Trường ca là một hình thức tự sự – trữ tình cỡ lớn, với một góc nhìn rộng, toàn diện, khái quát về hiện thực và một kiến trúc đồ sộ, bề thế, như một bản giao hưởng hoành tráng về đời sống. Một trong những yếu tố tạo nên tính hoành tráng của trường ca là lối kết cấu phức điệu. Lối kết cấu phức điệu đó tương tự như kết cấu phức điệu của thể loại giao hưởng, một thể loại âm nhạc có dung lượng lớn. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã nói đến tính giao hưởng, tính phức điệu của trường ca [Bùi Công Hùng, Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca, 1983; Lại Nguyên Ân, Văn học và phê bình, 1984].
Với cái nhìn từ góc độ âm nhạc, chúng ta có thể thấy được rõ ràng hơn lối kết cấu phức điệu, lối kết cấu làm nên sự hoành tráng của thể loại trường ca.
1- Phức điệu thường chỉ có trong loại tác phẩm âm nhạc lớn là giao hưởng. Về hình thức, dàn nhạc giao hưởng là sự kết hợp của một tập hợp lớn các nhạc công chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Tính điển hình của âm nhạc giao hưởng là “sự kết hợp muôn màu muôn vẻ của các âm sắc khác nhau” [Pôpôva, Các thể loại âm nhạc, 1981, tr.191]. Về nội dung, nhạc giao hưởng thường là một tổ khúc nhạc cỡ lớn, giàu tính kịch, thể hiện một dung lượng hiện thực cảm xúc nhiệt tình, lớn lao, cao cả và mang tính đấu tranh cao [Bách khoa toàn thư tuổi trẻ, 2002, tr. 7-8].
Theo Các thể loại âm nhạc [tr.115], một tác phẩm âm nhạc giao hưởng cổ điển có hình thức điển hình gồm bốn chương. Chương thứ nhất thường sử dụng dạng hoà tấu nhạc nhịp nhanh thể hiện sự so sánh và phát triển chủ đề với hai xu hướng đối lập. Chương thứ hai, thường là nhịp chậm trữ tình, nội dung thường liên quan đến sự cảm thụ nội tâm sâu sắc và những suy tư triết học. Chương thứ ba phần lớn sử dụng vũ khúc hay khúc nhạc vui, hài hước, có tốc độ vừa. Chương thứ tư phần lớn sử dụng điệp khúc hoặc dạng tổ hợp nhạc với nhịp nhanh. Chương này biểu hiện cuộc sống trên diện rộng. Với một nội dung cỡ lớn như thế, cảm xúc trong giao hưởng được thể hiện qua lối kết cấu phức điệu. Đó là hình thức âm nhạc có những đặc điểm sau:
Kết hợp đồng thời nhiều bè giai điệu khác nhau. Các bè âm nhạc đó đều ít nhiều bình đẳng và có ý nghĩa diễn cảm độc lập. Có sự xen kẽ, tương phản với nhau của các bè trong cùng một chương nhạc hay một câu nhạc. Trong một chương nhạc, ở phần triển khai chủ đề có thể có nhiều bè nhạc tương phản với nhau về chủ đề, góp phần thể hiện những nội dung phức tạp của cuộc sống.
Tính nhiều chủ đề: Ngoài một chủ đề có tính chất xuyên suốt, lớn lao, có thể có thêm nhiều chủ đề phụ tương phản độc lập với chủ đề chính, với tác dụng làm nổi bật chủ đề chính. Các bản giao hưởng của Bêthôven đều hướng vào một chủ đề chính là tự do, bình đẳng, bác ái. Song ở từng chương lại có chủ đề riêng. Giao hưởng số Một và Hai thể hiện thời niên thiếu của nhân vật với sức trẻ sôi nổi, những khát vọng mãnh liệt và khuynh hướng hoạt động tự do, dũng cảm. Bản số Ba là bản giao hưởng anh hùng ca. Bản số Năm và số Chín là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Số Bốn tập trung vào những tình cảm riêng tư thầm kín. Số Sáu là bản giao hưởng đồng quê thể hiện mối quan hệ mối quan hệ tin yêu, đẹp đẽ giữa con người và thiên nhiên. Số Bảy, Tám là niềm vui dạt dào về cuộc sống. Tất cả tạo thành một giao hưởng hoành tráng, đồ sộ về cuộc đấu tranh để tồn tại của con người.
