1. Có thể khẳng định chắc chắn, trong vòng 30 năm nay, chúng ta đã dịch và giới thiệu với công chúng Việt Nam gần như tất cả những hệ thống lí luận văn nghệ hiện đại nhất của phương Tây ở thế kỉ XX. Để có thể rút ra những kết luận bổ ích sau khi khảo sát, chúng tôi tạm chia các công trình dịch thuật, giới thiệu, khảo luận xuất hiện sau 1986 dành cho mĩ học và nghiên cứu văn học Âu – Mĩ thế kỉ XX thành sáu loại sau đây:
Thứ nhất: Văn tuyển. Loại sách này tuyển chọn, phiên dịch một số tiểu luận, hoặc một số chương trong chuyện luận của một số học giả, hoặc một số trường phái, rồi ghép lại với nhau làm thành “quyển”, thành “bộ”, tạo ra ấn tượng về bức tranh toàn cảnh của lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX. Công trình văn tuyển tiêu biểu nhất hiện nay là bộ Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX[1] (tập I & II), do Lộc Phương Thủy làm Chủ biên, với sự tham gia của cả một đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu, như Phạm Vĩnh Cư, Đào Tuấn Ảnh, Trương Đăng Dung, Trịnh Bá Đĩnh, Ngân Xuyên, Đỗ Lai Thúy, Lê Huy Bắc, Phong Tuyết, Trần Hải Yến, Trần Hồng Vân, Nguyễn Phương Ngọc, Hoàng Tố Mai, Huyền Giang, Khương Việt Hà, Nguyễn Văn Nguyên… Bộ sách tuyển dịch, trích dịch văn bản của 44 tác giả, trong đó, ngoài các học giả Nga như V.B. Sklovski, V.I. Propp, M. Bakhtin, Y.M. Lotman, có nhiều tên tuổi lẫy lừng khác, từ lâu đã trở nên quen thuộc với giới học thuật Việt nam, ví như R. Garaudi, M. Foucault, R. Barthes, J. Derrida, G. Genette, U. Eco, S. Freud, C.G. Jung, M. Heidegger, R. Ingarden. Văn bản của 44 học giả ấy thuộc 8 khuynh hướng, trường phái lí thuyết lớn, ngoài Trường phái hình thức Nga và Phê bình Mácxit, còn có Phê bình mới, Chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phê bình phân tâm học và Phê bình hiện tượng luận.
Thứ hai: Giáo trình. Loại sách này thường trình bày dưới dạng tổng quan tư tưởng triết học, mĩ học và nghệ thuật của một loạt khuynh hướng, trường phái lí luận, phê bình văn học; ở mỗi khuynh hướng, trường phái, nó lại giới thiệu một vài chân dung khoa học tiêu biểu, rồi tập hợp lại với nhau, làm thành “quyển”. Với nội dung đại lược như thế, nó chính là giáo trình lịch sử lí luận, phê bình. Kiểu mẫu của loại giáo trình này là hàng loạt công trình của Phương Lựu. Chẳng hạn, năm 1995, ông viết Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại[2] giới thiệu năm trường phái: Trường phái văn hóa – lịch sử, Văn học so sánh, trường phái tâm lí học, chủ nghĩa trực giác, Phân tâm học và Chủ nghĩa cấu trúc. Bốn năm sau, năm 1999, ông cho xuất bản Mười trường phái lí luận, phê bình văn học đương đại phương Tây[3]. Và đến năm 2001, ông giới thiệu thêm 12 trường phái nữa, rồi gộp với 10 trường phái ở cuốn trước làm thành sách Lí luận, phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX[4]. Hai mươi hai trường phái lí luận văn học hiện đại phương Tây được Phương Lựu giới thiệu ở đây là: 1) Chủ nghĩa duy ý chí, 2) Trường phái văn hóa- lịch sử, 3) Văn học so sánh, 4) Thuyết chuyển cảm, 5) Chủ nghĩa biểu hiện, 6) Chủ nghĩa trực giác, 7) Chủ nghĩa hình thức, 8) Ngữ nghĩa học, 9) Phê bình Mới, 10) Phân tâm học, 11) Tâm phân học, 12) Mĩ học phân tích, 13) Chủ nghĩa thực dụng, 14) Hiện tượng luận, 15) Chủ nghĩa hiện sinh, 16) Kí hiệu học, 17) Thuyết hoàn hình, 18) Chủ nghĩa cấu trúc, 19) Giải thích học, 20) Mĩ học tiếp nhận, 21) Xã hội học văn học, 22) Phê bình xã hội – chính trị. Cuốn Lý luận văn học so sánh[5], hay Phương pháp luận nghiên cứu văn học[6] của Nguyễn Văn Dân cũng là những tập giáo trình lịch sử các trường phái lí thuyết văn học phương Tây đang được sử dụng làm tài liệu dạy – học ở nhiều trường đại học, cao đẳng.
Thứ ba: Tuyển tập, nửa lược khảo, nửa biên dịch. Tức là loại sách này thường có hai phần, phần đầu khảo lược lịch sử hình thành, phát triển, tư tưởng thẩm mĩ, quan niệm nghệ thuật của một trường phái hay một khuynh hướng lí luận, phê bình nào đó, phần sau tuyển dịch văn bản của một số tác gia tiêu biểu. Có thể xem Phân tâm học và văn học nghệ thuật do Đỗ Lại Thúy biên soạn với sự cộng tác của nhiều dịch giả[7], Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học của Trịnh Bá Đĩnh[8], hay Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết do Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến tổ chức biên soạn[9], hay Xã hội học văn học của Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên[10] là những công trình tiêu biểu cho loại tuyển tập như vậy. Nhờ những công trình dịch thuật, lược khảo nói trên, độc giả Việt Nam được tiếp xúc với một phần văn bản của S. Freud, C.G. Jung, J. J. Bellemin-Noel, G. Bachelard, G. Tucci, V. Dundes, V. Vyshestsev, J. Lyotard, R. Escarpit, P. Bourdieu, A. Boschetti…
Thứ tư: Các bản dịch công phu, đòi hỏi dịch giả đầu tư nhiều công sức và trí tuệ để đưa đến cho độc giả Việt Nam những công trình nghiên cứu có giá trị học thuật cao, ví như Mimesis của E. Auerbach[11], Phương Đông và phương Tây của N. Konrat[12], Độ không của lối viết[13], Những huyền thoại[14], S/Z[15] của R. Barthes, Lí luận văn học của R. Wellek và A. Warren[16], Đông phương luận của E. Said[17], Bản mệnh của lí thuyết của A. Compagnon[18], Hoàn cảnh hậu hiện đại của J-F Lyotard[19], Thi pháp văn xuôi[20], Văn chương lâm nguy[21] của Tz. Todorov, Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại của L. Petrescu[22]…
Thứ năm: Các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Loại này ở Việt Nam hiện chưa nhiều, nhưng vì thế, nó có giá trị đặc biệt. Xin nêu vài tác phẩm tiêu biểu trong tầm quan sát của chúng tôi: Tiểu thuyết Pháp hiện đại – Những tìm tòi đổi mới của Phùng Văn Tửu[23], Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại của Đặng Anh Đào[24], Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung[25]…
Thứ sáu: Vô số tiểu luận và các bản dịch tiếng Việt đã được đăng tải trên nhiều tạp chí, báo viết và báo mạng mà ở đây chúng tôi không thể liệt kê.
2. Tuy đã có tới mấy chục lí thuyết văn nghệ hiện đại phương Tây được quảng bá, nhưng không phải bất kì sự quảng bá nào cũng trở thành một sự kiện trong hoạt động tiếp nhận tư văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay. Qua sự khảo sát như vừa nói ở trên, chúng tôi thấy chỉ có một số trường hợp sau đây nổi lên như những sự kiện học thuật:
2.1. Phân tâm học. Từ những năm 30, 40 của thế kỉ trước, phân tâm học đã được tiếp nhận vào Việt Nam. Có thể nhận ra dấu vết của nó trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và cả Thạch Lam. Trương Tửu, Nguyễn Văn hanh đã vận dụng phân tâm học vào nghiên cứu, phê bình văn học. Ở miền Nam, giai đoạn 1954 – 1975, nó tiếp tục được tiếp nhận ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, phê bình[26]. Nhưng ở miền Bắc, đây là thời kì, do nhiều lí do, nó bị khước từ. Phải đến sau 1986, khi đất nước bước vào công cuộc “đổi mới” toàn diện, lịch sử tiếp nhận phân tâm học từ lí thuyết Âu – Mĩ mới được nối lại và ngay lập tức, nó tỏ ra có sức hấp dẫn đặc biệt. Điều này được thể hiện rõ ở tình hình dịch thuật và quảng bá. Trong một thời gian ngắn, nhiều tác phẩm quan trọng của các ông tổ phân tâm học, như S. Freud, C. Jung, E. Fromm, được dịch ra. Chẳng hạn, có thể liệt kê một loạt bản dịch tiếng Việt tác phẩm của S. Freud sách của S. Freud: Nguồn gốc của Văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kị) [27], Bệnh lý học tinh thần về sinh hoạt đời thường[28], Phân tâm học nhập môn[29], Phân tâm học và văn hóa tâm linh[30], Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc mơ – Nhập đề của Hermann Beland[31], Cảm giác bất ổn với văn hóa[32], Phân tích một ca ám sợ ở một bé trai 5 tuổi (chuyện bé Hans)[33], Cái tôi và cái nó[34]… Hoặc tác phẩm của E. Fromm: Ngôn ngữ bị lãng quên[35], Phân tâm học tình yêu[36], Phân tâm học và tôn giáo [37].
