Bộ môn Lý luận văn học

I. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ

1. Giai đoạn mới hình thành và củng cố đội ngũ (1958 - 1980)

Từ Bộ môn Lí luận văn học - Văn học nước ngoài chung với Đại học Tổng hợp tách riêng thành Bộ môn Lí luận văn học ĐHSP Hà Nội vào năm 1958. Trong thời gian này, các thầy làm Trưởng bộ môn gồm có thầy Nguyễn Lương Ngọc, thầy Trần Văn Bính, thầy Nguyễn Văn Hạnh. Các thầy từng làm việc ở bộ môn trong thời gian này gồm có thầy: Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hoàn, Thành Thế Thái Bình, Hồ Văn Nho, Bùi Văn Ba, Nguyễn Nghĩa Trọng, Phùng Quí Nhâm, Lâm Quang Vinh, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Xuân Nam, Phạm Đăng Dư, Nguyễn Thị Mĩ Hòa, Nguyễn Xuân Hậu, Phùng Ngọc Kiếm. Các cô từng làm việc tại bộ môn gồm có cô Nguyễn Kim Phong, Lê Lưu Oanh, Hoàng Thị Văn. Giai đoạn từ 1975 đến 1980 là giai đoạn nhiều khó khăn về nhân sự, mở hệ đào tạo Sau đại học, nhưng nhiều cán bộ đi công tác ở miền Nam và đi học ở nước ngoài…

2. Giai đoạn phát triển (1981 - nay)

Từ năm 1980 - 1990, nhân sự của bộ môn cũng có nhiều biến động. Thầy Trần Văn Bính chuyển đến Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thầy Thành Thế Thái Bình chuyển công tác về khoa Văn ĐHSP Hà Nội II, thầy Nguyễn Văn Hậu về hưu. Thầy Trần Đình Sử về bộ môn năm 1981, thầy La Khắc Hòa về bộ môn năm 1983, thầy Trần Mạnh Tiến về bộ môn năm 1997. Thầy Bùi Văn Ba là Trưởng bộ môn từ năm 1981 đến năm 2001. GS.TS Trần Đình Sử làm Trưởng bộ môn từ năm 2000 đến năm 2003. PGS Nguyễn Xuân Nam về hưu năm 2003, thầy Phạm Đăng Dư về hưu năm 2004; PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng về hưu năm 2006. PGS.TS La Khắc Hòa làm Trưởng bộ môn từ năm 2004 đến năm 2007; PGS.TS Lê Lưu Oanh làm Trưởng bộ môn từ năm 2007 đến năm 2012; PGS.TS Trần Mạnh Tiến làm Trưởng bộ môn từ năm 2013 đến năm 2017. TS Đỗ Văn Hiểu làm Trưởng bộ môn từ tháng 7 năm 2017.

Ngay từ khi thành lập, Bộ môn Lí luận văn học đã coi trọng phát triển đội ngũ, liên tục động viên giảng viên đi học ở nước ngoài và trong nước. Từng tu nghiệp tại nước ngoài có GS.TSKH Bùi Văn Ba, PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng, GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS La Khắc Hòa, TS Đỗ Văn Hiểu. Bộ môn có 02 Tiến sĩ khoa học: PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng bảo vệ TSKH ở Liên xô, GS.TSKH Bùi Văn Ba bảo vệ TSKH ở trong nước. Tổ có tỷ lệ cán bộ có học hàm học vị cao ở trong Khoa. Về học hàm PGS có thầy Nguyễn Xuân Nam (1984), thầy Bùi Văn Ba (bút danh Phương Lựu) (1984), thầy La Khắc Hòa (bút danh Lã Nguyên) (1991), thầy Nguyễn Nghĩa Trọng (1996), cô Lê Lưu Oanh (2002), thầy Phùng Ngọc Kiếm (2003), thầy Trần Mạnh Tiến (2005), cô Lê Trà My (2017). Về học hàm Giáo sư có thầy Bùi Văn Ba (1991), thầy Trần Đình Sử (1996). Bộ môn coi trọng trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ, nhiều giảng viên sử dụng tốt từ 1 - 2 ngoại ngữ.