Sự lặp lại các chủ đề mang tính ám ảnh với tác dụng nâng cao mức độ khái quát. ở giao hưởng của Bêthôven, có sự lặp lại chủ đề đấu tranh với số phận ở bản số Năm và số Chín, còn ở các bản số Sáu, Bảy, Tám, tình cảm với quê hương được lặp lại và nâng cao. Lặp lại và nâng cao như vậy tạo nên sức ngân vang hoành tráng cho tác phẩm.
Phức điệu còn thể hiện ở giọng điệu và nhịp điệu khác nhau trong từng chương, từng đoạn. Để khắc hoạ một cách nghệ thuật các hiện tượng của cuộc sống, các tính cách, các tình cảm, trong những mối quan hệ phong phú muôn màu muôn vẻ, các nhạc sĩ rất hay dùng hình thức phức điệu. Phức điệu được sử dụng trong các giao hưởng của các bậc thầy âm nhạc thế giới như Hâyđơn, Môda, Bethôven, Traicốpxki, Sốtxtacôvích… Điều đó đã khẳng định vị trí của phức điệu trong việc tạo nên chất giao hưởng của một tác phẩm âm nhạc.
2- Tính phức điệu trong trường ca:
Về cơ bản, trường ca là một tác phẩm giao hưởng bằng thơ với lối kết cấu phức điệu chiếm ưu thế.
Sự bề thế, hoành tráng (tính giao hưởng) của trường ca được tạo thành từ sự bề thế của phạm vi đời sống được miêu tả. Phạm vi đó được khái quát từ sự đa dạng của các chủ đề lớn. Bên cạnh các chủ đề lớn có tính chất xuyên suốt là các chủ đề phụ đan kết, trải dài, mở rộng cả về không gian, thời gian và độ lớn của cảm xúc. Trường ca Những người đi tới biển (Thanh Thảo) có chủ đề chính: cuộc kháng chiến chống Mỹ chính là cuộc hành trình về với nhân dân, cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Các chủ đề phụ được đan cài như chủ đề về người lính, về mẹ, về tình yêu, tình bạn, quê hương. Không gian và thời gian của cảm hứng trải dài qua các cuộc hành trình gian khổ của cả dân tộc suốt chặng đường mấy chục năm máu lửa không ngơi nghỉ. Vì vậy, một trường ca thường được chia thành nhiều chương đoạn, mỗi chương đoạn tương ứng với các chủ đề lớn nhỏ khác nhau. Những người đi tới biển gồm bốn chương, mỗi chương có một tiêu đề riêng, mỗi chương lại có từng đoạn, từng khúc ca. Thậm chí giữa các chương còn có đoạn nối tiếp. Điều dó tương ứng với sự bề thế của hiện thực được miêu tả.
Sự đa dạng của tư thế và điểm nhìn nhân vật tạo nhiều giọng điệu khác nhau với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong những trường ca viết sau 1975, thường tác giả là nhân vật trữ tình chính. Nhưng nhân vật trữ tình – tác giả này được thể hiện với nhiều tư thế và điểm nhìn đa dạng, do nhập vai vào các nhân vật trữ tình khác nhau. Điểm nhìn được mở rộng, có điều kiện diễn tả nhiều nội dung cảm xúc với nhiều hoàn cảnh vừa cụ thể khác nhau. Cái nhìn đa dạng này của nhân vật trữ tình giúp bao quát được một thế giới hiện thực rộng lớn, dài lâu, mở rộng phạm vi phản ánh của trường ca. Trong Những người đi tới biển có rất nhiều tư thế với điểm nhìn tương ứng: Nhân vật trữ tình là tác giả với điểm nhìn của chính thế hệ mình, một thế hệ bắt buộc phải lựa chọn vị trí của mình trong chiến tranh với giọng khẳng định, tự hào: Người ta không thể chọn để được sinh ra, nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng này phút giây năm tháng ấy; Cả thế hệ xoay trần đánh giặc, mặc quần đùi khiêng pháo lội qua bưng.
Điểm nhìn cụ thể với kinh nghiệm đau đớn của người lính: Những năm, một chiêc áo sống lâu hơn cả cuộc đời; Những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thuỷ, còn ôm bạn ta cơn sốt rét giữa rừng.
