BỘ MÔN VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

BỘ MÔN VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

A. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ 

Cùng với quá trình hình thành nền đại học mới Việt Nam, Trường ĐHSPHN, Khoa Ngữ văn, bộ môn văn học Nước ngoài (VHNN) cũng được hình thành và phát triển theo những giai đoạn sau: 

1. Giai đoạn một (1951 – 1956): Nền móng

Bộ môn quan tâm đến vai trò của giáo dục trong công cuộc “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã rất quan tâm chỉ đạo xây dựng nền đại học, bước đầu là thành lập hai cơ sở đào tạo đại học, một ở Nam Ninh (Trung Quốc) và hai phân hiệu dự bị đại học ở hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, các cơ sở đại học trong kháng chiến được lệnh chuyển về tiếp quản trường Đại học Hà Nội tại đường Lê Thánh Tông. Lúc bấy giờ do số lượng giáo sư còn thiếu, nên ĐHSP và Đại học Tổng hợp (ĐHTH) còn học chung và mới chỉ có hai ngành chính là khoa học tự nhiên và văn khoa. Trong chương trình giảng dạy văn khoa, ngoài việc học văn học Việt Nam, thì nhu cầu cung cấp kiến thức văn học nước ngoài là không thể thiếu. Bước đầu đã hình thành ba phân môn của bộ môn Văn học nước ngoài: 

– Văn học Trung Quốc do giáo sư Đặng Thai Mai, thầy Phan Ngọc, thầy Hoàng Thiếu Sơn giảng dạy. 

– Văn học phương Tây do giáo sư Nguyễn Mạnh Tường giảng dạy.

– Văn học Nga - Xô viết do thầy Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Khánh Toàn giảng dạy. 

2. Giai đoạn hai (1957 – 1975): Tập hợp đội ngũ

Lần lượt các thầy giáo đến làm việc ở bộ môn Văn học nước ngoài và lại ra đi như dòng chảy cuộc sống không ngừng vận động. 

– Những năm 1956 - 1958, đầu tiên phải kể tới thầy Trương Chính (1916), nhà phê bình văn học, tác giả của cuốn Dưới mắt tôi viết năm 1939, ông có kiến thức uyên bác về văn hoá và văn học Trung Quốc và cũng là thành viên “Nhóm Lê Quý Đôn” về bộ môn. Sau đó là thầy Đỗ Đức Hiểu, người hiểu biết sâu sắc về văn học phương Tây. Tháng 8 năm 1957 có thêm một số cán bộ giảng dạy văn học nước ngoài vốn là sinh viên vừa tốt nghiệp được tuyển chọn: thầy Nguyễn Hải Hà, thầy Nguyễn Khắc Phi.

– Năm 1958 - 1959, Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp tách ra thành hai trường, hai cơ sở đào tạo. Vì vậy có sự phân công lại cán bộ giảng dạy. Một số giáo sư có tuổi đã về nghỉ, ngoài thầy Trương Chính ở lại bộ môn Văn học nước ngoài, Giáo sư Đặng Thai Mai sang làm Viện trưởng Viện Văn học, thầy Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Hải Hà (một năm sau thầy Hà lại chuyển sang khoa Văn ĐHSPHN) ở lại khoa Văn ĐHTHHN. Cũng dịp này, thầy Nguyễn Cửu Cúc trước đó phụ trách giáo vụ trường đã về giảng dạy văn học phương Tây ở bộ môn. Tiếp đó là các thế hệ sinh viên tốt nghiệp được tuyển chọn ở lại khoa và bộ môn Văn học nước ngoài: Lương Duy Trung (khoá 1956 - 1959), Hoàng Nhân (khoá 1957 - 1960). Đầu năm học 1960 - 1961 một số thầy được đào tạo đại học từ nước ngoài về công tác tại bộ môn, bao gồm thầy Trần Xuân Đề, Bùi Văn Ba từ Trung Quốc. Phan Hữu Nghệ (1961 - 1962) cũng từ Trung Quốc về. Thầy Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Ảnh từ Liên Xô về. Đặc biệt năm 1963 có phó tiến sĩ văn học nước ngoài đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô là thầy Nguyễn Đức Nam về tham gia công tác tại bộ môn.

Như vậy từ 1958 - 1965, bộ môn Văn học nước ngoài đã dần tập hợp được lực lượng các thầy giáo giỏi phục vụ giảng dạy cho cả ba phân môn, văn học Trung Quốc có thầy Trương Chính, Bùi Văn Ba, Trần Xuân Đề, Phan Hữu Nghệ; văn học phương Tây có thầy Nguyễn Cửu Cúc, Lương Duy Trung, Hoàng Nhân, Nguyễn Đức Nam và văn học Nga – Xô viết có thầy Nguyễn Hải Hà, Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Ảnh. Thầy Nguyễn Đức Nam là trưởng môn, thầy Trương Chính là phó trưởng môn. Từ 1965 - 1975, đây là thời kì đế quốc Mĩ leo thang đem máy bay đánh phá miền Bắc, các trường phải đi sơ tán, học tập đại học trong điều kiện hết sức khó khăn. Trong thời kì này khoa cũng tiếp nhận nhiều thầy cô giáo giỏi dạy ở cấp ba, hoặc công tác ở Bộ Giáo dục về công tác. Về bộ môn Văn học nước ngoài có cô Nguyễn Thị Hoàng (1965), Thái Thu Lan (1965), Đặng Anh Đào (1965). Thầy Lưu Đức Trung về từ Trung Quốc (1966). Thầy Phùng Văn Tửu chuyển từ Đại học Sư phạm Vinh ra (1969). Thầy Đỗ Đức Hiểu vốn là cán bộ khoa Văn ĐHTH, sau khi đi chuyên gia Trung Quốc về nước, cũng về bộ môn Văn học nước ngoài, khoa Ngữ văn ĐHSP, mấy năm sau mới trở lại ĐHTH. Năm học 1966 - 1967 cùng một số thầy cô khác của khoa, thầy Hoàng Nhân được điều về Đại học Sư phạm Việt Bắc, sau chuyển vào Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến trước 1975, nguồn bổ sung lớn nhất vẫn là các thế hệ sinh viên lần lượt qua các khoá. Bộ môn Văn học nước ngoài được tiếp nhận ba thầy cô giáo mới: Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Ngọc Hoàn, Đinh Việt Anh. Thầy Nguyễn Duy Bình, Ngô Xuân Anh về Đại học Sư phạm Vinh; thầy Nguyễn Cửu Cúc về trường ĐHSPNN, làm chủ nhiệm Khoa tiếng Anh. 

