Giai đoạn lịch sử tiếp nhận tư tưởng lí luận văn học nước ngoài vào Việt Nam mà tôi sẽ bàn trong bài viết là giai đoạn quá độ của thời kì “Đổi mới” ở những năm những năm 70, 80 của thế kỉ trước. M.B. Khrapchenko và G.N. Pospelov là hai trường hợp mà tôi đã quan sát để rút ra vài nhận xét bổ ích.
Giai đoạn lịch sử tiếp nhận tư tưởng lí luận văn học nước ngoài vào Việt Nam mà tôi sẽ bàn trong bài viết là giai đoạn quá độ của thời kì “Đổi mới” ở những năm những năm 70, 80 của thế kỉ trước. M.B. Khrapchenko và G.N. Pospelov là hai trường hợp mà tôi đã quan sát để rút ra vài nhận xét bổ ích.
1. Người đến rồi lại đi. Ấy là trường hợp M.B. Khrapchenko (1904 – 1986). Mikhail Borishovich Khrapchenko (1904 – 1986) là tác giả của hàng loạt chuyên luận về N.V. Gogol và L.N. Tolstoi, ví như Những linh hồn chết của Gogol (1952), Sáng tác của Gogol (1953), Lev Tolstoi như một nghệ sĩ (1963). Là nhà nghiên cứu mĩ học Mác – Lênin, ông đặc biệt nổi tiếng với những công trình Lênin về văn học (1934). Thế giới quan và sáng tác//Những vấn đề lí luận văn học (1958), Phương pháp hiện thực chủ nghĩa và cá nhân nhà văn//Những vấn đề của chủ nghĩa hiện thực (1959), Cách mạng tháng Mười và nguyên tắc sáng tác của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (1967), Các lí thuyết văn học và quá trình sáng tác (1969), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học (1970), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (1976), Chân trời của hình tượng văn học (1982).
Hồi còn Liên Xô, qua mấy đời Tổng bí thư, từ thời Stalin cho đến thời Breznhev, nhà khoa học M.B. Khrapchenko luôn đứng ở tột đỉnh danh vọng. Ông là Giáo sư, là Viện sĩ thông tấn (từ năm 1958), rồi Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (từ năm 1966). M.B. Khrapchenko còn là nhà hoạt động xã hội, hoạt động Nhà nước, nhà quản lí văn nghệ trên phạm vi toàn quốc, quyền uy bao trùm cả văn giới. Ông từng giữ các chức vụ Ủy viên Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Liên Xô.
Năm 1978, cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học của M.B. Khrapchenko được được Lê Sơn và Nguyễn Minh dịch ra tiếng Việt[1]. Năm 1985, Duy Lập dịch tiếp cuốn Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người của ông[2].
Còn nhớ, suốt hai thập niên những năm 60, 70 của thế kỉ trước, sau khi giáo trình Nguyên lí lí luận văn học của Viện sĩ L.I. Timofeev được dịch ra tiếng Việt[3], quan điểm lí thuyết của cuốn sách này trở thành “khung tri thức” của giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Tôi biết không ít giảng viên đại học từng học thuộc lòng nhiều đoạn dài trong bộ giáo trình của L.I. Timofeev. Nhưng khi hai cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học và Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người được dịch ra tiếng Việt, cái tên L.I. Timofeev nhanh chóng được thay bằng cái tên M.B. Khrapchenko. Suốt những năm 80 của thế kỉ trước, hai chuyên luận nói trên của ông trở thành tài liệu tham khỏa không thể thiếu và liên tiếp được trích dẫn trong các công trình nghiên cứu, phê bình văn học, đặc biệt, trong các luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Giới học đường của chúng ta gần như không mấy ai không đọc M.B. Khrapchenko.
Nhưng thật kì lạ, từ những năm 90, nhất là từ năm 2000, không thấy mấy ai còn nhắc tới cái tên M.B. Khrapchenko. Ở đại học, lớp già thì hình như không nhớ, đám giảng viên trẻ và sinh viên không được ai nhắc để biết tới cái tên ấy. Bản tiếng Việt hai chuyên luận của ông gần như bị bỏ quên, không thấy mấy công trình nghiên cứu còn trích dẫn nữa. Lần lượt, L.I. Timofeev, rồi M.B. Khrapchenko đến Việt Nam rồi lại đi, hình như họ đã về với “thế giới những người hiền”.
