BỘ MÔN VĂN HỌC VIỆT NAM DÂN GIAN VÀ TRUNG ĐẠI

BỘ MÔN VĂN HỌC VIỆT NAM DÂN GIAN VÀ TRUNG ĐẠI

(BỘ MÔN VĂN HỌC VIỆT NAM I)

 

Bộ môn Văn học Việt Nam I được thành lập những năm 1956 – 1957. Ngay từ khi ra đời, Bộ môn đã có cơ cấu tổ chức bền vững gồm hai chuyên ngành.

 I. Quá trình phát triển

1. Giai đoạn 1956 – 1970

Năm 1957, vị Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên - GS Bùi Văn Nguyên đã giảng dạy và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) cả hai chuyên ngành: Văn học dân gian và Văn học viết từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII (Văn học phong kiến thượng kỳ).

Năm 1959, bộ môn tiếp nhận cán bộ từ Trung cấp Sư phạm chuyển sang: Cô Đặng Thanh Lê và các thầy Nguyễn Ngọc Côn, Phan Sỹ Tấn. Đồng thời giữ lại các sinh viên giỏi của Khoa làm công tác giảng dạy. Khóa 1957 - 1959 có hai thầy Lý Hữu Tấn, Phan Côn. Khóa 1957 - 1960 có thêm ba cán bộ đi học được giữ lại: các thầy Nguyễn Nghĩa Dân, Phạm Luận và Đỗ Bình Trị. Khóa 1958 - 1961, có thầy Đào Nguyên Tụ. Sau đó là thầy Doãn Nhữ Tiếp. Năm 1965 - 1966, bộ môn tiếp nhận các thầy Trần Gia Linh, Trần Văn Thận, Nguyễn Văn Tiến. Năm 1970, có thêm thầy Lê Trường Phát.

Từ năm 1965, bộ môn từng bước được bổ sung lực lượng cán bộ trẻ từ nguồn sinh viên giỏi, gồm các thầy: Vi Hồng, Nguyễn Tấn Phát, Trần Quang Minh (1965), Hoàng Ngọc Trì, Phạm Văn Hóa (1967), Đặng Thái Thuyên (1968),… Đội ngũ bộ môn giai đoạn này có đến trên dưới 20 người thuộc hai thế hệ. Đây cũng là thời kỳ duy nhất tính đến nay trong cơ cấu tổ chức có tới hai Phó chủ nhiệm bộ môn thuộc hai chuyên ngành: thầy Đỗ Bình Trị và cô Đặng Thanh Lê. Từ ngày 5/8/1964, cả miền Bắc bước vào thời kỳ bị đánh phá ác liệt, trường và khoa phải từ giã thủ đô, sơ tán lên Thái Nguyên về Hưng Yên,… Điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn nhưng số lượng sinh viên chính quy lên tới 1500 người, thời gian học vẫn được nâng lên, các hệ hàm thụ bồi dưỡng tiếp tục mở rộng. Trong hoàn cảnh đó, những cánh chim đầu đàn của bộ môn đã trở thành những tấm gương có sức tỏa sáng. Khi trường và khoa chủ trương viết giáo trình riêng cho ĐHSP, GS Trưởng bộ môn đã chủ biên các tập Văn học dân gian và Văn học phong kiến thượng kỳ trong bộ sách gồm 6 tập đã từng được xuất bản từ năm đầu tiên của thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

 2. Giai đoạn 1970 – 1979

Từ giai đoạn này, bộ môn đảm nhiệm thêm phần Văn học trung đại nửa cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX (văn học phong kiến hạ kỳ). Năm 1971, bộ môn tiếp nhận thầy Hoàng Hữu Yên từ Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trước đó, năm 1966, một số cán bộ đã chuyển đi, gồm các thầy Phạm Luận, Vi Hồng (lên khoa Ngữ văn ĐHSP Việt Bắc). Năm 1968, thầy Nguyễn Nghĩa Dân chuyển lên trường, sau đó lên Bộ. Trong những năm 1971 - 1972, một bộ phận cán bộ lần lượt nhập ngũ vào các mặt trận phía Nam, gồm các thầy: Lý Hữu Tấn, Trần Quang Minh, Hoàng Ngọc Trì, Đặng Thái Thuyên, Phạm Văn Hóa…. Năm 1972, cô Đinh Thị Khang được giữ lại cho Văn học trung đại. Năm 1974, bộ môn tiếp nhận thêm các cô giáo trẻ: Nguyễn Bích Hà, Phạm Thu Yến với Văn học dân gian. Kế đó, các thầy Trần Quang Minh, Đặng Thái Thuyên xuất ngũ, trở về bộ môn tiếp tục sự nghiệp.

Sau 1975, các trường đại học phía Nam đòi hỏi tăng cường cán bộ mới từ miền Bắc vào củng cố và xây dựng lại. Thầy Trần Văn Thận trở về Quảng Ngãi, thầy Nguyễn Tấn Phát vào TP. Hồ Chí Minh. Năm 1976, cô Nguyễn Bích Hà và thầy Đoàn Nguyên Tụ lên ĐHSP II. Đồng thời, năm 1976, bộ môn giữ lại thầy Nguyễn Đăng Na, một cán bộ đi học vừa tốt nghiệp xuất sắc. Hai năm sau đó, thầy Lã Nhâm Thìn từng là sinh viên khoa Ngữ văn lên đường nhập ngũ cùng các thầy trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đã trở về học tiếp và tốt nghiệp, được bộ môn giữ lại cho Văn học trung đại. Năm 1978, thầy Đỗ Bình Trị đảm nhiệm quyền Chủ nhiệm khoa, sau đó lên Bộ.

Giai đoạn này, bộ môn đã đóng góp rất nhiều công sức cho những chuyến đưa sinh viên đi thực tế văn học trên khắp mọi miền đất nước. Các hoạt động ngoại khóa của câu lạc bộ văn học dân gian và văn học trung đại (tuồng, chèo, quan họ, chuyển thể sân khấu hóa Truyện Kiều…) được xây dựng từ những năm sơ tán gian khổ vẫn tiếp tục được củng cố và phát huy, có sức lôi cuốn mạnh mẽ các thế hệ sinh viên mới.

 3. Giai đoạn 1979 - 2009

Từ năm 1979, bộ môn bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh trong nước và hệ cao học chính quy. Năm 1997, khung chương trình VHTĐ mở rộng phân kỳ đến hết thế kỷ XIX. Như vậy, cùng với toàn bộ nền văn học dân gian, mười thế kỷ văn học viết của dân tộc chính thức trở thành nội dung đào tạo và NCKH của bộ môn.  

