Lý luận văn học

Tự do để mơ


15-10-2020
Tác giả: J.M.G Le Clézio

“Tự do để mơ” là bài thuyết trình của J.M.G Le Clézio (Giải Nobel văn học 2008) trong buổi seminar về nhà thơ Pháp Lautréamont tại Đại học Oklahoma, ngày 18-2-1997. Tôi đã cố gắng dịch bài viết này sang tiếng Việt bởi sự thôi thúc từ những cảm xúc sau khi đọc tập truyện “Những nẻo đường đời và những bài tình ca khác” của ông (bản dịch của Hồ Thanh Vân). Những chuyện kể đầy chất thơ, u buồn mà trong sáng, đời thường xen lẫn với huyền thoại cho tôi có được một thứ mà khá lâu rồi tôi ít bắt gặp từ những gì đọc được: cảm xúc nhân hậu.

“Tự  do để mơ” là bài thuyết trình của J.M.G Le Clézio (Giải Nobel văn học 2008) trong buổi  seminar về nhà thơ Pháp Lautréamont tại Đại học Oklahoma, ngày 18-2-1997. Tôi đã cố gắng dịch bài viết này sang tiếng Việt bởi sự thôi thúc từ những cảm xúc sau khi đọc tập truyện “Những nẻo đường đời và những bài tình ca khác” của ông (bản dịch của Hồ Thanh Vân). Những chuyện kể đầy chất thơ, u buồn mà trong sáng, đời thường xen lẫn với huyền thoại cho tôi có được một thứ  mà khá lâu rồi tôi ít bắt gặp từ những gì đọc được: cảm xúc nhân hậu.

*

Chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện lần này xung quanh khoảng thời gian năm 1867, khi chàng thanh niên Isidore Ducasse – khi ấy hãy còn chưa trở thành Bá tước de Lautréamont – chuyển đến căn phòng đã có sẵn đồ đạc nằm bên bờ phía Bắc sông Seine và năm 1868, khi chàng trao bản thảo “Khúc ca đầu tiên” của thi phẩm Les Chants de Maldoror (Những khúc ca của Maldoror) cho nhà xuất bản Balitout. Hành động này, có lẽ là một trong những hành động quan trọng nhất của văn học và tư tưởng hiện đại, đã mở ra một câu chuyện sử thi về những giấc mơ và kết thúc bằng cái chết và sự quên lãng. Trên thực tế, trong khoảng thời gian từ 1868 đến ngày 24-11-1870, khi chàng thi sĩ trẻ qua đời ở tuổi 24 trong cô độc và bị ruồng bỏ giữa giá lạnh mùa đông Paris, câu chuyện này đã mở ra một trong những giấc mơ cháy bỏng nhất và cũng bất an nhất mà thơ ca từng biết đến – một giấc mơ đã thổi bùng lên ngọn lửa thiêu rụi cả chính kẻ nằm mơ, trong sự im lặng và lãnh đạm của những người xung quanh chàng, một giấc mơ mà sóng từ trường của nó sẽ không tác động đến những người đương thời với chàng mà phải đợi đến mãi sau này, nó gợi ta liên tưởng đến một vì sao, giữa bạt ngàn các vì sao, mà vụ nổ thầm lặng để hình thành nó dường như còn đi trước cả thời gian.

Tự do của những giấc mơ: nghe như nghịch lý, bởi những giấc mơ là hình thức biểu hiện tự do nhất của đời sống. Song chính thứ tự do này lại đáng sợ, vì nó là mối đe dọa đối với lý trí và trật tự đạo đức – đấy cũng là lý do tại sao những cấm kỵ, kiểm duyệt và khuôn phép xã hội từ lâu đã không ngừng tìm cách để che đậy hay trấn áp nó. Những giấc mơ là tự do, nhưng chúng lại bị khóa chặt trong nhà ngục của sự câm lặng, bị ném vào hầm tù của ký ức. Những giấc mơ là ngọn lửa bị giấu kín mà con người phải tìm cách lấy lại để phát lộ phía khác của bản ngã chính mình, để đạt đến một sự tự do đích thực.

