Lý luận văn học

Thơ Bích Khê – Một thể nghiệm thơ tượng trưng


15-10-2020
Tác giả: Lê Lưu Oanh- Tô Tố Quyên

Với một cách nhìn mang tính tượng trưng về nghệ thuật, thế giới và con người, Bích Khê đã đóng góp một vị trí đáng ghi nhận trong lịch sử thơ ca dân tộc. Đó là sự trình bày cái bên trong, cái tinh thần, giấc mơ, cõi vô thức dưới một cách cảm nhận thế giới mới mẻ (sự tương hợp cảm giác) và bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt (câu thơ biểu tượng và câu thơ âm nhạc). Có thể nói, với Bích Khê, câu thơ Việt Nam tuy còn cầu kỳ, nhân tạo nhưng đã có một dáng vẻ mới lạ, độc đáo và thú vị.

Trên tiến trình văn học Việt Nam 1930-1945, phong trào thơ Mới là một quá trình hiện đại hoá thơ ca dân tộc với những bước phát triển đặc thù, thể hiện sự chuyển biến của tư duy nghệ thuật cận đại sang tư duy nghệ thuật hiện đại trong sự hội nhập với thơ ca thế giới.Trong đó, những dấu hiệu của khuynh hướng tượng trưng (bên cạnh khuynh hướng lãng mạn tồn tại như dòng chủ lưu của thơ mới), được coi là những cách tân, thể nghiệm táo bạo nhằm đưa lịch sử thơ mới tiến thêm một bước với những giá trị nghệ thuật mới.

Bên cạnh nhóm Xuân Thu với một tuyên ngôn nghệ thuật và những bài thơ giàu chất tượng trưng như Buồn xưa (Nguyễn Xuân Sanh), Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ), Bích Khê là một trong những thi sĩ, dù vẫn nằm  dòng thơ lãng mạn, nhưng đã có xu hướng vươn tới lĩnh vực thơ ca tượng trưng với một thế giới nghệ thuật độc đáo mà Chế Lan Viên đã gọi là “một đỉnh núi lạ” trong lịch sử thơ mới.

***

Thơ tượng trưng xuất hiện ở phương Tây từ thế kỷ 19. Ở Pháp có Bôđơle, Veclen, Ranhbô, Malacmê…, ở Nga có Ivanốp, Belưi, Blôc… Thơ tượng trưng phủ nhận hiện thực, coi hiện thực hàng ngày là cái tầm thường, ít ý nghĩa, vì thế nó hướng tới một thế giới huyền bí của cõi tâm linh con người, nơi người bình thường không vươn tới và nhận biết được, chỉ thi sĩ là người có những khả năng kỳ diệu mới có thể thâm nhập và biểu đạt được nó. Về cách thể hiện, thơ tượng trưng muốn xoá bỏ cách bộc lộ của thơ lãng mạn thông qua việc không miêu tả trực tiếp sự vật và bày tỏ nỗi lòng. Nhà thơ tượng trưng muốn giấu đi những tình cảm có thật, những lời giải thích mà chủ yếu thể hiện cái ảo giác, lôi cuốn người đọc bằng sự ám thị (gián tiếp) chứ không bằng những tình cảm trực tiếp. Thơ tượng trưng chủ yếu hướng tới khơi gợi cái bí ẩn kỳ diệu nên giải mã các hình ảnh và biểu tượng thường là mục đích nghiên cứu thơ tượng trưng. Để diễn tả được những bí mật thầm kín, kỳ lạ của đời sống tâm linh con người, thơ tượng trưng phải tìm đến một thứ ngôn ngữ “phi thường” mang ý nghĩa đặc biệt, kỳ ảo. Do đó, ngôn ngữ thơ tượng trưng phần nào mất đi ý nghĩa thông thường, trở thành phương tiện thôi miên, khơi dậy những cảm giác mơ hồ không xác định, làm thơ trở nên bí hiểm, mang tính hình thức và duy mỹ.

