Lý luận văn học

VĂN HÓA NHƯ LÀ CHỦ THỂ VÀ BẢN THÂN NÓ CŨNG LÀ KHÁCH THỂ


15-10-2020
Tác giả: Y.M. Lotman

Không cần xem bài giới thiệu đại lược với bạn đọc những nguyên tắc nghiên cứu này là công trình có tham vọng mang ý nghĩa triết học. Tác giả không có tham vọng ấy. Tôi chỉ có ý định khái quát kinh nghiệm nghiên cứu những thực tiễn cụ thể từ lịch sử văn hóa. Đồng thời tác giả cũng trình bày những gì chưa thỏa mãn đối với một số phạm trù lí thuyết quen thuộc trong lịch sử văn học và văn hóa.

Các công trình mẫu mực nghiên cứu lịch sử các loại văn hóa riêng lẻ ra đời ở thế kỉ XIX bao giờ cũng dựa vào kiểu tư duy chịu ảnh hưởng của Hegel và Darwin. Trước hết, văn hóa được xem là một đối tượng nào đó nằm ngoài nhà nghiên cứu. Đối tượng này luôntrong trạng thái phát triển như là sự tiến hóa có qui luật, theo hướng ngày càng hoàn thiện. Nhà nghiên cứu đứng ngoài đối tượng ấy. Nhận thức được xem là khám phá các qui luật (các cấu trúc) dấu kín trong đối tượng (văn hóa). Nhà nghiên cứu được trang bị logic họcvà đứng ở vị trí chân lí.  Khi nói về “nhân tố chủ quan”, người ta nghĩ ngay tới sự đi chệch chân lí do có những tác động ngoài khoa học: thiên kiến, thiếu hiểu biết, hoặc thiếu trung thực.

Nhưng do bản thân tiến trình nghiên cứu ngày càng có xu hướng trở thành đối tượng nghiên cứu, nên cái nhìn đối với quan điểm của người nghiên cứu cũng trở nên phức tạp và truyền thống được huy động rốt cuộc lại quay về với Kant. Cơ chế phân tích, tri thức về tri thức trở thành đối tượng phân tích. Hứng thú bắt đầu chuyển sang vấn đề tinh thần được thể hiện trong văn bản thế nào và văn bản được tiếp nhận như cử tọa ra sao. Nhiều khuynh hướng thông diễn học khác nhau cũng phát triển trên cơ sở ấy. Ở những biểu hiện cực đoan, phương pháp này hoàn toàn hướng sự chú ý vào chủ thể văn hóa. Lịch sử văn hóa được trình bày qua hình thức tiến hóa của cách diễn giải nó, một mặt, của cử tọa đương thời của nó, mặt khác, của các thế hệ sau này, bao gồm cả truyền thống diễn giải khoa học. Với trường hợp thứ nhất, việc diễn giải xẩy ra theo trục đồng đại của một nền văn hóa nào đó và tựa như trở thành một bộ phận của nó, trong trường hợp thứ hai, việc diễn giải chuyển qua trục lịch đại và phải chấp nhận mọi khó khăn trong việc phiên dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.  Nếu ở trường hợp thứ nhất, trọng tâm được đặt ở đối tượng (văn bản), còn ở trường hợp thứ hai nó được chuyển qua chủ thể (người diễn giải), thì cặp lưỡng phân cổ điển chủ - khách thể hiện hữu ở cả hai trường hợp ấy.

