Vào ngày 16/12 vừa qua, trong tiết trời se lạnh, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thành công chuyến tham quan trải nghiệm thực tế Bắc Ninh. Đây là chuyến đi thực tế thường niên được tổ chức cho các tân sinh viên của Văn khoa, nhằm tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được tiếp xúc gần hơn với lịch sử, văn hoá và những loại hình nghệ thuật dân tộc.
Chuyến đi được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 sinh viên K73 vào sáng ngày 16/12 vừa qua. Để đảm bảo sự an toàn, hiệu quả cho buổi trải nghiệm, các thầy cô của Khoa đã đồng hành cùng các bạn sinh viên với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, quản lý. Xuyên suốt hành trình tham quan, tin rằng các sinh viên Văn khoa đã có thêm nhiều những tri thức thực tế thú vị và mới mẻ.
🚎 Khởi hành vào lúc 6 giờ 30, cả đoàn đã có mặt tại điểm đến đầu tiên - đền thờ Cổ Loa sau khoảng 45 phút di chuyển. Tại thượng điện của đền, thầy và trò Khoa Ngữ văn đã thành kính tiến hành lễ dâng hương tưởng nhớ công lao dựng nước của các bậc tiền nhân trong không khí trang nghiêm. Tại đây, các bạn sinh viên đã được chiêm ngưỡng những công trình, di tích lịch sử độc đáo của đền như: am thờ Mị Châu, giếng Ngọc, chùa Bảo Sơn... và được hiểu thêm về kiến trúc độc đáo cũng như sự ra đời của di tích thành Cổ Loa, câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy, những sự thật lịch sử,...
🏯 Di chuyển tới Bắc Ninh - mảnh đất "địa linh nhân kiệt", điểm dừng chân tiếp theo của cả đoàn là Đền Đô (Đền Lý Bát Đế), nằm tại phường Đình Bảng, Từ Sơn. Không chỉ là ngôi đền thờ 8 bậc Đế vương nhà Lý, đây còn là một quần thể di tích hội tụ tinh hoa văn hóa nhà Lý với phong cách cung đình và dân gian kết hợp hài hòa trong tổng thể kiến trúc. Qua quá trình thưởng ngắm cảnh sắc thiên nhiên khoáng đạt; tham quan một số cảnh quan: khu trưng bày, nhà Thủy đình; lắng nghe những câu chuyện lịch sử, các bạn sinh viên từ đó đã có thêm những kiến thức quý giá; thêm suy tưởng về một triều đại anh hùng rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Mặc dù điều kiện thời tiết không thật sự thuận lợi nhưng với tinh thần say mê học hỏi, sự sắp xếp linh hoạt của Ban tổ chức, chuyến đi của các sinh viên K73 vẫn tiếp tục diễn ra một cách suôn sẻ.
🛕 Chùa Phật Tích - ngôi chùa cổ linh thiêng xứ Kinh Bắc là địa điểm tiếp theo của thầy trò Văn Khoa. Tại đây Đoàn đã tập trung tại sân chùa trước tòa tiền đường để làm lễ dâng hương và nghe hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử lâu đời của di tích văn hóa này. Sau đó các bạn sinh viên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc điêu khắc nổi bật mang đậm phong cách thời nhà Lý như: tháp Phổ Quang, bức tượng Phật A di đà, miếu thờ Bà Chúa Trần Thị Ngọc Am và các bức tượng linh thú chạm khắc đá tinh xảo... Thầy trò Khoa Văn cũng đã tranh thủ được chút ít thời gian tham quan những vá để lưu lại cho mình những tấm hình kỉ niệm tại ngôi cổ tự linh thiêng này.
Điểm dừng chân cuối cùng khép lại chuyến đi thực tế của sinh viên K73 là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh. Tại đây sinh viên không chỉ được thưởng thức các tiết mục đặc sắc đến từ các nghệ sĩ của nhà hát, mà còn được giao lưu, lắng nghe những lời chia sẻ thân tình của các liền anh, liền chị, được nghe NS Hữu Duy giới thiệu thêm nhiều kiến thức quý báu về nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời những bài ca và những điều thú vị không phải ai cũng biết xoay quanh nền văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Dù không nỡ chia tay với Bắc Ninh - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hóa lâu đời nhưng thầy trò Văn Khoa vẫn phải trở về Hà Nội theo đúng kế hoạch vào lúc 16h30.
💓 Chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Bắc Ninh của sinh viên K73 đã diễn ra vô cùng tốt đẹp và thuận lợi với sự chu đáo của Ban tổ chức và tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi, khám phá của các bạn sinh viên. Thông qua chuyến đi lần này cả thầy và trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều đã học hỏi và tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức chuyên ngành bổ ích. Bên cạnh đó các bạn sinh viên còn được nâng cao sự hiểu biết của mình về các di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp trên quê hương đất nước mình và những truyền thống quý giá của dân tộc mà ông cha đã gây dựng và gìn giữ để từ đó không ngừng bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy đến muôn đời sau.