Lý lịch khoa học

PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH TRONG KHOA NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN


30-06-2024

 

So sánh (hoặc so sánh đối chiếu) là một thao tác nghiên cứu được dùng trong nhiều ngành khoa học khác nhau. Vai trò quan trọng ít hay nhiều của thao tác nghiên cứu này tùy thuộc vào đặc điểm bản chất của đối tượng ấy. Có những nhàn khoa học nếu không vận dụng phương pháp nghiên cứu so sánh thì không thể giải quyết nổi những vấn đề cơ bản phát sinh trong quá trình nghiên cứu đối tượng.

Khoa nghiên cứu văn học dân gian (folklore học) thuộc loại trường hợp này. Ở phương Tây, sự hình thành phương pháp nghiên cứu folklore học gắn liền với sự ra đời của bản thân ngành khoa học này. Ở Việt Nam, sự trưởng thành của khoa nghiên cứu văn hóa dân gian một phần quan trọng phụ thuộc vào nhận thức về ý nghĩa phương pháp luận cũng như cách vận dụng những nguyên tắc nghiên cứu so sánh đã từng được đề xuất trong folklore học thế giới.

Từ lâu, khi ghi chép các sự kiện văn hóa dân gian Việt Nam, các nhà Nho nước ta đã từng có những nhận xét so sánh. Chủ yếu đó là những nhận xét văn hoá dân gian Việt Nam với văn hóa dân gian Trung Hoa. Như nhận xét của Vũ Quỳnh và Kiều Phú về huyền thoại Việt Nam và Trung Hoa, nhận xét của Chu Giáp Đậu và Ưng Trình về ca dao Việt Nam và thơ ca dân gian Trung Hoa (trong Kinh Thi)….

Đó mới là những nhận xét so sánh mà các nhà Nho đưa ra cốt yếu để nêu lên ý thức tự hào dân tộc và trách nhiệm xây dựng nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh lịch sử - văn hóa Việt Nam thường xuyên có sự đụng độ và giao lưu văn hóa với các nước phát triển hơn, đặc biệt là với Trung Hoa và sau này với Pháp.

Trong giới khoa học Phương Tây từ Đại chiến thế giới lần thứ nhất trở về trước, thường thấy phổ biến loại ý kiến cho rằng văn hóa và văn minh của các cư dân khu vực Đông Nam Á không có gì là sáng tạo riêng của họ mà chỉ là vay mượn từ bên ngoài, trước hết là Trung Hoa và Ấn Độ. Những nhận xét so sánh về folklore Việt Nam của các nhà khoa học Pháp thời kỳ sau này do đó hướng về việc tìm ra mối quan hệ văn hóa Việt Nam – Trung Hoa hoặc Việt Nam – Ấn Độ. Nhà khảo cổ học, dân tộc học và phương Đông học người Pháp G.Dummoutier, trong các công trình nghiên cứu so sánh folklore học Trung Hoa – Việt Nam, đã cố gắng chỉ ra những dấu vết Trung Hoa đậm nét trong folklore Việt Nam. Nhiều người Pháp khi sưu tầm và giới thiệu truyện dân gian Việt Nam, đã đưa ra ý kiến khẳng định những hiện tượng vay mượn của folklore Việt Nam. Chẳng hạn về kiểu truyện Tấm Cám ở Việt Nam, Leclerc cho rằng truyện này chính là truyện Nêang Katoc ở Campuchia truyền sang ta; còn Ricquebourg thì cho rằng truyện này vốn từ Pháp đã qua các nhà truyền giáo Gia Tô mà du nhập vào Việt Nam… Theo lý thuyết về sự di chuyển cốt truyện thình hành ở Pháp và các nước Châu Âu khác hồi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thì hầu hết truyện dân gian của nhiều dân tộc là có nguồn gốc từ Ấn Độ và đã đi nhiều con đường khác nhau mà di truyền đi các nơi trên thế giới.

