Lý luận văn học

Thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên


15-10-2020
Tác giả: Lê Lưu Oanh – Đinh Thị Nguyệt

Không chỉ là nhà thơ sáng tác nhiều thơ tứ tuyệt (384 bài, chiếm 42% sáng tác, tính theoTuyển tập Chế Lan Viên và 3 tập Di cảo), Chế Lan Viên còn được coi là một trong những nhà thơ làm thơ tứ tuyệt thành công nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Tứ tuyệt của Chế lan Viên (TTCLV) mang một vẻ đẹp truyền thống hài hòa với vẻ đẹp hiện đại.

Là một thể thơ có từ lâu đời, với hình thức cô đọng, tứ tuyệt đòi hỏi với một số lượng ngôn từ ít nhất, phải đem đến một thông tin nhiều nhất về bản chất đời sống, chiều sâu cảm xúc, tầm cao sức khái quát, tạo được những gợi cảm và âm vang thơ đặc biệt. Để đạt được điều đó, tứ tuyệt có những góc độ nhìn nhận thế giới và những nguyên tắc thẩm mĩ đặc thù. Tứ tuyệt thường miêu tả những khoảnh khắc dồn nén bản chất của quá trình đời sống. Hiện thực trong tứ tuyệt được tỉnh lược tối đa. Các chi tiết được chọn thường là những chi tiết đắt giá, mang tính bản chất cao. Bị hạn chế trong miêu tả chiều rộng hiện thực, tứ tuyệt dồn khả năng nghệ thuật vào chiều sâu khái quát, triết lí. Do đó, các cặp phạm trù đối lập diễn tả sự vận động của thế giới thường được chú ý: hữu hạn-vô cùng, khoảnh khắc-vĩnh cửu, có-không, động-tĩnh, thực-hư…Giá trị khái quát đời sống đưa tứ tuyệt đến gần hình thức siêu cá thể mang tính phổ quát cao. Bài thơ là một cấu trúc hoàn thiện, chuẩn mực và cân xứng. Câu kết, từ kết thường đưa bài thơ hướng tới những đột ngột, bất ngờ, tạo sức vang…

***

TTCLV thể hiện rất rõ những đặc trưng truyền thống loại hình mang tính bền vững, như một phương diện “hữu hạn” của ý thức nghệ thuật, vừa cho thấy sự sinh thành, vận động và phát triển của thể loại tứ tuyệt. Với phong cách độc đáo, Chế Lan Viên đã mang lại những đóng góp mới cho thơ tứ tuyệt Việt Nam tiến thêm một bước.

1. TTCLV là một góc nhìn hẹp nhìn ra thế giới vô cùng.

Bước vào thế giới TTCLV, ấn tượng đầu tiên là người đọc có cảm giác như đang  được ở trong thế giới của chính cuộc đời mình, bởi thế giới ấy có một không gian cuộc đời rất thực với những tên đất, tên sông quen thuộc: Huế, Vĩnh Linh, Cửa Việt, núi Yên Tử, chùa Hương, rừng Cúc Phương, thôn Dương Liễu, ngõ Tạm Sương...; với những sắc màu, âm thanh, hình ảnh thường nhật: một phố dài bóng nắng cây hai dãy, một mảnh vườn nhỏ tràn mùi hương, một nhành cây buông trái ngọt bên thềm…; với những con người, những cuộc đời và những khổ đau, hi vọng, hạnh phúc, buồn vui rất thật… khiến ta cảm thấy thân thương, gần gũi.