3. Giai đoạn ba (1975 – 2010): Phát triển chuyên môn

Đất nước thống nhất, trong niềm vui lớn lao sum họp của cả dân tộc, do nhu cầu tăng cường cán bộ giảng dạy, lại ở Thủ đô Hà Nội, Khoa Ngữ Văn nói chung và bộ môn Văn học nước ngoài nói riêng có điều kiện thuận lợi thu hút nhiều thầy cô giỏi về làm việc. Thầy Nguyễn Khắc Phi sau mấy chục năm từ khoa Văn ĐHTHHN vào dạy ở ĐHSP Vinh nay trở lại bộ môn Văn học nước ngoài (1975), Thầy Lương Duy Thứ từ khoa Văn ĐHSP Việt Bắc cũng về tham gia công tác ở bộ môn (1975). Cũng dịp này, khoa còn đón thêm một số giáo viên vốn là cán bộ giảng dạy khoa cấp II của trường ĐHSPHN đang giải thể, bộ môn được tiếp nhận thầy Nguyễn Hoàng Tuyên (1975). Tiếp đó bộ môn còn tiếp nhận ba giáo viên vốn là các sinh viên vừa tốt nghiệp: cô Vũ Thị Ngọc và cô Nguyễn Lan Hương về tổ trước 1970, cô Hà Thị Hoà (1976). Các cô Dương Quỳnh Như (1975), Phan Minh Châu (1975) từ Liên Xô về. Như vậy, cho tới cuối những năm 1970, bộ môn Văn học nước ngoài do PTS. Nguyễn Đức Nam làm trưởng môn với ba nhóm chuyên môn: 

♦ Nhóm văn học Trung Quốc: do thầy Bùi Trương Chính làm nhóm trưởng, gồm các thầy Trần Xuân Đề, Lưu Đức Trung, Lương Duy Thứ, Hồ Sĩ Hiệp, Đinh Việt Anh, Nguyễn Khắc Phi. 

♦ Nhóm văn học phương Tây: do thầy Lương Duy Trung làm nhóm trưởng, gồm các thầy Nguyễn Đức Nam, Hoàng Nhân, Phùng Văn Tửu, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Hoàng Tuyên và các cô Đặng Anh Đào, Thái Thu Lan, Nguyễn Thị Hoàng, Vũ Thị Ngọc. 

♦ Nhóm văn học Nga - Xô Viết: do thầy Nguyễn Hải Hà làm nhóm trưởng gồm các thầy Nguyễn Ngọc Ảnh, Đỗ Xuân Hà, và các cô Dương Quỳnh Như, Lâm Ngọc Hoàn, Nguyễn Lan Hương, Hà Thị Hoà, Phan Minh Châu. Ít năm sau, thầy Bùi Trương Chính và thầy Nguyễn Hải Hà được cử làm phó trưởng môn. Có thể nói đây là thời kỳ đạt tới đỉnh cao của bộ môn Văn học nước ngoài vì đã hội tụ về đây những gương mặt tiêu biểu, đã và sẽ là những chuyên gia đầu ngành nghiên cứu văn học nước ngoài ở Việt Nam. Do nhu cầu phát triển của ngành giáo dục, đặc biệt là hệ thống các trường Đại học Sư phạm phía nam, chia sẻ đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng là quy luật vận động tất yếu của cuộc sống. Năm 1978, thầy Trưởng môn Văn học nước ngoài Nguyễn Đức Nam được Bộ Giáo dục & Đào tạo điều động lên làm Phó ban Cải cách Sư phạm, sau làm Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục. Cùng với nhiều giáo viên của khoa Văn được điều động về xây dựng các trường đại học phía nam, đã có sáu thầy cô của bộ môn cũng ở trong danh sách này: Thầy Trần Xuân Đề, Hồ Sĩ Hiệp, Lương Duy Trung, cô Phan Minh Châu về trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cô Thái Thu Lan về trường ĐHTH Thành phố Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Hoàng về ĐHSP Huế. Từ năm 1980 - 2001, bộ môn Văn học Nước ngoài do thầy Nguyễn Hải Hà làm trưởng môn, thầy Phùng Văn Tửu làm phó trưởng môn. Trong thời gian này, bộ môn đã tiếp nhận một số sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ xin về công tác tại tổ: cô Trần Thu Dung, thầy Lê Tuấn Anh (1985), cô Phan Thu Hiền (1991), cô Phạm Hải Anh (1992), thầy Lê Nguyên Cẩn (1994), thầy Trần Lê Bảo (1994), cô Thành Đức Hồng Hà (1996), thầy Đỗ Hải Phong (1997), thầy Lê Huy Bắc (1998), cô Nguyễn Linh Chi, cô Nguyễn Thị Từ Huy (2000), cô Nguyễn Thị Diệu Linh và Trần Thị Thu Hương năm 2001, cô Nguyễn Thị Mai Liên (2002). Cũng trong giai đoạn này, một số thầy cô chuyển đi nơi khác hoặc về hưu như: Trần Thu Dung, Phạm Hải Anh, Phan Thu Hiền, Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ (chuyển đi công tác khác), Lê Tuấn Anh (nghiên cứu sinh mất ở Nga), Đinh Việt Anh (ốm mất), các thầy cô về hưu: Lưu Đức Trung, Đặng Anh Đào, Nguyễn Hoàng Tuyên, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Hải Hà. 

