Lý luận văn học

Chiêm bao- cửa sổ kí hiệu học


15-10-2020
Iu.M. Lotman

Iu.M. Lotman

Trong lịch sử của sự nhận thức, điểm ngoặt là thời điểm xuất hiện khoảng cách tạm thời (khoảng lặng) giữa xung động và phản xạ trước xung động ấy. Sơ đồ sinh học khởi điểm được kiến tạo như sau: “kích thích – phản xạ”. Đồng thời, trong ý nghĩa lí tưởng, không gian giữa các yếu tố này mang tính nhất thời, tức là được xác định bằng thời gian sinh lí cần thiết để thực hiện phản xạ trực tiếp. Sơ đồ này  thể hiện đặc điểm của mọi loại sinh thể và duy trì quyền năng của nó đối với cả con người. Toàn bộ phạm vi các xung động và những phản xạ nhất thời đều dựa trên sơ đồ ấy. Một mặt, chúng gắn với các hành vi trực tiếp, mặt khác, gắn với khu vực các phản xạ nhất thời, với những thứ mà sự tiếp xúc kí hiệu học bị kéo chậm lại.

Giai đoạn hoàn toàn mới sẽ bắt đầu khi xuất hiện sự bùng nổ tạm thời giữa việc tiếp nhận thông tin và phản xạ trước sự tiếp nhận ấy. Tình trạng này đỏi hỏi trước hết sự phát triển và hoàn thiện của kí ức. Sự biến đổi phản xạ thành kí hiệu thông qua tác động trực tiếp là một kết quả quan trọng khác. Phản xạ trước thông tin sẽ biến thành cấu trúc độc lập, có khả năng tích luỹ, với cơ chế tự phát triển và ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Ở giai đoạn này, sau khi mất đi xung động trực tiếp, phản xạ vẫn chưa trở thành hiện tượng mang tính tự do tương đối và, do đó, cũng chưa trở thành hiện tượng có thể điều khiển được. Cơ chế của nó vẫn chịu sự quyết định của các xung động sinh lí nằm ngoài ý muốn tự giác của người nói như trước kia, nhưng nó đã gần như hoàn toàn độc lập. Trước hết, chiêm bao chính là hiện thân của giai đoạn này.

Có thể giả định, trong trạng thái tâm lí, khi tư tưởng và hành vi chưa tách rời nhau, thì chiêm bap tạo thành môi trường, trong đó, không có sự chia tách giữa chúng và cũng không thể có những xúc động riêng rẽ, độc lập. Lời nói và điệu bộ, hay rộng hơn – toàn bộ phạm vi ngôn ngữ với những khả năng của nó sẽ nối mạch, khiến các cơ chế mạnh hơn hoạt động và dập tắt khả năng chiêm bao, một khả năng tiềm tàng, hoá thành lĩnh vực ý thức tự túc, tự mãn. Tuy nhiên, không phải không có đề kháng, khi lĩnh vực này từ bỏ vị thế của mình.

Rõ ràng, người cổ đại có văn hoá chiêm bao lớn hơn, tức là, có lẽ, họ nằm mơ và ghi nhớ các giấc mơ mạch lạc hơn rất nhiều. Nên nhớ , văn hoá pháp thuật hiển nhiên là nắm vững kĩ thuật điều khiển chiêm bao, ấy là chưa nói tới các hệ thống thuật lại và lí giải chúng. Trong văn hoá chiêm bao, như P. Florenski đã chỉ ra, việc thuật lại giữ vai trò vô cùng to lớn, vì nó tổ chức hệ thống chiêm bao bằng cách tạo ra kết cấu thời gian tuyến tính[1].

Sự phát triển của hoạt động nói năng đã đẩy lĩnh vực này xuống bình diện thứ yếu của văn hoá và khiến cho nó bị sơ lược hoá. Tiến bộ và động lực trong các lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của tư duy tất yếu sẽ tạo ra sự thoái hoá ở những khu vực buộc phải rời bỏ vị trí chủ đạo của mình. Chẳng hạn, sự phát triển của văn tự hiển nhiên là sẽ dẫn tới sự suy thoái của văn hoá khẩu ngữ. Thuật ghi nhớ trước kia từng chiếm giữ vị trí rất cao (ví như những thủ pháp học thuộc thơ và bài hát) ngày một phôi pha.

