Lý luận văn học

MÔ HÌNH CỐT TRUYỆN VÀ KHUYNH HƯỚNG CẢM THƯƠNG CHỦ NGHĨA TRONG TRUYỆN KIỀU


15-10-2020
Tác giả: GS.TS Trần Đình Sử

Mô hình cốt truyện của Truyện Kiều có nét riêng về loại hình. Loại hình hóa cốt truyện là một vấn đề có ý nghĩa để tìm cái riêng của tác phẩm. Mỗi kiểu loại hình hóa đều có một ý nghĩa riêng nhất định, như loại hình hóa truyện cổ tích của V.Propp, loại hình hóa truyện trinh thám của T.Todorốp, loại hình nội dung thể loại của G.Pospelov, loại hình hóa theo nhân vật của Nothrop Frye. Theo Norman Friedman thì có thể tiến hành loại hình hóa dựa vào ba đại lượng khả biến của cốt truyện là số phận, tính cách, tư tưởng và sự biến đổi theo hai chiều thành công, thất bại. Ông chia ra 14 loại hình: loại hành động, loại tình khổ, loại bi kịch, loại cảm thương, loại trừng phạt, loại khâm phục (đối với số phận), loại trưởng thành, loại cải tạo, loại thử thách, loại trụy lạc (đối với tính cách), loại giáo dục, loại khải thị, loại cảm thụ, loại thất vọng (đối với tư tưởng)[1]. Mô hình này có tính phổ biến và chúng tôi thử vận dụng vào Truyện Kiều.

 

 

Một cuốn tiểu thuyết phong phú bao giờ cũng có nhiều yếu tố, nhiều khuynh hướng, cho phép có thể liệt nó vào một trong các loại hình nêu trên. Tuy nhiên, khi đưa một tác phẩm nào vào một loại hình nào, thì chủ yếu là xem yếu tố nào trong tác phẩm chiếm vị trí chủ đạo. Vậy cốt truyện Truyện Kiều thuộc vào loại hình nào? Đối với một số người, ví như Thanh Tâm tài nhân và Thiên Hoa Tàng chủ nhân thì Kim Vân Kiều truyện có thể là một truyện thuộc loại hình thử thách tính cách: bởi theo họ “Đại để ngọc không mài không rõ ngọc rắn, trầm không đốt sao biết trầm thơm”, nhà làm sách tạo ra bao cảnh “thiên ma bách chiết” chỉ để làm sáng lên tấm lòng trung hiếu tiết nghĩa của nhân vật chính. Nếu theo cái mạch này, rồi bàn vào luân lý đạo đức Truyện Kiều, thì theo tôi sẽ không hiểu đúng được nó. Đành rằng trong Truyện Kiều Nguyễn Du cũng có ý: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, nhưng đó chỉ là câu thơ oán đời, hận đời mà thôi. Không thể xem Truyện Kiều của Nguyễn Du là cốt truyện tính cách, bởi vì tính cách Kiều là một đại lượng ít biến đổi. Từ ấu thơ nàng đã có đủ tài tình, hiếu nghĩa, mai cốt cách, tuyết tinh thần rồi. Kết thúc truyện nàng chỉ từ bỏ khúc đàn bạc mệnh và mối tình cầm sắt. Xét tương quan tính cách với số phận thì số phận nàng thay đổi dữ dội hơn, tạo thành nội dung 5 năm oan khổ của nàng, cho nên Truyện Kiều nghiêng về cốt truyện số phận. Những lời cảm thán của Nguyễn Du cũng cho thấy ông chủ yếu cảm thương cho số phận Kiều. Tính cách chỉ là điều kiện cần cho lòng thương xót. Khi cảm nhận Truyện Kiều, người đọc nói chung đều cảm nhận khía cạnh số phận là chính. Yếu tố số phận trong truyện có ý nghĩa phổ biến hơn yếu tố tính cách. Đây là điều khác với vai trò tính cách trong tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa phương Tây. Cho nên khi có nhà nghiên cứu say mê với công thức chủ nghĩa hiện thực của F. Engels, xét Truyện Kiều như một tiểu thuyết tính cách, nghiên cứu tính khách quan của sự thể hiện, phân tích mối quan hệ tính cách với môi trường, xem xét sự vận động của tính cách… thì tuy không phải sai, nhưng đã đi chệch hướng[2]. Nhà nghiên cứu đã nói những điều có phần xa lạ với điều mà trong thực tế, người ta cảm thụ: Ví dụ,Truyện Kiều là một tiếng kêu thương (Hoài Thanh), Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều (Tố Hữu), chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc, sắc tài đâu mà lắm nỗi truân chiên (Chế Lan Viên), Nguyễn Du lo lắng cho thân phận con người (Huy Cận)… Có người nói: “Thuý Kiều là một tai hoạ giáng xuống từ trời cao, thứ tai họa điển hình của bi kịch cổ Hi Lạp, trong đó các nhân vật bị đày đọa, trầm luân cho đến chết, bởi một thứ định mệnh mù quáng tuyệt đối. Cốt truyện Truyện Kiều thấm đẫm tính bi kịch? Nhưng tính cách và số phận không tách rời.Truyện Kiều là tiểu thuyết về số phận tính cách. Nhiều người đã chỉ ra rất đúng, bi kịch của Kiều cũng gắn với mặc cảm bạc mệnh của Kiều[3]. Lỗ Tấn nói bi kịch là đem những cái có giá trị ra mà xé nát cho mọi người xem. Truyện Kiều chính là một truyện như thế.