2. Cây trồng nay đã mọc. Đó là trường hợp G.N. Pospelov. Gennady Nhicolaevich Pospelov (1899 – 1992) là giảng viên đại học từ năm 1928. Năm 1938 ông trở thành Giáo sư Trường Tổng hợp Lomonoshov. Năm 1960, ông là người sáng lập ra Bộ môn lí luận văn học của trường này và làm Chủ nhiệm bộ môn suốt 17 năm, cho đến năm 1977. “Tổ trưởng Tổ chuyên môn” là chức vụ xã hội cao nhất của G.N. Pospelov. Nhiều vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ văn học của Việt Nam từng là sinh viên, nghiên cứu sinh của ông. Ông là tác giả của nhiều chuyên luận , ví như Về bản chất của nghệ thuật (1960), Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX (1962), Cái thẩm mĩ và cái nghệ thuật (1965), Những vấn đề phong cách văn học (1970), Những vấn đề phát triển lịch sử văn học (1971), Dẫn luận nghiên cứu văn hoc (1976), Lí luận văn học (1978), Nghệ thuật và mĩ học (1984). Ông còn là tác giả của hơn 400 bài báo.
Trong số những chuyên luận trên, có hai tác phẩm đã được dịch ra tiến Việt: Những vấn đề phát triển lịch sử văn học và Dẫn luận nghiên cứu văn học. Cuốn trước là công trình nghiên cứu lí thuyết. Cuốn sau là một bộ giáo trình gồm hai tập. Bộ giáo trình này do Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân và Nguyễn Nghĩa Trọng dịch năm 1985[4]. Năm 2010, Lê Lưu Oanh và Nguyễn Nghĩa Trọng dịch cuốn Những vấn đề phát triển lịch sử văn học. Do nhiều lí do, cho tới nay, cuốn sách vẫn chưa được xuất bản[5]. Nhưng đông đảo độc giả thì đã được làm quen với tác phẩm từ trước. Bởi vì một số tư tưởng cốt lõi của nó đã được Trần Đình Sử vận dụng sáng tạo và có hiệu quả trong chuyên luận nổi tiếng Thi pháp thơ Tố Hữu, xuất bản năm 1987[6] và một loạt tiểu luận viết sau đó của ông.
Trong Những vấn đề phát triển lịch sử văn học, G.N. Pospelov tập trung xác lập ba phạm trù then chốt gắn với tiến trình phát triển lịch sử văn học: cảm hứng, thể loại và chủ nghĩa hiện thực. Bàn về phạm trù nào, Pospelov cũng đưa ra những kiến giải mới mẻ, nhưng lí thuyết thể loại của ông mới thực sự là điểm độc sáng. Nền tảng của lí thuyết ấy là hai luận điểm có ý nghĩa trụ cột:
Thứ nhất: Thuộc tính loại hình làm nên cấu trúc của thể văn là nội dung, chứ không phải là hình thức. Ông gọi lí thuyết lấy cấu trúc hình thức để phân chia thể văn học là “thi pháp hình thức” và đem “thi pháp nội dung” của mình để đối lập với lí thuyết ấy. Ông viết: “Không nên nghĩ rằng thuộc tính loại hình của các tác phẩm văn học chỉ có thể là thuộc tính hình thức nghệ thuật của chúng. Những bình diện nội dung nghệ thuật khác nhau cũng lặp lại trong lịch sử”[7]. Ông phân biệt bình diện nội dung loại hình và nội dung cụ thể của tác phẩm văn học. Đề tài, chủ đề, ví như đề tài nông dân, công nhân, xây dựng, chủ đề chính trị, triết học, xã hội thuộc bình diện nội dung cụ thể, thường xuyên thay đổi cùng với sự vận động của xã hội, không liên quan gì tới đặc trưng thể loại của tác phẩm văn học. Ông gọi những bình diện nội dung nghệ thuật của tác phẩm thường xuyên lặp lại trong tiến trình lịch sử là nội dung loại hình, hay nội dung thể loại. Ông chia toàn bộ sáng tác văn học thành 4 thể, ứng với 4 loại hình nội dung: thần thoại, dân tộc – lịch sử, phong tục, tình ái.