Mô hình giao tiếp đã trở thành cổ điển của R.O. Jakobson có vẻ như đã dung hòa hai quan điểm tiếp cận nói trên bằng cách đưa ra cấu trúc lưỡng cực của sự luân chuyển thông tin: người phát và người nhận. Nó phù hợp với hai kiểu nghiên cứu: phân tích sự phát sinh của văn bản – ngữ pháp của người nói; phân tích sự diễn giải – ngữ pháp của người nghe. Theo đó, trong thế giới của các văn bản nghệ thuật, người ta lại tách lĩnh vực mĩ học sinh sản và mĩ học diễn giải. Vậy là tư tưởng về văn bản như một thế giới khép kín, tự túc, tự mãn do phái hình thức luận Nga đưa ra đã được bổ chính bằng quan niệm về những cấu trúc mã hóa và giải mã nằm ngoài văn bản. Cho nên, nhà nghiên cứu thường xuyên di chuyển khi thì sang lập trường “bên trong”, khi thì “bên ngoài” văn bản. Sự phát triển của “mĩ học tiếp nhận” với những thành tựu to lớn đạt được trong các công trình nghiên cứu của trường phái Konstanz[1] đã làm nổi bật tính phiến diện của cả hướng tiếp cận “chủ quan”, lẫn “khách quan” và giúp chúng ta rất nhiều trong việc tìm tìm hiểu cơ chế vận hành của văn bản. Nhưng việc tách bình diện chủ quan và bình diện khách quan trong nghiên cứu văn hóa còn được nhấn mạnh và tuyệt đối hóa triệt để hơn.  Tuy nhiên, là những nguyên tắc phân tích hữu ích ở một giai đoạn nào đó, trong hoạt động thực tế của văn bản (ở tất cả các cấp độ, bao gồm cả văn hóa như một chỉnh thể văn bản), các bình diện nói trên có khả năng dịch chuyển qua lại cao tới mức nhiều khi sẽ rất có ích nếu chúng ta từ chối những khái niệm cơ bản đối với triết học ấy. Do đó, có thể lưu ý một thực tế rằng các khái niệm khách quan và chủ quan, một mặt, đóng vai trò như những công cụ phổ quát dùng để mô tả mọi nền văn hóa trong tất cả các biểu hiện của nó, mặt khác, bản thân chúng là sản phẩm của một truyền thống văn hóa cụ thể (châu Âu) ở một thời điểm phát triển nhất định. A.M. Piatigorsky[2] đã nhiều lần chỉ ra sự bất lực của các phạm trù ấy khi vận dụng để kiến tạo văn hóa Ấn Độ. Nếu dừng lại trong truyền thống văn hóa châu Âu, thì có thể nhận xét rằng ngoài những người mở đường vĩ đại cho tư duy hiện đại châu Âu đã nhắc  tới ở trên – Hegel và Kant -, có lẽ sẽ hữu ích khi kể thêm một nhân vật thứ ba - Gottfried Wilhelm Leibniz, vì  thiết nghĩ, tư tưởng của ông giờ đây lại có ý nghĩa thời sự khoa học.

Vấn đề cơ bản của kí hiệu học văn hóa là hoạt động tạo nghĩa. Chúng tôi gọi hoạt động tạo nghĩa là khả năng sản xuất “ở đầu ra” những văn bản mới độc đáo của văn hóa nói chung, cũng như những bộ phận riêng lẻ của nó. Chúng tôi gọi văn bản mới là những văn bản xuất hiện nhờ một tiến trình không thể đảo ngược (theo nghĩa của I. Prigozin), tức là những văn bản độc đáo ở một mức độ nào đó. Hoạt động tạo nghĩa này diễn ra ở tất cả các cấp độ của văn hóa. Tiến trình này được hiểu là sự thu nạp một số văn bản từ bên ngoài vào hệ thống và vào sự biến đổi mang tính đặc thù, bất ngờ của chúng trong thời gian vận động giữa đầu vào và đầu ra của hệ thống. Các hệ thống loại này – từ những đơn vị kí hiệu học tối thiểu cho tới những đơn vị mang tính toàn cầu, kiểu “văn hóa như một vũ trụ tự túc tự mãn” – với tất cả sự khác nhau trong bản chất vật chất của chúng, đều đồng đẳng về phương diện cấu trúc. Điều này, một mặt cho phép ta xây dựng mô hình tối thiểu của chúng, mặt khác, có ý nghĩa cực kì quan trọng trong phân tích tiến trình tạo nghĩa.

          Mô hình bất biến của một đơn vị tạo nghĩa bao gồm, trước hết, một giới hạn nào đó, tính độc lập, sự hiện diện của những đường ranh giới giữa nó và không gian kí hiệu học bên ngoài nó. Điều đó cho phép xác định cấu trúc tạo nghĩa tựa như một đơn tử kí hiệu học hoạt động ở tất cả các cấp độ của vũ trụ kí hiệu học. Văn hóa nói chung, cũng như mỗi văn bản tương đối phức tạp, bao gồm cả con người cá nhân riêng lẻ hiểu như một văn bản, đều là những đơn tử như vậy. Tính “đơn lập” (trong các giới hạn nhất định) nói tới ở trên của mỗi đơn tử như vậy không chỉ bao hàm sự hiện diện của đường ranh giới và cấu trúc nội tại, mà còn bao gồm cả “đầu vào” và “đầu ra”. Đồng thời, vì mỗi đơn tử như thế đều là một tồn tại thông tin – kí hiệu học, chứ không phải tồn tại vật chất, nên việc “sử dụng” văn bản nào đó của nó ở đầu vào hoàn toàn không dẫn tới sự xóa bỏ nó cả về bình diện vật chất, lẫn bình diện thông tin: trong quá trình “sử dụng” sẽ diễn ra sự thay đổi mà kết quả sẽ xuất hiện văn bản mới, đồng thời, văn bản gốc vẫn bảo tồn dưới dạng ban đầu và nó có thể tham gia vào các quan hệ mới với những biến đổi riêng của nó. Vậy là, khi con mèo ăn thịt một con chuột, trong quá trình “sử dụng” này, con chuột không thể tiếp tục tồn tại như một cấu trúc sinh học hiện hữu bằng xương bằng thịt; khi một phát minh kĩ thuật “bị ăn thịt” bởi một phát minh mới, thông tin của nó sẽ bị phá hủy, mặc dù tồn tại vật lí của nó vẫn được duy trì, trong sự tiến hóa nghệ thuật, khi khi một văn bản hoàn toàn mới được sáng tạo ra, nó không hủy hoại văn bản trước đó cả về mặt vật chất, lẫn mặt thông tin, mặc dù văn bản trước có thể tạm thời mất đi tính thời sự. Ta hiểu vì sao, đối với những hiện tượng kí hiệu học phức tạp như nghệ thuật, khái niệm tiến hóa chỉ có thể sử dụng sau khi đã làm cho nghĩa của nó thay đổi nhiều tới mức mà tốt nhất là nên tránh xa.