Nếu Truyện Kiều lấy yếu tố số phận làm cơ sở thì nó thuộc loại hình nào trong các loại hình nêu trên? Theo chúng tôi Truyện Kiều thuộc loại hình tình khổ, cảm thương và bi kịch mà cảm thương là chủ yếu. Thực ra Thanh Tâm tài nhân cũng có nói trong Kim Vân Kiều truyện “chữ tình là một đại kinh, chữ khổ là một đại vĩ” như thế đã có ý vị cảm thương rồi. Nhưng tình đây là nòi tình kiểu Thuý Kiều, tình vội kiểu Kim Trọng, tình xa kiểu Thuý Vân. Còn khổ là tài hoa bạc mệnh như Quý Phi, Phi Yến, Hợp Đức, Điêu Thuyền, Tiểu Thanh. Nguyễn Du có tiếp thụ truyện tình khổ của nguyên tác nhưng nội dung tình khổ thì đã khác xa bởi Nguyễn Du tô đậm nỗi đau thân thế và nhân thế, chẳng quan tâm gì tới tình xa, tình vội. Tiểu thuyết tình khổ thường kể một người trong trắng, cao thượng bị tai bay vạ gió vùi dập, huỷ hoại, không gượng lại được, đi hết bất hạnh này đến bất hạnh khác. Chẳng hạn nhưGiã từ vũ khí của E.Heminguê, Số phận con người của Sôlôkhốp. Kiều là một người tài sắc hơn người, tình yêu đang độ nồng nàn thắm thiết thì nhà bị vu oan, thân mình bị bán, rồi bị lừa, mua đi bán lại, thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần… Đúng là một truyện tình khổ và cảm thương nhưng không phải chỉ là số phận khổ, mà là ý thức sâu sắc về những nỗi đau khổ đó, là nỗi đau trong số phận khổ ấy. Nhưng đồng thời Truyện Kiều cũng đậm chất bi kịch, bởi trong chuỗi bất hạnh của đời nàng luôn có chút lầm lỡ nào đó như Ơđíp hay Ôtenlô đã lầm lỡ mà nên bi kịch. Kiều vội bán nhầm cho Mã Giám Sinh, liều trốn theo Sở Khanh, khuyên Thúc Sinh về nhà, lại khuyên Từ Hải nhận đầu hàng… Kiều nếu chỉ bị vùi dập, hủy hoại thì là đáng thương, nhưng mọi tính toán nhằm khôi phục địa vị làm người của nàng chỉ làm cho nàng bị vùi dập tàn bạo hơn nữa thì đó là bi kịch. Cảm thương và bi kịch hòa quyện với nhau tạo nên sắc thái độc đáo Truyện Kiều. Tính bi kịch chỉ được thể hiện khi có tính cách mạnh mẽ. Khi nào Kiều tỏ ra mạnh mẽ, tính toán, cương liệt thì nàng rơi vào bi kịch cay đắng. Còn khi nào nàng tỏ ra là một người cô đơn, yếu đuối, nhỏ nhoi, dạt dột, hãi sợ thì nàng lại là đối tượng của sự cảm thương đau đớn. Sự kết hợp hai loại hình làm sâu thêm cho quan niệm bi kịch và cảm hứng cảm thương của tác phẩm.

