tuyệt mỹ” [4, tr.135]. Và “Kiên không nhận thấy mình đã bật mở hết cúc áo của Phương cho tới khi hai bầu vú trắng phau bật ra… Kiên không nhận thấy là miệng mình đã ngậm chặt lấy đầu vú của Phương… Anh mút nhè nhẹ” [4, tr.159]. Đó là thân thể của một nữ sinh mới lớn với những khao khát rất bản năng có phần phóng khoáng. Thân thể ấy lại được khắc họa trong không gian hồ Tây, gắn với thiên nhiên, là một phần của tự nhiên hay nói cách khác, nó chính là phần tự nhiên tuyệt mĩ nhất. Thân thể ấy đầy sức quyến rũ, lôi cuốn, mê hoặc đối với giới khác, và những hành động được thực hiện như bị mê hoặc của Kiên chính là cách để nhà văn nhấn mạnh sự hấp dẫn của thân thể nữ. Đó là thân thể báo hiệu sự nổi loạn của một cá nhân trong thời chiến, “vì sợ mà chẳng sợ gì nữa”.

Trên chuyến tàu đêm Phương tiễn Kiên vào tuyến lửa, sự sợ hãi lo âu xen lẫn lòng biết ơn Phương, hai người đã sống vội, sống gấp như ngày mai không còn được sống: “quấn chặt lấy nhau cả hai đều mê mẩn mù mịt trong mộng mị êm đềm ngây dại… Phương mềm mại, cựa quậy, ngoan ngoãn duỗi mình ra hay cuộn mình lại, thỏa mái, buông lơi, dại dột… hai đứa lúc thì nằm áp mà vào nhau, lúc thì nằm úp thìa, thanh thản, hài hòa và kỳ quặc” [4, tr.216]. Thân thể tuyệt đẹp của Phương khi tắm, chính giây phút này đã thay đổi tâm lí, chuyển hướng hành động của Kiên, bằng sự hẹp hòi u muội anh đã gạt Phương ra khỏi cuộc đời mình, mà trước đó anh từng muốn bỏ tất cả chỉ cần bên Phương, “Phương đứng thẳng. Tuyệt mỹ, ướt át đưa tay lên sửa tóc… rồi nhẹ nhàng như múa xoay lưng lại, uyển chuyển bước lên bờ. Không buồn nhìn ngó xung quanh… Hai cánh tay đẹp đẽ, hai bờ vai tròn lẳn, hai bầu vú nây rắn rung lên nhè nhẹ; cái eo mịn màng phẳng phiu, hơi thót vào một chút đến nỗi đám lông đen dày mịn giữa cặp đùi tròn trĩnh trông như một miếng đệm nhung; đôi chân đẹp như tạc, dài và chắc mềm mại với làn da như sữa đặc” [4, tr. 282].

Thân thể, vẻ đẹp của tạo hóa, là sự sống hạnh phúc được đề cao ca ngợi trong sự đối chất với chiến tranh. Một bên là sự tàn sát hủy diệt, một bên là vẻ đẹp thiêng liêng trong hoài niệm phồn thực, triết lý nhân sinh bắt nguồn sự sống. Vì thế thân thể cũng là quyền sống, sự thức tỉnh cá nhân, một phương diện nhận thức lại về thân phận con người.