Trong bầu không khí lạnh nhạt và đạo đức giả của châu Âu thế kỷ XIX, sự hy sinh của Lautréamont là một cái gì đó thực sự nghiệt ngã và gây tuyệt vọng, nhưng điều đó cũng cho phép chúng ta nhìn ra được lỗi lầm đã làm tha hóa tinh thần của các xã hội văn minh ngay khi Thời đại Công nghiệp mới chớm bắt đầu. Bằng sự vô tâm, quên lãng của mình, toàn bộ xã hội tư sản thế kỷ XIX đã ném Lautréamont về một thế giới khác, theo cả hai nghĩa của khái niệm này: nó trả chàng về thế giới nơi chàng đã được sinh ra – Montevideo, lãnh thổ bên ngoài nước Pháp, mộ địa của những kẻ bị trục xuất; nhưng đồng thời nó cũng ném chàng trở về một thế giới có trước văn minh, một thế giới nguyên thủy, bạo liệt, huyền bí, nơi mà chủ nghĩa duy lý cũng như triều đình của các ông chủ ngân hàng không thể đặt niềm tin. Nó ném trả chàng về với những giấc mơ, có nghĩa là, về phía quá khứ thẳm sâu nhất của loài người.

Thực chất, đó chính cuộc hồi hương về chính cội nguồn của chúng ta. Sự tự do để mơ, và để sống trọn những giấc mơ đời người, đưa chúng ta trở về một thế giới khác, của các xã hội tiền sử (hiểu theo nghĩa của Lévi-Strauss về khái niệm). Chẳng hạn, trong các xã hội của người da đỏ ở Tân thế giới, cấu trúc xã hội, trong phần lớn các trường hợp, là cấu trúc của một “nền dân chủ lỏng lẻo”, được hình thành trên cơ sở của sự công bằng và sự tự đủ của gia đình, nơi từng cá nhân có thể cùng lúc là chiến binh, thầy tế, thấy thuốc, nghệ sĩ hay người hùng biện. Các xã hội của người da đỏ ở Băc Mỹ (bộ lạc người Iroquois, Sioux, Comanches, Apaches), ở  những khu rừng cận nhiệt đới (các bộ lạc ở Carib, Tupinamba và Amazonia) và ở Nam Mỹ (người da đỏ Araucan sống trên những cánh đồng hoang) đều chứng thực cho sự tổng hòa trọn vẹn này của con người, điều dường như có trước những sự chuyên biệt hóa trong các tổ chức xã hội có sự tôn ti và thiên về tính ổn định (người Mexica, Maya, Quechua). Nhưng tầm quan trọng của sự tổng hòa trọn vẹn này của con người còn thể hiện rõ nét thậm chí ngay ở những xã hội đạt đến trình độ tổ chức cao hơn cả. Nghi lễ tôn giáo của người da đỏ châu Mỹ đều thể hiện những ảnh hưởng này – sự huyền bí, các khái niệm về thời gian quy hồi và mang tính chu kỳ, khả năng con người đồng nhất với thần linh – mà theo một nghĩa nào đó, những ảnh hưởng này đã hình thành nền tảng của một thứ triết học “hoang dã”, thứ mà những người châu Âu chinh phục lục địa này sẽ cố gắng phá hủy (và họ đã thành công).

Chính từ những giấc mơ, những nền văn minh nguyên thủy của châu Mỹ đã hình thành nên những kiến giải của mình về sự hiện sinh. Đối với người Mexica cổ đại, cũng như người Tupi-Guaranis hay người Quechua, giấc mơ là hành trình của linh hồn bên ngoài thân xác, cho phép con người liên lạc với thế giới bên kia và tri thức tương lai. Các quốc gia của người Mexica, Purecha, Carib và Quechua bị quấy rối bởi các giấc mơ (hay các điềm mộng) đến nỗi họ không thể tìm được sức mạnh để kháng cự lại những kẻ xâm lược đến từ phương Đông mà việc họ xuất hiện đã được báo trước trong các điềm mộng. Khi những người Tây Ban Nha đặt chân đến Mexico, những điềm báo được nhân bội: hình ảnh của cái chết, của những người bị xiềng xích, những hồ máu, sao chổi và hàng bầy côn trùng. Trong bộ sách Chilam Bilam của người Maya Yucatec hay trong những câu chuyện về các vị thần linh hiện thân trên núi Xanoata Hucatzio được kể lại trong sách Relación de Michoacán, những giấc mơ xa xưa nhất đều kết hợp với những lời tiên tri gặp gỡ với hiện thực, nhưng rồi cái hiện thực ấy chỉ dẫn đến sự hủy hoại những con người mơ.