Từ năm 1979 đến năm 1989, giữ cương vị Chủ nhiệm bộ môn là GS Đặng Thanh Lê, Phó Chủ nhiệm bộ môn là GVC Trần Gia Linh. Trước đó, bộ môn còn được tăng cường một số cán bộ đã tốt nghiệp Phó tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ chuyên ngành) từ nước ngoài về như TS.Trần Đức Ngôn, TS.Hoàng Ngọc Trì. Nhưng thời kỳ này, việc gửi đi học sau đại học ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu đang dần khép lại. Thực tế đó đã thúc đẩy nhanh năng lực tự đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước nói chung cũng như ở bộ môn nói riêng. Truyền thống tự lực trong đào tạo của bộ môn tiếp tục được phát huy. Năm 1988, thầy Nguyễn Đăng Na bảo vệ xuất sắc luận án TS đầu tiên tại bộ môn do GS Bùi Văn Nguyên hướng dẫn. Nhiều Hội thảo khoa học chuyên ngành của Khoa Ngữ văn và của Trường đã được bộ môn khởi xướng và chủ trì, đem lại những thành tựu quan trọng làm tiền đề cho hai chuyên ngành đủ sức đáp ứng những thách thức rất lớn sau thời kỳ đổi mới (1986).

Ba bộ giáo trình lần lượt được xuất bản: Văn học dân gian Việt Nam (PGS Đỗ Bình Trị biên soạn); Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII (GS Bùi Văn Nguyên chủ biên); Văn học Việt Nam từ  nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX  (GS Đặng Thanh Lê chủ biên với sự cộng tác của PGS Hoàng Hữu Yên và các cán bộ của bộ môn). Bộ môn chính thức hội nhập các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực và quốc tế. Giai đoạn trước, các thầy Nguyễn Nghĩa Dân, Đỗ Bình Trị đã sang hỗ trợ nước bạn Lào xây dựng giáo trình đại học; thì thời kỳ này, các thầy Nguyễn Văn Tiến, Trần Quang Minh được cử sang làm chuyên gia giáo dục tại Campuchia. Một số bài báo của GS Đặng Thanh Lê, TS Nguyễn Đăng Na đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Đồng thời, việc thành lập “Trung tâm nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam cho người nước ngoài” do GS Đặng Thanh Lê làm giám đốc đã có ý nghĩa mở đường cho một thời kỳ mới.

           Từ năm 1990 đến năm 1994, giữ cương vị Trưởng bộ môn (theo cách gọi chức danh mới) là GVC Trần Gia Linh, Phó Trưởng bộ môn là GVC Trần Quang Minh. Bộ môn có thêm ba người bảo vệ thành công luận án TS. Đó là TS Đinh Thị Khang dưới sự hướng dẫn của GS Đặng Thanh Lê, TS Lã Nhâm Thìn dưới sự hướng dẫn của PGS Hoàng Hữu Yên và TS Phạm Thu Yến bảo vệ tại Liên Xô (cũ). Thời kỳ này, bộ môn đã có một đội ngũ các nhà biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo cho các cấp học phổ thông trong vai trò chủ lực đối với cả hai chuyên ngành Văn học dân gian (VHDG) và Văn học Việt Nam trung đại (VHTĐ). Đặc biệt với chuyên ngành VHDG, đó là những đóng góp trong nhiều năm của GVC Trần Gia Linh. Từ năm 1989, với cương vị Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian trường ĐHSP Hà Nội, GVC Trần Gia Linh đã tập hợp được một đội ngũ  các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong phạm vi toàn trường với vai trò nòng cốt là các chuyên gia VHDG của bộ môn, tiến hành các hoạt động nghiên cứu liên ngành. Những thành tựu nghiên cứu mới về các thể loại truyện dân gian, về kho tàng đồng dao và câu đố Việt Nam, về những thế giới nghệ thuật ca dao, về VHDG các dân tộc thiểu số Việt Nam của các giảng viên chính đã lần lượt được xuất bản. Về quan hệ quốc tế: Ths Nguyễn Bích Hà giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Osaka Nhật Bản; TS Nguyễn Đăng Na sau thời gian làm thực tập sinh cao cấp tại Viện Phương Đông, trường Đại học Lômônôxốp (MGU, Liên Xô cũ), đã được mời ở lại hai năm làm cộng tác viên, dạy Hán Nôm tại Viện các nước Á – Phi. Năm 1994, thầy Nguyễn Đăng Na về nước, làm Trưởng bộ môn và hai năm sau thầy được phong học hàm Phó giáo sư.  

           Từ năm 1994 đến năm 2007, giữ cương vị Trưởng bộ môn là PGS.TS. Nguyễn Đăng Na. Phó Trưởng bộ môn đầu tiên ở thời kỳ này là PGS.TS Phạm Thu Yến, sau đó là PGS.TS Nguyễn Bích Hà và từ năm 2005, là PGS.TS Vũ Anh Tuấn.

