Nghiên cứu khoa học

THẦN ĐIỆN Ở ĐÌNH THANH NGA: MỘT SỰ HỖN DUNG TÍN NGƯỠNG, LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA


06-09-2021

                                                                                                                             ThS. Lê Tùng Lâm

Đình Thanh Nga là một ngôi đình nằm trên địa bàn làng Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhìn từ bên ngoài, dễ dàng nhận thấy ngôi đình đã bị hư hại khá nhiều. Khuôn viên đình vốn trước kia rất rộng rãi giờ đây đã bị người dân lấn chiếm gần hết. Một số hoạt động tu sửa gần đây càng làm cho ngôi đình mất đi vẻ cổ kính, thâm u vốn có.

Về kiến trúc thì ngôi đình có thể chia làm ba phần chính: tiền tế, trung tế và hậu cung. Gian tiền tế hiện đặt ban thờ Tứ phủ công đồng. Trung tế đặt ban thờ tượng Hồ Chủ tịch. Còn trong hậu cung có đặt ba ban thờ. Ban thờ ở chính giữa hậu cung thờ thần Thành hoàng Gia Bác Dương Vũ và thần Độc Cước. Ban thờ bên trái thờ thần Ông Già Nuôi và thần Cao Sơn. Ban thờ bên phải thờ ba vị nữ thần là Từ Huệ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần, thần Phương Dung Gia Hạnh và thần Như Ý Trợ Thuận.

Hồ Chủ tịch và Tứ phủ công đồng chắc chắn là những vị thần mới được đưa vào thần điện. Trong những di văn còn được lưu trữ ở đây, tuyệt không có một từ nửa chữ nào nhắc đến các vị. Về Bác, người mới qua đời được vài chục năm, người dân Việt Nam cảm ân đức của người nên nhiều nơi đã lập đền thờ hoặc đưa người vào phối thờ trong những cơ sở thờ tự đã tồn tại từ trước. Còn Tứ phủ công đồng thì việc Mẫu hóa các cơ sở thờ tự đang diễn ra rất phổ biến trong thời gian gần đây. Tiếc là trong quá trình điền dã, chúng tôi chưa xác định được chính xác thời điểm Bác và Tứ phủ công đồng được đưa vào thờ tự. Theo lời kể của người dân thì xưa kia trong làng còn có một số cơ sở thờ tự khác nhưng giờ thì trừ đình Thanh Nga, tất cả đều đã tan thành tro bụi.

Với sự xuất hiện dày đặc của các vị thần trong thần điện, chúng ta có thể tin rằng một số vị thần trước kia vốn được thờ phụng ở nơi khác. Và cũng có những vị thần hiện giờ đã không còn được hưởng hương hỏa nhân gian. Sau những biến cố lịch sử mà đám hậu bối chỉ có thể thở than tiếc nuối, thần điện đình Thanh Nga đã được định hình với bộ mặt phức tạp như ngày nay, với nhiều vị thần đã lùi rất xa vào quá khứ. Việc tìm lại chân diện mục của những vị thần này hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Chúng tôi đã tiến hành tra cứu trong các bộ địa dư, địa chí được biên soạn khá công phu như Đồng Khánh địa dư chí, Gia Định thành thông chí, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí… nhưng không tìm được tư liệu nào có liên quan trực tiếp đến đình Thanh Nga. Hiển nhiên, theo quan điểm của các sử quan chính thống, nơi này không có gì nổi bật. Thế nên thật đáng ngạc nhiên khi di văn di vật ở đây dù đã bị tàn khuyết không ít, chúng ta vẫn tìm thấy được bản thần tích và đặc biệt là 47 sắc phong được ban liên tục từ thời Lê Trung hưng cho đến cuối Nguyễn. Điều này chứng tỏ rằng việc sưu tầm tư liệu Hán Nôm vẫn cần được tiến hành tích cực trước khi quá muộn.

Nội dung của 47 sắc phong đã đề cập đến 7 vị thần. Thời Lê chỉ có 5 vị thần được sắc phong là Gia Bác Dương Vũ Đại vương và vợ là Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà, Cao Sơn Đại vương và vợ là Phương Dung Gia Hạnh Từ bà, Dực Chính Đại vương tục gọi là Ông Già Nuôi. Sang thời Nguyễn xuất hiện thêm 2 vị thần: thần Độc Cước và Từ Huệ tôn thần. Theo tiêu chí niên đại, ta có thể chia những đạo sắc phong này thành hai phần: 21 đạo sắc phong được ban dưới triều Lê Trung hưng và 26 đạo sắc phong được ban dưới dưới triều Nguyễn.

