Lý luận văn học

Phân tích diễn ngôn trong lí thuyết xã hội học: Michel Foucault và Teun Adrianus Van Dijk


15-10-2020
Tác giả: Vashili Gorelov

Trong từ điển, khái niệm diễn ngôn được định nghĩa như sau: “Một dạng giao tiếp lời nói nhằm luận bàn, biện minh cho mọi bình diện quan trọng của các hành động, ý kiến, phát ngôn của những người tham gia”. Phạm trù này được nhiều nhà lí luận xã hội học sử dụng: Jürgen Habermas, W. Goldner, Edmund Husserl…

Trong từ điển, khái niệm diễn ngôn được định nghĩa như sau: “Một dạng giao tiếp lời nói nhằm luận bàn, biện minh cho mọi bình diện quan trọng của các hành động, ý kiến, phát ngôn của những người tham gia”. Phạm trù này được nhiều nhà lí luận xã hội học sử dụng: Jürgen Habermas, W. Goldner, Edmund Husserl…

Bài viết này thử so sánh hướng tiếp cận phân tích diễn ngôn của Foucault và Dijk. Tôi lựa chọn hướng tiếp cận như vậy vì những lí do sau đây:

a) trong những công trình nghiên cứu của họ, các nguyên tắc phân tích diễn ngôn được mô tả đầy đủ nhất;

b) quan niệm của họ là những hướng tiếp cận phân tích diễn ngôn từ những phương diện trái ngược với nhau, cho nên, sẽ hết sức thú vị nếu nghiên cứu xem chúng khác nhau ở chỗ nào. Thực ra, thoạt nhìn, trong hai cách tiếp cận của hai học giả, chỉ có một yếu tố giống nhau duy nhất, ấy là đối tượng nghiên cứu trung tâm của họ, phần còn lại, chỉ tìm thấy những điểm khác nhau.

KHÁC NHAU:

+ Họ làm việc ở những cấp độ trừu tượng khác nhau;

+ Họ định nghĩa diễn ngôn từ những phương diện khác nhau:

-  Foucault: Diễn ngôn là một “thực tiễn phức tạp, mang tính phân hoá, lệ thuộc vào các luật lệ phù hợp với sự phân tích”.

Dijk: Diễn ngôn là sự “thống nhất ở hình thức ngôn ngữ của văn bản, ở ý nghĩa của văn bản, cũng như hành động phức tạp, đa diện, mà người ta có thể gọi là hành vi giao tiếp”;

+ Do những khác biệt trên, phạm vi vận dụng các quan niệm ở họ cũng khác nhau:

- Với Foucault – đó là phân tích lịch sử, thực chất đó là viết lại lịch sử từ quan điểm mới mà tác giả gọi là “khảo cổ”, phương thức viết lại là mô tả diễn ngôn như là “thực tiễn, trong sự rắn chắc và gần như là tính vật chất của nó”, phân tích các hệ thống loại bỏ của các thời đại khác nhau và các lĩnh vực đời sống, xã hội từ góc độ về sự ưu thắng của các diễn ngôn nào đó, của sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các diễn ngôn khác nhau, các dạng diễn ngôn đặc biệt (liên quan tới giàu, nghèo, buôn bán…),

- Với van Dijk: phân tích bổ trợ (ngữ dụng), nghiên cứu nội dung và cơ chế hình thành ý thức xã hội, các phương thức duy trì một hệ tư tưởng nào đó trong xã hội, tổ chức văn bản, hoạt động tri nhận của con người.

+ Hai tác giả gán cho diễn ngôn những quyền năng khác nhau:

- Với Foucault, đó là nguyên tắc cưỡng chế, là sức mạnh lớn lao của lề thói tự phát gợi dậy ở con người sự bất an, nếu không nói là sợ hãi, khiến người ta phải tạo ra liệu pháp, bằng cách này hay cách khác, hạn chế, chấn chỉnh, thuần hoá nó, “đó là cái mà vì nó, người ta chiến đấu, là cái mà người ta dùng để chiến đấu, là quyền lực mà người ta muốn sở đắc”,

- Trong sự phân tích của van Dijk, diễn ngôn gần như là nhân vật hoà giải quyền lực, có khả năng điều khiển sự sản xuất của nó, có thể ảnh hưởng tới ý thức xã hội và khẳng định hệ tư tưởng cần thiết.