Chưa hết bâng khuâng, xao xuyến với những gì rất đỗi thân quen người đọc lại được nhà thơ dẫn vào không gian vũ trụ cao rộng, xa lạ của những thiên hà, sao Chổi, sao Hôm, sao Mai, Thiên đàng, Ngân hà, Đại dương… Bước một bước nữa, người đọc lại lạc vào mê lộ của một không gian vô chiều, mơ hồ, hư ảo với những cõi trường sinh, cõi ẩn hình, cõi không, cõi quên, xứ không mầu, miền xưa, miền quá vãng, rừng nhân ảnh, bến lú, sông Tương, trời mây dĩ vãng, đền kỉ niệm…

Nếu chỗ đứng của nhà thơ thường được xác định bằng một vị trí khiêm nhường trong đời thường (căn nhà nhỏ, hè phố, quê mẹ, một vùng đất, vùng quê cụ thể…) với những tư cách bình dị (nhà thơ, người tình, người con, một công dân…), thì cái nhìn của nhà thơ không hề bị hạn chế bởi những không gian cụ thể mà luôn có xu hướng vươn tới một không gian rộng lớn hơn, vời vợi hơn, và càng ngày càng siêu thực hơn: từ bảy thước phố nghĩ đến muôn dặm tìnhmột trang giấy hóa chân trờigiấc chiêm bao bay vượt nghìn sông núi, mộtmàu hoa giấy đủ gọi con người trở về dẫu đang vui muôn dặm trời mây khác…

Không gian trong TTCLV được mở rộng bằng không gian tâm tưởng. Ở trạng thái tự ý thức, khi ngấm nỗi cô đơn, con người dường như thấy không gian xung quanh mình vắng rộng thêm ra:

Em ra đi, anh dọn lòng anh lại

Một mình anh, trận đánh chẳng cân bằng

Một mình anh chống với cả mùa mưa lũ

Với cả màu mây trắng, chỉ mình anh

(Trận đánh)

Cảm giác cô đơn càng tăng, không gian càng mở rộng, từ trận đánh (một không gian có giới hạn), đến mùa mưa lũ (không gian dài rộng), đến tận màu mây trắng (không gian mở đến vô tận). Khi ví lòng anh thành bến thu, nhà thơ đã mở ra một không gian vô bờ, vĩnh cửu của sự chờ đợi, nhớ mong, khắc khoải trong lòng người (Lòng anh làm bến thu).

Chiều thứ tư-chiều tâm linh, tinh thần của không gian, nơi trú ẩn của những băn khoăn, trăn trở, bàng hoàng, thảng thốt của con người về cuộc đời, nhất là khi con người muốn đối diện với cõi tâm linh của mình trên bước đường tiến về cõi vô cùng, thường được nhắc đến:

Miền nội tâm anh, dặm tinh thần anh là ngàn lau xao xác ấy.

Bạc trắng ngàn lau cũng là tuổi thơ anh thường nhắn gọi anh về

(Lau-2)

Nhà thơ lấy cái xào xạc, bạt ngàn, hiu hắt của lau ví với miền xưa, miền quá vãng, miền nội tâm, nơi chứa dặm tinh thần, ngàn kỉ niệm. Như một ám ảnh khôn nguôi về một miền quá vãng đầy nuối tiếc, một cõi quên đầy bí ẩn, hình ảnh ngàn lau được nhắc đến nhiều lần, gợi sự hoang lạnh, mịt mù, vô định của cõi hư vô:

Tất cả những nơi cư trú khi con người không về đấy nữa

Thì biến thành rừng hoang kỉ niệm, hóa lau le

(Ngàn lau)

Người đến tìm anh sau này chỉ thấy trắng lau le

(Lau-2)

Thế giới vô cùng đã được diễn tả bằng những không gian cấp vĩ mô với vạn thiên hà, vạn sông hồ, vạn trời mây, vạn khoảng trời, vô hạn, nghìn sông núi, ngàn lau, muôn dặm trời mây khác…Không chỉ là những con số thực và cụ thể, ngàn, vạn, muôn nghìn ở đây là những con số tượng trưng, thể hiện sự xa rộng, vô cùng của thế giới.