Các nhà khoa học Phương Tây khi khi bàn về văn hóa dân gian Việt Nam đã ít nhiều có ý thức về phương pháp so sánh như là một khoa học có những thao tác nghiên cứu và hệ nghiên cứu hình thành trong folklore học phương Tây từ đầu thế kỷ XIX. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc nghiên cứu văn hóa dân gian được coi như một ngành khoa học độc lập thì mới chỉ thực sự hình thành từ giữa thế kỷ XX.

Folklore học Việt Nam đã hình thành và phát triển từ một bộ phận quan trọng là văn học dân gian (còn gọi là ngữ văn dân gian hay còn gọi là folklore ngôn từ) nên lúc đầu phương pháp nghiên cứu văn học dân gian còn mang nặng truyền thống nghiên cứu văn học (tức văn học thành văn). Hầu như toàn bộ các phương pháp nghiên cứu của khoa học về văn học được đem áp dụng vào nghiên cứu văn học dân gian.

Tuy nhiên, ngay cả truyền thống nghiên cứu văn học còn đang giữ vai trò thống trị, thì thực tiễn nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam cũng đã từng buộc các nhà hoa học phải chú ý tới phương pháp so sánh.

Có thể lấy ví dụ cuộc trao đổi ý kiến về An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy do Viện Văn học và tập san Nghiên cứu văn học tổ chức vào những năm 60. Cuộc trao đổi ý kiến lúc đầu có mục đích chính là xác định tư tưởng chủ đề của câu chuyện dân gian này, một mục đích thuần túy trong khoa nghiên cứu văn học truyền thống. Song, trong quá trình diễn biến của cuộc trao đổi ý kiến, hầu hết những người tham gia đều đã đề cập đến một vấn đề quan trọng là vấn đề xác minh tài liệu, từ đó xác minh cốt truyện. Để giải quyết vấn đề này, người ta không thể chỉ dựa vào một văn bản (trước đây, thường được dựa vào để nghiên cứu là văn bản trong sách Lĩnh Nam chích quái, tức một văn bản thành văn) mà cần phải sưu tầm toàn diện các dị bản cốt truyện (dị bản thành văn và truyền miệng, dị bản ở địa phương gốc và dị bản phổ biến toàn quốc). Người ta đã nhấn mạnh vào sự cần thiết “phải ghi được nhiều bản kể ở nhiều nơi”, “càng so sánh đối chiếu được nhiều bản với nhau càng tốt…”.

Nhưng việc so sánh đối chiếu ấy đã được tiến hành như thế nào, và nhằm mục đích gì?

Trong cuộc trao đổi ý kiến trên, người ta có thể thấy khá phổ biến những ý kiến như sau đây về mục đích và cách áp dụng phương pháp nghiên cứu so sánh: “…phương hướng của chúng ta trong việc đánh giá cốt truyện cũng như xác minh tài liệu” là “tính chân thực, tính hiện thực mà hình tượng nghệ thuật đã khái quát và phản ánh các thời đại lịch sử như thế nào”, “chúng ta sẽ sưu tầm nghiên cứu ở nhiều truyện viết, truyện kể khác nhau để xác minh tình tiết, xác minh sự nhất quán về tính cách nhân vật”, “càng so sánh đối chiếu được nhiều bản càng tốt, miễn là phải theo sát tính cách nhân vật, giữ được sự trong sáng của hình tượng”, “đem đối chiếu, so sánh, thêm bớt, lập thành một cốt truyện thành văn tương đối hoàn chỉnh và chính xác nhất”…

Ngày nay, có thể dễ dàng nhận thấy những ý kiến như trên đây còn mang nặng truyền thống nghiên cứu văn học như thế nào, và phương pháp nghiên cứu so sánh ở đây ít ăn nhập với phương pháp nghiên cứu so sánh của folklore học như thế nào.

Như trên đã nói, phương pháp so sánh được coi là một phương pháp nghiên cứu của folklore học, với những thao tác nghiên cứu và hệ vấn đề nghiên cứu của , đã hình thành từ lâu.