Các học giả Việt Nam còn sốt sắng dịch nhiều công trình của tác gia nước ngoài viết về S. Freud, về C. Jung , về E. Fromm, về phân tâm học nói chung để giúp độc giả tiếp cận dễ dàng hơn lĩnh vực lí thuyết hết sức phức tạp này. Có thể liệt kê một danh mục rất dài những công trình như vây, ví như: Jung đã thực sự nói gì của Edward Amstrong Bennet[38], Bản đồ tâm hồn con người của Jung của Murray Stein[39], Freud đã thực sự nói gì của Clark David[40],Nhập môn Freud của Richard Appignanesi[41], Sigmund Freud nhà phân tâm học thiên tài của Stephen Wilson[42], Tâm lý học đám đông cùng Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi của S.Freud của Gustave Lebon[43], Thiền và phân tâm học của Suzuki, Erich Fromm, R.Demartino[44], Góp phần kiến giải ý nghĩa biểu tượng của huyền thoại Ơđip của S.S. Averintsev[45], Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học của Pierre Daco[46] (1999)…
Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia diễn giải phân tâm học. Xung quanh lĩnh vực này, đã xuất hiện nhiều tiểu luận, chuyên luận, nhiều tuyển tập công trình có giá trị, ví như: Học thuyết và tâm lý học Sigmund Freud của Phạm Minh Hạc[47], Freud và Tâm phân học của Phạm Minh Lăng[48], Triết học Áo và hai đại diện tiêu biểu của nền triết học này – Brentano và Freud của Đặng Phùng Quân[49], Phân tâm học và phân tâm học sau Freud. Sự phê phán của Alfred Adlercủa Nguyễn Thị Thanh Thủy[50], Freud và những luận điểm của ông chung quanh những vấn đề liên quan đến văn hóa của Mai Ngọc Diệp[51], Nhân học triết học Freud và ảnh hưởng của nó đến nhân học triết học phương tây hiện đại[52], Địa vị triết học của phân tâm học Freud của Đỗ Minh Hợp[53], Carl Gustav Jung và “cái vô thức” của Huyền Giang[54]…
Một thành tựu đáng ghi nhận là trong vòng vài chục năm trở lại đây, chúng ta thường xuyên bắt gặp nhiều công trình nghiên cứu đã vận dụng hiệu quả phân tâm học vào việc phân tích sáng tác văn học để đưa ra những kết luận thú vị. Có thể liệt kê một số trường hợp cụ thể, ví như Tâm phân học vô thức với việc phân tích cấu trúc tác phẩm văn học của Nguyễn Văn Dân[55], Chí Phèo dưới cái nhìn phân tâm học của Lê Huy Bắc[56], hước phồn thực trong văn xuôi Việt Nam sau 1975[57], Mỹ học tính dục và cuộc phiêu lưu giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật của Phan Tuấn Anh[58], Phân tâm học trong tiểu thuyết đô thị miền Nam, trường hợp Thanh Tâm Tuyền của Nguyễn Thị Bình, Đoàn Ánh Dương[59], Đời sống văn hóa phồn thực như một cách tiếp cận nghệ thuật thơ Hoàng Cầm của Lương Minh Chung[60], Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam[61], Một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại qua cái nhìn phân tâm học của Trần Thanh Hà[62]… Ngoài ra, chúng tôi còn có trong tay danh sách 42 luận văn Cao học và luận án Tiến sĩ đã chọn phân tâm học làm góc độ tiếp cận đề tài như vậy. Theo sự quan sát của chúng tôi, luận án tiến hành nghiên cứu theo hướng này vừa bảo vệ thành công gần đây nhất là công trình Sáng tác của Vũ Trọng Phụng – Nhìn từ phê bình phân tâm học của Vũ thị Trang[63].
Như đã nói ở trên, phân tâm học được tiếp nhận vào Việt Nam từ trước 1945. Nhưng theo chúng tôi, phải sau năm 1986, nó mới thực sự tạo được sự đột phá. Nhà nghiên cứu có công góp phần đưa phân tâm học trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam tiến lên một bước mới là Đỗ Lai Thúy. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ còn trở lại trong phần bàn riêng về những mũi nhọn đột phá trong lịch sử tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
2.2. Mĩ học tiếp nhận và lí thuyết tiếp nhận văn học. Có bốn cơ sở cho phép rút ra kết luận: việc tiếp nhận mĩ học tiếp nhận và lí thuyết tiếp nhận văn học thực sự trở thành sự kiện học thuật ở Việt Nam:
Thứ nhất: Hệ thống lí thuyết này được tiếp nhận vào Việt Nam từ rất sớm. Nó đã được tiếp nhận ở miền Nam qua các công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Xung, Tam Ích, Lữ Phương, Nguyễn Hiến Lê, Nguyên Sa, Đặng Tiến, Huỳnh Phan Anh ngay từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước [64]. Vào thời gian ấy, nó cũng được giới thiệu ở miền Bắc qua tiểu luận gây nhiều tranh cãi của Nguyễn Văn Hạnh: Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống[65].
Thứ hai: Từ nửa sau những năm 80, nhất là sang những năm 90 của thế kỉ, nó trở thành “điểm nóng” lí thuyết, liên tiếp được giới thiệu và bàn thảo trong nhiều tiểu luận và chuyên luận. Năm 1985, Nguyễn Văn Dân đặt vấn đề: Tiếp nhận “mĩ học tiếp nhận” như thế nào?[66]. Một năm sau, trong một tiểu luận khác, nhân bàn về phạm trù “tầm đón nhận” của Hans Robert Jauss, Nguyễn Văn Dân đề xuất khái niệm “ngưỡng tiếp nhận” và xem đó như một công cụ phân tích sáng tác nghệ thuật từ góc độ tâm lí học tiếp nhận[67]. Năm 1990, trên tuần báo Văn nghệ xuất hiện các bài viết về bàn về tiếp nhận văn học của Nguyễn Lai[68], Nguyễn Thanh Hùng[69]. Năm 1991 Viện thông tin khoa học xã hội cho xuất bản tuyển tập Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận. Trong tuyển tập này, ngoài phần lược dịch, lược thuật các bài viết của Schifirnet, Morar, Pascadi, Marian, có hai tiểu luận quan trọng: Lý luận tiếp nhận văn học với sự tiếp nhận văn học – nghệ thuật thế giới ở Việt Nam ta hiện nay của Nguyễn Văn Dân và Mấy vấn đề lí luận tiếp nhận văn học của Trần Đình Sử. Sau này, khi được đưa vào bộ Tuyển tập công trình, tiểu luận của Trần Đình Sử có nhan đề là: Tiếp nhận – bình diện mới của lí luận văn học[70]. Năm 1998, Trương Đăng Dung xuất bản chuyên luận: Từ văn bản đến tác phẩm văn học[71]. Năm 2004, ông cho xuất bản một chuyên luận khác: Tác phẩm văn học như là quá trình[72]. Cả hai chuyên luận nói trên đều ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp bàn luận về mĩ học tiếp nhận và tiếp nhận văn học. Với những chuyên luận ấy, lần đầu ở Việt Nam, vấn đề vai trò của người đọc và việc tạo nghĩa cho tác phẩm văn học trở thành chủ đề lớn.
Thứ ba: Hơn ba chục năm nay, mĩ học tiếp nhận và lí thuyết tiếp nhận văn học đã cắm rễ sâu vào hệ thống tri thức giáo dục đại học Việt Nam. Năm 1986, lần đầu tiên, nó được đưa vào giáo trình lí luận văn học dành cho các trường đại học và cao đẳng Sư phạm[73]. Năm 1997, Phương Lựu viết riêng một giáo trình mỏng Tiếp nhận văn học dành cho Trung tâm đào tạo từ xa của Đại học Huế do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành[74]. Sau này, các bộ bộ giáo trình khác đều có phần dành riêng cho tiếp nhận văn học như vậy. Chẳng hạn, cuốn Lí luận văn học của Huỳnh Như Phương dành hẳn chương VI cho tiếp nhận văn học[75]. Cuốn Giáo trình lí luận văn học (Bản chất và đặc trưng văn học) do Trần Đình Sử Chủ biên cũng có chương Tiếp nhận, thưởng thức và phê bình văn học[76]. Riêng cuốn Lí luận văn học (Văn học, nhà văn, bạn đọc) do Phương Lựu Chủ biên có tới ba chương với các tiêu đề: Bạn đọc – chủ thể tiếp nhận văn học, Quá trình tiếp nhận, Phê bình văn học – một loại tiếp nhận đặc biệt[77].
Thứ tư: Đã có nhiều tiểu luận, chuyên luận, nhiều luận văn, luận án vận dụng thành công lí thuyết tiếp nhận văn học để nghiên cứu một trường hợp tiếp nhận cụ thể, ví như chuyên luậnTiếp nhận văn xuôi Nga thế kỉ XIX ở Việt Nam của tác giả Trần Thị Quỳnh Nga[78], luận vănVấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi tại miền Nam Việt nam giai đoạn 1954 – 1975 của Hoàng Văn Thịnh (Bảo vệ năm 2005, tại ĐHSP tp Hồ Chí Minh ), các luận án Sự tiếp nhận Edgar Allan Poe ở Việt Nam của Hoàng Kim Oanh (Bảo vệ năm 2011, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam ), Tiếp nhận M. Sôlôkhôp ở Việt Nam của Tạ Hoàng Minh (Bảo vệ năm 2014, tại ĐHSP Hà Nội), hoặc Lịch sử tiếp nhận tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu của Lê Văn Hỷ (Bảo vệ năm 2014, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam) …
Qua các luận văn, luận án, các tiểu luận, chuyên luận, các giáo trình lí luận văn học vừa nêu trên, ta có thể rút ra nhiều nhận xét bổ ích về “tầm đón nhận” của giới nghiên cứu nước ta đối với mĩ học tiếp nhận và lí thuyết tiếp nhận văn học hiện đại của phương Tây. Giờ đây, nhờ có lí thuyết này, chắc chắn độc giả, nhất là giới nghiên cứu văn học, đã hiểu rõ vai trò của tiếp nhận văn học đối với tiến trình sáng tạo nghệ thuật. Ngày nay, không ai hiểu giản đơn lịch sử văn học nghệ thuật chỉ là lịch sử sáng tạo. Một số nhà khoa học đi đầu trong việc quảng bá mĩ học tiếp nhận đã giúp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ và đông đảo độc giả quan tâm tới lĩnh vực này xác định rõ phạm vi đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này. Các nhà lí luận xem phạm vi nghiên cứu tiếp nhận văn học bao gồm toàn bộ quá trình biến văn bản nghệ thuật thành tác phẩm nghệ thuật, qua trình thực hiện sự tồn tại xã hội của tác phẩm, sự tác động và làm phong phú lẫn nhau giữa tác phẩm và người đọc. Theo Trần Đình Sử, lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn ấy bao gồm ba bình diện: tác phẩm, sự đọc và qui luật lịch sử của sự đọc ấy. Ông nói, trước hết, lí luận tiếp nhận văn học “nghiên cứu tác phẩm văn học như là một sản phẩm nghệ thuật được sáng tác ra để tiếp nhận, thưởng thức; tác phẩm như một văn bản, một thông báo nghệ thuật, như một mã đặc thù, một cấu trúc cảm thụ hướng tới trí tưởng tượng người đọc”. Thứ hai, nó nghiên cứu “sự đọc, cắt nghĩa tác phẩm, các qui luật của giao tiếp và tiếp nhận, tâm lí học tiếp nhận văn học, giải thích học, sự vận động sáng tạo của người đọc”.Thứ ba, lí luận tiếp nhận văn học nghiên cứu “các qui luật và các vấn đề lịch sử – xã hội của tiếp nhận: cách đọc phân tâm, huyền thoại như một phương tiện của giáo tiếp đại chúng <…>, cách đọc xã hội học <…), cách đọc “phê bình mới…””[79]. Điều quan trọng nhất, mĩ học tiếp nhận và lí luận tiếp nhận văn học trang bị cho người đọc những phạm trù then chốt và các nguyên tắc phương pháp luận cốt yếu của lĩnh vực khoa học này. Nhan đề chuyên luận của Trương Đăng Dung Tác phẩm văn học như là quá trình cho thấy, dưới ánh sáng của mĩ học tiếp nhận, các khái niệm “tác phẩm”, “văn bản” đã có nội hàm mới. Các phạm trù “tầm đón nhận”, “cộng đồng diễn giải”, “người đọc”, “người đọc thực tế”, “người đọc tiềm ẩn” đã trở thành công cụ không thể thiếu với người nghiên cứu lí thuyết tiếp nhận văn học. Các chuyên luận, tiểu luận, giáo trình của Phương Lựu, Trần Đình Sử, Trương Đăng Dung giúp độc giả nhận ra hoạt động “tạo nghĩa” của sáng tạo văn học, phân biệt các hệ hình tiếp nhận văn học cổ điển và hiện đại. Với hệ thống tri thức về lí thuyết tiếp nhận văn học như thế, độc giả không thể không nghĩ lại về chủ trương xem phê bình, một dạng tiếp nhận, là phương thức lãnh đạo văn nghệ trước đây.