Từ cuối năm 2001 tới 2006, bộ môn Văn học Nước ngoài do PGS.TS. Trần Lê Bảo làm trưởng môn, PGS.TS. Hà Thị Hoà làm phó trưởng môn. Từ cuối 2006 đến 2009, PGS.TS. Đỗ Hải Phong làm trưởng môn. TS. Nguyễn Thị Mai Liên làm phó trưởng môn. PGS.TS. Trần Lê Bảo về hưu. Tháng 10 năm 2009, sau khi PGS. TS. Đỗ Hải Phong được bầu làm phó trưởng khoa, vị trí trưởng môn do PGS. TS. Lê Huy Bắc đảm nhận, TS. Nguyễn Thị Mai Liên làm phó trưởng môn. 

4. Giai đoạn bốn (2011 – 2016): Vươn ra quốc tế

Đây là giai đoạn bộ môn Văn học nước ngoài phát triển lên đỉnh cao mới. Bộ môn chuyển hướng nghiên cứu từ lịch sử văn học và thi pháp học sang chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học và kí hiệu học. Với đội ngũ giảng viên (10 người) có chất lượng bậc nhất Việt Nam mà không bộ môn thuộc ngành xã hội nào có thể sánh được kể về học hàm học vị: 01 giáo sư, 05 phó giáo sư, 04 tiến sĩ. Độ tuổi bình quân là 45. Phương châm hoạt động của bộ môn là hướng ngoại, vươn ra quốc tế qua nỗ lực tham dự hội thảo quốc tế được tổ chức bên ngoài Việt Nam và đăng bài quốc tế. Thời gian qua giảng viên bộ môn đã có 10 lượt tham dự hội thảo quốc tế và 10 công trình được đăng tải tại các kỉ yếu hội nghị quốc tế và tạp chí nước ngoài (Úc, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc). Bộ môn chủ trì trên 10 đề tài cấp Bộ và cấp Nhà Nước. GS.TS. Lê Huy Bắc được phong GS vào năm 2013, là giáo sư trẻ nhất ngành Ngữ văn ở Việt Nam (45 tuổi). Năm 2012, PGS.TS. Đỗ Hải Phong được bầu làm Trưởng khoa Ngữ văn, là một trong hai Trưởng khoa trẻ nhất trong truyền thống chủ nhiệm khoa Ngữ văn (năm 45 tuổi). Sau khi bảo vệ tiến sĩ từ Pháp về nước, TS. Nguyễn Thị Từ Huy đã chuyển công tác vào trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM. Năm 2009, bộ môn đã tiếp nhận TS. Nguyễn Thị Mai Chanh chuyển công tác từ Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên về. Hiện nay, bộ môn được chia làm 3 nhóm: 

♦ Nhóm văn học Châu Á: PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên kiêm nhóm trưởng, gồm PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh, TS. Trần Thị Thu Hương. 

♦ Nhóm văn học Âu – Mỹ: GS.TS. Lê Huy Bắc kiêm nhóm trưởng, gồm PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn, TS. Nguyễn Linh Chi. 

♦ Nhóm văn học Nga – Đông Âu: PGS.TS. Đỗ Hải Phong kiêm nhóm trưởng, gồm PGS.TS. Hà Thị Hoà, TS. Thành Đức Hồng Hà. PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh được bầu làm Chủ tịch công đoàn Khoa và Ủy viên Ban chấp hành công đoàn Trường. 

Bộ môn Văn học nước ngoài hiện tại có 10 thầy cô, tuy số lượng chưa đông, nhưng nói chung đều được đào tạo cẩn thận, đầy đủ, đặc biệt nhiều thầy cô giáo trẻ hăng hái, năng động, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin và các hướng nghiên cứu mới của thế giới như Hậu hiện đại, Văn học so sánh, Phê bình sinh thái, Kí hiệu học... Toàn thể giảng viên của bộ môn đều cố gắng học tập, tăng cường nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bộ môn Văn học nước ngoài có 4 thầy cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú: GS. Nguyễn Hải Hà, GS. Phùng Văn Tửu, PGS.TS. Đặng Anh Đào, PGS. Lưu Đức Trung.