Từ những thập niên đầu của thế kỷ XIX, anh em Grimm đã sớm phát hiện ra rằng những truyện cổ tích dân gian mà hai ông sưu tập được ở Đức rất giống truyện cổ tích dân gian ở những dân tộc khác. Vì vậy, ngay từ khi ấy người ta đã nhận thấy nếu không nghiên cứu so sánh thì không thể là một nhà folklore học thực sự.

Trong thế kỷ XIX, việc nghiên cứu so sánh văn hóa dân gian chủ yếu nhằm mục đích dựng lại quá khứ lịch sử. Đây là khuynh hướng chung của  khoa học thời đó. Trong lĩnh vực nghiên cứu của ngôn ngữ học, đã có những cố gắng kiên trì nhằm dựng lại cái mà các nhà ngôn ngữ học coi là ngôn ngữ gốc của các ngôn ngữ Ấn – Âu (a proto Indo – Eruopean language) ấy đã gợi cảm hứng khoa học cho các nhà folklore học: đến lượt mình các nhà folklore cũng đưa ra giả thiết về cái gọi là dạng thức ban đầu (Urform) của tất cả các truyền thống thần thoại và truyện cổ tích của các dân tộc Ấn – Âu. Phương pháp nghiên cứu trên đây yêu cầu một phương pháp nghiên cứu về bản chất là nghiên cứu so sánh. Người ta so sánh đối chiếu càng nhiều dị bản càng tốt (của một truyện dân gian hay một đơn vị folklore thuộc thể loại khác), càng nhiều nền văn hóa khác nhau càng tốt. Từ việc so sánh ấy người ta rút ra kết luận: dị bản nào của một đơn vị folklore (hoặc một yếu tố folklore) được phổ biến rộng rãi nhất thì sẽ được coi là dạng cổ xưa nhất (dạng thức ban đầu) của đơn vị hoặc yếu tố folklore đó. Về mặt lý thuyết, ở đây sự phân bố địa lý dược xem như một phạm trù lịch đại quan trọng. Đồng thời những bản ghi chép hoặc các tác phẩm văn học có chứa đựng folklore cũng được coi là những dữ liệu làm cơ sở lịch sử dùng để tìm kiếm các dạng thức cổ xưa của folklore. Sự phối hợp như vậy các phạm trù địa lý và lịch sử trong việc xác định dạng thức gốc hoặc quê hương gốc của đơn vị folklore đã khiến cho phương pháp nghiên cứu so sánh này có tên gọi là phương pháp địa lý – lịch sử, hoặc phương pháp Phần Lan (tức là phương pháp nghiên cứu so sánh của trường phái địa lý – lịch sử, còn gọi là trường phái Phần Lan).

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu quan tâm nhiều tới phương pháp so sánh, họ có biết đến cái phương pháp nghiên cứu so sánh folklore ấy không?

Căn cứ vào nguồn gốc đào tạo của những nhà nghiên cứu chủ chốt trong lĩnh vực folklore học ở Việt Nam khi ấy, như các ông Nguyễn Đổng Chi, Đinh Gia Khánh, Cao Huy Đỉnh… thì người ta có thể tin rằng phương pháp ấy không phải là xa lạ lắm. Vả lại trong các thư viện lớn ở Việt Nam khi đó, những nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu trẻ hơn lớp ở trên, có thể tìm đọc không ít công trình của các nhà folklore học Phương Tây, đặc biệt là các nhà folklore học Pháp, trong lĩnh vực nghiên cứu so sánh truyện dân gian, chẳng hạn những công trình của P.Saintyves, của E.Cosquin….

