BỘ MÔN LÝ LUẬN NGÔN NGỮ

 

Một trong những bộ môn có nhiều GS đầu ngành, nhiều công trình khoa học xuất sắc, đạt những giải thưởng lớn về khoa học và công nghệ (3 giải thưởng Nhà nước, 1 giải thưởng Hồ Chí Minh) là bộ môn Ngôn ngữ, thuộc Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bộ môn đã có những nhà nghiên cứu góp phần “khai sinh” những chuyên ngành mới trong nghiên cứu ngôn ngữ ở Trường Đại học Sư phạm. Đó là GS Đỗ Hữu Châu với Ngữ dụng học, PGS Đinh Trọng Lạc với Phong cách học, GS Diệp Quang Ban với Phân tích diễn ngôn,… “Bộ môn đã đi đầu trong ba lĩnh vực: lĩnh vực quan hệ giữa ngôn ngữ và văn học, lĩnh vực ngôn ngữ học văn bản và lĩnh vực phương pháp dạy tiếng. Ba lĩnh vực này hiện nay đã ảnh hưởng sâu sắc đến chương trình đào tạo của các khoa Ngữ văn ở các trường sư phạm khác, đồng thời cũng khởi xướng việc nghiên cứu chúng ở Việt Nam”,. Vào thập niên 90 của thế kỉ trước, bộ môn cũng đã được công nhận là Tổ Lao động Xã hội Chủ nghĩa – một danh hiệu rất đáng tự hào.

1. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TRONG BỘ MÔN

Bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập vào năm 1959 (với tên gọi ban đầu là bộ môn Tiếng Việt). Trưởng bộ môn đầu tiên là GS Hoàng Tuệ - một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu ở Việt Nam thời bấy giờ. Những người đặt nền móng cho việc xây dựng bộ môn là các nhà giáo Lê Cận, Lê Anh Hiền, Đỗ Hữu Châu, Đinh Trọng Lạc, Trần Hoán, Lê Quang Thung. Kể từ ngày thành lập đến nay, bộ môn Ngôn ngữ không ngừng lớn mạnh với con số 50 thành viên. Ngoài 7 nhà giáo kể trên, danh sách các cán bộ đã và đang công tác trong tổ như sau (theo thứ tự ABC): Lê A, Lê Thị Lan Anh, Diệp Quang Ban, Võ Bình, Lê Văn Biên, Nguyễn Khoa Diệu Biên, Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Thị Hai, Lê Thị Hồng Hạnh, Hoàng Hiêng, Đinh Xuân Hiền, Đặng Thị Thu Hiền, Lương Thị Hiền, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đoàn Công Huynh, Đỗ Việt Hùng, Vũ Thị Thanh Huyền, Đinh Thu Hương, Tạ Thanh Kim, Nguyễn Xuân Khoa, Đặng Thị Lanh, Nguyễn Thị Lương, Bùi Tuyết Mai, Nguyễn Tiến Mâu, Đái Xuân Ninh, Nguyễn Quang Ninh B, Nguyễn Quang Ninh C, Vũ Tố Nga, Nguyễn Hồng Ngân, Trần Thị Hồng Phấn, Trần Kim Phượng, Phạm Quang Tản, Đặng Thị Hảo Tâm, Tạ Thành Tấn, Ngô Thị Thắng, Đinh Văn Thiện, Hoàng Văn Thung, Phan Thị Minh Thúy, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Thìn, Lê Hữu Tỉnh, Bùi Minh Toán, Lê Văn Trúc, Nguyễn Thị Tân Trường, Phan Duy Trường, Cù Đình Tú.  

Ngoài trưởng bộ môn đầu tiên là GS Hoàng Tuệ, những người tham gia lãnh đạo bộ môn là các thầy Lê Cận, GS Đỗ Hữu Châu, PGS.TS Đặng Thị Lanh, GS.TS Bùi Minh Toán, PGS.TS Nguyễn Thị Lương, PGS.TS Đặng Thị Hảo Tâm, và hiện nay là PGS.TS Trần Kim Phượng. Các phó trưởng bộ môn lần lượt là các thầy Lê Hiền, thầy Trần Hoàn, thầy Hoàng Văn Thung, thầy Đinh Văn Thiện, và hiện nay là PGS.TS Lê Thị Lan Anh.