Những nhà văn Tây Ban Nha đầu tiên đã nắm bắt được cái khoảnh khắc cuối cùng của cái xã hội của những người mơ mộng, thể hiện trong những nghi lễ, những điệu vũ và hình thức hiến tế lạ lùng của họ. Relación de Michoacán, cuốn biên niên sử của người da đỏ Purepecha, cho ta thấy cả một cộng đồng hoàn toàn sống theo những điềm báo và giấc mơ của mình. Quyền lực của các ông vua và số phận của họ phụ thuộc vào những giấc mơ của họ, trong đó, những vị thần tối thượng (Curicaueri, thần lửa, Xaratanga, nữ thần mặt trăng) hiện ra trước mặt họ và trở thành liên minh. Cha Bernandino de Sahagún mô tả lại: trong những lễ hội tàn nhẫn và đẫm máu của người Aztec, có cả sự hóa thân một cách bí ẩn của các vị thần và họ cùng múa nhảy giữa mọi người, như trong lễ hội ixnextiua: “Họ tin rằng trong lễ hội, tất cả thần linh đều múa nhảy, do đó, tất cả dân bản địa, những người tham gia múa nhảy, đều phải khoác lên mình những bộ trang phục khác thường rất đa dạng, có người thì hóa trang thành chim, người khác thành thú, một số thì thể hiện mình như là loài chim ruồi trong khi một số khác thì khoác bộ cánh giống như loài bướm, có người thì ăn mặc trông giống như loài ong mật đực trong khi có người giống như ruồi và người khác thì lại giống như bọ cánh cứng; có người thì cõng trên lưng một người đang ngủ mà họ bảo, người đó tượng trưng cho giấc ngủ.”

Cái xã hội huyền bí ấy, cái xã hội của những cơn mơ và điềm báo, sẽ bị phá hủy bởi văn minh phương Tây dưới cái tên chủ nghĩa duy lý. Đối với những người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha xâm chiếm thuộc địa, và sau này là người Anglo-Saxon, người Pháp, những xã hội được tổ chức theo cái huyền bí này bị xem là lỗi thời. Chúng nhất thiết phải được chuyển hóa, phải bị ràng buộc với cái hiện thực, bị hợp nhất vào những cơ sở hợp lý của khả năng sản xuất và quan hệ nhân quả mà từ những cơ sở ấy,  thế giới hiện đại được xây dựng lên. Đây cũng sẽ là vai trò của nhà thờ Thiên Chúa giáo: nhà thờ đã chia sẻ cùng đạo quân xâm lược thuộc địa những ảo ảnh hàng thiên niên kỷ của mình cùng cái ý chí muốn phá hủy những khái niệm tôn giáo và triết học đối lập với nó.

Như ta đã biết, đối với trí tuệ thời kỳ Phục hưng, niềm tin vào sự huyền bí và những giấc mơ bị xem là phi lý, phi logic. Được xây dựng trên nền tảng của khoa học, trên cơ sở sự quan sát, thứ chủ nghĩa nhân văn mới hình thành chỉ có thể kết án những khía cạnh mờ tối của tâm hồn con người, bởi những tư tưởng mới xuất hiện thực chất là phản ứng đối với những niềm tin và sự mê tín ở thời kỳ Trung cổ. Để khẳng định “con người” mới này, cần thiết phải giết chết con người cũ, vốn sống trong những giấc mơ và huyễn tưởng.

Thời đại mới cũng là thời đại của những quyền lực tuyệt đối: vua Charles V, Francis I và Henry VIII, mỗi vị đại diện cho sự tối cao của quyền lực thực sự, của một sức mạnh được vũ trang và của những triều đình mang bản chất thương gia. Tuy nhiên điều lý thú là: chính thời kỳ này, thời kỳ mà những quyền lực chính trị được đẩy đến cực điểm – quyền lực vô biên của vàng, bạc; những đội tàu của người Tây Ban Nha; Thánh chế La Mã; thế giới bị phân chia giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; sự khai sinh đế chế Anh quốc; sự phát đạt của việc buôn bán nô lệ, công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ – cũng là thời kỳ mà không gian của sự hồ nghi, những giấc mơ, sự bí nhiệm lại trở nên rộng lớn nhất, phức tạp nhất. Tại Pháp, những phiên tòa lớn nhất kết tội các phù thủy, ở Louvain và Pau, đã diễn ra trước hết dưới triều vua Louis XIII, sau đó là triều vua Louis XIV. Thời kỳ đỉnh cao của Tây Ban Nha thực chất tương ứng với thời kỳ Baroque, cũng là thời kỳ của sự hồ nghi, tra vấn.

