Lý luận văn học

Bàn về “Chuyển hướng văn hoá” trong văn học đương đại Trung Quốc


15-10-2020
Tác giả: GS.TS Kim Nguyên Phố (金元浦)

Đỗ Văn Hiểu dịch Văn học đương đại đã phát sinh sự biến đổi lớn. Khác với “ba cấp thoát ly” từ trung tâm đến biên duyên, khác với xu thế chung hướng tới thẩm mĩ, văn bản, quy luật nội tại của văn học những năm 80, văn học của thế kỉ mới đang vận động rất nhanh đến lịch sử, xã hội, văn hóa.

I

Văn học đương đại đã phát sinh sự biến đổi lớn. Khác với “ba cấp thoát ly” từ trung tâm đến biên duyên, khác với xu thế chung hướng tới thẩm mĩ, văn bản, quy luật nội tại của văn học những năm 80, văn học của thế kỉ mới đang vận động rất nhanh đến lịch sử, xã hội, văn hóa.

Trên toàn thế giới, văn học của thế kỉ mới đã chuyển biến từ ngôn ngữ luận sang văn hóa. Sự chuyển biến này bắt nguồn từ sự thay đổi của cuộc sống xã hội. Bối cảnh toàn cầu hóa mở rộng thêm một bước nữa, ngày càng đi sâu vào trung tâm của cuộc sống con người. Sự phát triển của phương tiện truyền thông điện tử đã khiêu chiến kịch liệt đối với sự nhất thống thiên hạ một thời của phương tiện truyền giấy mực. Văn hóa truyền thông đã cải biến và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta. Văn hóa đại chúng bước lên vũ đài, văn hóa thành thị nhanh chóng truyền bá lan rộng, văn hóa thời thượng được phục hồi hàng loạt, sử dụng phương thức vận hành theo kiểu làn sóng lan tỏa. Văn hóa nghe nhìn chiếm lĩnh không gian chủ yếu trong cuộc sống, trong thời đại đọc hình ảnh như thế, văn hóa nghe nhìn đã ảnh hưởng ngược lại đối với văn hóa truyền thông giấy mực, ví dụ như sự chiếm lĩnh của phim truyền hình dài tập, phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học, sách điện tử, các loại hình ảnh trong sách vở, tranh vẽ…ngày càng tăng cao. Văn hóa mạng đang dần dần thay đổi phương thức giao lưu của chúng ta.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của sức sản xuất, nhu cầu của xã hội không ngừng nâng cao. Trên cơ sở thỏa mãn nhu cầu vật chất cơ bản, con người càng quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu văn hóa, tinh thần, tâm lí. Vì thế nhu cầu đối với sản phẩm văn hóa cũng tăng cao mạnh mẽ, con ngoài nhu cầu sách vở còn cần các sản phẩm văn hóa thị giác như: máy ảnh, máy quay, tivi, nghệ thuật internet…, còn có nhu cầu về dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, tin tức, internet. Ngay cả nhu cầu vật chất như ăn, mặc, ở, đi lại cũng được văn hóa hóa, thẩm mĩ hóa một cách mãnh liệt.

Hiện thực cuộc sống đặt ra yêu cầu, văn học tất yếu phải nhìn nhận lại đối tượng vốn có của mình, vượt qua giới hạn của truyền thống, quan tâm đến văn học nghe nhìn và văn hóa nghe nhìn, quan tâm đến văn học truyền thông và văn hóa truyền thông, quan tâm đến văn học đại chúng và văn hóa lưu hành đại chúng, quan tâm đến văn học mạng và văn hóa mạng, quan tâm đến văn hóa giới và văn hóa thời thượng, văn hóa thân thể, cho nên văn nghệ học tất yếu phải mở rộng phạm vi nghiên cứu, xem xét lại và xác định đối tượng nc của mình, ví dụ: quan hệ giữa ngôn ngữ và hình ảnh trong thời đại đọc hình ảnh; không gian ảo trong văn học mạng và văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; văn học và sự truyền bá trong thời đại truyền thông; trào lưu hóa, phục chế hóa, thẩm mĩ hóa theo nghĩa rộng của văn học trong thời đại thời thượng, văn hóa lưu hành đại chúng, văn hóa giới, văn hóa dân tộc thiểu số và văn hóa thân thể trong thời đại toàn cầu hóa. Ít nhất thì văn học truyền hình, văn học điện ảnh, văn hóa thị giác, văn học mạng và văn hóa mạng đã sớm đi vào lĩnh vực nghiên cứu văn nghệ học và giảng dạy lí luận văn học.