Trong số những giảng viên của bộ môn, có nhiều thầy cô đã từng đảm nhiệm những chức vụ khác nhau ở cấp Khoa, cấp Trường hoặc những hiệp hội liên quan đến ngôn ngữ học. GS Hoàng Tuệ nguyên là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, rồi Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, đồng thời còn là Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người xây dựng chương trình, chỉ đạo biên soạn SGK cải cách giáo dục (1980-1992) các môn Văn, Tiếng Việt, và Làm văn. GS.TS Đỗ Hữu Châu từng là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn và Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch HĐ chức danh GS ngành Ngôn ngữ. PGS.TS Đặng Thị Lanh nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP HN, Vụ phó Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS.TS Bùi Minh Toán là thành viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ trong nhiều năm. Thầy Đinh Văn Thiện từng giữ chức Phó Trưởng khoa Ngữ văn. GS.TS Đỗ Việt Hùng từng là Trưởng khoa Ngữ văn, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và hiện nay đang là Chủ tịch Hội đồng Trường, Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Sư phạm HN,… Nhiều thầy cô là thành viên Hội đồng Biên tập tạp chí Ngôn ngữ như: GS Đỗ Hữu Châu, GS Bùi Minh Toán, GS Đỗ Việt Hùng, PGS Trần Kim Phượng,… Các thầy cô bộ môn Ngôn ngữ không chỉ đóng góp sức lực, trí tuệ cho Trường Đại học Sư phạm, mà còn cống hiến tâm huyết cho ngành ngôn ngữ học, cho đất nước.

70 năm đã trôi qua. Số lượng các thầy cô nghỉ hưu ngày một nhiều hơn và cũng có những thầy cô không còn nữa, như thầy Đỗ Hữu Châu, cô Nguyễn Thị Thìn, các thầy Đinh Trọng Lạc, Hoàng Tuệ, Hoàng Hiêng, Võ Bình, Đinh Xuân Hiền, Đinh Văn Thiện, Lê Biên,… Cho đến nay, số cán bộ hiện làm việc theo biên chế trong tổ bộ môn (cán bộ đương nhiệm) gồm 9 người. Trong đó có 1 GS (kiêm nhiệm 30% công việc ở bộ môn), 4 Phó giáo sư, 3 Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ (hiện đang làm NCS ở Canada). Số lượng cán bộ không nhiều, trong khi khối lượng công việc vô cùng lớn; nếu tính trung bình, mỗi một giảng viên trong tổ đều đảm nhiệm gấp đôi công việc được giao. Không chỉ giảng dạy, nhiều thành viên còn kiêm nhiệm các công việc: trợ lí Văn thể, trợ lí Khoa học, trợ lí Sau đại học của Khoa, ủy viên Ban Thanh tra giáo dục Trường, uỷ viên BCH Công đoàn khoa, Phó Bí thư chi bộ, uỷ viên HĐ tư vấn KH&CN trường … Các thầy cô giáo đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững truyền thống của bộ môn và truyền cảm hứng ngôn ngữ học cho nhiều thế hệ học trò.

2. NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO

Nhiệm vụ chính của bộ môn là giảng dạy, cung cấp kiến thức ngôn ngữ học và tiếng Việt với các phân môn: Ngữ âm, Từ vựng – ngữ nghĩa học, Ngữ dụng học, Ngữ pháp học, Phong cách học, Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ văn học, Phân tích diễn ngôn,… Đội ngũ giảng viên của bộ môn cũng là trụ cột giảng dạy học phần Tiếng Việt thực hành cho sinh viên toàn trường. Bộ môn còn tham gia đào tạo sinh viên cho các khoa khác trong Trường và đào tạo sinh viên nước ngoài như sinh viên Lào, Hàn Quốc và Trung Quốc. Một số thầy cô có học vị, học hàm cao trong bộ môn còn được mời giảng dạy và đào tạo thạc sĩ, NCS tại các cơ sở GD khác như: ĐHSP2, ĐH Hải Phòng, ĐH Hồng Đức…

  Bộ môn đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo từ bậc đại học (cử nhân) đến cao học (thạc sĩ) và nghiên cứu sinh (tiến sĩ). Cho đến nay, đã có gần 600 thạc sĩ và gần 60 TS chuyên ngành Ngôn ngữ học trưởng thành từ bộ môn Ngôn ngữ.