Những giấc mơ của thời Baroque là sự tra vấn hiện thực, quyền lực, tiền bạc và đánh dấu sự xuất hiện của một triết lý tương đối luận nào đó (như giờ đây, trong một thời đại Baroque mới – thời đại của chính chúng ta, có thể nói vậy). Thời gian, giá trị, ái tình, những điều thiện, những hoan lạc của đời sống chúng ta chỉ là phù du. Có ai lại không nhớ đến những câu thơ huyền nhiệm của Francisco de Quevedo: “Ngày hôm qua đã qua; ngày mai thì chưa tới;/ Ngày hôm nay cứ trôi đi mà không dừng lại dù chỉ một khoảnh khắc; Tôi là cái tôi đã là và cái tôi sẽ là và một cái tôi đang là mỏi mệt”.

 Hay những dòng văn bí ẩn và xúc động của Luis de Góngora

Dẫu để ganh đua với mái tóc em, vàng đã phải đánh bóng mình dưới ánh mặt trời trong vô vọng; dẫu, với sự kiêu kỳ, giữa cánh đồng bao la, em nhíu mày nhìn bông huệ trắng; dẫu bờ môi em hút sự thèm khát của nhiều cặp mắt hơn những bông cẩm chướng hé nở buổi ban mai; và dẫu cổ em nuột nà, thanh tú hơn cả pha lê: thì  em ơi, hãy cứ hân hoan đi, này cổ, này tóc, này môi, này mắt, này mày trước khi tuổi trẻ vàng son của em, khi bông hoa huệ, hoa cẩm chướng, ánh pha lê biến thành bạc hay thành một cành violet nhầu nhĩ; hãy cứ vui sướng đi trước khi em và tất cả những thứ trên hóa thành đất đai, cát bụi, sương khói, thành chiếc bóng, thành hư vô.

Baroque không đơn thuần chỉ là một phương thức văn chương hay một trường phái. Nó là một thứ triết học, một khuynh hướng tự nhiên của con người, là sự biểu hiện phần u uẩn trong con người, của những giấc mơ, những âu lo nơi anh ta. Trước những bài thơ của Gongora, Quevedo, trước cả La vida es sueno gần một trăm năm, khi thế giới Aztec đang sắp sửa biến mất, Netzahuacoyotl vĩ đại, thủ lĩnh người Acolhua từ Tetzoco, cũng đã hát lên những khúc bi ca và thán ca tương tự, mà ta sẽ tìm thấy sự đồng điệu của chúng với thơ ca lãng mạn Anh và sáng tác của Novalis sau này. Ở đây, người ta cũng tìm thấy những đề tài về sự mong manh của hạnh phúc, thời gian, vẻ đẹp của tuổi thanh xuân, cái chết, sự hủy diệt, sự trống rỗng chung cuộc.

Hãy mặc những bông hoa lên người

Trong những bông hoa có màu của mặt hồ lấp lánh

Như mặt trời

Những bông hoa của loài quạ

Hãy đứng trên mặt đất này, tự điểm trang cho mình

Chỉ ở đây thôi

Chỉ trong thoáng phút giây qua

Những bông hoa, chỉ một chút thôi

Chúng ta đã chuẩn bị mang chúng đi

Về quê của thượng đế

Cõi phi thân xác

Baroque không khẳng định điều gì khác ngoài cái quyền được mơ; nó chẳng nói gì ngoài sự ràng buộc trước đây của con người với cái siêu nhiên – đấy chính là lý do vì sao cái quyền ấy lại được xem là lực chi phối nền văn minh.

Chính ở thời đại chủ nghĩa duy lý lên ngôi – thời kỳ chủ nghĩa cổ điển – những giấc mơ phát lộ quyền năng của mình. Triết học Descartes cũng có cái bóng của nó, mà những giấc mơ của Descartes và khoảnh khắc bừng ngộ của Pascal có thể làm chứng. Những trang viết về cái phi duy lý cực kỳ dồi dào ngay trong những năm mà bộ Bách khoa toàn thư được biên soạn. Ta có thể dẫn ra ở đây không chỉ những trước tác của Saint-Martin và Swedenborg mà còn cả những truyện kỳ ảo ở giai đoạn này: Jacques Cazotte với tác phẩm Diable amoureux, những bản dịch Ngàn lẻ một đêm, tiểu thuyết Gothic Anh của Beckford và Lewis, tiểu thuyết Gothic Đức của Tieck, và đôi khi là những truyện kể phi lý, thường xuyên gây rối trí trong tuyển tập truyện thần tiên nổi tiếng Cabinet des Fées, được xuất bản ở Amsterdam cuối thế kỷ XVIII.