II

Hiện nay, thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng kĩ thuật mới, và và trải qua cuộc cách mạng mới về kinh tế văn hóa tri thức kí sinh trên cuộc cách mạng kĩ thuật đó. Sự phát triển văn hóa nếu như không kết hợp với sự đột phá mang tính cách mạng của kinh tế và kĩ thuật mới, công nghệ cao thì sẽ bị sự phát triển thế giới hiện thực như vũ bão đào thải. Vì thế, xây dựng hình thái văn hóa mới trong thế giới tương lai từ sự kết hợp hòa điệu giữa hình thái kinh tế mới và hình thái kĩ thuật là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của phát triển văn hóa.

Cách mạng khoa học kĩ thuật công nghệ cao hiện nay đang ảnh hưởng lớn chưa từng có đến sự phát triển văn hóa nhân loại đương đại. Sự phát triển của công nghệ hiện đại dẫn đến sự thay đổi hình thức thông tin chủ đạo trong xã hội, và sự thay đổi của hình thức thông tin chủ đạo này kéo theo sự biến đổi toàn diện cục diện sinh thái nghệ thuật vốn có. Xét trên phạm vi toàn thế giới, sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ kĩ thuật cao như công nghệ thông tin, công nghệ truyền phát, công nghệ tự động hóa và công nghệ laser; sự ứng dụng một cách rộng rãi công nghệ hiện đại vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong lĩnh vực văn hóa đã dấy lên cơn lốc cách mạng công nghệ kĩ thuật cao, dẫn đến sự xuất hiện của hình thái văn hóa mới hơn hình thái văn hóa truyền thống. Phương thức sản xuất văn hóa được công nghiệp hóa, đã thực hiện cuộc chuyển biến sâu sắc từ thủ công sản xuất văn hóa sang công nghiệp sản xuất hàng loạt văn hóa, trực tiếp dẫn đến cách mạng công nghiệp văn hóa. Không gian sản xuất thủ công văn hóa nhường chỗ cho công trường văn hóa, sản xuất văn hóa hàng loạt thay thế sản xuất văn hóa nhỏ, giải phóng và phát triển cực đại sức sản xuất văn hóa. Sản xuất theo công nghệ kĩ thuật cao và sự phát triển công nghiệp hiện đại không chỉ dẫn đến sự thay đổi và liên tục cập nhật của tất cả hình thái nghệ thuật truyền thống mà còn sáng tạo ra hàng loạt hình thức nghệ thuật mới mẻ.

Nhìn từ góc độ khác, cùng với sự đổi mới từ truyền thông giấy mực sang truyền thông điện tử của phương tiện truyền thông đại chúng, truyền bá văn hóa đã trải qua một cuộc cách mạng sâu sắc về phương tiện truyền thông. Truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, máy ảnh, nghệ thuật internet đa phương tiện liên tục xuất hiện, không chỉ sáng tạo ra sản nghiệp văn hóa mới mẻ – sản nghiệp truyền thông, sản nghiệp điện ảnh, sản nghiệp truyền hình, sản nghiệp nhiếp ảnh, sản nghiệp quảng cáo, sản nghiệp công nghệ cao cho đến sản nghiệp vui chơi giải trí, sản nghiệp thể thao, sản nghiệp biểu diễn nghệ thuật, mà còn làm cho phương tiện truyền thông cũ phát triển mới hơn, tạo nên cục diện hoàn toàn mới mẻ của truyền thông đại chúng với sự chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Sẽ làđánh giá quá thấp về ý nghĩa quan trọng của cuộc cánh mạng này nếu cho rằng cách mạng truyền thông văn hóa chỉ là sự thay đổi phương thức truyền bá. Vì nó cùng lúc mang lại cách mạng bản thể văn hóa, thực hiện cuộc chuyển đổi từ văn hóa giấy mực sang văn hóa truền thông điện tử, màn hình trở thành không gian chủ yếu cho nghệ thuật biểu diễn thay cho sân khấu; văn hóa truyền thông, văn hóa truyền hình, văn hóa điện ảnh, văn hóa máy quay phim chụp ảnh và văn hóa mạng khiêu chiến với văn hóa in ấn ách vở; văn hóa thị giác trở thành hình thức văn hóa chủ đạo mới xuất hiện. Văn hóa không ngừng đổi mới, mở rộng. Lãnh địa của văn hóa mở rộng mãnh liệt trước nay chưa từng thấy.