GIỐNG NHAU

 I. Diễn ngôn có tính trật tự

Trong bài Trật tự diễn ngôn, Michel Foucault đưa ra giả thiết rằng, trong mọi xã hội, việc sản xuất diễn ngôn thường xuyên bị kiểm soát và chọn lọc, được tổ chức và tái phân bố nhờ sự hỗ trợ của một số lượng phép tắc nào đó, mà mục đích chung của chúng là kiềm chế sức mạnh của quyền lực, sự vô thường, “tính vật chất nguy hiểm” của diễn ngôn. Nói cách khác, nó dẫn tới sự tồn tại của một số nguyên tắc chỉnh đốn. Có thể chia các nguyên tắc này thành mấy nhóm sau:

 1. Các thể thức bên ngoài:  chức năng của chúng là hạn chế, làm chủ các sức mạnh tự phát của diễn ngôn. Loại bỏ (ngăn chặn) là ví dụ về các thể thức như vậy.

1.1. Dạng loại bỏ, ngăn chặn rõ ràng, quen thuộc nhất là ngăn cấm: mọi người đều rõ, không phải cái gì cũng có thể nói, không thể nói về chuyện gì cũng được và không phải ai cũg có thể tuỳ tiện nói về cái gì đó. Từ đây, có 3 hình thức cấm:

a) Đối tượng cấm,

b) Điển lễ hoàn cảnh,

c) Đặc quyền và quyền ngoại lệ của chủ thể nói.

1.2. Chia tách và gạt bỏ:

a) Đối lập lí trí và điên rồ. Từ thời trung đại xa xưa, người điên là kẻ có diễn ngôn không thể lưu chuyển qua diễn ngôn của người khác, tình huống của người điên hiện đại cũng chẳng khác là bao: lời của người điên được đem ra phân tích, được chú ý tựa như nó không còn xa lạ nữa, nhưng nó cũng chẳng trở nên gần gũi hơn, không được giải mã với sự hỗ trợ của “thiết bị” tri thức khổng lồ.

b) Đối lập chân lí và giả dối. Sự đối lập này được xem là con đường tiếp nhận sở nguyện đối với chân lí với tư cách là chuẩn mực phân chia. Foucault cho rằng, mỗi thời đại có sở nguyện chân lí riêng. Nó được thể chế hỗ trợ và buộc chủ thể nhận thức phải chấp nhận một quan điểm, một cái nhìn và chức năng nào đó. Ví như thời đại của chủ nghĩa thực chứng từng quy định người ta phải nghiên cứu cái gì, thế nào, nhằm mục đích gì.

2. Các thể thức bên trong: bản chất của nó là kiểm soát diễn ngôn bằng chính các diễn ngôn, chúng hoạt động với tư cách là những nguyên tắc phân loại, chỉnh đốn, phân bố. Chức năng của chúng là kiềm chế tính sự kiện và tính ngẫu nhiên của diễn ngôn.

2.1. Diễn giải (commentary). Trong xã hội bao giờ cũng có diễn ngôn gốc và diễn ngôn thứ sinh, mà diễn ngôn thứ sinh chẳng qua chỉ là sự gia công, chế biến các diễn giải diễn ngôn gốc mà thôi. Một mặt, trật tự này cho phép kiến tạo vô số diễn ngôn mới, mặt khác, nó ngăn chặn tính ngẫu nhiên bằng cách cân nhắc: các diễn giải chỉ cho phép nói một điều khác so với văn bản gốc với điều kiện là văn bản gốc được xem là cái đương nhiên.

2.2. Tác quyền. Tác giả (chứ không phải “thủ bút”, người chấp bút”) được hiểu là nguyên tắc gộp các diễn ngôn thành nhóm, là trung tâm liên kết của chúng.

2.3. Chuyên khoa. Theo phương thức tổ chức, nguyên tắc này đối lập với hai nguyên tắc trên, vì nó là hệ thống vô danh. Để nhập vào một chuyên khoa nào đó, phát ngôn cần phải:

a) Nhắm tới một loại đối tượng nào đó;

b) Sử dụng các phương tiện khái niệm và kĩ thuật nào đó;

c) Phải phù hợp với một nhãn quan lí thuyết nào đó.

Các nguyên tắc trên (tính sinh sôi của tác giả, tính vô số của diễn giải và sự triển khai của chuyên khoa) thường được xem là nguồn dự trữ sản xuất diễn ngôn, nhưng đồng thời chúng cũng là những nguyên tắc áp đặt, hạn chế.

3. Nhóm thể thức thứ 3: là thể thức đưa nhóm 1 và nhóm 2 vào hoạt động. Tức là thể thức gạn lọc các chủ thể nói: những người không đáp ứng những yêu cầu nào đó, hoặc ngay từ đầu đã không có quyền nói, thì không tham gia vào trật tự diễn ngôn.

