Lý luận văn học

Mĩ học tiếp nhận ở Trung Quốc


15-10-2020
Tác giả: Đỗ Văn Hiểu

Mĩ học tiếp nhận đến Trung Quốc đã tạo nên một phong trào nghiên cứu khá rầm rộ và để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử nghiên cứu văn học của quốc gia này. Bài viết hướng tới giới thiệu đặc điểm tiếp nhận, nghiên cứu, vận dụng Mĩ học tiếp nhận của giới nghiên cứu văn học Trung Quốc trong hơn 30 năm qua.

Như chúng ta đã biết, trường phái Mĩ học tiếp nhận Konstanz Đức ra đời vào những năm 60 của thế kỉ 20 và đạt đến đỉnh cao vào những năm 70. Nó đã góp phần thúc đẩy nghiên cứu văn học thế giới chuyển trung tâm tnghiên cứu tác giả, văn bản sang nghiên cứu độc giả và sự tiếp nhận. Mĩ học tiếp nhận đến Trung Quốc đã tạo nên một phong trào nghiên cứu khá rầm rộ và để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử nghiên cứu văn học của quốc gia này. Bài viết hướng tới giới thiệu đặc điểm tiếp nhận, nghiên cứu, vận dụng Mĩ học tiếp nhận của giới nghiên cứu văn học Trung Quốc trong hơn 30 năm qua.

1Dịch giới thiệu Mĩ học tiếp nhận một cách toàn diện

            Trước thập niên 80, trong một thời gian tương đối dài, nghiên cứu văn học Trung Quốc chủ yếu tiếp nhận ảnh hưởng của lí thuyết văn học Xô Viết, mà chủ yếu là lí luận phê bình văn học Mác xít, trong khi đó nghiên cứu văn học thế giới đã chuyển sang phổ hệ hậu hiện đại. Đối diện với sự yếu kém của lí luận văn học trong nước, thập niên 80-90 Trung Quốc tập trung tinh lực phiên dịch lí luận văn học đương đại phương Tây với mong muốn nhanh chóng hiện đại hóa lí luận văn học nước nhà. Khi phiên dịch Mĩ học tiếp nhận, con đường mà họ lựa chọn là: trước hết dịch những bài giới thiệu về Mĩ học tiếp nhận và những văn bản lí thuyết riêng lẻ dễ được tiếp nhận nhất, coi nó như chiếc đũa thử thăm dò phản ứng của giới nghiên cứu. Cho nên, từ năm 1983 học giả Trung Quốc đã quan tâm đến Mĩ học tiếp nhận, nhưng trong vài năm tiếp theo chủ yếu chỉ tìm hiểu khái niệm cơ bản, bối cảnh lí luận và tập trung giới thiệu những bình luận của học giả phương Tây về trường phái lí thuyết này. Người sớm nhất giới thiệu Mĩ học tiếp nhận ở Trung Quốc là Phùng Hán Tân và Trương Lê, họ dịch giới thiệu hai bài viết của nhà nghiên cứu người Ý Meregalli Bàn về Tiếp nhận văn học và Bút kí Mĩ học tiếp nhận (1983). Người đầu tiên dịch Mĩ học tiếp nhận ra tiếng Trung là Sầm Dật Thành người Hong Kong, ông dịch chương 6 cuốn Hoạt động đọc của Iser và công bố ở Đài Loan. Năm 1985 La Thê Luân dịch tóm tắt bài Khái luận nghiên cứu Mĩ học tiếp nhận của học giả Tây Đức Grimm, thông qua bài viết này, giới nghiên cứu Trung Quốc sơ bộ hiểu Mĩ học tiếp nhận là gì, bối cảnh ra đời của nó, thế nào là kinh nghiệm thẩm mĩ và các vấn đề tranh luận xung quanh Mĩ học tiếp nhận.