Hoạt động của cấu trúc nói trên còn có một đặc điểm khác, ấy là tự nó có thể tạo ra đầu vào riêng và do đó làm biến đổi chính bản thân, vì từ điểm nhìn của mình, nó xuất hiện như một văn bản giữa các văn bản và, dĩ nhiên, nó là “thức ăn” kí hiệu học bình thường dành cho bản thân nó. Từ đó có thể rút ra kết luận, rằng khả năng tự mô tả (tự phản ánh) và chuyển lên một siêu cấp độ có mầm mống ngay trong bản chất của đơn tử.

Bởi vậy, đơn tử ở bất kì cấp độ nào cũng là đơn vị tổ chức nghĩa cơ bản và đồng thời cũng là một cấu trúc tương đối phức tạp. Tổ chức tối thiểu của nó là một hệ thống lưỡng cực được tạo thành bởi (tối thiểu) hai cơ chế kí hiệu học (ngôn ngữ) có quan hệ theo kiểu vừa không thể phiên dịch lẫn nhau, vừa tương tự như nhau, bởi vì bằng phương tiện của mình, cơ chế nào cũng mô hình hóa cùng một hiện thực ngoài kí hiệu học[3]. Bởi vậy một văn bản hoạt động từ bên ngoài sẽ nhận được tối thiểu hai phóng chiếu kí hiệu học không thể phiên dịch lẫn nhau. Cấu trúc tối thiểu còn bao gồm một yếu tố thứ ba: bộ phận các đương lượng mang tính ước lệ, tổ chức ẩn dụ cho phép thực hiện hoạt động phiên dịch trong tình huống không thể. Nhờ có những “bản dịch” như vậy, văn bản sẽ được biến đổi không thể đảo ngược. Và như thế, sẽ diễn ra hoạt động sản sinh văn bản mới.

Nhưng không một cơ chế kí hiệu học nào có thể hoạt động như một hệ thống biệt lập được đưa vào môi trường chân không. Điều kiện hoạt động tất yếu của nó là được đưa vào kí hiệu quyển – một không gian kí hiệu học. Nhờ tính riêng rẽ và sự độc đáo kí hiệu học của mình, mỗi đơn tử kí hiệu học có thể tham gia vào quan hệ đồng qui với đơn tử khác (các đơn tử khác), tạo thành sự thống nhất lưỡng cực ở cấp cao hơn. Nhưng từ hai yếu tố cạnh nhau, không có liên hệ với nhau, chúng chỉ có thể biến thành sự thống nhất hữu cơ ở cấp độ cao hơn khi nhập vào một khối cấu trúc thống nhất ở trật tự cao hơn. Chẳng hạn, chỉ có thể xem là những “bẩm tố” đối với những cấu trúc có các ngôn ngữ trái nghĩa (ví như cấu trúc gương soi đối lập theo nguyên tắc “phải – trái”) và được mô tả chung bằng một siêu ngữ ở cấu trúc cao hơn; nói chung, những cấu trúc chỉ đơn giản là những cấu trúc “biệt lập” trước khi chúng đối chọi nhau, trong tương lai có thể được xem là một dạng đối xứng nào đó. Ví dụ, hai bộ lạc vốn không lệ thuộc và chẳng có quan hệ gì với nhau, nếu bộ lạc này bị bộ lạc kia xâm lược, họ có thể tạo thành một cấu trúc xã hội với tổ chức đối xứng – phi đối xứng theo kiểu phân cấp. Có một thí dụ thú vị về sự đối lập: mặc dù bị người Mông Cổ thống trị hơn ba trăm năm, ở nga không hề xuất hiện một cấu trúc xã hội thống nhất, cũng như không thể tạo ra một cơ chế kí hiệu học chung, mặc dù có vô khối sự tiếp xúc ở cấp độ quân sự hay nhà nước buộc phải tiến hành dưới các hình thức giao tiếp nào đó. Lí do tạo nên thực tế đó không chỉ ở sự khác biệt giữa văn hóa đô thị và văn hóa thảo nguyên, mà còn ở một điểm thú vị khác: quân Tatar không bài đạo và không truy sát chính thống giáo ở nga. Điều này tạo thành sự khác biệt với văn hóa chính thống giáo Nga, một nền văn hóa mà nhà thờ có một vai trò cực kì quan trọng. Nếu quân Tatar tàn sát các Kitô hữu, thì họ sẽ “dễ hiểu” hơn và sẽ được ghi vào nhận thức của truyện Thánh như những tên “bạo chúa”.  Làm như thế, họ sẽ tạo ra ở nước Nga một sự thống nhất hai mặt, giống như sự thống nhất hai mặt của La Mã đa thần giáo và công xã Kitô giáo của nó (Từ quan điểm đối lập, hành vi của một Kitô hữu – kẻ tuẫn giáo có vẻ như là “dã man”, “thiếu giáo dục”, “cuồng tín”, độc tài”, “quỉ quái”, nhưng cả hai có thể được mô tả trong hệ thống của một siêu ngữ duy nhất nào đấy; sự thờ ơ tôn giáo và tinh thần thực dụng theo lợi ích quốc gia của những người Tatar cho phép văn hóa của họ  tham gia quan hệ kí hiệu học với trung Quốc, nhưng lại khiến nó trở thành bất tương hợp với Nga). Chắc chắn sẽ rất thú vị nếu mô tả các hệ thống kí hiệu học khác nhau từ quan điểm về tính bẩm tố - phi bẩm tố của chúng dẫn tới sự đồng qui với nhau.