Chúng tôi sẽ không đụng tới vấn đề phức tạp và rối rắm trong quan niệm về chiêm bao của Freud. Chỉ xin dừng lại ở sự trùng hợp của hệ phương pháp luận này với những cách giải thích cổ xưa, có nguồn cội từ thời tiền văn hoá.

Bước vào vương quốc của những giấc mơ, khi còn chưa có chữ viết, người cổ đại như đứng trước một không gian vừa tựa như thực, vừa không phải là sự thực. Dĩ nhiên, nó sẽ nghĩ rằng, thế giới ấy có ý nghĩa, nhưng không biết rõ ý nghĩa của nó là gì. Nó là những kí hiệu chẳng rõ của cái gì, tức là những kí hiệu dưới dạng thuần tuý. Ý nghĩa của chúng mang tính không xác định, và người cổ đại phải xác lập ý nghĩa ấy. Vì thế, khởi thuỷ là thử nghiệm kí hiệu học. Có lẽ cần hiểu sự khẳng định trong Kinh Thánh Khởi thuỷ là Lời với ý nghĩa như vậy. Lời xuất hiện trước ý nghĩa của nó, tức là con người biết rằng, đó chỉ là Lời, rằng nó có nghĩa, nhưng không biết nghĩa của nó là gì. Tựa như nó nói với con người bằng ngôn ngữ bí ẩn.

Xem chiêm bao như một thông tin tức là hàm ý cho rằng, thông tin ấy khởi nguồn từ một ai đó. Sau này, trong phạm vi phát triển huyền thoại, chiêm bao được đồng nhất với giọng nói tiên tri của người khác, tức là xuất hiện quan hệ giao tiếp Người với tôi. Ở giai đoạn sơ kì, có thể giả định, đã diễn ra một cái gì đó nhắc ta nhớ tới xúc động điện ảnh của mình: ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba hoà làm một, chứ không có sự chia tách. “Tôi” và “nó” đồng nhất với nhau. Đến giai đoạn tiếp theo mới xuất hiện vấn đề đối thoại. Chúng ta có thể bắt gặp một trình tự tương tự như thế trong việc chiếm lĩnh ngôn ngữ của trẻ em. Thuộc tính của chiêm bao như một thứ hình thức thuần tuý này cho phép nó trở thành một không gian có sẵn để đổ đầy: thày cúng giải mộng một cách “khoa học”, cũng như tín đồ Freud tinh tế. Chiêm bao là tấm gương kí hiệu học, mỗi người nhìn thấy ở đó hình ảnh ngôn ngữ của mình.

Đặc điểm cơ bản của loại ngôn ngữ này là sự vô định bao la của nó. Điều này làm cho nó thành bất tiện trong việc truyền đạt những thông tin cố định, nhưng lại thích hợp cho việc sáng chế ra những thông tin mới. Chiêm bao được xem là thông tin từ một người khác đầy bí ẩn, mặc dù thực ra, nó là một “văn bản vì văn bản” tự do về mặt thông tin. Giống như nghệ thuật chỉ hiểu rõ bản thân, sau khi nó giành được quyền độc lập với ý nghĩa và mọi thứ nhiệm vụ được gán từ phía bên ngoài (sự “nhập cuộc” xuất hiện muộn hơn, khi văn hoá hiểu rõ, nó buộc phải “nhập cuộc”), khả năng trở thành tinh anh bao giờ cũng diễn ra trước việc thấu hiểu sự tinh anh một cách đúng đắn. Nhưng nhu cầu truyền đạt thông tin được xác nhận tập thể bao giờ cũng chiếm ưu thế so với mong muốn mở rộng ranh giới của hoạ động sáng tạo ngôn ngữ. Ngôn ngữ chiêm bao không thể duy trì nổi sự cạnh tranh này.