2. Thân thể ham muốn nhục dục

Triết gia Jean Jacques Rousseau tác giả của cuốn Khế ước xã hội nổi tiếng từng nói: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn; Dục vọng là tiếng nói của thân thể”. (Conscience is the voice of the soul; the passions are the voice of the body). Có thể nói mọi quan hệ nhân bản đều có sắc thái giới tính (sexed), toàn thể đời sống tương quan, tất cả mọi ước vọng của con người, dù thuộc bình diện nào, cũng đều mang dấu ấn của kinh nghiệm mà chúng ta có về tính dục. Bên cạnh vẻ đẹp thân thể trong tình yêu thì thân thể ham muốn tính dục là một mảng khá đậm trong Nỗi buồn chiến tranh. Từ sự thiếu thốn đến cuộc làm tình trong tưởng tượng của Vĩnh: “hắn thường xuyên khoái trá…về những lần làm tình tưởng tượng vô cùng tham lam, phức tạp rất ngóc ngác, đầy kì thú” [4, tr.15], đến chuyện yêu đương kỳ lạ của phân đội trinh sát với ba cô gái Mây, HBia, Thơm thuộc khu trại tăng gia huyện đội 67 bị bỏ quên bên kia truông Gọi Hồn, họ tìm đến nhau không gì ngoài nhu cầu thỏa mãn những khát thèm đời sống dục vọng như để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc chiến, khi thân thể họ có thể mất bất cứ lúc nào. Hành động mà theo Kiên không phải là cả phân đội, nhưng không chỉ là vài ba cái bóng nào đó trong bấy nhiêu đêm, vượt qua những lý lẽ của người chỉ huy với những việc ngăn chạn, uốn nắn, chấn chỉnh, lặp lại nề nếp, đạo đức tác phong…Anh chỉ còn chọn cách im lặng, cảm thương để rồi: “Nhiều giờ sau khi các gã trai lần về, thở hổn hển, be bét bùn và run rẩy trong cái mát lạnh của trận mưa phùn ban mai thì Kiên cũng đã thức dậy, nhưng vẫn thế anh nằm im lặng nghe ngóng đếm từng bước chân rón rén, để rốt cuộc được trút một hơi thở phào mừng rằng may thay cả bọn đã bình yên trở về” [4, tr.31]. Ngay bản thân Kiên trong chuyến tàu đêm trở về, năm 1976 anh đã tìm thấy niềm vui, sự tận hưởng dục vọng như một sự bù đắp bên cô thương binh Hiền: “Suốt đêm, trong nhịp tàu dồn dập lắc lư, mặc kệ rằng xung quanh lính tráng đùa cợt trêu chọc, hai người thoải mái ôm xiết lấy nhau mà ngủ, cùng nhau nói mê, thỉnh thoảng thức dậy càng ôm chặt nhau, thỏa sức hôn hít nhau, sống gấp lên với nhau những cây số cuối cùng còn vương lại của tuổi thanh xuân chiến hào” [4, tr.86]. Hay trong câu chuyện của Kiên và thiếu phụ Lan ở Đồi Mơ là bản năng của sự đồng điệu tình yêu thương, của những thân phận lạc lõng nhiều hơn là tình dục, khi “Kiên ôm lấy Lan, riết vào ngực… Em sẽ nhớ anh mãi. Còn anh đừng quên hẳn em nhé, anh thân yêu tình cờ của em” [4, tr.59].

Gắn với tuổi thanh niên của Kiên trước khi nhập ngũ còn là thân thể đầy khơi gợi của chị Hạnh trong khu chung cư, thân thể căng tròn đầy sức sống đã cho Kiên những rối loạn đầu đời và rung lên niềm tê dại cháy khát: “Kiên thở hực lên… một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây ngây của đôi vai, của cặp vú mát rượi mồ hôi dưới làn áo mỏng” [4, tr.71]. Hay thân thể đầy bản năng giữa Kiên và người đàn bà câm, chị âm thầm cam chịu tính cách thất thường, khủng hoảng của Kiên: “chị chồm mình tới, choàng tay ôm lấy cổ anh, riết miệng vào môi anh một cái hôn xoắn riết, nóng rực và ươn ướt…. Và đêm ấy, còn im lặng hơn cả chị, anh chiếm đoạt chị một cách cuồng bạo, khốc liệt, giằng xé, thẳng thừng tàn phá, đâm vào chị nỗi đơn độc bí ẩn, sắc như dao, đầy hiểm nghèo của anh” [4, tr.129, 130].