Chỉ cần hai đơn tử nhập vào mối quan hệ tạo thành một cơ chế kí hiệu học, từ vị thế trung tính, chúng chuyển qua trạng thái bổ sung cho nhau, các cực trái nghịch cấu trúc sẽ bắt đầu nuôi dưỡng một đặc thù riêng và độ tương phản lẫn nhau. Việc chú trọng vào đối xứng và phi đối xứng là hai phương diện của một quá trình thống nhất, bắt đầu từ các chức năng của hai bán cầu đại não ở óc người được hình thành trong quá trình tiến hóa của đối xứng-phi đối xứng tính dục (ở những vỉa cấu trúc sâu hơn, có thể chỉ ra vòng xoay bên trái và bên phải trong cấu trúc vật chất) cho tới qui luật hình thành sự thống nhất kí hiệu học phức tạp. Sự xuất hiện ví như của các khu vực văn hóa luôn gắn với thực tế các loại văn hóa khác nhau khi nhập vào một sự thống nhất phức tạp hơn sẽ tạo thành các cơ chế giao tiếp liên văn hóa làm tăng cường những đặc điểm thống nhất với nhau. Nhưng mặt khác, chính đặc điểm không thể phiên dịch của mỗi bên sẽ duy trì sự quan tâm lẫn nhau từ hai phía, bất luận là nói về “phương Đông huyền bí” (“phương Tây là phương Tây – phương Đông là phương Đông”), tâm hồn Slavơ (hay Đức) bí ẩn”, “bản chất bí hiểm của phụ nữ”,  về “người da đen”, hay về bất kì xác quyết khác nào đó dành cho đực trưng của văn hóa. Thứ nhất, chúng không bao giờ xuất hiện trong các loại văn hóa biệt lập. Văn hóa biệt lập không có đặc thù và không biểu lộ hứng thú gì với vấn đề này. Với nó, “người đàn ông” và “người của bộ tộc khác” hoàn toàn đồng nghĩa, “người đàn ông” và “người của bộ tộc khác” chỉ đối lập với trời, với xác chết, với quỉ, với mãnh thú (đôi khi, với phụ nữ), nhưng không cùng tồn tại với đặc thù văn hóa- dân tộc khác. Thứ hai, đặc thù văn hóa - dân tộc được thể hiện trước hết dưới con mắt của người nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên, những bộ ngữ pháp đầu tiên của các ngôn ngữ thường do người nước ngoài viết, họ viết cho chính họ, với các bộ sách mô tả phong tục đầu tiên, tình hình cũng như vậy. Ở thời kì này, người mô tả hình dung bản thân như là đại diện của thứ siêu ngôn ngữ mô tả và, do đó, không có đặc thù, nhưng phản ánh một chuẩn mực trung tính. Thứ ba, khi loại văn hóa mới chỉ là đối tượng mô tả tiến tới cấp độ tự mô tả, thông thường, nó chấp nhận quan điểm bên ngoài đối với bản thân và mô tả bản thân như là cái loại biệt, đặc thù. Chẳng hạn sự tự nhận thức về văn hóa của các nhà Slavơ học Nga phần lớn được quyết định bởi bản tính thuộc về truyền thống ngụy biện theo kiểu Đức của họ, còn cuốn sách Về nước Đức của Madame de Staël thì không chỉ mã hóa văn hóa Đức như văn hóa lãng mạn đối với toàn thể châu Âu, mà còn quyết định ở mức độ đáng kể đặc điểm tự mã hóa của nó. Cuối cùng, thứ tư, xuất hiện vấn đề về đặc trưng của các nền văn hóa có tham vọng đóng vai trò đại diện chuân mực cho mọi nền văn hóa, xem bản thân như là đã mất đặc trưng. Đặc trưng của “con người phương Đông” buộc Kipling phải kiến tạo ra “đặc trưng của con người phương Tây” và việc mô tả dân tộc học các dân tộc “kì lạ” tất yếu dẫn tới ý tưởng về việc nghiên cứu bản thân xã hội hiện đại bằng các phương pháp nhân học và dân tộc học.