            Sau thời kì thăm dò, học giả Trung Quốc phát hiện ra Mĩ học tiếp nhận là một lí thuyết có giá trị, có thể giải quyết rất nhiều vấn đề của nghiên cứu văn học trong nước, cho nên họ tiến hành dịch các văn bản biểu hiện bản chất trường phái này. Năm 1987, Vương Vệ Tân và Chương Châu Phong dịch hai bài viết có tính chất cương lĩnh của Mĩ học tiếp nhận: Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa văn học của Jauss và Kết cấu vẫy gọi của văn học: tính bất định như là điều kiện sản sinh hiệu quả của văn học của Iser – hai đại diện tiêu biểu nhất của Mĩ học tiếp nhận. Tiếp theo còn có những bài dịch khác như Độc giả ẩn tàng”(1988) do Chu Lập Nguyên dịch từ chương 11 của cuốn Độc giả tiềm ẩn. Những bản dịch lẻ này giúp giới nghiên cứu một lần nữa ý thức rõ hơn về giá trị của Mĩ học tiếp nhận. Dư luận và nhu cầu trong nước thúc đẩy giới nghiên cứu tiến tới dịch chuyên luận và tuyển tập. Kim Nguyên Phố và Chu Ninh cùng dịch cuốn Mĩ học tiếp nhận và lí thuyết tiếp nhận (1987) giới thiệu chuyên luận của Jauss và thành quả nghiên cứu Mĩ học tiếp nhận của Holub. Chính vì nhu cầu về Mĩ học tiếp nhận trong nước ngày một tăng, dẫn đến hình huống khá thú vị, đó là gần như đồng thời có 3 nhóm cùng dịch cuốn The act of reading: a theory of aesthetic response của Iser, năm 1988 xuất bản một cuốn, năm 1991 xuất bản hai cuốn.Aesthetic experience and literary hermeneutics của Jauss cũng có hai bản dịch. Một số học giả Trung Quốc cho rằng Mĩ học tiếp nhận Đông Đức là một nhánh của Mĩ học tiếp nhận, cho nên Phạm Đại Xán dịch Tác phẩm, văn học sử và độc giả của Nauman. Một loạt tuyển tập liên quan đến Mĩ học tiếp nhận đồng thời xuất hiện năm 1989, như Lí thuyết tiếp nhận do Trương Đình Thâm tuyển dịch, Tuyển dịch Mĩ học tiếp nhận của Lưu Tiểu Phong, Phê bình phản ứng của người đọc do Lưu Phong tuyển… Đến đây, về cơ bản trước tác kinh điển của Mĩ học tiếp nhận đã được dịch một cách tương đối toàn diện sang tiếng Trung, tạo tiền đề tốt cho việc nghiên cứu chung.

Khi đã dịch tương đối toàn diện lí luận cơ bản, để tiện hơn trong nghiên cứu và tiến hành đối thoại, học giả Trung Quốc bắt đầu tham khảo các cách nhìn của học giả phương Tây về Mĩ học tiếp nhận nhằm hạn chế đến mức tối đa xu hướng sùng bái hoặc phê phán một chiều. Ngũ Hiểu Minh dịch chương 2 cuốn Lí luận văn học phương tây thế kỉ 20 (1987) của học giả người Anh Terry Eagleton, Thang Vĩnh Khoan dịch Dẫn luận phê bình phản ứng người đọc (1987), Ngũ Hiểu Minh dịch Sự phát triển của lí thuyết tiếp nhận: giải phóng độc giả thực thụ của Elrud Ibsch (1988), Lưu Phong dịch Từ lịch sử phê bình nhìn nhận sự đối lập giữa phê bình phản ứng của người đọc và phê bình mới(1989), Phạm Đại Xán dịch Giản thuật Mĩ học tiếp nhận của Schober (1992). Các học giả Trung Quốc còn dịch những trước tác lí luận thời kì sau của hai vị đại diện tiêu biểu của Mĩ học tiếp nhận, như cuốn Hư cấu và tưởng tượng: cương giới của nhân loại học văn học của Iser (2003), cuốn Kinh nghiệm thẩm mĩ và giải thích học văn học của Jauss (2006). Có thể nói, đối diện với Mĩ học tiếp nhận ngoại lai, giới nghiên cứu Trung Quốc đã chọn được một sách lược dịch rất hợp lí, mang lại cơ sở vững chắc cho công việc nghiên cứu, đối thoại và vận dụng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích vì sao nghiên cứu và vận dụng Mĩ học tiếp nhận ở Trung Quốc lại thành công như vậy.