Còn bản thần tích thì ngoài sắc phong ra còn ghi lại sự tích của các thần Ông Già Nuôi, Gia Bác Dương Vũ, Cao Sơn Đại Vương, Phương Nương và Hồng Nương. Bản thần tích tàn khuyết tuy không khả tín bằng sắc phong nhưng tích truyện về các vị thần được chép trong đây cũng tuân thủ theo những quy ước chung. Mở đầu tiểu truyện về các thần là phần đề mục với lời khẳng định được sao chép từ chính bản của Bộ Lễ, sau đó là hành trạng sự tích của chư vị, cuối cùng là những định lệ của việc thờ tự. Đặc biệt, sách còn cung cấp thông tin rằng Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà, Ông Già Nuôi đều được sắc phong nhiều lần, trong đó có những đạo sắc phong chưa tìm lại được. Chúng tôi sẽ lần lượt xử lý hai nhóm tư liệu này.

1. Sắc phong

Đến đây, chúng ta điểm lại vài nét về cách quản lý hệ thống thần linh của các triều đình phong kiến. Dựa theo hình mẫu văn hóa Trung Hoa, các triều đại Việt Nam đều coi đấng chí tôn Thiên tử nhận mệnh từ Trời để quản lý thiên hạ (vùng đất dưới gầm trời). Với trình độ khoa học kĩ thuật lạc hậu thời bấy giờ, họ chưa ý thức và chưa xác định được một cách rõ ràng về địa dư; chỉ có một ý niệm mơ hồ “mạc phi vương thổ”. Tất cả mọi thứ đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Thần dân dẫu tấc đất ngọn rau cũng là ơn vua phải báo, đến chết không thôi. Theo lý thuyết Nho gia, để xứng với quyền lực tuyệt đối như vậy, nhà vua phải là bậc “nội thánh ngoại vương” có đạo đức toàn mỹ. Được vậy thì thiên nhân cảm ứng, trời giáng điềm lành. Những điềm lành này khá đa dạng và phong phú. Để làm đẹp lòng thiên tử và phục vụ mục đích tuyên truyền thì những hiện tượng siêu nhiên “thiên nhân cảm ứng” này rất dễ được tô vẽ quá sự thực, thậm chí là ngụy tạo. Tệ nạn này khiến Ngô Sĩ Liên bức xúc: “Thời (Lý) Nhân Tông, sao các vật điềm lành nhiều đến thế? Là vì nhà vua thích, cho nên bề tôi dâng xằng mà thôi […]. Những chuyện như dấu về người thần, ánh sáng xá lỵ, cây ưu đàm nở hoa, tượng Phật cổ nổi lên đều do bọn nhà sư ra cả. Người cầm bút chép sử đương thời không xét lý lẽ, cứ theo thế mà chép vào sử sách”[1].

Hiển nhiên, nếu thần linh có thể phò trợ cho tính chính thống của vương triều thì cũng có thể bị lợi dụng làm những điều phi nghĩa, gây rối loạn xã hội: ”Gần đây có nhiều kẻ siểm nịnh thần kỳ, thành hoàng miếu vũ thì cửa ngăn nóc chồng, chạm xà vẽ cột, tế khí nghi trượng thì trang sức vàng bạc, màn tàn cờ quạt thì thêu thùa văn vẻ, tế xuân tế thu, vào đám hát xướng, nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì tám chín ngày đêm, chèo tuồng hát hỏng, thướng lèo vô số, ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc của. Ngoài ra lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò, lại kén lấy trai tơ gái trẻ, đánh cờ đánh bài, tiếng là thờ thần, thực để thỏa dục. Rồi lại bắt đóng góp, hao của tốn tiền”[2].

Do vậy, thần quyền là vấn đề triều đại nào cũng chú ý. Hiển nhiên, chính sách quản lý sẽ có sự thay đổi tùy theo từng giai đoạn. Do ủng hộ Phật giáo, Lý Công Uẩn đã phải hứng chịu lời chỉ trích gay gắt của sử gia đời sau: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, Tôn miếu chưa dựng, Xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ, và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng, thế thì tiêu phí của và sức dân về việc thổ mộc biết chừng nào mà kể? Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm hộ, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư!”[3].