Là con đẻ của thời kỳ chiến tranh châu Âu và cuộc phiêu lưu của Napoleon, chủ nghĩa lãng mạn cũng mơ về một xã hội khác. Làn sóng thứ hai của chủ nghĩa lãng mạn (làn sóng sẽ nuôi dưỡng tâm hồn của chàng thanh niên Isidore Ducasse) là thời kỳ ra đời của các đế chế công nghiệp vĩ đại, các nền cai trị thực dân, các ngân hàng và cùng lúc là thời đại của những giấc mơ, của sự quay về nguồn cội, sự phục sinh cái huyền nhiệm và chủ nghĩa thần bí. Nếu hầu hết các giấc mơ, như Vladimir Propp lưu ý trong luận văn của ông nghiên cứu về cội nguồn của truyện cổ tích Nga, đều có sự gắn bó với các tổ chức bộ lạc hay thần quyền của các xã hội loài người – thí dụ, con rồng là biểu tượng của sự chuyên chế, chuyên quyền – thì sự tưởng tượng của văn học kỳ ảo thể hiện một yêu cầu, một cuộc đấu tranh cho sự tự do để mơ.

Thời đại lãng mạn cũng là thời đại lên ngôi của thuyết về Đấng cứu thế, ở châu Mỹ, châu Đại dương, châu Phi. “Sóng từ trường của giấc mơ”, như Paul Eluard sau này gọi tên, lan rộng trên toàn thế giới, đưa những người dân bị thống trị đối chọi với những ông chủ của thời đại công nghiệp. Ở Bắc Mỹ, những người mơ da đỏ – người Sioux, Arapaho, Apache – đã dẫn những quốc gia man dã cuối cùng vào cuộc chiến tổng lực chống lại những người châu Âu xâm lược, những kẻ có phương tiện vũ khí hiệu lực hơn hết thảy: tiền. Những giấc mơ nhảy múa, những hồn ma nhảy múa, những hình ảnh, những mộng mị đặt những người dân thuộc thế giới nguyên thủy vào thế đối chọi với thế giới hiện đại và đưa họ đến một kết cục duy nhất có thể có: cái chết. Đó là ví dụ về một sự đương đầu toàn diện giữa những ý niệm của thế giới hiện đại –  thuyết vị lợi, logic, thuyết quyết định luận – và những niềm tin trước đấy vào ma thuật và thế giới bên kia. Giấc mơ là cuộc khởi nghĩa nhằm đến một thứ tự do mới, tự do của cá nhân chống lại những cấm kỵ của luân lý ở thời kỳ cổ điển, chống lại trật tự logic; đó là phương tiện để con người tiệm cận một nhận thức mới về tồn tại – chính là cái trạng thái tổng hòa vốn là giá trị quan trọng nhất ở các xã hội nguyên thủy. Ý nghĩa sâu xa của hành động truy cầu của Lautréamont chính là ở chỗ ông đã khuấy động cuộc nổi dậy của những giấc mơ.

Sau Lautréamont và Nerval, các nhà siêu thực cũng bảo vệ cho quyền được mơ; sự tự do để mơ khó có thể nào được xem như một thứ tự do nhẹ nhàng. Đối với các nhà siêu thực, những giấc mơ còn hơn cả một đề tài thơ ca hay một phương thức lấy cảm hứng. Nó là vấn đề về một kinh nghiệm tổng hòa, vừa thuộc bình diện thể chất, vừa mang tính chất siêu hình, mà từ đó, con người sẽ hiện lên thật khác biệt, sẽ được biến đổi. Chính vì lý do này, họ đã nói đến một “cuộc cách mạng siêu thực”.