Tuy nhiên trong suốt cả Truyện Kiều nhân vật luôn cảm thấy mình là “chiếc lá lìa rừng”, “e dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa”… cho nên Truyện Kiều chủ yếu nghiêng về loại hình cảm thương.

Mô hình tiểu thuyết cảm thương của Truyện Kiều gắn liền với khuynh hướng văn học chủ nghĩa cảm thương ở Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn.

Thời đại cuối Lê đầu Nguyễn là thời đại đảo lộn mọi giá trị trong đời sống con người. Triều Lê vẻ vang là thế, dưới thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn chỉ còn là hư danh, chỉ còn là một thứ danh nghĩa để các chúa lợi dụng. Thậm chí có người như vua Lê Chiêu Thống đã trở thành kẻ bán nước cầu vinh, cõng rắn cắn gà nhà. Triều vua Quang Trung chiến công lẫy lừng như thế nhưng lại sớm sụp đổ để cho vua quan nhà Nguyễn trả thù và bôi nhọ một cách oan uổng! Đó là thời đại chiến tranh liên miên, mạng người như cỏ rác. Cho nên từ Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Ai tư vãn đến Văn chiêu hồn, Sơ kính tân trang, Tự tình khúc… đều thể hiện một tinh thần cảm thương cho số phận con người, than tiếc những giá trị bị hủy hoại oan uổng. Truyện Kiều cũng nằm trong tư trào cảm thương đó, một tư trào văn học, một mặt cảm thấy xót thương cho cuộc đời bị hủy hoại, nhân sinh hư huyễn, vô thường, các giá trị nhanh chóng bị tàn phai, suy sụp. Và mặt khác là một ý thức bất mãn thực tại, muốn chất vấn, tố cáo hiện thực đen tối. Tuy nhiên một thời gian dài do ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa hiện thực, coi chủ nghĩa hiện thực là một phạm trù giá trị, do đó muốn đề cao Truyện Kiều thì phải chứng minh nó là tác phẩm hiện thực chủ nghĩa. Người ta chỉ xem tác phẩm là chủ nghĩa hiện thực phê phán và bỏ qua khuynh hướng cảm thương của nó. Nói cho đúng một số tác giả bình luận Truyện Kiều cũng thấy đó là tiếng kêu thương, là tiếng khóc than cho số phận nhưng chỉ hiểu đó như một tính chất riêng biệt của một cá tính trong tác phẩm, một sắc thái, chứ không phải là một khuynh hướng văn học. Với lại nếu quiTruyện Kiều vào chủ nghĩa tình cảm, một trào lưu văn học tư sản trước chủ nghĩa hiện thực sẽ bị coi là hạ thấp Truyện Kiều! Tôi cho rằng văn học Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn có ba khuynh hướng văn học chứ không phải một chủ nghĩa hiện thực như có một số người quan niệm (mà tiêu biểu là  Đỗ Đức Dục). Theo tôi, ngoài khuynh hướng hiện thực trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Thượng kinh ký sự, thơ Hồ Xuân Hương (truyền tụng), còn có khuynh hướng lãng mạn ở Song tinh, Hoa Tiên, và đặc biệt chủ yếu là khuynh hướng cảm thương là miêu tả những con người có tài năng, giá trị, nhưng nhỏ bé, bị cuộc đời hủy diệt không thương tiếc và từ đó bày tỏ lòng tiếc thương đau xót vô hạn của mình. Cái chung của các khúc ngâm nêu trên với bài Văn chiêu hồn và Truyện Kiều chính là ở chỗ chúng cùng miêu tả những con người có giá trị thực sự nhưng đã bị hủy hoại oan uổng, và cùng cất lên tiếng kêu ai oán, xót thương. Thực chất Truyện Kiều là câu chuyện của một cuộc đời tươi đẹp, tài năng đã hy sinh cho lý tưởng đạo đức và chịu sự huỷ diệt tàn bạo đau đớn suốt 15 năm trời. Đổ lỗi cho số mệnh, cho ông xanh, tạo hóa, nguyệt lão chỉ là cách làm khi con người chưa có nhu cầu đi sâu phân tích, tìm hiểu nguyên nhân thực tế của tình trạng và để cho tiếng khóc, tiếng than được vang lên mạnh mẽ hơn. Đó chính là những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa cảm thương. Mà một khi chưa có nhu cầu nhận thức và phân tích thực tế thì chưa có chủ nghĩa hiện thực.