Từ năm 1994 đến năm 2000, nhiều thầy cô thuộc thế hệ trước đã đến tuổi nghỉ hưu. PGS.TS Trần Đức Ngôn giữ chức Phó Chủ nhiệm khoa, rồi chuyển lên trường, sau đó sang Đại học Văn hóa đảm nhiệm trọng trách mới. Bộ môn gia tăng các buổi sinh hoạt học thuật, tạo điều kiện tối đa cho mỗi cán bộ đều tham dự vào các buổi bảo vệ luận văn cao học. Đã có thời kỳ mỗi giảng viên còn được lần lượt tạo điều kiện một năm dành thời gian chuyên tâm cho NCKH. Liên tiếp trong hai năm 1996, 1997, các thầy cô Nguyễn Bích Hà và Lê Trường Phát bảo vệ thành công luận án TS. Truyền thống tự lực của bộ môn vẫn được gìn giữ và phát huy. Thế nên chỉ trong một thời gian từ 1997 đến 2000, bộ môn đã có những chuyên luận có giá trị học thuật mới mẻ thuộc hai chuyên ngành được xuất bản: Truyện Kiều, Giảng văn Truyện Kiều (1997); Thơ Nôm Đường luật (1997); Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, 3 tập  (1997, 2000, 2001); Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều (1998); Những thế giới nghệ thuật ca dao (1998); Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á (1998); Thi pháp văn học dân gian (2000)… Năm 1997, bộ môn tiếp nhận Ths Trần Thị Hoa Lê từng là một sinh viên xuất sắc. Với tầm nhìn xa của Trưởng bộ môn Nguyễn Đăng Na, đây là thời kỳ chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học có ý nghĩa quyết định để bước vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, bộ môn vẫn giữ vững được vị thế đã được khẳng định. Tháng 1 năm 2001, bộ môn tiếp nhận PGS.TS Vũ Anh Tuấn từ Đại học Thái Nguyên chuyển về. PGS.TS Vũ Anh Tuấn được giao ngay nhiệm vụ dự thảo các nội dung định hướng đào tạo NCS chuyên ngành VHDG. Trong đợt phong học hàm Nhà nước năm 2002, cùng một thời điểm, bộ môn có thêm bốn GVC được phong học hàm Phó giáo sư. Đó là PGS.TS Lê Trường Phát, PGS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Nguyễn Bích Hà và PGS.TS Phạm Thu Yến. Năm 2005, có thêm TS Đinh Thị Khang được phong học hàm Phó giáo sư. Năm 2007, Ths Trần Thị Hoa Lê bảo vệ xuất sắc luận án TS, đồng thời bộ môn tiếp nhận PGS.TS Vũ Thanh chuyển về từ Viện Văn học. Năm 2008, TS Nguyễn Thị Nương bảo vệ luận án xuất sắc dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Đăng Na, cũng được giữ lại. Từ năm 2002, bộ môn bắt đầu đào tạo tiến sĩ chuyên ngành VHDG. Từ thời điểm này, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo cử nhân các hệ ngày càng mở rộng trên phạm vi cả nước, số lượng học viên cao học và NCS tiến sĩ chuyên ngành ngày càng tăng trưởng theo từng năm. Mặt khác từ năm 2005, sau khi Bộ ngành triển khai chương trình biên soạn lại sách giáo khoa THPT và giáo trình mới cho hệ cao đẳng, bộ môn tiếp tục nhận trách nhiệm ở cả hai chuyên ngành. Hơn nữa với đội ngũ giảng viên có vị thế khoa học  đã được khẳng định, bộ môn còn chủ động mở rộng hợp tác đào tạo SĐH và NCKH với các Viện nghiên cứu và một số trường Đại học trọng điểm  ở Hà Nội và các vùng miền trên cả nước. Chỉ trong 8 năm từ 2002 đến 2010, các bộ giáo trình về Văn học dân gian (chủ biên PGS.TS Phạm Thu Yến), Văn học trung đại Việt Nam hai tập I, II (chủ biên PGS.TS Nguyễn Đăng Na); các bộ sách giáo khoa và sách giáo viên, sách tham khảo Ngữ Văn 10, 11 phần VHDG và VHTĐ Việt Nam đều do cán bộ của bộ môn chủ biên hoặc tham gia biên soạn; cùng nhiều công trình chuyên khảo, tinh tuyển hoặc tổng tập, trong đó có những công trình khảo cứu về văn hóa văn học Thăng Long “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” đã được xuất bản. Về đào tạo SĐH, bộ môn đã tổ chức biên soạn một hệ thống bài giảng chuyên đề bắt buộc và tự chọn rất phong phú so với tất cả các cơ sở khác có cùng chuyên ngành và từng bước cho xuất bản các giáo trình SĐH. Tháng 12 năm 2009, bộ môn phối hợp với khoa và trường tổ chức Hội thảo khoa học về “Mối quan hệ Văn học dân gian và Văn học viết, những vấn đề lí luận và thực tiễn”. Tháng 12 năm 2010, bộ môn phối hợp với Chi hội Văn nghệ dân gian trường ĐHSP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Một ngàn năm Văn hóa dân gian Thăng Long Hà Nội”. Đầu xuân Tân Mão (2011), nhằm ngày 10 tháng giêng là ngày chính Lễ hội “lồng tồng” của đồng bào Tày Nùng, bộ môn tổ chức chuyến du khảo khoa học “trở về nguồn” thăm lại ATK Việt Bắc, Khu Bảo tàng kháng chiến Tân Trào, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, dự lễ hội dân gian và giao lưu với Khoa Ngữ văn trường ĐHSP Việt Bắc (cũ) nay là ĐHSP Thái Nguyên. Tháng 10 năm 2012, phát huy những kết quả thực tế văn hóa giáo dục miền núi và dân tộc, Bộ môn phối  hợp với Chi bộ VHVN tổ chức thành công chuyến đi thực tế Hà Giang…

Thời kỳ này, bộ môn đã giữ lại được một thế hệ cán bộ trẻ tốt nghiệp xuất sắc trong các khóa đào tạo cử nhân Chất lượng cao, như: Nguyễn Việt Hùng (2002), Phạm Đặng Xuân Hương, Nguyễn Thanh Tùng (2003), Đỗ Thị Mỹ Phương, Nguyễn Thị Hồng Minh (2004), Lê Thái Hoa (2005), Phạm Thị Kim Ánh (2007), Nguyễn Thị Hường (2008),... Trong đội ngũ kế cận đầy triển vọng này, Ths Nguyễn Thanh Tùng đã bảo vệ xuất sắc luận án TS năm 2010 dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Đăng Na. Các Ths Nguyễn Việt Hùng, Phạm Đặng Xuân Hương, Đỗ Thị Mỹ Phương, Lê Thái Hoa cũng đang làm NCS với chính các thầy cô trong bộ môn. Kế tục thế hệ đi trước, đội ngũ cán bộ trẻ trở thành lực lượng nòng cốt trong các hội thảo khoa học của Chi đoàn cán bộ, trong các hoạt động đoàn thể, các đợt đưa sinh viên đi thực tế, trong các hoạt động của các câu lạc bộ hỗ trợ đào tạo. Thành viên trẻ nhất của bộ môn được giữ lại năm 2008 là cử nhân Nguyễn Thị Hường đã bảo vệ xuất sắc luận văn Ths VHDG (2010). Từ tháng 12 năm 2007, Trưởng bộ môn là PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn là PGS.TS Vũ Thanh. Năm 2009, PGS.TS Vũ Thanh lên Phó Trưởng khoa Ngữ văn, thì người kế nhiệm chức vụ Phó Trưởng bộ môn là TS Trần Thị Hoa Lê.