5. Từ 2017 – nay, nhân sự của bộ môn có thêm những thay đổi.

Sau khi GS.TS. Lê Huy Bắc chuyển sang công tác tại Khoa Việt Nam học, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên được bầu làm Trưởng bộ môn. PGS. TS. Thành Đức Hồng Hà được bầu làm Phó trưởng bộ môn.  PGS. TS. Lê Nguyên Cẩn nghỉ hưu năm 2017. Năm 2018, TS. Nguyễn Linh Chi và TS. Thành Đức Hồng Hà được phong học hàm PGS. Số lượng thành viên của tổ hiện nay chỉ còn 7 chia thành ba phân môn: PGS.TS. Đỗ Hải Phong, PGS.TS. Thành Đức Hồng Hà (Văn học Nga); PGS.TS. Nguyễn Linh Chi (Văn học Phương Tây); PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên, TS. Trần Thị Thu Hương, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh (Văn học Phương Đông). Mặc dù số giảng viên rất ít, lượng công việc hàng năm lại rất lớn nhưng bộ môn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài công việc giảng dạy các hệ đại học chính quy, đại học vừa học vừa làm, cao học, nghiên cứu sinh… các cán bộ bộ môn còn đảm nhiệm những công việc khác như: PGS.TS. Đỗ Hải Phong làm Trưởng Khoa từ nhiệm kì 1 (2012 - 2017), đến nay tiếp tục đảm nhiệm công việc nhiệm kì hai (2017-2022) kiêm Bí thư Đảng uỷ Khoa nhiệm kì thứ hai. PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh tiếp tục công tác Chủ tịch Công đoàn Khoa Ngữ văn, Ủy viên Ban Thường vụ và Ban chấp hành công đoàn Trường nhiệm kì 2014 - 2019. PGS.TS. Thành Đức Hồng Hà sau khi hoàn thành nhiệm vụ Phó Chủ tịch Công đoàn Khoa Ngữ văn nhiệm kì 1 từ 2014 – 2019, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ nhiệm kì 2 (2019 - 2024). TS. Trần Thị Thu Hương là Trợ lí Sau Đại học từ năm 2020, PGS.TS. Nguyễn Linh Chi, PGS.TS. Thành Đức Hồng Hà, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên, TS. Trần Thị Thu Hương, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh tiếp tục đảm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, đến năm học 2018 - 2019 thì thay bằng nhiệm vụ cố vấn học tập cho sinh viên các khóa từ năm học 2019 – 2020 đến nay… 

 

B. ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 

1.Đào tạo

Công tác đào tạo Giảng viên của bộ môn Văn học nước ngoài đã góp sức cùng giảng viên khoa Ngữ văn đào tạo hàng chục ngàn giáo viên văn học có trình độ cử nhân cho các trường phổ thông với đủ các hệ 3 năm, 4 năm, 5 năm. Lớp đại trà và cả lớp chất lượng cao. Đào tạo hệ cử tuyển, văn bằng hai, đào tạo sinh viên nước ngoài, lưỡng quốc cử nhân… Bộ môn cũng góp phần đào tạo hàng chục ngàn cử nhân văn học và cử nhân các ngành khác trong trường, với các hệ đào tạo ngoài trường: chuyên tu, tại chức, từ xa, được đặt trên nhiều tỉnh khắp cả nước. Với số lượng 10 giảng viên, các thầy cô trong bộ môn phải hết sức cố gắng, để hoàn thành khối lượng đào tạo đủ các hệ trong và ngoài trường như hiện nay. Bình quân số giờ giảng chuyên môn của bộ môn (tính cả dạy chuyên đề và hướng dẫn) ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là hơn 700 tiết/1 năm; số tiết nghiên cứu khoa học theo quy đổi hiện hành (năm 2016) bình quân mỗi cán bộ là trên 500 tiết/1 năm. Mặc dù khối lượng công việc quá lớn, nhưng không vì thế mà chất lượng giờ giảng trên lớp bị coi nhẹ. Đã có nhiều giờ giảng của các thầy cô trong bộ môn không những tạo được hứng thú học tập và nghiên cứu của sinh viên khoa Ngữ văn mà còn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng sinh viên. 

Bộ môn luôn nhận được số lượng sinh viên đông đảo có nguyện vọng được các thầy cô trong bộ môn hướng dẫn làm bài tập nghiên cứu khoa học và luận văn tốt nghiệp. 

Đào tạo sau đại học cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các thầy cô giáo trong bộ môn. Bộ môn đã đào tạo được hơn 500 thạc sĩ, 50 tiến sĩ Văn học nước ngoài cho trường ta và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Các thầy cô giáo được phân công giảng dạy cao học đã chuẩn bị đầy đủ các chuyên đề khoa học, gồm 02 chuyên đề chung cho cả khoa (Kí hiệu học văn học và Mĩ học phương Tây), 03 chuyên đề chung cho phần Văn học nước ngoài, 9 chuyên đề cho ba phân ngành Văn học châu Á, văn học phương Âu - Mỹ và văn học Nga – Đông Âu. Hiện nay đảm nhận việc hướng dẫn thạc sĩ và tiến sĩ, bộ môn có 1 GS: Lê Huy Bắc (Văn học Âu - Mỹ và Nhật Bản); 5 PGS.TS: Đỗ Hải Phong (Văn học Nga – Đông Âu), Lê Nguyên Cẩn (Văn học Âu - Mỹ), Hà Thị Hoà (Văn học Nga – Đông Âu); Nguyễn Thị Mai Chanh (Văn học châu Á) và Nguyễn Thị Mai Liên (Văn học châu Á); 04 TS: Nguyễn Linh Chi (Văn học Âu - Mỹ), Thành Đức Hồng Hà (Văn học Nga – Đông Âu), Nguyễn Thị Diệu Linh (Văn học châu Á), Trần Thị Thu Hương (Văn học châu Á). Ngoài ra còn 2 GS, 3 PGS đã nghỉ hưu vẫn nhiệt tâm đào tạo thế hệ trẻ: GS. Nguyễn Hải Hà (Văn học Nga – Đông Âu), GS. Phùng Văn Tửu (Văn học Âu - Mỹ), PGS.TS. Đặng Anh Đào (Văn học Âu - Mỹ), PGS.TS. Trần Lê Bảo (Văn học châu Á). Quá trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cũng được bộ môn tuân thủ nghiêm túc. Để đảm bảo định hướng và nâng cao chất lượng của luận văn và luận án, những buổi bảo vệ đề tài luận văn và luận án trước bộ môn là việc làm thường xuyên trong tiến trình đào tạo sau đại học. Những góp ý nghiêm túc thẳng thắn và xác đáng của các chuyên gia trong bộ môn về đề tài hết sức bổ ích chẳng những cho người thực hiện đề tài, người hướng dẫn mà còn cho cả những người nghe, nhất là cán bộ trẻ. 