Các nhà nghiên cứu Việt Nam được kế thừa và tiếp xúc những thành tựu của phương pháp nghiên cứu so sánh trong folklore học phương Tây, trước hết ở phương diện sử dụng tài liệu so sánh. Phần khảo dị trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi giới thiệu rất nhiều cốt truyện và môtíp truyện cổ tích các dân tộc trên thế giới. Có điều tài liệu so sánh ấy ở đây không giới thiệu theo hệ thống phân loại về kiểu truyện và môtíp truyện dân gian như trong các bộ “sách tra cứu” nổi tiếng của Anti Aarne và Stith Thompson, những bộ sách từ lâu đã được coi là những công cụ nghiên cứu không thể thiếu đối với phương pháp so sánh.

Công trình nghiên cứu chuyên đề về kiểu truyện Tấm Cám của Đinh Gia Khánh đã dẫn ở trên có nhắc tới bộ “sách tra cứu” – công cụ nổi tiếng này… Phần quan trọng trong công trình của ông thực sự mang nội dung nghiên cứu so sánh. Tài liệu so sánh được ông sử dụng rất phong phú, bao gồm các tài liệu phương Tây từ cuối thế kỷ trước đến giữa thế kỷ này. Tài liệu so sánh ấy còn gồm nhiều dị bản mới thu thập được ở các dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở phân tích những tài liệu so sánh phong phú ấy, ông rút ra kết luận về nguồn gốc và đời sống lịch sử của truyện Tấm Cám nói riêng và của thể loại truyện cổ tích nói chung. Những kết luận ấy cho thấy tuy ông không phủ nhận hiện tượng vay mượn như là một bộ phận quan trọng tạo nên tính quốc tế của truyện cổ tích, nhưng điều mà ông muốn chứng minh và nhấn mạnh là tính đa dạng của kiểu truyện này biểu hiện trong các dị bản thuộc các môi trường văn hóa – lịch sử khác nhau (ông phân việt một dạng của truyện cổ tích Tấm Cám ở Đông Nam Á, và trong dạng này ông cố gắng phân biệt những biến dạng khác nhau ở từng dân tộc hoặc tộc người).

Về phương diện trên đây, công trình nghiên cứu của Đinh Gia Khánh đã góp phần đưa việc nghiên cứu folklore ở Việt Nam vào quỹ đạo chung của truyền thống nghiên cứu so sánh folklore học thế giới. Nhưng ông đã không dừng lại ở đấy. Từ bình diện nghiên cứu so sánh các dữ liệu lịch sử - văn hóa, ông chuyển sang bình diện phân tích “ý nghĩa văn học” của truyện Tấm Cám nói riếng và những “quy luật sáng tác văn học” trong truyện cổ tích nói chung. Ông sử dụng một số thuật ngữ trong truyền thống nghiên cứu văn học thành văn như “chủ đề”, “tình tiết” thay thế cho những thuật ngữ “cốt truyện”, “môtíp”, là những thuật ngữ mà các nhà folklore học đã quen dùng và dùng một cách hiệu quả trong nghiên cứu so sánh truyện dân gian. Ông cho rằng trong đời sống lịch sử của truyện cổ tích có hai xu hướng: lịch sử hóa và khái quát hóa. Ông coi xu hướng khái quát hóa là một xu hướng văn học và xu hướng này chiếm ưu thế, “vì truyện cổ tích trước hết là một tác phẩm văn học”, do đó “trong đại đa số trường hợp, quy luật sáng tác văn học đã phát huy tác dụng”. Và ông miêu tả bức tranh ngắn gọn về “quy luật sáng tác văn học” biểu hiện trong thể loại truyện cổ tích như sau: “Trong truyện cổ tích, sự khái quát hóa chỉ tiến hành dần trong quá trình lưu truyền. Thường thì cốt truyện đầu tiên bắt nguồn từ một sự việc xảy ra ở một địa phương nhất định có liên quan đến nhân vật có thực. Sự việc đó hấp dẫn sự chú ý của nhân dân vì những lý do nào đó, rồi được lưu truyền qua không gian và thời gian. Trong quá trình truyền khẩu đó, chung quanh cốt truyện nguyên thủy kia, dần dần có những chi tiết và tình tiết mới được bổ sung vào, thêu dệt thêm… Và dần dần thì phần hư cấu chiếm ưu thế so với cốt truyện nguyên thủy”.