Với trọng trách bồi dưỡng những sinh viên có khả năng nghiên cứu khoa học, tính trong vòng 5 năm trở lại đây, các cô giáo trong bộ môn (PGS Lê Thị Lan Anh, PGS Đặng Thị Hảo Tâm, TS Lương Thị Hiền) đã hướng dẫn được nhiều báo cáo đạt các giải thưởng cao: 1 giải nhất nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 1 giải khuyến khích cấp Bộ, 2 giải nhì Euréka,…

Là những người thầy giáo, cô giáo, mỗi giảng viên trong bộ môn có một phong cách giảng dạy riêng. GS Đỗ Hữu Châu giảng ngôn ngữ học mà đậm chất văn chương, vừa nghiêm cẩn, vừa hào hoa; thầy Bùi Minh Toán giản dị và sâu sắc; thầy Đinh Trọng Lạc hiền hậu và khúc chiết; thầy Diệp Quang Ban uyên bác và nghiêm khắc; thầy Lê Biên điềm tĩnh và mạch lạc, thầy Hoàng Thung sôi nổi và hào hứng, thầy Đinh Văn Thiện dí dỏm và hài hước, thầy Đỗ Việt Hùng sinh động và trí tuệ,… Những giờ giảng của cô Đặng Thị Lanh, cô Nguyễn Thị Thìn vừa nhiệt huyết, vừa hấp dẫn; cô Nguyễn Thị Lương nhẹ nhàng và thấm thía; cô Hảo Tâm cuốn hút và dịu dàng; cô Ngân Hoa lãng mạn và bay bổng; cô Kim Phượng chắc chắn và nghiêm túc, cô Hồng Ngân tâm huyết và gần gũi, cô Lan Anh thân thiện và tận tâm, cô Lương Hiền lại gây ấn tượng với sinh viên bằng “nụ cười tỏa nắng”, cô Đặng Hiền là “thủ lĩnh” của phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học,… Từ nhiều năm nay, với những phong cách riêng của mình, các thầy cô giáo trên giảng đường đã thắp lên ngọn lửa đam mê ngôn ngữ học cho rất nhiều thế hệ sinh viên dưới mái trường Sư phạm.

 

3. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ NHỮNG CÔNG TÁC KHÁC

Bộ môn Ngôn ngữ đã thực hiện khoảng 25 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh và nhiều bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và đời sống, Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam,… và một số tạp chí nước ngoài. Nhiều giáo trình, chuyên luận ngôn ngữ học do các thầy cô trong bộ môn thực hiện đã được trích dẫn với tần số lớn, trở thành tài liệu tham khảo không thể thiếu trong những bài báo, luận văn, luận án về ngôn ngữ, như Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 Ngữ dụng học (của Đỗ Hữu Châu), Ngữ pháp tiếng Việt (Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung), Văn bản, mạch lạc, liên kết, đoạn văn (Diệp Quang Ban), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt (Đinh Trọng Lạc), Phong cách học tiếng Việt (Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa), Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt (Bùi Minh Toán, Nguyễn Thị Lương), Từ trong Hoạt động giao tiếp Tiếng ViệtCâu trong Hoạt động giao tiếp Tiếng ViệtNgôn ngữ với văn chương (Bùi Minh Toán), Tiếng Việt: Đại cương – Ngữ âm (Bùi Minh Toán, Đặng Thị Lanh), Câu tiếng Việt (Nguyễn Thị Lương),… Thành viên trẻ nhất bộ môn – NCS Tạ Thành Tấn – cũng đã góp phần giới thiệu sách ngôn ngữ học của thế giới với Việt Nam (bằng cách dịch chuyên luận của N. Chomsky ra tiếng Việt). Bộ môn cũng tích cực tham gia các hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế và toàn quốc, với nhiều báo cáo tham luận. Có 2 hội thảo gần đây do chính bộ môn tổ chức, thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong cả nước tham gia, đó là hội thảo toàn quốc Ngôn ngữ và văn học (2013); và Đỗ Hữu Châu – những vấn đề về ngôn ngữ - văn hóa – văn học (2016). Các seminar ngôn ngữ học được tổ chức đều đặn hàng năm, tạo cơ hội cho học viên, NCS chuyên ngành Ngôn ngữ trao đổi khoa học và kinh nghiệm nghiên cứu.