2. Nghiên cứu khoa học 

Nghiên cứu khoa học và đào tạo là hai nhiệm vụ quan trọng, có tác động tương hỗ đối với việc nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn một giảng viên ở bậc đại học. Muốn giảng dạy tốt thì phải nghiên cứu khoa học, ngược lại nghiên cứu khoa học tiếp cận được nhiều thông tin mới, kiến thức mới, phương pháp mới chính là để phục vụ giảng dạy tốt hơn. Lâu nay, với cán bộ giảng dạy văn học nước ngoài mỗi người đều phải tự trang bị cho mình một ngoại ngữ thích hợp để có thể sử dụng nghiên cứu nền văn học mà mình được phân công giảng dạy. Đây là nhu cầu và cũng là thực tiễn nghiêm ngặt ở bộ môn Văn học nước ngoài. Hàng loạt cải tiến giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã được tiến hành tại bộ môn trong mấy chục năm qua. Những năm 60 thế kỉ trước: 

– Seminar hoá một số bài giảng và thực hành sân khấu hoá một số trích đoạn tác phẩm văn học nước ngoài: kịch Đậu Nga oan, Tây sương ký, AQ chính truyện, Lôi Vũ, Romeo và Juliet, Những linh hồn chết, Eugenie Grandet… đã tạo ra sự say mê hứng thú của nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn. 

– Giảng dạy tác phẩm tự sự theo lối tiếp cận tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Đứng vững trên lập trường dân tộc, làm chủ kho tàng văn học thế giới. Những năm 70 thế kỉ trước.

– Tìm hiểu lý luận về chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế giới. Tổ chức hội thảo toàn quốc. 

– Giảng dạy theo phương pháp chương trình hoá và cá thể hoá. Hướng dẫn sinh viên làm bài tập nghiên cứu. Những năm 80 thế kỉ trước. 

Bộ môn nêu ra phương châm: chống xã hội học dung tục, chống chủ nghĩa hình thức, giúp người học khám phá và rung động trước các giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học thế giới. Phương châm này đã được toàn thể cán bộ trong bộ môn nhất trí hưởng ứng vận dụng hết sức hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng bài giảng. Phương châm này cũng chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa dạy văn Phổ thông Trung học, biên soạn giáo trình Đại học và viết các công trình nghiên cứu. Phương châm này cũng chỉ đạo việc lựa chọn đề tài luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ.

Những năm 90 thế kỉ trước tới nay: Phương châm chống xã hội học dung tục… được toàn thể giảng viên trong bộ môn tuân thủ kiên trì giữ gìn hơn 20 năm nay. Tuy nhiên cũng còn nhiều trường phái, phương pháp tiếp cận khác cũng có hiệu quả trong cách tiếp cận tác phẩm văn học nước ngoài được các thầy cô giáo trong tổ khai thác vận dụng như: thi pháp học, văn học so sánh, giải mã văn học từ mã văn hoá, hậu hiện đại, kí hiệu học… Một loạt hội thảo khoa học có tầm cỡ quốc gia được giảng viên trong bộ môn đứng ra tổ chức: Hội thảo về Balzac, Hemingway, Hugo, Lỗ Tấn, Kawabata, Gogol... Đặc biệt một số hội thảo khoa học có sự tham gia của người nước ngoài. Hội thảo khoa học về Chekhov trong nhà trường PTTH và ĐH ở Việt Nam có sự tham gia của đại diện sứ quán Nga tại Việt Nam (12 – 2004), có tập kỷ yếu hội thảo. Hội thảo khoa học 400 năm Don Quixote có sự kết hợp và tài trợ của Đại sứ quán Tây Ban Nha, Viện Cervantes và bộ môn Văn học nước ngoài (4 – 2005). Đại sứ Tây Ban Nha đã in tập kỉ yếu hội thảo chọn lọc bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Tây Ban Nha. Tháng 4 – 2006, giảng viên trong bộ môn lại tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia về Văn học kì ảo với trên 70 báo cáo được gửi về từ các trường đại học, các vụ viện trong cả nước. Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã chọn đăng tải một chùm bài về văn học kì ảo số 8, 2006. Năm 2012, bộ môn đã tổ chức thành công hội thảo quốc gia về Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học và trở thành lá cờ đầu trong hướng nghiên cứu này ở Việt Nam… Quá trình tổ chức các hội thảo chẳng những thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của toàn bộ thành viên trong bộ môn, mỗi người đều có báo cáo khoa học trong các cuộc hội thảo, mà còn tập hợp mọi người thành một khối đoàn kết nhất trí, thống nhất trong hành động để tạo hiệu quả công tác tốt nhất. Thêm nữa mỗi lần hội thảo cũng là dịp để các giảng viên trẻ có dịp làm quen, dần làm chủ được cách thức tổ chức các cuộc hội thảo khác ngày một tốt hơn.