2.  Trên cơ sở Mĩ học tiếp nhận xây dựng lí thuyết văn học sử mới

Giai đoạn 1950-1970, nghiên cứu văn học sử ở Trung Quốc chú trọng mục tiêu chính trị, coi nhẹ nghệ thuật và tính thẩm mĩ tự thân của văn học. Các bộ văn học sử thời kì này đều cùng một mô hình: bối cảnh lịch sử, tiểu sử nhà văn, nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật. Trong mô hình như vậy, nhà văn và tác phẩm chiếm vị trí trung tâm, có nghĩa là lịch sử văn học được tái hiện thông qua việc phác họa về nhà văn, tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học, nhân tố chủ quan của người biên soạn bị nhòe mờ. Trước sự đông cứng của khung biên soạn văn học sử, cuối những năm 80 của thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 ở Trung Quốc đã có nhiều cuộc thảo luận về lí thuyết văn học sử và vấn đề biên soạn lịch sử văn học. Cụ thể là chuyên mục Viết lại văn học sửtrên tạp chí Văn luận Thượng Hải do Trần Tư Hòa và Vương Hiểu Minh phụ trách. đầu thế kỉ 21, Chương Bồi Hằng và Trần Tư Hòa lại một lần nữa phát động tranh luận về vấn đề phân kì văn học sửNhững tranh luận về viết lại văn học sử đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu lí thuyết văn học sử của Mĩ học tiếp nhận. Quan điểm văn học sử của Mĩ học tiếp nhận chủ yếu được thể hiện trong tư tưởng lịch sử tiếp nhận văn học của Jauss. Ông chủ trương xây dựng lịch sử tiếp nhận văn học dựa trên cơ sở sự tiếp nhận của độc giả.  Ông xem trọng tính lịch sử và tính thẩm mĩ của văn học, xem trọng độc giả và tính chủ thể của độc giả. Lúc đó, tư tưởng văn học sử của Mĩ học tiếp nhận có thể bổ sung cho những khuyết thiếu của mô hình cũ, hình thành lịch sử tiếp nhận văn học ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiếp nhận quan niệm mới về văn học sử trên tinh thần sáng tạo. Họ đã cố gắng điều chỉnh, bổ sung, giới định, cụ thể hóa lí thuyết ngoại lai để giúp cho nó có thể thích ứng thực tiễn văn học trong nước. Người góp công rất lớn trong việc này là Chu Lập Nguyên, Trần Văn Trung, Thượng Học Phong, Cao Trung Phủ… Chu Lập Nguyên cho rằng văn học sử theo quan điểm của Mĩ học tiếp nhận là sự tương hợp giữa hình thức thẩm mĩ và hình thức lịch sử, thể hiện kinh nghiệm thẩm mĩ của dân tộc. Từ đó, ông đề xuất quan điểm: văn học sử bao gồm lịch sử ảnh hưởng, lịch sử tác gia tác phẩm và lịch sử phê bình văn học. Theo ông, lịch sử tiếp nhận là cầu nối giữa lịch sử tác gia tác phẩm và lịch sử phê bình[1]. Quan niệm này đã bổ sung cho quan niệm văn học sử vĩ mô của Jauss và dung hòa được thuộc tính lịch sử và thuộc tính thẩm mĩ. Chu Lập Nguyên đặc biệt chú ý đến lịch sử  kinh nghiệm thẩm mĩ, ông cho rằng lịch sử kinh nghiệm thẩm mĩ là hạt nhân của lịch sử tiếp nhận. Khi bàn về lịch sử ảnh hưởng, ông đã tiến hành khảo sát nhà văn mang thân phận là người đọc, sự phê bình và bình luận cụ thể của nhà phê bình, của nhà văn đối với tác phẩm cụ thể, từ đó thu được những kết quả rất có giá trị. Trần Văn Trung đã kết hợp được tính đặc thù của lịch sử văn học cổ đại Trung Quốc với Mĩ học tiếp nhận phương tây để đề xuất phương pháp nghiên cứu lịch sử tiếp nhận riêng. Ông đặc biệt chú ý nghiên cứu loại độc giả đặc thù gồm nhà văn và nhà phê bình; chú ý khảo sát ảnh hưởng của tác phẩm kinh điển và tác gia lớn đối với đời sau[2]. Sùng cổ và sử dụng điển tích điển cố trong văn hóa cổ đại Trung Quốc là một hiện tượng hết sức phổ biến, cho nên dùng lí thuyết lịch sử hiệu quả để nghiên cứu sẽ phát hiện ra nhiều điều có lợi đối với nghiên cứu chỉnh thể lịch sử văn học cổ đại. Rõ ràng, Trần Văn Trung đã có những thay đổi và bổ sung cho tư tưởng lịch sử tiếp nhận của Jauss mà nổi bật nhất là ông đã cụ thể hóa loại hình độc giả. Tuy Jauss luôn sử dụng khái niệm độc giả mang nghĩa rộng bao gồm độc giả, nhà văn chịu ảnh hưởng của nhà văn tiền bối, nhà văn học sử, nhà phê bình, nhưng khi nghiên cứu sự thay đổi của tầm đón nhận ông lại bỏ qua việc dùng loại hình độc giả để nghiên cứu lịch sử tiếp nhận văn học. Trần Văn Trung đã phân người tiếp nhận thơ ca cổ đại Trung Quốc thành người tiếp nhận phổ thông, nhà phê bình thơ ca và nhà thơ. Thượng Học Phong, Vương Triệu Bằng đã chủ trương phân biệt nghiên cứu lịch sử tiếp nhận và nghiên cứu so sánh ảnh hưởng. Nghiên cứu ảnh hưởng của văn học so sánh chú trọng tác gia tác phẩm của thời đại trước đơn hướng ảnh hưởng đến tác gia thời đại sau hoặc tác gia văn học nước khác, còn nghiên cứu ảnh hưởng trong Mĩ học tiếp nhận lại chú ý đến quan hệ giao lưu hai chiều giữa tác phẩm và độc giả đời sau, có nghĩa là chú ý đến sự chủ động tham gia và tự do lựa chọn văn bản của người đọc[3]. Vương Triệu Bằng lại cho rằng nghiên cứu văn học sử nên nghiên cứu truyền bá và tiếp nhận. Như vậy, họ đã tiến thêm một bước trong việc cụ thể hóa nội hàm khái niệm lịch sử tiếp nhận của Jauss. Cao Trung Phủ đề xuất vấn đề điều kiện biên soạn lịch sử tiếp nhận tác gia tác phẩm nào đó, vì trên thực tế không phải bất kì tác gia tác phẩm nào cũng có thể nghiên cứu lịch sử tiếp nhận, chỉ có những tác gia tác phẩm kinh điển mới thực sự tồn tại lịch sử tiếp nhận. Vì thế, một tác giả tác phẩm nào đó muốn có vĩ độ lịch sử tiếp nhận thì tất yếu phải có sức sống mãnh liệt và lâu dài, độc giả phải luôn hứng thú với nó[4].