Bản năng luôn có tính hai mặt, có thể nâng đỡ, khiến con người ta sống người hơn nhưng cũng có khi vì nhu cầu thỏa mãn ham muốn ích kỉ tầm thường bản thân, phần vì do thân phận con người mong manh giữa sự sống và cái chết trong cuộc chiến tranh vô cùng thảm khốc, khiến con người trượt qua ranh giới mong manh của phần “con” vô nhân tính. Việc Phương bị tước đoạt thân thể ngay trước mặt Kiên trên chuyến tàu đêm không chỉ khiến Phương buông xuôi, bất cần “Đời là thế, cái số đã định rồi”?… Quên hôm qua đi. Cũng đừng lo lắng ngày mai” [4, tr.274 - 275], mà còn cả với Kiên trong niềm vô thức dằn vặt của thời hậu chiến, hình ảnh chuyến tàu đêm luôn ám ảnh anh, khi: “Phương nằm sấp trên sàn… hai tay nàng chống xuống như cố nhổm dậy, mặt ngước lên… Tóc nàng đổ xõa ra… miệng Phương,… đang bị một bàn tay to xù bịt chặt… một thân hình đen trũi kềnh càng nào đó đang nằm đổ ập lên người Phương… ý nghĩa của cảnh tượng thô bạo đó, anh chỉ kịp thấy là nó bất thường” [4, tr.218]. Cuộc chiến ác liệt thêm vào đó là sự khác nhau về quan điểm sống, quan điểm mà Phương dường như đã được dự báo là khác thường, khác người và không hợp thời ấy kết hợp với nỗi đau về tâm hồn thể xác như lằn sâu khoảng cách giữa hai người.

Ngoài ra, việc miêu tả dáng đi “đung đưa toàn thân” của Phương được lặp đi lặp lại còn như một mã kí hiệu về thân phận, số phận người phụ nữ. Lần đầu trong cơn loạn lạc, thân thể Phương hiện lên qua lời nói đám lính chiến trong trường học bỏ không ở Thanh Hóa: “Cổ cao, trắng, mặt rất là…Hả? Dáng đi đung đưa uốn lượn, rất bổ con mắt… đúng à?” [4 tr.278], khi Kiên nhìn Phương tắm: “Nặng nề, Kiên đưa mắt nhìn với theo mãi dáng đi thong dong uyển chuyển, đung đưa toàn thân của Phương” [4, tr.283], khi Kiên bị thương ở viện 211 Phương hiện lên trong nỗi nhớ “…là cái cách nàng đưa tay lên sửa tóc, là cái điệu nàng quay đầu khi nhìn lại, là dáng đi mềm mại đung đưa toàn thân của nàng” [4, tr.165], hay qua đám bạn nghệ sĩ của Phương: “Còn nó, xin nói để anh biết: những con đàn bà mắt hơi hiếng hiếng lại đong đưa tất tật đều là phường trụy lạc nhất đời, dù cũng chẳng có cái giống gì đáng yêu hơn chúng”[4, tr.185]. Thân thể của Phương được miêu tả như là kí hiệu đầy khơi gợi bản năng về người con gái nhan sắc, thông minh, quyến rũ, chủ động, nhiều khát khao; có phần buông thả, phóng đãng như báo trước thân phận nhiều gian truân, sóng gió dập vùi của người phụ nữ.

Miêu tả thân thể dục vọng, bản năng cũng là để tố cáo chiến tranh với sức tàn phá, hủy diệt ghê gớm, không cho con người có quyền được sống như chính họ mong muốn và khát khao. Vì thế đó là một biểu hiện của tư tưởng nhân văn cao đẹp, một tiếng nói cho khát vọng con người.

