Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Văn học Việt Nam II) là một trong những đơn vị chuyên môn trọng yếu của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có lịch sử hình thành và phát triển cho đến nay đã gần 65 năm.

Bộ môn được giao nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay cho các hệ đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Số lượng giảng viên hiện nay của bộ môn là 08 người: GS.TS Trần Đăng Xuyền, TS Trần Hạnh Mai, TS Nguyễn Văn Phượng, PGS.TS Trần Văn Toàn, PGS.TS Đặng Thu Thủy, TS Nguyễn Thị Minh Thương, TS Đinh Minh Hằng và TS Nguyễn Thị Tuyết Nhung

I. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ BỘ MÔN

Trên những nét lớn, lịch sử phát triển của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại trải qua ba giai đoạn chính:

1. Giai đoạn 1958 - 1964:

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại chính thức hình thành từ năm 1958 (trước đó, từ 1951, phụ trách giảng dạy Văn học Việt Nam hiện đại là GS Trương Tửu). Chuyên ngành Văn học Việt Nam lúc này được phân chia làm 3 bộ môn, trong đó Bộ môn Văn học Việt Nam III phụ trách phần Văn học Việt Nam từ 1930 trở đi. Thời kì này bộ môn có các thầy: Hoàng Như Mai Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Trần Văn Hối, Phan Cự Đệ, do thầy Nguyễn Trác làm Trưởng Bộ môn. Những năm 1959 - 1960 khi các thầy Hoàng Như Mai, Phan Cự Đệ chuyển về Đại học Tổng Hợp (nay là ĐHKHXH&NV, ĐH QGHN), thầy Trần Văn Hối vào ĐHSP Vinh, đội ngũ giảng viên của bộ môn được bổ sung các thầy Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Đoàn Trọng Huy, Lê Tố và năm 1961 là thầy Nguyễn Xuân Tự. Những năm 1958 - 1965 là thời kì hình thành và bước đầu xây dựng, củng cố lực lượng của bộ môn. Cùng với việc ổn định chương trình, các cán bộ chủ chốt của bộ môn đã tham gia biên soạn bộ giáo trình Lịch sử Văn học Việt Nam đầu tiên của Trường ĐHSP, cũng là đầu tiên của các trường đại học trong cả nước, cụ thể là các tập V (1930 - 1945) do các thầy Nguyễn Trác, Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn; tập VI (1945 - 1962) do các thầy Huỳnh Lý, Trần Văn Hối biên soạn. Bộ giáo trình này là tài liệu học tập chính thức của sinh viên cho đến cuối những năm 80, khi được thay thế bằng những giáo trình mới được biên soạn hoặc chỉnh lý, bổ sung.

2. Giai đoạn 1965 - 1994:

Trong suốt ba thập kỷ này Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Từ 1965 đến 1975, cùng với toàn Khoa, các cán bộ của bộ môn đã tham gia tích cực vào mọi hoạt động để giữ vững và phát triển công tác đào tạo giáo viên và các hoạt động khác phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ 1965 - 1969, bộ môn đã được bổ sung một số cán bộ trẻ: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Nhung, Bùi Công Minh, Bùi Đình Thể (trừ thầy Nguyễn Văn Long, 3 thầy cô còn lại sau này đều đã lên đường nhập ngũ). Năm 1967, thầy Huỳnh Lý sau 3 năm biệt phái công tác tại ĐHSP Vinh được trở lại bộ môn và năm 1968, thầy Nguyễn Đăng Mạnh được điều động từ ĐHSP Vinh ra, thầy Trần Hữu Tá từ Trung học Sư phạm Hà Tây chuyển về.