Bên cạnh đó, hệ thống thần linh trên cả nước từ trung ương đến từng địa phương là một trong những đối tượng trọng điểm được triều đình chú ý. Theo thời gian, chính sách quản lý thần quyền ngày càng thống nhất và hoàn bị. Do niên đại còn chưa quá xa xôi, việc quản giám bách thần của triều Nguyễn còn để lại nhiều chứng tích rõ rệt nhất: “Tế tự được phân thành ba bậc: đại tự (tế Trời Đất và tôn miếu), trung tự (tế Khổng Tử, Tiên Nông, đế vương đời trước), quần tự (tế các thần kỳ được ghi chép trong điển lệ)”[4]. Các cơ sở thờ tự này được quy định chặt chẽ đến từng chi tiết về nhiều phương diện như kiến trúc, canh phòng, từng nghi thức trong lễ tế… Đình Thanh Nga tuy theo quy ước trên chỉ xếp vào dạng cơ sở thờ tự nhỏ nhưng những quy định cụ thể về kiêng húy, nghi lễ thờ cúng vẫn được ghi chép rõ ràng trong thần tích.

Trong đó, sắc phong là sự công nhận mang tính chính thống của triều đình. Thần linh dẫu có tài phép uy linh đến đâu cũng phải được/bị quản lý: “Tính đến năm 1852, triều đình ban tổng cộng là 13.069 sắc phong cho các thần kỳ trong cả nước”[5]. Các vị thần đã hoặc chưa được sắc phong trước đây đều được xem xét để tùy nghi gia giảm. Vị nào có công lao lớn với triều đình thì sẽ được phong thưởng bằng cách ban thêm mỹ tự, được thăng cấp… và ngược lại. Không chỉ loại trừ những vị thần của tử địch Tây Sơn, nhà Nguyễn còn thẳng tay xóa sổ những vị bị coi là tội đồ các triều đại trước như “loạn thần nhà Lý là Trần Thủ Độ, quyền thần là Đỗ Anh Vũ” để giữ vững kỉ cương[6]. Tuy quản lý chặt chẽ như vậy, 15 năm sau, năm Tự Đức thứ 20 (1867), công việc của triều đình vẫn còn rất ngổn ngang:”Danh sách kê các thần hiệu nhiều lần đã được phong là thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng tất cả hơn 3000 vị, chưa được phong là 7244 vị”[7]. Đó là do hệ thống thần linh được thờ phụng trên đất Việt cực kỳ phức tạp.

Điều này có thể thấy rõ trong trường hợp đình Thanh Nga. Trong các vị thần được thờ ở đây, thần Gia Bác Dương Vũ được sắc phong sớm nhất. Lần đầu tiên, thần được sắc phong thêm 2 mỹ tự năm Phúc Thái 4 (1646) dưới triều Lê Trung Hưng từ

嘉博揚武扶祚厚德至 仁聰明睿智大王

Gia Bác Dương Vũ Phù Tộ Hậu Đức Chí Nhân Thông Minh Duệ Trí Đại vương

thành

嘉博揚武扶祚厚德至仁聰明睿智肇謀佐辟大王

Gia Bác Dương Vũ Phù Tộ Hậu Đức Chí Nhân Thông Minh Duệ Trí Triệu Mưu Tá Tích Đại vương.

Đến năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), phong hiệu của thần đã trở nên quá dài dòng phức tạp

嘉博揚武扶祚厚德至仁聰明睿智肇謀佐辟宏休綏祿顯德豐功錫福集祥康民護國助勝濟治扶運濟世剛健中正純粹温恭寬厚慈祥聰明正直錫嘏綏慶揚靈顯應英威睿德渊聰博惠綏成弘毅迪哲綏猷大王

Gia Bác Dương Vũ Phù Tộ Hậu Đức Chí Nhân Thông Minh Duệ Trí Triệu Mưu Tá Tích Hoành  Hưu Tuy Lộc Hiển Đức Phong Công Tích Phúc Tập Tường Khang Dân Hộ Quốc Trợ Thắng Tế Trị Phù Vận Tế Thế Cương Kiện Trung Chính Thuần Túy Ôn Cung Khoan Hậu Từ Tường Thông Minh Chính Trực Tích Hỗ Tuy Khánh Dương Linh Hiển Ứng Anh Uy Duệ Đức Uyên Thông Bác Huệ Tuy Thành Hoằng Nghị Địch Triết Tuy Du Đại vương.