3. Thân thể đau đớn trong sự bị hủy diệt

Nói đến chiến tranh là nói đến sự mất mát, tang tóc, thê lương, là nỗi đau thể xác, nỗi quặn thắt về tâm hồn cho cả bên thắng và bên thua. Dưới góc nhìn cá nhân của Kiên - một người lính trinh sát - chiến tranh hiện lên thảm khốc, ác liệt mạng sống con người trở nên vô cùng mong manh, bé nhỏ. Như một nghịch lý, chiến tranh không tan hoang, bi đát mà lành lặn trở về lại như một điều không bình thường. Nỗi đau thân thể trên chiến trường Cánh Bắc của mặt trận B3 nơi Kiên từng chiến đấu và giờ quay lại trong đội thu lượm hài cốt, cùng với “những bọc ni lông gói hài cốt tử sĩ xếp lát trên xe”, [4, tr.6] là những hình ảnh kinh hoàng mùa khô ấy hiện về, đó là những người lính “lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi dụi vào biển lửa”, “máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét…thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng” [4, tr.7]. Thân thể trong lúc khốn cùng nhất hiện lên thật kinh hoàng, trong tiếng hô của tiểu đoàn trưởng “Thà chết không hàng” là hành động “mặt tái nhợt, hoảng hốt… ngay trước mặt Kiên anh ta tự đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai… Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa… mồm và vết thương không ngừng nhỏ máu, thứ máu của xác chết, lạnh và nhớt. Rắn rết bò qua người anh. Thần chết sờ soạng” [4, tr.7]. Lần theo kí ức là những cái chết của đồng đội hiện lên, đó là cái chết của Vân “chết cháy cùng chiếc T54 đầu đàn”, Thanh “chết ở Cầu Bông khi bị thiêu trong quan tài thép cùng với tổ lái” [4, tr.12], Can trong lần đảo ngũ không thành bị cơn lũ cuốn đi “xác lở loét, ốm o như xác nhái…Mặt của xác chết quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục… [4, tr.26], Thịnh con thì “đạn trúng tim, không kịp kêu lên một tiếng, ngã sấp”[4, tr.39]. Đó còn là cái chết của Quảng – người tiểu đội trưởng đầu tiên của Kiên, khi Quảng biết mình không thể sống, muốn giải thoát khỏi sự đau đớn đang hành hạ về thân thể, anh đã vừa ra lệnh vừa như năn nỉ Kiên “Bắn anh đi em… Thương anh đừng bắt anh lê lết mãi… Anh khổ quá rồi xương gãy hết cả, ruột nữa… đứt hết…” [4, tr.105]… Cảnh chiến đấu thiếu thốn ác liệt, đầy đọa, khổ cực đến thê thảm vì cái đói rét, bệnh sốt rét rừng: “sốt rét triền miên, thối hết cả máu… những lở loét cùng người như phong hủi… Mặt mày ai nấy như lên rêu. Ủ dột. Yếm thế. Đời sống mục ra” [4, tr.18].

Trong cái nhìn của Kiên, chiến tranh là tang tóc mất mát không kể ta hay địch, ẩn sâu trong cách viết là một nỗi thương cảm của tình người trong tình thế bắt buộc phải chiến đấu. Thân thể những tên viễn thám sát hại ba cô gái liên lạc Mây, Thơm, Hơbia khi bị bắt và đối diện với cái chết thì thân hình “siêu đổ hầu như không còn trọng lượng…ghé mắt xuống chân Kiên ư ử rên lên, và ằng ặc nấc lên, hắn quằn quại không thốt ra lời” [4, tr. 42 - 43]. Cái chết không chỉ hiện về trong kí ức dằn vặt, mà nó còn hiện hình trong những trang viết của Kiên: “Những xâu lính Mỹ trẻ măng mình mẩy không chút sây sát, người ngả đầu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn năm dưới những ngách hầm ngầm bị tống pháo thủ”, trên những trang viết của Kiên ai đã đọc đều hình dung ra “những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ… Có thể tận mắt ngắm sườn đồi Sáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt một mái nhà lợp bằng thây người” [4, tr.98]. Những cái chết trên trang văn của Kiên thật đa dạng, phải chăng trong lòng cái chết không là một điều gì khủng khiếp, chết cũng là trở về trong sự bình yên, thanh thản, tự do, chân chính. Khi đó con người được là chính mình, trong sâu thẳm tình người không phân chia rạch ròi giữa mình với họ.