4. Giai đoạn từ 2010 đến nay

Đây là giai đoạn trưởng thành vượt bậc của thế hệ kế cận, Trưởng bộ môn là PGS.TS Trần Thị Hoa Lê, Phó Trưởng bộ môn là PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (từ 2013). Các thành viên bộ môn đều nỗ lực đạt được học hàm học vị mới: GS.TS Vũ Anh Tuấn (2013), GS.TS Lã Nhâm Thìn (2015); PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (2015), PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng (2016), PGS.TS Trần Thị Hoa Lê (2018); TS Phạm Đặng Xuân Hương (2013), TS Đỗ Thị Mỹ Phương (2016)... Như trên đã nói, đội ngũ cán bộ trẻ mà bộ môn tiếp nhận đều là sinh viên Chất lượng cao theo chế độ tạo nguồn của Trường, và đều đã bảo vệ xuất sắc luận án TS. Thành viên trẻ tuổi nhất là Ths Nguyễn Thị Hường đang trong thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ ở Hoa Kỳ. Giai đoạn này, các giảng viên của bộ môn đã hoàn thành các bộ giáo trình phục vụ chương trình Cử nhân mới (thực hiện từ 2014) ở cả hai chuyên ngành: Giáo trình văn học dân gian (GS.TS Vũ Anh Tuấn chủ biên), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam (tập 1, GS.TS Lã Nhâm Thìn chủ biên; tập 2, GS.TS Lã Nhâm Thìn - PGS.TS Vũ Thanh đồng chủ biên); đang từng bước hoàn thiện hệ thống giáo trình, chuyên đề mới cho các hệ đào tạo từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ môn đã biên soạn Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam (2016); tổ chức thành công hội thảo khoa học “Giáo sư Bùi Văn Nguyên với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và NCKH” (2013), Hội thảo Khoa học Quốc gia kỷ niệm 200 năm năm mất Nguyễn Du (2020); hoàn thành biên tập Kỷ yếu hội thảo Những tiếp cận mới trong nghiên cứu - giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều (2021)... Thế hệ cán bộ giảng dạy trẻ đang ngày càng khẳng định chất lượng nghiên cứu và đào tạo đạt trình độ cao, đáp ứng tốt yêu cầu mới của thời đại.           

II. Công tác đào tạo

1. Về nhiệm vụ đào tạo

    Nhiệm vụ đào tạo hiện nay của hai chuyên ngành theo mục tiêu đào tạo và khung chương trình của khoa Ngữ văn bắt đầu từ năm học 2009 -  2010 theo hệ thống tín chỉ gồm có các bậc học:

 - Bậc cử nhân: Có hai hệ: cử nhân sư phạm và cử nhân văn học được đào tạo chính quy tập trung 4 năm. Trong hệ cử nhân sư phạm, có lớp đào tạo cử tuyển theo vùng và lớp chất lượng cao. Ngoài ra, bộ môn còn tham gia đào tạo ở tất cả các hệ cử nhân chuyên tu hai năm, tại chức (vừa làm vừa học), từ xa, văn bằng 2 trên phạm vi cả nước và hệ lưỡng quốc cử nhân cho sinh viên được gửi đến từ nước ngoài.

 - Bậc thạc sĩ: Có hai hệ: Chủ yếu là đào tạo chính quy tập trung hai năm tại trường đối với hệ cao học thuộc hai chuyên ngành VHDG và VHTĐ. Hệ tại chức SĐH thời gian 3 năm được liên kết thực hiện ở các địa phương.

 - Bậc tiến sĩ: Đào tạo tiến sĩ chuyên ngành VHDG và tiến sĩ chuyên ngành VHTĐ gồm hai hệ. Hệ NCS chính quy tập trung 4 năm cho cử nhân và 3 năm cho thạc sĩ, hệ chính quy không tập trung 5 năm cho cử nhân và 4 năm cho thạc sĩ.

Một bộ phận cán bộ còn được mời tham gia đào tạo thạc sĩ và NCS tiến sĩ tại các trường đại học và các Viện nghiên cứu: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học Hồng Đức, Đại học Trà Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Báo chí, Học viện Hành chính quốc gia, Viện Văn học, Viện Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật…

 2. Kết quả thực hiện từ 2001 - 2020 và định hướng mục tiêu đến năm 2030

 - Bậc đào tạo cử nhân: Ở tất cả các hệ hàng năm đều gia tăng theo quy mô của khoa và trường. Hiện nay, số sinh viên chính quy mỗi khóa tới con số 300 - 500 người. Số sinh viên đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp hàng năm tại bộ môn trong đó có sinh viên Hàn Quốc đều đạt loại xuất sắc.

 - Bậc đào tạo thạc sĩ: Trong 5 năm trở lại đây, hàng năm đều có trên dưới 30 học viên được đào tạo tại bộ môn ở cả hai chuyên ngành. Từ 2001 - 2010 bộ môn đã có 227 HV cao học bảo vệ luận văn thạc sĩ, trong đó có 1 thạc sĩ là người Hàn Quốc hiện vẫn đang tiếp tục làm NCS chuyên ngành VHDG.

- Bậc đào tạo tiến sĩ: Bộ môn được giao nhiệm vụ đào tạo TS chuyên ngành VHTĐ từ những năm 80 của thế kỷ XX. Từ đó đến năm 2000 đã có 16 NCS đạt học vị TS. Từ năm 2002, bộ môn bắt đầu được giao thêm nhiệm vụ đào tạo TS chuyên ngành VHDG. Trong thời kỳ 2001 - 2010, đã đào tạo thêm được 13 TS chuyên ngành VHTĐ (trong đó có 1 TS là người nước ngoài) và 6 TS chuyên ngành VHDG. Trong 10 năm gần đây, số NCS được đào tạo tại bộ môn là 22 người chia đều cho cả hai chuyên ngành. Như vậy, tổng số TS do bộ môn đào tạo là 61 người.

           Định hướng đến năm 2030, bộ môn giữ vững chất lượng theo mục tiêu đào tạo. Để nâng cao năng lực đào tạo ở cấp bộ môn, sẽ từng bước hoàn thành các bộ giáo trình mới cập nhật hiện đại theo chương trình tín chỉ, đồng thời  hoàn thiện thư viện bộ môn và xây dựng thư viện điện tử kết nối trong và ngoài nước, tiến tới đủ điều kiện hợp tác đào tạo quốc tế ở cấp độ chuyên ngành. Bên cạnh nghiên cứu chuyên sâu, bộ môn sẽ mở rộng hơn nữa nghiên cứu liên ngành, vận dụng những lí thuyết mới vào nghiên cứu, giảng dạy VHDG và VHTĐ Việt Nam.