Tuy nhiên, mĩ học tiếp nhận và lí thuyết tiếp nhận văn học ở Việt Nam chưa cho thấy những dấu hiệu về sự trưởng thành. Công việc dịch thuật những tác phẩm lớn của các tác gia kinh điển ở lĩnh vực này là mặt trận hoàn toàn bị bỏ trống. Các công trình nghiên cứu hiện có của chúng ta về cơ bản dừng lại ở dạng “tổng quan”, thiên về giới thiệu, diễn giải những luận điểm lí thuyết cơ bản Hans Robert Jauss, Wolfwang Iser à một số học giả khác. Chưa có những công trình mang tính đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng cụ thể trong lịch sử tiếp nhận văn học của Việt Nam và thế giới[80].
2.3. Chủ nghĩa hậu hiện đại. Khó đưa ra một định nghĩa chặt chẽ về chủ nghĩa hậu hiện đại, vì đó là phạm trù bao trùm những hiện tượng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa ở nửa sau thế kỉ XX. Vào giữa những năm 50 của thế kỉ trước, lần đầu tiên, người ta thấy ở Mĩ, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong hàng loạt lĩnh vực văn hoá, như kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, sau đó, nó thâm nhập mạnh mẽ vào văn học và âm nhạc. Đến đầu những năm 80, người ta đặt vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật đương đại như một hiện tượng toàn vẹn, một trào lưu tư tưởng đặc biệt. Tức là người ta mới nghĩ tới khả năng liên kết tất cả các khuynh hướng, trào lưu hiện đại nhất trong các loại hình nghệ thuật thành một chỉnh thể được gọi là hậu hiện đại. Những bộ óc hàng đầu của nước Pháp, ví như J. Derrida (1930 – 2004), J. Lacan (1901-1981), J. Deleuze (1925), M.Foucault (1926-1984)… đã đưa ra nhiều hướng tiếp cận, nhiều cách nhìn, đề xuất nhiều ý tưởng, quan điểm về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các loại hình nghệ thuật ở Pháp. Những công trình nghiên cứu của họ cung cấp cho ta nền tảng lí thuyết, phương pháp luận để nghĩ về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật như một chỉnh thể, một trào lưu tư tưởng đặc thù. Vì chủ nghĩa hậu hiện đại là một hệ thống tư tưởng, hệ thống quan niệm có thể xem là hệ thống nguyên tắc thế giới quan nên nó mới có thể phát triển thành một trào lưu rộng lớn, rồi bành trướng sang tất cả các lĩnh vực tri thức xã hội – nhân văn và tất cả các lĩnh vực đời sống. Thực tế chứng tỏ, chủ nghĩa hậu hiện đại có tham vọng trở thành một thứ lí thuyết phổ quát về nghệ thuật đương đại, thậm chí, thành một loại tri thức đặc biệt có khả năng phản ánh đầy đủ nhất “tinh thần thời đại”. Có thể hình dung con đường lí luận mà chủ nghĩa hậu hiện đại đã đi qua là thế này. Ở nửa đầu của thế kỉ XX, cùng với sự xuất hiện của Trường phái ngôn ngữ Genève, Trường phái hình thức Nga, Trường phái cấu trúc Paris, Trường phái kí hiệu học Mĩ…, chủ nghĩa cấu trúc (“structuralisme”) được sinh ra rồi trở thành một khuynh hướng thống trị trong các khoa học xã hội nhân văn. Khi tinh thần duy lí của chủ nghĩa hiện đại đã lộ hết mặt trái của nó và chủ nghĩa cấu trúc như một hệ thống phương pháp luận đã bị vắt kiệt nghĩa, thì sự xuất hiện của hậu cấu trúc luận (“poststructuralisme”) sẽ là bước đi tất yếu của nhận thức khoa học. Quá trình vận dụng những nguyên tắc phương pháp luận của hậu cấu trúc luận (chủ yếu là hậu cấu trúc luận Pháp với những công trình nổi tiếng của J.Derrida, M.Foucault, J. Kristeva…) vào nghiên cứu và phê bình văn học lại làm nảy sinh khuynh hướnggiải cấu trúc luận, hoặc phê bình giái cấu trúc luận (“deconstructivisme”, “deconstructive critisme”). Khuynh hướng này phát triển rầm rộ ở Mĩ, trước hết là trong các công trình nghiên cứu của Trường phái Yale (“Yale School”) với những đại diện tiêu biểu như Paul Michael de Man (1919-1983), Geoffrey H. Hartman (1929), Harold Bloom (1930), Hillis Joseph Miller (1928). Về sau, giải cấu trúc luận vượt ra ngoài biên giới nước Mĩ và ra ngoài phạm vi thực hành phân tích phê bình văn học. Đem cấu trúc luận so sánh với giải cấu trúc luận, ta sẽ thấy ngay sự khác nhau của nhãn quan hiện đại chủ nghĩa với thế giới quan của chủ nghĩa hậu hiện đại. Cấu trúc luận và thế giới quan hiện đại chủ nghĩa nhìn xã hội như một tổng thể đang vận hành đồng bộ. Nhưng xã hội và mọi mối liên kết của nó trong nhãn quan hậu cấu trúc luận chỉ là một trò chơi ngôn ngữ, cho nên văn hoá là tổng số những văn bản. Giải cấu trúc luận đã “hợp thức hoá” quan điểm nền móng ấy của hậu cấu trúc luận rồi biến thành hệ thống nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa hậu hiện đại mà người ta có thể vận dụng để phân tích mọi hiện tượng văn hoá và mọi loại văn bản.
Tóm lại, nền tảng làm nên hệ thống nguyên tắc thế giới quan của chủ nghĩa hậu hiện đại là các quan niệm của hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc luận. Vì thế, các khái niệm “giải cấu trúc luận”, “hậu cấu trúc luận” và “chủ nghĩa hậu hiện đại” nhiều khi được sử dụng như những phạm trù đồng nghĩa. Tuy nhiên, cũng cần biết, hậu cấu trúc luận là hiện tượng “thuần Pháp”, có nguồn cội sâu xa từ truyền thống văn hoá của một dân tộc. Giải cấu trúc thực hành lại là hiện tượng gắn với nền văn hoá Mĩ. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại chắc chắn là hiện tượng mang tính quốc tế. Nó là đứa con được sinh thành nhờ sự tác động lẫn nhau, ảnh hưởng qua lại giữa những truyền thống triết học và văn hoá của những dân tộc khác nhau. Lại nữa, chủ nghĩa hậu hiện đại được truyền bá, phổ biến hết sức rộng rãi, bởi nó có khả năng mở ra một hệ hình tư duy kiểu mới.
Chủ nghĩa hậu hiện đại được tiếp nhận vào Việt Nam tương đối muộn. Điều này thật dễ hiểu. Việc tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam là nhu cầu nội tại, chứ không phải là nhu cầu ngoại sinh. Phải đến khi trong đời sống xã hội Việt Nam xuất hiện tâm thức hậu hiện đại và tâm thức ấy được thể hiện trực tiếp bằng sáng tác của nhà văn Việt Nam, thì lịch sử tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại Âu – Mĩ vào nước ta mới thực sự bắt đầu, mà năm 2000 là một cột mốc quan trọng. Tiểu luận Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại của Phương Lựu, đăng trên tạp chí “Nhà văn” năm 2000 (số 8) là một trong số những công trình đầu tiên có ý thức giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại như một hiện tượng văn hóa. Ba năm sau, năm 2003, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức biên soạn tuyển tập Văn học thế giới hậu hiện đại. Tuyển tập gồm 2 quyển. Quyển I có phụ đề Những vấn đề lí thuyết, do Đoàn Tử Huyến và Lại Nguyên Ân chủ trì, với sự cộng tác của các dịch giả Đào Tuấn Ảnh, Phan Việt Thủy, Nguyễn Minh Quân, Ngân Xuyên, Lộc Phương Thủy, Nguyễn Trung Đức, Đào Văn Lưu, Hoàng Hưng. Quyển II có phụ đềTruyện ngắn hậu hiện đại thế giới, do Lê Huy Bắc tuyển chọn và giới thiệu, với sự cộng tác của các dịch giả Đào Tuấn Ảnh, Phạm Bá Đạm, Đặng Anh Đào, Nguyễn Trung Đức, Đào Thu Hằng, Phan Thu Hiền, Bùi Việt Hoa, Phạm Viêm Phương, Nguyễn Văn Qua, Nguyễn Hồi Thủ, Bảo Trân, Lưu Đức Trung, Nguyễn Vinh, Ngân Xuyên. Trong bài Lời dẫn, Lại Nguyên Ân nói: “Tập sách <…> có lẽ là cố gắng đầu tiên tập hợp hầu hết nguồn tư liệu tiếng Việt hiện có, – những bài viết bài dịch đề cập các khía cạnh lí thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại”[81]. Ở phần Những vấn đề lí thuyết, ngoài các bài viết của Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Minh Quân, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Huy Bắc, Hữu Ước, cuốn sách tập hợp 10 tiểu luận dịch từ tiếng nước ngoài: 1) Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì? của Charles Jencks (Phan Việt Thủy dịch), 2) Điều kiện hậu hiện đại: Bản tường trình về tri thức của J-F Lyotard (Nguyễn Minh Quân dịch), 3) Chủ nghĩa hậu hiện đại ngày nay: kết thúc của chất xã hội hay thoái hóa của xã hội học của V.L. Inozemsev (Lại Nguyên Ân dịch), 4) Chủ nghĩa hậu hiện đại của Mary Klages (Ngân Xuyên dịch), 5) Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương của Barry Lewis (Hoàng Ngọc- Tuấn dịch), 6) Hậu hiện đại ở Nga (Văn học và lí luận) của Mikhail Epstein (Đào Tuấn Ảnh dịch), 7) Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Trung Quốc của Hoàng Vĩ Tông (Đào Văn Lưu dịch), 6) Về chủ nghĩa hậu hiện đại của John Verhaar (Lộc Phương Thủy dịch), 9) Giới thiệu thơ hậu hiện đại Hoa Kì của Paul Hoover (Hoàng Hưng dịch), 10) Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại của Antonio Blach (Nguyễn Trung Đức dịch). Tập Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới tuyển dịch 54 truyện ngắn của 42 tác giả thuộc nhiều quốc gia, vùng miền[82].