Lý thuyết văn học sử của Jauss thiếu hệ thống phương pháp có thể thao tác để biên soạn một bộ lịch sử văn học toàn diện. Vì thế, sau khi điều chỉnh bổ sung cho lí luận lịch sử tiếp nhận, giới nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành thao tác hóa lí thuyết. Họ đã lấy mô hình giao lưu giữa độc giả và văn bản làm căn cứ để thay đổi mô hình văn học sử, chú trọng quan hệ hai chiều giữa tầm đón nhận thẩm mĩ của người đọc và tiềm năng ý nghĩa của văn bản, phân biệt rõ ràng các phương hướng thay đổi, sau đó chế định các bước thực hiện. Theo quan điểm của Jauss, mỗi tác phẩm mới đều phải đáp ứng được một số nguyên tắc của tầm đón đợi thì mới được thời đại tiếp nhận. Nhưng kiệt tác thì lại thường phá vỡ, vượt qua loại hình quen thuộc trong tầm đón nhận vốn có – phá cũ lập mới. Giữa tác phẩm và tầm đón nhận của độc giả, giữa đối lập và thống nhất cần phải có khoảng cách hợp lí, tức là khoảng cách thẩm mĩ không nên quá lớn nếu không tác phẩm sẽ bị cự tuyệt, nhưng nếu khoảng cách thẩm mĩ quá nhỏ thì cũng sẽ trở thành quá phổ thông và cuối cùng sẽ bị đào thải; lí tưởng nhất là tác phẩm vừa thỏa mãn một số yêu cầu của tầm đón nhận của người đọc, vừa phá vỡ vừa làm mới một tầm đón nhận nào đó. Chu Lập Nguyên đã cụ thể hóa lí luận của Jauss thành mô hình: “Tác phẩm mới – phá vỡ tầm đón nhận cũ – người đọc xây dựng tầm đón nhận mới – tầm đón nhận phổ biến hóa, khi tiêu chuẩn thẩm mĩ mới được hình thành, nó lại chuyển thành tầm đón nhận cũ, tác phẩm mới cũng trở thành tác phẩm cũ – lại xuất hiện tác phẩm mới”[5]. Sự cụ thể hóa thành công thức này đã mang lại các bước nghiên cứu rõ ràng cho các nhà làm văn học sử, thuận tiện cho việc vận dụng vào các hiện tượng văn học cụ thể. Vương Vệ Bình nghiên cứu lịch sử tiếp nhận tám nhà văn văn học hiện đại Trung Quốc, phát hiện ra quan hệ giữa tiềm năng ý nghĩa của tác phẩm và tầm đón nhận của người đọc trong mỗi thời kì lịch sử. Vì ở mỗi giai đoạn lịch sử độc giả chịu ảnh hưởng của chủ lưu tinh thần xã hội khác nhau dẫn đến tầm đón nhận cũng khác nhau, khiến sự tiếp nhận bình giá của họ cũng thay đổi. Đồng thời, dẫn đến sự tiếp nhận với thái độ khác nhau cũng do tác phẩm vốn có ý nghĩa phong phú. Như vậy, nắm được quan hệ giữa văn bản và tầm đón đợi của người đọc có thể lí giải được diện mạo văn học sử[6].