Có thể nói tổ chức được nhiều cuộc hội thảo khoa học có tầm cỡ quốc gia, thường xuyên, qua từng năm là một thành tích rất đáng được biểu dương của toàn thể giảng viên trong bộ môn Văn học nước ngoài. Đây cũng là thế mạnh của bộ môn. Bộ môn trở thành địa chỉ có uy tín, đáng tin cậy về nghiên cứu khoa học trong cả nước. Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học cũng là một thành tích nổi bật của bộ môn Văn học nước ngoài. Nhiều báo cáo có chất lượng tốt, được lựa chọn báo cáo ở khoa và trường. Bộ môn văn học nước ngoài 6 năm liền hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt 6 giải thưởng Sinh Viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT (Gọi tắt là VIFOTEC), từ giải nhất đến giải khuyến khích. Cả 6 đề tài này đều nghiên cứu về văn học Trung Quốc do PGS.TS. Trần Lê Bảo hướng dẫn. Năm 2014, PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn hướng dẫn sinh viên đạt giải thưởng Sinh Viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT. Các giáo sư của bộ môn có thâm niên công tác đều đã giữ vai trò chủ chốt trong việc biên soạn các bộ giáo trình đại học về văn học Trung Quốc, văn học Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á, văn học Âu - Mỹ, văn học Nga, sách giáo khoa về văn học nước ngoài cho học sinh và giáo viên trường PTTH. Đồng thời các giáo sư cũng là tác giả các chuyên luận có chất lượng tốt về văn học nước ngoài. Đội ngũ các phó giáo sư, tiến sĩ cũng kế tục truyền thống lớp các giáo sư đi trước, nhiều giáo trình mới, cập nhật cũng ra đời, nhiều chuyên luận cũng lần lượt xuất hiện với số lượng và chất lượng cao, hàng trăm bài báo được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và đa ngành ở trung ương và địa phương. Nhiều báo cáo khoa học tham gia hội thảo quốc tế và trong nước. Đến nay, toàn bộ môn đã cho in trên 500 đầu sách, trên 1000 bài báo, trên 20 giáo trình đại học và sau đại học đạt chất lượng tốt. Thiết thực để giảng dạy đại học theo chương trình tín chỉ. Hiện tại, giảng viên bộ môn đang hướng dẫn 30 nghiên cứu sinh trong và ngoài trường. Trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, nhiều giảng viên của bộ môn đã nỗ lực viết bài tham gia Hội thảo khoa học quốc tế ở nước ngoài và đăng bài trên các tạp chí quốc tế. Hiện tại bộ môn đã có 07 công trình công bố quốc tế. GS.TS. Lê Huy Bắc (04 bài), PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn (01 bài), PGS.TS. Đỗ Hải Phong (01 bài), PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh (01 bài). 

C. HOẠT ĐỘNG NGOÀI TRƯỜNG

Nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài, đặc biệt gắn bó với các nền văn học cũng như ngôn ngữ của những nước cần nghiên cứu. Vì vậy đã có nhiều cán bộ giảng dạy được đào tạo từ nước ngoài về tham gia công tác của bộ môn đã phát huy được thế mạnh nghiên cứu khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Ngọc Ảnh, PGS.TSKH. Đỗ Xuân Hà, Dương Quỳnh Như, PGS.TS. Đỗ Hải Phong, TS. Thành Đức Hồng Hà… từ Liên Xô về, PGS. Trần Xuân Đề, PGS. Lưu Đức Trung, GS. Lương Duy Thứ… từ Trung Quốc về, PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn từ Rumani về. Một số cán bộ được đi thực tập hoặc trao đổi khoa học ở nước ngoài: GS. Phùng Văn Tửu, PGS.TS. Đặng Anh Đào trao đổi khoa học và thực tập ở Pháp, PGS. Lưu Đức Trung thực tập ở Trung Quốc, GS. Nguyễn Hải Hà thực tập ở Nga, thầy Nguyễn Hoàng Tuyên thực tập ở Italia, GS.TS. Lê Huy Bắc ở Mỹ, Đức; PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn thực tập ở Rumani, PGS.TS. Trần Lê Bảo trao đổi học thuật ở Trung Quốc… Một số thầy cô được mời giảng dạy ở nước ngoài: GS. Nguyễn Hải Hà được mời dạy tại ĐHSP Lào, các GS. Nguyễn Hải Hà, Phùng Văn Tửu, PGS. Lưu Đức Trung, PGS.TS. Đặng Anh Đào đi thỉnh giảng ở trường ĐHSP Phnompenh Campuchia. Các giáo sư và nhiều giảng viên của bộ môn được mời dạy tại nhiều cơ sở đại học trong cả nước: ĐHKHXH & NV – ĐHQGHN, Đại học Văn hoá, Đại học Tuyên giáo, ĐHKHXH & NV và ĐHSP – ĐHQG.TPHCM, ĐHSPHN2, ĐHSP Huế, ĐHSP Việt Bắc và một số trường Đại học, Cao đẳng khác… 

Nhiều thầy cô giáo trong bộ môn được mời tham gia viết giáo trình văn học nước ngoài hệ đào tạo từ xa, sách cao đẳng, sách giáo khoa phục vụ cho chương trình cải cách giáo dục. Nhiều cán bộ giảng dạy bộ môn được mời đi bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trường PTTH và giảng dạy các lớp đại học tại chức, chuyên tu, từ xa tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhiều giáo sư, phó giáo sư được mời tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, đánh giá đề tài các cấp. Nhiều thầy cô giáo tham gia các tổ chức ngoài khoa và trường: GS. Phùng Văn Tửu, PGS.TS. Đặng Anh Đào tham gia Hội nhà văn, PGS.TS. Trần Lê Bảo là cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc ĐHSPHN, là thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Trung Quốc, Hội đồng biên tập Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện KHXHVN. GS.TS. Lê Huy Bắc là thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Văn học, thành viên Hội đồng biên tập tạp chí Suvannabhumi của Hàn Quốc… 

Bộ môn văn học nước ngoài đã nhiều lần được công nhận là tổ lao động xã hội chủ nghĩa, năm học 2005 – 2006 bộ môn được công nhận là Tổ lao động xuất sắc, với 4 thành viên được đề nghị danh hiệu giáo viên giỏi. Bộ môn Văn học Nước ngoài là một đơn vị vững mạnh về cả đào tạo và nghiên cứu với những giáo sư là chuyên gia đầu ngành và đội ngũ kế cận có năng lực vững vàng. Bộ môn cũng xây dựng được truyền thống đoàn kết, dân chủ, hợp tác, luôn năng động sáng tạo hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Bộ môn đã đóng góp nhiều thành tích chung cho khoa Ngữ văn và Trường ĐHSPHN. Cho tới nay bộ môn Văn học nước ngoài của khoa Văn trường ĐHSPHN vẫn là một trung tâm khoa học đáng tin cậy, nơi đào tạo nhiều cán bộ giảng dạy cho các trường ĐHSP và CĐSP trong cả nước. Đồng thời là một trong những lá cờ đầu trong việc nỗ lực đưa nghiên cứu văn học Việt Nam ra thế giới.

