V.I. Chiupa
Lời người dịch: Giờ đây “diễn ngôn” đã trở thành khái niệm của khoa học liên ngành và khoa học đa ngành. Theo dõi quá trình hình thành và phát triển của thuật ngữ “diễn ngôn”, tôi nhận thấy: nếu các học giả Âu – Mĩ có công hoàn thiện thuật ngữ này như một phạm trù của ngôn ngữ học và xã hội học, thì M.M. Bakhtin và các nhà nghiên cứu Nga lại đặt nền móng để xây dựng khái niệm ấy thành một phạm trù của thi pháp học và tu từ học hiện đại. Về phương diện này, không thể không kể tới những đóng góp to lớn của hai Giáo sư Ngữ văn học nổi tiếng từng có dịp giảng dạy tại khoa Ngữ Văn Đại học sư phạm Hà Nội: Natan Davidovich Tamarchenko và Valeri Igorovich Chiupa.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ba bài viết của V.I. Chiupa: Diễn ngôn. Thẩm quyền diễn ngôn. Hình thái diễn ngôn. Ba bài viết này được rút từ cuốn: Thi pháp học: từ điển các thuật ngữ và khái niệm bức thiết do N.D. Tamarchenko chủ biên.
Nhan đề “Diễn ngôn như một phạm trù của tu từ học và thi pháp học” do chúng tôi tự đặt.
L.N
1. Diễn ngôn (tiếng Pháp: discours – lời nói) - là phát ngôn, hành động lời nói tạo sinh văn bản gồm người nghe bình đẳng với người nói và được xem là “sự kiện giao tiếp tương tác văn hoá xã hội” (Van Dijk) giữa chủ thể, khách thể và người tiếp nhận. Chữ “diễn ngôn” có nguồn gốc từ tiếng La Tinh, nghĩa là “chạy tới chạy lui khắp tứ phía”(trong các công trình của Thomas Aquinas, nó có nét nghĩa: đàm luận, nghị luận).
Tương tác diễn ngôn có thể là trực tiếp và diễn ra đồng thời (khẩu ngữ), hoặc gián tiếp và diễn ra không đồng thời (văn viết). Cấu trúc giao tiếp của diễn ngôn bức thiết hoá sự cùng – tồn tại[1]tinh thần của “người nói (tác giả), người nghe (độc giả) và đối tượng (ai hoặc cái gì) được nói tới (nhân vật)”[2] hoàn toàn không đồng nhất với cấu trúc kí hiệu học của nhân tố đại diện cho nó – văn bản. Bởi “việc tạo ra diễn ngôn hoạt động như sự lựa chọn các khả năng khai phá cho mình con đường vượt qua một mạng lưới giới định”[3], nên diễn ngôn không phải là hệ thống kí hiệu, mà là hệ thống các thẩm quyền giao tiếp diễn ngôn[4]: thẩm quyền sáng tạo (chủ quan – của tác giả), thẩm quyền của cái được biểu đạt (khách quan – của nhân vật) và thẩm quyền tiếp nhận (của đối tượmg tiếp nhận – người đọc). Cách hiểu diễn ngôn như một “đơn vị thực tế của giao tiếp lời nói” (M. Bakhtin) theo kiểu “siêu ngôn ngữ học” như vậy là cách hiểu của tu từ học và thi pháp học hiện đại, nó vượt ra ngoài giới hạn giải thích của ngôn ngữ học xem diễn ngôn là “cấu trúc thông tin” văn bản (O.G. Revzina). Tác phẩm văn học ở mọi quy mô đều có thể xem là một đơn vị phát ngôn duy nhất, tức là một diễn ngôn, là sự kiện của sự kiện (giao tiếp) hiện thực hoá một chiến lược giao tiếp nào đó trong khuôn khổ của một hình thái diễn ngôn nhất định.