Chúng ta thường đồng nhất yếu tố tố cáo, lên án thực tại đen tối với chủ nghĩa hiện thực, mà quên rằng khuynh hướng đó chỉ xuất hiện khi nhu cầu nhận thức khách quan đã được khơi dậy bằng các thành tựu khoa học. Chúng tôi tán thành với Trần Đình Hượu khi ông nhận định rằng “Hướng vào thực tại bằng tâm, chí không dắt văn học đến con đường hiện thực”[4]. Nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý thêm, văn học tự sự trung đại do chịu ảnh hưởng của ngòi bút xuân thu của sử học, nó cũng dẫn tới miêu tả thực tại và phê phán thời chính, cũng góp phần tạo ra chủ nghĩa hiện thực. Do đó, tố cáo, lên án cái đen tối là yếu tố chung của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa cảm thương và chủ nghĩa lãng mạn, nó không phải là dấu hiệu duy nhất, độc quyền của chủ nghĩa hiện thực, nhưng dĩ nhiên chất lượng khác nhau. Vậy theo chúng tôi toàn bộ sự tố cáo hiện thực ở đây thuộc khuynh hướng cảm thương (tình cảm) chủ nghĩa.

Chủ nghĩa cảm thương là hiện tượng văn học có tính chất quốc tế. Nó xuất hiện ở Châu Âu vào nửa sau thế kỉ XVIII vào thời kỳ xã hội phong kiến khủng hoảng trầm trọng và chủ nghĩa tư bản phát triển rầm rộ làm cho đông đảo nông dân và thợ thủ công bị phá sản. Sự sụp đổ của xã hội cũ, sự lạnh lùng, tàn bạo của quan hệ đồng tiền đã làm huỷ diệt bao nhiêu giá trị và gợi lên tâm trạng xót thương bi lụy đồng cảm với những số phận bị hẩm hiu và lên án đồng tiền, lên án bọn ăn bám độc ác, tàn nhẫn. Chủ nghĩa tình cảm đề cao những giá trị của con người phổ biến, từ đó đề cao tư tưởng dân chủ và vì thế mà càng đau xót hơn cho số phận con người bất kể giàu nghèo. Họ thường miêu tả những tình yêu bất hạnh của những con người khác đẳng cấp để lên án bất công, chia rẽ xã hội và đề cao giá trị con người.

Ở Trung Quốc vào cuối thời Minh Nho giáo đã chuyển sang tâm học. Lý Chất (1527-1602) đề xướng văn học nói lời nói thật của tấm lòng – “Cái riêng tư, chính là tâm của con người vậy” (tư giả, nhân chi tâm dã), và đề cao Tây sương, Thuỷ hử. Ông đề cao “đồng tâm” (tấm lòng trẻ thơ, hồn nhiên) coi đó là cơ sở để sáng tác. Tấm lòng đó là chiếc cầu nối liền thị dân và quí tộc, văn học đáng quí không phải do lập ngôn cho thánh hiền, mà là do biểu đạt lòng người một cách chân thật. Từ đó mà nảy sinh khuynh hướng văn học dân chủ, giải phóng cá tính, lãng mạn chủ nghĩa như Tây du kí, Mẫu đơn đình. Theo nhà mĩ học Lý Trạch Hậu, bắt đầu từ Đào hoa phiến, Trường sinh điện, Liêu trai chí dị cho đến Hồng Lâu Mộng văn học Trung Quốc xuất hiện khuynh hướng chủ nghĩa cảm thương. Nền tảng của nó cũng là tâm học, cũng là quan niệm dân chủ, giải phóng cá tính. Tình yêu Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, vua và phi, khác đẳng cấp, vì vậy khi gặp biến thì người phải chết là phi chứ không phải vua, và Trường sinh điện thể hiện niềm oán hận thương xót một tình yêu lý tưởng và một ý niệm về cuộc đời hư huyễn. Tình yêu giữa người và các hồ ly tinh, hồn người chết cũng thể hiện tư tưởng tình yêu cao hơn sự phân biệt của cõi âm dương, ma quỉ và cũng thể hiện cuộc đời hư ảo. Hồng Lâu Mộng với tình yêu giữa Bảo Ngọc với đủ loại thiếu nữ từ quí tộc sa sút Đại Ngọc đến các cô a hoàn và sự hủy diệt của các tình yêu ấy. Lý Trạch Hậu nhận xét: “Dù là chủ đề tình yêu, chủ đề chính trị, chủ đề sắc không, đều hầu như không có cái gì nói rõ được sự thăng hoa của trào lưu chủ nghĩa cảm thương vốn có cơ sở sâu sắc trongHồng Lâu Mộng. Chính chủ nghĩa cảm thương làm cho Hồng Lâu Mộng tỏa ra những luồng ánh sáng khác lạ. Bao trùm lên nỗi vui tình yêu của Bảo Ngọc, Đại Ngọc, trên sự hào hoa xa xỉ của cuộc về thăm nhà của Nguyên phi, trên thảm kịch to lớn mà biến cố chính trị mang lại, chẳng phải là niềm xót thương sâu nặng, lời than vãn ai oán, khi thì nhẹ như khói sương, như giấc mộng ảo, khi réo rắt dồn dập như một cung đàn?”[5]. Lỗ Tấn đã nói: “Vận xui vừa tới, biến cố dần nhiều, Bảo Ngọc tuy ở trong sự giàu sang xa xỉ nhưng cũng đã nhiều phen giáp mặt với “vô thường”. Màn sương buồn lạnh phủ trùm vườn hoa nhưng người hít thở và cảm được màn sương ấy duy chỉ có một mình Bảo Ngọc”. Chủ nghĩa tình cảm không hề hạ thấp phủ nhận giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm, mà chỉ nói lên sắc thái độc đáo của khuynh hướng sáng tác lúc ấy mà thôi.

