VĨNH BIỆT NGND, PGS. NGUYỄN HOÀNH KHUNG


26-08-2023

Đảng ủy, Ban chủ nhiệm, Công Đoàn Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội vô cùng thương tiếc báo tin:

NGND,PGS Nguyễn Hoành Khung, sinh năm 1938, quê quán Hưng Nhân - Thái Bình; nguyên Giảng viên cao cấp, nguyên P. Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội, đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, hưởng thọ 86 tuổi.

Lễ viếng từ 9h15 - 10h45 ngày 29 tháng 8 năm 2023 (tức ngày 14 tháng 7 năm Quý Mão) tại Nhà tang lễ BV Đức Giang - Long Biên - Hà Nội; hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

Kính cẩn tiễn biệt Thầy về Cõi Ngàn Mây Trắng!

Ngàn thu vĩnh biệt! Thầy trò Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội luôn nhớ về Thầy.

Xin được chia sẻ lại bài viết về thầy của PGS.TS Nguyễn Thị Bình.

 

CÓ MỘT THẦN TƯỢNG NGUYỄN HOÀNH KHUNG

- PGS.TS Nguyễn Thị Bình -

Tôi tin rằng trước khi thầy về nghỉ hưu thì ở khoa Văn, thầy là người có lượng "fan hâm mộ" đông đảo nhất. Mới đây một trò cũ đến thăm, đưa lên Facebook tấm hình thầy “tiên phong đạo cốt” nụ cười tươi như hoa, khiến PGS.TS Đặng Thu Thuỷ - đương kim trưởng môn Văn học Việt Nam hiện đại - đã nhanh tay "còm": “Ôi! Hoàng tử của lòng em đây rồi!”. Tôi ngờ rằng vì chậm tay hơn Thuỷ mà nàng Hải Anh khả ái đành im lặng. Và không chỉ Hải Anh đâu!

Thực ra, từ hồi tôi được học thầy (giữa thập kỉ 70 thế kỉ trước) đã không ít nữ sinh kêu thầm như vậy, chỉ là phong cách ứng xử với thần tượng thời ấy không công khai thành thực như bây giờ thôi.

Không ai không bị mê hoặc bởi các giờ giảng của thầy. Thầy chậm rãi, từ tốn, nhỏ nhẹ làm sống lại trước chúng tôi bao thăng trầm thời cuộc, bao vẻ đẹp của Thơ mới, của văn xuôi Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân...

Thầy cũng là chuyên gia về Tự lực văn đoàn. Có người viết hay, nói dở. Có người viết dở nói hay. Thầy Khung nói hay như viết. Những trang sách của thầy thật hấp dẫn, mới mẻ, nhiều phát hiện sắc sảo, nhiều tính phản biện, lối diễn đạt tinh tế, tài hoa, không lẫn với ai. Tôi đã chứng kiến bạn bè tôi ở kí túc xá, vừa đọc thầy vừa chốc chốc rền rĩ xuýt xoa, tay vớ lấy cuốn sổ, miệt mài chép lại những đoạn văn tâm đắc.

Chúng tôi thường nói với nhau: Thầy Khung đúng là sinh ra để dành cho văn chương. Thật khó hình dung thầy lại ở bên ngoài cái cõi chữ nghĩa mênh mông, sâu thăm thẳm bao nhiêu là trăn trở băn khoăn về phận người, về sự sống... được các ông/bà nhà văn nhà thơ phổ hồn mình, cá tính mình, giọng điệu mình vào mà thành ra các hình tượng ám ảnh, có khi đến mất ngủ. Nói không ngoa, thầy làm đẹp, làm sang rất nhiều cho văn chương. Với tôi, thầy còn hiện thân của nét thanh tao, lịch lãm của Hà Nội thời vang bóng...

Hồi dạy bọn tôi, thầy gầy gò lắm, có lẽ gầy nhất khoa. Thầy bảo: "Mình không thể gầy hơn được nữa đâu. Mọi người đừng lo”. Da trắng xanh, dáng cao, môi đỏ như thoa son, trông thầy rất thư sinh. Các bạn tôi dân thành phố cứ lầm thầm ca thán: "Ôi sao môi tớ không đỏ được như thế!”“Ôi sao bàn tay thầy ngón búp măng nõn nà thế mà không phải tay con gái?”... Tôi thuộc loại ít nữ tính, không biết “soi” như các bạn. Tôi chỉ mải mê vào lời thầy giảng, phục lăn cách thầy dẫn dắt vấn đề mạch lạc mà đầy bất ngờ, những liên tưởng của thầy cứ nhảy thoăn thoắt từ đông sang tây, từ cổ đến kim, từ văn ra đời... Cứ buổi nào học thầy về là kí túc xá lại râm ran toàn những lời ngưỡng mộ.

Nhiều khoá sau tôi, các em nữ sinh vẫn râm ran như vậy.