Tuy nhiên sang thời Nguyễn, mỹ tự trong phong hiệu của thần lại đã giảm đi đáng kể, chỉ còn: 偉烈英聲彰顯端肅翊保中興嘉博揚武尊神 Vĩ Liệt Anh Thanh Chương Hiển Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Gia Bác Dương Vũ tôn thần (Năm Khải Định thứ chín 1924). Đó hoàn toàn không phải sự trừng phạt của triều đình đối với thần linh. Do lâu ngày, phong hiệu của nhiều vị thần đã quá rườm rà phức tạp gây khó khăn cho việc quản lý nên nhà Nguyễn buộc phải tiến hành cải cách: bỏ đi phong hiệu của các triều đại trước và quy định mỹ tự theo nguồn gốc của các vị thần. Quy chế được ban hành thời Tự Đức như sau:

“Đối với bậc Thượng đẳng thần: Thiên thần tặng là Túy Mục, Thổ thần tặng là Hàm Quang, Sơn thần tặng là Túy Tĩnh, Thủy thần tặng là Doanh Hợp, Dương thần tặng là Trác Vĩ, Âm thần tặng là Trang Huy.

Đối với bậc Trung đẳng thần: Thiên thần tặng là Linh Thủy, Thổ thần tặng là Tĩnh Hậu, Sơn thần tặng là Củng Bạt, Thủy thần tặng là Uông Nhuận, Dương thần tặng là Quang Ý, Âm thần tặng là Trai Thục.

Đối với bậc Hạ đẳng thần: Thiên thần tặng là Thuần Chính, Thổ thần tặng là Đôn Ngưng, Sơn thần tặng là Tứ Ngự, Thủy thần tặng là Trừng Trạm , Dương thần tặng là Đoan Túc, Âm thần tặng là Lan Uyển”[8].

Được/bị quản lý chặt chẽ như vậy nên trách nhiệm của các thần cũng không phải nhỏ. Những đại lễ quan trọng nhất của triều đình đều cần được thần linh chứng giám để khẳng định tính chính danh và được ban phúc.

BẢNG THỐNG KÊ CÁC SẮC PHONG
ĐƯỢC BAN NHÂN DỊP ĐẠI LỄ CỦA TRIỀU ĐÌNH

 

STT

Các vị thần linh được phong tặng

Trách nhiệm/ công lao

Thời gian phong tặng

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Tăng thêm vương thọ

 Ngày 20 tháng 12 năm Phúc Thái 4 (1646).

 Theo ước tính của chúng tôi đó là năm Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng mừng thọ 70 tuổi.

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Sinh được hoàng tử

 Ngày 28 tháng 2 năm Phúc Thái thứ 7 (1649).

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Ngầm giúp binh uy, tiêu trừ giặc Mạc, thu lại đất đai, thành công thuận lợi

 Ngày 18 tháng 4 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670).

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Vì thần giúp rập chúa hiền kế thừa vương nghiệp, nắm quyền phủ chúa, tôn phò tông xã, củng cố cơ đồ

 Ngày 24 tháng 6 nhuận năm Chính Hòa thứ 4 (1683).

 Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn lên ngôi chúa năm 1682.

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Vì tự vương kế thừa ngôi chúa, nắm quyền phủ chúa, tôn phò tông xã, củng cố cơ đồ

 Ngày 10 tháng 8 năm Vĩnh Thịnh 6 (1710).

 Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương lên ngôi chúa năm 1709.

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Như trên

Như trên

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Ta nay rạng nhận truyền ngôi, tự vương cũng tiến lên ngôi chúa

 Ngày 10 tháng 12 năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730). Hôn Đức Công Lê Duy Phương lên ngôi vua từ 1729 đến 1732 nhưng sau đó bị chúa Trịnh bức tử.

Dụ Tổ Thuận Vương Trịnh Giang lên ngôi chúa năm 1729.

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Như trên

 Như trên

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Vì tự vương tiến lên ngôi chúa, nắm quyền phủ chúa, tôn phò tông xã, củng cố cơ đồ

 Ngày 24 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740).

 Nghị Tổ Ân Vương Trịnh Doanh lên ngôi chúa.

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Vì tự vương tiến lên ngôi chúa, nắm quyền phủ chúa, tôn phò tông xã, củng cố cơ đồ

 Ngày 8 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767).

 Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm lên ngôi chúa.

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Như trên

 Như trên

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Cung phụng xe vua tuần thú

Ngày 24 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771).

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Vâng ngự giá tuần du Thang ấp

 Ngày 24 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771).

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Vì tự vương tiến lên ngôi chúa, nắm quyền phủ chúa

Ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).

Đoan Nam Vương Trịnh Tông lên ngôi chúa năm 1782.

  1.  