Chuyển điểm nhìn sang vị trí người con, thủ thỉ tâm tình cùng mẹ: Cho con xin bắt đầu từ mẹ, để nói về chúng con.
Và liên tục, xen kẽ là điểm nhìn của một công dân, say sưa, ca ngợi, nhận định về sức mạnh bền bỉ, âm thầm mà bất diệt của dân tộc: Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người, Mồ hôi vã một trời sao dưới đất, Trời sao lặn hoá thành muôn mạch nước, Chảy âm thầm chảy dọc thời gian.
Mỗi vị trí là một mốc định vị cho một loại giọng điệu tương ứng.
Tính phức tạp, đa dạng của cảm xúc. Sự đa giọng điệu ở đây là sự tổ chức các tiếng nói để cùng thể hiện một chủ đề chung. Thường trong một tác phẩm thơ ngắn, cảm xúc tương đối thống nhất. Từ ấy (Tố Hữu) là niềm vui bừng tỉnh về nhận thức về lý tưởng. Ông đồ (Vũ Đình Liên) là những hồi tưởng buồn. Còn trong những tác phẩm trữ tình dài hơi, cảm xúc phong phú và phức tạp hơn nhiều. Cảm xúc đa dạng thì giọng điệu cũng đa dạng. Với những điểm tựa và chi tiết đời sống có tính hiện thực cao, cảm xúc cũng được tỏ bày cụ thể: khi tự hào, khẳng định thì cao giọng, lúc tâm sự thì yêu thương, đằm thắm, lúc căm hờn thì lời lẽ đanh thép… Giọng thơ biến đổi linh hoạt, đa dạng tạo sự lôi cuốn mạnh mẽ.
Kết hợp nhiều thể thơ, tạo nên độ mở và tính linh hoạt của thể loại. Câu thơ lục bát, câu thơ tự do, câu thơ thất ngôn, thơ văn xuôi được sử dụng linh hoạt. Bình thường, các nhà thơ thường dùng thơ tự do, phù hợp những tình cảm mạnh mẽ cuồn cuộn: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình, (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc), Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc? (Thanh Thảo). Có lúc câu thơ ngắn lại bất ngờ để diễn đạt những cảm xúc bột phát, dâng đến cao trào: Anh nhớ em, quân thù không thể biết, Anh nhớ em… (Thanh Thảo). Khi diễn tả những tình cảm ngọt ngào sâu lắng, lời thơ lại tìm đến chất ru ngọt ngào trong câu lục bát: Tôi xin làm cỏ ru anh, Làm cây ơn nghĩa xung quanh hồn người (Hữu Thỉnh). Khi trịnh trọng tuyên bố thì lời lẽ hào sảng qua các câu thơ dài 7, 8 chữ nghiêm trang: Mang lịch sử qua trăm nghìn thử thách, Dân tộc này còn tiềm ẩn những dòng sông(Thanh Thảo). Rồi những câu thơ văn xuôi: Người lính về quê chặt tre thưng vách, nhà mẹ sau nhiều năm giàu quá những sao trời; Thơ xin trọn đời là thơ nhưng sức vóc hơn xưa, giản dị hơn xưa lắng đọng hơn xưa. Thơ có thể là dao là búa tạ nhưng thơ cũng là kim chỉ là em… (Thu Bồn).
Những biểu tượng, chi tiết, điệp khúc lặp lại mang tính ám ảnh. Sự lặp lại đó có tác dụng láy lại, xoáy sâu hơn nữa vào chủ đề, tạo nên một âm hưởng dai dẳng, bất diệt. Biểu tượng đất đai, dòng sông, ngọn sóng, biển cả, cỏ, mặt trời, ngọn lửa, lòng đất… là những biểu tượng về sức mạnh, sự nhẫn nại, bền bỉ, khát vọng mãnh liệt… của nhân dân, thường gặp trong các trường ca sau 1975 nói về cuộc hành trình vĩ đại đầy gian khổ giành tự do, độc lập. Những chi tiết đời sống hiện thực đầy ám ảnh về cuộc vật lộn gian nan: cơn sốt rét rừng, cơn đói, cơn khát, mưa rừng… Những điệp khúc cuối mỗi chương như những lời ru, những nén nhang thắp lần lượt cho từng con người đã hy sinh trên con đường tưởng chừng vô tận đó, đưa họ vào vĩnh cửu.