Trong sự vận động của các ngôn ngữ, văn hóa đã tạo ra những thời kì toàn thắng một cách có hệ thống của các ngôn ngữ được hiểu giản đơn, nhưng thích đáng, đối với các ngôn ngữ phong phú, nhưng được hiểu một cách riêng biệt. Chẳng hạn, vào cuối thế kỉ XX, chúng ta trở thành chứng nhân của sự thiếu vắng các ngôn ngữ nghệ thuật (đặc biệt là ngôn ngữ thi ca và điện ảnh) trước sự lên ngôi của các ngôn ngữ phục vụ cho tiến bộ kĩ nghệ. Ở châu Âu, vào nửa đầu của thế kỉ XX, sự phân bố lực lượng hoàn toàn trái ngược với tình trạng ấy. Tất nhiên, trong văn hoá, “chiến thắng” nào cũng chỉ là sự chuyển đổi trọng tâm trong đối thoại.

Có một sự thay đổi các chức năng đã diễn ra: do sự tác động của những phẩm chất khiến chiêm bao trở thành bất tiện cho sự hoạt động của các chức năng giao tiếp - thực tiễn, chiêm bao đã nhập vào lĩnh vực giao tiếp với thần thánh, đoán định, tiên tri. Sự thâm nhập của thi ca vào lãnh địa linh thiêng đánh dấu giai đoạn khởi đầu của sự gạt bỏ vai trò độc quyền của chiêm bao và đây – mặc dù có sự kết nối giữa cảm hứng thi ca và những giấc mơ thần bí – là hiện tượng phổ quát với nhiều nền văn hoá. Chiêm bao bị gạt ra khu vực ngoại vi của không gian thiêng.

Giấc mơ-tiên tri - cửa sổ mở về phía tương lai bí ẩn - sẽ được thay thế bằng ý niệm về giấc mơ như những nẻo đường thâm nhập vào nội tâm của bản thân mình. Muốn thay đổi chức nămg của chiêm bao, cần thay đổi vị trí của không gian bí ẩn. Từ không gian bên ngoài, nó hoá thành không gian nội tâm. Việc chúng tôi so sánh Freud với pháp sư không hề mang một chút ý nghĩa xấu nào. Nó là dấu hiệu cho thấy khả năng ma thuật ở những bình diện văn hoá khác nhau giống như khoa học tiên tri và y học như những phương tiện cứu rỗi thực hiện những chức năng như nhau – trở thành đối tượng của sự tín mộ. Nhưng niềm tin có quyền lực to lớn với con người và đúng là có thể tạo ra sự kì diệu. Nếu bệnh nhân tin tưởng, thì đó là phương tiện chữa trị cho anh ta.

Trong tiểu thuyết Bác sĩ Pascal, Emile Zola kể về một người thày thuốc đã sáng chế ra loại thuốc tổng hợp kì diệu, có thể chữa khỏi cho tất cả các bệnh nhân. Cả bệnh nhân lẫn bác sĩ cùng tràn đầy nhiệt hứng và tin tưởng một cách thành kính vào khả năng thần kì của phương thuốc. Một lần, do nhầm lẫn, bác sĩ Pascal đã tiêm nước cất cho bệnh nhân. Hiệu quả chữa bệnh giống hệt với hiệu quả của thuốc. Bệnh nhân tin tưởng vào những phát tiêm tới mức họ đã khỏi bệnh nhờ nước cất. Tín ngưỡng không phải là “thuốc phiện của nhân dân”, mà là phương tiện tự tổ chức cực kì hữu hiệu. Niềm tin vào ý nghĩa kì bí của những giấc mơ có cơ sở ở niềm tin vào ý nghĩa của sự thông tin như vốn dĩ. Có thể nói, chiêm bao là cha đẻ của các tiến trình kí hiệu học.

Đặc điểm của chiêm bao là tính đa ngữ: nó không đặt chúng ta vào những không gian riêng rẽ, mà nhấn chìm chúng ta vào sự hoà quyện của không gian thị giác, ngôn từ, âm nhạc và những không gian khác giống như thực. Đó là “hiện thực không thực”. Phiên dịch chiêm bao sang các ngôn ngữ giao tiếp của con người sẽ làm giảm bới tính vô định và khuyếch đại tính giao tiếp. Tiếp theo, con đường này sẽ tiến tới nghệ thuật. Khi chuyển từ chiêm bao sang giao tiếp bằng ngôn ngữ với thần linh, thì tự nhiên, thần linh cũng chuyển sang ngôn ngữ câu đố và cách ngôn huyền bí với tính mơ hồ cao.