Sự chuyển bình diện nghiên cứu so sánh trên đây của tác giả “Sơ bộ nghiên cứu…” cho ta thấy ông đã muốn đạt tới mục đích khoa học cuối cùng của mình từ cách tiếp cân của khoa học về văn học. Chính ở cách chuyển bình diện này đã phát sinh một vấn đề về phương pháp luận. Người ta có thể đặt câu hỏi: Việc miêu tả tính đa dạng của các môi trường lịch sử - văn hóa khác nhau đã đủ rút ra “ý nghĩa văn học” và “quy luật sáng tác văn học” truyện cổ tích như tác giả đã nêu lên hay chưa? Vai trò và khả năng và khả năng của phương pháp so sánh phải chăng chỉ có tác dụng bổ sung, điều chỉnh hoặc làm biến dạng phần nào bức tranh chung về quy luật sáng tạo văn học (rút ra từ nghiên cứu văn học thành văn) để chuyển nó thành bức tranh riêng về quy luật sáng tác văn học trong thể loại truyện cổ tích? Hay vai trò và khả năng của phương pháo nghiên cứu so sánh lớn hơn nhiều? Nói một cách khác, việc áp dụng phương pháp này có thể dẫn đến những thay đổi về nguyên tắc trong nhận thức đối với truyện cổ tích (hoặc đối với bất cứ hình thức folklore nào khác) như nhận thức về nguồn gốc, về đời sống lịch sử, về ý nghĩa và về những quy luật sáng tạo folklore nói chung... hay không?

Những tìm tòi ứng dụng và những thành tựu của phương pháp nghiên cứu so sánh trong folklore học trên thế giới đã cho ta câu trả lời lạc quan về vấn đề này.

 Chẳng hạn, từ cách tiếp cận truyện cổ tích như một thể loại của văn học truyền miệng, áp dụng phương pháp nghiên cứu so sánh để khảo sát kết cấu và sự biến đổi của những yếu tố của một truyện kể, có thể dựng lên những bức tranh về “quy luật sáng tác văn học” không phải như một hình thức phát sinh mà là khác về cơ bản với bức tranh chung về quy luật sáng tác văn học do các nhà nghiên cứu văn học thành văn cung cấp.

Năm 1990, qua một bài nghiên cứu nhan đề: Những quy luật sử thi của thể tự sự dân gian, nhà folklore học Đan Mạch A.Olrik đã cho ta một ví dụ về khả năng có thể dựng lên được loại những bức tranh như vậy. Thông qua nghiên cứu so sánh một lượng văn bản truyện kể, A.Olrik đã khảo sát những hiện tượng lặp lại trong một thể loại tự sự dân gian ở Bắc Âu có tên là Sage, từ đó cố gắng phác họa những quy luật cơ bản chi phối việc câu thành thể tự sự dân gian (sage là một thể loại liên kết trong bản thân nó nhiếu thể loại tự sự như truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, dân ca). Theo ông, những quy luật đó là: quy luật khai truyện và kết truyện (opening and closing), quy luật lặp lại (repetition), quy luật số ba (three), quy luật hai nhân vật cùng xuất hiện (two to scence), quy luật tương phản (contraste), quy luật cặp đôi (twin), quy luật đơn tuyến (single strand), và một số quy luật khác nữa. Olrik gọi đây là những quy luật vì “chúng hạn chế sự tự do tạo tác ở văn học truyền miệng vào một con đường chặt chẽ, khác với con đường của văn học thành văn”.