3.1. Nghi lễ. Hình thức bề mặt, trực qua nhất của tất cả các hệ thống giới hạn nói trên quyết định trình độ chuyên nghiệp cần có đối với chủ thể nói, quyết định động tác, tư thế, hoàn cảnh và những kí hiệu còn lại cần đi kèm với diễn ngôn. Nghi lễ ấn định hiệu lực mong đợi của lời nói, sự tác động của chúng tới những ai mà chúng nhắm tới.

3.2. Các cộng đồng diễn ngôn. Chức năng của chúng là bảo tồn và sản xuất diễn ngôn, ngoài ra còn đảm bảo cho việc sử dụng chúng trong một cộng đồng khép kín. Ví dụ như cộng đồng Bà La Môn ở Ấn Độ.

3.3. Chủ thuyết. Thoạt nhìn, có vẻ như chủ thuyết bao giờ cũng kì vọng quảng bá, lôi kéo thật nhiều tập thể cá nhân đến với diễn ngôn của mình, nhưng thật ra, nó giữ một vai trò hạn hẹp nhất: qua diễn ngôn, đặt chủ thể vào tình trạng đáng ngờ (vì tà đạo, loại bỏ khỏi chủ thuyết), và ngược lại, gắn chủ thể với một dạng phát ngôn nào đó, áp đặt cấm kị với những phát ngôn nào đó. Bởi vậy, nó tạo ra sự phụ thuộc hai mặt: các chủ thể nói phụ thuộc vào diễn ngôn và các diễn ngôn phụ thuộc vào nhóm cá nhân người nói nào đó.

Tất cả những nguyên tắc điều chỉnh nói trên gắn bó với nhau, tạo thành các cấu trúc lớn theo những kiểu khác nhau, các cấu trúc này đảm bảo việc phân bố chủ thể theo các diễn ngôn và gắn các diễn ngôn với các chủ thể.

Trong bải Phân tích tin tức như là diễn ngôn, T. van Dijk chỉ ra, trong bất kì diễn ngôn nào cũng có thể nhận ra những cấu trúc nào đó. Những cấu trúc ấy có thể trình bày theo cách sau:

1. Cấu trúc cục bộ:

1.1. Ngữ pháp câu:

a) Từ pháp,

b) Cú pháp,

c) Từ vựng, ngữ nghĩa

1.2. Ngữ pháp văn bản (cấu trúc trình tự các câu).

Nếu cấp độ thứ nhất của ngữ pháp mô tả phân bố các vai trò ngữ nghĩa trong câu, thì cấp độ thứ hai cũng mô tả sự phân bố ấy, nhưng ở cấp độ văn bản, ở mối liên hệ giữa các câu mà có thể là:

a) Liên hệ ngữ nghĩa (các cấu trúc bề mặt báo hiệu về liên hệ ngữ nghĩa), mối liên hệ như vậy được van Dijk xem là thuộc tính kết nối,

b) Liên hệ chức năng (các câu trong văn bản, cũng như các từ trong câu có thể giữ những chức năng khác nhau và bổ sung cho nhau),

c) Thuộc tính gắn kết: các câu gắn kết mạch lạc, nếu sự kiện được mô tả trong đó gắn kết mạch lạc.

Nếu những thuộc tính ấy không được thể hiện, tức là văn bản không mạch lạc, thì người đọc không thể hiểu, không thể tiếp nhận văn bản.

2. Cấu trúc toàn cầu. Đây là cấp độ cao nhất, liên quan tới việc nhận thức chỉnh thể văn bản.

 2.1. Cấu trúc chủ đề vĩ mô chỉ ra rõ ràng các chủ đề hoặc đề tài cơ bản của văn bản. Sự phát hiện cho rằng, con người có thể định hình ý nghĩa của một mảng dữ liệu cực kì rộng lớn trong một số câu văn, là cơ sở để giả định, rằng từ các mệnh đề của văn bản, độc giả sẽ rút ra các mệnh đề vĩ mô (các chủ đề) bằng các chiến lược gạn lọc, khái quát và kiến tạo. Chính những chủ đề cơ bản sẽ găm lại trong trí nhớ của người đọc.