          Một đơn tử nào đó với tư cách là một tiểu cấu trúc có khả năng nhập vào những đơn tử khác nhau ở cấp độ cao hơn và, do đó, nó vừa vẫn cứ là một chỉnh thể, vừa trở thành bộ phận của những chỉnh thể khác nhau, ở bình diện này nó không đồng nhất với bản thân - khả năng ấy hiển nhiên được hiểu là trạng thái đa ngữ phức tạp ở cấu trúc nội tại của nó.

Được xác định theo cách như vậy, đơn tử kí hiệu học  hoạt động với tư cách là cá thể luôn củng cố tính khép trong các giới hạn của một không gian kí hiệu học cá thể nào đó, đồng thời, như một mảnh nhỏ muốn thành chỉnh thể, nó tham gia vào những tổ hợp ngày càng mới hơn. Có xu hướng, mỗi đơn tử, bất luận ở cấp độ nào cũng vừa là một chỉnh thể, vừa là một bộ phận.                                                                           Chúng tôi từng nói rằng, đơn tử là cỗ máy phát thông tin mới, tức là những thông tin không được kiến tạo theo các thuật toán hoạt động tự động. Trong một số công trình khác, chúng tôi cũng đã chỉ ra khả năng của nó trong việc bảo tồn những thông tin trước kia, tức là kí ức. Phải bổ sung thêm vào đó, rằng bên trong kí hiệu quyển, sự trao đổi thông tin, sự di chuyển của các văn bản diễn ra liên tục. Điều này được duy trì bởi sự tương đồng về mặt cấu trúc của các đơn tử, bởi chúng được nhập vào những cộng đồng siêu ngữ, bởi cộng đồng của đường ranh giới mà ở bên trong một cấp độ nào đó của tiến trình kí hiệu học được xác lập. Sự hiện diện của những thuộc tính ấy cho phép định nghĩa đơn tử kí hiệu học là một đơn vị trí tuệ, đại diện cho LÍ TÍNH. Con người không chỉ suy nghĩ, mà còn tồn tại bên trong một không gian suy nghĩ, cũng như đại diện của lời nói bao giờ cũng bị hút vào một không gian ngôn ngữ nào đó. Kí hiệu quyển có được dung lượng trí tuệ là nhờ nó hiện lên trước chúng ta như là sự giao nhau, hợp nhất, sự đan bện vô hình của vô số đơn tử mà từ đó mỗi đơn tử có khả năng hoạt động sản sinh ý nghĩa. Đó là cơ thể khổng lồ của những cơ thể. Có thể hình dung qui luật ngự trị trong đó về tính đẳng cấu giữa bộ phận và chỉnh thể và giữa các bộ phận với nhau bằng cách liên hệ với hình ảnh trong Kinh Thánh về sự giống nhau giữa Con người và Thượng đế - đơn vị thấp nhất được hình dung qua hàng triệu biến thể cá thể của một bản chất cao nhất và duy nhất.