Công trình nổi tiếng của nhà folklore học Nga V.Ia.Prôp, nhan đề Hình thái học của truyện cổ tích thần kì, xuất bản lần đầu năm 1928, lại cho ta một thí dụ tuyệt vời khác về áp dụng phương pháp nghiên cứu so sánh đối với một thể loại văn học dân gian. Trong công trình này Prôp đã kết hợp phương pháp so sánh với phương pháp cấu trúc khảo sát các dạng thức và  những quy luật kết cấu của truyện cổ tích thần kì. Theo phương pháp nghiên cứu cấu trúc, thì các bộ phận phải được xem xét và nghiên cứu như các yếu tố của cái toàn thể… Mục đích của Prôp là nghiên cứu thể loại truyện cổ tích thần kì với tư cách là một chỉnh thể, một hệ thống. Do đó, thay vì cho cách nghiên cứu từng cốt truyện riêng rẽ như các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Phần Lan đã từng làm thì ông đã chọn cách nghiên cứu so sánh liên cốt truyện. Theo ông việc nghiên cứu so sánh liên cốt truyện như thế sẽ “mở ra những viễn cảnh lịch sử rộng lớn”, và ở trường hợp này đã cho phép nhà nghiên cứu dựng lên một sơ đồ cấu tạo thống nhất làm cơ sở cho truyện cổ tích thần kỳ, nghĩa là “một sơ đồ cấu tạo không tồn tại trong thực tế” nhưng “hiện thực hóa trong truyện kể dưới những hình thức hết sức khác nhau”. Để thưc hiện phương pháp nghiên cứu ấy, ông đã phải tiến hành một công việc to lớn: so sánh đối chiếu tỉ mỉ các tư liệu, đối chiếu so sánh và định nghĩa logic hàng trăm hàng nghìn trường hợp.

Các công trình trên đây của Prôp và Olrik, nếu như một mặt đã được đánh giá là thuộc số những công trình có đóng gớp quan trọng trong việc vận dụng phương pháp so sánh để để tìm hiểu những quy luật sáng tạo của folklore, thì mặt khác cũng thường bị coi như là những thí dụ tiêu biểu cho khuynh hướng hình thức chủ nghĩa trong nghiên cứu folklore. Theo những ý kiến phê phán như thế thì phương pháp nghiên cứu so sánh và nghiên cứu cấu trúc ở đây đã tách ra khỏi bối cảnh, đã nhấn mạnh vào yếu tố lore (sản phẩm sáng tạo) hơn là vao yếu tố folk (người sáng tạo), do đó dường như đã bảo vệ cho quan niệm về những quy luật tự nhiên điều chỉnh (the law of self – correction) của truyện dân gian nói riêng và folklore nói chung. Vì vậy, trong lĩnh vực này, dù cho những tìm tòi áp dụng phương pháp nghiên cứu so sánh có đa dạng và sâu sắc đến đâu chăng nữa thì cũng chưa phải là đã làm cạn kiệt hết khả năng của nó.

Và khả năng ấy đã tỏ ra rất phong phú khi phương pháp nghiên cứu so sánh được áp dụng không phải chỉ từ cách tiếp cận của của khoa học về văn học, mà còn từ cách tiếp cận của dân tộc học, của nhân học văn hóa (an thropologie culturelle).

Phương pháp nghiên cứu so sánh trong folklore từ cách tiếp cận dân tộc học vốn có quan hệ nguồn gốc với bản thân phương pháp nghiên cứu so sánh trong dân tộc học. Trong dân tộc học phương pháp này được coi như là con đẻ của thuyết tiến hóa.