Bộ Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (2 tập) do Lộc Phương Thủy chủ biên cũng tập hợp nhiều bản dịch các tiểu luận về chủ nghĩa hậu hiện đại ở nước ngoài, ví như Ghi chú về nghĩa của chữ “Post-” của J.-F. Lyotard (Ngân Xuyên dịch), Chủ nghĩa hậu hiện đại của D. Martin Fields (Phạm Xuân Nguyên dịch), Văn xuôi hậu hiện đại của Hans Bertens (Phạm Xuân Nguyên dịch), Chủ nghĩa hậu hiện đại – Những điều cần biết của W. Grassie (Phạm Phương dịch), Hậu hiện đại: logic văn hóa của chủ nghĩa tư bản hậu kì của Fredric Jameson (Khương Việt Hà dịch), Tính bao hàm của hậu hiện đại: xây dựng lại tính hiện đại ở Trung Quốc hiên nay của Trần Hiếu Minh (Trần Quỳnh Hương dịch)[83]. Bộ sách do Lộc Phương Thủy chủ biên xuất bản vào năm 2007. Ngay trong năm 2007 này, cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean-Francois Lyotard được Nhà xuất bản Tri Thức cho ra mắt bạn đọc. Cuốn sách do Ngân Xuyên dịch, có lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn[84]. Sự ra đời của nó đánh dấu cột mốc quan trong trong lịch tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam. Kể từ đây, hậu hiện đại trở thành điểm nóng trong sáng tác, dịch thuật và nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam. Có thể lập một danh mục rất dài tiểu thuyết và truyện ngắn của Gabriel García Márquez được dịch ra tiếng Việt từ sau năm 2000, ví như các tiểu thuyết: Tướng quân giữa mê hồn trận, (Nxb Văn học, H., 2000),Giờ xấu,(Nxb Văn học, H., 2001), Tin tức về một vụ bắt cóc, Nxb Văn học, H., 2001), Trăm năm cô đơn (Nxb Văn học, H., 2003), Tình yêu thời thổ tả (Nxb Văn học, H., 2004), Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (Nxb Tổng hợp tp. HCM, 2007); hoặc các tập truyện ngắn của ông: 36 truyện đặc sắc (Nxb Văn học, H., 2001), Dấu máu em trên tuyết (Tập truyện ngắn, Nxb Đà Nẵng, 2004), Mười hai truyện phiêu dạt (Nxb Văn học, H., 2004), Truyện ngắn tuyển chọn(Nxb Văn học, H.; 2007). Hàng loạt tác phẩm của Haruki Murakami cũng được dịch ra tiếng Việt trong thời gian này, ví như Rừng Nauy (Trịnh Lữ dịch, Nxb Hội nhà văn, 2006), Biên niên kí chim vặn dây cót (Trần Tiến Cao Đăng dịch, Nxb Hội nhà văn, 2006), Kafka bên bờ biển (Dương tường dịch, Nxb Văn học, 2007) Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời (Cao Việt Dũngdịch, Nxb Hội nhà văn, 2007), Người tình Sputnik (Ngân Xuyên dịch, Nxb Hội nhà văn, 2008),Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (Lê Quang dịch, Nxb Hội nhà văn, 2010, Ngầm(Trần Đĩnh dịch, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010), Cuộc săn cừu hoang (Minh Hạnh dịch, Nxb Hội nhà văn, 2011), Nhảy nhảy nhảy (Trần Vân Anh dịch, Nxb Hội nhà văn, 2011), 1Q84 (3 tập. Lục Hương dịch, Nxb Hội nhà văn, 2012, 2013).
Ở mảng sáng tác, sau những dấu hiệu đầu tiên trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, người ta chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện một cách đĩnh đạc trong văn xuôi Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân, trong thơ Lê Anh Hoài, Mai Văn Phấn … Trong nghiên cứu, phê bình, một cách tự nhiên, Hà Nội trở thành Nhóm trung tâm thu hút nhiều học giả hướng tới chủ nghĩa hậu hiện đại. Nòng cốt của Nhóm trung tâm này là Phương Lựu, Lã Nguyên, Trần Đình Sử, Lê Huy Bắc. Năm 2012, Phương Lựu xuất bản chuyên luận Lí thuyết văn học hậu hiện đại[85]. Cùng năm này, Lê Huy Bắc cũng công bố chuyên luận Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và tiếp nhận[86]. Từ 2011 đến 2013 đã có hai cuộc hội thảo lớn về văn học hậu hiện đại được tổ chức tại Hà Nội và Huế. Kết quả của hai cuộc Hội thảo này là hai cuốn Kỉ yếu: Văn học hậu hiện đại – Diễn giải và tiếp nhận[87] (Huế) và Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và thực tiễn[88] (Hà Nội), tập hợp 68 tiểu luận với những đề tài hết sức đa dạng. Theo dõi những bài viết đăng trên các trang mạng, các Blog và Website cá nhân, ta sẽ thấy chủ nghĩa hậu hiện đại có sức hấp dẫn và hệ thống vấn đề được đặt ra ở đây phong phú biết chừng nào. Giới nghiên cứu giờ đây không dừng lại ở việc diễn giải lí thuyết, mà đã vận dụng đầy sáng tạocòn vận dụng nó để nghiên cứu thực tiễn văn học Việt Nam và thế giới. Hàng loạt luận án Tiến sĩ được bảo vệ trong thời gian gần đây cũng tiếp cận văn học hậu hiện đại theo hướng này, ví như:Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 của Phùng Gia Thế (bảo vệ năm 2011, tại ĐHSP Hà Nội), Nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Gabriel García Márquez của Phan Tuấn Anh (bảo vệ năm 2014, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam), Yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Haruki Murakami của Lê Thị Diễm Hằng (bảo vệ năm 2014, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam), hoặc Yếu tố hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt Nam sau 1986 (bảo vệ năm 2014, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam) …
Nếu hệ thống hóa những vấn đề được đặt ra qua tất cả các chuyên luận, tiểu luận, các luận văn, luận án viết về chủ nghĩa hậu hiện đại, ta sẽ thấy có ba nội dung chủ chốt sau đây được tiếp nhận vào Việt Nam:
Thứ nhất: Như một lí thuyết, chủ nghĩa hậu hiện đại gắn với một “khung tri thức”, hay một “hệ hình thế giới quan”. Nó xem toàn bộ thế giới là một thực tiễn diễn ngôn. “Không có hiện thực ngoài diễn ngôn” (J. Derrida). Diễn ngôn được hiểu như một phát ngôn hoàn chỉnh, một hành vi lời nói kiến tạo văn bản bao gồm người nghe bình đẳng với người nói và được xem là “sự kiện giao tiếp của các tương tác xã hội” (van Dijk) giữa chủ thể, khách thể và người tiếp nhận. Trong khung tri thức truyền thống và hiện đại, thế giới được giới hạn hoá trong không gian và thời gian, mang bản chất sự kiện và vật thể, con người và vạn vật liên hệ với nhau theo nguyên tắc quyết định luận nhân quả. Trong khung tri thức hậu hiện đại, thế giới được giới hạn hoá trong các thông tin của con người và các nhóm xã hội, mang bản chất diễn ngôn và các ý kiến như một hành vi lời nói, con người và vạn vật quan hệ với nhau theo nguyên tắc phụ thuộc xác suất và các quy tắc, chuẩn mực đối thoại (M. Makarov). Ở đây vạn vật không phải là cái hiện tồn vốn dĩ, mà tất tật, kể cả con người, đều là cái được kiến tạo. Cái được kiến tạo này trở thành “quyền lực” mạnh tới mức khiến con người không điều khiển được ngôn ngữ, mà ngôn ngữ và các “thẩm quyền diễn ngôn” điều khiển con người. Với ý nghĩa như thế, người ta nói về “bước ngoặt diễn ngôn” trong lịch sử tư duy khoa học của nhân loại. Đây là cơ sở của quan niệm xem văn học là một hình thức diễn ngôn.
Thứ hai: Chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện một trạng thái tâm thức xã hội. Trạng thái tâm thức này không phải là gì khác ngoài “sự hoài nghi các đại tự sự”. Theo Lyotard, suy cho cùng kì lí, thì hậu hiện đại chính là sự “hoài nghi các đại tự sự”, tức là hoài nghi các tư tưởng nòng cốt lớn lao, các “hệ thống giải thích” đảm bảo cho sự thống nhất của tri thức, xây dựng nên xã hội tư bản và được sử dụng như một phương tiện để hợp thức hoá xã hội ấy. Giờ đây, ở Việt Nam, những ai từng nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại đều biết rõ luận điểm nổi tiếng này. Trong một số tiểu luận, sau khi phân tích sự biểu hiện của tâm thức hậu hiện đại trong sáng tác của một số nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Đặng Thân, Lã Nguyên rút ra kết luận theo đó, văn học hậu hiện đại Việt nam là hiện tượng nội sinh, chứ không phải là sản phẩm ngoại nhập[89].
Thứ ba: Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hậu hiện đại là một hệ thống thi pháp. Theo Phương Lựu, đó là “hệ thống thi pháp bất định và đột phá” với 5 đặc điểm: “1) Chủ đề vô định, 2) Hình tượng mơ hồ, 3) Tình tiết chồng chéo, 4) Ngôn từ bành trướng, 5) Thể loại bứt phá”[90].
2.4. Tự sự học và lí thuyết diễn ngôn. Đây là hai hệ thống lí thuyết có nguồn gốc từ phương Tây, được tiếp nhận vào Việt Nam trong thời gian gần đây.
+ Tự sự học – tiếng Pháp – “narratologie”, tiếng Anh – “-arratology”, có thể dịch là “tự sự học”, cũng có thể dịch là “trần thuật học”. Nếu hiểu tự sự học theo nghĩa rộng, như là bộ môn nghiên cứu bình diện tự sự, hoặc rộng hơn, nghiên cứu bình diện kết cấu – chủ quan của sự kể chuyện, thì lĩnh vực khoa học này có nguồn cội từ thời cổ đại, trong Thi pháp học của Aristotle. Nhưng hiểu theo nghĩa hiện đại, thì “tự sự học”, với đối tượng nghiên cứu và hệ thống phương pháp riêng để chiếm lĩnh đối tượng, chỉ thực sự phát triển ở cuối những năm 60 của thế kỉ trước. Bản thân thuật ngữ “narratologie” do Tz. Todorov đề xướng vào năm 1969. N.D. Tiupa, nhà lí luận người Nga, gọi nó là “tân tu từ học”[91]. Trong lịch sử phát triển của tư duy lí luận, tự sự học nằm ở vị trí trung gian giữa chủ nghĩa cấu trúc và mĩ học tiếp nhận. Ở cực này, chủ nghĩa cấu trúc xem tác phẩm nghệ thuật là đối tượng tự trị, khép kín, hoàn toàn độc lập với cả tác giả , lẫn độc giả. Ở cực kia, mĩ học tiếp nhận “hòa tan” tác phẩm nghệ thuật vào ý thức của độc giả. Tự sự học có tham vọng khắc phục xu hướng cực đoan của hai loại lí thuyết nói trên. Một mặt, nó khẳng định khái niệm “cấu trúc chiều sâu” như là nền móng nội tại của mọi tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, nó dồn trọng tâm phân tích vào sự hiện thực hóa cấu trúc ấy trong quá trình “tương tác đối thoại” đầy năng động giữa người sáng tác và người tiếp nhận.