Nếu như màu sắc đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc không gian thì màu sắc trong TTCLV góp phần tạo nên một không gian cao rộng, khoáng đạt vô tận từ những gam màu sáng, xanh, trắng được gợi từ những mây trắng, lau trắng, trời xanh:

Nguy nga dựng vòm mây trắng; Chiến khu phương hướng ấy trắng mây trời; Ngàn lau xao xác trắng; Giật mình thấy một sắc không xanh; Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi…

Từ một góc độ hẹp, không gian trong TTCLV luôn vươn tới tính chất mở, đưa tâm hồn đến một không gian khoáng đạt và còn vượt ra ngoài không gian để đến với những miền còn bí ẩn của thế giới vô cùng của trời đất và lòng người. Sự hướng ra thế giới vĩ mô từ góc nhìn vi mô ấy mang đậm dấu ấn của một cảm quan triết học phương Đông.

2. nh viễn hóa khoảnh khắc, nhờ cái thoáng qua để nắm bắt cái vĩnh cửu là cách cảm nhận độc đáo của TTCLV về thời gian, về sự tồn tại của con người trong thế giới.

Thường gặp hơn cả là những thời điểm mang tính tâm trạng: nhớ thương, nuối tiếc, đợi chờ, cô đơn… Chỉ một ngày nữa thôi, nhưng là một ngày để nhớ, để mong, để chờ. Đó là khoảnh khắc được gọi thành tên:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay

Khách thể hóa đối tượng mang tâm trạng bằng sự vật (nắng, cây, ngõ, bướm), để tâm trạng đó như không là của ai, mà như là của cả thế giới, của tất cả những ai từng khắc khoải đợi chờ, những ai từng thấm thía mỗi phút đợi chờ sâu một bể thời gian. Cũng như vậy, chỉ một giây phút em ra đi mà lòng anh hóa thành bến thu, mùi hoa dại giữa một trưa nắng Côn Sơn không chỉ thơm giờ khắc ấy mà thơm từ thời Nguyễn Trãi đến thời ta, màu lau trắng man mác thuở Nguyễn Du bạc xóa đến bây giờ.

Còn rất nhiều những khoảnh khắc bừng sáng của nhận thức, khoảnh khắc con người “đốn ngộ” chân lí cuộc sống:

Bốn năm đạn lửa chim bay hết

Nay tiếng bom im cánh biếc về

Tiếng hót đầu tiên ơ lạ lắm

Cả làng rưng lệ đứng nghe im

(Cánh biếc Vĩnh Linh)

Một tiếng chim làm con người nhận ra sự sống được hồi sinh. Đó là khoảnh khắc hóa đá của thời gian. Khoảnh khắc bừng tỉnh, cũng là khoảnh khắc có ý nghĩa trong nhận thức về cuộc đời. Từ sự thấm thía cái lạnh vừa và lạnh gắt của hai đợt gió mùa trong những lúc cô đơn, con người chợt nghĩ đến một cái lạnh khác còn đáng sợ hơn tất cả, đó là sự lạnh lòng, sự thay đổi tình cảm:

Từ lúc em ra đi, hai lần gió mùa đông bắc thổi qua phòng

Lần trước lạnh vừa, lần sau lạnh gắt

Ở đất nước đánh giặc này, ta chỉ sợ gió mùa, không sợ giặc

Chỉ sợ lòng mình, ai sợ gió mùa đông

(Gió mùa đông bắc)

Với những số đo của khoảnh khắc: một vài, một phút, một bữa, trưa nay, một ngày, thình lình, thoáng chốc, hai lần…và những số đo của vĩnh cửu: muôn đời, một đời, mùa xuân bất tử, ngày bất tử, đến tận bây giờ… nhà thơ đã đưa những khoảnh khắc thơ vào vĩnh viễn. Để từ đó, không chỉ là nắm bắt những quy luật vĩnh cửu của quá trình đời sống mà còn muốn được từ cái hữu hạn của hiện tượng, sự vật để suy ra cái vô hạn của chính nó, để nối một với muôn đời.