Có thể nhận thấy thế giới nghệ thuật trong thơ Bích Khê là một cấu trúc thế giới mang tính tượng trưng. Bởi ta gặp trong đó một cõi đời đầy mộng ảo xa lạ với cuộc sống hàng ngày, nơi tồn tại phiêu diêu của phần tâm linh bí ẩn, là một cõi trời huyền bí của thế giới cái đep, thế giới thơ ca, trong sự hoà điệu nhịp nhàng tương ứng của mọi màu sắc, hương thơm với những âm thanh và biểu tượng kỳ lạ.

***

Thơ Bích Khê là tiếng nói về cái bên trên cuộc đời. Thi nhân cho rằng sống trong cõi mộng cuộc đời mới có ý nghĩa. Vì vậy, thế giới trong thơ ông đã được sắp xếp lại theo một ma lực huyền diệu đầy quyến rũ.

Một cõi đời thăng hoa thành cõi mộng. Bước vào thơ Bích Khê ta như lạc vào cõi mộng. Trong Thơ Bích Khê có đến 71 lần thi nhân nhắc đến mộng và 3 lần khẳng địnhngoài trời là mộng cả. Cõi mộng ảo và chiêm bao ấy được hữu hình qua nhiều tên gọi:mộng tiên, mộng người, mộng vừng trăng, mộng cầm ca, mộng ảnh, mộng quỳnh dao, mộng thiên tài, mộng cố hương… Mộng, theo tâm lý học, vừa là sản phẩm của quá trình tưởng tượng, vừa là sự nhập thân của chủ thể vào quá trình tưởng tượng đó. Cõi mộng là một thế giới tách biệt với hiện thực, thể hiện những ý muốn chủ quan, những khát vọng riêng tư mà không chịu sự kiểm soát của lý trí. Khi nhập thân vào mộng, con người hoàn toàn tin vào sự tồn tại khách quan của những thứ ảo huyền do chính mình tưởng tượng ra. Điều này phù hợp với quan niệm về thế giới của thơ ca tượng trưng với mục đích là chối bỏ hiện thực để diễn tả một thế giới siêu nghiệm đầy bí ẩn của cõi tâm linh con người thể hiện qua những cảm giác và những ký ức chập trùng, qua những biểu tượng mơ hồ, bí ẩn, hình ảnh của tiềm thức, qua cái hư ảo…

Vì thế, mọi dấu vết của cuộc đời thực trong thơ Bích Khê đều hoá thành mộng ảo, chiêm bao: tiếng đàn tì bà hay như từ cõi khác vọng về, mỹ nhân đẹp như chỉ có trong giấc mộng, quả măng cụt biến thành khối ngọc, nước mắt người là những dòng châu, đêm trở thànhkhông gian tơ gợn sóng, điệu nhạc gây hoa mộng ngát trời mây, người say rượu hoá thành người đi đuổi bắt nàng thơ trong giấc say… Mộng là một thực thể trong cõi tinh thần, có vận động, có cảm giác: yêu bằng mộng là mơ tim sáng láng, mộng rứng bồi hồi, mộng bay ngàn dặm với thơ bay. Mộng là thứ men nồng say đắm lòng người: Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao. Mộng còn bao phủ bằng màu sắc: mộng rớt như chất ngọc, mộng như ngà, mộng rất xanh, mộng trắng phau phau, mộng trắng tợ hoa lê, mộng nở hoa, mộng ngời lên.