            Trong văn học cổ đại Trung Quốc tính kế thừa lại lớn hơn tính đột phá, vì thế nếu Jauss nhấn mạnh sự đối lập giữa tác phẩm mới và tầm đón nhận cũ của người đọc thì học giả Trung Quốc lại thiên về tính thống nhất, họ ra sức thúc đẩy nghiên cứu ảnh hưởng. Mặc dù Jauss không đặt vấn đề nhà văn đồng thời cũng là độc giả vào vị trí nổi bật trong hệ thống lí thuyết của mình, nhưng khi Mĩ học tiếp nhận vào Trung Quốc thì vấn đề này lại chiếm vị trí hạt nhân. Thời cổ đại, hiện tượng người đọc lí tưởng đồng thời là nhà văn rất phổ biến. Lưu Hồng Bân phát hiện ra sáng tác của Tào Tuyết Cần, Thi Nại Am, La Quán Trung, Ngô Thừa Ân… có chịu ảnh hưởng của mô hình chân –giả trong xây dựng nhân vật của các nhà văn tiền bối. Học giả Trung Quốc cũng ý thức được quan hệ giữa tác phẩm đời trước và độc giả đời sau không chỉ là đơn hướng. Sự tiếp nhận, đánh giá cao hoặc thái độ lạnh nhạt của người đọc cũng sẽ ảnh hưởng đến vị trí của tác phẩm và nhà văn thời đại trước. Nhà văn vừa là người sáng tác vừa là người tiếp nhận, sự song trùng thân phận này ảnh hưởng lớn đến toàn bộ lịch sử tiếp nhận văn học. Vì hiện tượng dụng điển, mô phỏng cổ nhân là rất phổ biến trong văn học cổ đại Trung Quốc, cho nên nghiên cứu sự tiếp nhận của nhà văn với tư cách là một loại độc giả đặc thù trở thành nét đặc sắc trong nghiên cứu văn học sử Trung Quốc.

 Học giả Trung Quốc cũng chú ý vận dụng lí thuyết đồng đại và lịch đại của Jauss để khắc phục sự phân tích độc lập, tĩnh tại đối với tác phẩm nhà văn. Đối với nghiên cứu văn học sử, phương pháp này rất quan trọng, vì nếu chỉ khảo sát đồng đại thì chỉ có thể phát hiện ra diện mạo cố định của văn học. Trong khi đó, mỗi giai đoạn, trong mỗi tình huống đọc đặc thù, mỗi khi tâm lí xuất hiện động thái mới, tác phẩm văn học đều có diện mạo mới. Tìm được công cụ để giải quyết vấn đề này mới có thể khiến văn học sử khai phá giai đoạn mới. Xuất phát từ góc độ này, Vương Vệ Bình, Trần Phúc thăng, Cao Nhật Huy, Hồng Ứng đã thu được thành tựu rất lớn.

Như vậy, bên cạnh việc giới định, điều chỉnh, bổ sung, giới nghiên cứu Trung Quốc đã tìm cách thao tác hóa lí thuyết văn học sử của Jauss, họ cho rằng ngay lập tức biên soạn một bộ lịch sử văn học mang tính chỉnh thể toàn diện là điều không thể, cho nên trước tiên nên biên soạn lịch sử tiếp nhận những tác gia tác phẩm kinh điển; tiếp theo sẽ biên soạn lịch sử tiếp nhận thể loại; cuối cùng mới có thể biên soạn được một bộ lịch sử tiếp nhận văn học mang tính chỉnh thể và toàn diện. Sách lược này đã mang lại những thành công nhất định, biểu hiện cụ thể là đã có không ít công trình về lịch sử tiếp nhận những tác phẩm kinh điển ra đời, như Lịch sử tiếp nhận Hồng Lâu Mộng, Lịch sử tiếp nhận Thủy Hử…; cũng có không ít sách về lịch sử tiếp nhận thơ ca của tác gia kinh điển, như Lịch sử tiếp nhận thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha…; lịch sử tiếp nhận một thể loại, như Lịch sử tiếp nhận thơ Đường, Lịch sử tiếp nhận từ Tống…; hơn nữa, giới nghiên cứu còn biên soạn lịch sử tiếp nhận văn học cổ đại, văn học hiện đại. Có thể nói, đây là những thành tựu cụ thể nhất trong nghiên cứu vận dụng Mĩ học tiếp nhận của giới nghiên cứu Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không hoàn toàn sùng bái, ca ngợi một chiều, họ đã chỉ ra những hạn chế của Mĩ học tiếp nhận: Mĩ học tiếp nhận đã coi nhẹ tính chủ thể của nhà văn, che lấp giá trị và ý nghĩa của sáng tác[7]; tầm đón nhận và mô hình lịch sử tiếp nhận quá ỷ lại vào kinh nghiệm thẩm mĩ của tác giả mà coi nhẹ tính khách quan của ý nghĩa và tiêu chuẩn giá trị thẩm mĩ của văn học[8]; Sự lí giải của Jauss về độc giả thiên sang vĩ mô và thiếu ý thức về cơ sở xã hội của người đọc[9]. Quá nhấn mạnh tính đối lập giữa tầm đón nhận của người đọc, mở rộng ý nghĩa phủ định hiện thực[10]. Chính vì phát hiện ra hạn chế trong lí luận của Jauss cho nên học giả Trung Quốc trong quá trình vận dụng đã phân biệt, bổ sung, cải tạo làm cho nó thích hợp với thực tiễn phát triển của văn học. Như vậy có thể thấy, Mĩ học tiếp nhận đến Trung Quốc không phải mở ra một lĩnh vực hoàn toàn mới, mà nhiều hơn là mang đến cho giới nghiên cứu Trung Quốc phương pháp luận có tính khai mở.