Từ 2001 cho đến nay bộ môn tiếp tục bổ sung thêm 6 cán bộ gồm Nguyễn Thị Hải Phương, Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Văn Hiểu, Lê Trà My, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Lộ Đức Anh. Cô Lê Trà My chuyển từ ĐHSP Hà Nội II về (2004), còn 5 cán bộ khác đều là sinh viên của Khoa được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, trong đó Nguyễn Thị Hải Phương, Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Văn Hiểu, Nguyễn Thị Ngọc Minh đều là sinh viên lớp Chất lượng cao của Khoa. PGS.TS Phùng Ngọc Kiếm về hưu từ 3/2018; PGS.TS Lê Lưu Oanh về hưu từ 10/2018, ThS Lộ Đức Anh xin chuyển công tác từ tháng 3/2019.

Tính đến 2021, cán bộ đương nhiệm của bộ môn có: 02 PGS (Trần Mạnh Tiến, Lê Trà My), 02 Tiến sĩ, giảng viên chính (Nguyễn Thị Hải Phương, Đỗ Văn Hiểu), 02 Tiến sĩ, giảng viên (Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Ngọc Minh).

II. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Bộ môn Lí luận văn học tham gia đào tạo ở cả hệ Đại học, và Sau đại học.

1. Đào tạo hệ đại học

Kể từ khi có hệ đào tạo chính qui 4 năm, Bộ môn Lí luận văn học đã đưa vào chương trình các học phần mới: Mác Ăng ghen, Lê-nin bàn về văn học nghệ thuật, Đường lối văn nghệ của Đảng, Nguyên lí tính dân tộc trong văn học, Văn học và các loại hình nghệ thuật khác, Phương pháp luận nghiên cứu văn học… Ngay sau ngày giải phóng miền Nam các giảng viên trong bộ môn đã tham gia giảng dạy ở các trường Đại học, các trung tâm đào tạo lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ và nước bạn như Lào, Campuchia. Hiện nay, cán bộ trong bộ môn đảm nhiệm giảng dạy các học phần và chuyên đề dành cho hệ Đại học như: Văn học, nhà văn, bạn đọc; Tác phẩm và thể loại; Tiến trình văn học; Văn học và các loại hình nghệ thuật; Lí thuyết phê bình văn học; Nghiệp vụ nghiên cứu và viết bài báo khoa học.

2. Đào tạo hệ Sau đại học

Gần 20 năm trở lại đây bộ môn lại tiếp tục bổ sung các chuyên đề mới: Các trường phái lí luận phê bình phương Tây hiện đại, Ký hiệu học, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, Chuyển thể văn học, Thi pháp thơ Tố Hữu, Lí luận phê bình văn học đầu thế kỷ XX… Các chuyên đề Thạc sĩ, Tiến sĩ thường xuyên bổ sung, đổi mới. Hiện nay, bộ môn phụ trách những chuyên đề cao học sau: Thi pháp học, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Tiếp nhận văn học, Những vấn đề cơ bản của thể loại văn học, Những vấn đề lí luận văn học đương đại, Lí luận phê bình văn học hiện đại ở Việt Nam, Tự sự học, Phê bình sinh thái, Thi học cổ điển phương Đông (Trung Quốc và Việt Nam). Chuyên đề Tiến sĩ đang được bộ môn triển khai gồm: Từ văn học hiện đại đến hậu hiện đại - lí thuyết và lịch sử; Một số vấn đề lí thuyết nghiên cứu văn bản văn học; Một số vấn đề lí thuyết văn học và mỹ học đương đại (qua công trình của một số tác gia quan trọng); Thi học văn hóa - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn. Các giảng viên đã tham gia giảng dạy các chuyên đề mới và tham gia đánh giá luận văn, luận án ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước… và tham gia giảng dạy ở nước ngoài. Tính từ năm 1976 đến nay, Bộ môn Lí luận văn học đã đào tạo tới gần 500 Thạc sĩ, gần 70 Tiến sĩ trong, ngoài trường và nước bạn Lào, Campuchia…