 

Từ năm 2017 – nay, bộ môn vẫn tiếp tục thực hiện song song hai nhiệm vụ quan trọng đối với giảng viên là nghiên cứu khoa học - đào tạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Về nghiên cứu khoa học, các giảng viên tiếp tục phát huy những thành tựu nghiên cứu của các bậc tiền bối, phát triển các hướng nghiên cứu như văn học so sánh, phê bình sinh thái, tự sự học, thi pháp học, kí hiệu học, nghiên cứu văn học từ văn hóa, mĩ học, triết học… qua các chuyên đề cao học, nghiên cứu sinh, các đề tài khóa luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, các công trình nghiên cứu được công bố trên các địa chỉ uy tín… Số lượng các công trình nghiên cứu được công bố của các thành viên trong bộ môn luôn vượt định mức ở mức độ cao. Từ năm 2017 đến nay, bộ môn đã công bố 73 bài báo trên các tạp chí, hội thảo trong nước và quốc tế, trong đó 10 bài trên tạp chí nước ngoài (PGS.TS. Thành Đức Hồng Hà 3 bài, PGS.TS Đỗ Hải Phong 2 bài, PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh 2 bài, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh 2 bài, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên 1 bài,); 18 bài hội thảo quốc tế (PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh 5, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên 6 bài, PGS.TS. Thành Đức Hồng Hà 2 bài, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh 2 bài, PGS.TS. Nguyễn Linh Chi 2 bài, TS. Trần Thị Thu Hương 1 bài); và các hội thảo và tạp chí trong nước. Cán bộ của bộ môn cũng là tác giả, đồng tác giả của 11 đầu sách gồm chuyên khảo và sách học sinh, sách giáo viên, sách tham khảo cho HSPT (trong đó PGS.TS. Nguyễn Linh Chi là tác giả 2 cuốn sách, đồng tác giả của 4 cuốn; PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh đồng tác giả 1 cuốn, TS. Trần Thị Thu Hương đồng tác giả 2 cuốn; PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên là đồng tác giả 5 cuốn). Nhóm Văn học phương Đông hoàn thành bản thảo Giáo trình Thể loại, tác gia tiêu biểu văn học phương Đông, đáp ứng mục tiêu đào tạo sinh viên giảng dạy được Chương trình Ngữ văn 2018. Các cán bộ khoa tích cực tham gia viết sách giáo khoa phục vụ cho chương trình Ngữ văn 2018; tham gia tập huấn chương trình Ngữ văn 2018 cho giáo viên cốt cán phổ thông. 

Bộ môn cũng tiếp tục nhiệm vụ giao lưu, trao đổi học thuật với các cơ sở đào tạo đại học, trung tâm nghiên cứu của các nước trên thế giới như tham gia hội thảo quốc tế ở Nga; hội thảo Việt Nam học ở Đài Loan; hội thảo về văn học và báo chí miền Nam trước 1975 do Đại học Hamburg, Đức tổ chức; hội thảo xã hội học ở Đại học Seisa, Nhật Bản; hội thảo phê bình sinh thái tại Đại học Diliman, Philippine; thỉnh giảng (trực tuyến) tại Đại học Sư phạm Cao cấp Paris, Pháp; tham dự giao lưu học thuật thuyết trình tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ nhân kỉ niệm 260 năm ngày sinh thi hào R. Tagore và ngày sinh Kalidasa. Bộ môn cũng liên kết đào tạo mời các chuyên gia nước ngoài đến trao đổi học thuật. Tháng 3/2019, bộ môn mời GS.TS. Miwako, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Seisa, Nhật Bản đến nói chuyện chuyên đề Đặc điểm văn hóa Nhật Bản cho Cao học K28. Tháng 4/2021, bộ môn mời TS G.B Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, thuộc Đại Sứ quán Ấn Độ nói chuyện chuyên đề Sử thi Ấn Độ - Những giá trị trường tồn cho học viên cao học K30. 

Về đào tạo: Bộ môn tham gia đào tạo bậc đại học với các môn học và chuyên đề như Văn học Châu Á, Văn học phương Tây, Văn học Nga, Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường, Thơ ca phương Đông… Kể từ K64, do yêu cầu đổi mới dạy và học theo định hướng phát triển năng lực, bộ môn đã tham gia vào việc xây dựng chương trình mới, chuyển đổi nội dung môn học, tập trung vào giảng dạy theo đặc trưng thể loại, nhằm phát triển năng lực cho sinh viên. Các môn đào tạo đại học từ K64 trở đi hướng tới tìm hiểu các thể loại, tác gia tiêu biểu các khu vực văn học thế giới với các phân môn là Thể loại tác gia tiêu biểu văn học phương Đông, Thể loại tác gia tiêu biểu văn học phương Tây, Thể loại tác gia văn học Nga – Đông Âu, Thời sự văn học thế giới, Nghiệp vụ biên tập và xuất bản (cho hệ đào tạo Cử nhân)… Các giảng viên của bộ môn tham gia tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tập trung tổ chức các hoạt động cho sinh viên chủ động khám phá kiến thức, biết vận dụng kiến thức vào công việc giảng dạy sau này ở trường phổ thông. Các cán bộ đã trau dồi kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác giảng dạy, cập nhật xu thế thế giới, nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ môn cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của sinh viên như đưa sinh viên đi thực tế miền Trung, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp Trường, Khoa… Trung bình hàng năm, mỗi cán bộ của tổ đảm nhiệm hơn 500 tiết dạy, có cán bộ đạt hơn 1000 giờ nghiên cứu khoa học…