          Những biến thể vô tận trong thực tế của đơn tử là cơ sở cho phép xác định chúng như những nhân cách kí hiệu học (tiếng Nga: “семиотические личности”. Cũng có thể dịch là “những cá nhân kí hiệu học” – ND). Về điều này còn có thêm một cơ sở nữa. Không chỉ mỗi ý thức cá nhân, mà còn có cả hành vi cá nhân cũng thuộc nhân cách con người. Điều đó có nghĩa là trong mỗi tình huống, khi có hơn một lối thoát duy nhất, con người bao giờ cũng thực hiện sự lựa chọn hành vi. Điều này có nguồn cội sâu xa chứ không đơn giản như người ta vẫn nghĩ. Sau khi nghiên cứu những tiến trình không thể đảo ngược trong vật lí và hóa học, Ilya Prigogine[4] đưa ra những kết luận thiết nghĩ có ý nghĩa lí thuyết phổ quát đối với tất cả các quá trình hoạt động mà chúng ta quan tâm. Ông phân biệt các quá trình diễn ra trong tình huống cân bằng và tình huống không cân bằng. Trong điều kiện cân bằng, các tiến trình diễn ra trơn tru, lệ thuộc vào qui lật nhân – quả, tạo ra những quĩ đạo thuận nghịch khả hồi (đối xứng), cho phép dựa vào phần đã diễn ra để dự đoán phần chưa diễn ra. Đặc điểm của hoàn cảnh bất cân bằng là trên quĩ đạo vận động, theo thuật ngữ của Prigogine, xuất hiện những điểm phân nhánh, tức là những điểm mà ở đó sự vận động tiếp theo chắc chắn sẽ diễn ra theo hai (hoặc một số) hướng và không thể đoán trước nó sẽ vận động theo hướng nào. Những điều kiện như thế làm tăng cường đáng kể vai trò của cái ngẫu nhiên, của nhân tố phụ có ảnh hưởng tới mạch chảy tiếp theo của tiến trình. Đưa nhân tố ngẫu nhiên vào cơ chế nhân – quả là đóng góp to lớn của I. Prigogine[5]. Nó giải tự động bức tranh thế giới.

          Chính vì đa phần các tiến trình xảy ra trong xã hội loài người đều có thể xem là những tiến trình không đảo ngược, được thực hiện trong những hoàn cảnh mất cân bằng gay gắt nên các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa mới đặc biệt chú ý tới chúng. Nhưng ở đây, chúng ta sẽ đối mặt với những khác biệt thú vị: sự can thiệp vào tiến trình vận động của trí tuệ làm thay đổi quyết liệt đặc tính của sự vận động. Nếu cái ngẫu nhiên quyết định sự lựa chọn ở điểm rẽ, thì rõ ràng, đối tượng đang trong trạng thái phát triển có tổ chức bên trong càng phức tạp (và tất nhiên, như một văn bản, nó càng thâu nhập nhiều hơn cái “ngẫu nhiên” vào bản thân), thì sẽ càng khó đoán định hành vi của nó ở điểm rẽ.

          Đối tượng phức tạp nhất mà chúng ta có thể hình dung sẽ là đối tượng có năng lực trí tuệ. Trong trường hợp này, hành vi của nó ở điểm rẽ sẽ có đặc tính của một sự lựa chọn có ý thức. Khả năng tiềm tàng của trí tuệ luôn có sẵn trong bản chất của cái ngẫu nhiên. Nhưng khi đã vươn tới cấp độ trí tuệ, cấu trúc luôn biến cái ngẫu nhiên thành cái tự do. Khi ấy, sẽ xuất hiện nhiều quan hệ nhân quả phức tạp nhất: giữa nguyên nhân và kết quả là hành động lựa chọn của trí tuệ loại bỏ nguyên tắc tự động hóa của chúng. Từ đó rút ra, thứ nhất, hành động trí tuệ là kết quả phát triển của những quá trình bất đối xứng không thể đảo ngược và tất yếu gắn với sự bất đối xứng về mặt cấu trúc, và, thứ hai, nó bao gồm nhân tố ngẫu nhiên bị phức tạp hóa (thực tế, cái ngẫu nhiên ở đây chỉ là sự phỏng họa theo mối liên hệ đã biết giữa cái không thể tiên đoán và thông tin).

Với tất cả sự cẩn trọng, vẫn có thể khẳng định sự tương đồng giữa các đơn tử kí hiệu học và khái niệm nhân cách (tiếng Nga: “личность”, cũng có thể dịch là “cá nhân” – ND), bởi vì, ở một mức độ nào đó, tính tự trị trong hành vi là thuộc tính bản chất của nó.  Đặc biệt, điều này dẫn tới chỗ, tiến trình lịch sử văn hóa lâu dài không làm cho nó trở thành dễ tiên lượng.  Đơn tử như một bộ phận lệ thuộc vào những qui luật quyết định luận nghiêm nhặt, như một chỉnh thể, như một “nhân cách”… có khả năng lựa chọn và có một trữ lượng nhất định của những cái không thể tiên lượng, độc lập với chỉnh thể và với ngữ cảnh kí hiệu học của mình. Vì kí hiệu quyển đầy ắp các “nhân cách kí hiệu học” ở những cấp độ khác nhau, nên nó hiện lên trước chúng ta như một tổ chức đặc biệt, cùng lúc vừa là sự phân cấp có tổ chức của các cấu trúc, vừa là vô số các thế giới kí hiệu học khép kín tự do bồng bềnh trong không gian ấy (các “nhân cách”, các văn bản). Đơn tử được tổ chức càng phức tạp, nó đưa vào hệ thống chỉnh thể hành vi mang tính tự trị càng cao, tính khó đoán định càng lớn. Một tổ chức như vậy có dụng lượng thông tin lớn lao và những khả năng tự phát triển hầu như vô giới hạn.