Ngoài bổn phận của người lính chiến đấu cho lí tưởng còn thấy một tình thương yêu đồng loại, khi cần sát mặt có thể nổ súng hạ sát đối phương, nhưng cũng có khi là sự thương cảm khi mà đối phương không còn khả năng phản kháng đã khiến Phán vô cùng ân hận, rồi cả đêm chạy tìm gọi trong cơn lũ rừng ghê gớm “Ngụy ơi! Ngụy ơi… Nghĩ đến cảnh ngộ của anh ta lòng tôi đau đớn cuồng thắt… Kinh hoàng, tôi lao đầu chạy, có nhẽ khi ấy tôi đã phát rồ”. Cuối cùng Phán nói một điều như chân lý về sự thức tỉnh ý thức cá nhân, một cách nhìn nhận lại về thân phận con người trong cuộc chiến: “Chẳng thắng chẳng thua, cả hai đều tan nát nhừ tử” [4, tr.101- 102]. Thân thể con người còn bị hành hạ tàn sát cả khi cuộc chiến tranh kết thúc, cả khi chết. Trong cảnh hân hoan của ngày chiến thắng ở Tân Sơn Nhất, thân thể con người ngổn ngang khắp nơi, xác một cô gái đã chết bị kéo sền sệt quăng mạnh, liệng bổng lên, “cái xác trắng rợn bay chênh chếch, rơi thịch xuống cạnh mấy cái thây lính dù chưa ai dọn” [4, tr.114].

Thân thể không chỉ là của cái “tôi là thân xác, thân xác là tôi, tôi là xác tôi” [6, tr.34] hiện hữu nơi trần thế, theo Giáo sư Trần Đình Sử thì thân thể “còn là những bí ẩn chỉ thấy khi nghĩ đến”[5]. Quan niệm của Phật giáo thì cho rằng: trừ cõi duyên giác, thanh văn, súc sinh, địa ngục những cõi giới còn lại đều có thể tác động đến thế giới con người. Nói đến thân thể trong Nỗi buồn chiến tranh không thể không nhắc tới tác động của thế giới vô hình vào cõi giới con người, nó trở đi trở lại đầy ám ảnh, day dứt như một ngôn ngữ, một câu hỏi lớn của những người đã chết đối với những người còn sống, đối với cuộc chiến tàn khốc mà những như Kiên đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân.

Thế giới vô hình hiện lên khiến cái truông vô danh trở thành truông Gọi Hồn, những âm hồn bơ vơ quy tụ để điểm danh: “Đôi khi, có lẽ là vào những kỳ lễ lạt nào đó của giới các âm hồn, các toán quân đã chết của tiểu đoàn lại tụ họp trên trảng như là để đểm danh”, thân thể có khi lại là sự hóa thân qua tiếng chim “khóc than như người”, hay máu xương hóa thân cho cây cỏ sự vật: “Và tìm khắp Tây Nguyên cũng không thể thấy ở đâu như ở đây các loại măng lại nhuốm một màu đỏ dễ sợ đến vậy, đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu” [4, tr. 8]. Không chỉ là thân thể âm hồn của người lính mà còn là “hồn ma của các dân thường nữa... những linh hồn lở loét không manh áo che mình” [4, tr.9], đó còn là những âm thanh “tiếng cười ảo não và thương tâm vô cùng... tiếng cười sởn tóc gáy... Rền rĩ, rùng rợn, man rợ…”[4, tr.107-108], “nhưng anh em khác trong đội hài cốt thì đã từng nghe thấy người chết đàn và hát” [4, tr. 99].

Miêu tả nỗi đau, sự mất mát thân thể trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh muốn lên án sự tàn khốc của chiến tranh. Trong tiểu thuyết, hình ảnh máu, thịt, xương trở đi trở lại đầy ám ảnh, đặc biệt là hình ảnh xích xe tăng còn dính thịt người, hay thân thể vượn - người mà đám lính bắn nhầm về định ăn cho đỡ đói. Từ xưa, người ta đã quan niệm rằng, thân thể là thứ không biết nói dối, đó cũng là lí do vì sao các chế độ đều áp dụng phương thức tra tấn hành hạ trên thân thể con người. Thân thể là nơi cảm nhận mọi thứ xung quanh, buồn vui đau đớn sung sướng khổ đau…Dùng thân thể để khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh là một cách hết sức hữu hiệu, ấn tượng và đầy ám ảnh.

