TOẠ ĐÀM KHOA HỌC: NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – NHỮNG TIẾP CẬN MỚI TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY


04-04-2023

| TOẠ ĐÀM KHOA HỌC: NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – NHỮNG TIẾP CẬN MỚI TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY |

Chiều ngày 29/3, Khoa Ngữ văn và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã phối hợp tổ chức TỌA ĐÀM KHOA HỌC: NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – NHỮNG TIẾP CẬN MỚI TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY. Tọa đàm diễn ra tại Phòng họp số 1 toà nhà Hiệu bộ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong không khí học thuật, trang trọng. 

Tham dự toạ đàm, có đại biểu lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng phụ trách chỉ đạo công tác Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn – Phó Hiệu trưởng phụ trách chỉ đạo công tác đào tạo đại học và sau đại học; Đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Hai diễn giả chính trong Tọa đàm là GS.TS.NGND Trần Đình Sử - Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh, cùng PGS.TS Trần Thị Hoa Lê với vai trò là người bình luận. 

Chương trình Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu cùng đông đảo nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và những người quan tâm đến Nguyễn Đình Chiểu.

Mở đầu chương trình, PGS.TS Hà Văn Minh – Trưởng Khoa Ngữ văn đã đọc diễn từ khai mạc. Thầy Hà Văn Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu trong văn hóa dân tộc cũng như trong nghiên cứu và giảng dạy: “Gia tài Nguyễn Đình Chiểu để lại đặc biệt đa dạng và độc đáo. Có thể nói, ông là tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn học viết bằng chữ Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam. Những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ khi ra đời, đã trở thành món ăn tinh thần quý báu của nhân dân Nam Bộ và dần trở thành di sản có ý nghĩa bản sắc của của lịch sử văn hóa - văn học Việt Nam. Dấu ấn văn chương, tầm vóc, tư tưởng, tài năng và nhân cách của ông ngày càng được thế giới biết đến và phổ biến rộng rãi.” Điểm nhấn của chương trình là màn ra mắt bộ sách Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (2 tập) do nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh, cùng PGS.TS Đoàn Lê Giang, TS. Nguyễn Thị Dương khảo cứu, chỉnh lí, chú thích và giới thiệu, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành năm 2022. Trong lời phát biểu giới thiệu về bộ sách, PGS.TS Nguyễn Bá Cường – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm khẳng định bộ sách ra đời nhằm “mang đến cho độc giả cái nhìn toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Điều đặc biệt là công tác khảo sát văn bản học và chú thích, chú giải được thực hiện rất công phu bởi dịch giả Cao Tự Thanh và các đồng nghiệp, việc in nguyên bản chữ Nôm, chữ Hán các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trong bộ sách sẽ giúp cho bạn đọc có được những tư liệu quý báu để đối chiếu phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy về văn nghiệp và tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu.”

Bộ sách Nguyễn Đình Chiểu Toàn tập (2 tập) được xuất bản nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, sự kiện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Nhân dịp bộ sách ra mắt, PGS.TS Nguyễn Văn Trào và PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đại diện nhà Trường và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm trao tặng sách cho các đơn vị.

Trong hơn 2 giờ tiếp theo, các diễn giả, người bình luận, các khách mời cùng những khán giả tham dự toạ đàm đã tập trung đi sâu vào việc trao đổi, bàn luận nhiều vấn đề. Sau chia sẻ của GS.TS.NGND Trần Đình Sử về những suy nghĩ, cảm nhận, ấn tượng về bộ sách Nguyễn Đình Chiểu Toàn tập, nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh đã trao đổi về những điểm mới trong công trình nghiên cứu này cũng như gợi mở một số hướng nghiên cứu mới về Nguyễn Đình Chiểu trong tương lai. Các câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình xây dựng công trình nghiên cứu, từ công cuộc tìm kiếm tư liệu, sưu tầm cho đến hoàn thiện bộ sách của nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh cùng với các cộng sự của mình cho thấy bản lĩnh khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, công phu của các nhà nghiên cứu. Trong Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên cũng bày tỏ những suy nghĩ, băn khoăn của bản thân và đặt nhiều câu hỏi thú vị dành cho diễn giả. Trong đó, nổi bật hơn cả là những thảo luận hết sức sôi nổi xoay quanh vấn đề nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc lựa chọn văn bản tác phẩm cho các bộ sách giáo khoa,… Những trao đổi giữa các chuyên gia trong Toạ đàm đã mở ra nhiều hướng giải quyết khác nhau cho vấn đề này, đồng thời cũng gợi các hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Đình Chiểu. Những góp ý, chia sẻ, đánh giá về công lao của các dịch giả, học giả làm nên bộ sách Nguyễn Đình Chiểu Toàn tập (2 tập), về cách tiếp cận mới khi nghiên cứu và giảng dạy Nguyễn Đình Chiểu trong Tọa đàm là động lực để Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những ấn phẩm giá trị trong thời gian tới; đồng thời giúp giảng viên, giáo viên tích lũy thêm kinh nghiệm trong công cuộc đưa tri thức đến với học trò.

Nhân dịp tọa đàm khoa học, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã trao tặng các đại biểu tham dự những cuốn sách có giá trị, phục vụ cho quá trình học tập, tìm hiểu, nghiên cứu văn học, văn hoá, lịch sử,... Trao tặng sách là hoạt động ý nghĩa được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thường xuyên thực hiện nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần lan tỏa tri thức và xây dựng văn hóa đọc trong đông đảo người đọc. 

Buổi toạ đàm diễn ra với chất lượng chuyên môn cao, giúp cho các cử toạ tiếp nhận được những tri thức quý giá, cách thức tiếp cận mới về nghiên cứu, khảo sát văn bản, giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa, giáo trình và học tập văn nghiệp, tư tưởng của danh nhân văn hoá Nguyễn Đình Chiểu.

THỰC HIỆN: HPT – CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn

Post by: Khoa Ngữ văn
04-04-2023