3. TTCLV là một cái nhìn đa diện về thế giới và con người, dù bị hạn chế bằng hình thức nhỏ của thể loại, với cách mở rộng hiện thực bằng đề tài, sự chiếm lĩnh chiều sâu hiện thực bằng cách tăng tính khái quát triết lí ở chủ đề và sự thể hiện con người nhiều chiều.

Mọi đề tài như tình yêu, lao động nghệ thuật, lãnh tụ, mẹ, thiên nhiên…đều có thể tìm thấy ở TTCLV. Tứ tuyệt về tình yêu của Chế Lan Viên không có cái sôi nổi, cái si mê cuồng nhiệt, cái vồ vập của tình yêu tuổi trẻ, mà có cái đằm thắm, kín đáo, đầy ý nhị của người đứng tuổi với tất cả các cung bậc tình cảm: có nỗi nhớ da diết (Chim cu gáy, Mây của em), có sự khắc khoải đợi chờ (Tập qua hàng), cái nồng nàn sâu lắng của lòng yêu như lửa đỏ, nhưng âm thầm kín đáo với vẻ ngoài cứ trắng như không (Hoa trắng đỏ).

Thiên nhiên với cỏ cây, hoa lá cũng ùa vào TTCLV tạo thành một khu vườn ấm áp, đầy sự sống, đặc biệt với các loài hoa: Hoàng thảo hoa vàng… chợt nhớ ra; Man mác hoa lau trắng; Lăng vua hoa đại rơi đầy lối; Năm cánh dẻ vàng rơi mặt đất; Rực rỡ mùa hoa giấy suốt hè… Hoa không chỉ là hiện thân của cái đẹp mà còn được coi như sự hiện hữu của thiên nhiên vĩnh hằng, là sự sống bất diệt, là số đo của sự tuần hoàn muôn đời…

Bao quát mọi đề tài của cuộc sống, từ những vấn đề giản dị nhất đến những vấn đề có ý nghĩa lớn lao; với một hệ thống đề tài phong phú, đa dạng, hiện thực TTCLV đã vươn đến mọi khía cạnh của cuộc đời.

Tăng tính khái quát triết lí ở chủ đề là một cách chiếm lĩnh chiều sâu hiện thực trong TTCLV. Phong cách triết lí của Chế Lan Viên đã sở đắc với thể loại tứ tuyệt, một thể loại giàu sức khái quát và triết lí. Từ một chi tiết, một hình ảnh cụ thể, Chế Lan Viên bao giờ cũng cố gắng phát hiện cái cốt lõi trừu tượng, một ý vị triết học đời thường sâu sắc. Từ một tên ngõ, nhà thơ vừa chơi chữ, vừa nghĩ về lẽ đời, về sự chung thủy sâu thẳm:

Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Sương

Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm

Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm

Thương một đời đâu phải tạm thương

(Chơi chữ về ngõ Tạm Thương tức Tạm Sương)

Từ tương quan giữa lá và hoa, nhà thơ nghĩ về mối quan hệ biện chứng nội dung và hình thức trong nghệ thuật (Nội dung và hình thức), từ tên một con sông, một bến nước, ông lí sự về độ sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn (Bến Lú-Sông Thương)…Tìm ra cái khái quát từ cái cụ thể, phát hiện quy luật, chân lí từ những hiện tượng, chiều sâu hiện thực trong TTCLV không hề bị giới hạn bởi cách nhìn tổng hợp được cả ưu thế của phong cách và thể loại.

Nếu coi sự phong phú và mở rộng về đề tài và chủ đề là dấu hiệu khách quan đầu tiên đem đến tính hiện đại hóa về nội dung hiện thực thì TTCLV đã được hiện đại hóa về nội dung hiện thực.

4. Tương ứng với quan niệm về thế giới và con người, TTCLV có những nguyên tắc thẩm mĩ đặc thù không chỉ làm nổi bật đặc trưng bền vững mà còn phá vỡ thế ổn định tạo nên sự vận động của thể loại tứ tuyệt.