Cho nên tôi được thành đồng nghiệp cùng bộ môn với thầy thật sự là một hạnh phúc. Thầy hiền, luôn nhỏ nhẹ, ân cần nhưng khả năng hài hước là vô đối. Cô Thu Tiết bảo: "Ông Khung nói hay nhất khoa này”. Thầy Tá bảo: "Hình phạt nặng nhất đối với ông Khung là cấm nửa ngày không cho nói. Chắc chắn hắn không chịu nổi đâu!”. Quả thật thầy rất hay chuyện, luôn cởi mở, thân thiện, vô cùng dễ gần. Nhu cầu chia sẻ thông tin ở thầy rất lớn, theo ngôn ngữ bây giờ, chắc phải gọi thầy là “người truyền cảm hứng” vĩ đại mới đúng.

Bản năng tinh tế hiếm có, lại thông kim bác cổ, thầy trò chuyện mặn mà được với mọi đối tượng, chuyện không dứt ra nổi. Cô Thu Hương vợ thầy cũng rất hiếu khách, quý trò. Tôi và Hạnh Mai, mỗi lần đến nhà thầy, đều dặn nhau trước: hôm nay chỉ ngồi một lúc thôi nhé! Là vì chúng tôi đã nhiều lần ngồi với thầy cô “không nhổ rễ lên được”, thường thì nếu đứng dậy chào để về lúc 10h thì cầm chắc lúc 12h chủ - khách vẫn còn chưa “nói nốt chỗ dở” ở lối xuống cầu thang. Hình như chưa có lần nào chị em tôi giữ được “kỉ luật giờ giấc” cả. Đấu hót với thầy là niềm vui khôn tả. Thầy mà nhại giọng nói, động tác của ai thì diễn viên chuyên nghiệp cũng chào thua. Thầy hay ngắt lời chúng tôi một cách rất hóm: "Xin phép được nghi ngờ“, “Bạn không định ám chỉ tôi đấy chứ?”... Chỉ thế thôi mà chuyện gì cũng ngập tràn tiếng cười nhẹ nhõm, tin cậy.

Sức khoẻ thầy không tốt, hay ốm, hay đi viện. Có lần bệnh tình thầy trầm trọng. Cả tổ lo lắng, xôn xao kéo vào bệnh viện thăm thầy. Thầy chưa ngồi dậy được. Mọi người đứng xung quanh giường. Thầy say sưa trò chuyện, vẫn hóm hỉnh và tinh tế như ngày thường. Thầy bảo: "Này các ông ạ, mình cống hiến cho ngành y có khi nhiều hơn cho ngành giáo dục ấy nhỉ?”. Thầy Hoàng Dung lấy giọng nghiêm khắc bảo: "Này ông Khung, ở tổ này ông chưa đến tuổi được nhận hoa của chúng tôi đâu nhé!”. Chúng tôi lo thầy mệt nhưng thực tâm vẫn muốn nấn ná nghe thầy nói nữa. Thầy Dung xua cả tổ: "Về! Về! Nếu ta không về nhanh, tay Khung sẽ chết vì nói trước khi chết vì bệnh”.

Thầy kém thầy Nguyễn Đình Chú gần chục tuổi. Nhưng thầy gầy yếu, mảnh khảnh trong khi thầy Chú lại trẻ dai nên có lần hai vị đến làm việc ở tỉnh nào đó, người ta nhầm lẫn. Thầy Khung khoái chí kể cho chúng tôi nghe: "Họ bảo mình thầy ơi sao thầy già thế mà còn phải đi công tác xa, vất vả thế? Lẽ ra để người còn trẻ như thầy này đi thôi. Thế là đi đâu cùng ông Chú, mình cứ vỗ vai ông ấy: Xin giới thiệu, anh bạn trẻ của tôi đây sẽ trao đổi lịch làm việc...”. Thầy Chú ngồi nghe, cười ha hả, chả đính chính gì.

Đám hậu sinh chúng tôi có lẽ ai cũng nhận được từ sự uyên bác của thầy những tri thức quý giá, cũng cố học thầy lối tư duy khúc chiết và sự nghiêm cẩn, mực thước trong câu chữ. Những buổi sinh hoạt học thuật hay bảo vệ luận văn, luận án mà có thầy là cầm chắc không tẻ nhạt. Thầy khen hay chê đều xác đáng, cặn kẽ, ráo riết, thấu lý đạt tình. Hơn thế, cách nói của thầy bao giờ cũng hóm hỉnh, thú vị.