3. Về công tác biên soạn giáo trình, chương trình, sách chuyên khảo, tham khảo

Từ 1970 trở về trước các giáo trình ở bậc đại học chủ yếu dựa vào giáo trình Lí luận văn học của Liên xô và một phần của Trung Quốc. Đầu 1980 Bộ Giáo dục thành lập Hội đồng Ngữ văn để chủ động xây dựng chương trình mới trong đó có Lí luận văn học theo hướng dân tộc và hiện đại. Cuối những năm 50, Bộ môn Lí luận văn học mới thành lập, thầy Nguyễn Lương Ngọc chủ biên cùng thầy Nguyễn Văn Hoàn, Trần Văn Bính biên soạn bộ giáo trình đầu tiên lấy tên là Nguyên lí lí luận văn học, gồm 3 tập (1960 - 1963). Thầy Nguyễn Lương Ngọc chủ biên cùng các tác giả Nguyễn Văn Hạnh, Trần Văn Bính, Nguyễn Xuân Nam phối hợp với Đại học Tổng hợp biên soạn bộ Cơ sở lí luận văn học 4 tập (Nhà xuất bản Giáo dục 1965). Đầu năm 1970, Hội đồng của Bộ Đại học được thành lập và có chủ trương ĐHSP Hà Nội kết hợp với ĐHSP Vinh viết bộ giáo trình Cơ sở lí luận văn học 3 tập (NXB. ĐH và Trung học chuyên nghiệp 1975 - 1983), về phía ĐHSP Hà Nội có thầy Nguyễn Lương Ngọc, chủ biên cùng các tác giả Nguyễn Văn Hạnh, Phương Lựu (Bùi Văn Ba). Đầu năm 1980 trên cơ sở chương trình lí luận văn học theo hướng dân tộc hiện đại nói trên, Bộ Giáo dục chủ trương một số trường đại học trong nước viết chung bộ giáo trình Lí luận văn học 3 tập (Nhà xuất bản Giáo dục, 1986 - 1988) do ĐHSPHN làm nòng cốt. Thầy Phương Lựu làm chủ biên cùng các thầy Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, La Khắc Hòa. Bộ giáo trình này đã được Hội đồng thẩm định sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu làm sách chung cho các trường Đại học và 10 năm sau được tái bản lại. Năm 1997 và 2001, bộ môn đã tham gia biên soạn 2 bộ Giáo trình Lí luận văn học dành cho hệ Từ xa và Tại chức cử nhân Tiểu học và Cử nhân văn học với các tác giả Trần Đình Sử, Nguyễn Nghĩa Trọng, Phạm Đăng Dư, Trần Mạnh Tiến, Lê Lưu Oanh, Phùng Ngọc Kiếm. Năm 2003 và 2005 bộ môn đã cho ra mắt tập 1, tập 3 bộ giáo trình Lí luận văn học (GS Phương Lựu chủ biên) cho hệ Cử nhân sư phạm Ngữ Văn chính quy. Năm 2005 Bộ giáo trình Lí luận văn học dành cho hệ cao đẳng do GS.TS Trần Đình Sử chủ biên được xuất bản. Từ 2002 GS.TS Trần Đình Sử được cử làm tổng chủ biên sách Ngữ văn phổ thông.