Cõi mộng chính là hữu hình hóa của thế giới tâm linh sâu thẳm và vô thức bí ẩn với những ảo giác kỳ lạ. Thế giới ấy thật bao la khôn cùng với một không gian – thời gian không xác định, không vị trí, không giới hạn, mở ra hai chiều vô biên và vĩnh viễn. Đó là không gian bát ngát, vô bến bờ: không gian là bát ngát, cõi mê ly không bờ bến. Không gian ấy lại rất mơ hồ, xa xôi với muôn trời, tứ hướng, mười phương, ngàn khơi, xa khơi… bên những địa danh siêu thực: cung Thiềm, cung Quảng, đào động, suối ngọc tuyền, bến Tầm dương, sông Ngân… những không gian chỉ các miền không xác định mang dấu ấn vĩnh cửu trong tiềm thức nhân loại. Bên cạnh đó, trong 75 bài thơ, ta gặp 61 lần từ muôn với muôn trời, muôn xuân, muôn nơi, muôn cành, muôn bậc, muôn lòng, muôn tình, những từ chỉ số nhiều không đếm xuể mang ý nghĩa chỉ sự tồn tại bền vững mang tính bất diệt của trạng thái thế giới. Thời gian của cõi mộng cũng đầy huyền hoặc. Có một khoảng thời gian gợi cảm hứng của thi sĩ rất nhiều: đêm (51 lần), một khoảng thời gian vừa cụ thể vừa siêu thực phù hợp với những giấc mộng, với sự tinh thức của thế giới tâm linh vốn rất bí ẩn, mong manh, mơ hồ của con người. Cõi mộng đêm ấy luôn sáng bừng, lộng lẫy, đẹp vô bờ như là ảo giác với những đêm kim sa, đêm hồng, đêm vàng, đêm tơ, đêm ngủ mơ, đêm nhung, đêm ngời ngọc châu báu…

Cõi mộng ấy là nơi hội tụ đủ mọi hồn từ hồn thi sĩ, hồn thơ, hồn xạ hương, hồn tình lang, hồn nàng đến hồn thu, hồn hoa, hồn xạ hương, hồn vũ trụ. Từ mộng đến hồn, các chủ thể tâm linh đã được khách thể hoá để cùng gặp gỡ, kết hoà, giao cảm nơi cõi mộng huyền bí:Hồn say trong mơ màng, Hồn ta? hay là hồn tình lang, để cùng phiêu diêu trôi dạt, hiện hữu: Đêm nay hồn lặng làm sao, Cánh thu ôm cả chiêm bao vào lòng; Hồn tôi đã thoát để tiêu dao; Để hồn trôi dạt cõi xa mơ; Hồn theo với nhạc hồn ơi là hồn.

Con người ở cõi miền tâm linh và mộng ảo ấy dường như không còn ở trạng thái ý thức mà đã hoàn toàn đắm mình trong vô thức. Các trạng thái ngất ngây, đê mê, ngây ngây, phiêu diêu, tê mê… là phổ biến. Say là đỉnh điểm của vô thức luôn được đẩy đến tận cùng với say im, say no, say nghiền, say lươt mướt, say ngấm, say mất mây, say mơ và chết say. Ở trạng thái này, con người thoát khỏi mọi ràng buộc thể chất, mất dần ý thức mà hoà nhập tột cùng trong những ấn tượng và cảm giác. Phút say là phút tâm hồn thi nhân thăng hoa, nhập hẳn vào cõi mộng, bước sang miền Sáng tạo, lạc vào địa hạt huyền bí của Nghệ thuật:

Ôi say khướt mới dào tuôn ý tứ
Ôi điên rồ mới hớp ánh trăng sao

Cõi Mộng (cõi tâm linh, vô thức) là đường đưa người thơ đến xứ sở Huyền diệu (cõi Thơ).

***

Một cõi trời huyền diệu và bí ẩn với những âm thanh kỳ diệu, sắc màu “phương phi” và sự tương giao cảm giác. Theo Hàn Mạc Tử: “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì thực tế trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao thì lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu”. Nếu cõi chiêm bao ấy là thế giới tâm linh bí ẩn thì địa hạt huyền diệu này chính là khu vườn nghệ thuật (cõi Thơ).

Nơi đây, thế giới hoà tan trong Nhạc. Thi nhân từng tuyên bố: Ngoài trời là nhạc cả. Vậy nên, âm nhạc bao trùm thấm đượm và tan hoà vào cảnh vật và con người:

Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu
Đàn giây trinh bạch khóc mướt trong mơ

Nàng ơi đừng động, có nhạc trong giây
Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trời mây
(Nhạc)