Thuyết tiến hóa giả thiết mọi dân tộc đều trải qua một quá trình phát triển văn hóa từ trình độ dã man hay nguyên thủy (savagery), qua trình độ chưa có văn minh (barbarism), tới trình độ văn minh (civilisation). Theo các nhà dân tộc học chủ trương thuyết tiến hóa thì folklore là văn hóa của người bình dân “vô học” tuy sống trong xã hội “văn minh” những lại thuộc trình độ “chưa có văn hóa” (barbarism). Tầng lớp này tuy ở trình độ cao hơn trình độ của người “dã man”, “nguyên thủy” (savagery), song vẫn còn lưu giữ lại được trong văn hóa của mình những tàn dư của những người “dã man”, “nguyên thủy”. Bởi vì những người thuộc giai cấp có học, tầng lớp tinh hoa của xã hội văn minh (trong đó có các nhà dân tộc học, nhân học văn hóa và folklore học) hết sức quan tâm đến cội rễ của mình, nên họ tìm kiếm thu thập những truyền thống văn hóa của tầng lớp bình dân sống kề cận với họ. Những truyền thống ấy có thể đem đối chiếu so sánh với những dạng được coi là đầy đủ, toàn vẹn mà họ có thể tìm thấy trong văn hóa của các xã hội “dã man”, “nguyên thủy”. Thông qua việc so sánh, đối chiếu như vây, các nhà khoa học có thể tái hiện lịch sử nguồn gốc các nền văn hóa của các xã hội “có học”, “tinh hoa”, “văn minh”….

Năm 1984, nhà nhân học văn hóa và folklore học người Anh, A.Lang đã từng trình bày phương pháp nghiên cứu so sánh theo quan điểm tiến hóa luận ấy một cách chặt chẽ, rõ ràng trong một tiểu luận nhan đề Phương pháp nghiên cứu folklore (in trong cuốn Phong tục và huyền thoại). Ông viết: “Khi tìm thấy một phong tục tập quán có vẻ phi lí và khác thường, mà ăn khớp với toàn bộ lối sống và tư tưởng của dân tộc đó… Vì vậy, phương pháp so sánh những phong tục tập quán tương tự đang tồn tại trong xã hội không văn minh và vẫn còn giữ được ý nghĩa của chúng trong các xã hội ấy. Đối với việc so sánh như vậy thì không nhất thiết là các dân tộc văn minh và không văn minh phải có cùng một nguồn gốc hoặc đã từng có giao lưu văn hóa với nhau. Những điều kiện giống nhau về tinh thần sẽ làm sản sinh ra những tập quán giống nhau, không phụ thuộc vào việc các dân tộc có chung một nguồn gốc hay có sự vay mượn tư tưởng và lối sống của nhau hay không…”

Phương pháp nghiên cứu so sánh của các nhà dân tộc học và folklore học theo thuyết tiến hóa đã từng được coi như một thứ chìa khóa dùng để “giải mã” nhiều điều bí ẩn trong folklore các dân tộc. Về sau, khi các công trình dân tộc học nghiên cứu lịch sử và tỉ mỉ về từng nền văn hóa riêng rẽ làm bộc lộ những mặt ấu trĩ của lý thuyết tiến hóa đơn tuyến (unnilinear -   evolution), thì nhiều nhà khoa học đặt ra vấn đề về “ những giới hạn của phương pháp nghiên cứu so sánh trong dân tộc học”. Khi thuyết tương đối về sự phát triển văn hóa (cultural relativism) trở thành lý thuyết thống trị trong dân tộc học và nhân học văn hóa thì các nhà khoa học có khuynh hướng rời bỏ phương pháp nghiên cứu so sánh và tập trung vào việc nghiên cứu lịch sử - cụ thể và sâu sắc từng nên văn hóa riêng biệt vì họ cho rằng mỗi nền văn hóa riêng biệt là một đơn tử không thể so sánh được (a noncomparable monad).

Trong khi đó, các nhà khoa học folklore học vẫn tiếp tục coi phương pháp so sánh là một trong những phương pháp chủ chốt.