Thực tiễn diễn ngôn tựu trung là hoạt động phiên dịch những ý nghĩa nào đấy từ một ngôn ngữ hi hữu của “lời nói bên trong” (L.S. Vygotski, N.I. Zinkin) chỉ giới hạn đối với các ý nghĩa ấy sang các ngôn ngữ phổ biến với những hàm nghĩa và qui phạm nhất định. Ở người tiếp nhận văn bản, cần có bước dừng hồi đáp – “dịch ngược” (N.I. Zinkin), ở đây bao giờ cũng đầy ắp những sự thêm bớt, hoặc cải biến nghĩa gốc. Những dạng thức (chủng loại) quan trọng nhất của hoạt động diễn ngôn là: trần thuật (narrative – phát ngôn mang tính sự kiện kép, hợp nhất “sự kiện phản ánh được thuật lại” và “sự kiện giao tiếp trần thuật” trong thể thống nhất của văn bản (M. Bakhtin), trình bày (iterative - phát ngôn mô tả, định nghĩa, giải thích các trạng thái hoặc các quá trình phi sự kiện), trình diễn (performative - phát ngôn tự biểu hiện, tức là hành động trực tiếp bằng lời nói, ví như thề, khấn, ra lệnh), tuyên cáo (declarative – phát ngôn triển khai dưới hình thức diễn ngôn quá trình tư duy phi diễn ngôn, tự giao tiếp). Các dạng diễn ngôn then chốt này từng được đoán định trên nền tảng thi pháp học ứng với các thể loại văn học tự sự, kịch và trữ tình, đồng thời, chính các dạng diễn ngôn ấy hình thành nên các hình thức kết cấu của lối viết nghệ thuật: trần thuật, đối thoại, bình luận.
2. Các thẩm quyền diễn ngôn (“Thẩm quyền” - gốc La Tinh: “competo”) – là nguồn dự trữ phát ngôn mang tính liên chủ thể, cho phép diễn ngôn hiện thực hoá (Greimas) trên cơ sở của văn bản với quy ước về thẩm quyền tương thích của các bên tham gia giao tiếp. Trong tu từ học cổ đại, bình diện này của lời nói được biểu hiện bằng phạm trù topos (“điểm chung”, “khuôn sáo”[5]), kém hiệu quả trong tương quan với thực tiễn lời nói của thời Hiện đại, nơi cái độc đáo chiếm ưu thế so với cái điển phạm. Ứng với ba phương diện của sự kiện giao tiếp - cái được biểu đạt, sáng tạo và tiếp nhận - có ba loại thẩm quyền diễn ngôn khác nhau nằm ở quan hệ tương hỗ về mặt loại hình giữa phát ngôn nào đó với thực tại, ngôn ngữ và ý thức. Quan hệ tương hỗ này được xem là “ý đồ” “hiện diện trong tôi như chỗ trống được dành để lấp đầy từ ngữ”[6], bởi khi tổ chức lời nói, “bao giờ chúng ta cũng hình dung cả chỉnh thể phát ngôn của mình”[7].
Thẩm quyền của cái được biểu đạt là “topos bên ngoài” một diễn ngôn nào đó – nó là nguồn dự trữ “bức tranh tu từ thế giới”(Perelman) trong giao tiếp được giả định là phát ngôn chung của người nói và người tiếp nhận (chung tiền lệ, ví như trong truyền thuyết huyền thoại, chung quyền uy, ví như trong ngụ ngôn, chung ngẫu nhiên, ví như trong giai thoại, chung xác suất, ví như trong miêu tả phong tục). Thẩm quyền sáng tạo được hình thành từ hình thái tu từ của bản quyền (tự phế vị theo kiểu ẩn danh, tự giới hạn mang tính quy phạm, tự trình bày một cách hứng khởi, tự khách quan hoá một cách khêu gợi) và nguyên tắc mã hoá: bằng chỉ hiệu (truyền đạt những nét nghĩa có sẵn), biểu hiệu (truyền đạt những tư tưởng có sẵn), hình hiệu (khêu gợi những nét nghĩa mới) hoặc bóng gió (khơi gợi tư tưởng mới). Thẩm quyền tiếp nhận - là kho dự trữ ý thức trong giao tiếp (mô phỏng, sao chép, điều chỉnh, lựa chọn, đồng tình) được hình thành từ tập quán tu từ trong phát ngôn.