 III. Nghiên cứu khoa học - Những thành tựu đạt được

Trong 70 năm qua, thời kỳ nào bộ môn cũng có những công trình chuyên luận có vị trí dấu mốc trong sự phát triển chung của khoa học văn học Việt Nam: Thơ ca Việt Nam - Hình thức và thể loại, Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Nghiên cứu tiến trình lịch sử văn học dân gian Việt Nam, Tinh tuyển Văn học Việt Nam, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Thơ Nôm Đường luật, Con đường giải mã văn học trung đại Việt NamGiảng văn Văn học Việt Nam, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, Truyện thơ Tày – nguồn gốc quá trình phát triển và thi pháp thể loại

Các bộ giáo trình Đại học (và Cao đẳng) được bộ môn biên soạn trong các thời kỳ 1960 - 1961, 1989 – 1991, 2005 – 2007, 2011 - 2015 gắn với bốn giai đoạn phát triển đã từng có ảnh hưởng sâu rộng trong ngành trên phạm vi cả nước đều là sự tích hợp những thành tựu NCKH sau hàng chục hội thảo đã được tổ chức, hàng trăm bài báo khoa học đã được công bố và rất nhiều đề tài khoa học các cấp do bộ môn thực hiện đã được nghiệm thu.

Trong lĩnh vực khoa học sư phạm, hầu hết các bộ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, sách bồi dưỡng thường xuyên về VHDG và VHTĐ ở mọi cấp học phổ thông từ 1987 đến nay đều ghi danh các nhà biên soạn hoặc chủ biên là cán bộ của bộ môn: Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Trần Gia Linh, Nguyễn Đăng Na, Lã Nhâm Thìn, Lê Trường Phát, Đinh Thị Khang, Nguyễn Thị Bích Hà, Phạm Thu Yến, Vũ Anh Tuấn, Vũ Thanh, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thanh Tùng, Đỗ Thị Mỹ Phương, Nguyễn Việt Hùng, Phạm Đặng Xuân Hương…

Trên cơ sở những thành tựu đó, bộ môn đã từng bước chủ động mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Đến nay, một số công trình NCKH của GS Đặng Thanh Lê, PGS.TS Nguyễn Đăng Na, PGS.TS Đinh Thị Khang, GS.TS Vũ Anh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng… đã được công bố trên các tạp chí khoa học nước ngoài. Trong các hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam khoảng 10 năm gần đây, cùng với sự tham gia của cán bộ lớp trước, như: PGS.TS Nguyễn Đăng Na, GS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Đinh Thị Khang, PGS.TS Phạm Thu Yến, GS.TS Vũ Anh Tuấn, PGS.TS Vũ Thanh, … bộ môn còn có sự tham gia của cán bộ trẻ:PGS.TS Trần Thị Hoa Lê,   PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, TS Phạm Đặng Xuân Hương... Đặc biệt, rất đáng ghi nhận những công trình mới của thế hệ kế cận, đã vững vàng tiếp nối và phát triển hướng nghiên cứu cũng như thành tựu của các bậc tiền bối. Ở chuyên ngành VHTĐ phải kể đến TS Nguyễn Thị Nương với chuyên luận Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán (2010); PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng với các công trình: Thơ lục ngôn chữ Hán Việt Nam thời trung đại (thế kỉ X-XIX) (2016), Phạm Sư Mạnh – cuộc đời và thơ văn (2018); PGS.TS Trần Thị Hoa Lê với chuyên luận Văn học trào phúng Việt Nam thời trung đại (2017)... Ở chuyên ngành VHDG là sự đóng góp đáng khẳng định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng với các công trình: Sử thi otndrong- cấu trúc văn bản và diễn xướng (2013) Từ điển văn học dân gian Việt Nam (2014); TS Phạm Đặng Xuân Hương với chuyên luận Đặc điểm thể loại sử thi Chương ở Việt Nam (trường hợp Chương Han của người Thái Tây Bắc) (2016)...

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, có thể khẳng định thời kỳ từ 2021 đến 2030, khả năng liên kết trong nước và hợp tác quốc tế trong các hoạt động NCKH của bộ môn sẽ có những bước phát triển mới về cả chất lượng và số lượng.

 IV. Thành tích, khen thưởng

Từ ngày đầu thành lập, bộ môn đã nhiều năm đạt danh hiệu Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo. Nhiều cán bộ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, nhận Bằng khen của Ngành, Chính phủ và Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến của Nhà nước. Các thầy cô có công lao đào tạo cán bộ và phát triển bộ môn đã được vinh danh Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân. Trong danh sách đề cử chân dung nhà giáo tiêu biểu trường ĐHSP Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, có bốn GS của bộ môn. Đó là GS.NGƯT Bùi Văn Nguyên, Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước; GS.NGƯT Đặng Thanh Lê, Huân chương Lao động hạng Ba (1996) hạng Nhất (2001); PGS.NGƯT Hoàng Hữu Yên và PGS.TS Đỗ Bình Trị, Huy chương hữu nghị của Nhà nước Lào. Trong hoạt động quan hệ quốc tế, bộ môn có nhiều thầy cô được nước bạn trao tặng Huy chương. NGND Nguyễn Nghĩa Dân được tặng Huy chương của Nhà nước Lào, các thầy Nguyễn Văn Tiến, Trần Quang Minh được tặng Huy chương của Nhà nước Campuchia. Trong những năm gần đây, bộ môn có thêm các Nhà giáo ưu tú được nhà nước phong tặng: PGS.TS Nguyễn Đăng Na, GS.TS Lã Nhâm Thìn, GS.TS Vũ Anh Tuấn; và các nhà giáo được nhận Huân chương Lao động: GS.TS Lã Nhâm Thìn, GS.TS Vũ Anh Tuấn... Trong nhiều năm, tập thể bộ môn được công nhận là Tập thể Lao động tiên tiến xuất sắc.

    Điểm lại lịch sử 70 năm trưởng thành và không ngừng phát triển của Bộ môn Văn học Việt Nam I (nay là bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại), có thể nói, truyền thống đoàn kết và truyền thống tự lực chính là hai giá trị cơ bản đã được xác lập và gìn giữ từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù đất nước và cuộc sống riêng của từng cán bộ vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, song tập thể bộ môn vẫn là một đội ngũ vững mạnh, có phẩm chất chính trị tốt, có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội./.    

 

Danh sách cán bộ của bộ môn đã và đang tham gia công tác quản lí tại khoa và các đơn vị khác

1.    