Ông Già Nuôi Phụ Đức Dưỡng Chính Bảo Huệ Bật Hài Khuông Tích Hòa Trung Hoằng Tín Chiêu Nghĩa Đại vương

Vì tự vương tiến lên ngôi chúa, nắm quyền phủ chúa

Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).

Đoan Nam Vương Trịnh Tông lên ngôi chúa năm 1782.

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Như trên

Như trên

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Như trên

Như trên

  1.  

Cao Sơn Hiển Ứng Đại vương và Phương Dung Gia Hạnh Từ bà

Ngầm giúp hoàng gia khôi phục nghiệp lớn

Ngày 22 tháng 3 năm Chiêu Thống thứ 1 (1787).

  1.  

Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà

Như trên

Như trên

  1.  

Hiệu Linh Cao Sơn chi thần

Bản sắc này được ban hành ngày 24 tháng 3 năm Thiệu Trị 4 (1844) có nhắc đến việc phong tặng cho thần vào năm Minh Mệnh 21. Do không tìm được văn bản gốc nên phần trách nhiệm/ công lao của thần chúng tôi không ghi.

Đại khánh mừng thọ 50 tuổi của Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh.

Chúng tôi đoán là năm Minh Mệnh thứ 21(1840).

  1.  

Chương Huy Phương Anh Gia Hạnh chi thần

Như trên

Như trên

  1.  

Gia Bác Dương Vũ chi thần

Như trên

Như trên

  1.  

Chương Trinh Nhu Lương Trợ Thuận chi thần

Như trên

Như trên

  1.  

Cương Nghị Độc Cước chi thần

Như trên

Như trên

  1.  

Nhu Ý Trợ Thuận tôn thần, Phương Anh Gia Hạnh tôn thần

Giữ nước che chở cho dân, lâu nay tỏ rõ linh ứng

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) nhận dịp mừng thọ 40 tuổi của Khải Định.

  1.  

Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Đương Cảnh Thành Hoàng Dực Chính tôn thần

Như trên

Như trên

  1.  

Cương Nghị Siêu Dũng Cường Quả Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Độc Cước tôn thần

Như trên

Như trên

  1.  

Phu nhân Phò mã triều Lê Đô Chiêu Trạch, hiệu là Từ Huệ tôn thần

Như trên

Như trên

  1.  

(Cao) Sơn Thượng đẳng thần

Bản sắc phong này bị rách nhiều chỗ nên chúng tôi đoán là của thần Cao Sơn

Như trên

Như trên

  1.  

Gia Bác Dương Vũ tôn thần

Như trên

Như trên

Thời Lê Trung hưng, chúng ta thấy rõ sự tồn tại của phủ Chúa trong bộ máy triều đình. Tuy không có được chính danh, chỉ có thể tôn phò thiên tử mà cai trị thiên hạ nhưng trước sức hấp dẫn của việc được thần linh phù hộ, Chúa Trịnh đã không hề ngần ngại xé bỏ lớp màn lễ nghĩa. Trong bảng thống kê trên có nhiều đạo sắc được ban nhân dịp đại khánh của Chúa mà không nhắc đến vua Lê. Đặc biệt thời Đoan Nam Vương Trịnh Tông, chỉ trong 2 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7 năm Cảnh Hưng 44), Chúa đã ban liên tiếp hai đạo sắc phong cho Gia Bác Dương Vũ Đại vương và Nhu Ý Trợ Thuận Từ bà. Chỉ gia phong hai mỹ tự 綏成 Tuy Thành và 玄貺 Huyền Huống mà chúng ta có thể thấy rõ sự bất lực của Chúa Trịnh trước tình cảnh rối ren bấy giờ. Hay vua Chiêu Thống mới lên ngôi đã nhanh tay ban ngay hai đạo sắc để cầu thần linh phù trợ. Các triều đại dù suy vi như Chiêu Thống, Khải Định hay hùng cường như Minh Mệnh … cũng đều không thể bỏ qua nghi lễ quan trọng này.

2. Thần tích

Danh sách các vị thần nằm trong thần điện thì nhiều nhưng sự tích cụ thể về họ thì lại không có mấy. Không phải vị thần nào cũng xuất hiện trong thần tích. Vả lại, bút pháp trong bản thần tích mang đậm tính thần thánh hóa để nhấn mạnh sự ca tụng, kính ngưỡng nên chúng ta phải rất chừng mực khi xem xét những dữ liệu đã được ghi chép lại.