Nếu nói đầu thế kỉ 20, phong trào văn hóa mới, thực hiện cuộc hoán đổi cũ mới trong văn hóa Trung Quốc là một cuộc cách mạng bản thể văn hóa mang đậm ý nghĩa lịch sử của riêng đất nước Trung Hoa; thì sự thay đổi và phát triển mang tính sáng tạo của truyền thông đại chúng hiện đại lấy truyền thông điện tử làm đại diện khiến văn hóa nhân loại có được hình thức truyền tải vô cùng mới mẻ, không chỉ thực hiện sự kế tiếp văn hóa giấy mực trong lịch sử văn hóa nhân loại mà còn làm sâu sắc thêm cho cuộc cách mạng truyền thông văn hóa, đồng thời cũng sáng tạo nên văn hóa hiện đại mới, phát triển hơn, mở rộng hơn bản thể văn hóa, lại là cuộc cách mạng văn hóa có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.

Văn hóa nghệ thuật ương ứng với công nghiệp hiện đại và văn minh thông tin là phát thanh, truyền hình, điện ảnh, máy quay, nghệ thuật mạng. Nghệ thuật phát thanh, nghệ thuật truyền hình, nghệ thuật điện ảnh… đều là sản phẩm của văn minh công nghiệp hiện đại hóa; sự sáng tạo mới nhất của thời đại chúng ta là máy quay, phương tiện nghệ thuật truyền thông đa phương tiện. Chúng hợp thành hệ thống quang và điện. Chúng là sự truyền bá nghệ thuật gián tiếp, không phải trực tiếp trước mặt khán giả, truyền bá bản thể nghệ thuật thông qua thông qua phương tiện nghệ thuật điện tử. Trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông gián tiếp, ngày nay, nghệ thuật truyền thông điện tử đã làm lung lay địa vị bá chủ của nghệ thuật truyền thông giấy mực. Thậm chí giữa các nghệ thuật truyền thông đa phương tiện như truyền thanh, truyền hình, quay phim chụp ảnh cũng có sự hoán đổi vị trí, kế tục phát triển; các phương tiện truyền thông đa phương tiện như truyền thanh, điện ảnh, truyền hình, quay phim chụp ảnh kế tục nhau xuất hiện, từng lần lượt chiếm vị trí hàng đầu của thời đại, thể hiện tình thế sáng tạo mới mẻ hơn, phát triển không ngừng của văn hóa. Hệ thống tầng thứ này là hình thức nghệ thuật thể hiện tiêu chí của thời đại văn minh công nghiệp hiện đại. Nếu một ngày trong tương lai, khi chúng ta hỏi đến hình thức nghệ thuật mang tính tiêu chí, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, nhân vật hàng đầu của thời đại này, đáp án sẽ là gì đây?

Không còn nghi ngờ gì nữa, hình thức văn hóa nghệ thuật từng vô cùng rầm rộ một thời sẽ dần dần mất đi công chúng của nó, một bộ phận dạng thức văn nghệ từng chiếm vị trí chủ chốt sẽ mất đi vị trí vốn có, bị đẩy sang bên lề. Trong đó, một bộ phận dạng thức truyền thống sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển chủ yếu dựa vào sự đầu tư, bảo hộ văn hóa của quốc gia. Văn vật, dùng cách nói thông thường sẽ “sản phẩm văn hóa đã chết”, là “văn hóa hóa thạch” hoặc “di sản văn hóa tĩnh”, vì thế, muốn chúng trở thành “sản phẩm văn hóa sống”, hóa thạch văn hóa sống, di sản văn hóa ở ở trạng thái động, thì nên xếp nó vào trong hạng mục bảo hộ di sản văn hóa, nhận sự bảo bộ của hệ thống bảo hộ văn hóa quốc gia, giúp chúng tiếp tục tồn tại, không bị thất truyền, từ đó bảo hộ môi trường sinh thái văn hóa của dân tộc, nhân loại. Thế nhưng trong đó lại có một bộ phận trải qua sự phát triển mới mẻ hơn, có được sinh mệnh văn hóa mới mẻ hơn, thích ứng được với môi trường sinh tồn mới, có được sức sống mới, tiếp tục phát triển vai trò, sức mạnh trên đại vũ đài văn hóa. Đây chính là chiến lược bảo hộ văn hóa mang tính tích cực mà chúng tôi đề xướng.