Trong tình hình đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ các ngành đầu vào khó khăn thì bộ môn vẫn thu hút được số lượng lớn thí sinh đăng kí thi tuyển. Từ năm 2017 đến nay, tổng số thạc sĩ được đào tạo ở bộ môn khoảng hơn 50 thạc sĩ. Số nghiên cứu sinh được đào tạo ở bộ môn là 34 trong đó 12 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các chuyên đề được giảng dạy ở bậc đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Một số thạc sĩ, tiến sĩ sau khi bảo vệ luận văn, luận án tại bộ môn tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong những môi trường quốc tế…

 

Trong bối cảnh xã hội mới có nhiều thách thức, bộ môn Văn học Nước ngoài đã phát huy được truyền thống tốt đẹp được các bậc thầy dày công vun đắp, tạo dựng trên cả hai hoạt động nghiên cứu – giảng dạy. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, luôn năng động, sáng tạo trong công việc, bộ môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều thành tích chung cho Khoa Ngữ văn và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế hệ các cán bộ trẻ luôn nỗ lực phấn đấu để bộ môn tiếp tục là một trung tâm khoa học uy tín, nơi đào tạo nguồn nhân lực đáng tin cậy cho ngành giáo dục cả nước và là nơi kết nối đưa nghiên cứu văn học Việt Nam hội nhập với thế giới.

 

 

 PGS.TS Đỗ Hả Phong

 

 PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh

 

 PGS.TS Nguyễn Linh Chi

 

 PGS.TS Thành Đức Hồng Hà




 

 TS Nguyễn Thị Diệu Linh 


 

 TS Trần Thị Thu Hương

 PGS.TS Nguyễn Thị Mai Liên












 

GS. Nguyễn Hải Hà (sinh năm 1934) 

  • Thầy thuộc thế hệ đầu tiên của nhóm Văn học Nước ngoài, giữ cương vị Trưởng bộ môn từ năm 1980 đến 2003. 

  • Thầy là chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu và giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam. 

  • Thầy được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1990, Nhà giáo nhân dân năm 2010, tặng Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng nhì, Huân chương Lao động hạng 3.

  • Một số công trình nghiên cứu: Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX (1966), Văn học Xô Viết (1988-1989), Lịch sử văn học Nga (1977), Chuyện luận N. Ôxtrôpxki (1980), Thi pháp tiểu thuyết L.Tônxtôi (1992),Văn học Nga (2000), Văn học Nga – Sự thật và Cái đẹp (2002), Chuyện làng văn Việt Nam và Thế giới (2004), Nghệ thuật kịch của L.Tônxtôi  (2006), Kịch Lép Tônxtôi (2010). Tinh hoa Văn học Nga – Khám phá và Thưởng thức (2012), chủ biên sách giáo khoa phần Văn học nước ngoài và Lí luận văn học (1991 - 2000), đồng chủ biên Sách giáo khoa hợp nhất phần Văn học nước ngoài và Lí luận văn học (2001 – 2008). Sách dịch: Nguyên lí lí luận văn học (1960), Thép đã tôi thế đấy (1966), Về văn hóa và văn học (1977), Những đốm lửa (1977), Vịnh mõm đen (1978), Tuyết bỏng (1984), Truyện Xêvaxtôpôn (1988).

 

GS. Phùng Văn Tửu (sinh năm 1935)

  • Thầy là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về văn học Pháp và văn học phương Tây tại Việt Nam.

  • Thầy từng đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Bộ môn Văn học phương Tây tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

  • Thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú và Nhà nước Việt Nam phong tặng giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

  • Một số công trình nghiên cứu: Vichto Huygô (1978), Lui Aragông (1987), Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi đổi mới (1990), Cảm thụ và giảng dạy văn học nước ngoài (2002), Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỉ XXI (2005), Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX (2005), Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật (2010), Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây (2017)…



 

PGS. Lưu Đức Trung (1933 - 2017)

  • Thầy là một trong những giảng viên đầu tiên đưa nghiên cứu và giảng dạy văn học Ấn Độ, Nhật Bản vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khởi đầu cho những nghiên cứu và giảng dạy văn học Ấn Độ và Nhật Bản trong nhà trường.

  • Thầy là người sáng lập Câu lạc bộ Haiku Việt Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 – Câu lạc bộ Haiku Việt đầu tiên trong cả nước, làm Chủ nhiệm và điều hành Câu lạc bộ trong mười năm (2007 - 2017). Câu lạc bộ đã xuất bản một số ấn bản giới thiệu thơ haiku của các thành viên và các nghiên cứu về thơ haiku Nhật, Việt… 

  • Thầy được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

  • Một số công trình nghiên cứu: Tago – tác phẩm chọn lọc (1992), Ấn Độ xưa và nay (viết chung, 1996), Y. Kawabata – cuộc đời và tác phẩm (1997), Giảng văn văn học nước ngoài (3 tập, chủ biên, 1997), Văn học Đông Nam Á (chủ biên, 1997), Văn học nước ngoài (chủ biên, 1998), Hợp tuyển văn học châu Á (Tập 1, Tập 2, chủ biên, 1999, 2002), Văn học so sánh, lí luận và ứng dụng (viết chung, 2000), Chân dung các nhà văn thế giới (5 tập, chủ biên, 2001), R.Tago trong nhà trường (2002), Giáo trình Văn học Châu Á 2 (2006), Văn học Ấn Độ (2007), Bước vào vườn hoa văn học châu Á (2002), 

  • Sáng tác: Hồi kí Lưu Đức Trung (2005), Tươi mãi với thời gian (tập thơ haiku, 2008), Hoa bốn mùa (tập thơ haiku, 2017)…