Như vậy, nếu như ở phương Tây chủ nghĩa cảm thương đem tình yêu siêu đẳng cấp, siêu biên giới mà chống lại các quan niệm đẳng cấp chật hẹp, mang tinh thần khai sáng, thì trong văn học Trung Quốc, yếu tố ấy tuy cũng có nhưng chủ yếu là gắn với cảm xúc bi thương về sự hư ảo của cuộc đời. Hồng Lâu Mộng trở thành tác phẩm lớn nhất của chủ nghĩa hiện thực cổ điển Trung Quốc, là bài ca mặc niệm về gia đình quí tộc, về cuộc đời trần thế, bài ca mặc niệm của vẻ đẹp của cuộc sống con người. Đến thời cận đại Ngọc lê hồn,Tuyết hồng lệ sử Từ Trẫm á, Đoạn hồng linh nhạn kí của Tô Mạn Thù tiếp tục khuynh hướng đó.

Chủ nghĩa cảm thương trong văn học Việt Nam bắt đầu từ Chinh phụ ngâm trở đi, theo chúng tôi cũng là do nhu cầu cuộc sống cá nhân, giá trị cá nhân được thức tỉnh, nhưng do chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, con người thấy bất lực trước số phận, nên lập tức cảm thấy số phận mong manh, dễ bị huỷ hoại phũ phàng, cảm nhận một chất thơ bi thương, ai oán.Truyện Kiều là đỉnh cao của dòng văn học cảm thương đó. Khi nhà nghiên cứu Trương Tửu nói chất thơ trong Truyện Kiều là chất thơ bị thua, bị mất mát, cũng là nói đến chất cảm thương của tác phẩm[6]. Chủ nghĩa cảm thương này chủ yếu thể hiện trong giọng điệu tác phẩm, và còn kéo dài ảnh hưởng đến văn học Việt Nam đầu thế kỷ (Tương Phố, Đông Hồ, Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách…) và cả thơ Mới cũng rất giàu giọng điệu cảm thương (như thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận…). Chủ nghĩa cảm thương Việt Nam có nét khác hẳn với chủ nghĩa cảm thương phương Tây và Trung Quốc.

Chủ nghĩa cảm thương khiến cho tác giả tập trung khai thác khía cạnh mất mát, đổ vỡ, chia lìa, đau thương, oan trái, thua thiệt, phai tàn. “Thao tác”để nhân vật chính ngồi một mình, như có người nhận xét, thực chất là để nhân vật cảm nhận một cách thấm thía sự mất mát, thua thiệt, oan trái… của mình đặng mà đau đớn, tiếc nuối, oán trách, số phận chứ không phải để phân tích tâm lí. Sự lựa chọn các từ ngữ và hình ảnh cùng môtip thể hiện sự chia lìa, mất mát, thua thiệt…đã tạo nên giọng điệu cảm thương của tác phẩm và cho cả khuynh hướng văn học này.

[1]

[2]

[3]

[4]

[5] Lý Trạch Hậu: Lịch trình của cái đẹp trong sách: Ba sách về mĩ học. NXB An Huy văn nghệ, Hợp Phì, 1999, tr.201.

[6]

Nguồn: trandinhsu.wordpress.com

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020