Dù tồn tại ở bất kỳ không gian, thời gian nào họ cũng được sinh ra trong gia đình nhiều phúc thiện với sự ra đời kỳ diệu và những tố chất phi thường – một cuộc đời hoàn mỹ, không tì vết. Ông Già Nuôi Dực Chính Đại vương được sinh ra trong gia đình hiếm muộn. Một đêm người mẹ nằm mơ thấy có ông lão dắt đứa bé đến nhà; tỉnh dậy liền mang thai. Sau khi sinh ra, cứ có gì không thanh tịnh là ngài không chịu bú. Thần Gia Bác Dương Vũ thì người mẹ giắt sợi lông của con trâu vàng đi trên mặt biển vào thắt lưng, sau đó mang thai 12 tháng mới sinh được. Ngài có tướng mạo phi thường, giọng nói vang như chuông lớn, trên bụng có điểm thất tinh. Còn Cao Sơn Đại vương ra đời sau giấc mộng ngọc tê, lớn lên thì văn võ toàn tài, thế gian ít có. Cuộc đời ngài còn xuất hiện hai nàng Phương nương và Hồng nương do Thiên đình phái xuống, tài sắc vẹn toàn, là thân gái mà xả thân giúp ngài dẹp giặc… Nói chung khi trưởng thành, các ngài đều có những đóng góp đáng kể cho dân cho nước, đặc biệt về mặt binh bị nên được dân chúng đời đời nhớ ơn. Cuối đời, dù có vị thì hóa với đủ loại hiện tượng linh dị, có vị thì qua đời bình yên song yếu tố thần thánh phi thường luôn gắn liền với cuộc đời họ.

Đi tìm nguồn gốc của các vị thần ở đây cũng không phải chuyện dễ dàng. Bác Hồ có thể xếp vào loại Nhân thần, với xuất phát điểm là một con người có thật, có nhiều công trạng, sau được người đời cảm ân đức mà đưa vào thờ tự. Còn việc phân loại thần nhân trong thần tích thì chúng ta cần phải rất thận trọng. Theo thần tích thì Cao Sơn Đại vương là Sơn thần, Ông Già Nuôi Dực Chính Đại vương và thần Gia Bác Dương Vũ được xếp vào loại Nhân thần. Thế nhưng sự ra đời và hóa của thần Gia Bác Dương Vũ lại gắn liền với yếu tố thủy. Mẹ của ngài sống bên bờ biển, bắt tôm bắt cá để kiếm ăn. Một hôm thấy con trâu vàng đi trên mặt biển, bà nhặt được sợi lông liền giắt vào thắt lưng, sau mới sinh được ra ngài. Sau này khi bình định được giặc Lương Nguyên, ngài được khen thưởng trọng hậu, khi đang mở yến tiệc khao quân thì có chuyện lạ xảy ra: “Giữa lúc mở tiệc ăn uống, tự nhiên chợt thấy trời có mưa to gió lớn, mây mù đen kịt, nước sông dâng trào, sóng lớn ầm ầm. Lại thấy một con giao long ngoằn ngoèo bò từ dưới nước lên vây quanh chỗ công ngồi, công theo đường thủy mà hóa vậy. Đó là ngày 17 tháng 5. Trong một khắc công hóa, nước tản đi, sóng lớn biến mất. Nhân dân cùng xem, chợt thấy trên bờ sông nổi lên một gò đất, hình như Kim tinh. Sau đó nhân dân bản trang nhân đó đặt tên là xứ Cồn Thần Hóa”. Tuy thần tích xếp ngài vào hạng Nhân thần nhưng có nhiều khả năng, ngài có nguồn gốc là một vị Thủy thần. Trong đạo sắc phong cho Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Đương Cảnh Thành Hoàng Dực Chính tôn thần (Ông Già Nuôi) năm Khải Định thứ chín, ngài được gia phong là Đôn Ngưng tôn thần. Theo quy chế mỹ tự của triều Nguyễn chúng tôi đã nhắc ở trên, có thể xếp ngài vào dạng Thổ thần. Nếu xét về độ khả tín của tư liệu thì sắc phong sẽ chiếm ưu thế, nhưng không phải là ưu thế tuyệt đối.

Trong đình còn có bài vị thờ của Tứ phủ công đồng. Đứng đầu Tứ phủ là bốn vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ (miền trời), Mẫu Địa cai quản Địa phủ (miền đất), Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ (miền sông biển) và Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ (miền rừng núi).