Vì thế, vấn đề gây tranh cãi nhất bây giờ là sự đảo ngược hoàn toàn các giá trị (một ý hướng được sinh ra từ chủ nghĩa hư vô và sự phi lý của những cuộc chiến chết chóc, man rợ nhất mà con người từng biến đến). Như Andre Breton đã phát biểu trong Tuyên ngôn siêu thực thứ nhất (1924):

“Bắt trí tưởng tượng trở thành nô lệ – cho dù điều này đồng thời có nghĩa là loại bỏ đi cái thường được gọi là hạnh phúc – có nghĩa là phản bội tất cả cảm quan về sự công bằng tuyệt đối bên trong con người. Chỉ mình trí tưởng tượng mới có thể đem lại cho tôi một gợi ý nào đó về cái có thể là, và điều này đủ để vứt bỏ được, ở một mức độ nhẹ nhàng, những huấn thị khủng khiếp; cũng đủ để cho phép tôi dâng mình cho nó mà không sợ hãi phạm sai lầm (cứ như thế làm vậy thì sẽ phạm phải sai lầm còn lớn hơn nữa). Từ đâu mà tình trạng này lại trở nên tồi tệ; từ đâu mà tinh thần mất đi sự kiên định của nó? Đối với tinh thần, chẳng lẽ cái khả năng phạm lỗi lại còn không ý nghĩa bằng sự tùy tiện của những cái đúng?”

Sự tự do của con người để kiếm tìm và bộc lộ bản thân mình qua những hình ảnh và giấc mơ đã hàm ý rằng đó là những mối nguy đối với các giới hạn và vì thế, các nhà duy lý, các tổ chức theo thuyết tiến bộ của thế giới hiện đại, từ phong trào cải cách ở châu Âu thế kỷ XVI trở đi, đã không thể cho phép nó được tồn tại. Con người – “kẻ mơ mộng cuối cùng”, nói như Breton, hay “kẻ mộng mơ ở độ tuổi dậy thì” như chữ của Lautréamont, trở thành nạn nhân bởi chính kẻ sáng tạo nên mình – buộc phải chọn lựa cho mình con đường để bộc lộ mình, phải chọn lựa phương tiện để đạt đến tự do của mình. Để trải nghệm thứ kinh nghiệm tột cùng này, có khi con người phải đánh đổi cả sinh mệnh của mình, như thi sĩ Roger Gilbert-Lecomte, người sáng lập phong trào “Le Grand Jeu”; như Nerval hay như Antonin Artaud, người theo truyền thống của Van Gogh, đi đến “tự sát bởi xã hội”.

Chắc chắn, một trong những nhà tiên tri cuối cùng của thế giới hiện đại, Antonin Artaud, thi sĩ-đạo sĩ trác việt, đã đẩy những truy vấn nội tâm của mình đến bờ vực của sự điên rồ khi viết: “Trong khi những người khác trình bày tác phẩm của họ, tôi không biết làm gì hơn là thể hiện tinh thần của mình/Đời là những câu hỏi khắc khoải, nung nấu/Tôi không thể hình dung được tác phẩm lại tách rời cuộc đời/Tôi không thích những sáng tạo tách biệt. Cũng như không thể tưởng tượng được trạng thái biệt lập của tinh thần. Mỗi tác phẩm của tôi, mỗi biểu đồ của tôi đều được tượng hình từ những giọt nước rỉ ra từ khối băng giá của tâm hồn tôi cô độc”. Artaud đã diễn tả trạng thái tổng hòa của cái kinh nghiệm hiện sinh này – mà bằng kinh nghiệm ấy, con người là kẻ tiếp nhận những lực huyền bí và phi thực – qua những câu thơ: “Những niềm vui và những cơn giận dữ, cả bầu trời/trùm lên chúng ta như một đám mây/Một cơn lốc của những đôi cánh hoang dã/đập ào ào cùng với những tiếng kêu tục tĩu.” Sự tự do cháy bỏng, sự tự do mang tính khiêu khích ấy đã dẫn thẳng Artaud đến Mexico, đến xứ sở của những người da đỏ Tarahumara, nơi ông kiếm tìm Ngọn núi của những ký hiệu, gốc rễ của chủng tộc, và niềm đồng cảm trọn vẹn, say sưa đến choáng ngợp với đấng sáng tạo. Sau này, trong sự cô độc của bệnh điên, sự tự do vẫn còn đẩy ông đi xa hơn, đến dưỡng trí viện ở Rodez.