III

Văn học nghệ thuật của thế kỉ mới đã xuất hiện sự “chuyển hướng” văn hóa. Chuyển hướng văn hóa thị giác là nội dung quan trọng của chuyển hướng văn hóa trong văn học phương Tây thế kỉ này. Cách mạng phương tiện truyền thông của thế giới đương đại dẫn đến sức hưng khởi của văn hóa thị giác, thời đại đọc hình đã đến! “Chuyển hướng” hình ảnh trở thành cảnh quan choáng ngợp nhất trong sự chuyển hướng văn hóa. Hình ảnh đã chiếm lĩnh lãnh địa rộng lớn của văn hóa theo kiểu “đế quốc chủ nghĩa”. Bất kể là sự “Hoan lạc tổng động viên” của đài truyền hình hay là “Đại thoại tây du” của điện ảnh, bất kể là MTV với những ca khúc hiện hành hay là thời sự truyền hình về vụ đánh bom ở nước Mĩ, Afghanistan, Taleban, bất kể là tạp chí thời thượng mà tầng lớp trí thức thành thị xem hay là truyện tranh mà tầng lớp công nhân thích đọc, chúng ta đều không thể xa rời hình ảnh thị giác, chúng ta đang sống trong thời đại hình ảnh thị giác.

Văn hóa và tư tưởng đương đại lại là cơ chế hình ảnh (iconmachias) cũ nhất được thể hiện lại trên màn ảnh văn hóa thị giác trong thời toàn cầu hóa. Triệu chứng kĩ thuật của sự chuyển hướng này có “máy tính hỗ trợ thiết kế, máy ảnh đa năng, thiết bị điều khiển bay, hoạt hình máy tính, robot nhận dạng, thiết bị Xquang, văn bản minh họa, điều khiển hoạt dộng, bảo vệ môi trường ảo, chụp cộng hưởng từ và thiết bị cảm ứng quang phổ…”, hàng loạt kĩ thuật thị giác internet có thể tạo nên hiệu quả đặc biệt trong phim “Kẻ săn lùng” hoặc “Người cuối cùng” của Arnold Schwarzenegger, khiến chúng ta có thể nhìn thấy danh mục thiết bị của hàng loạt “Hành động sa mạc” ngoạn mục. “Văn hóa thị giác” – xuất hiện ngay sau nghiên cứu văn hóa, lí luận quái dị và nghiên cứu người da màu nước Mĩ – thuật ngữ được sử dụng có hiệu quả trong nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, điện ảnh, truyền thông, xã hội học và những người nghiên cứu thị giác đã trở thành thuật ngữ mang tính thời thượng, trở thành phương pháp nghiên cứu liên ngành mới gây nhiều tranh luận. Điều mà văn hóa thị giác quan tâm là sự kiện thị giác, người tiêu dùng tìm kiếm thông tin, ý nghĩa hoặc niềm vui thông qua kĩ thuật thị giác. Tính thị giác sở dĩ được coi trọng là vì hiện nay kinh nghiệm của nhân loại được thị giác hóa, cụ thể hóa hơn bất kì một thời kì nào trong quá khứ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa hướng tới tính thị giác khiến cho văn hóa đương đại thể hiện một cách sâu sắc đặc trưng hậu hiện đại. Vì thế, biến thế giới thành văn bản đặt trên mặt giấy trong quan niệm truyền thống đã bị khiêu chiến mãnh liệt.

Mặc dù chúng ta đều đang quan tâm đến sự biến đổi này (không hẳn là hoàn toàn ủng hộ), nhưng ở mức độ nhất định, chúng đã buộc quan niệm cho rằng thế giới là văn bản của nghiên cứu văn học phải tiếp nhận sự khiêu chiến của quan niệm cho thế giới là hình ảnh. Văn hóa thị giác thực sự đã phá vỡ quan niệm truyền thống lấy hình thức ngôn ngữ thuần túy để giới định thế giới. Tất nhiên hình ảnh của thế giới không thể thuần túy chỉ là hình ảnh của thị giác, hình ảnh cũng là văn bản, hình ảnh về cơ bản vẫn là ngôn ngữ. Vì thế, quan hệ giữa hình ảnh và ngôn ngữ, quan hệ giữa hình ảnh, ngôn ngữ và con người và sự tồn tại trở thành vấn đề mà chúng ta buộc phải quan tâm.