3. Xây dựng lí luận tiếp nhận văn học mang màu sắc Trung Quốc

            Nửa sau thế kỉ 20, giới nghiên cứu văn học Trung Quốc phát hiện hiện tượng “thất ngữ”, “tây hóa toàn bộ” trong lí luận văn học Trung Quốc. Họ nhận ra rằng muốn xây dựng nền lí luận văn học mang màu sắc Trung Quốc và có thể đối thoại được với phương Tây thì cần phải kết  hợp lí thuyết ngoại lai với việc chỉnh lí, diễn giải mới về lí luận truyền thống, xây dựng diễn ngôn riêng. Đối với Mĩ học tiếp nhận, họ chủ trương vận dụng lí thuyết này nhìn lại toàn bộ hệ thống lí luận tiếp nhận truyền thống, xây dựng hệ thống lí luận vừa truyền thống vừa hiện đại mang màu sắc Trung Quốc.

Từ góc độ Mĩ học tiếp nhận giới nghiên cứu Trung Quốc tiến hành giải thích lại một số phạm trù thi học cổ điển như ý cảnh, thi ngôn chí, dĩ ý nghịch chí, thi vô đạt hỗ, phát hiện ra ý nghĩa lí luận tiếp nhận trong đó. Đồng thời tiến hành khám phá lí luận tiếp nhận của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long, của Chung Vinh trong Thi phẩm, giải thích các phạm trù thi học có ý nghĩa tiếp nhận của Vương Phu Chi và phép bình điểm của Kim Thánh Thán. Khảo sát các phạm trù lí luận từ thời tiên Tần đến Minh Thanh, họ thấy rằng người xưa đã ý thức ngày càng sâu sắc và tự giác hơn trong lí luận thưởng thức, tiếp nhận văn học. Từ đó,  học giả Trung Quốc chỉ ra những đặc trưng cơ bản của lí luận tiếp nhận văn học Trung Quốc.

            Từ góc độ văn bản, có thể thấy ý thức tiếp nhận của người Trung Quốc xưa không tập trung thành những chuyên luận mà tản mạn ở các văn bản như thi thoại, từ thoại, văn thoại, khúc thoại, tuyển bản, bình điểm, tập chú… Người Trung Quốc thích “chạm đến là dừng”, thích lời ít ý nhiều chứ không thích trường thiên đại luận. Trong những văn bản tiếp nhận này ẩn tàng kinh nghiệm thẩm mĩ của người tiếp nhận trong các thời đại khác nhau. Trần Văn Trung chú ý đến bình luận thơ, tuyển tập thơ, đặc biệt là những tuyển tập thơ các thời đại khác nhau[11]. Bình điểm là phương thức độc giả thể hiện ý thức tiếp nhận, trong quá trình đọc này, ba nhân tố nhà văn, bình điểm, độc giả có ảnh hưởng lẫn nhau. Đây chính là hiện tượng đặc thù trong tiếp nhận tiểu thuyết ở Trung Quốc cổ đại[12].