III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Bên cạnh các Hội thảo khoa học trong và ngoài nước, các sinh hoạt tọa đàm văn học; các chuyên luận trong bộ môn đã liên tục được xuất bản. Từ cuối những năm 1980, bộ môn luôn quan tâm đến các vấn đề lí luận hiện đại của thế giới qua chuyển dịch, giới thiệu. Các công trình Văn học so sánh, Thi pháp học, Tự sự học đã được xuất bản. Tính đến nay các thành viên trong bộ môn đã viết hơn 50 sách chuyên luận, 120 đầu sách hợp tác (1/2 là sách phổ thông), công bố khoảng hơn 600 bài báo khoa học, dịch thuật hơn 20 công trình, công bố hơn 20 bài báo quốc tế. Bộ môn là nòng cốt tổ chức các Hội nghị khoa học cấp quốc gia như: Tự sự học (2001), Văn học so sánh (2004); Lí luận văn học thế giới với Việt Nam (đề tài cấp nhà nước 2006 - 2009); Thi học cổ điển Trung Hoa (2015)… Năm 2015 Nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt bạn đọc Tuyển tập Trần Đình Sử và Tuyển tập Phương Lựu… Các luận án của 5 giảng viên trên được bổ sung xuất bản thành các cuốn chuyên khảo, giáo trình, như: Lê Lưu Oanh với luận án: Thơ trữ tình 1975 - 1990 (Bảo vệ 1995); Phùng Ngọc Kiếm: Con người trong truyện ngắn 1945 - 1975 (Bảo vệ 1996); Trần Mạnh Tiến: Lí luận phê bình văn học Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX (Bảo vệ 1997); Nguyễn Thị Hải Phương: Tiểu thuyết Việt Nam đương đại - nhìn từ góc độ diễn ngôn (bảo vệ 2012); Nguyễn Thị Ngọc Minh: Kí như một loại hình diễn ngôn (Bảo vệ 2013).

IV. CÔNG TÁC XÃ HỘI

1. Hoạt động của các cán bộ trong bộ môn

Trong chiến tranh chống Mĩ đại bộ phận cán bộ đều đi sơ tán, các giảng viên phải vừa giảng dạy vừa nghiên cứu vừa tham gia chiến đấu. Các cán bộ đều tham gia tự vệ như thầy Nguyễn Văn Hạnh, cô Nguyễn Kim Phong. Thầy Thành Thế Thái Bình làm Chính trị viên. Thầy Bùi Văn Ba làm Trung đội trưởng. Trong chiến tranh phá hoại, các thầy Bùi Văn Ba, Thành Thế Thái Bình phải tham gia trực chiến trong khẩu đội 12 ly 7 đặt trên gò đất sau nhà A7 góp phần bắn rơi chiếc F4 ngày 7/8/1972. Trong chiến tranh biên giới thầy Phạm Đăng Dư, thầy Phùng Ngọc Kiếm cùng đội xung kích lên Lạng Sơn, bộ môn cùng trung đoàn ĐHSP xây dựng phòng tuyến Sông Cầu.

2. Công tác cấp Khoa

Chủ nhiệm Khoa (thầy Nguyễn Lương Ngọc, 1958 - 1963, thầy Trần Đình Sử, 1990 - 1995); Bí thư Đảng ủy Khoa (thầy Thành Thế Thái Bình, 1978 - 1982, thầy Nguyễn Nghĩa Trọng, 1981 - 1983, thầy Nguyễn Xuân Hậu, 1983 - 1990, thầy Phạm Đăng Dư, 1986 - 1985, thầy Phùng Ngọc Kiếm, 2004 - 2006); Phó chủ nhiệm Khoa (thầy Nguyễn Văn Hạnh, 1966 - 1975, thầy Nguyễn Nghĩa Trọng, 1980 - 1983, thầy Phùng Ngọc Kiếm (2004 - 2006); Chủ tịch công đoàn (thầy Thành Thế Thái Bình, 1973 - 1975); Chủ tịch công đoàn Khoa (thầy Trần Mạnh Tiến, 2002 - 2005); Bí thư Đoàn Khoa (thầy Thành Thế Thái Bình, 1962 - 1964, thầy Nguyễn Nghĩa Trọng, 1967 - 1968, thầy Phạm Đăng Dư, 1968 - 1977, thầy Phùng Ngọc Kiếm, 1979 - 1984)…

3. Công tác cấp Trường

Hiệu trưởng (thầy Nguyễn Lương Ngọc, 1970 - 1975); Bí thư Đoàn Trường (thầy Phạm Đăng Dư, 1978 - 1982); Giám đốc Trung tâm Trung Quốc học (thầy Bùi Văn Ba); Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc học (thầy Trần Đình Sử, 1999 - 2010); Thường vụ công đoàn Trường (thầy Trần Mạnh Tiến, 2004 - 2006); Trưởng phòng Sau đại học (thầy Phùng Ngọc kiếm, 2007 - 2013).