Thứ hai: “Thể” không phải là đơn vị nhỏ của “loại”. Trong tiếng Pháp, chữ “genre” được sử dụng để chỉ mọi hiện tượng thể loại. Lí thuyết thể loại văn học của Nga vay mượn chữ “genre” để chỉ “thể”. Ngoài “genre” (“thể”), còn có “rod” (khái niệm thuần Nga:“род”) nghĩa là “loại” và “vid” (chữ thuần Nga “вид”) nghĩa là “kiểu”. “Loại” là cấu trúc trừu tượng và là mô hình lí tưởng của tác phẩm văn học. “Thể” và “kiểu” là cấu trúc lịch sử gắn liền với các hệ thống văn học. Theo quan niệm truyền thống có từ thời Aristoteles, tác phẩm văn học được chia thành ba loại: tự sự, trữ tình và kịch. Dựa vào thuộc tính hình thức của “loại”, người ta xác định các “thể”, “kiểu” và xem chúng là các biến thể của “loại”. Chẳng hạn sử thi, cổ tích, ngụ ngôn, giai thoại, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết đều là các “thể” của “tự sự”. G.N. Pospelov không tán thành quan điểm ấy. Dựa vào loại hình nội dung, ông chứng minh đầy thuyết phục, rằng tất cả các “thể” cùng hiện diện trong cùng một “loại” (ví như trong thơ trữ tình, có trữ tình dân tộc – lịch sử, trữ tình phong tục, trữ tình tình ái), ngược lại, có những giai đoạn lịch sử, tất cả các “loại” đều có thể xếp chung vào một “thể”[8] (ví như, toàn bộ tác phẩm tự sự, trữ tình và kịch trong văn học Việt nam giai đoạn 1945 – 1975 đều có thể xếp chung vào “thể” dân tộc – lịch sử).
Trần Đình Sử đã vận dụng hệ thống lí thuyết trên để phân tích thơ Tố Hữu. Trong Thi pháp thơ Tố Hữu, ông dành hẳn một chương viết về bàn về “thơ trữ tình chính trị”, về “kiểu nhà thơ” và “thể tài”[9]. Lí thuyết về “thể tài” của Pospelov còn được ông vận dụng trong nhiều tiểu luận khác khi phân tích sáng tác của một số nhà văn để khái quát qui luật vận động của văn học Việt nam sau 1975, ví như Văn học Việt Nam trong thập kỉ chuyển mình 1975 – 21985 (“Tạp chí văn học”, số 6 – 1986) , “Đáy nước” của Nguyễn Kiên - Âm vang một thời sử thi (Báo”Văn nghệ”, số 37, 1987), “Ai đã đặt tên cho dòng sông” - Bút kí sử thi của Hoàng phủ ngọc Tường (Báo “Văn nghệ”, số 7 – 1987), “Sao đổi ngôi” - tiểu thuyết thế sự của Chu Văn (Báo “Văn nghệ”, số 12 – 1986). Ngoài việc vận dụng một cách hiệu quả, phải nói tới cách dịch các thuật ngữ lí luận nước ngoài sáng tạo của Trần Đình Sử. Chẳng hạn, dùng chữ “thể tài” để dịch chữ “жанр” (“genre”), ông đã chuyển tải được quan niệm lấy đặc điểm nội dung để xác định cấu trúc thể loại của G.N. Pospelov. Hoặc dùng các chữ “sử thi”, “thế sự,” “đời tư” để dịch các khái niệm “dân tộc – lịch sử” (“национально-исторические жанры”), “mô tả phong tục” (“нравоописательные жанры”), “tình ái” (“pоманические жанры”) cũng là sự sáng tạo của dịch giả. Nhờ cách dịch sáng tạo này, các thuật ngữ của Pospelov dễ dàng “nhập tịch” vào hệ thống thuật ngữ thuần Việt, rất thuận tiện cho người sử dụng.