Ngoài các công trình nghiên cứu ở bậc đại học và sau đại học, bộ môn Ngôn ngữ đã tham gia vào việc viết sách giáo khoa cho phổ thông từ rất sớm với tư cách là tác giả hoặc chủ biên phần Tiếng Việt. Tên tuổi của các thầy cô đã trở nên quen thuộc và gần gũi với giáo viên và học sinh phổ thông trên toàn quốc, như: Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban, Bùi Minh Toán, Đặng Thị Lanh, Đinh Trọng Lạc, Hoàng Thung, Nguyễn Thái Hòa,... Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), tất cả các cán bộ của tổ đều tham gia viết SGK hoặc sách tham khảo: Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đặng Thị Hảo Tâm, Lê Thị Lan Anh, Trần Kim Phượng, Lương Thị Hiền, Đặng Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Hồng Ngân,...  Rồi chính các tác giả cũng nỗ lực tham gia vào công việc tập huấn SGK cho GV phổ thông ở các địa phương, góp phần quan trọng vào việc đổi mới chương trình và SGK mới. Bộ môn Ngôn ngữ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các thầy cô giáo và học sinh cả nước trong việc dạy và học môn Tiếng Việt ở cả 3 cấp: Tiểu học, THCS và THPT.

Có thể khẳng định, với mục tiêu của trường Đại học Sư phạm là đào tạo những giáo viên cho các trường PTHT, bộ môn Ngôn ngữ vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, vừa ứng dụng những thành quả đó vào giảng dạy. Đột phá của bộ môn chính là “vận dụng những tri thức ngôn ngữ học và việc giảng dạy văn học, cung cấp cho các giáo viên ngữ văn một bộ đồ nghề ngôn ngữ học để họ có thể làm tốt việc dạy văn như dạy một nghệ thuật”, giúp bộ môn đảm nhiệm được vai trò quan trọng – là “một nửa” trong cái tên của Khoa: Khoa Ngữ văn.

Trong sự phát triển của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, bộ môn Ngôn ngữ với nhiều gương mặt tên tuổi, nhiều công trình khoa học chất lượng, mang tính khai phá, đã tạo ra một dấu ấn riêng, một trường phái nghiên cứu riêng – trường phái Ngôn ngữ của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Những chia sẻ sau đây của PGS Đặng Thị Lanh cũng là cảm nghĩ chung của tất cả giảng viên bộ môn : «Tôi rất hạnh phúc là giáo viên của khoa Ngữ văn. Tôi kính trọng và biết ơn các thầy cô. Tôi quý trọng và biết ơn đồng nghiệp, các thế hệ sinh viên, học viên cao học, NCS. Tôi mong muốn Khoa Ngữ văn với truyền thống tốt đẹp của 70 năm, sẽ phát triển ngày càng rạng ngời hơn».

Bộ môn Ngôn ngữ đã, đang và sẽ cố gắng làm tốt các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong cả nước; gắn kết nhiệm vụ đào tạo đại học và đào tạo phổ thông, đồng thời tiếp tục xây dựng tập thể bộ môn vững mạnh và đoàn kết. Trong thời gian tới, bộ môn sẽ tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ, cả về chất và lượng để có thể hòa vào dòng chảy ngôn ngữ học không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Tháng 7 năm 2021

(1) GS Đỗ Hữu Châu và GS Diệp Quang Ban là hai trong số ít các GS Khoa Ngữ văn đặc cách bảo vệ luận án TS.

(2) Đỗ Hữu Châu – Đỗ Hữu Châu tuyển tập, tập 2, NXB Giáo dục, tr922

(3) Sau này, Phương pháp dạy học tiếng Việt tách ra thành một bộ môn riêng.

(4) Đỗ Hữu Châu – Đỗ Hữu Châu tuyển tập, tập 2, NXB Giáo dục, tr92