Năm 1970, theo sự sắp xếp lại tổ chức, chuyên ngành Văn học Việt Nam ở Khoa được chia làm 2 bộ môn. Bộ môn Văn học Việt Nam II phụ trách phần Văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX trở đi. Do đó, các cán bộ giảng dạy phần Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Bộ môn Văn học Việt Nam II (cũ) là các thầy Nguyễn Đình Chú, Đào Nguyên Tụ, Tôn Gia Các, Nguyễn Tiệp, Đỗ Đức Tín, cô Trịnh Thu Tiết nhập vào với Bộ môn Văn học Việt Nam III (cũ) để thành Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Văn học Việt Nam II mới). Từ sau 1975 đến những năm cuối thế kỉ XX là thời kì Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trở thành một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học vững mạnh, phát huy vai trò và ảnh hưởng rộng lớn trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học giáo dục không chỉ trong Khoa, Trường mà cả trong ngành giáo dục và ngoài xã hội. Cùng với việc đào tạo hệ Đại học được mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại được nhận nhiệm vụ đào tạo hệ Sau đại học ngay từ khóa đầu (1977) và tiếp đó là đào tạo Nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, để đáp ứng sự phát triển của ngành giáo dục, nhiều cán bộ của bộ môn được cử đi xây dựng các trường đại học mới hoặc chi viện cho các trường đại học và Sở Giáo dục các tỉnh vùng mới giải phóng ở miền Nam: Thầy Đào Nguyên Tụ lên Trường ĐHSP Hà Nội II, thầy Nguyễn Xuân Tự về Huế, thầy Lê Tố vào Đại học Cần Thơ và thầy Trần Hữu Tá vào ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 1976 - 1980, bộ môn đã được tăng cường một lực lượng khá đông đảo các cán bộ trẻ: các thầy Nguyễn Quốc Luân, Đào Thanh Hoá, Trần Đăng Xuyền, Trần Duy Thanh, cô Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thu Minh. Sau khi các thầy Trần Duy Thanh, Nguyễn Quốc Luân, Đào Thanh Hoá và cô Nguyễn Thu Minh chuyển công tác, từ 1985 đến 1994, bộ môn đã tiếp nhận thêm: cô Trần Hạnh Mai (năm 1985), những năm sau đó là thầy Chu Văn Sơn, cô Nguyễn Thị Thanh Minh. Sau hai đợt phong chức danh khoa học của Nhà nước (1980, 1984), bộ môn đã có 5 Phó Giáo sư là các thầy Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Dung. Năm 1992, PGS Nguyễn Đình Chú và PGS Nguyễn Đăng Mạnh được nhận chức danh Giáo sư, các thầy Nguyễn Hoành Khung và Nguyễn Văn Long nhận chức danh Phó Giáo sư. Các trưởng bộ môn thời kỳ này lần lượt là PGS Nguyễn Trác (đến 1968), PGS Huỳnh Lý (từ 1969 đến 1975), PGS Hoàng Dung (từ 1976 đến 1984), GS Nguyễn Đăng Mạnh (từ 1984 đến 1994).

3. Giai đoạn từ 1995 đến nay:

Do có chiến lược đúng đắn về công tác cán bộ, vừa giữ sinh viên xuất sắc để tạo nguồn, vừa tiếp nhận cán bộ từ các đơn vị khác, nên vào đầu những năm 2000, một loạt cán bộ lão thành, những giáo sư đầu ngành của bộ môn được nghỉ hưu nhưng đội ngũ giảng viên của bộ môn không bị rơi vào sự hẫng hụt về lực lượng. Năm 1998, bộ môn tiếp nhận TS Lê Quang Hưng; năm 2000 nhận thêm TS Nguyễn Phượng. Từ năm 2001 đến nay, bộ môn được bổ sung lực lượng đáng kể: ThS Trần Văn Toàn, ThS Lê Hải Anh, ThS Đặng Thu Thuỷ, ThS Nguyễn Thị Minh Thương, ThS Đinh Minh Hằng. Các cán bộ nói trên vừa giảng dạy, vừa bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ. Trong đó, TS Nguyễn Thị Minh Thương làm NCS tại Trung Quốc, TS Đinh Minh Hằng làm NCS tại Vương Quốc Anh. Năm 2020, bộ môn nhận tiếp TS Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Các giảng viên thuộc đội ngũ kế cận của bộ môn đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nòng cốt trong mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Năm 1996, TS Đoàn Trọng Huy và TS Trần Đăng Xuyền được phong Phó Giáo sư. Năm 2003, PGS Trần Đăng Xuyền được phong Giáo sư, TS Nguyễn Thị Bình và TS Lê Quang Hưng được phong Phó Giáo sư. Thế hệ trẻ của bộ môn tiếp tục khẳng định được uy tín khoa học. Năm 2015, TS Trần Văn Toàn được phong Phó Giáo sư; năm 2016, TS Đặng Thu Thủy được phong Phó Giáo sư. Hiện nay, tất cả các cán bộ trong bộ môn đều có học vị Tiến sĩ, trong đó có 1 Giáo sư và 2 Phó Giáo sư. Trách nhiệm vinh quang và nặng nề của bộ môn thời hiện tại được đặt lên vai thế hệ cán bộ trẻ, một thế hệ được đào tạo cơ bản, đầy tài năng, năng động và luôn có ý thức tìm tòi và đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy.