Ngôn từ hoành tráng, hình ảnh đẹp đẽ, tạo chất mạnh mẽ khoẻ khoắn. Giao hưởng không đồng hành với những cảm xúc uỷ mị, rên rỉ, ướt át. Đó là bài ca về sức mạnh tinh thần không gì khuất phục của con người. Khát khao chiến thắng định mệnh, chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng ngoại xâm, chiến thắng sự yếu đuối của con người… là nội dung của những bản giao hưởng nổi tiếng của nhân loại. Bức tranh đồ sộ hoành tráng của đời sống một dân tộc không thể mang chủ âm là buồn bã đau thương, mà bao giờ cũng là sự khẳng định, sức vươn lên của con người trước bao nhiêu thử thách, là sự hướng tới tương lai trong những niềm tin bất diệt. Vì thế, ngôn từ và hình ảnh của trường ca rất mạnh mẽ, khoẻ khoắn như những tình cảm trong sáng, mạnh mẽ của con người: Tình yêu em hoá thành cây lá đỏ; Trường Sơn thác bay trong mây, Đá tai mèo xô ngang ngực; Quân đi như gió rừng ngang dọc; Đất sáng trong như ngọn lửa dấu mình (Thanh Thảo). Lớp ngôn từ này tạo vẻ đẹp của âm chủ trường ca.
3. Tính phức điệu trong trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương
Trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương (1999), được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2000. Về nội dung và cảm hứng, Trầm tích là một khúc vĩ thanh của văn học sau 1975 viết về chiến tranh. Về nghệ thuật, Trầm tích đã có những thành công đáng ghi nhận: “Đây là một trường ca được viết bằng một thủ pháp nghệ thuật khúc chiết trong các cặp đối lập, nhưng đầy va đập ngôn từ, hình ảnh, lý trí, cảm xúc, với lối kết cấu đa tầng, đa thanh, đa nghĩa. Đây là lối kết cấu phức điệu của âm nhạc giao hưởng” [Nguyễn Trọng Tạo, 1], “Trầm tích hay bởi năm cái rất: Rất Nghệ, rất thật, rất lính, rất riêng và rất giao hưởng” [Nguyễn Thụy Kha, 2]
Trầm tích có lối kết cấu bề thế, hoành tráng về nội dung hiện thực. Tác phẩm có 19 chương với các nội dung khác nhau, nhưng tạo thành một nội dung thống nhất, mang tính chỉnh thể. Chương Nguồn cội kể về quê hương đói nghèo của tác giả. Chương Đất mật miêu tả những phong tục quê hương và kỷ niệm tuổi thơ. Chương Cật tre nói về sức mạnh bền bỉ của nhũng con người quê hương, nhất là những người mẹ. Chương Thóc giống: hình ảnh người mẹ nghèo mà đảm đang, nhân hậu… Chương Những viên đá lẻ là những lời khuyên của mẹ, như những viên đá, dù nhỏ, nhưng đã đặt nền móng cho con bước vào đời … Chương Đá đỏ: sự toả sáng về tinh thần của những con người quê hương dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống và chiến tranh… Tác phẩm, với 19 chương, đã thể hiện một dung lượng lớn về hiện thực: xứ Nghệ nghèo đói, cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn để tồn tại giữa một xứ sở thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh dữ dội, những bài học làm người…
Với kết cấu tầng tầng lớp lớp mang tính giao hưởng như thế về hiện thực, Trầm tích có nhiều chủ đề lớn. Chủ đề xuyên suốt tác phẩm: Sức sống kiên cường bền bỉ và phẩm chất ngời sáng của con người xứ Nghệ trong khó khăn gian khổ, chống chọi với thiên nhiên để tồn tại. Chủ đề thứ hai là xứ Nghệ trong hai cuộc kháng chiến. Khi có giặc ngoại xâm, con người sẵn sàng nhập vào với lửa để chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Những người mẹ sẵn sàng hy sinh những đứa con cho Tổ quốc. Chủ đề được lặp đi lặp lại: dù đói nghèo, lo toan vất vả, nhưng mảnh đất này vẫn không hề khuất phục, vẫn kiên cường đánh giặc. Chủ đề có tính chất kết tinh, lắng đọng thành chủ đề đẹp đẽ nhất, mang tính ám ảnh nhất là chủ đề về người mẹ, một người mẹ cực nhọc, chịu đựng hy sinh, nhưng vô cùng nhân hậu, mẹ phải đối mặt với các khó khăn của cuộc sống thường nhật để nuôi nấng một bầy con. Và những đứa con đó, chính là gia tài, là hy vọng của mẹ. Nhưng trong chiến tranh, mẹ đã không ngại ngần đưa đàn con ra trận. Đất nước yên hàn, mẹ lại cùng các con xây dựng lại nếp nhà, tiếp cho con niềm tin và sức mạnh hướng tới tương lai.