            Từ đặc trưng phương pháp tư duy tiếp nhận, các nhà nghiên cứu thấy rằng người xưa nhấn mạnh trực giác và cảm ngộ khi nắm bắt đối tượng. Họ đặc biệt chú trọng phát triển lí thuyết “vị”. “Vị” trong phương pháp thưởng thức phê bình cổ đại thể hiện rõ tư duy biện chứng coi văn bản và người đọc là một chỉnh thể. Loại diễn ngôn này gọi là “phê bình điểm ngộ” hoặc là “thần ngộ trực quan” hoặc là “phê bình ý tượng”[13]. Trung Quốc có lí luận đọc của mình đó là thuyết xuất ­- nhập. Trên thực tế đó là sự kết hợp giữa coi trọng thưởng thức văn học thể nghiệm bên trong (nhập) và phê bình văn học phản ánh bên ngoài (xuất), cũng có thể đã thực hiện sự thống nhất giữa tiếp nhận văn học và kinh nghiệm sống của người đọc[14]. Phong cách tiếp nhận cũng rất đặc biệt, khi tiếp nhận văn bản, cá nhân có thể tùy ý thay đổi nguyên tác, đồng thời tiếp nhận thiếu tính logic, thiếu tính hệ thống. Khi tiếp nhận, người Trung Quốc cổ đại coi trọng tính thể nghiệm và tính thưởng thức. Người tiếp nhận vừa là nhà văn ưu tú và là độc giả ưu tú, cho nên họ thường dùng kinh nghiệm sáng tác phong phú để tiến hành bình điểm, và dựa vào kinh nghiệm phê bình để thúc đẩy năng lực sáng tác. Cứ thế tạo thành hiện tượng đặc thù thẩm thấu lẫn nhau giữa sáng tác và tiếp nhận trong lịch sử.

            Từ góc độ chuẩn giá trị, người  Trung Quốc cổ đại coi phẩm chất của tác phẩm có liên quan đến phẩm chất của người sáng tác, thể hiện khuynh hướng luân lí đạo đức trong phê bình văn học. Lý Kiếm Phong phát hiện ra người xưa thường phá vỡ ranh giới giữa tác giả và tác phẩm, đồng hóa tác phẩm và nhân phẩm. Khuynh hướng này có lúc dẫn tới trong phê bình văn học coi trọng thước đo luân lí đạo đức, coi nhẹ tiêu chuẩn thẩm mĩ, thậm chí hình thành mô hình phê bình “dùng luân lí đạo đức bình luận thơ ca”[15].

            Trong tiếp nhận văn học truyền thống Trung Quốc, hành vi dụng điển và phỏng tác rất phổ biến. Vấn đề này có tính hai mặt, một mặt nó làm cho ảnh hưởng của người trước  rộng hơn, mặt khác, người đời sau thông qua mô phỏng người trước có thể trực tiếp mượn tư tưởng nghệ thuật và bút pháp nghệ thuật, dần dần hình thành phong cách sáng tác của riêng mình. Ngoài ra, vì chịu ảnh hưởng quan niệm sử kí, có nhiều người lấy sử bình thơ, coi bình luận thơ ca trở thành bình luận lịch sử, thoát li hạt nhân thẩm mĩ của văn học. Vương Mai cho rằng quan niệm này khiến người đọc khi tiếp nhận tác phẩm văn học thường liên kết giữa nội dung tác phẩm với sự thực các thời đại khác nhau và trải nghiệm của nhà văn, dùng sự thực lịch sử làm tiêu chí phân biệt chân giả, tìm kiếm dấu tích của sự kiện lịch sử trong tác phẩm văn học[16].

            Từ góc độ chủ thể tiếp nhận, giới nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra người xưa coi trọng thông qua tu dưỡng bản thân mở rộng tầm đón đợi thẩm mĩ. Tu dưỡng tâm thái, tu dưỡng nghệ thuật và kinh nghiệm đọc tạo thành điều kiện chủ thể của độc giả. Người xưa nhấn mạnh chủ thể tiếp nhận phải có tâm thái hư tĩnh, thái độ thẩm mĩ bình lặng ngưng thần. Từ năng lực phán đoán thẩm mĩ của Kant đến khoảng cách tâm lí của Edward Bullongh, rồi đến tầm đón đợi của Jauss và người đọc tiềm ẩn của Iser, lí luận phương tây đều chủ trương chủ thể tiếp nhận dùng thái độ thẩm mĩ phi công lợi để đối xử với văn bản, nhưng lí luận phương tây không nghiên cứu làm thế nào để bồi dưỡng thái độ thẩm mĩ. Sở Bảo Anh cho rằng Trung Quốc cổ đại có không ít thành tựu trong nghiên cứu về tâm thái hư tĩnh, đặc biệt là đạo giáo[17].