Trưởng Bộ môn từ năm 1995 - 2007 là PGS Nguyễn Văn Long, từ năm 2008 đến 2013 là PGS.TS Nguyễn Thị Bình. Từ cuối 2013 đến tháng 7/2015, phụ trách bộ môn là TS Chu Văn Sơn. PGS.TS Trần Văn Toàn là Phó Trưởng Khoa từ năm 2012, kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn từ 8/2015 đến năm 2017, TS Trần Hạnh Mai, sau khi thôi giữ chức Phó Trưởng Khoa vì hết nhiệm kỳ, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Bộ môn từ năm 2017 đến hết tháng 1/2019. Từ ngày 01/02/2019, PGS.TS Đặng Thu Thủy được bổ nhiệm chức Trưởng Bộ môn.

II. ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Đào tạo:

- Đào tạo Cử nhân: liên tục trong 70 năm qua, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại đảm nhận nhiệm vụ đào tạo các hệ đại học chính quy (Cử nhân Sư phạm và Cử nhân Văn học), các hệ chuyên tu, vừa làm vừa học, từ xa với tổng số hàng chục nghìn sinh viên.

- Đào tạo Sau đại học: Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại được giao nhiệm vụ đào tạo Sau đại học ngay từ khoá đầu tiên (1977) và liên tục 13 khoá đến 1990 đã đào tạo trên 150 học viên chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại. Đào tạo Thạc sĩ từ khoá đầu (1991) đến 2021 là 30 khóa, trung bình từ 20 - 40 học viên mỗi khoá (có khoá trên 50 học viên). Số Thạc sĩ đã đào tạo khoảng 800 học viên.

- Đào tạo Nghiên cứu sinh: số lượng nghiên cứu sinh của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại thuộc vào loại nhiều nhất trong các bộ môn của toàn trường. Tính đến nay, bộ môn đã đào tạo được hơn 60 Tiến sĩ chuyên ngành. Ngoài các học viên trong nước, bộ môn còn đào tạo nhiều Thạc sĩ người nước ngoài, 3 Tiến sĩ là người Trung Quốc và Hàn Quốc, góp phần phát huy ảnh hưởng của bộ môn, của Khoa Ngữ văn ra các nước trong khu vực.

2. Nghiên cứu khoa học:

Trong suốt lịch sử phát triển của mình, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại luôn là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong toàn quốc với những chuyên gia đầu ngành và lực lượng nghiên cứu hùng hậu. Các giảng viên của bộ môn đã cho in trên 300 đầu sách gồm các loại phê bình - tiểu luận, chuyên luận nghiên cứu, tư liệu, hợp tuyển và tuyển tập, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo…  Số lượng bài báo đã công bố: trên 500 bài. Bộ môn đã biên soạn và xuất bản các tập giáo trình thuộc chương trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX đến hết thế kỉ XX, được sử dụng làm tài liệu dùng chung cho các trường ĐHSP của cả nước. Nhiều giảng viên của bộ môn đã tham gia biên soạn chương trình, chủ biên và viết sách giáo khoa trung học cơ sở, THPT và trung học phân ban, viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ môn đã chủ trì tổ chức và đồng chủ trì nhiều hội nghị khoa học lớn, quy mô toàn ngành, toàn quốc như: Đảng ta, chế độ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nền Văn học Việt Nam hiện đại (1979); Giảng dạy thơ văn Hồ Chí Minh (1980); Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy văn học (1990); 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (1995); Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (2005). Các thành viên của bộ môn đã chủ trì gần 30 đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm và hàng chục đề tài KHCN cấp trường.