Một khúc mộng cầm ca cất lên, dù chỉ là trong ảo giác, nhưng đã khiến cả một bầu trời huyền diệu hợp về. Nơi đó có hương dạ lan, hồn xạ hương, hơi thở hoa hồng, không gian tơ, mắt mùa thu xanh tợ ngọc… Mọi hoạt động, cử chỉ con người trong thế giới này đều là nguồn cội của âm thanh: Nàng hé môi ra bay điệu nhạc, Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường. Thiên nhiên, từ nắng gió đến hương hoa, màu sắc đều trở thành những ký hiệu của nhạc: Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc; Nắng có nhạc chớp đầy hương lạ; Gió đi chới với trong khung trắng, Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca. Nhạc chính là nhịp điệu của cõi trời huyền diệu này. Nhịp điệu ấy được đo bằng xao động của cảnh vật: rung rinh điệu ngọc, những cánh hồng đơm, nhẹ nhàng, gợn gợn… Nhạc chan chứa lan truyền mọi nơi mọi chốn, từ miền vũ trụ bao la đến chốn tiềm thức tâm linh bí ẩn mà thiên đường là biểu t­ượng: Muôn ngọc nữ uốn mình lượn sóng xiêm nghê, Diễm lệ Hằng Nga bước xuống đền, Điệu ca thần diệu vẳng đưa lên. Nơi đây, giai nhân dìu thi sĩ trong ý nhạc diệu huyền. Đó chính là phút giây sáng tạo được hữu hình hoá: Cô dẫn hồn tôi trên sóng múa.

Nhạc không chỉ là nhịp điệu của thế giới huyền diệu mà còn là nhịp điệu của vũ trụ, của thế giới tâm linh sâu thẳm, là nhịp điệu của hồn thơ, của sáng tạo. Nhìn thế giới bằng con mắt âm nhạc chính là một bước đi của thơ ca tượng trưng với tuyên bố của P.Veclen, thi sĩ nổi tiếng của trường phái thơ tượng trưng Pháp: Âm nhạc đi trước mọi thứ.

Bên bầu trời đầy nhạc, thế giới huyền diệu đó còn rực rỡ ánh sáng, chan chứa hào quang. Tự nó đã lung linh, huyền ảo, mỹ lệ: Trăng dệt gấm mà sao thêu kim tuyến; Cả không gian ngời kết ngọc kim cương; Lầu ai ánh gì như lưu ly; Động đào nguyên chấp choá ánh lưu ly… Đó là không gian của xà cừ, san hô, kim cương, lấp lánh đẹp như trong giấc mơ vậy. Những sắc màu “phương phi” (chữ của Hàn Mạc Tử), một kho châu báu ấy quả thật chỉ có ở thơ Bích Khê.

Không chỉ là một thế giới hoà điệu âm thanh và sắc màu, thế giới này còn được xây nên dưới cái nhìn tương ứng cảm giác. Nơi đây mọi sự vật đều được cảm nhận qua các cảm giác về âm thanh, sắc màu, mùi vị tương giao, một biểu hiện của cách cảm nhận thế giới độc đáo mà Bôđơle, một trong những đại biểu của trường phái thơ ca tượng trưng Pháp đã phát hiện và đề cao. Con người được biểu tượng qua âm thanh (miệng như đàn, nói ra thành điệu nhạc), qua hương thơm (nàng là hương hay nhan sắc lên hương), những cảm giác sắc ngọt (cười trắng thuỷ tinh, mắt rất mát). Ánh trăng được nhân linh hoá qua từng hành động:trăng nhòm sấp ngã, trăng ngủ, trăng rờn, trăng ôm niềm tóc bạc, trăng say, trăng bỗng ngây khờ. Cõi vô thức của tâm linh với những ý niệm vô hình thoắt thành cụ thể qua hình ảnh, màu sắc: mộng trắng phau, mộng nở hoa, mộng trắng như ngà, hồn hé nhạc thắm như hoa, hồn về trên môi… Âm thanh, hương thơm, màu sắc và cảm giác của làn da, hơi thở… tất cả đều chuyển hoá, tan hoà, cộng hưởng, dẫn người đọc đi vào vùng siêu cảm. Mùi hương có trọng lượng, có hơi ấm, có âm thanh và ánh sáng: Hương ngọt ngào ánh sáng chớp mau mau; Vườn thơm khua sắc mát; Thân nhịp nhàng lòng nghe hương nằng nặng; Cười thơm như ngọc dội hương vang; Nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc. Mùi hương tràn ngập, bao phủ nơi đây: thơm như sữa lúa, hồn xạ hương, hơi thở hoa hồng, đỉnh trầm hương. Nơi đây thực sự là cõi đẹp tuyệt vời, nơi ngự trị của thơ ca.