            Các học giả Trung Quốc cũng truy tìm nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa lí luận tiếp nhận Trung Quốc và phương tây từ trong cội nguồn văn hóa, tâm lí truyền thống, tư tưởng triết học và quan niệm giá trị. Hoạt động tiếp nhận lí tưởng và phương thức nghiên cứu lí tưởng của Mĩ học tiếp nhận là lấy phân tích lí tính làm chủ, còn phương thức tiếp nhận lí tưởng của Trung Quốc cổ đại lại là cảm tính tổng hợp. Trung Quốc cổ đại coi tiếp nhận văn học là cảm ngộ trực quan và thể nghiệm chỉnh thể. Mĩ học tiếp nhận dùng ngữ thể phê bình tiếp nhận được lí luận hóa, Trung Quốc cổ đại lại dùng ngữ thể phê bình văn học hóa. Điều này có nguồn gốc từ quan niệm “thiên nhân tương phân” của phương Tây và quan niệm “thiên nhân hợp nhất” của Trung Quốc. Phương tây thường coi văn học là đối tượng của phân tích lí tính, chú ý đến tư duy logic biện chứng, vì thế, trên phương diện chỉnh thể, lí luận phương tây dùng tri thức luận làm cơ sở,  thường mang khuynh hướng chủ nghĩa khoa học, còn Trung Quốc lại thường coi văn học là sự giao lưu với một chủ thể khác, đồng thời coi hoạt động tiếp nhận là hoạt động của người và người, người và tự nhiên hợp nhất. Vì thế, người Trung Quốc cổ đại thường lấy nhân sinh luận làm cơ sở, mang đậm tinh thần nhân văn. Tinh thần truyền thống của phương Tây lại thiên sang lí tính, còn phương Đông lại dùng “đạo” để biểu hiện trí tuệ triết học và ngộ tính triết học.

Kết luận

Trong lịch trình hơn 30 năm ở Trung Quốc, Mĩ học tiếp nhận đã có một diện mạo riêng. Giới nghiên cứu văn học Trung Quốc đã có sách lược hợp lí trong việc tiếp nhận lí thuyết này. Họ không chỉ dịch giới thiệu một cách toàn diện, mà còn tiếp nhận trên tinh thần sáng tạo, tinh thần phê phán, tiến hành điều chỉnh, bổ sung, giới định và thao tác hóa lí thuyết, tạo tiền đề cho việc ứng dụng vào thực tiễn văn học trong nước, mà cụ thể là ứng dụng nghiên cứu và biên soạn văn học sử, nghiên cứu lí luận tiếp nhận truyền thống và ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu các hiện tượng văn hóa văn học nghệ thuật. /.                                 

(Bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số tháng 2 năm 2016)

Chú thích

[1] Chu Lập Nguyên , Mĩ học tiếp nhận, nxb Nhân dân Thượng Hải, 1989, tr 361

[2] Trần Văn Trung, Nghiên cứu lịch sử tiếp nhận thơ ca cổ điển Trung Quốc, Nxb Đại học An Huy, 1998, tr 9-29)

[3] Thượng Học Phong…, Lịch sử tiếp nhận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục Sơn Đông, 2000, tr2

[4] Cao Trung Phủ, Lịch sử tiếp nhận Gơt, (1773一1945), Nxb Văn hiến khoa học xã hội, 1993, tr1

[5] Chu Lập Nguyên, sđd, tr345

[6] Vương Vệ Bình, Mĩ học tiếp nhận và văn học hiện đại Trung Quốc, Nxb Giáo dục Cát lâm, 1994, tr88-118

[7] Ôn Phan Á, Quan sát lịch sử hiệu quả trong sự dung hợp tầm đón đợi, Tạp chí Hà Bắc, số 4, năm 2006, tr126

[8] Khấu Bằng Trình, Bàn về hạn chế căn bản của Mĩ học tiếp nhận, Tạp chí khoa học trường Đại học Thâm Quyến, số 3 năm 1999

[9] Ôn Phan Á, sđd, tr 126

[10] Vương Lệ Lệ, Văn học sử: một vấn đề chưa hoàn thành – nhìn lại triết học văn học sử của Jauss, Tạp chí khoa học Đại học Bắc Kinh, số 1 năm 1994, tr62

[11] Trần Văn Trung, sđd

[12] Cao Nhật Huy, Hồng Ứng, Lịch sử tiếp nhận Thủy Hử, Nxb Tề Lỗ, 2006, tr12

[13] Trần Văn Trung, sđd, tr 42-43

[14] Long Hiệp Đào, Nghiên cứu về đọc văn học, Nxb Đại học Bắc Kinh, 2004 tr300-308

[15] Vương Mai, Lịch sử tiếp nhận văn học Kiến An, Nxb Đại học Sư phạm Phúc Kiến, 2002

[16] Vương Mai, sđd.

[17]Sở Bảo Anh, Sáng tác và tiếp nhận văn học cổ đại Trung Quốc, Nxb Đại học Dầu khí, 1997, tr 281-295

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020