Nhưng bất luận chuyển biến hình ảnh là gì, chúng ta đều biết rõ, nó không phải là quay về thuyết mô phỏng, thuyết hỉnh ảnh ấu trĩ, cũng không phải là phục hồi lí thuyết huyền học vè hiện trường hình ảnh; nó càng nên là sự tái hiện hậu ngôn ngữ học, hậu kí hiệu học, làm cho hình ảnh trở thành tham tố mới có tác dụng tương hỗ phức tạp giữa tính thị giác (visuality), mô hình, diễn ngôn, thân thể và thời thượng. Tất nhiên, trên thực tế, vấn đề biểu trưng của hình ảnh là trực tiếp tồn tại, nhưng điều quan trọng là hiện tại nó lại ảnh hưởng mạnh mẽ chưa từng có đến mỗi tầng diện của văn hóa, từ suy tư triết học sao siêu tinh tế nhất đến chế tác sản xuất thô sơ đơn giản nhất của truyền thông đại chúng. Chúng ta không thể không thừa nhận, và cũng không có cách nào trốn tránh nó.

IV

Trong sự chuyển hướng văn hóa của văn học nghệ thuật trong thế kỉ mới, điều băn khoăn lớn nhất của chúng ta là “liệu có làm mất đi, làm tan biến bản thể văn học”. Chúng ta trải qua hơn 20 năm bình ổn, chúng ta khó khăn lắm mới tìm về được với bản thể văn học, tại sao lại để văn học lại chuyển hướng sang văn hóa? Chuyển hướng sang văn hóa sẽ dẫn đến hệ quả: trong văn học cái gì cũng có, chỉ có duy nhất một điều không có lại chính là bản thân văn học.

Thực ra không cần phải băn khoăn như vậy. Trong lịch sử không hề có thứ văn học nằm trong biên giới cố định bất biến. Mãi đến sau thế kỉ 18 khoa học văn học độc lập mới dần dần được thiết lập. Đồng thời, thể tài, chủng loại văn học mà văn nghệ học bao hàm từ trước đến nay cũng không có sự bất biến cố định. Trên thực tế, biên giới của văn học không ngừng biến động. Trong các thời kì lịch sử khác nhau, các thời đại truyền bá khác nhau, thơ ca, tiểu thuyết, kịch, văn xuôi và các loại hình nhỏ hơn khác đều “gia nhập” vào gia đình văn học. Hơn nữa, ở những thời kì lịch sử khác nhau, loại hình văn học tiêu biểu cũng khác nhau. Ở phương Tây, trong thời đại cổ điển, loại hình văn học tiêu biểu là kịch; thế kỉ 19, loại hình văn học chủ đạo là tiểu thuyết. Ở Trung Quốc, kịch và tiểu thuyết từ lâu đã chính thức gia nhập vào cộng đồng văn học, chính thức được coi là văn học. Vì thế, nhìn nhận lại kết cấu khoa học của văn nghệ học, căn cứ vào sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà mở rộng, biến đổi, liên tục đổi mới, cải cách sáng tạo là một điều tất yếu.

Chuyển hướng văn hóa của văn học đương đại là xu thế phát triển chung của lịch sử, đồng thời cũng là kết quả vận động của các yếu tố nội tại của văn học. Cố gắng tìm kiếm bản thể văn học là hệ quả mang tính lịch sử cụ thể, tính tất yếu của định hướng lí luận và thực tiễn chuyển hướng ngôn ngữ luận thế kỉ 20. Nhưng sự “bùng phát nội tại” của khoa học tất yếu dẫn tới phá vỡ giới hạn vốn có của nó. Tính thẩm mĩ lại không còn là tính năng chuyên biệt của văn học nghệ thuật mà trở thành tính chung của thế giới hàng hóa, mĩ học trở thành nguyên tắc tổ chức xã hội. Có thể nói, phê bình văn học phương Tây thế kỉ 20 sau khi đã trải qua thuyết tác giả là trung tâm, thuyết văn bản là trung tâm, và thuyết độc giả làm trung tâm, tất nhiên muốn hướng tới xã hội rộng lớn hơn, hướng tới lịch sử, chính trị để phát triển, từ chỗ bó hẹp trong văn bản chuyển sang mở rộng trong môi trường văn hóa lớn.

Đồng thời, lí luận văn học hoặc nghiên cứu văn học với tư cách là một môn khoa học càng không hề đánh mất bản thân trong sự chuyển hướng văn hóa, nỗ lực liên ngành của văn học, khai thác chuyển hướng văn hóa đều xuất phát trên đặc điểm cơ bản hoặc chỗ đứng của bản thể văn học, đối diện với hiện tượng hàm chứa ranh giới mơ hồ vốn có của văn học, đối diện với đối tượng nghiên cứu chung của khoa học xã hội nhân văn, nghiên cứu văn hóa của văn nghệ học vẫn khác với cách nhìn của xã hội học, nhân loại học, triết học, chính trị học, truyền bá học, tâm lí học, góc độ tiếp cận học thuật vẫn sẽ từng bước thiết lập lại tính đặc thù, riêng biệt của môn khoa học này. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển hướng học thuật của thế giới mới là quá trình xác định lại ranh giới trong chuyển biến của xã hội, thay đổi mô hình và tổ chức lại khoa học, là điểm phát triển khoa học mới mẻ của nghiên cứu văn học, là con đường khai thác có hiệu quả khả năng phát triển. Đối diện với thực tế trung gian hóa của văn học và nghiên cứu văn học, chúng ta nên mang đến cho đổi mới văn nghệ học lòng kiên nhẫn, nhiệt tình, cơ chế mở, hoàn cảnh thuật lợi kích thích sáng tạo.