Những chủ đề lớn ấy được kết cấu dựa vào những sự kiện lớn của đất nước: chiến tranh, hoà bình, phát triển… Bên cạnh đó là những nhân vật vừa cụ thể vừa mang tính biểu trưng: người lính, tiêu biểu cho sức mạnh thời đại, người mẹ tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, người con gái tượng trưng cho tình yêu, thứ tình cảm êm dịu giúp con người trở nên nhân tính hơn, người con là hình ảnh của tương lai. Những nhân vật đó góp phần khẳng định sức mạnh của dân tộc từ ngọn nguồn quá khứ, đến hiện tại và tương lai.
Với những chủ đề lớn, những sự kiện và nhân vật mang tính chất tượng trưng, Trầm tích đã thể hiện được những vấn đề lớn lao, xứng đáng với tầm cỡ hiện thực dân tộc của một trường ca sử thi.
Những chủ đề phụ là những chủ đề góp phần làm nổi bật chủ đề chính. Ví như chủ đề về quê hương xứ Nghệ có các chương nói về tuổi thơ, phong tục, nếp sống, tình yêu như chươngBóng đa làng, Tảo mộ, Địa linh, Thành hoàng, Cấu trúc làng. Chủ đề về chiến tranh cóQuặng lửa, Mưa ốc đảo…. Xứ Nghệ sau chiến tranh có Hoàng hôn màu cỏ và Giao cảm phù sa. Những chủ đề phụ này tạo thành một hợp âm bổ sung và làm nổi bật chủ đề chính. Có những chủ đề được láy lại ở các chương sau, với tác dụng duy trì chủ đề, tạo nên sự xuyên suốt vững bền của các chủ đề chính trong tác phẩm. Sự góp mặt của nhiều chủ đề đã làm cho tác phẩm có một vóc dáng hoành tráng và cân đối.
Sự lặp lại và nâng cao chủ đề với những hình ảnh và môtíp nhắc lại: Một chủ đề lớn tạo thành một biểu tượng kết tinh sáng ngời là chủ đề về mẹ. Mẹ hiện lên như một người phụ nữ đầy vất vả, luôn lo toan vun vén cho gia dình (chương Nguồn cội). Nhưng không chỉ thế, mẹ còn là một phụ nữ can đảm, từng đối mặt với gió bão, lũ lụt: Bữa tôi chào đời trời rạch chớp xanh, Nước sông Lam đã trèo vào cổng, Treo vội con lên chạn, Mẹ xắn quần đi giành lại cái sanh đồng sứt quai, Theo nước lũ nhoài ra ngoài ngõ, Rồi một tay chắn gió, Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa, Nuôi tôi giữa nước và trời. Dù cuộc sống cơ hàn nhưng mẹ luôn dịu dàng, che chở và yêu thương những đứa con của mình (chương Cật tre). Mẹ là nơi che chở vững chãi nhất cho đàn con của mình: Những đêm trời lạnh, Mẹ lúi húi xâu đèn hạt bưởi, Thổi nùn rơm phù phù cho lửa rạng lên, Soi mặt chữ để cho con ngồi học, Rồi vác vồ đợi trăng lên ra đập đất ngoài đồng (chương Thóc giống).
Trong chiến tranh, mẹ lại gửi những đứa con ra trận, lặng lẽ chịu đựng mọi hy sinh, mất mát:Có phải cây cau vừa trổ gai, Níu mẹ lại khỏi ngã xoài xuống đất, Chiến tranh đi qua bàn tay lật, Hất vào mắt mẹ, Bóng tàn nhang (chương Những viên đá lẻ).