Xứ sở diệu huyền còn được định hình qua sắc đẹp giai nhân: Đêm ru huyền ngủ mê trên mái tóc, Vài chút trăng say đọng lại ở làn môi; Suối tóc mát nhúng trong vùng mộng tuyết; Mỗi cái ngó là một vì sao mọc, Mỗi liếc yêu là phảng phất mùi hương. Giai nhân chốn này không chỉ là đại diện của sắc đẹp thông thường mà là tượng trưng của cái Đẹp, của Thơ ca, của Nghệ thuật, mà chỉ có Nhạc, có Hương thơm, có Sắc màu của xứ sở huyền diệu mới là thước đo tương ứng của Nàng. Hay nói ngược lại, cái Đẹp và Thơ ca trong giấc mộng thi ca hiện hữu ở vẻ đẹp giai nhân:

Gió đi chới với trong khung trắng
Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca
Tôi ráp lại xem: Ồ sự lạ
Một người thiếu nữ hiện trong trăng

Lòng khát khao chiếm lĩnh người đẹp trong một loạt bài thơ (Cô gái ngây thơ, Tranh loã thể, Thơ bay, Ngọc, Sắc đẹp, Một cõi trời…) không nên hiểu đơn giản là chuyện Truỵ lạc và Cuồng dâm (dù chính nhà thơ đặt tên như vậy cho chủ đề loại thơ này) mà chính là niềm say mê cái Đẹp tột cùng đến mức mê sảng, mất lý trí, là nỗi khát khao điên cuồng chính phục cái Đẹp và Nghệ thuật, bởi đối với thi nhân, người đẹp chính là Thơ Ca!

Mọi trạng thái xúc cảm con người nơi đây bỗng hoá thành mờ nhạt trong sự thăng hoa của cảm giác. Dù đó đây ta vẫn gặp những xúc cảm cụ thể, trực tiếp như: Anh ghì lấy ảnh. Những đau thương, Thấm tận lòng anh khổ chán chường, Sao xanh lợt phím tơ hồng, Gió ơi là gió! buồn đong thơ về, song tỉ lệ những câu thơ đó không nhiều. Cái chủ yếu chúng ta cảm nhận được trong thơ Bích Khê là tiếng nói bí hiểm của cảm giác, bởi đằng sau cái miêu tả, cái biểu đạt, nhà thơ đã dấu đi cái biểu hiện, cái được biểu đạt. Vườn thơ Bích Khê rất đẹp, lộng lẫy và tinh tế song cũng rất mơ hồ về nghĩa bởi thiếu đi những cảm xúc thật và những chi tiết đời sống hiện thực. Thế giới ấy thuyết phục và quyến rũ người đọc chủ yếu bằng cách khơi gợi, bằng ám thị. Nó là một thế giới chỉ có thể cảm thấy mà không thể hiểu được. Đó là một “cõi đời ở ngoài trời”, trùng khít với Cõi Đẹp, Cõi Thơ.

Thế giới thơ, theo thi nhân, là một cõi trời xa với một không gian bất tận và vĩnh viễn. Thơ là tinh hoa, là bí ẩn của trời đất, là nhịp điệu của vũ trụ, là chốn tương giao của mọi vẻ đẹp: nhạc điệu, sắc màu, hương thơm và giai nhân. Thơ là những ảo giác kỳ diệu. Đó là một thế giới vĩnh hằng của Mộng, của Tâm linh, của Thơ ca. Cấu trúc thế giới nghệ thuật thơ Bích Khê mang tính tượng trưng vì lẽ đó.

***

Để tái hiện được cõi mộng như một thế giới siêu nghiệm huyền bí, thơ tượng trưng đã nỗ lực tìm kiếm những phương tiện ngôn ngữ đặc biệt với mục đích tự thân. Thứ ngôn ngữ đó đòi hỏi phải có được những ý nghĩa lạ thường khác biệt để diễn tả được những bí ẩn của thế giới tâm linh. Bởi như P.Veclen từng nhận xét: các tư duy cũ đều trở thành bất lực, không diễn tả nổi cái mơ hồ, cái vi diệu, cái lo âu, phiền muộn, mơ ước.