Tất nhiên, sự chuyển hướng này không đơn giản chỉ là lí luận phê bình quay trở lại xã hội lịch sử truyền thống, mà là đem toàn bộ thành quả “cách mạng lí luận” của thời đại lấy văn bản làm trung tâm với tư cách là “tiền kết cấu” tiến vào thời đại phê bình mới. Chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, chủ nghĩa kết cấu, kí hiệu học, trần thuật học, chủ nghĩa hậu cấu trúc vẫn là tài nguyên lí luận phong phú, là tiền đề tất yếu của chuyển hướng văn hóa. Nhưng nghiên cứu văn hóa, chủ nghĩa lịch sử mới, thi học văn hóa, hậu thực dân, chủ nghĩa nữ quyền, văn hóa truyền thông đương đại lại là cơ sở hiện thực và lí luận cho sự xuất hiện của nó. “Chuyển hướng văn hóa” của văn hóa là sáng tạo thêm một lần nữa, là thành quả tích cực của sự phát triển văn hóa trong thời đại mới, là một lần đột phá khỏi tình thế bế tắc của lí luận văn học.

V

Nguy cơ sinh tồn của văn học đòi hỏi văn học tất yếu phải quan tâm và nghiên cứu luận đề, khái niệm, phạm trù mới. Như: chuyển từ chuyển hướng ngôn ngữ luận sang chuyển hướng văn hóa, quan hệ giữa di sản “cách mạng lí luận” phương Tây và chuyển hướng văn hóa, tính quan trọng hàng đầu của câu hỏi và ý thức vấn đề của lí luận văn học, quan hệ giữa mô hình phê bình lí luận văn học, diễn ngôn phê bình văn học, mô hình và diễn ngôn văn học, sự xuất hiện mang tính lịch sử của chủ nghĩa đối thoại, tính hiện đại thẩm mĩ của văn học và sự tiếp biến bản địa của nó, nhắc lại tính hiện đại và xây dựng lí tính mới của văn học, tính thẩm mĩ của bản thể văn học và tính phản thẩm mĩ, sự tổ thành mang tính toàn năng và trạng thái chủ đạo trong hoàn cảnh lịch sử của văn học, không gian chung của văn học, khu vực và ngữ cảnh của văn học, tính toàn năng của văn học và yếu tố chủ đạo biến đổi trong hoàn cảnh lịch sử, kết cấu ảo và tính hư cấu của văn học…

Đa dạng mô hình, tập trung diễn ngôn, lí luận và phê bình văn nghệ đương đại Trung Quốc trải qua hơn 20 năm tiếp thu, tuyển chọn, đào thải đã hình thành nên cục diện chung mang tính đa nguyên hóa. Hàng chục loại diễn ngôn phê bình đã trải qua sửa đổi, hòa nhập, và xây dựng lại từng phát huy ảnh hưởng quan trọng trong phê bình đương đại. Chúng là hàng loạt diễn ngôn phê bình như: hình thái ý thức – phê bình chính trị, xã hội – lịch sử – phê bình thẩm mĩ, tâm lí – phê bình phân tích tâm lí, nhân loại học – mẫu gốc – phê bình thần thoại, thẩm mĩ –phê bình hình thức chủ nghĩa, kết cấu – phê bình trần thuật học, giải thích – phê bình phản ứng tiếp nhận, phê bình hậu thực dân hậu hiện đại, và ngày nay là phê bình nữ quyền đang hết sức rầm rộ, thi học văn hóa chủ nghĩa lịch sử mới và phê bình văn hóa, ngoài ra, phê bình văn học so sánh cũng có vai trò rộng rãi. Những diễn ngôn phê bình này đều có hệ thống khái niệm riêng, phạm trù hạt nhân, yêu cầu phương pháp luận và trình tự trình diễn logic riêng, hơn nữa còn vận dụng vào thực tiễn phê bình Trung quốc để sáng lập nên hệ thống phạm trù kinh điển, dần dần hình thành nền tảng phê bình ngày càng mở rộng.