4. Công tác cấp Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội đồng khoa học (thầy Trần Đình Sử, Bùi Văn Ba); Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (thầy La Khắc Hòa); Phụ trách tờ tin ĐHSP Hà Nội (thầy Phùng Ngọc Kiếm).

5. Công tác cấp Bộ Giáo dục và đào tạo

Ủy viên Thường trực bộ môn Ngữ văn bậc đại học, Ủy viên Hội đồng Ngữ văn Trung học, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Văn học (1990 - 2010): thầy Trần Đình Sử.

6. Hoạt động tại các tổ chức khác

Ủy viên Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (thầy Bùi Văn Ba (Khóa IV); Trần Đình Sử (Khóa V, VI), thầy Trần Mạnh Tiến (2016 - 2021); Ủy viên Hội đồng Nho học Quốc tế (thầy Bùi Văn Ba); Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (thầy Nguyễn Xuân Nam, Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử, Trần Mạnh Tiến), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (thầy Trần Mạnh Tiến).

V. KHEN THƯỞNG

1. Cấp Bộ

Năm 1995, GS.TSKH Bùi Văn Ba (Phương Lựu) được Bộ khen thưởng về đề tài cấp Bộ: Lí luận hiện đại phương Tây. Năm 1998, GS.TS Trần Đình Sử được Bộ khen về công tác chủ biên sách văn Phổ thông.

2. Giải thưởng Hội Nhà văn

Năm 1995, GS.TSKH Phương Lựu được giải thưởng cuốn Trên đà đổi mới văn nghệ. Năm 1998, GS.TS Trần Đình Sử được giải Lí luận phê bình văn học về cuốn Lí luận phê bình văn học. Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội (thầy Trần Đình Sử, 2015).

3. Giải thưởng nhà nước năm 2000

GS.TSKH Bùi Văn Ba (Phương Lựu) được giải về cụm công trình Lí luận văn học dân tộc - hiện đại. GS.TS Trần Đình Sử được giải thưởng về cụm công trình Thi pháp học.

4. Giải thưởng Nhà nước 2001

GS.TSKH Bùi Văn Ba

5. Giải thưởng Hồ Chí Minh

GS.TSKH Bùi Văn Ba

6. Nhà giáo nhân dân

GS.TSKH Bùi Văn Ba; GS.TS Trần Đình Sử

7. Giải thưởng cấp Tỉnh, cấp Trường

Giải Nhì Nghiên cứu chùm di sản văn hóa cấp Tỉnh (thầy Trần Mạnh Tiến, 2008); Giải Nhì cấp Trường giải thưởng Giảng viên có thành tích xuất sắc trong Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (thầy Trần Mạnh Tiến, 2010); Giải Ba công trình Nguồn xưa xứ lâm tuyền (thầy Trần Mạnh Tiến, 2016).

8. Các khen thưởng khác:

Bộ môn LĐXHCN 12 năm: Bằng Khen Thủ tướng Chính phủ cho bộ môn Tiên tiến xuất sắc; Huân chương Lao động hạng 3 (thầy Nguyễn Xuân Nam, Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử). Nhà giáo Nhân dân (thầy Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử); Nhà giáo Ưu tú (thầy Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Nghĩa Trọng, cô Lê Lưu Oanh…). Huân chương hạng Nhất (thầy Nguyễn Nghĩa Trọng, Phạm Đăng Dư); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (thầy Nguyễn Xuân Nam), Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhì, hạng Ba (thầy Nguyễn Nghĩa Trọng, Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử). Bằng khen của Bộ giáo dục và đào tạo; Huy chương Vì thế hệ trẻ của TW Đoàn (1982); Huy chương vì sự nghiệp phát triển Thể dục thể thao Nhà nước (thầy Phạm Đăng Dư, 2000); Huy chương Chiến sĩ vẻ vang (thầy Phùng Ngọc Kiếm); Bằng khen Bộ Giáo dục (thầy Trần Mạnh Tiến, cô Lê Lưu Oanh…)

Có thể nói, Bộ môn Lí luận văn học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một quá trình phát triển ngày một quy mô và hoàn thiện. Ở giai đoạn nào cũng có các cán bộ giỏi về chuyên môn có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống lí luận phê bình trong đào tạo và văn hóa xã hội.