Bích Khê đã chuyển thế giới mộng ảo và huyền diệu ấy sang nhạc điệu, hình ảnh, ngôn ngữ. Sự sáng tạo tuy mang dấu vết kỹ thuật và duy mĩ, nhưng lại thể hiện một năng lực tâm hồn lạ lùng khiến ông có những câu thơ hay vào bậc nhất của thơ Việt Nam (theo Hoài Thanh) và không hề giống ai đến tận ngày hôm nay.

Quan niệm thơ là nhạc đã khiến Bích Khê sáng tạo nên câu thơ nhạc như một cách tân về hình thức. Điều này đã được nhiều nhà thơ, nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến [Xin xemBích Khê – nhà thơ thần linh (Hàn Mạc Tử); Thơ Bích Khê (Chế Lan Viên); Bích Khê – sự thức nhận ngôn từ (Đỗ Lai Thuý)…]. Trước hết đó là những bài thơ những câu thơ dùng toàn vần bằng hoặc vần bằng làm chủ âm, tạo cảm giác đặc biệt, kỳ lạ:

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung thương
Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
(Tỳ bà)

Bài thơ nhẹ như hơi thở, như tiếng nhạc đang lan toả và bay bổng trong không gian với các âm vang mở dầy đặc (nàng, mang, nàng, tang, lang). Đã từng có thi nhân làm thơ toàn vần bằng (Giang hồ mê chơi quên quê hương – Tản Đà; Sương nương theo trăng ngừng lưng trời, Tương tư nâng lòng lên chơi vơi – Xuân Diệu), song không nhiều… Bích Khê dùng vần bằng toàn bộ ở hai bài, như chủ âm ở năm bài và lẻ tẻ ở rất nhiều câu. Lối thơ bình thanh này tạo ra một âm hưởng buồn sâu lắng, cảm giác trong nhẹ, dễ thăng hoa, như dẫn con người vào chốn xa xăm mơ hồ nào đó…

Bích Khê thiên về lối gieo vần cùng dòng như là những nốt luyến láy của bản nhạc, tạo nên hoà âm du dương:

Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi
(Hoàng hoa)

Đêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu
(Nhạc)

Về nhịp điệu, theo Hàn Mạc Tử, lối ngắt mạch ở chữ thứ tư của Bích Khê trong câu tám chữ cùng lối gieo vần lưng khiến cho bài thơ như hai bài tứ ngôn song hành:

Ôi nắng vàng thơ, rung rinh điệu ngọc
Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm
(Nhạc)

Có những bài thơ làm theo lối thơ vắt dòng của Pháp, tạo nhịp điệu tân kỳ và ý nghĩa lạ lẫm:

Thoảng tiếng gáy của cu
Cườm, hiu hiu vàng đượm

Bích Khê sử dụng rất nhiều biện pháp hoà âm: điệp phụ âm đầu (Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương; Núi vía vọng gì để vấn vương), điệp vần trong câu gây cảm giác hô ứng lan truyền (Hồn dạ hương phơ phất ở trong sương; Tình tang tôi nghe như tình lang). Sự đi về, lan toả của các âm tạo nên sự nhịp nhàng của giai điệu thơ.

Các điệp khúc mang tính nhạc được tạo nên từ những điệp từ và điệp cú pháp được sử dụng với tần số cao: Hoàng hôn ở bên cồn, Bên cồn ô cô thôn, Cô thôn ô trúc vàng; Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà; Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say. Bài Thi vị là sự hoà hợp tuyệt đối của thơ và nhạc trong việc sử dụng điệp ngữ và cú pháp tạo nên sự nâng cao, xoáy sâu, cao trào và lịm tắt của âm nhạc:

1. Lá vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rung tiếng
Người yêu đương ngồi…

2. Trăng vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn nghẹn tiếng
Người yêu đi rồi…

3. Hoa vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rụng tiếng
Người yêu đi rồi

4. Sao vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn câm tiếng
Người yêu xa rồi

5. Đêm vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn bẻ phím
Người yêu chết rồi.