4. Thân thể quằn quại trong suy tư, bi kịch

Nỗi đau về thể xác có thể dần nguôi ngoai cùng năm tháng nhưng nỗi đau về tinh thần luôn thường trực không nguôi, những kỉ vật chiến tranh Kiên đã phải chịu đựng: “hết hồi ức này đến hồi ức khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng” [4, tr.50]. Tuổi thanh xuân anh đã hiến dâng cả cho cuộc chiến, giờ còn lại gì ngoài nỗi trống rỗng, trống trải, cô đơn, bất lực trong cuộc sống hiện tại. Dường như khi cố vượt thoát thì anh lại càng vùng vẫy sâu hơn trong cái bể kí ức mà anh đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho lí tưởng: “Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đẫm gối bởi nhớ nhung, bởi thương tiếc và cay đắng ngậm ngùi… Suốt đêm tôi trôi dạt trong bể khổ thời Mậu Thân”[4, tr. 49]. Nỗi đau về thân thể của thân phận kiếp người tàn lụi sau cuộc chiến, của cô gái làng chơi là em một người bạn chiến đấu của Kiên: “nhỏ nhắn, ngang tàng, nhưng xanh xao phờ phạc, cô ăn mặc phong phanh và rõ ràng là bị đói” [4, tr.77], thân thể tàn phế của Sinh: “Ước gì có cách nào tự chết ngay cho chóng cuộc đời. Thân phận những thằng bị thương như mình bị chiến tranh đoạt mất tự do có khác nào thân phận nô lệ” [4, tr.85]. Thân thể không chỉ trong đời sống hiện tại mà nó còn dằn vặt, dày vò cả trong những cơn mơ dồn ép Kiên vào bế tắc: “Kiên choàng tỉnh bắt gặp mình không phải ở trên giường mà vật vã, dúi dụi dưới sàn nhà nước mắt ướt mặt, run lên vì lạnh, vì khiếp đảm, vì tê dại trong lòng một niềm thương thân não nùng và vô duyên cơ” [4, tr.76]. “Và đôi khi giữa đêm, lòng tràn tuyệt vọng anh nấc lên, nước mắt giàn giụa, phải thúc mặt vào gối cho đến kỳ ngạt thở…Anh biết chỉ có biện pháp duy nhất để thoát khỏi tình trạng yếm thế thê thảm này là Phương trở về, là anh lại được nhìn thấy nàng, để lại cùng nhau lặp lại nỗi thống khổ” [4, tr. 91].

Bi kịch của Kiên còn là bi kịch về nỗi khát khao không thành trong cuộc sống hiện tại. Trở về sau cuộc chiến Kiên trở thành nhà văn với mong muốn dùng ngòi bút của mình để tái hiện cuộc chiến, anh coi nghiệp viết lách như một cứu cánh, viết để quên, để nhớ, để cứu rỗi, “để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống” [4, tr.172], thân thể của một nhà văn chân chính đầy mâu thuẫn, đau đớn: “Đời anh từ bấy lâu nay còn gì hơn là viết, mặc dù là viết khổ viết sở, như đập đầu vào đá, như là tự tay tước vụn trái tim mình, như là tự lộn trái con người mình” [4, tr.171], và không phải cuộc sống hiện tại, hay tương lai tươi sáng nâng đỡ tâm hồn anh mà trái lại: “những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay” [4, tr.51]. Trong tiềm thức xáo trộn dù có “uống say mèm”, “đánh lộn”, rồi cả “nỗi đau ngày xưa”, những cay đắng tủi hổ hồi ức trần trụi đè bẹp ý chí của anh.