Và cuối cùng, hình ảnh đẹp đẽ nhất về mẹ đọng lại trong chương Đá đỏ: Mẹ là trầm tích của trái tim, Cho con biết cười biết khóc, Mẹ là mặt trời sớm mai vẫn mọc, Trong bếp nhà mình rồi ló rạng khắp sân; Con lặng soi hòn đá đỏ trên tay, Gặp sắc lửa những năm binh biến, Gặp dáng mẹ buồn lo khẩn nguyện.
Bên cạnh chủ đề về mẹ là chủ đề về một vùng đất khắc nghiệt, dữ dội: Chỉ có gió bão là tốt tươi như cỏ, Không ai gieo mọc trắng mặt người, Mưa xói trắng đỉnh đầu, Nước chảy đứt đuôi rắn, là cái đói cái nghèo, đói cùng đói kiệt, cái đói trần trụi và đau đớn qua những ám ảnh, những ký ức khủng khiếp: Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát, Tảng cháy cạy đi rồi, Còn hằn vết móng tay, Cày lên sưng cả đáy nồi; Đĩa rau lang như tầng núi xám; Đói khát chen nhau gầy rạc lời ru. Nhưng những con người vùng đất đó không gục ngã, họ vẫn kiên cường chịu đựng, bởi vì: Người xứ Nghệ có lửa, Tự thuở còn sơ sinh, Cho nên, Giữa mưa bào nắng phế, Lung linh vẫn giữ màu.
Sự kết hợp nhiều giọng điệu, nhiều bè cảm xúc khác nhau trong một chương và trong nhiều chương tạo nên tính phức điệu của các giọng điệu cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thụy? Kha nhận xét: Đọc Trầm tích có cảm giác đang nghe một giàn nhạc giao hưởng trình bày một tác phẩm giao hưởng với ngôn ngữ hiện đại. Trầm tích đã tập hợp nhiều giọng cảm xúc khác nhau. Giọng chung của tác phẩm là giọng trân trọng, thành kính, tự hào của một người con khi yêu thương và ngợi ca quê hương mình. Tình yêu đó trải đến cả cái vất vả, nghèo khó của quê hương qua lời xưng con và tiếng gọi tha thiết mẹ ơi: Mẹ ơi, Như con thuyền nhớ bến, Con nhớ về những đận truân chuyên.
Tuy vậy, ở mỗi đoạn, mỗi chương, lại có sự đổi giọng để phù hợp với những nội dung cụ thể. Ví như giọng buồn, chậm rãi đầy hoài niệm xót xa khi kể về tuổi thơ nhọc nhằn, đáp mình vào đất, một tuổi thơ luôn đói nghèo: Tháng mười trời chóng tối, Bờ ao tím rần túm lá lộc mưng, Lá lộc mưng trảy non chát ngòm cổ họng, Tôi bứt về nhà giúp mẹ thay cơm.
Biến cố chiến tranh đã làm giọng điệu chuyển sang một gam khác, bè khác: gấp gáp, dữ dội, cao trào: Những tháng năm ngốt xanh màu áo trận, Bụi đỏ vùi chột cả bóng tre; Đất bỏng dưới chân rồi, Anh nào dám phân vân.
Có lúc giọng chuyển sang nghẹn ngào, đau đớn: Con run run vuốt xuôi đôi mắt, Đồng đội con chưa kịp nhắm, Bỗng chạm phải một vệt sáng long lanh nóng bỏng, Nước mắt của chính mình bỏng rát trên môi.
Chiến tranh qua đi, người lính trở về, giọng điệu phù hợp là một giọng điệu lắng đọng, êm đềm, nhẹ nhàng, như một điệu thở ra: Cho con xin vỏn vẹn một ngày, Trải lá chuối khô lên xó vườn rậm cỏ, Nằm giang tay giang chân, Để nghe gió thì thào to nhỏ, Để dõi theo mây núi trắng ngần, Để nỗi nhớ lần về tận ngõ.
Nhưng cuộc sống hoà bình những năm đầu cũng đặc biệt khó khăn: Ngửa mặt va ngày, Mở mắt vấp đêm, với biết bao băng hoại của lòng người. Giọng trở nên tự suy ngẫm: Sông có phận sông, Người có cõi người.