Ở đây, thơ trùng khít với nhạc.

Cũng như Bôđơle đi xuyên qua cả một rừng biểu tượng, trong thơ Bích Khê cũng đầy các hình ảnh – biểu tượng. Mắt là nơi chứa đựng những bí ẩn của một cõi miền xa lạ, là ánh sáng dẫn thi nhân đi vào thế giới thiêng liêng, huyền diệu: Ôi cặp mắt của người trong tợ ngọc, Sáng như gươm và chấp choá kim cương; Hai mắt ấy chói hào quang ánh sáng, Dẫn hồn ta vào thế giới thiêng liêng, là nguồn cảm hứng của thơ ca: Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ, Nức nở tan thành vạn giọt thơNgọc châu, một hình ảnh được dùng đến trăm lần như là chuẩn mực của những gì tinh tuý nhất, đẹp đẽ nhất của thế giới, con người và nghệ thuật: nàng là ngọc, thi sĩ là ngọc, người yêu là ngọc, mộng ngọc, hồn ngọc, tiếng như vàng ngọc reo… Đồ mi hoa là biểu tượng của giai nhân. Tranh loã thể: vẻ đẹp bị che kín của thiên nhiên (như trời đất, âm nhạc, thơ và cảm nhận) cần phải được khám phá. Gã ăn mày: hình ảnh thi sĩ đang ăn mày “lộc tinh hoa” của thế giới mộng ảo, kỳ diệu:

Hồn ta đau quá là ta ngửa tay
Lạy tứ hướng và xin khắp thiên hạ:
Nắng có nhạc chớp đầy hương hơi lạ
Nấc âm thanh chết lịm giữa triền miên
(Ăn mày)

Biểu tượng đã làm nên tính bí ẩn và huyền diệu: đẹp mà khó hiểu. Nhà thơ dùng rất nhiều hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: mộng trắng phau phau, mộng rất xanh, không gian tan ra tiếng địch, mắt trào ra hưởng khoái lạc, mắt rất mát, trăng ôm niềm tóc bạc, hương trăng, đêm hường màu trăng không gian như gờn gợn sóng, hồn hé nhạc thắm như hoa, vườn thơm khua sắc mát, chân nhịp nhàng lòng nghe hương nằng nặng… Điều này cho thấy trực giác của thi nhân rất mạnh. Có thể có con số thống kê phép chuyển đổi ẩn dụ này: Từ hình ảnh vô hình thành hình ảnh hữu hình: 50 lần; từ hình ảnh màu sắc thành âm thanh: 10 lần; từ âm thanh thành màu sắc: 8 lần, từ sắc màu, âm thanh thành hương vị: 20 lần… Ẩn dụ bổ sung góp phần xây dựng một thế giới tương giao hoà điệu thể hiện những mối liên hệ bí ẩn, siêu việt trong “vũ trụ tinh thần”.

***

Cùng với các khuynh hướng thơ lãng mạn, siêu thực, thơ tượng trưng đã góp phần làm nên gương mặt của thơ Mới 1930-1945 trong quá trình vận động từ tư duy nghệ thuật cận đại sang tư duy nghệ thuật hiện đại.

Với một cách nhìn mang tính tượng trưng về nghệ thuật, thế giới và con người, Bích Khê đã đóng góp một vị trí đáng ghi nhận trong lịch sử thơ ca dân tộc. Đó là sự trình bày cái bên trong, cái tinh thần, giấc mơ, cõi vô thức dưới một cách cảm nhận thế giới mới mẻ (sự tương hợp cảm giác) và bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt (câu thơ biểu tượng và câu thơ âm nhạc). Có thể nói, với Bích Khê, câu thơ Việt Nam tuy còn cầu kỳ, nhân tạo nhưng đã có một dáng vẻ mới lạ, độc đáo và thú vị.

Những quan niệm và sáng tạo độc đáo của Bích Khê trong nghệ thuật cho đến nay mãi mãi là “một đỉnh núi lạ” trong lịch sử thơ ca Việt Nam.

Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3-2002

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020