Đòi hỏi nhiều sự chịu đựng, thống khổ, đau đớn, thứ tự do để mơ này có một phẩm chất gì đó mang tính huyền thoại. Một cảnh tượng huyền thoại katabasis[1] vụt hiện ra: từ nỗi tò mò, từ tình yêu hay từ niềm say mê cái không biết vốn là số phận của ai đó, người anh hùng của loài người đã tìm đường xuống cõi âm ti, bất chấp hiểm nguy, cấm kỵ, vượt qua những cánh cổng tử thần. Phần lớn những anh hùng thời cổ đại đều đã thực hiện cuộc hành trình này: Gigalmesh khổng lồ, tìm kiếm bông hoa bất tử; Orpheus, vì tình yêu dành cho Eurydice; Quetzalcóat, thần Tula, người đã bị đối thủ thần thánh của mình, Tezcatlipoca, bắt làm vật tế thần để rồi lại được tái sinh vào cuối mỗi thế kỷ trong hình ảnh của một ngôi sao buổi sớm. Khoảnh khắc xuất thần của các shaman hay nhãn quan của các nhà tiên tri đều không có mục đích nào khác hơn là một lần nữa lại dấn mình vào cuộc hành trình mang tính chất thụ giáo về bên kia cái chết này. Các thi sĩ và các nhà thiên tri sau họ đều cố gắng tìm cho được điểm gặp gỡ giữa hai sự thật của con người: sự thật của đời sống và sự thật của cái chết. Con người nguyên thủy, hay nói theo thuật ngữ của Lévi-Strauss, “con người không lịch sử” (vì, theo con đường của thứ hiện thực khác này, con người xóa bỏ thời gian và cái chết vốn chính là những thứ làm nên các lịch sử), đã trải nghiệm chính sự gặp gỡ này trong tính toàn vẹn của nó ngay ở từng hành vi của mình trong đời sống thường nhật. Để che giấu sự thật này, xã hội quyết định luận, duy lý của phương Tây đã tìm cách cắt xẻo đi phần bóng đêm u uẩn của con người, phần thuộc về những cội nguồn thần bí và sáng tạo của con người. Nhờ vào những giấc mơ của các thi sĩ; nhờ Baudelaire, Nerval, và Lautréamont; nhờ Jorge Carrera Andrade và Octavio Paz, nhờ những nhà văn kể từ Joyce và Proust cho đến những tác giả ngày hôm nay – Borges, Rulfo, Onetti, Merce Rodoreda – giờ chúng ta hiểu được rằng  thứ tự do tưởng tượng này là một trong những thứ sở hữu quý giá nhất của chúng ta. Giống như người Maya cổ đại, người Ai Cập và Hy Lạp, chúng ta biết rằng thời gian mang tính chu kỳ và cái hiện thực hữu hình thực chất chỉ là một hình ảnh phản chiếu. Như Borges – có lẽ là một trong số những nhà tiên tri cuối cùng của thế giới chúng ta- đã diễn đạt rất hay, chúng ta biết rằng “toàn bộ thời gian là cái gì đó đã hoàn toàn xảy ra, đời sống của chúng ta là một thứ ký ức mơ hồ, một hình ảnh phản chiếu lờ mờ – chắc chắn có sự sai lầm và bị phân mảnh – về một tiến trình không thể thay đổi được.” Đấy chẳng phải là sự hô ứng đối với câu ngạn ngữ của người Aztec cổ đại biểu thị những ý niệm về thời gian thông qua huyền thoại về sự hồi quy vĩnh viễn hay sao? “Một thời gian khác, nó sẽ như thế, một thời gian khác, sự vật sẽ như thế, một thời gian khác, một nơi chốn khác. Cái gì đã xảy ra từ lâu và cái gì bây giờ không còn được thực hiện nữa, đến một thời gian khác, nó sẽ được làm, một thời gian khác, nó sẽ trở nên như thế, giống y như nó ở một thời gian khác rất xa. Những kẻ đang sống hôm nay sẽ sống ở một thời gian khác, họ sẽ được sống một lần nữa”.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: J.M.G. Le Clézio, “Freedom to Dream”, bản dịch tiếng Anh của Ralph Schoolcraft III, World Literature Today, Vol.71, No.4, Autumn 1997, p.671-674.


[1] Katabasis trong tiếng Hy Lạp là từ để chỉ sự đi xuống (một quả đồi, một ngọn núi) hay trạng thái mặt trời dần dần lặn, gió ngừng lặng; sự rút lui của một đạo quân; một hành trình đi xuống âm phủ hay một cuộc hành trình từ nội địa men ra biển.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020