Chương Đá đỏ là chương cao trào của tác phẩm, đầy khốc liệt, bởi đây cũng là cuộc đọ nhau giữa cái sống và cái chết, song không phải là cuộc sống chết đơn giản như ra trận mà là cuộc chiến với cái ác, cái bạo tàn, phi nhân của sự tồn tại. Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng “Đây là máu loang trên máu, là đỏ trùm lên đỏ, là những gì ngột ngạt nhất được đào bới, những vỉa tầng của suy nghĩ vón cục, của ký ức đầy sẹo” [3]. Giọng thơ ở chương này vừa quyết liệt vừa gai góc, khoẻ khoắn, cuồn cuộn như thác đổ, đó là dòng thác của cảm xúc: Đá đỏ kết tinh từ máu người, Cạnh đá sắc còn hằn nguyên vết chém, Dấu tích tháng năm buồn, Nghèo khó cắn xé nhau.
Ở chương Giao cảm phù sa giọng thơ chuyển sang tâm sự, đằm thắm, lắng đọng: Cha muốn nói với con về một chốn quê hương…; Thời của cha, Quá nửa ngập trong rừng…; Dằng dặc cả vạn ngày, Trái tim cha ngún cháy …
Chương Vốn và lãi là giọng cật vấn, day dứt và quyết liệt: Những ngày sống bây giờ, Dẫu là có phần lấm láp, Nhưng với con kể như là lãi; Lẽ ra thay cho tấm huân chương trên ngực, Là phiến đá xanh lạnh cứng bìa rừng; Món nợ này, Con biết trả sao?
Và chương cuối, Miền Trung, giọng thơ trở về mền mại hiền hoà: Miền Trung, Eo đất này thắt đáy lưng ong, Cho tình người đong mật, Em gắng về, Đừng để mẹ già mong…
Toàn bộ trường ca là một quá trình lịch sử của đất và con người xứ Nghệ, miền Trung. Giọng thơ là sự xen kẽ của nhiều giọng, như những bè nhạc khác nhau, biểu hiện những thăng trầm của dòng cảm xúc con người qua suốt một chặng đường dài lịch sử một vùng đất.
Sự đan xen, nâng cao và tập trung vào một giọng điệu chính (chủ âm): Có sự đan xen của rất nhiều cảm xúc: thương nhớ, xót xa, tiếng cười vô tư, ngỡ ngàng xúc động, đau đớn, bàng hoàng … Đó là những cung bậc cảm xúc lẫn lộn giữa niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc và bất hạnh, bình an và bất an, hạnh phúc và đau khổ, hoài niệm về quá khứ nhưng vẫn vững vàng trong hiện tại… Nhưng dù giọng điệu và cảm xúc có biến thiên thế nào thì giọng điệu chính, xuyên suốt, như một chủ âm vẫn là giọng ngợi ca, tự hào, ngưỡng vọng.
Những nghịch âm (sự tương phản chủ đề): Một trong những đặc trưng của tính phức điệu là sự nghịch âm (đối đề), trong trường ca có tính giao hưởng, những môtíp nghịch âm có vai trò tương phản làm nổi bật chủ đề chính. Nói đến bao nhiêu cái khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên, cuộc sống nghèo khó của con người vẫn chỉ là để nói đến ngợi ca sức sống bền bỉ, dũng cảm: Đói khát chen nhau gầy rạc lời ru; Mỗi khuôn mặt âm thầm quây quanh chiếc nồi rang; Suối đã nhỏ còn trườn ngang vách đá, Đất gan gà rỗ hoa, Vực xoáy sông sâu, Nỗi lo xoáy trắng đỉnh đầu, Đôi mắt xoáy trời sâu chín nẫu.
Nói cái vất vả gian nan để nói cái thanh thản của tâm hồn: Ngậm đắng nuốt cay, Không vay mướn tiếng cười, Mẹ dặn con những giọng cười đi mượn, Sớm muộn gì cũng phải trả người ta, Muối đã mặn đừng pha thêm nước mắt, Mồ hôi sẽ lọc mình tinh khiết, Và nụ cười trở lại sáng bờ môi.