2.2. Cấu trúc sơ đồ bề mặt. Đó là hình thức dùng để tổ chức ý nghĩa chung của văn bản như một chỉnh thể. Hình thức này được tổ chức nhờ một loạt phạm trù và quy tắc quy định đặc điểm của các phạm trù tiếp nối theo nhau. Thực chất giả định này là ở chỗ, một số bộ phận của văn bản giữ chức năng thường được quy ước, ví như trong văn bản tin tức có thể có (và thường có) những phần: Dẫn nhập, gồm Nhan đề và Lời dẫn; Phần chính và Kết luận. Trong kết luận có thể trình bày phần Bình luận và Đánh giá. Phần chính cũng có thể chứa đựng những phạm trù khác nhau, ví dụ Sự kiện Cơ bản, Hệ quả, Bối cảnh… Trong việc sản xuất văn bản, quy tắc kiến tạo sơ đồ được tính đến với mục đích tiết kiệm thời gian và để trình bày sự kiện đầy đủ nhất trong khu vực nhỏ nhất của không gian văn bản. Khi tiếp nhận văn bản, độc giả dựa vào các quy tắc ấy, anh ta tiếp nhận thông tin, xuất phát từ chỗ: phần này hay phần kia của văn bản phải thực hiện chức năng gì, với mục đích tiết kiệm thời gian và nhận được bức tranh sự kiện đầy đủ nhất từ khu vực nhỏ nhất của không gian văn bản. 

3. Có những cấu trúc thâm nhập vào tất cả các cấp độ, bao gồm:

3.1. Cơ cấu theo nguyên tắc phù hợp, thực chất là thông tin chính yếu bao giờ cũng đặt ở vị trí đầu tiên;

3.2. Cấu trúc tu từ. Mục đích tu từ: mang lại sự thuyết phục lớn hơn cho phát ngôn, qua đó tạo ra ý niệm nén chặt về thông tin, ghi nhớ và tác động lớn hơn.

II. Những nguyên tắc trật tự đóng vai trò kép. M. Foucault cho rằng, những phép tắc hiệu chỉnh do ông chỉ ra được thể hiện đồng thời trong hai “tổ hợp”, hai bình diện phân tích: “tổ hợp phê bình” đụng tới đề tài về sự giới hạn, tập trung chú ý vào việc xem các diễn ngôn bị lệ thuộc, bị suy yếu và bị đưa vào trật tự như thế nào; “tổ hợp phả hệ” nghiên cứu việc các loạt diễn ngôn khác nhau được hình thành và phát triển thế nào, khi chúng thông qua, dựa vào cùng một hệ thống chế tài như thế. Bởi vậy, vai trò của các nguyên tắc chỉnh sử có thể xem xét từ hai phía, cả tích cực (kiến tạo), lẫn tiêu cực (hạn chế).

Từ quan điểm của T.van Dijk, trong đời sống hiện thực, việc xử lí và phân tích diễn ngôn diễn ra đồng thời ở tất cả các cấp độ, mỗi cấp độ như thế có thể được sử dụng một cách có chiến lược để khai thác một khối lượng thông tin tối đa. Vì thế, sự hiệu chỉnh cho phép phân chia sự chú ý và tự động chiếm lĩnh thông tin ở những cấp độ khác nhau, bởi vì sự hiệu chỉnh mang tính quy ước, hoặc, tối thiểu, ai cũng biết, và độc giả biết (hoặc cảm thấy) một cách chính xác cái gì nằm ở cấp độ nào, nhờ đó nó cho phép người ta hiểu nội dung, ý nghĩa của diễn ngôn một cách đầy đủ và chính xác nhất. Đồng thời, mọi người (thường là các nhóm người) giữ vai trò kiểm soát việc sản xuất diễn ngôn cũng nằm trong vòng xoáy của công việc: dù cố ý hay vô tình, họ sử dụng từng cấp độ để sắp đặt các trọng tâm họ cần thiết, xác định vai trò, nói gọn hơn, tái tạo hệ tư tưởng của mình và buộc độc giả tiếp nhận – thụ cảm nó. Sử dụng thuật ngữ của Jürgen Habermas, có thể kết luận, tính cấu trúc của diễn ngôn vừa là nguyên tắc tạo điều kiện thoả mãn nhu cầu khai phóng (thông qua sự hiểu biết tốt hơn), vừa là nguyên tắc buộc tiếp tục phục tùng quyền lực.

III. Trật tự diễn ngôn mang tính nhân tạo. Không ai nghi ngờ luận điểm của Foucault, theo đó tất cả phép tắc do con người tạo ra mà ông đã mô tả đều nhằm vãn hồi trật tự, hạn chế diễn ngôn không thể kiểm soát, tự phát, buộc ngay từ đầu phải phục tùng các luật lệ của nó.