Dưới ánh sáng của những gì đã nói, ta thấy hé lộ một cách hiểu mới về “chủ nghĩa nguyên hợp nguyên thuỷ” từng thu hút sự chú ý của viện sĩ A.N. Veselovski. Đó không phải là sự diễn xướng trong “các vai” của một số văn bản, mà bằng một ngôn ngữ khác, nhưng cực kì gần gũi với nó. Sự phân đoạn mang tính cốt yếu không gian sinh/tử mà ngày nay chúng ta trải nghiệm như sự trái ngược với thực tế hiện thực, một mặt, là không gian đa giọng bao gồm tất cả các hệ thống mô hình hoá khác nhau, mặt khác, ở thời viễn cổ, nó bị quy về lưỡng cực ngôn ngữ: ngữ dụng – chiêm bao.

Tất nhiên, một bức tranh như thế chỉ là sơ đồ thô thiển mà trong phạm vi hiện thực nó được thực hành dưới dạng một mớ bòng bong kí hiệu học đầy phức tạp và mâu thuẫn, bồng bềnh trong không gian kí hiệu học.

Như chúng tôi đã chỉ ra, chiêm bao là thông tin với hình tượng nguồn tiềm ẩn, và cái không gian số không này có thể lấp đầy bằng những người truyền bá thông tin khác nhau tuỳ thuộc vào loại hình văn hoá diễn giải. Trong Những tên cướp của  Schiller, người anh phạm tội nhắc lại công thức của Helvétius : “Những giấc mơ trong lòng ”, bản thân Schiller cũng nghĩ rằng, giấc mơ là giọng nói ẩn ức của lương tri con người, là vị quan toà ẩn kín trong nội tâm. Người La Mã cổ đại nhìn thấy trong giấc mơ lời tiên tri của thần linh, còn các tín đồ của chủ nghĩa Freud hiện đại lại thấy ở đó giọng nói của ẩn ức tính dục. Nếu khái quát tất cả những cách giải thích ấy, rồi quy về một công thức chung nào đó, chúng ta sẽ có được ý niệm về quyền năng được dấu kín opử những tầng sâu đầy bí ẩn, nhưng vô cùng mạnh mẽ đang điều khiển con người. Lại nữa, quyền lực ấy nói với con người bằng ngôn ngữ mà về cơ bản cần phải có hiện diện của người phiên dịch thì mới hiểu được.

Chiêm bao cần có người giải đoán – đó sẽ là nhà tâm lí học hiện đại, hay là vị tư tế ngẫu tượng giáo. Còn có một đặc điểm nữa của chiêm bao: nó mang tính cá nhân, không thể thâm nhập được vào giấc mơ của người khác. Cho nên, đó hoàn toàn là “ngôn ngữ dành cho một người”. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giao tiếp bằng ngôn ngữ này trở nên khó khăn vô hạn: có thể nói, kể lại giấc mơ cũng khó giống như dùng lời nói để kể lại một tác phẩm âm nhạc. Đặc điểm không thể kể lại của chiêm bao khiến cho mọi sự ghi nhớ hoá thành một biến thể chỉ phản ánh gần đúng bản chất của nó.

Bởi vậy, chiêm bao bị vô số giới hạn vây bọc, những giới hạn này biến nó thành phương tiện lưu giữ tri thức cực kì mong manh và đa trị. Nhưng chính những “khuyết tật” này lại cho phép gán thêm cho chiêm bao một chức năng văn hoá đặc biệt và cực kì quan trọng: trở thành nguồn dự trữ cái bất định kí hiệu học, thành không gian cần tiếp tục lấp đầy nghĩa. Điều này làm cho chiêm bao trở thành ich-Erzahlung lí tưởng, có khả năng dung nạp những cách giải thích khác nhau, cả cách giải thích thần bí, lẫn giải thích thẩm mĩ.

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Лотман Ю.М.  Семиосфера.- С.-Петербург: «Искусство - СПБ», 2000. С.123 - 126


[1] Sau này, tư tưởng ấy được B.A. Uspenski bổ chính đáng kể trong bài Lịch sử và kí hiệu học (Xem: B.A. Uspenski.- Lịch sử và kí hiệu học (Thụ cảm thời gian như một vấn đề kí hiệu học)//Ghi chép học thuật Tổng hợp Tartu. Quyển 831. 1988. Tr. 71-72 (Công trình nghiên cứu các hệ thống kí hiệu).

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020