Ở Việt Nam, từ năm 2000, tự sự học trở thành một trong số đối tượng lựa chọn chủ chốt của hoạt động tiếp nhận các lí thuyết văn nghệ từ các nước Âu – Mĩ. Năm 2001, một Hội thảo khoa học cấp nhà nước về tự sự học, được tổ chức tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ môn Lí luận văn học. Hội thảo thu hút được sự tham gia của nhiều học giả ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam: Phương Lựu, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Hải Phong, Lê Lưu Oanh, Đặng Anh Đào, Phan Đăng Nhật, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Đỗ Hồng Kì, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Ngọc Hiếu, Diệp Quang Ban, Nguyễn Văn Dân, Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Trần Văn Toàn… (Hà Nội), Huỳnh Như Phương (tp. Hồ Chí Minh), Trần Huyền Sâm (Huế)… Mấy năm sau, lấy tham luận của của Hội thảo nói trên làm nòng cốt, dưới sự chủ trì của GS Trần Đình Sử, bộ môn Lí luận văn học đã chọn thêm những công trình nghiên cứu tự sự học có được ở Việt Nam thời ấy, tất cả gồm 79 tiểu luận, làm thành hai quyển Tự sự học – Một số vấn đề lí luận và lịch sử[92] dày hơn 1000 trang. Có thể chia 79 tiểu luận nói trên thành ba nhóm bài theo chủ đề của chúng: 1) Tổng thuật lịch sử hình thành và phát triển của tự sự học, diễn giải một số phạm trù lí thuyết quan trọng của nó, ví như: Tự sự học – một bộ môn nghiên cứu liên ngành giàu tiềm năng, Tự sự học không ngừng mở rộng và phát triển của Trần Đình Sử, Về việc mở ra môn trần thuật học trong ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam của Lại Nguyên Ân, Tự sự học: tên gọi, lược sử và một số vấn đề lí thuyết của Lê Thời Tân, Vấn đề phân loại góc nhìn trần thuật của Phương Lựu. 2) Diễn giải lí thuyết tự sự của các nhà kinh điển, hoặc một trường phái khoa học, ví như: Trường phái hình thức Nga và văn xuôi tự sự của Huỳnh Như Phương, Dẫn luận về tự sự học của Susanna Onega và J.A. Garcia Landa của Lê Lưu Oanh và Nguyễn Đức Nga, Giới thiệu lí thuyết tự sự của Mieke Bal của Nguyễn Thị Ngọc Minh, Cấu trúc tự sự theo quan điểm của Roland Barthes của Lê Trà My, Giới thiệu lí thuyết tự sự của Hayden Whit của Trần Ngọc Hiếu,Lí thuyết về người nghe chuyện trong tác phẩm tự sự của Gerald Prince của Nguyễn Thị Hải Phương…3) Vận dụng lí thuyết tự sự học để nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong sáng tác của một nhà văn, một trường phái, hay một giai đoạn văn văn học cụ thể, ví như: Kĩ thuật dòng ý thức trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh của Nguyễn Đăng Điệp, Tự sự trong “Cơ hội của chúa” – cách tân và giới hạn của Trần Văn Toàn, Về tiểu thuyết sử dụng ngôi thứ nhất trong văn học phương Tây thế kỉ XVIII của Lê nguyên Cẩn. Đa số các công trình nghiên cứu trong hai quyển Tự sự học nói trên đều thuộc nhóm này. Hàng loạt luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ xuất hiện trong thời gian gần đây cũng đi theo hướng ứng dụng lí thuyết tự sự học để nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam và thế giới. Xin đơn cử một vài luận án đã bảo vệ thành công và ngay sau đó tác giả đã phát triển thành chuyên luận để xuất bản:Nghệ thuật tự sự trong hai tập truyện ngắn “Gào thét” và “Bàng hoàng” của Lỗ Tấn của Nguyễn Thị Mai Chanh (luận án bảo vệ tại Viện văn học Việt Nam năm 2008, in thành sách năm 2010, do Nxb Giáo dục ấn hành), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Mai Hải Oanh (luận án bảo vệ năm 2008 tại Viện Văn học, in thành sách năm 2009, Nxb Hội nhà văn ấn hành), Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Thái Thị Vàng Anh (luận án bảo vệ năm 2010, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam), Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn của Nguyễn Thị Tịnh Thuy (luận án bảo vệ năm 2011, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam, in thành sách năm 2013 với nhan đề Tự sự kiểu Mạc Ngôn, do Nxb Văn học ấn hành)…
Đọc các luận văn, luận án, các chuyên luận, tiểu luận nói trên, ta nhận ra, giới học thuật Việt Nam không chỉ tiếp nhận tư tưởng lí thuyết của tự sự học truyền thống, mà còn nhanh chóng nắm bắt hệ thống lí luận của tự sự học hiện đại và tự sự học hậu kinh điển. Hệ thống lí luận này có thể gói gọn vào 4 luận điểm nòng cốt sau đây. Thứ nhất: tự sự học hiện đại, hậu kinh điển nhấn mạnh bản chất giao tiếp của văn học nghệ thuật. Thứ hai: nó xem hành vi giao tiếp nghệ thuật là tiến trình diễn ra đồng thời ở nhiều cấp độ trần thuật. Thứ ba: nó đặc biệt coi trọng vấn đề diễn ngôn. Thứ tư: Nó xây dựng lí thuyết về vô số cấp độ trần thuật hoạt động trong vai trò là thành phần của mạch giao tiếp có nhiệm vụ “chuyển” thông tin từ nhà văn tới độc giả như những cực khác nhau của sự giao tiếp nghệ thuật.
+ Lí thuyết diễn ngôn: Thế kỉ XX được gọi là thế kỉ của “bước ngoặt ngôn ngữ”, “bước ngoặt diễn ngôn”. Khái niệm “diễn ngôn” lần đầu tiên được Z. Harri, nhà ngôn ngữ học người Mĩ, sử dụng như một thuật ngữ khoa học trong một bài báo công bố vào năm 1952[93]. Còn “bước ngoặt ngôn ngữ” thì bắt đầu manh nha từ những năm hai mươi của thế kỉ XX. Nhưng tiếng vang của các bước ngoặt tạo ra những hệ hình nhận thức luận mang tính cách mạng nói trên chỉ mới vọng vào Việt Nam trong vòng mươi năm trở lại đây. Bằng chứng là, chỉ mới mươi năm trở lại đây mới thấy xuất hiện những bản dịch tiếng Việt các công trình nghiên cứu lí thuyết diễn ngôn. Đã thế, hầu hết những bản dịch này đều chưa được xuất bản. Chúng được đăng tải chủ yếu trên báo mạng, ở những trang Blog, hoặc website cá nhân. Chẳng hạn, có thể đọc trên Blog của Lã Nguyên nhiều bản dịch, ví như: Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại – Kinh nghiệm phân loại của O.F. Rusakova[94], Trần thuật học là khoa học phân tích diễn ngôn trần thuật của V.I. Tiupa[95], Phân tích diễn ngôn trong lí thuyết xã hội học của Michel Foucault và Teun Adrianus van Dijk của Vashili Gorelov[96]…
Trần Đình Sử là người đầu tiên giới thiệu lí thuyết diễn ngôn văn học. Tiểu luận Bản chất xã hội, thẩm mĩ của diễn ngôn văn học được ông công bố vào năm 2004, sau đó được sửa chữa và in trong sách Trên đường biên văn học[97]. Năm 2013, ông công bố một tiểu luận khác: Bước ngoặt diễn ngôn và chuyển đổi hệ hình trong nghiên cứu văn học[98]. Công trình diễn giải lí thuyết diễn ngôn có hệ thống nhất là chuyên luận dày 562 trang Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản của Diệp Quang Ban được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào năm 2009[99].
Cùng với việc quảng bá, nhiều nhà khoa học đã vận dụng lí thuyết diễn ngôn để phân tích thực tiễn văn học. Trong hàng loạt công trình nghiên cứu, Lã Nguyên đã tiếp cận các hiện tượng văn học Việt Nam từ góc độ lí thuyết diễn ngôn, ví như: Nhìn lại các bước đi. Lắng nghe những tiếng nói (Về văn học Việt Nam thời đổi mới 1975 – 1991)[100], Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài[101], Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống[102],Nguyễn Tuân – nhà văn của hình dung từ[103], Tố Hữu – lá cờ đầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa[104]… Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và nghiên cứu văn học sử là Đề tài Khoa học – Công nghệ cấp Bộ do Trần Văn Toàn, Khoa Ngữ Văn Đại học sư phạm Hà Nội, chủ trì thực hiện, vừa nghiệm thu năm 2015. Trần Văn Toàn cũng đã công một loạt tiểu luận nghiên cứu diễn ngôn về giới và một số chủ đề khác, ví như Nam tính hóa nữ tính – Đọc “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh từ góc nhìn giới tính,[105] Diễn ngôn về giới tính và thi pháp nhân vật (Trường hợp Dũng trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh)[106], Phương Tây và sự hình thành diễn ngôn về bản sắc Việt Nam[107], Dẫn nhập lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và nghiên cứu văn học[108]…
Tuy mới được tiếp nhận trong vòng mươi năm nay, nhưng lí thuyết diễn ngôn đã thâm nhập sâu sắc vào đời sống khoa học học đường. Đã có không ít luận văn, luận án chọn đề tài nghiên cứu là diễn ngôn văn học, ví như Kí như một loại hình diễn ngôn của Nguyễn Thị Ngọc Minh (Bảo vệ năm 2013, tại ĐHSP Hà Nội), Sự chuyển đổi của diễn ngôn lí luận, phê bình trong nền văn học Việt Nam từ thời kì đổi mới đến nay của Trần Thị Ngọc Anh (Bảo vệ năm 2014, tại ĐHSP Hà Nội), Diễn ngôn hiện thức trong văn học: Những vấn đề lí thuyết và lịch sử của Trần Thiện Khanh (bảo vệ năm 2015, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam)…
Lí thuyết diễn ngôn là khoa học liên ngành. Diễn ngôn là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học. Mỗi lĩnh vực khoa học tiếp cận diễn ngôn theo hướng riêng của mình. Có thể chia vô số những công trình lí thuyết và nghiên cứu liên ngành trong phạm vi phân tích diễn ngôn thành 6 hướng tiếp cận sau đây: 1) Hướng tiếp cận ngôn ngữ học với nhiều hệ thống phương pháp luận, bao gồm cả xã hội học ngôn ngữ, văn hóa học ngôn ngữ…, 2) Hướng lí thuyết quyền lực, tập trung chú ý vào đặc điểm quyền lực của diễn ngôn 3) Hướng kí hiệu học, nghiên cứu diễn ngôn như là tổ chức kí hiệu – biểu tượng văn hóa, 4) Hướng giao tiếp xã hội, đặt trọng tâm nghiên nghiên vào mục đích giao tiếp và chức năng xã hội của diễn ngôn, 5) Hướng hậu hiện đại, xem diễn ngôn như là mạng không gian giao tiếp, nơi diễn ra sự kiến tạo và tái tạo hiện thực, 6) Phân tích diễn ngôn phê phán, kết hợp các hướng tiếp cận khác nhau đối với diễn ngôn.