4.1 Khắc phục hạn chế về quy mô phản ánh hiện thực của thể loại bằng những ẩn dụ độc đáo. Trong tương quan các ẩn dụ, hiện thực được phản ánh không chỉ hạn hẹp ở bề mặt những hình ảnh cụ thể mà còn được mở rộng ở nhiều tầng ý nghĩa. Được xây dựng bằng các loại ẩn dụ, thế giới trong TTCLV hiện ra lung linh sắc màu, vừa thực vừa ảo, tầng tầng lớp lớp đan cài lẫn nhau.

Loại ẩn dụ phổ biến nhất là các ẩn dụ đơn. Bên cạnh việc sử dụng các ẩn dụ đơn truyền thống: Như Lai. Ngưu Lang, Chức nữ, nhà thơ còn sáng tạo nhiều ẩn dụ đặc sắc như Sóng: Nỗi lòng người tha phương (Nghe sóng), bể: sự từng trải đời (Bể), Sông Tiền Đường: không gian định mệnh (Đọc Kiều), mây trắng: cõi vĩnh hằng (Kỉ niệm Nguyễn Du)…

Tuy nhiên, sức hấp hẫn tạo nên ma lực của TTCLV phải kể đến những ám ảnh của các ẩn dụ kép: thuyền-bến, sen-bùn, trắng-đỏ, bình minh-hoàng hôn, hoa-đá, ong-hoa-mật, lá-hoa, rễ-hoa, sao Hôm-sao Mai, hạt sương-mạng nhện, ngọc trai-bể, đá nhỏ-thành xây, tro-lửa, sông Hồng-sông Thương, tuyết-bùn…Ý nghĩa của cặp ẩn dụ được nâng lên cấp lũy thừa theo quan hệ logic hình thức và nội dung của những cặp hình ảnh được nhắc đến. Nó tạo cảm giác đời sống con người và đời sống tự nhiên luôn vận động khôn cùng, theo cùng một nhịp điệu và luôn có những mối dây liên hệ bền chặt mà sâu thẳm. Và chỉ có chính những đặc tính phong phú của tự nhiên mới có thể diễn đạt nổi mọi tầng bậc phức tạp, bí ẩn của đời sống tinh thần con người.

Chế Lan Viên còn sử dụng một loại ẩn dụ đặc biệt: ẩn dụ nhiều tầng. Mỗi hình ảnh không phải mang một mà nhiều nghĩa ẩn dụ ngay trong một văn cảnh cụ thể:

Miền nội tâm anh, dặm tinh thần anh là ngàn lau xao xác ấy

Bạc trắng ngàn lau cũng là tuổi thơ thường nhắn gọi anh về

Cả những hạnh phúc mất đi, đẵn đi rồi hóa thành lau lách

Người đến tìm anh sau này chỉ thấy trắng lau le

(Lau-2)

Lau và màu bạc trắng cùng nơi cư trú của nó: nơi hoang vu, vắng lạnh, lại như là hiện hữu của một tuổi thơ xa vời vợi, của một cõi tâm linh hoang dại, mênh mông và bí ẩn suốt đời xao xác không bình yên, là hình ảnh của những bất hạnh trở thành cỏ dại trong tâm hồn, là dấu vết của một miền hư vô, cõi siêu thực mà con người rồi ai cũng bước tới.

Có thể nói, với hệ thống ẩn dụ đặc sắc, mỗi bài thơ TTCLV chứa đựng trong nó nhiều tầng hiện thực hơn khả năng hình thức thể loại cho phép phản ánh trực tiếp.