III. THÀNH TÍCH, KHEN THƯỞNG

- 6 năm là tổ Lao động XHCN, từ 1995 - 2005 liên tục là tổ Lao động xuất sắc. Từ 2006 đến nay nhiều năm là tổ Lao động xuất sắc. Năm 1995, bộ môn nhận Bằng khen của Chính phủ, năm 2001 được tặng Huân chương Lao động hạng III.

- Nhiều thành viên của bộ môn được nhận Huân chương Lao động hạng II (GS Nguyễn Đình Chú, GS Nguyễn Đăng Mạnh), hạng III (PGS Nguyễn Hoành Khung, PGS Nguyễn Văn Long, GS.TS Trần Đăng Xuyền) và nhiều người được tặng bằng khen của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Bộ môn đã có 5 Nhà giáo Nhân dân (PGS Huỳnh Lý, GS Nguyễn Đình Chú, GS Nguyễn Đăng Mạnh, PGS Nguyễn Văn Long, PGS Nguyễn Hoành Khung), 3 Nhà giáo Ưu tú (PGS Nguyễn Trác, GS.TS Trần Đăng Xuyền, PGS.TS Nguyễn Thị Bình). Năm 2000, GS Nguyễn Đăng Mạnh được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học.

- Nhiều cán bộ của tổ đã giảng dạy các chuyên đề Cao học cho nhiều trường Đại học trong nước, thỉnh giảng và trao đổi khoa học ở một số nước trên thế giới. Nhiều thành viên của bộ môn đã và đang được tín nhiệm cử giữ những trọng trách ở Khoa và Trường (Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng uỷ Khoa, Trưởng Khoa, Phó Trưởng Khoa, Chủ tịch Công đoàn Khoa, Bí thư Đoàn trường,…).

IV. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHỮNG NĂM TỚI CỦA BỘ MÔN

1. Về nhân sự và tổ chức

Tiếp tục hoàn chỉnh đội ngũ lãnh đạo bộ môn, bổ sung cán bộ giảng dạy, để bộ môn có khoảng 10 cán bộ, mới có thể đảm bảo tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cùng những nhiệm vụ khác. Chú ý đến lứa tuổi, các thế hệ, tỷ lệ giữa nam và nữ, sao cho hợp lý.

2. Về giảng dạy và nghiên cứu khoa học

 Gắn bó sâu sắc hơn nữa nhiệm vụ giảng dạy với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Cùng với việc đảm bảo giảng dạy có chất lượng cao, các cán bộ trong bộ môn cần dành nhiều thời gian và tâm huyết cho nghiên cứu khoa học, không chỉ có bài đăng ở tạp chí chuyên ngành trong nước mà phải có bài đăng ở tạp chí quốc tế, có chuyên luận, để đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư và Giáo sư. Trong giảng dạy, giải quyết những vấn đề của giáo trình đại học nhưng vẫn giữ được mối liên hệ cần thiết với chương trình phổ thông, gắn bó sâu sắc với đời sống văn học chung của đất nước. Trong nghiên cứu và giảng dạy, vừa đảm bảo được tính chuẩn mực của ngành sư phạm, vừa mạnh dạn vận dụng những hướng tiếp cận, những phương pháp nghiên cứu mới, góp phần vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay. Các cán bộ trẻ của bộ môn cần phải hội nhập được với xu hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới, có những công trình đăng ở tạp chí quốc tế, đi thỉnh giảng và trao đổi học thuật ở các trường đại học và viện nghiên cứu nước ngoài.

Nhìn tổng quát, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại là một đơn vị chuyên môn vững mạnh, đạt được nhiều thành tựu cả về đào tạo và nghiên cứu khoa học, có đóng góp rất đáng ghi nhận vào thành tựu chung của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và của ngành khoa học Ngữ văn Việt Nam.