Các luận văn, luận án, những tiểu luận, chuyên luận mà chúng tôi vừa nhắc tới ở trên cho thấy, giới nghiên cứu văn học Việt Nam vận dụng chủ yếu ba hướng tiếp cận diễn ngôn: 1) lí thuyết quyền lực. 2) kí hiệu học và, 3) hậu hiện đại. Mỗi hướng tiếp cận ấy này có trọng tâm nghiên cứu riêng. Vận dụng lí thuyết của M. Foucault, các công trình nghiên cứu của Trần Văn Toàn tiếp cận diễn ngôn chủ yếu theo hướng thứ nhất. Các nhà nghiên cứu khác thường kết hợp các hướng tiếp cận ấy với nhau. Dù vận dụng hướng tiếp cận nào đi chăng nữa, thì bản thân lí thuyết diễn ngôn cũng buộc giới nghiên cứu của chúng ta tiếp nhận các tư tưởng chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Lí thuyết diễn ngôn là một hệ hình bản thể luận mới. Trần Đình Sử trong Bước ngoặt diễn ngôn và chuyển đổi hệ hình trong nghiên cứu văn học và Lã Nguyên trong Thay đổi khung tri thức và mô hình kiến tạo lí thuyết là tiền đề để nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học[109]đều nhấn mạnh sự khác nhau của các hệ hình lí thuyết hiện đại ở bước ngoặt ngôn ngữ và hậu hiện đại ở bước ngoặt diễn ngôn về bản thể. Sự khác biệt này thể hiện ở ba bình diện: a) giới hạn của tồn tại, b) bản chất của tồn tại, c) các quan hệ của tồn tại. Bản thể luận cơ học hiện đại xem không gian và thời gian là giới hạn của tồn tại. Bản thể luận của lí thuyết diễn ngôn xem giới hạn của tồn tại là thực tiễn diễn ngôn, là các thông tin của con người và các cộng đồng xã hội. “Không có thực tiễn ngoài diễn ngôn”. Với bản thể luận cơ học, tồn tại mang bản chất vật thể và sự kiện. Với bản thể luận của lí thuyết diễn ngôn, tồn tại mang bản chất của diễn ngôn, của hành vi lời nói. Bản thể luận cơ học hiện đại khẳng định quan hệ quyết định luận nhân quả của tồn tại. Bản thể luận của lí thuyết diễn ngôn lại khẳng định sự phụ thuộc xác suất, các qui tắc và chuẩn mực của đối thoại. Tóm lại, với hệ hình bản thể luận diễn ngôn, thế giới là một hiện thực ngôn ngữ, con người tồn tại trong thế giới ấy và chịu sự chi phối của nó. Mô hình lí thuyết về mọi lĩnh vực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người bao giờ cũng là một mô hình đa bội.
Thứ hai: Văn học, lí luận và phê bình văn học đều là những hình thức diễn ngôn. Như mọi loại diễn ngôn xã hội khác, chúng chịu sự chi phối của trật tự diễn ngôn và mã ngôn ngữ tư tưởng hệ. Trong luận án của Trần Thiện Khanh, mã tư tưởng hệ đã tạo ra trong văn học các loại hình diễn ngôn hiện thực “phong kiến”, “tư sản” và “vô sản”. Với các công trình nghiên cứu của Trần Văn Toàn mã tư tưởng hệ được bộc lộ chủ yếu ở bình diện “giới”, bình diện “tính dục”.
Thứ ba: Diễn ngôn văn học có đặc trưng riêng của nó. Ở đây, mã tư tưởng hệ thường bộ lộ gián tiếp qua các mã văn hóa. Cho nên, phân tích diễn ngôn văn học đòi hỏi phải khám phá hệ thống “ngôn ngữ gốc” trong lớp cấu trúc chiều sâu của văn bản. Các công trình nghiên cứu thi pháp của Trần Đình Đình Sử, Lã Nguyên, luận án của Nguyễn Thị Ngọc Minh phân tích diễn ngôn văn học theo hướng này. 2.5. Một số lí thuyết hậu kinh điển. Phương Lựu xếp vào chủ nghĩa hậu hiện đại các xu hướng lí thuyết sau đây: chủ nghĩa hậu cấu trúc Pháp, chủ nghĩa giải cấu trúc Mĩ, chủ nghĩa tân lịch sử, phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân, xu hướng chuyển tiếp sang nghiên cứu văn hóa[110]… Các xu hướng lí thuyết này đều thuộc phạm trù hậu kinh điển. Ở trên kia chúng tôi đã trình bày tổng quan về sự tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam từ 1986 đến nay. Cho nên, ở đây chỉ nói thêm mấy lời về sự tiếp nhận phê bình nữ quyền, chủ nghĩa hậu thực dân và phê bình sinh thái.
+ Về phê bình nữ quyền. Hiển nhiên, phải có phong trào nữ quyền thì mới co nữ quyền luận và phê bình nữ quyền. Phong trào nữ quyền được phát động ở các nước châu Âu từ thế kỉ XVIII. Nhưng phải đến cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỉ trước, phê bình nữ quyền luận mới hình thành và phát triển ở các nước Âu – Mĩ. Tiền đề khởi điểm của ý thức nữ quyền hiện đại là niềm tin cho rằng, “văn hóa gia trưởng” là sơ đồ văn hóa thống trị, là “mẫu gốc văn hóa” của xã hội tư bản hiện đại. Nói cách khác, bất luận là đàn ông hay đàn bà, độc lập với giới tính, toàn bộ ý thức của con người hiện đại được nuôi dưỡng và thấm nhuần lí tưởng và giá trị của “hệ tư tưởng nam quyền”. Hệ tư tưởng ấy khẳng định lí trí và tinh thần duy lí thuộc về đàn ông. Nó dùng trật tự tư tưởng để áp chế tự nhiên sinh động, đặt đàn ông cao hơn đàn bà, Chúa Cha cao hơn Đức Mẹ. Sự thật bất di bất dịch này của văn hóa hiện đại là nguồn cội nảy sinh nhu cầu soát xét lại toàn bộ tư tưởng truyền thống, nhu cầu sáng tạo ra nền văn học nữ, bảo vệ căn tính nữ vốn không tồn tại trong khuôn khổ chặt hẹp của logic đàn ông. Sự phê phán hệ thống định hướng giá trị “nam giới thuần túy” được thể hiện mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất trong văn học nữ quyền khu vực Anglo-Saxon, đặc biệt là Mĩ. Nỗ lực chủ yếu của phê bình văn học nữ quyền ở khu vực này là tạo ra nền văn học nữ rộng lớn, tổ chức các trung tâm nghiên cứu, biên soạn thật nhiều hợp tuyển văn học nữ, các sách giáo trình, giáo khoa về văn học nữ…
Điều đáng lưu ý, phê bình văn học nữ quyền không phải là một trường phái nghiên cứu có phương pháp luận riêng. Nó tồn tại ở khu vực giáp ranh của một số khuynh hướng phê bình, như xã hội học văn hóa, hậu cấu trúc luận và chủ nghĩa Freud mới theo tư tưởng khoa học của J. Derrida, J. Lacan, M. Foucault…
+ Phê bình hậu thực dân, hoặc “nghiên cứu hậu thực dân” (“poscolonial studies) là bộ môn khoa học liên ngành, hình thành vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ trước. Nhiệm vụ trung tâm của phê bình hậu thực dân là nghiên cứu toàn diện, khám phá và so sánh kinh nghiệm của các nhóm văn hóa “câm”, ít được nhắc tới hoặc hoàn toàn chưa được phát hiện. Đó là các nhóm văn hóa của các dân tộc đã giành được độc lập, nhưng lịch sử phát triển của chúng gắn chặt với sự áp bức, đè nén nghiệt ngã của chủ nghĩa thực về phương diện chính trị, xã hội, văn hóa và tâm lí. Phê bình hậu thực dân tập trung phân tích sự tác động qua lại đầy phức tạp trong văn hóa của kẻ thực dân và văn hóa thuộc địa. Mục đích của phê bình hậu thực dân là xác định những nguyên tắc xã hội, chính trị, văn hóa và tâm lí quyết định cơ chế hoạt động của các hệ tư tưởng thực dân và hệ tư tưởng phản thực dân được hình thành trên nền tảng của chiến lược của thống trị, ở phái này, và chiến lược chống đối, ở phái kia. Đa số các nhà nghiên cứu đều lấy năm 1978, thời điểm ra đời của cuốn Đông phương luận của Edward Wadie Said làm cột mốc đánh dấu sự hình thành của phê bình hậu thực dân. Phê bình hậu thực dân còn gắn với tên tuổi của G.C. Spivak, Hôm Bhabha, Fridric Jameson[111].
+ Phê bình sinh thái. Xu hướng phê bình này bắt đầu hình thành từ những năm 70 và thực sự phát triển mạnh mẽ vào những năm 90 của thế kỉ trước. Sự ra đời của nó gắn với tên tuổi của hai học giả người Mĩ là William Rueckert và Cheryll Glotfelty. Năm 1978, William Rueckert công bố tiểu luận Văn học và sinh thái: Một thử nghiệm trong phê bình sinh thái (Literature and Ecology: An Experiment in Ecocriticism). Suốt một thời gian dài, không mấy ai để ý tới tiểu luận ấy. Mãi đến năm 1989, Cheryll Glotfelty (khi ấy là sinh viên Trường Đại học Cornell) mới kêu gọi các nhà triết học, văn hóa học, các nhà phê bình văn học sử dụng thuật ngữ “phê bình sinh thái” (“Ecocriticism”) để diễn giải các văn bản có mô tả tự nhiên). Hưởng ứng lời kêu gọi của Cheryll Glotfelty, năm 1992, các học giả sáng lập “Hiệp hội nghiên cứu văn học và môi trường” (“The Association for the Study of Literature and Environmen” – ASLE). Hiệp hội này cho xuất bản một tạp chí khoa học liên ngành (ISLE: Interdisciplinary Studies in Literature and the Environment), thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận về phê bình sinh thái.
Sau gần ba mươi năm tồn tại, phê bình sinh thái đã xây dựng một vũ trụ luận kiểu mới lấy sinh thái làm trung tâm thay cho vũ trụ luận truyền thống đề cao vai trò chúa tể của con người. Đối tượng nghiên cứu của phê bình sinh thái là cách hành xử của con ngươi với môi trường sinh thái được mô tả trong văn học qua các thời đại lịch sử. Mục đích nghiên cứu của nó là soát xét lại toàn bộ lịch sử văn hóa của nhân loại để chỉ ra căn nguyên dẫn đến những nguy cơ sinh thái trong xã hội hiện đại.