Nhà folklore học người Mỹ A.Dundes là một trong những nhà khoa học giữ vững quan điểm coi phương pháp so sánh là phương pháp có tầm quan trọng sống còn đối với folklore học. Ông đề nghị cần biết sử dụng nhiều thao tác khác nhau của từng phương pháp so sánh đã từng được thử nghiệm trong folklore học, và tìm cách khắc phục những mặt yếu và tính phiến diện của những phương pháp ấy. Theo ông, một trong những con đường khắc phục tính phiến diện ấy là quan niệm về kiểu sinh thái (oicotype). Nghiên cứu so sánh về một truyện dân gian hay về một dạng  thức folklore nào khác, hoàn toàn có thể từ đó rút ra được một kiểu sinh thái nhất định, tức là một dạng bản riêng biệt chỉ thuộc về một bối cảnh văn hóa riêng biệt. Những kiểu sinh thái như thế có thể cung cấp những đầu mối để “chốt lại” những đặc tính của nền văn hóa mà ta nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu so sánh như thế không những có khả năng phân biệt, nhận thức rõ được những mô hình của tính cách địa phương hoặc tính cách dân tộc, mà còn giúp ra hiểu rõ được cái cách folklore đã biến đổi như thế nào để thích ứng với môi trường.

Ở Nga, các nhà khoa học theo học thuyết Mác về lịch sử - văn hóa, trên có sở tiếp thu có phê phán những phương pháp nghiên cứu so sánh khác nhau trong dân tộc học. Và folklore học phương Tây, đã xây dựng những nguyên tắc cho một phương pháp nghiên cứu có tên là phương pháp nghiên cứu so sánh loại hình lịch sử. Một nhà khoa học Nga có uy tín là V.M.Girmunxki đã nêu lên ba bình diện của phương pháp ấy như sau:

1. Nghiên cứu so sánh lịch sử - cội nguồn nhằm khám phá sự giống nhau giữa các hiện tượng như là kết quả của sự phát sinh từ một chủng hệ và sau đó phân hóa theo những điều kiện lịch sử khác nhau.

2. Nghiên cứu so sánh loại hình lịch sử nhằm giải thích sự giống nhau của các hiện tượng cội nguồn từ những điều kiện giống nhau của sự phát triển xã hội.

3. Nghiên cứu so sánh nhằm xác lập những mối tác động ảnh hưởng hoặc di chuyển vùng văn hóa trên thế giới giữa những dân tộc có sự gần gũi về mặt lịch sử và những tiền đề phát triển xã hội.

Như vậy, phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn học dân gian có thể có nhiều dạng thức khác nhau tùy theo tính chất của những hiện tượng được dùng làm đơn vị so sánh (môtíp, cốt truyện, cấu trúc thể loại, mô hình văn hóa địa phương hoặc dân tộc…), tùy theo cấp độ và quy mô so sánh (giữa các địa phương, các dân tộc, các khu vực văn hóa – lịch sử), tùy theo mục đích của việc nghiên cứu so sánh (tìm hiểu ý nghĩa hoặc các lớp nghĩa của một đơn vị folklore, nghiên cứu nguồn gốc hay đời sống lịch sử hay quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau của folklore thuộc các nền văn hóa khác nhau), tùy theo cách tiếp cận (tiếp cận lịch đại hay tiếp cận đồng đại)….

Ở Việt Nam, gần đây các nhà khoa học ngày càng có ý thức tìm đến nhiều dạng khác nhau của phương pháp nghiên cứu so sánh để đào sâu và phát triển những giả thiết khoa học đã từng được sơ bộ nêu ra trong nghiên cứu folklore và văn hóa dân tộc nói chung.

Việc áp dụng phương pháp nghiên cứu so sánh như vậy không những đã bước đầu phát hiện ra nhiều lớp ý nghĩa phong phú của folklore Việt Nam, mà có khả năng điều chỉnh lại những nhận định, vốn được coi như là đã ổn định, song dưới ánh sáng của phương pháp nghiên cứu so sánh, lại có thể hóa ra là chủ quan, phiến diện….

 

(PGS. Chu Xuân Diên, Phương pháp so sánh trong khoa nghiên cứu văn học dân gian, Tạp chí Văn học, số 9, 1977, Hà Nội.)

Post by: Khoa Ngữ văn
30-06-2024