Phan Côn

Phó văn phòng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương

2.    

Nguyễn Nghĩa Dân

Phó Chủ nhiệm Khoa, Bí thư Đảng ủy Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy Trường, Phó chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT

3.    

Nguyễn Thị Bích Hà

Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học, ĐHSPHN

4.    

Phạm Văn Hóa

Ủy viên thường trực tỉnh đảng bộ Thái Bình

5.    

Đặng Thanh Lê

Trưởng bộ môn, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học, ĐHSPHN

6.    

Trần Thị Hoa Lê

Trưởng bộ môn

7.    

Trần Gia Linh

Trưởng bộ môn

8.    

Trần Quang Minh

Phó Bí thư Đảng ủy Khoa

9.    

Nguyễn Đăng Na

Trưởng bộ môn

10.                       

Trần Đức Ngôn

Hiệu trưởng Đại học Văn hóa

11.                       

Bùi Văn Nguyên

Trưởng bộ môn

12.                       

Nguyễn Tấn Phát

Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy ĐHSP TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc ĐHQG TPHCM

13.                       

Phan Sĩ Tấn

Chủ nhiệm Khoa

14.                       

Vũ Thanh

Phó Chủ nhiệm Khoa, Phó Viện trưởng Viện Văn học

15.                       

Trần Văn Thận

Bí thư Đảng ủy Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa

16.                       

Lã Nhâm Thìn

Chủ nhiệm Khoa, Bí thư Đảng ủy Khoa

17.                       

Đặng Thái Thuyên

Bí thư chi bộ

18.                       

Hoàng Ngọc Trì

Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và môi trường Nam Định

19.                       

Đỗ Bình Trị

Chủ nhiệm Khoa, Cục trưởng

20.                       

Vũ Anh Tuấn

Trưởng bộ môn

21.                       

Lê Trí Viễn

Chủ nhiệm Khoa

22.                       

Phạm Thu Yến

Phó Chủ nhiệm Khoa

 

Danh sách cán bộ của bộ môn đã hưu trí hoặc chuyển cơ quan

Stt

Họ và tên

Học hàm, học vị, danh hiệu

Chỗ ở hiện nay

Ghi chú

1

Bùi Thị Kim Ánh

CN

Hà Nội

 

2

Nguyễn Ngọc Côn

CN

Hà Nội

 

3

Nguyễn Nghĩa Dân

CN, NGƯT

Hà Nội

 

4

Trần Tiến Đức

CN

Hà Nội

 

5

Nguyễn Thị Bích Hà

PGS.TS

Hà Nội

 

6

Lê Thái Hoa

ThS

Hà Nội

 

7

Nguyễn Mỹ Hòa

ThS

Tp Hồ Chí Minh

 

8

Phạm Văn Hóa

CN

Thái Bình

 

9

Đinh Thị Khang

PGS.TS

Hà Nội

 

10

Đặng Thanh Lê

GS, NGƯT

Hà Nội

Đã mất

11

Trần Gia Linh

CN

Hà Nội

Đã mất

12

Nguyễn Thị Hồng Minh

ThS

Hà Nội

 

13

Trần Quang Minh

CN

Hà Nội

 

14

Nguyễn Đăng Na

PGS.TS, NGƯT

Hà Nội

Đã mất

15

Trần Đức Ngôn

PGS.TS

Hà Nội

 

16

Bùi Văn Nguyên

GS, NGƯT

Hà Nội

Đã mất

17

Lê Trường Phát

PGS.TS

Hà Nội

 

18

Nguyễn Tấn Phát

PGS.TS

Hà Nội

 

19

Lý Hữu Tấn

CN

Hà Nội

 

20

Phan Sĩ Tấn

PGS

Hà Nội

 

21

Đặng Quang Thanh

CN

Hà Nội

 

22

Vũ Thanh

PGS.TS

Hà Nội

 

23

Trần Văn Thận

CN

Quảng Ngãi

 

24

Đặng Thái Thuyên

CN

Hà Nội

 

25

Nguyễn Văn Tiến

CN

Hà Nội

 

26

Doãn Nhữ Tiếp

CN

Hà Nội

Đã mất

27

Hoàng Ngọc Trì

TS

Hà Nội

 

28

Đỗ Bình Trị

PGS

Hà Nội

 

29

Đào Nguyên Tụ

CN

Hà Nội

 

30

Vũ Anh Tuấn

PGS.TS, NGƯT

Hà Nội

 

31

Lê Trí Viễn

GS

Tp. Hồ Chí Minh

Đã mất

32

Hoàng Hữu Yên

PGS, NGƯT

Hà Nội

Đã mất

33

Phạm Thu Yến

PGS.TS, NGƯT

Hà Nội

 

 

Danh sách cán bộ của bộ môn hiện đang công tác

Stt

Họ và tên

Quê quán

Học hàm, học vị, danh hiệu, chức vụ

1.    

Nguyễn Việt Hùng

Hưng Yên

PGS.TS, Phó trưởng bộ môn

2.    

Phạm Đặng Xuân Hương

Nam Định

TS

3.    

Nguyễn Thị Hường

Nam Định

Ths

4.    

Trần Thị Hoa Lê

Hà Nam

PGS. TS, Trưởng bộ môn

5.    

Nguyễn Thị Nương

Hà Tây

TS

6.    

Đỗ Thị Mỹ Phương

Nam Định

TS

7.    

Lã Nhâm Thìn

Ninh Bình

GS.TS.NGƯT

8.

Nguyễn Thanh Tùng

Thanh Hóa

PGS.TS

       

 

Danh sách cán bộ tham gia quân đội

1. Phạm Văn Hóa

2. Trần Quang Minh

3. Lã Nhâm Thìn

4. Đặng Thái Thuyên

5. Hoàng Ngọc Trì

 

CÁC GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA BỘ MÔN VĂN HỌC VIỆT NAM 1 QUA CÁC THỜI KÌ

GS.NGƯT. BÙI VĂN NGUYÊN (1918 - 2003)

           GS Bùi Văn Nguyên là một trong những chuyên gia đầu ngành có công lao xây dựng nền móng Bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại trong giai đoạn đầu thành lập Khoa Ngữ văn. Thầy giữ cương vị Chủ nhiệm bộ môn trong nhiều năm (1956 - 1978); đảm nhiệm việc nghiên cứu và đào tạo cả hai chuyên ngành Văn học dân gian và Văn học trung đại.