Thầy Nguyễn Đăng Mạnh rất coi trọng ý kiến thầy Khung. Thầy Mạnh bảo: "Ông Khung tinh lắm. Ông ấy thẩm định là mình tin tưởng”. Hai thầy thân nhau nhưng là hai phong cách. Thầy Mạnh gai góc, dân dã, đôi khi cực đoan, quyết liệt. Thầy Khung thanh thoát, nhẹ nhàng, chừng mực. Bất cứ khi nào chúng tôi cần tới thầy, thầy đều tận tình chỉ bảo. Nhiều học viên Cao học, Nghiên cứu sinh tuy không làm luận văn, luận án với thầy cũng khoe đã đến thầy “ăn mày” được bị nặng chữ nghĩa. Nhưng sự nhạy cảm với văn chương, tâm hồn tinh tế tài hoa, khiếu hài hước của thầy thì có lẽ chưa ai học được. Có những phẩm chất trời chỉ cho riêng một ít người.

Thầy có trí nhớ tuyệt vời với những gì liên quan đến văn chương. Nhưng thầy nổi tiếng đãng trí trong đời sống thường nhật. Cô Thu Hương “tố” với chúng tôi rằng thầy đi xe đạp vào bệnh viện Việt Đức (khá gần nhà thầy), gửi xe ở bãi. Hàn huyên với bệnh nhân xong, thầy lững thững đi bộ về. Hôm sau gia đình phát hiện không thấy xe (hồi ấy cái xe đạp là tài sản đang giá nhất của một gia đình), tá hoả hỏi han, tìm kiếm. Thầy bảo “không biết” vì thầy không nhớ gì cả. Hàng tháng sau, bất chợt thầy nhớ ra, chạy đến bãi giữ xe bệnh viện. Ông giữ xe cau có cằn nhằn mãi về nỗi tối nào cũng phải đem cái xe ấy cất vào kho, sáng hôm sau lại mang ra bãi đợi chủ.

Tôi đi dạy tại chức ở Thái Bình, lúc về phải ra khỏi xe chờ qua phà Tân Đệ. Bất chợt nghe thầy gọi. Hoá ra thầy xuống dạy cho một lớp khác. Thầy hỏi tôi: "Cho mình vay tạm ít tiền, mình vừa bị móc ví trên phà”. Ôi trời, thầy mất cắp là “chuyện thường ngày ở huyện”. Lắm khi nghe cứ như giai thoại ấy. Cô Thu Tiết kể: thầy bị móc túi nhiều lần trên xe bus. Tức quá bèn quyết tâm lừa lại kẻ cắp. Thầy nhét mảnh giấy báo cho cái ví căng phồng lên, bỏ túi quần sau. Lượt đi, ví vẫn còn. Lượt về thì mất. Thầy khoe thế là đã cho bọn móc túi một vố tẽn tò, hoàn toàn không nhớ lúc vào trường, cô Thu Tiết đã đưa cho thầy tem phiếu tiêu chuẩn mua hàng cả quý và thầy quen tay cất luôn vào cái ví đó. Đúng là đãng trí bác học. Ai phải chịu thiệt không rõ còn chúng tôi chỉ thấy thầy đáng yêu hơn.

Nhiều năm, căn phòng chật chội của gia đình thầy ở phố Bảo Khánh là địa chỉ thân thiết với bao nhiêu nhà văn, nhà báo, đồng nghiệp, học trò khắp trong Nam ngoài Bắc. Đôi lúc tôi cứ nghĩ giá căn phòng ấy đủ rộng chắc nó sẽ thành một salon văn học hấp dẫn lắm vì ông bà chủ có sức hút mạnh thế cơ mà! Dù chật chội, ở đây đã diễn ra nhiều buổi “toạ đàm”, “seminar học thuật" thú vị mà những ai may mắn có mặt đều không thể quên.

Càng về già thầy càng đẹp lão. Ngoài tuổi 80, thầy hồng hào tươi tắn và cốt cách thanh lịch vẫn như thuở nào dân khoa văn gọi thầy là “cậu ấm”, là “công tử Bảo Khánh”. Mấy năm nay, gia đình thầy chuyển đến chỗ mới rộng rãi khang trang nhưng xa trung tâm. Qua lại cầu Chương Dương nhiều khi rất tốn thời gian vì tắc đường. Đã bao lần tôi và đàn em hẹn hò sang chơi với thầy cô mà rồi không thực hiện được. Tôi rất tiếc những lần lỡ hẹn với Ngô Văn Giá, Trần Văn Toàn, Lê Hải Anh...

Nhớ biết bao những buổi thầy trò vui vẻ hàn huyên!

Càng nhớ càng áy náy.

Tôi biết thầy sống rất thanh bạch, chẳng màng danh vọng, xa lạ với mọi sự đố kị, bon chen.
Thầy là một trong số những bậc đại sư đã làm nên thời hoàng kim của khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, đã cho chúng tôi niềm hãnh diện vì được là học trò, là đồng nghiệp của thầy.

Cầu trời cho thầy cô mạnh khoẻ, trường thọ!

Post by: Khoa Ngữ văn
26-08-2023