Đó còn là nỗi đau thân thể, thân phận, nỗi bi kịch những con người thời hậu chiến ở  khu chung cư nơi Kiên sống. Bà giáo Thủy ở tầng một “góa chồng từ ngoài đôi mươi…nay phải lòng ông Tư bán sách”, anh Cường ở tầng ba “rượu vào lên cơn hùng hổ dạy vợ….nhè ngay đầu bà mẹ đẻ ra mình mà hạ đo ván”, ông Tánh cán bộ quân nhu về vườn “quá nghèo khổ… sinh quẫn ông toan tự tử một lần bằng thừng, một lần bằng thuốc trừ sâu”, bà cụ Sen “mù lòa, góa bụa, mẹ của hai liệt sĩ bị vợ chồng anh cháu họ lập mưu cướp mất nhà và đẩy cụ nằm chết trong sở điên Trâu Qùy”, là Bảo mới được ân xá từ trại Hỏa Lò lại có dáng dấp của “một đời chân tu… tấm lòng chân thực trong sáng ngây thơ và khắc khổ” [4, tr.66]. Nghĩa là thế hệ, số phận con người đều là nạn nhân của những “vụ mùa chiến tranh liên miên” tàn khốc, đây chính là mã chiều sâu tự nhận thức, nhận thức lại về cuộc chiến, về thân phận con người, thân phận tình yêu. Như vậy, thân thể thực ra là một kí hiệu, và con người qua các thời đại lại có những diễn giải về nó.

III. KẾT LUẬN:

Thân thể trong Nỗi buồn chiến tranh là một kí hiệu, một “ngôn ngữ không lời” lên án, phê phán sự tàn khốc của chiến tranh: Chiến tranh hủy hoại, tàn sát, hủy diệt từ cỏ cây, hoa lá, thân thể đến cả tâm hồn người. Bên cạnh đó, thân thể trong tiểu thuyết còn là xu hướng giải thần thoại về khí chất đàn ông trong nghĩa vụ cấu tạo cuộc đời “đối lập bản chất tự tôn, anh hùng của người nam với tiềm năng tự tại, nhẫn nhục nơi người nữ” [3]. Đọc tác phẩm, người đọc không tìm thấy niềm tự hào, kiêu hãnh của người đàn ông khi dấn thân vào cuộc chiến phục vụ cho cộng đồng, mà chỉ thấy những cảm nhận đau đớn về thể xác và cô đơn, lạc loài, đến bế tắc về tinh thần. Tuy nhiên, cách viết này còn hiểu như một phản đề để nhấn mạnh, trân trọng hơn giá trị của hòa bình mà chúng ta đang hưởng ngày hôm nay. Chúng ta đang sống trong hòa bình được đổi bằng thân thể của bao người thanh niên trai tráng, bao đau thương mất mát của mấy thế hệ người. Thân thể như một ngôn ngữ, một kí hiệu đặc thù sẽ là một góc độ có nhiều hứa hẹn khi nghiên cứu Nỗi buồn chiến tranh nói riêng, và văn học Việt Nam sau 1986 nói chung.

(Bài đã in trong Kỉ yếu Hội thảo Kí hiệu học, Đại học Sư phạm Hà Nội)

ThS Nguyên Văn Lý, hiện là NCS Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1. John Dewey (2015), Cách ta nghĩ, Nxb Tri thức, Hà Nội.

2. Triệu Nghị Hành (Đỗ Văn Hiểu dịch, 2012) Kí hiệu học là gì? Nhà xuất bản Đại học Nam Kinh, tr1-7. Website: https://dovanhieu.wordpress.com/2016/04/29/ki-hieu-hoc-la-gi/

3. Thụy Khuê (1992), Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Website: http://thuykhue.free.

4. Bảo Ninh (2005), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

5. Trần Đình Sử (2006), Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê, Website: https://

Trandinhsu.wordpress.com/2013/04/04/ngon-ngu-than-the-trong-tho-bich-khe/

6. Nguyễn Văn Trung (1968), Ngôn ngữ và thân xác, Nhà in Trình Bầy, SaiGon.


* Nghiên cứu sinh K34, Lý luận văn học, Trường ĐHSP Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020