Cả ba trào lưu phê bình nói trên đều đã có mặt ở Việt Nam và đều được chào đón nồng nhiệt. Tham gia giới thiệu, quảng bá trường phái ấy chủ yếu là giới trẻ, nhưng cũng hiếm các học giả lão thành như Phương Lựu, Trần Đình Sử. Chúng nổi lên trong đời sống học thuật ở nước ta như những vấn đề thời sự, mang tính cập nhật. Nhiều cuộc “Hội thảo”, “Tọa đàm” về các xu hướng nghiên cứu hậu kinh điển đã được tổ chức. Ngày 29/11/2012, Viện văn học Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt nam đương đại”, thu hút được sự tham gia của nhiều nghiên cứu viên, giảng viên ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam: Trần Lê Hoa Tranh,Hồ Khánh Vân, Trần Thị Thanh Hương (tp Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Cung Mi (Đà Nẵng),Nguyễn Duy Bình (Vinh, Nghệ An), Đặng Thị Thái Hà, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Minh Thương, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hoàng Tố Mai, Lê Hương Thủy, Trịnh Đặng Nguyên Hương, Lê Thị Dương, Trần Thục, Đỗ Thị Hường, Đoàn Ánh Dương, Lê Thanh Huyền (Hà nội)[112]. Tại Hội thảo này, Trần Thiện Khanh tự tin tuyên bố: “Ngày nay, có thể nói, là thời đại văn học nữ (quyền) bung ra, rộng khắp chưa từng thấy, là thời đại những tiếng nói đã mất bắt đầu trở lại, những tiếng nói trước kia bị đặt bên lề trở nên quan trọng, những tiếng nói của “kẻ Khác” vang lên giữa “thế giới của chúng ta”; thời đại phụ nữ bước vào văn học một cách tự tin, đàng hoàng và đầy thách thức: giờ đây tiếng nói trở thành một hành động (lựa chọn, chất vấn, phản kháng…) chứ không là một thân phận như trước kia”[113]. Ta hiểu vì sao, trên các trang báo mạng, các Website, Blog cá nhân xuất hiện đầy ắp những bản dịch tiếng Việt và những tiểu luận của tác giả Việt Nam về nữ quyền luận và văn học nữ quyền. Năm 2014, bản dịch tiếng Việt cuốn Đông phương luận của E. Said[114] cũng đã đến tay độc giả Việt Nam. Năm 2012, lần đầu tiên, phê bình sinh thái được Đỗ Văn Hiểu giới thiệu với công chúng nước ta qua tiểu luận của cá nhân và một số bản dịch đăng tải trên các trang mạng[115]. Từ sinh thái học tự nhiên và xã hội, Trần Đình Sử đặt vấn đề mở rộng, xây dựng khoa sinh thái học văn hóa tinh thần[116].
Các lí thuyết khoa học hậu kinh điển, như chủ nghĩa hậu hiện đại, phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân, phê bình sinh thái đều ra đời vào nửa sau, thậm chí, vào những năm cuối, của thế kỉ XX. Tuổi đời của chúng còn rất trẻ. Cho nên, khi được tiếp nhận vào Việt Nam, không phải ai cũng niềm nở chào đón chúng. Chúng không thể tránh khỏi những cái nhìn nghi ngại, dè chừng[117]. Tuy nhiên, đây là các lí thuyết đặt ra những vấn đề khoa học mang tính nhân loại, mở ra một hệ hình tư duy kiểu mới. Chắc chắn, sẽ không ai có thể nghi ngờ được tính “khả dụng” của chúng đối với nền học thuật ở nước ta.
Hà Nội, 1/2016
[1] Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên), T.I & T.II. Nxb Giáo dục, 2007.
[2] Phương Lựu – Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại. Nxb Văn học, H., 1995.
[3] Phương Lựu – Mười trường phái lí luận, phê bình văn học đương đại phương Tây. Nxb Giáo dục, H., 1999.
[4] Phương Lựu – Lí luận, phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX. Nxb Văn học, 2001.
[5] Nguyễn Văn Dân – Lý luận văn học so sánh (in lần thứ 5). Nxb KHXH, H., 2011.
[6] Nguyễn Văn Dân – Phương pháp luận nghiên cứu văn học. Nxb Khoa học xã hội, H., 2004.
[7] Phân tâm học và văn học nghệ thuật (Đỗ Lai Thúy (chủ biên), Huyền Giang, Ngô Bình Lâm, Ngân Xuyên, Đỗ Đức Thịnh, Thiệu Bích Hường dịch các tiểu luận của S. Freud, C.G. Jung, J. Bellemin-Noёl, G. Bachelard, G. Tucci, V. Dundes, V. Vyshestsev). Nxb văn hóa thông tin, h., 2004.
[8] Trịnh Bá Đĩnh – Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học (427 trang, phần đầu, 84 trang, là một công trình nghiên cứu, phần còn lại dịch văn bản một số tiểu luận của R. Jakobson, C. Lesvi-Strauss, Iu. Lotman và tz. Todorov). Nxb Hội nhà văn, 2011.
[9] Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyếnbiên soạn). Nxb Hội nhà văn, 2003.
[10] Lộc Phương Thủy, Nguyễn phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên – Xã hội học văn học. Nxb ĐHQG Hà Nội, H., 2014.
[11]E. Auerbach- Mimesis (Phùng Ngọc Kiên dịch và giới thiệu). Nxb Tri thức, 2014.
[12] N. Konrat – Phương Đông và phương Tây (Trịnh Bá Đĩnh dịch). Nxb Giáo dục, H., 1997.
[13] R. Barthes – Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch). Nxb Hội nhà văn, H., 1998.
[14] R. Barthes – Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu dịch). Nxb tri thức, H., 2008.
[15] R. Barthes – S/Z (Lê Nguyên Cẩn dịch)// Lê nguyên Cẩn – Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa. Nxb ĐHQG Hà Nội, tr. 577-872.
[16] R. Wellek và A. Warren – Lí luận văn học (Nguyễn Mạnh Cường dịch). Nxb Văn học, H., 2009.
[17] E. Said – Đông phương luận (Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính). Nxb Tri thức, H., 2014.
[18] A. Compagnon – Bản mệnh của lí thuyết (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch). Nxb ĐHSP Hà Nội, 2006.
[19] J-F Lyotard – Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu). Nxb Tri thức, 2007.
[20] Tz. Todorov – Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch). Nxb ĐHSP Hà Nội, 2004.
[21] Tz. Todorov – Văn chương lâm nguy (Trần Huyền Sâm dịch). Nxb Văn học, 2013.
[22] L. Petrescu – Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại (Lê Nguyên Cẩn dịch). Nxb ĐHSP Hà Nội, 2013.
[23] Phùng Văn Tửu – Tiểu thuyết Pháp hiện đại – Những tìm tòi đổi mới. Nxb KHXH, H., 1990.
[24] Đặng Anh Đào – Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Nxb Giáo dục, 1995.
[25] Trương Đăng Dung – Tác phẩm văn học như là quá trình. Nxb KHXH, H., 2004…
[26] Xin xem lại phần trước, chương: “Phân tâm học: từ lý thuyết Âu Mỹ đến khảo cứu, phê bình và sáng tác văn nghệ ở miền Nam Việt Nam”.
[27] Sigmund Freud – Nguồn gốc của Văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kị), (Lương Văn Kếdịch), Nxb ĐHQG, H, 2001.
[28] Sigmund Freud – Bệnh lý học tinh thần về sinh hoạt đời thường, (Bùi Lưu Phi Khanh dịch), Nxb Văn hóa thông tin, H., 2002.
[29] Sigmund Freud – Phân tâm học nhập môn, (Nguyễn Xuân Hiến dịch), Nxb ĐHQG, H. 2002.
[30] Sigmund Freud – Phân tâm học và văn hóa tâm linh, (Đỗ Lai Thúy Chủ biên), Nxb Văn hóa thông tin, H., 2004.
[31] Sigmund Freud – Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc mơ – Nhập đề của Hermann Beland, (Nguyễn Hữu Tâm dịch), Nxb Thế giới, H., 2005.
[32] Sigmund Freud – Cảm giác bất ổn với văn hóa, (Lê Thị Kim Tuyến biên dịch), Nxb Thế giới, H., 2009.
[33] Sigmund Freud – Phân tích một ca ám sợ ở một bé trai 5 tuổi (chuyện bé Hans), (Lưu Huy Khánh dịch), Nxb Thế giới, H., 2002.
[34] Sigmund Freud – Cái tôi và cái nó, (Trần Thị Mận dịch), Nxb Tri thức, H., 2015.
[35] Erich Fromm – Ngôn ngữ bị lãng quên, (Lê Tịnh dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2002.
[36] Erich Fromm – Phân tâm học tình yêu, (Tuệ Sỹ dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4, 2003, tr.185-237.
[37] Erich Fromm – Phân tâm học và tôn giáo, (Lưu Văn Hy dịch), Nxb Từ điển bách khoa, H., 2012.
[38] E. Bennet – Jung đã thực sự nói gì, (Bùi Lưu Phi Khanh dịch), Nxb Văn hóa thông tin, H., 2002.
[39] Murray Stein – Bản đồ tâm hồn con người của Jung, (Bùi Lưu Phi Khanh dịch), Nxb Tri thức, TpHCM, 2011.
[40] Clark David S. – Freud đã thực sự nói gì, (Lê Văn Luyện – Huyền Giang dịch), Nxb Thế giới, H., 1998.
[41] Richard Appignanesi, Oscar Zarate – Nhập môn Freud, (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), Nxb Trẻ, TpHCM, 2006.
[42] Stephen Wilson – Sigmund Freud nhà phân tâm học thiên tài, (Hoàng Văn Sơn dịch), Nxb Trẻ, TpHCM, 2001.
[43] Gustave Lebon – Tâm lý học đám đông cùng Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi của S.Freud, (Nguyễn Xuân Khánh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), Nxb Tri thức, H., 2014.
[44] Suzuki, Erich Fromm, R.Demartino – Thiền và phân tâm học, (Nguyễn Kim Dân dịch), Nxb Thời đại, H., 2011.
[45] S.S. Averintsev – Góp phần kiến giải ý nghĩa biểu tượng của huyền thoại Ơđip, (Phạm Vĩnh Cư dịch)// Tạp chí Văn học, số 11, 2007, tr.7-23.
[46] Pierre Daco – Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học, (Phan Quang Định biên dịch), Nxb Trẻ, TpHCM, 1999.
[47] Phạm Minh Hạc – Học thuyết và tâm lý học Sigmund Freud, Nxb Giáo dục , H., 2013.
[48] Phạm Minh Lăng – Freud và Tâm phân học, Nxb Văn hóa – Thông tin, H., 2000.
[49] Đặng Phùng Quân – Triết học Áo và hai đại diện tiêu biểu của nền triết học này – Brentano và Freud// Tạp chí Triết học, số 5/2013, tr.29-37.
[50] Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phân tâm học và phân tâm học sau Freud. Sự phê phán của Alfred Adler// Tạp chí Triết học, số 4/ 2013, tr.50-54.
[51] Mai Ngọc Diệp – Freud và những luận điểm của ông chung quanh những vấn đề liên quan đến văn hóa// Tạp chí Thông tin khoa học, số 18/2005, tr.11-20.
[52] Đỗ Minh Hợp (Chủ biên) – Nhân học triết học Freud và ảnh hưởng của nó đến nhân học triết học phương tây hiện đại, Nxb Tôn giáo, H., 2014.
[53] Đỗ Minh Hợp – Địa vị triết học của phân tâm học Freud// Tạp chí Triết học, số 7/2013,tr.34-41
[54] Huyền Giang (tổng thuật) – Carl Gustav Jung và “cái vô thức”//Tạp chí Văn học, 1995, số 7, tr.41-44, số 9, tr.48-52.
[55] Nguyễn Văn Dân – Tâm phân học vô thức với việc phân tích cấu trúc tác phẩm văn học//Tạp chí Văn học, số 4/ 2003, tr.26-31.
[56] Lê Huy Bắc – Chí Phèo dưới cái nhìn phân tâm học//Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2/2007 tr.123-127.
[57] Phan Tuấn Anh – Hài hước phồn thực trong văn xuôi Việt Nam sau 1975// Tạp chí Sông Hương, số 236/2008, tr.7-17.