Những diễn ngôn phê bình này cấu thành cục diện hợp lí đa diễn ngôn. Nó vừa tương ứng với sự đa vĩ độ của kết cấu, đa tầng diện, tính đan xen và tính phức hợp của văn học, vừa mở ra tính đa dạng của phê bình sáng tạo và khả năng vô hạn của việc đọc hiểu. Tính đa dạng của loại phê bình này rất phù hợp với hình thái của hiện thực đương đại, nhưng không nên và cũng không thể đơn giản đồng nhất nó vào một lĩnh vực hoặc tập hợp lại làm một đến mức trở lại mô hình phê bình đại bao trùm tất cả.

Vì thế, tôi cho rằng, dạy học khái luận văn học trước kia cần phải thay đổi. Khung phê bình đa diễn ngôn có thể cũng nên xâm nhập vào dạy học phê bình. Phê bình hóa lí luận hóa mà bao nhiêu năm chúng ta hô hào cũng nên có bản chất thực tiễn. Dạy học thực tiễn phê bình (dạy học sinh dùng các diễn ngôn khác nhau để tiến hành phê bình tác phẩm) cũng nên trở thành trọng tâm của dạy học phê bình và lí luận văn học.

Phá vỡ cục diện nhất thống, phê bình đa nguyên và hiện tượng “đọc không hiểu” mà diễn ngôn có tính đa dạng và phê bình đa nguyên thời kì đầu đề xướng, vấn đề độc lập khép kín giữa các diễn ngôn đã hướng tới giao lưu liên kết cùng với sự chuyên sâu của phát triển lí luận, vì thế đối thoại trở thành “chủ nghĩa”, và chủ nghĩa đối thoại lại long trọng xuất hiện mang tính lịch sử.

Trong thời đại toàn cầu hóa tìm kiếm một thứ lí luận mà chỉ riêng Trung Quốc mới có hoặc do Trung Quốc sáng tạo ra, thậm chí truyền bá ra nước ngoài là điều không tưởng. Thứ lí luận mà mọi người gọi là “phương tây” thực ra là một thể hỗn hợp lớn, trong đó có vô số các loại lí luận đến từ các quốc gia khác nhau, dân tộc khác nhau, tính chung của lí luận khác nhau, tính riêng của phê bình khác nhau. Sự xuất hiện của chúng luôn luôn là sự đáp ứng nhu cầu thời đại. Nếu như không có cái này, thời đại sẽ tạo nên cái khác. Ví dụ chủ nghĩa đối thoại của Mikhail Bakhtin chính là thành tựu do “nhà máy” học thuật phương Tây tạo thành. Mikhail Bakhtin chưa bao giờ gọi lí luận đó là chủ nghĩa đối thoại.

Vì thế, thiết lập và đi vào bối cảnh giao lưu, đan xen, đối thoại hợp lí, quan tâm và tìm hiểu tính siêu cá thể, xây dựng lại môi trường chung văn học – văn hóa trở thành logic tất yếu. Cho nên, tính liên văn bản của văn học, tính liên văn bản của văn bản, tính siêu cá thể của chủ thể, tính chung của lí luận, tính chung của phê bình trong giao lưu văn học và tính siêu cá thể của sự đọc (tính siêu cá thể của tập thể), tính siêu dân tộc của văn học thời đại hậu thực dân, và tính siêu cá thể của khoa học, tính liên văn bản của văn hóa trở thành thứ mà chúng ta tất yếu phải nghiên cứu. Khác với việc “chỉnh hợp”, “hợp nhất” sau khi chọn những yếu tố hợp lí, tìm thấy bản chất bao trùm, cấu tạo hệ thống vĩ mô bao trùm, cũng không giống với sự triệt tiêu tất cả, phá vỡ tất cả của chủ nghĩa giải cấu trúc thời kì đầu, nghiên cứu bản chất siêu cá thể là phải tìm thấy tính ước định, tính tương quan và tính lí giải lẫn nhau giữa các diễn ngôn khác nhau trong hoàn cảnh lịch sử, tìm ra khả năng liên hệ, xác nhận và tính hợp pháp (tính khách quan). Bản chất siêu cá thể bao hàm trạng thái kiến tạo thiết lập.