  • Nguyên quán: Nghi Hưng - Can Lộc - Hà Tĩnh
  • Công trình nghiên cứu tiêu biểu:

            I. Về Văn học Dân gian

          Các nghiên cứu và sách: Hình tượng anh hùng trong các truyện dân gian miền Bắc (1968), Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự văn học dân gian Việt Nam (1971), Vài nét về văn hóa thời Hùng Vương qua một số truyền thuyết cổ (1973), Về truyền thuyết thời Hùng Vương (1974), Vẻ đẹp hùng tráng và nên thơ trong trường ca Tây Nguyên (1975), Việt Nam, một đài xuân sáng chói tự ngàn xưa (1976), Bàn về khía cạnh cảnh giác chống ngoại xâm trong truyện Thánh Gióng (1978), Tinh thần tự cường và bất khuất của dân tộc và ý nghĩa chân thực trong thư tịch cổ thời Hùng Vương ((1983), Tìm hiểu cội nguồn Việt cổ của một số môtíp tiêu biểu trong truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam (1985), Huyền thoại và khoa học viễn tưởng (1988), Việt Nam truyện cổ với triết lí tình thương (1992), Việt Nam thần thoại và truyền thuyết (1993), Việt Nam truyền thống, sức sống trường tồn (1996), Việt Nam và cội nguồn trăm họ (2001)…

 II. Về Văn học trung đại Việt Nam

Các nghiên cứu và sách: Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn (1980); Nguyễn Trãi (1980); Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện danh nhân (1986); Văn chương Nguyễn Bỉnh Khiêm (1988); Lê Thánh Tông - Tao đàn Nguyên súy (1991); Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm - Thơ văn chữ Hán (1992); Nguyễn Du người tình và Nguyễn Du tình người (1992), Tân đính Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh (1993); Ức Trai di tập (1994); Thơ quốc âm Nguyễn Trãi (1994); Kinh dịch Phục Hy, Đạo người trung chính thức thời (1997); Văn chương Nguyễn Trãi rực ánh Sao Khuê (2000)…

  • Khen thưởng, danh hiệu: Thầy được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1990); Huân chương Lao động hạng Nhì (1996); Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005).

 

GS.NGƯT. ĐẶNG THANH LÊ (1932 - 2016)

  • Nguyên quán: Thanh Xuân - Thanh Chương – Nghệ An
  • Sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của GS gắn bó với Khoa Ngữ văn từ năm 1960. Bà từng giữ cương vị Chủ nhiệm bộ môn VHVN 1 (1979 - 1987); ủy viên Hội đồng khoa học Khoa Ngữ văn; Giám đốc Trung tâm Việt Nam học; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phụ nữ. Bà được phong hàm Giáo sư năm 1991.
  • GS là soạn giả của 3 công trình (in riêng), đồng soạn giả 32 công trình (trong đó, chủ biên 2 công trình), viết khoảng 30 bài báo khoa học, 13 tham luận tại các Hội thảo Quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Italia… đã công bố trên các Kỷ yếu và sách từ 1990 đến 2003.
  • Công trình tiêu biểu: Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (chuyên luận), Nxb Khoa học Xã hội, 1979; Truyện Kiều (giới thiệu và chú thích), Nxb Giáo dục, 1996; Giảng văn Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, 1997…   
  • Khen thưởng, danh hiệu: Bà được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1986); Nhà giáo Ưu tú (1990); Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động (1992); Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huân chương Lao động hạng Ba (1996); Huân chương Lao động hạng Nhất (2002)…

 

 

GVC TRẦN GIA LINH (1934 – 2008)

  • Nguyên quán: Vân Hội - Tam Đảo - Vĩnh Phúc
  • Nhà giáo được đào tạo tại Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (Khu học xá Trung Quốc (1950-1953), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1957-1960), trở thành giảng viên Trường ĐHSP Vinh, Trường ĐHSP Hà Nội; Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian và trung đại Việt Nam (1988-1993); Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  • Nhà nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa dân gian Trần Gia Linh đã có nhiều thành tựu trong công tác sưu tầm văn hóa – văn nghệ dân gian: Từ 1970-1971 đi thực tế sưu tầm tư liệu tại vùng đất Tổ Hùng Vương; sưu tầm văn hóa dân gian tại Đồng Tháp (1977), Bình Trị Thiên (1978), Hải Phòng, Quảng Ninh (1982), Ninh Bình, Thanh Hóa (1985), Hà Nội (1985-1997)…
  • Nhà giáo Trần Gia Linh có đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo ngành VHDG với hơn 35 năm liên tục giảng dạy tại đại học; ông là một trong những người tích cực nghiên cứu, phát triển, phổ biến các vấn đề lí luận VHDG, phương pháp sưu tầm nghiên cứu VHDG, VHDG trong nhà trường…
  • Nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Gia Linh đã bền bỉ tham gia các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, xuất bản các công trình văn học, văn hóa dân gian: Giảng văn đại học (1982), Tiếng Việt và văn học (1987), Văn 10 (1995), Từ điển văn học Tập 1, 1983; tập 2, 1984), Truyện cổ dân gian (1999), Tục ngữ ca dao Việt Nam (1985), ), Từ điển phương ngôn Việt Nam, Dung dăng dung dẻ (1990), Chi chi chành chành (1991), Văn hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương (1998), Tổng tập văn học dân gian đất Tổ, tập 1 (2000), Nghiên cứu tư liệu lý luận văn hóa dân gian Việt Nam (2014)…

 

 

  

 

 

 

 

PGS.TS.NGƯT NGUYỄN ĐĂNG NA (1942 - 2014)

  • Nguyên quán: Cao Lãnh - Đồng Tháp.
  • Thầy giữ cương vị Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại từ 1994 đến 2007. Trong hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học, Thầy có gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu của Khoa Ngữ văn. Đặc biệt, với 15 năm Trưởng bộ môn, Thầy đã dày công xây dựng đội ngũ kế cận có năng lực chuyên môn cao, đóng góp lớn cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trên cả nước.
  • Thầy là soạn giả của 23 cuốn sách gồm chuyên luận, giáo trình, sách tham khảo…; đồng tác giả của 26 đầu SGK theo chương trình CCGD, viết trên 80 bài in báo và tạp chí. Với một số hướng nghiên cứu chính như văn bản học Hán Nôm, lịch sử văn học, liên ngành văn hóa học – sử học - ngôn ngữ học, khuynh hướng và thể loại văn học… Thầy để lại nhiều công trình khoa học có giá trị bền vững và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. Thầy đã hướng dẫn 16 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 59 thạc sĩ thuộc hai chuyên ngành Văn học Việt Nam trung đại và Hán Nôm.
  • Công trình tiêu biểu: Truyện Trạng (1987); Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, 3 tập (1997, 2000, 2001); Nam Ông mộng lục (1999); Kim Vân Kiều truyện (hiệu đính, giới thiệu 1999); Quốc triều khoa bảng lục (hiệu đính, sách dẫn, giới thiệu, 2001); Niên phả lục (sưu tầm, khảo dịch, chú thích, giới thiệu, 2003); Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam (2006); Tục biên Công dư tiệp ký (dịch chung, chú giải, giới thiệu, 2008); Nguyễn Đăng Na – dư cảo và hoài niệm (2015)…   
  • Khen thưởng, danh hiệu: Thầy được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1986); Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục (1995); Học hàm Phó giáo sư (1996); Nhà giáo Ưu tú (2008); Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (2014).