Một cái nhìn như thế đối với văn hóa sẽ có thái độ thế nào với các phân chia quen thuộc thành chủ thể và khách thể? Luôn tồn tại những đơn tử tạo nghĩa cần nhập vào vào chỉnh thể trí tuệ ở trật tự tối cao và nối trực tiếp với đơn tử ở cấp độ cao hơn, do: bất kì chỉnh thể trí tuệ nào cũng là một bộ phận của chỉnh thể trí tuệ và là một chỉnh thể trong tương quan với các bộ phận của mình. Nhưng cả khi là bộ phận, lẫn khi là chỉnh thể, nó chỉ có thể tiếp xúc với chỉnh thể và các bộ phận của mình nhờ các cơ chế phiên dịch như kẻ tham gia đối thoại. Quan hệ “chủ thể - khách thể” hàm nghĩa nồng độ hoạt động trí tuệ ở cực này, còn cơ cấu tổ chức ở cực kia. Từ quan điểm được trình bày ở đây, các yếu tố luôn tồn tại trong tương quan “đóng – ngắt”, mỗi yếu tố tư duy bao giờ cũng tồn tại bên trong một thế giới tư duy. Phạm trù “chủ thể - khách thể” chỉ có thể xuất hiện ở đây vào thời điểm khi vươn tới cấp độ tự mô tả, mỗi đơn tử riêng lẻ sẽ mô hình hóa bản thân như một bản thể trí tuệ duy nhất và biệt lập. Mọi chuyện đúng là như vậy khi chúng ta nghiên cứu phạm trù ấy từ quan điểm bên trong, trong tương quan với kí hiệu quyển. Nhưng chúng tôi cần nói ngay, rằng toàn bộ cỗ máy sản sinh nghĩa chỉ có thể hoạt động với điều kiện có sự nhập vào đó các văn bản từ phía bên ngoài, tức là qua sự tiếp xúc với hiện thực ngoài kí hiệu học. Ở bình diện này, nếu xác định kí hiệu quyển là chủ thể, còn lĩnh vực ngoài kí hiệu học là khách thể, thì sẽ có thể  hữu ích chăng?

                Trước hết chúng xin dừng lại ở trình tự hệ thống thuật ngữ của mình:  Chúng tôi nói rằng các văn bản nhập vào kí hiệu quyển từ phía bên ngoài, và đồng thời nhìn thấy ở đó một “hiện thực ngoài kí hiệu học”. Mâu thuẫn này liên quan tới thực tế rằng kí hiệu quyển không thể tiếp xúc với bất cứ cái gì ngoài các văn bản, còn văn bản là sản phẩm của tiến trình kí hiệu học. Bởi vậy, mọi sự tiếp xúc với không gian nằm phía bên kia đường ranh giới của một kí hiệu quyển nào đó đòi hỏi không gian ấy cần được sơ bộ kí hiệu học hóa. Tương tự như giao tiếp trong phạm vi ngôn ngữ tự nhiên tất yếu là giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên, giao tiếp trong phạm vi văn hóa bao giờ cũng là giao tiếp văn hóa.  Sự tồn tại của không gian ngoài văn hóa đối với mỗi loại văn hóa (không gian bên kia, không gian phía khác) là điều kiện thiết yếu để thực hiện bước đi tức thời tiến tới sự tự xác định. Nhưng, thứ nhất, việc cho rằng không gian ngoài văn hóa là không gian ngoài kí hiệu học chỉ đúng từ vị thế của một loại văn hóa nào đó, và thực tế, điều này có nghĩa là luôn tồn tại những khu vực không sử dụng các ngôn ngữ ấy. Nhưng như thế có phải là ở đó không sử dụng ngôn ngữ? Trong các bài giảng về lịch sử quan hệ văn hóa phương Tây và phương Đông, N.i. Konrad thích dẫn thí dụ thế này: trong những cuộc xung đột đầu tiên giữa người Hà Lan và người Nhật Bản, cả hai bên đều coi đối phương là “mọi rợ”, nằm ngoài văn hóa, theo cách viện ra những gì họ không tìm thấy ở văn hóa của mình. Phạm vi “ngoài văn hóa” thường là phạm vi của văn hóa khác, còn phạm vi ngoài kí hiệu học thường là kí hiệu học khác. Nhưng vấn đề không chỉ dẫn tới một điều như thế. Cần lưu ý rằng, ở bình diện kí hiệu học, chỉ cần thế giới nằm bên ngoài được trình ra, nó lập tức đã được gọi tên, tức là đã được kí hiệu hóa dẫu chỉ là bề mặt. Trong thực tế, kí hiệu quyển không bắt gặp thế giới ngoài kí hiệu học. Thế giới bên ngoài rất hay được gắn thêm cho các quan niệm về tính “tự nhiên”, về “tiền”, hay “ngoài” kí hiệu học, những quan niệm được tạo ra trong các lớp của loại văn hóa này như là phản cấu trúc lí tưởng của nó. Chẳng hạn, sự “dã man” lí tưởng mà các nhà triết học và các nhà truyền giáo thế kỉ XVIII tìm thấy ở những đất nước xa lạ là sáng tác của chính nền văn minh mà họ đã trốn chạy, lĩnh vực tiềm thức được phát hiện ở thế kỉ XX là phản ứng chống lại xu hướng cấu trúc hóa ý thức của thời đại ấy được gán cho các tiến trình tâm lí chưa được chiếm lĩnh về phương diện kí hiệu học. Bản chất về huyền thoại trong văn hóa đại chúng cuối thế kỉ XX cũng như thế.  Tất cả những ví dụ ấy phù hợp với lịch sử lâu dài của những thế giới “lộn trái” do một nền văn minh nào đó tạo ra.