3. Hình thái diễn ngôn – là hệ thống cấp bậc của chủ thể, khách thể và người nhận trong diễn ngôn, quy định các tham số của hoạt động giao tiếp (sản xuất và tiếp nhận văn bản), đáp ứng trạng thái bức thiết mang tính lịch sử của nhận thức xã hội (trạng thái tinh thần của văn hoá xã hội).
Tương tự như khái niệm hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác, khái niệm hình thái diễn ngôn được Michel Pêcheux (cũng như M. Foucault) đưa vào phạm vi các vấn đề tu từ học và thi pháp học nhằm chỉ ranh giới của những gì có thể và cần phải nói, có thể nói và cần phải nói thế nào từ một lập trường nào đó trong những hoàn cảnh nào đó. Ngược với ý đồ của Pêcheux, phạm trù do ông đề xuất đã góp phần loại bỏ phương pháp luận marxiste ra khỏi nhận thức của khoa học nhân văn. Chẳng những thế, trên thực tế, trường phái phân tích diễn ngôn Pháp đã thu hẹp cách hiểu khái niệm hình thái diễn ngôn tới mức chỉ còn tương tự như khái niệm “thể loại lời nói ” theo quan niệm của Bakhtin. Trong khi đó, tu từ học hiện đại và lĩnh vực gắn với nó thi là pháp học “giao tiếp” cần tới khái niệm hình thái diễn ngôn như là nền móng của phạm trù loại hình học. Với ý nghĩa như thế, hình thái diễn ngôn là cấu hình của các thẩm quyền thuộc về cái được biểu đạt, sáng tạo và tiếp nhận diễn ngôn tạo thành một không gian giao tiếp vô hình.
Cổ xưa nhất là hình thái diễn ngôn vị thế - bầy đàn. Nó tạo ra một không gian giao tiếp huyền thoại hoặc tương tự như huyền thoại của sự đồng thanh nhất trí theo kiểu hợp xướng. Nó xuất phát tử bức tranh thế giới vốn có từ trước, đã thành thông lệ, trong đó, chỉ những gì tuần hoàn, lặp lại mới có ý nghĩa. Nó dùng lời chỉ hiệu với nghĩa xác định theo ngữ cảnh. Nó dành cho chủ thể lời nói vị thế “diễn xướng” (Chaïm Perelman) của sự phế vị (ẩn danh) và định hướng phát ngôn vào việc sao lại ý thức đám đông–Chúng ta của người tiếp nhận với tập quán ổn định. Tuyệt đại đa số văn bản quảng cáo có thể xem là ví dụ của hình thái diễn ngôn này trong đời sống hiện đại.
Trong tiến trình lịch sử, hình thái diễn ngôn vai – quy phạm xuất hiện muộn hơn. Nó dựa vào bức tranh thế giới “ quyền uy” (Perelman), trong đó, vấn đề bức thiết bao giờ cũng là sự lựa chọn giữa đúng đắn và sai lầm. Nó trau dồi loại lời biểu tượng, đóng kín, gây cảm giác ở đó có cả “một hệ thống ý nghĩa đã hoàn kết và bị giới hạn nghiêm ngặt” (M. Bakhtin). Nó dành cho tác giả vị thế tự hạn chế theo phép tắc đã ấn định và đòi hỏi ở người tiếp nhận luôn đóng vai một ý thức – Nó, chịu sự điều khiển của tập quán cần phải theo. Vì thế mới xuất hiện không gian giao tiếp quyền uy của sự đồng thuận theo kiểu độc điệu vốn là đặc trưng của chủ nghĩa thủ cựu và, về sau này, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học.