 

 

 

 

GS.TS.NGƯT LÃ NHÂM THÌN

- Năm sinh: 1952

- Quê quán: Thiên Tôn - Hoa Lư - Ninh Bình

Công tác lãnh đạo, quản lí: Trưởng khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội (từ năm 2004 đến năm 2009). Bí thư Đảng ủy khoa Ngữ văn (từ năm 2008 đến năm 2012).

Hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo

       Kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và giảng dạy, giữa khoa học cơ bản và khoa học sư phạm.

Các hướng nghiên cứu chính: Lí thuyết và lịch sử văn học Việt Nam, chuyên ngành sâu: Văn học trung đại Việt Nam; Nghiên cứu liên ngành: Văn học - Ngôn ngữ, Văn học - Văn hóa học, Văn học - nhân học; Lịch sử tư tưởng phương Đông; Ngoài ra còn nghiên cứu Văn hóa học, Giáo dục học. Chủ biên, đồng Chủ biên, tác giả hai bộ giáo trình Văn học trung đại Việt Nam.

Phương châm: Đại học sư phạm đi cùng và đi trước phổ thông. Tham gia biên soạn sách giáo khoa: Tác giả sách giáo khoa Trung học cơ sở; Đồng Chủ biên (phần Văn học) sách giáo khoa Trung học phổ thông.

- Những công trình tiêu biểu: là tác giả, đồng tác giả, chủ biên, đồng chủ biên 30 cuốn sách nghiên cứu về văn học, về giảng dạy ngữ văn, về phụ nữ...

Một số công trình tiêu biểu: Thơ Nôm Đường luật (chuyên khảo); Giảng văn văn học trung đại Việt Nam (đồng tác giả); Images of the Vietnamese Woman in the new millennium (Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trước thềm thế kỉ mới) (đồng tác giả); Bình giảng thơ Nôm Đường luật; Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long (chủ trì phần Văn học), Tập 3; Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại (chuyên khảo); Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam (chủ biên), Tập 1, Tập 2; Lược sử văn học Việt Nam (đồng tác giả).

Khen thưởng

Nhà giáo ưu tú (2012); Huân chương Lao động hạng Ba (2011); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2 lần - các năm 2006, 2011)); Bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo (2 lần - các năm 2001, 2003); Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2009).

 

GS.TS.NGƯT VŨ ANH TUẤN

  • Năm sinh: 15 tháng 5 năm 1950
  • Quê quán: Đình Phùng - Kiến Xương - Thái Bình
  • Đóng góp tiêu biểu về công tác lãnh đạo, quản lý:

Năm 1973 - 1978: Tổ trưởng tổ khoa học xã hội Trường phổ thông cấp 3 Tô Hiệu tỉnh Sơn La. Năm 1990 – 1995: Trưởng Bộ môn VHVN 1, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là ĐHSP – Đại học Thái Nguyên). Năm 2007 – 2013: Trưởng Bộ môn VHVN 1, khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội.

  • Đóng góp tiêu biểu về NCKH và Đào tạo:

Thầy là người mang được những tinh hoa của văn hóa/văn học dân gian các dân tộc thiểu số đưa vào chương trình văn hóa và VHDG của các trường đại học. Thầy luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn nghiên cứu khoa học cơ bản với nghiên cứu khoa học sư phạm, gắn VHDG với văn hóa dân gian và đời sống cộng đồng, gắn folklore cổ truyền với folklore hiện đại. Thầy có đóng góp lớn trong nghiên cứu, giảng dạy VHDG miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên trong mối quan hệ với văn hóa các nước trong khu vực, thế giới.

Công trình tiêu biểu: Dẫn luận nghiên cứu folklore Tày Việt Bắc (1993), Giảng văn Văn học dân gian Việt Nam (viết chung, 1993), Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian hiện nay trong nhà trường (1994); Bắc Thái Văn học (1995); Giảng văn văn học Việt Nam  (viết chung, 1997); Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam ( viết chung, 1998); Truyện cổ Bắc Kạn (3 tập, 2000), Văn hóa dân gian Tày (viết chung, 2002); Truyện thơ Tày – nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại( 2004); Sử thi Tây Nguyên Udai-Uja (2004);  Sử thi Tây Nguyên Sa Ea (2009); Hợp tuyển Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam Tập 6 (Chủ biên, 2010); Giáo trình văn học dân gian (Chủ biên, 2012); Sử thi Ra Glai 4 tập ( 2014); Lời răn dạy của người xưa (2014); Khảo cứu hệ thống loại hình truyện kể Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam (2020); Địa chí Thái Nguyên (Viết chung, 2009), Địa chí Hà Giang (viết chung, 2016), Địa chí Sơn La (Viết chung, 2018); Từ điển Thái Bình (Viết chung, 2020); Địa chí Hòa Bình: Địa chí thành phố Thái Bình; Địa chí thành phố Tuyên Quang…

  • Khen thưởng: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1985, 1999, 2010); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (1992, 1999); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La (2017); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2012); Danh hiệu Nhà giáo ưu tú (2014); Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam (1996); Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (2003); Huân chương Lao động Hạng Ba (2019).

 

 

 

 

 

 

 

TS Đỗ Thị Mỹ Phương

 

Ths Nguyễn Thị Hường

 

 

 

TS Nguyễn Thị Nương

 

PGS.TS Trần Thị Hoa Lê

 

TS Phạm Đặng Xuân Hương

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng

 

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng

Hà Nội ngày 28 tháng 7 năm 2021

Trưởng Bộ môn   

PGS. TS Trần Thị Hoa Lê