Riêng trường hợp vị thần Độc Cước thì tuy thần tích không nhắc đến nhưng chúng ta có thể tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác. Vị thần này được thờ ở nhiều nơi, riêng trong tỉnh Thanh Hóa theo thống kê có tới 52 điểm thờ tự[9]. Thần là một biểu tượng phức hợp của nhiều lớp văn hóa. Khởi nguyên từ hiện tượng vòi rồng có sức hủy diệt khủng khiếp và tín ngưỡng thờ mặt trăng[10], trí tưởng tượng dân gian đã thêu dệt nên một hệ thống truyền thuyết và thần tích khá phong phú về một vị thần có nhiều quyền năng vĩ đại. Tuy giữa các nhóm thần tích, truyền thuyết này có nhiều điểm dị biệt nhưng nổi bật hơn cả vẫn là hình ảnh vị anh hùng không tiếc hi sinh bản thân, tự chẻ mình ra làm đôi để bảo hộ cho dân chúng. Nhờ linh thiêng hiển ứng, ngài được dân chúng nhiều nơi kính ngưỡng, được triều đình ban tặng sắc phong. Trong đình Thanh Nga còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong thời Nguyễn được ban tặng cho thần Độc Cước.

Trong một diện tích thờ tự nhỏ hẹp nhưng chúng ta đã thấy được hình bóng của nhiều vị thần khác nhau. Điều này phản ánh sự đan xen, chồng lấn của nhiều cơ tầng văn hóa. Có những vị thần đã được sắc phong từ gần 400 năm trước, có những vị chỉ mới xuất hiện vài chục năm gần đây. Nguồn gốc của chư vị khó thể phân định rạch ròi và tuy có phẩm cấp, xuất thân khác nhau, họ vẫn cùng ngự trị hòa bình trên ban thờ của ngôi làng.

Kết luận

Thần điện làng Thanh Nga đã tồn tại hàng trăm năm, vượt qua biết bao thăng trầm lịch sử. Đình đã từng bị phá, di văn di vật bị tổn hại nặng nề nhưng mặc lòng, thần điện vẫn luôn hiện hữu trong tâm tưởng người dân. Khi chúng tôi đi điền dã, có người tự hào kể rằng đình làng rất linh thiêng, nhờ các vị thần phù hộ nên người làng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà may mắn không có ai phải hi sinh.

Điều này phần nào phản ánh thế giới tâm linh của người dân Thanh Nga nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Linh mục Cadière đưa ra ý kiến rất xác đáng: “Đời sống tôn giáo xã hội của mọi giai tầng người Việt đều đặt nền tảng trên một tín ngưỡng ghi sâu trong cảm thức của mình, đó là thần thánh ma quỷ có mặt khắp nơi. Họ vởn vơ trong không trung, lượn bay trong gió, trên đường đi nẻo bước hay lặn lội trên các dòng sông, giấu mình dưới nước sâu, vực thẳm hay các ao hồ tĩnh lặng. Họ chuộng những nơi núi thẳm Trường Sơn hay rừng sâu bóng tối. Mỏm cao, ghềnh nước hay chỉ một viên đá đều có thể là nơi trú ngụ của thần thánh… Nhưng những quỷ thần rải rác đâu đó trong thiên nhiên đâu phải là bất động. Họ trà trộn vào đời sống con người, ảnh hưởng đến từng số phận, liên kết với ta từ trong lòng mẹ cho đến khi chết và kể cả qua thế giới bên kia. Hạnh phúc hay bất hạnh của con người đều lệ thuộc vào đó, tử sinh đều từ đó mà ra”[11]. Với vô số những thế lực siêu hình tồn tại xung quanh mình, người dân sử dụng nhiều cách thức để mong nhận được sự phù hộ. Và hiển nhiên, các vị thần ngự trong đình làng là một trong những thế lực hùng mạnh nhất.

Rõ ràng, chế độ quân chủ thời phong kiến đã tiến hành can thiệp ráo riết trong việc thờ phụng thần linh nhằm khẳng định, củng cố hoàng quyền. Lễ hội là một hoạt động lớn có tính định kỳ có thể thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp trong xã hội. Qua đó, uy danh của triều đình sẽ hằn sâu thêm trong nếp nghĩ của chúng nhân; và người dân thì hân hoan khi những vị thần quen thuộc của mình được vinh danh, được khoác lên lớp áo vàng son trong những nghi lễ trang trọng của vương triều. Đa phần người dân không có nhu cầu tìm đến sự giải thoát hay những triết lý uyên thâm, họ chỉ ước mong được sống một cuộc đời trần tục đầy hạnh phúc. Không mấy khi nghi ngờ những tình tiết vô lý, những mô-típ cũ mèm mà thần tích vùng nào cũng có; họ chỉ đơn giản gửi gắm niềm tin “thiện phúc họa dâm”, để được trang nghiêm trong phần Lễ và đắm mình vui chơi trong ngày Hội. Đối với họ, đằng sau cái chết cũng không phải là sự kết thúc mà là một khởi đầu mới. Khi họ bước qua ranh giới giữa hai cõi âm dương là lúc họ đoàn tụ với ông bà tiên tổ, để cùng nhau lo âu chăm sóc cho đám cháu con còn đang lưu lạc chốn dương gian.