Hình thái diễn ngôn đối nghịch - chủ động xuất hiện từ thời trung đại với chủ nghĩa Barocco, đạt tới sự phồn thình ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, tạo nên thi pháp lãng mạn chủ nghĩa, và tiếp tục cất cao giọng trong thực tiễn văn hoá xã hội ở các nước phát triển cho tới tận bây giờ. Biểu hiện cực đoan của hình thái diễn ngôn này là thi pháp của chủ nghĩa tiên phong. Bất hoà theo nguyên tắc đối thoại do ham muốn điều khiển, không gian giao tiếp “phi quyền lực” (R. Barthes) đòi hỏi một: “bức tranh thế giới ngẫu nhiên (Perelman), chiết trung; ngôn từ hình tượng đầy tính “bất thường” gắn với một khu vực ý nghĩa rộng mở, một vị thế tự biểu hiện đầy cảm hứng từ phía chủ thể và khả năng lựa chọn sáng tạo của ý thức – Tôi từ phía người tiếp nhận phát ngôn.
Theo phân kì lịch sử, hình thái diễn ngôn hội tụ - chủ động xuất hiện muộn nhất và cho đến nay vẫn chưa hình thành xong xuôi. Nó phát triển không gian giao tiếp “đối thoại đồng thuận” mà đặc trưng là “nơi gần cận và chốn xa xôi được khắc phục” (nhưng không hoà tan), không phải là sự tước đoạt, mà là “sự chồng xếp của ý nghĩa lên trên ý nghĩa”, là “sự kết hợp nhiều giọng nói (hành lang của các giọng nói) bổ sung cho sự hiểu biết”[8]. Cơ sở của loại diễn ngôn phát triển lời nói lóng “hai giọng” (M. Bakhtin) với khu vực mở rộng ý nghĩa này là bức tranh thế giới mang tính xác suất và sự đồng tình của ý thức-Anh luôn tuân theo lối sống có ý thức trách nhiệm: vị thế cảm hứng tự khách quan hoá (trong trường giá trị của ý thức người khác) của chủ thể và vị thế bổ sung phóng chiếu ý nghĩa đối với người tiếp nhận phát ngôn. Vốn có nguồn cội gắn với những pháp lệ trong kinh Phúc âm về hành vi giao tiếp của Đức Kitô, hình thái diễn ngôn này được hình thành ở thời đại khủng hoảng tính nghệ thuật phi cổ điển, nó tự bộc lộ trong thi pháp học phi truyền thống, cũng như trong triết học đối thoại, trong giáo dục học hội tụ (pédagogie convergente), trong khoa học đa ngành như một xu hướng nhận thức khoa học hiện đại.
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: В.И. Тюпа.- Дискурс. Дискурса копетенции. Дискурсная формация// Поэтика: слов. Актуал. терминов и погятий [гл. Науч. Ред. Н.Д. Тамарченко] Издательство Кулагиной , Intrada, 2008, с. 60-61.
[1] Tiếng Nga: “со – бытие”. Nó được tách ra từ chữ “событие”, nghĩa là “sự kiện”. Tự bản thân ngôn ngữ (tiếng Nga), “sự kiện: (“событие”) đã có nghĩa là “cùng – tồn tại” (“со – бытие”).- ND.
[2] V.N. Volosinov.- Lời trong đời sống và lời trong thơ// V.N. Volosinov.- Triết học và xã hội học của các khoa học nhân văn. SPb, 1996, tr. 72.
[3] Algirdas Julius Greimas.- Ngữ nghĩa học cấu trúc: Tìm kiến phương pháp. M., 2004, tr. 106)
[4] “Thẩm quyền”: tiếng Nga: “компетенция”, có gốc từ tiếng La Tinh “competo” , nghĩa là “tôi thông thạo, có thẩm quyền”.- ND.
[5] Trong thi pháp học và tu từ học, chữ “topos” có các nét nghĩa sau đây: chỗ mòn, khuôn mẫu văn học, sơ đồ tu từ, ý kiến phổ biến, công thức ngôn ngữ... - ND.
[6] P. Ricœur.- Xung đột diễn giải.- M., 1995, tr. 382.
[7] M.M. Bakhtin.- Vấn đề thể loại lời nói// M.M. Bakhtin.- Tuyển tập. Bộ 7 tập. Tập 5. M., 1996, tr. 190.
[8] M.M. Bakhtin.- Tuyển tập. Bộ 7 tập. Tập 5. M., 1996, tr. 322.