Nhóm lửa tình yêu nghề giáo


30-03-2021

 

Phạm Thị Thu Trang. Ảnh: NVCC.
Phạm Thị Thu Trang. Ảnh: NVCC.

Học tập đi đôi với công tác Đoàn

“Năng nổ, nhiệt tình, tích cực tham gia hoạt động của Đoàn, trường” là ấn tượng của anh Nguyễn Thái Minh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Thủ đô  Hà Nội về Phạm Thị Thu Trang, 21 tuổi, ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường.

Từ những năm phổ thông, Trang đã ghi nhớ rằng “nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Hiểu được ý nghĩa cao cả của nghề, Trang luôn trân trọng và biết ơn người thầy, người cô của mình. Đến khi chị gái trở thành giáo viên, chứng kiến niềm say mê và sự miệt mài của chị trong sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, Trang như được “tiếp lửa” tình yêu với nghề giáo nên chọn học ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - HNMU.

Bước vào môi trường đại học, không chỉ có thành tích học tập tốt, Trang còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn - Hội. Ít ai biết nữ sinh dáng người cao, gầy lại sở hữu nhiều thành tích rèn luyện như: Đội trưởng Đội Tình nguyện tư vấn tuyển sinh HNMU; Đội trưởng Đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tại Trường THCS Lê Quý Đôn; bằng khen danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố năm học 2018 - 2019, 2019 - 2020.

Để theo đuổi nghề sư phạm, Trang cho rằng trước hết, các bạn học sinh, sinh viên phải có tình yêu với trẻ thơ và say mê với lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, các bạn cần nhận thức được tầm quan trọng trong vai trò của mình - người trao tri thức, xây dựng thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Từ đó, xác định được trách nhiệm to lớn trong việc đào tạo, dạy dỗ thế hệ trẻ nên người.

Nguyễn Hoàng Minh Khuê. Ảnh: NVCC.

Chuyển hướng vì đam mê

Từng chuẩn bị hành trang du học Nhật Bản, Nguyễn Hoàng Minh Khuê, 19 tuổi, chuyển hướng theo ngành sư phạm vì… trót say mê những bài giảng của thầy cô khi học trong đội dự tuyển Văn tại Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2019, Khuê được tuyển thẳng vào lớp Chất lượng cao Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Khuê bày tỏ: Trước kia, em không khám phá hết khả năng cá nhân. Em chọn du học Nhật Bản vì nghĩ tương lai có cơ hội phát triển. Nhưng khi nghe các thầy giảng về Văn học, em nhận ra mình thực sự muốn trở thành giáo viên giỏi, được dạy học sinh về ngôn từ và cuộc sống. Em hy vọng có thể góp phần nuôi dưỡng thế hệ tương lai.

Năm lớp 7, Khuê mắc bệnh nặng, tưởng chừng không thể qua khỏi. Em được bố mẹ đưa sang Nhật Bản điều trị, phải học chậm một năm. Sau khi khỏi bệnh, Khuê miệt mài học tập để không bị tụt lại. Kết quả, cuối năm lớp 9, em đoạt giải Nhất môn Văn cấp thành phố, được tuyển thẳng vào lớp Ngữ văn tại Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội.

Lớp 10, 11, Khuê chuyển hướng ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ để du học Nhật thay vì tiếp tục đào sâu môn Ngữ văn. Đến năm lớp 12, hoàn thiện hồ sơ du học, Khuê được các thầy cô trong trường khuyến khích tham gia đội dự tuyển Văn. Đối với Khuê, vào đội dự tuyển chính là “bước ngoặt” giúp em nhận ra niềm đam mê cá nhân.

Thời gian ôn luyện cho kỳ thi HS giỏi quốc gia, Khuê say mê những bài giảng của PGS. TS Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TS Phạm Sỹ Cường, Hiệu phó Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhận ra thiên hướng của Khuê, các thầy tích cực mài dũa, gợi ý những đầu sách hấp dẫn giúp em nâng cao ngòi bút và cách nhìn nhận cuộc sống.

Để trở thành giáo viên giỏi, Khuê cho rằng quan trọng nhất là trau dồi kiến thức, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó, sinh viên cần tìm ra phương pháp dạy phù hợp giúp truyền cảm hứng học tập cho em thơ.

PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét: Khi Khuê học trong đội dự tuyển của Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm, tôi nhận thấy em có năng khiếu đặc biệt về môn Văn. Vì vậy, tôi và các thầy cô luôn cố gắng tạo niềm hứng thú để em theo sự nghiệp Văn học. Không chỉ giỏi Văn, Khuê còn có độ chín trong cách suy nghĩ, nhận thức về xã hội và tư duy trưởng thành hơn nhiều bạn đồng trang lứa.

PGS Phong cho rằng, học sinh phổ thông nếu muốn theo đuổi nghề giáo, trước hết cần có sự hứng thú với môn học cụ thể, ví dụ như môn Ngữ văn. Bên cạnh đó, nghề giáo rất cần những người có ý chí sẵn sàng, có niềm yêu nghề và hướng tới sự nghiệp giáo dục nói chung. Việc trau dồi tri thức xã hội, giao tiếp xã hội cũng cần thiết để các em chuẩn bị hành trang phong phú, đa dạng cho công việc tương lai.

Khi biết Trang muốn trở thành giáo viên tiểu học, không ít người khuyên ngăn, cho rằng nghề giáo có thu nhập không cao so với nhiều ngành nghề khác, không phải nghề “thời thượng”. Bỏ ngoài tai những đánh giá của mọi người, Trang kiên trì theo đuổi mục tiêu bởi “mỗi người có đam mê và mục tiêu riêng. Không phải ngành nghề nào “hot” cũng phù hợp với mọi người và không nên chạy theo cơ hội kiếm tiền mà bỏ quên đam mê cá nhân”.

Phạm Khánh

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/

Post by: admin
30-03-2021