4.2  Tăng tính khái quát, triết lí trong thơ bằng kết cấu đối lập. Là một nhà thơ quen nhìn sự vật từ hai bề đối lập, Chế Lan Viên phát hiện và nắm bắt nhanh hơn, sâu sắc hơn những quy luật, chân lí của đời sống. Đặc điểm ngắn gọn, hàm súc với tính khái quát cao của tứ tuyệt đã yêu cầu nhà thơ sử dụng kết cấu đối lập không chỉ như một nét đặc sắc của phong cách cá nhân mà là sự cần thiết của phong cách thể loại. Đặc điểm này của thể loại đã gặp gỡ nét phong cách ưa triết lí của nhà thơ, tạo nên những thăng hoa trong sáng tạo với tỉ lệ thành công cao. Các phạm trù đối lập được sử dụng khá nhiều: thật-giả, thực-hư, có-không, hữu hạn-vô cùng, trắng-đen, sáng-tối, ẩn –hiện, lạnh lẽo-nồng nàn, im lặng-xôn xao, thiên giới-trần gian, thoát tục-đời phàm…

Kết cấu đối lập thường dựa trên sự tổ chức các ý thơ, cảm xúc, hình ảnh, ngôn ngữ: hai tư tưởng siêu hình và duy vật (Hai câu hỏi), vị nghệ thuật và vị nhân sinh (Đi thực tế), quê hương quen mà lạ (Trở lại An Nhơn), tên thật-tên giả (Hai danh hiệu), ngoài rêu phủ, trong ánh lửa (Đá), ý thẳng-nhạc vòng (Vần), tro tàn-lửa đỏ (Tro và lửa), ngõ bảy thước-lòng muôn dặm (Chơi chữ về ngõ Tạm Thương), một giọt mật đời-vạn chuyến ong bay (Ong và mật)…Với kết cấu đối lập, thế giới trong TTCLV hiện ra với những mặt đa dạng, vừa tương phản, vừa bổ sung, luôn luôn vận động, bài thơ tăng ý nghĩa triết học, đi dần về phía chân lí, mang tính phổ quát cao.

4.3 Mở rộng và hiện đại hóa nội dung hiện thực bằng câu thơ định nghĩa và sự sáng tạo từ ngữ

Câu thơ định nghĩa là kiểu câu thơ gắn liền với biện pháp so sánh, ẩn dụ. Bằng hình thức diễn đạt của câu thơ định nghĩa (Năm chiến trận hoa là vũ khí; Hạnh phúc màu hoa lau), một sự vật, hiện tượng được làm sáng tỏ, mở rộng ý nghĩa, đặc biệt là ý nghĩa cảm tính, trực giác, ấn tượng. Với mỗi một cách định nghĩa, sự vật được soi chiếu ở một góc độ nhất định, góp phần diễn tả sự phong phú, sâu rộng, phức tạp của cuộc sống. Đưa ra những cách định nghĩa, Chế Lan Viên đã thể hiện cách cảm thụ thế giới riêng biệt, độc đáo:

Anh là tháp Bayon bốn mặt

Dấu đi ba còn lại đấy là anh

Chỉ với một định nghĩa về anh như vậy, người đọc cần phải biết: Tháp Bayon là gì? Ở đây? Tượng trưng cho cái gì? Tại sao lại có bốn mặt? Mỗi mặt mang ý nghĩa gì? Từ đó mới có thể thấu hiểu sự bí ẩn và phức tạp của đời sống một cá thể trong cõi nhân gian.

Có định nghĩa đi từ trừu tượng tới cụ thể, đưa ý niệm trở nên dễ cảm nhận, dù sự so sánh rất trực giác:

-Miền nội tâm anh, dặm tinh thần anh là ngàn lau xao xác ấy

-Biệt li màu rách xé

-Nghìn câu thơ nước chảy

Thế giới hiện thực trong TTCLV còn được hiện đại hóa bằng một hệ thống từ ngữ tân kì, độc đáo. Có một thế giới đa sắc, được miêu tả bằng những từ ngữ chỉ màu sắc phong phú, khác lạ, màu của ấn tượng:

-Hoa phong lan nửa tím, nửa màu…em

-Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực

Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu

Những động từ rất mạnh, sắc:

-Nước mắt treo cầu vồng

-Mùi hương rọi khắp trời

-Hãy im nước biếc, im màu liễu

Im bớt màu hoa đỏ cạnh hồ

4.4 TTCLV đã phá vỡ tính siêu cá thể của thể loại bằng cách đưa cái tôi cá nhân vào thơ. Tính phổ quát của tứ tuyệt khá cao vì tứ tuyệt truyền thống thường lược chủ thể, làm cho cái nhìn, lời nói trong thơ như là không của ai, trở thành lời nói, cái nhìn siêu cá thể. Câu thơ tứ tuyệt truyền thống thường lược chủ thể mà cũng không hướng tới ai “Nó chỉ biểu hiện cái nhìn và sự trầm tư nội tại nên cũng ít có khả năng thể hiện cụ thể giọng điệu, tiếng nói của con người (Trần Đình Sử: Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giaó dục 1995). Nhà thơ cũng ít xuất hiện như chủ thể của một cái nhìn trong thơ, nếu có thì họ tự gọi mình bằng những danh từ chung chung: thi nhân, khách, lữ khách. Với cái nhìn siêu cá thể ấy, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế chỉ là cái cảm biết của một khách trên thuyền, cònTính dạ t nói tới nỗi nhớ quê hương da diết trong lòng Lý Bạch mà như đang nói nỗi lòng của ai khác. Câu thơ TTCLV được giải phóng khỏi sự gò bó của niêm luật, được tạo dáng lại thành câu thơ điệu nói, thành lời nói có chủ thể với các đại từ xác định:

Anh trút tình thương trong sắc biếc

Ru cho em ngủ giấc trưa lành

Sự mở rộng câu thơ tứ tuyệt cũng là sự thể hiện tư tưởng và tình cảm con người cá thể một cách toàn vẹn, đầy đặn và tự do. Lời thơ là lời nói trực tiếp hàng ngày, là lời phân trần, kể lể có ngữ điệu tự nhiên của cảm xúc cá nhân:

Đột ngột cây chiều xanh mướt xanh

Thôi rồi em hẳn nhớ mong anh?

Sự xuất hiện thường xuyên các từ đệm (thì, là, mà…), các từ để hỏi (vì sao, sao, làm chi, chi), các từ mệnh lệnh (hãy, đừng), các dấu hỏi, dấu cảm, chấm lửng (?, !, …), cách ngắt câu mang nghĩa biểu cảm, tạo cho người đọc cảm giác: cái tôi cá nhân tự bộc lộ, đối thoại, tự tâm sự:

Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy

Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều

Với những từ miêu tả trạng thái: nhớ, mong, chờ, tiếc, sợ, quên, câu thơ có cấu trúc giãi bày trực tiếp, thành thực:

Không em anh sợ qua vườn

Sợ mùi hương, sợ mùi hương nhắc mình

Và dầy đặc các từ diễn tả thế giới thông qua cảm xúc: nước hồ xao xuyến, hồn cây lao xao, đài hoa bịn rịn, cành hoa hờn dỗi, thơm bổi hổi bồi hồi, sắc mai cười.

Bằng điệu nói, câu thơ TTCLV phá vỡ cấu trúc tĩnh của thể loại, làm lời thơ tăng tốc độ qua những câu ngắt, ngừng, nghỉ, hỏi dồn dập:

Sáng nay ra đường gặp ai? Gặp đóa súng hồng

Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy

Đến nỗi anh qua rồi, quay ngoắt lại

Hỏi “Hoa súng hồng, hoa súng hồng, mày có phải hoa không?”

***

Với một “cách nhìn thể loại”, một” thế giới quan thể loại” độc đáo, sự kết hợp hài hòa phong cách thể loại và phong cách cá nhân của TTCLV đã đem lại những đóng góp đáng ghi nhận cho lịch sử thơ tứ tuyệt Việt Nam.

( Tạp chí Văn học, số 8/1998)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020