Van Dijk chỉ ra, không phải ngay từ đầu mọi cấu trúc đã thuộc đặc trưng của văn bản, các cấu trúc ấy được con người gán cho văn bản khi sản xuất, cũng như khi tiếp nhận văn bản. Các chủ đề, các điểm sơ đồ, cũng như bất kì ý nghĩa nào khác đều là những đơn vị phản ánh sự hiểu biết đối với văn bản.

 IV. Diễn ngôn là nguyên tắc cấu trúc, có vòng tròn khép kín giữa hai quá trình: diễn ngôn cấu trúc hoá hiện thực và hoàn cảnh hiện thực cấu trúc hoá diễn ngôn. Người ta thường xếp Foucault vào đội ngũ các nhà cấu trúc luận, và, tuy ông thường chống lại cách sắp xếp như thế, nhất là ở giai đoạn hoạt động cuối đời của ông, nhưng ở giai đoạn đầu (“Lời nói và sự vật”) quả là ông là nhà cấu trúc luận. Trong Sự xuất hiện của ngành lâm sàng (Naissance de la Clinique), ông đã thay khái niệm “cấu trúc” bằng khái niệm “diễn ngôn”, điều này được thể hiện ở những thay đổi văn bản khi tái bản các công trình: 1963: “Ở đây, chúng tôi muốn tiến hành phân tích cấu trúc của cái được biểu đạt nào đó – cụ thể là thực nghiệm y học – ở một thời đại nào đó”. Đến năm 1972: “Chúng tôi dự định sẽ tiến hành phân tích ở đây một dạng diễn ngôn nào đó – mà cụ thể là phân tích y học – trong một thời đại nào đó…”. Bởi vậy, ở giai đoạn thứ hai, diễn ngôn giữ vị trí nền móng của xã hội, nó điều khiển hành vi của tất cả những ai bị cuốn vào đó, nó hình thành những điều kiện khách quan. Trong Lịch sử trừng phạt, xuất hiện một bình diện phân tích mới, có một vấn đề được thừa nhận, rằng bản thân diễn ngôn được hình thành bởi hoàn cảnh hiện thực tồn tại của nó.

Mục đích phân tích diễn ngôn của T.van Dijk là phát hiện mối liên hệ giữa diễn ngôn, ở phía này, với bối cảnh xã hội, ở phía khác. Qua ví dụ về diễn ngôn tin tức, ta có thể chỉ ra bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội dẫn tới sự hình thành các điều kiện hoạt động đời sống của nhóm người, ví như phóng viên, hoặc chủ sở hữu các xuất bản phẩm. Khi sáng tạo ra các văn bản tin tức, họ sử dụng các mô hình, các sơ đồ được định hình như là kết quả kinh nghiệm thường nhật mà họ rút ra từ hoàn cảnh của họ. Khi tiếp nhận văn bản tin tức, độc giả quán triệt ý nghĩa và định hướng do giới phóng viên tạo dựng, ý thức và tư cáh của họ sẽ được hình thành, những điều kiện hoạt động đời sống nào đó sẽ được duy trì…

Kết luận. Sau khi khảo sát quan điểm phân tích diễn ngôn của M. Foucault và  T.van Dijk, có thể rút ra kết luận, mặc dù có nhiều điểm khác biệt, giữa họ có những điểm chung như sau:

+ Diễn ngôn là một trật tự;

+ Vai trò của các nguyên tắc giữ trật tự rất đa dạng;

+ Diễn ngôn và hiện thực xã hội quyết định qua lại lẫn nhau.

Hướng tiếp cận của van Dijk có thể sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu thực nghiệm cụ thể ý thức đại chúng và các hình thức tổ chức văn bản trong xã hội, trong việc nghiên cứu các khuôn mẫu sắc tộc và các cơ chế duy trì chúng.

Hướng tiếp cận của Foucault mang tính lịch sử nhiều hơn và có thể vận dụng vào các công trình nghiên cứu lí thuyết.

DANH SÁCH TÀI LIỆU ĐÃ SỬ DỤNG

1. T.A. van Dijk.- Ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp.- M., 1989.

2. Van Dijk. The Interdisciplinary Study of News as Discourse/ A Handbook of

Qualitative Methodologies for Mass Communication Research/ Ed. by Jensen K.B., Jankowski, H.P., p. 108 – 119.

3. M. Foucault.- Tham vọng chân lí: bên kia tri thức, quyền lực và tính dục.- М.: Каstal, 1996.

A.F. Filippov,  V.N. Fomina.- Diễn ngôn// Xã hội học phương Tây hiện đại: từ điển.- M.: Nhxb Chính trị, 1990. Tr. 86-87.

——————————-

Người dịch: Lã Nguyên

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020