Có một điểm lí thú: nếu M.B. Khrapchenko giống như người đến rồi lại đi, thì lí thuyết của G.N. Pospelov giống như cái cây được Trần Đình Sử trồng xuống, này đã mọc. Quả vậy, tư tưởng về thể loại văn học của G.N. Pospelov ngày càng được tiếp nhận rộng rãi, hệ thống thuật ngữ của ông qua chuyển dẫn của Trần Đình Sử ngày càng được sử dụng phổ biến và trở thành điểm tựa lí thuyết của nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học. Một số tiểu luận của Lã Nguyên viết trong thời gian này đã vận dụng quan điểm lí thuyết của Pospelov, ví như Văn học Việt nam trong bước ngoặt chuyển mình (1988)[10], hoặc Diện mạo văn học Việt nam 1945 – 1975 (Nhìn từ góc độ thi pháp thể loại) (1995)[11]. Năm 1994, Lê Dục Tú bảo vệ luận án Tiến sĩ ngữ văn với đề tài: Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn qua ba tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo[12]. Năm 2000, Trần Thị An bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành văn học dân gian với đề tài: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam.[13] Nội dung khoa học của cả hai luận án nói trên đều được triển khai theo tinh thần lí thuyết thể loại của G.N. Pospelov. Trong nhiều sách giáo khoa, giáo trình, một số tác giả có uy tín đã dựa vào lí thuyết thể loại của G.N. Pospelov để mô tả qui luật vận động của lịch sử văn học Việt Nam từ 1945 đến nay, ví như giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, T. 3 của nguyễn Đăng Mạnh và Nguyễn Văn Long[14], hay giáo trình Văn xuôi Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Thị Bình. Trong giáo trình của Nguyễn Thị Bình, ở chương II (“Bước ngoặt của tư duy nghệ thuật về con người”) và chương III (“Xu hướng cách tân trong hệ tthể loại”), nhan đề một số tiểu mục thể hiện rất rõ tư tưởng lí thuyết của G.N. Pospelov, ví như: Từ quan niệm con người kiểu sử thi chuyển dần sang quan niệm con người thế sự, đời tư, hoặc Xu hướng nhạt dần chất sử thi, tăng dần chất tiểu thuyết[15]…
3. Lịch sử nay đã sang trang. Cần lí giải, vì sao M.B. Khrapchenco giống như người đến rồi lại đi, lí thuyết của G.N. Pospelov thành cái cây đem trồng nay đã mọc?
Như đã nói, M.B. Khrapchenko là nhà hoạt động quốc gia, nhà lãnh đạo văn nghệ toàn Liên Xô. Ở vị trí ấy, ông chỉ có thể nói tiếng nói chính thống. Mọi công trình nghiên cứu của ông dẫu sâu sắc đến đâu cũng đều là lí thuyết diễn giải kinh điển. Chức năng chủ yếu của nó là thuyết minh, làm rõ tư tưởng duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Lấy loại hình nội dung làm nền tảng cho lí thuyết thể thoại, tư tưởng khoa học của G.N. Pospelov không xung đột với tư tưởng mĩ học xô viết chính thống. Nhưng gạt đề tài và chủ đề ra ngoài phạm vi thể loại, xem nội dung cụ thể của tác phẩm là bình diện không thể dựa vào để mô tả lịch sử văn học, tư tưởng học thuật của G.N. Pospelov vượt ra ngoài phạm vi phản ánh luận của Lênin. Khái niệm nội dung thể loại của ông không phải là phạm trù khách thể thuộc đối tượng tham chiếu, mà là phạm trù thế giới quan thuộc về chủ thể nhận thức. Với ý nghĩa như thế, lí thuyết thể loại của G.N. Pospelov là hệ thống khoa học thể hiện rõ sự khám phá, phát hiện ý thức sáng tạo cá nhân. Nó không phải là lí thuyết diễn giải kinh điển, mà là khoa học sản sinh. Ở Liên Xô, vào những 60, 70 của thế kỉ trước, nó là tiếng nói ngoại biên, phi chính thống.