VI

Xây dựng văn nghệ học chỉ có thể thực hiện thông qua hành đọng sáng tạo. Chúng tôi tán thành tính đa dạng trong sáng tạo văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, xây dựng lí luận văn học – văn hóa “mang bản sắc Trung Quốc” trên cơ sở giao lưu đối thoại. Tiền đề kiến thiết này là sự đối thoại hiểu biết lẫn nhau; tính đa dạng của sáng tạo văn hóa chỉ có thể được thực hiện trong quan hệ v cạnh tranh căng thẳng. Kiến thiết là quá trình cạnh tranh.

Có nhà lí luận cho rằng ngày nay “cái mà chúng ta sử dụng toàn là diễn ngôn của phương Tây, chúng ta mất đi thanh âm của mình, vì thế chúng ta “đã mất đi ngôn ngữ”. Thực ra, điều này không hề tồn tại. Lí luận Macxit cũng là một loại diễn ngôn phương Tây. Trong thời đại toàn cầu hóa, không thể phủ nhận, phương Tây đã mang đến cho chúng ta tài nguyên lí luận to lớn, phương Tây cấu thành một trong hệ quy chiếu lí luận chủ yếu của chúng ta. Trong nghiên cứu lí luận của chúng ta quả thật có tồn tại hiện tượng chạy theo mốt phương Tây, khắp nơi đều thấy những thuật ngữ, khái niệm tân kì. Nhưng, mượn thuật ngữ có phải là then chốt của vấn đề hay không? Điều quan trọng là chúng ta có tìm ra cái mà chúng ta cần phát triển từ logic, lịch sử và hiện thực hay không; tìm thấy vấn đề rồi, thuật ngữ chỉ là cái ở tầng thứ hai mà thôi, nó có thể được chọn (từ cổ kim đông tây), mượn (nước ngoài), làm mới (quá khứ), sáng tạo (mệnh danh), có thể căn cứ vào nhu cầu để “chế tạo”. Bản thân thuật ngữ, khái niệm có nguồn gốc từ đâu thực ra không quan trọng.

Trên thực tế, tất cả mọi diễn ngôn phương tây khi vào Trung Quốc đều đã trải qua quá trình đào thải, cải tạo. Khi chúng tôi dùng tiếng Hán nói những diễn ngôn (khái niệm), khi những diễn ngôn này biến thành diễn ngôn (khái niệm) phê bình mà chúng tôi sử dụng, đạt được sự thừa nhận rộng rãi, thì nó cũng đã trải qua sự lựa chọn, đào thải của chủ thể (kết cấu tiền lí giải), trải qua sự thăng trầm và nhào nặn của ngữ cảnh văn bản, trải qua quá trình hòa hợp giữ phản đối và công nhận, cũng đã trở thành diễn ngôn của Trung Quốc bản địa rồi. Jacobson, Tzvetan Todorov, Mikhai Bakhtin, Marcuse, Feldman…được chúng ta gọi là nhà lí luận phương Tây, nhưng thực ra họ đều đã trải qua sự cải tạo, dung hợp, nhào nặn của ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Nhào nặn lại cũng là một loại sáng tạo.

Hòa hợp mà không giống nhau, giống nhau mà không kết thừa. Tính đa dạng hóa của mô hình và diễn ngôn văn học dẫn đến đối thoại và tranh luận, đối thoại và tranh luận lại thúc đẩy thêm một bước sự sinh thành của tính đa dạng trong sáng tạo. Không có đối thoại thì cũng không có tính chung, cũng không có cơ sở để giao lưu; không có cạnh tranh, không có các loại diễn ngôn, các loại mô hình thì cũng không có quan hệ căng thẳng hoặc kết cấu với độ căng nhất định; không có sự căng thẳng thì cũng không có động lực sáng tạo. Không có động lực sáng tạo, trên thực tế cũng không có sáng tạo. Trong chung có riêng, văn hóa học thuật thông qua cạnh tranh phát triển, cạnh tranh là con đường cơ bản để tối ưu hóa sự phát triển, mà sáng tạo – trù hoạch, thiết kế, thấu xạ lại là chìa khóa quyết định thắng lợi trong cạnh tranh. Vì thế, trong hoàn cảnh đa dạng hóa, khi đối thoại thiết lập nên cơ sở thống nhất, cạnh tranh xuất hiện là điều tất yếu.

Kim Nguyên Phố

(Giáo sư Khoa Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc)

(Tham luận đọc tại hội thảo “Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội”([Pre]Modern Asian Literatures Read through Modern Western Theories: Applications, [In]Compatibilites, Challenges, and Opportunities) do Viện Văn học tổ chức ngày 14-15 tháng Ba, 2011 tại Viện KHXH VN)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020