[58] Phan Tuấn Anh – Mỹ học tính dục và cuộc phiêu lưu giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật//Tạp chí Sông Hương, số 236/2012, tr.23-29.
[59] Nguyễn Thị Bình, Đoàn Ánh Dương – Phân tâm học trong tiểu thuyết đô thị miền Nam, trường hợp Thanh Tâm Tuyền//Tạp chí Văn học, số 2/2013, tr.54-75
[60] Lương Minh Chung – Đời sống văn hóa phồn thực như một cách tiếp cận nghệ thuật thơ Hoàng Cầm//Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 2/2009, tr.17-25.
[61] Trần Thanh Hà – Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, Nxb ĐHQG, H., 2008.
[62] Trần Thanh Hà – Một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại qua cái nhìn phân tâm học//Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3/2008, tr.158-167.
[63] Luận án bảo vệ ngày 28/12/2015, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Việt Nam.
[64] Xin xem lại phần trước, chương “Lí thuyết tiếp nhận trong khảo cứu, phê bình văn nghệ ở miền Nam Việt Nam”.
[65] Xem: Nguyễn Văn Hạnh – Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống// Tạp chí văn học, số 4, năm 1971 tr. 91-99.
[66] Nguyễn Văn Dân- Tiếp nhận Mĩ học tiếp nhận như thế nào?, Tạp chí Thông tin KHXH, số tháng 11, 1985.
[67] Xem: Nguyễn Văn Dân – Nghiên cứu sự tiếp nhận văn chương trên quan điểm liên ngành// Tạp chí văn học, số 4, tháng 7&8/1986, tr. 23-29.
[68] Nguyễn Lai – Tiếp nhận văn học – một vấn đề thời sự//Văn nghệ, số 27, Ngày 7/7/1990.
[69] Nguyễn Thanh Hùng – Trao đổi thêm về tiếp nhận văn học// Văn nghệ, số 42, Ngày 10/10/1990.
[70] Xem: Trần Đình Sử – Tiếp nhận – bình diện mới của lí luận văn học// Trần Đình Sử –Tuyển tập, T. 2, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 300 – 315.
[71] Trương Đăng Dung – Từ văn bản đến tác phẩm. Nxb KHXH, 1998.
[72] Trương Đăng Dung – Tác phẩm văn học như là quá trình. Nxb KHXH, 2004.
[73] Xem: Trần Đình Sử – Bạn đọc và tiếp nhận văn học// Sách giáo trình: Phương Lựu (Chủ biên), Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành thế Thái Bình – Lí luận văn học, T. 1. Nxb Giáo dục, 1986.
[74] Phương Lựu – Tiếp nhận văn học. Nxb Giáo dục, 1997.
[75] Huỳnh Như Phương – Lí luận văn học. Nxb ĐHQG tp. HCM, 2010.
[76] Trần Đình Sử (Chủ biên), Phan Huy Dũng, La Khắc Hòa, Lê Lưu Oanh – Giáo trình lí luận văn học (Bản chất và đặc trưng văn học. Nxb ĐHSP, H., 2004, tr. 159-187.
[77] Phương Lựu (Chủ biên), Nguyễn Nghĩa Trọng, La Khắc Hòa, Lê Lưu Oanh – Lí luận văn học (Văn học, nhà văn, bạn đọc), T.1, Nxb ĐHSP, H., 2002, tr. 324-399.
[78] Trần thị Quỳnh Nga – Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỉ XIX ở Việt Nam. Nxb Giáo dục, 2010.
[79] Xem: Trần Đình Sử – Tiếp nhận – bình diện mới của lí luận văn học// Trần Đình Sử –Tuyển tập, T. 2, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 301 – 302.
[80] Về thực trạng của mĩ học tiếp nhận và lí luận tiếp nhận văn học ở Việt Nam, có thể tham khảo: Đỗ Văn Hiểu – Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam//Tạp chí “Phát triển Khoa học và Công nghệ” tp. HCM, T.16, X. 2013, tr. 47-57.
[81] Lại Nguyên Ân – Lời dẫn// Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết ( Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến tổ chức biên soạn, Lại Nguyên Ân viết Lời dẫn). Nxb Hội nhà văn và Trung tâm Văn hóa, Ngôn ngữ Đông Tây, 2003, tr. 5.
[82] Xem: Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (Lê Huy Bắc tuyển chọn và giới thiệu). Nxb Hội nhà văn và Trung tâm Văn hóa, Ngôn ngữ Đông Tây, 2003
[83] Xem: Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (2 tập, Lộc Phương Thủy Chủ biên). Nxb Giáo dục, 2007, tr. 427 – 544.
[84] Xem: Jean-Francois Lyotard – Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu). Nxb Tri Thức, 2007.
[85] Phương Lựu – Lí thuyết văn học hậu hiện đại. Nxb ĐHSP, H., 2011.
[86] Lê Huy Bắc – Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và tiếp nhận. Nxb ĐHSP, H., 2012.
[87] Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng (Chủ biên) – Văn học hậu hiện đại – Diễn giải và tiếp nhận (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia năm 2011). Nxb Văn học, 2013.
[88] Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và thực tiễn (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia năm 2013 – Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong tuyển chọn). Nxb ĐHSP, H., 2913.
[89] Xem: 1) Lã Nguyên – Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài// Nghiên cứu văn học, số 12/2007, tr. 12-38; 2) Lã Nguyên – Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam – Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống//Báo “Nghệ thuật mới”, số 12, tháng1/2013.
[90] Xem: Phương Lựu – Lí thuyết văn học hậu hiện đại. Nxb ĐHSP, H., 2011, tr. 66 – 78.
[91] Xem: N.D. Tiupa – Tự sự học như khoa học phân tích diễn ngôn tự sự. Tver, 2001 (Tiếng Nga), tr. 6 – 11.
[92] Tự sự học – Một số vấn đề lí luận và lịch sử (Trần Đình Sử Chủ biên), Nxb ĐHSP, H., Phần I – 2007. Phần II – 2008.
[93] Xem: Harris Z. – Discourse analysis // “Language”. 1952. V. 28. № 1. P. 1-30.
[94] Xem: https://languyensp.wordpress.com/2013/03/27/cac-ly-thuyet-dien-ngon-hien-dai-kinh-nghiem-phan-loai/
[95] Xem: https://languyensp.wordpress.com/2013/09/13/tran-thuat-hoc-nhu-la-khoa-hoc-phan-tich-dien-ngon-tran-thuat-3/
[96] Xem: https://languyensp.wordpress.com/2014/03/10/phan-tich-dien-ngon-trong-li-thuyet-xa-hoi-hoc-michel-foucault-va-teun-adrianus-van-dijk/
[97] Trần Đình Sử – Bản chất xã hội, thẩm mĩ của diễn ngôn văn học// Trần Đình Sử – Trên đường biên văn học. Nxb Văn học, 2014, tr. 166-179.
[98] Trần Đình Sử – Bước ngoặt diễn ngôn và chuyển đổi hệ hình trong nghiên cứu văn học//Trần Đình Sử – Trên đường biên văn học. Nxb Văn học, 2014, tr. 180-198.
[99] Diệp Quang Ban – Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản. Nxb Giáo dục, 2009.
[100] Lã Nguyên – Nhìn lại các bước đi. Lắng nghe những tiếng nói (Về văn học đổi mới giai đoạn 1975 -1991)// Văn học Việt Nam sau 1975 : Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Nxb Giáo dục, 2006, tr. 55 – 69.
[101] Lã Nguyên – Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài// Nghiên cứu văn học, số 12/2007.
[102] Lã nguyên – Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam – Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống//Nghệ thuật mới, số 12, tháng 1/2013.
[103] Lã Nguyên – Nguyễn Tuân – Nhà văn của hình dung từ// Tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, số 30/tháng 2/2015, tr. 57 – 63.
[104] Lã Nguyên – Tố Hữu – Lá cờ đầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa// Nghiên cứu văn học. Số 4/2014, tr. 16-26
[105] Trần Văn Toàn – Nam tính hóa nữ tính – Đọc “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh từ góc nhìn giới tính//Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/nam-tinh-hoa-nu-tinh-doc-doan-tuyet-cua-nhat-linh-tu-goc-nhin-gioi-tinh/
[106] Trần Văn Toàn – Diễn ngôn về giới tính và thi pháp nhân vật (Trường hợp Dũng trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh//Nghiên cứu văn học, số 8/2013.
[107] Trần Văn Toàn – Phương Tây và sự hình thành diễn ngôn về bản sắc Việt Nam//La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (Đồng chủ biên) – Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – Kinh nghiệm phương Tây thời hiện đại. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2015, tr.52 – 68.
[108] Trần Văn Toàn – Dẫn nhập lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và nghiên cứu văn học//Nghiên cứu văn học, số 5, 2015, trang : 45-57
[109] Xem: Lã Nguyên – Thay đổi khung tri thức và mô hình kiến tạo lí thuyết là tiền đề để nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học// Nguồn:https://languyensp.wordpress.com/2013/05/31/thay-doi-khung-tri-thuc-va-mo-hinh-li-thuyet-la-tien-de-nang-cao-hieu-qua-cua-hoat-dong-nghien-cuu-phe-binh-van-hoc-6/
[110] Xem: Phương Lựu – Lí thuyết văn học hậu hiện đại. Nxb ĐHSP, H., 2011, tr. 119 – 251.
[111] Về tư tưởng khoa học và đóng góp của E. Said,G.C. Spivak, H.Bhabha, F. Jameson cho phê bình hậu thực dân, xin xem: Phương Lựu – Phê bình hậu thực dân// Phương Lựu – Lí thuyết văn học hậu hiện đại. Nxb ĐHSP, H., 2011, tr. 212-229.
[112] Xem thông tin về Hội thảo từ nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/van-xuoi-nu-trong-boi-canh-van-hoc-viet-nam-duong-dai/
[113] Trần Thiện Khanh – Kháng cự tình trạng mất tiếng nói: Tiếng nói như một thân phận và như một hành động (Báo cáo đề dẫn Tọa đàm “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại” do Viện Văn học tổ chức sáng ngày 29/11/2012)//http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/PheBinhVanHoc/View_Detail.aspx?ItemID=41.
[114] Edward Wadie Said – Phương Đông Luận (Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính). Nxb Tri thức, H., 2014.
[115] Xem: 1) Đỗ Văn Hiểu – Phê bình nghiên cứu – Khuynh hướng nghiên cứu mang tính cách tân// Tạp chí Sông Hương, số 285, tháng 11.2012; 2) Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển (Đỗ Văn Hiểu dịch)// http://phebinhvanhoc.com.vn/phe-binh-sinh-thai-coi-nguon-va-su-phat-trien-phan-1-2/
[116] Trần Đình Sử – Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay//Nguồn:https://trandinhsu.wordpress.com/2015/02/09/phe-binh-sinh-thai-tinh-than-trong-nghien-cuu-van-hoc-hien-nay/
[117] Xem: 1) Nguyễn Văn Dân – Các lí thuyết và tính khả dụng// Báo Văn nghệ, số 15/ 2014; 2) Nguyễn Văn Dân – Một số hạn chế cần khắc phục khi tiếp thu lí thuyết của nước ngoài//Nguyễn Văn Dân – Các lí thuyết nghiên cứu văn học – Ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay. Nxb KHXH, H., 2015, tr. 182-210.