                Nhưng thế giới bên ngoài đích thực là đối tượng tham gia tích cực vào trao đổi kí hiệu học. Đường ranh giới của kí hiệu quyển là khu vực gia tăng hoạt động kí hiệu học, nơi đó có vô số cơ chế “phiên dịch ẩn dụ” “bơm” vào cả hai hướng những văn bản đẫ biến đổi phù hợp. Ở đây, việc tạo ra các văn bản mới cũng được tăng cường. Thực tế ở đây cũng diễn ra hoạt động giống như hoạt động trên đường ranh giới giữa các bộ phận có cấu trúc khác nhau của đơn tử và trên bất kì đường ranh giới nào  bên trong kí hiệu quyển.  Hình mẫu trực tiếp của thực tiễn này là sự gia tăng hoạt động văn hóa trên biên giới của các đế quốc lớn (ví như La Mã) vào những thời kì các cơ chế sản sinh văn hóa bên trong quốc gia đã trở nên suy kiệt. Tiến trình dã man hóa của La Mã diễn ra đồng thời với tiến trình La Mã hóa quân man rợ là minh chứng hùng hồn, rằng ở trường hợp này, chúng ta  được chứng kiến một cuộc đối thoại phức tạp, sống động, chứ không phải là sự tiếp nhận một chiều.  Mô hình “chủ thể - khách thể” chỉ là sự trừu tượng hóa ước lệ và phiến diện.

          Không quên cấu trúc đơn tử của trường kí hiệu học và nhận ra bản thân mình là một đơn tử nằm bên trong thế giới ấy, người nghiên cứu lịch sử văn hóa sẽ sa vào một vị thế phức tạp, nhưng có lẽ nó phù hợp với hiện thực hơn.

1989

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Y.M. Lotman – Kí hiệu quyển. S.-Peterburg: “Nghệ thuật –SPB”, 2000,  tr.  639-647

 


[1] Xem bài tổng quan: Warning R. - Reseptionsästhetik. München, 1988.

[2] Aleksandr Moishéevich Piatigorsky (1929 – 2009): Nhà triết học, Đông phương học, ngữ văn học, nhà văn. Cùng với Y.M. Lotman, ông là một trong những người sáng lập ra Trường phái kí hiệu học văn hóa Tartu-Moskva - ND.

[3] Chẳng hạn, phóng chiếu một hiện thực vào không gian của lời nói trong sinh hoạt hoặc thi ca, thi ca hoặc hội họa, bán cầu trái hoặc phải của não người sẽ cho ta hình ảnh không thể phiên dịch, nhưng giống nhau được kiến tạo theo kiểu ẩn dụ.

[4] Ilya Romanovich Prigogine (1917 – 2003): Nhà vật lí, nhà hóa – lí người Bỉ, gốc Nga, đoạt giải thưởng Nobel hóa học năm 1977 – ND.

[5] Xem: Prigozin J. L'ordre par fluctuation et le sistème social. Paris, 1976; Prigozin J., Stengers JDialog mit der Natur: Neue Wege naturwissenschaftlichen Denkens. München; Zürich, 1981

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020