Dân chúng thờ phụng rất nhiều vị thần thánh. Dưới góc nhìn khoa học: có vị có nguồn gốc từ đời thực, có vị chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Và theo thời gian, các vị thần có thể có những bước chuyển mình “ngoạn mục”. Phải chăng trái ngược với những lễ nghi phong tặng nghiêm ngặt đầy toan tính chính trị của triều đình, người dân tin rằng chư vị với tấm lòng từ bi vô hạn sẽ không nề hà gì những tiểu tiết trong nghi lễ của phàm nhân; để rồi ngày đêm khắc khoải giữ gìn bình yên cho làng xóm? Không hẳn vị thần nào cũng có một lý lịch toàn mỹ nhưng một khi đã bước chân vào thần điện để hưởng sự cung phụng của nhân gian, họ đều được gột rửa những dấu tích của phàm trần, mang theo ánh hào quang chói lọi, để đồng lòng phù hộ cho dân, cho nước. Đây là sự hỗn dung tín ngưỡng, lịch sử, và văn hóa – nơi chư thần và dân chúng đồng lòng tạo nên những tín niệm thuần thành, vượt lên những giới hạn của khuôn khổ phàm trần và tồn tại mãi với thời gian.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, 2002 (Bộ 10 tập).

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, 2011.

3. Lường Thế Anh, Giải mã biểu tượng nhân vật thần Độc Cước trong truyền thuyết dân gian Thanh Hóa, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.

4. Vũ Thanh Bằng, Chế độ tế tự thần linh triều Nguyễn qua bộ Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2014.

5. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, 1995.

6. Nguyễn Duy Hinh, Một số bài viết về tôn giáo học, Nxb Khoa học Xã hội, 2007.

7. Võ Phương Lan, Thờ bách thần, thanh trừng thần linh thời vua Thiệu Trị, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2009.

8. Léopold Michel Cadière, Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, tập 1, Nxb Thuận Hóa, 2010.

9. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883), Nxb Chính trị Quốc gia, 2012.

10. Trần Đăng Sinh, Một số chính sách của các vua đầu triều Nguyễn đối với tín ngưỡng thờ thần ở làng xã Bắc Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, 2008.

11. Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức, Thần hóa và vương quyền qua bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2014.

12. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2010.

13. Nguyễn Mạnh Tiến, Sống đời của chợ, Nxb Hội nhà văn, 2017.

14. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006.

15. Trần Ngọc Vương, Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb Tri thức, 2010.

16. Trần Ngọc Vương, Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1995.

 

Bài viết được in trong sách Cụm di tích làng Thanh Nga, Thanh Hóa. GS.TS Trần Ngọc Vương chủ biên. NXB Thông tin & Truyền thông 2017., tr. 92 -107.

 

[1] Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền qua bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2014, tr. 105.

[2] Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, 2002, tập 1, tr. 586.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, 2011, tr. 160.

[4] Vũ Thanh Bằng, Chế độ tế tự thần linh triều Nguyễn qua bộ Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2014, tr. 94.

[5] Nguyễn Ngọc Quỳnh. Chính sách tôn giáo dưới thời Tự Đức. Nxb Chính trị Quốc gia, tr.140.

[6] Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục 2007, tập 6, tr. 903.

[7] Nguyễn Ngọc Quỳnh. Chính sách tôn giáo dưới thời Tự Đức, sđd, tr.141.

[8] Nguyễn Ngọc Quỳnh. Chính sách tôn giáo dưới thời Tự Đức, sđd, tr.139.

 

[9] Lường Thế Anh. Giải mã biểu tượng nhân vật thần Độc Cước trong truyền thuyết dân gian Thanh Hóa. Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008, tr. 1.

[10] Lường Thế Anh. Giải mã biểu tượng nhân vật thần Độc Cước trong truyền thuyết dân gian Thanh Hóa, tlđd, tr.110.

[11] Léopold Michel Cadière. Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt tập 1. Nxb Thuận Hóa, 2010, tr.25.

Post by: admin
06-09-2021