Nói bao nhiêu mất mát hy sinh, bao nhiêu bất hạnh, xót đau cũng là để ngợi ca sự hy sinh quên mình. Nói bao nhiêu khó khăn của cuộc sống thời hậu chiến cũng là để ngợi ca sức sống quật cường, không bị sa ngã trước hoàn cảnh. Nói bao nhiêu cái nhếch nhác, nghèo hèn, cũng để ca ngợi mảnh đất có những con người ngời sáng, những trái tim đá đỏ đẹp đẽ, lung linh… Lựa chọn cách nói này tức đã mở ra tính đối thoại của trường ca, góp phần thể hiện chiều sâu của hiện thực.
Trong Trầm tích có hai loại hình ảnh ám ảnh mang tính chất đối lập:
Những hình ảnh dữ dội, khắc nghiệt: đó là những hình ảnh về một vùng đất khô cằn, dữ dội:Gió bão … nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen xì ngoài biển, Mưa giờ ngọ chưa qua, Gió giờ mùi đã đến. Cái đáng sợ nhất là những hình ảnh khủng khiếp ấy cứ trở đi trở lại, rình rập cuộc sống của con người nơi đây: Đất bỏng gió Lào, Trời tròng đại hạn, Bảnh mắt nắng nhuộm màu cá rán, Nghe mo nang lốp bốp nổ khắp làng; Bỗng dưng trời đất thâm sì, Lốc rừng dựng đứng, Giông bão ùa về lừng lững, Mây đặc trời, Tối bưng, Gió chém, Mưa đâm …
Bên cạnh đó lại là hình ảnh của một thiên nhiên đẹp đẽ đầy say mê mời gọi: Giai điệu của rừng, Giai điệu của sông, Gọi trăng vào đêm, Gọi nắng vào ngày; Xanh nghiêng đêm, Và thắm lệch ngày. Và đẹp nhất là hình ảnh con sông quê hương: Hình như sông cũng nằm mơ, Nửa đêm sóng cười trắng xoá, Hình như bến bờ đau đẻ, Khoắt khuya đất vật ùm ùm. Nghe được tiếng sông mơ, tiếng sóng cười, tiếng bến bờ trở dạ, là những phút lặng của hơi thở đất đai, phút sinh sôi của đất đai. Còn nữa, đó là một quê hương có những phút lặng thanh bình, có câu chuyện cổ tích của bà, tiếng trẻ học bài râm ran xóm nhỏ, tiếng gọi đò méo cả bến sông: Thanh thản làng quê mùa gặt hái, Rơm vàng đơm nắng trên đê, Rơm vàng nhảy lò cò với cỏ… Và hình ảnh cô thôn nữ: Em ngang qua chiều, Nắng thơm mùi rượu, Mát sông, Môi lửa, Gió lên đồng.
Đây chính là hai cực đối lập dữ dội và bình yên, khắc nghiệt và hiền lành, khoẻ khoắn và dịu dàng … Về hai cực này có người nhận xét: Đây là một trường ca viết bằng một thủ pháp nghệ thuật khúc chiết trong các cặp đối lập nhưng đầy va đập trong ngôn từ [4].
So với các nhà thơ trường ca khác như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Hoàng Trần Cương ít sử dụng những câu thơ dài, mà thường sử dụng một loại thơ ngắn. Sự gấp gáp, khoẻ khoắn của câu ngắn phù hợp với những cảm xúc mạnh mẽ: Mây đặc trời, Tối bưng, Gió chém, Mưa dầm.
Khi cảm xúc lắng xuống thì câu thơ dài ra, giọng thơ chậm rãi: Lại về với con mùa tằm ăm rỗi, Nong kén vàng rủ nắng vào đêm, Tiếng quay xa ươm tơ vào giấc ngủ, Tiếng bãi dâu rũ nước đợi trăng ngần.
***
Tính phức điệu và giao hưởng của Trầm tích đã góp phần diễn tả, mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực cũng như biểu hiện các cung bậc phong phú của cảm xúc. Phức điệu thể hiện ở kết cấu bề thế hoành tráng, ở tính nhiều chủ đề, tính đa giọng điệu. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã tâm sự rằng, ông có ý định viết một trường ca về mảnh đất và con người xứ Nghệ, nhưng sau khi đọc xong Trầm tích, ông đã từ bỏ ý định vì biết rằng mình không thể viết hay hơn Hoàng Trần Cương [5].
Tháng 6-2003
Lê Lưu Oanh- Phùng Thanh Tâm
(in trong Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2006)