Có thể xem những năm 70, 89 của thế kỉ trước là giai đoạn quá độ của nền lí luận văn nghệ Việt Nam. Ở gia đoạn quá độ này, sự tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vừa trượt theo quán tính của thời kì trước, vừa tìm cách bứt phá, thoát khỏi quán tính ấy. Đây là lí do giải thích vì sao lí thuyết diễn giải kinh điển của M.B. Khrapchenko được tiếp nhận nồng nhiệt, rồi nhanh chóng bị lãng quên. Trong khi đó, hệ thống “thi pháp học nội dung” của G.N. Pospelov như một hệ thốnglí thuyết sản sinh thành cái cây được gieo trồng đã đơm hoa kết trái.
Lịch sử nay đã sang trang. Từ bỏ các lí thuyết qui phạm, ngày càng trở nên xơ cứng, giáo điều để tìm đến với các lí thuyết phi quan phương là xu hướng tiếp nhận tư tưởng văn nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Nó là xu hướng được tạo ra trong bầu khí quyển thời “Đổi mới”. Bầu khí quyển ấy tạo điều kiện thuận lợi để tư duy lí luận văn nghệ Việt Nam tiếp nhận thuyết “hình thái luận sáng tạo nghệ thuật” của Trường phái hình thức Nga, “nhân vị luận” (“personalisme”) của M.M. Bakhtin và kí hiệu học văn hóa của Iu.M. Lotman.
Đồng Bát, 29.11.2015
[1] M.B. Khrapchenko – Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, (Lê Sơn và Nguyễn Minh dịch, Trần Đình Sử hiệu đính), Nxb Tác phẩm mới, 1978
[2] M.B. Khraptrenko – Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (Duy Lập dịch). Nxb Khoa học xã hội, 1985.
[3] L.I. Timofeev – Nguyên lí lí luận văn học (2 tập. Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Hải Hà, Minh Hải, Nhữ Thành dịch). Nxb Văn hóa, H., 1962.
[4] G.N. Pospelov (Chủ biên) – Dẫn luận nghiên cứu văn học (2 tập, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Nghĩa Trọng dịch), Nxb Giáo dục, 1985
[5] Tuy chưa xuất bản, chủ yếu vì lí do bản quyền, nhưng từ lâu, cuốn sách đã trở thành tài liệu học tập của sinh viên ngữ văn và được nhiều người biết đến qua nguồn: https://lythuyetvanhoc.wordpress.com/2012/11/10/g-n-poxpelop-nhung-van-de-phat-trien-lich-su-van-hoc
[6] Trần Đình Sử - Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb “Tác phẩm mới”, H., 1987.
[7] G.N. Pospelov – Những vấn đề phát triển lịch sử văn học. M.: “Giáo dục”, 1971, tr. 11 (Tiếng Nga – Những chữ in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh – LN)
[8] Xem: G.N. Pospelov - Tlđd, tr. 152 – 251 (Tiếng Nga).
[9] Xem: Trần Đình Sử - Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb “Tác phẩm mới”, H., 1987, tr. 24-95.
[10] Lã Nguyên – Văn học Việt Nam trong bước ngoặt chuyển mình. Báo “Văn nghệ”, số 45, ngày 5.11.1988
[11] Lã Nguyên - Diện mạo văn học Việt nam 1945 – 1975 (Nhìn từ góc độ thi pháp thể loại)// 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng 8. Nxb ĐHQG hà Nội, H., 1996, tr. 207 - 216.
[12] Luận án đã được sửa chữa, bổ sung thành một chuyên luận. Xem: Lê Dục Tú - Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn qua ba tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo. Nxb Khoa học xã hội, 1997.
[13] Luận án đã được sửa chữa, bổ sung thành một chuyên luận. Xem: Trần Thị An - Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 2014.
[14] Xem: Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Long (đồng chủ biên) – Lịch sử văn học Việt Nam,
T.III. Nxb ĐHSP, H., 2002, tr. 10 -74.
[15] Xem: Nguyễn Thị Bình – Văn xuôi Việt Nam sau 1975. Nxb ĐHSP, H., 2012, tr. 43 – 76; 77 – 122.