Ngày 1 tháng 12, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại - Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM - NỮ QUYỀN VÀ HIỆN SINH: NHỮNG ĐỐI THOẠI VỀ VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH.
Tọa đàm có sự tham dự của GS.TS Trần Đăng Suyền - Nguyên Phó hiệu trưởng Nhà trường, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn cùng các thầy cô giảng viên Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, đồng thời là Ban Tổ chức chương trình như PGS.TS Đặng Thu Thủy - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, PGS.TS Trần Văn Toàn, TS. Nguyễn Thị Minh Thương, TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung,...Tọa đàm cũng thu hút sự quan tâm của các thầy cô và khối Chuyên văn của trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm. Đặc biệt, đó là sự hiện diện của hai vị khách mời - nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Minh Thương đã khẳng định ý nghĩa của chương trình. Buổi tọa đàm là sự tiếp nối truyền thống gặp gỡ, giao lưu với văn nghệ sĩ của Khoa Ngữ văn, góp phần giúp sinh viên cập nhật những vấn đề thời sự văn học, được tiếp cận với chính bản thân những người sáng tác, những người làm nghệ thuật từ cự li gần. Từ đó, chương trình giúp sinh viên hiểu rõ hơn về văn học, nghệ thuật đương đại từ góc nhìn của người sáng tạo, gợi mở thêm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.
Ngay sau phần phát biểu, chương trình đã công chiếu video giới thiệu khách mời. Chính những thước phim khởi đầu ấy đã giúp khán giả làm quen với hai vị diễn giả, xoá tan khoảng cách xa lạ trong lần đầu gặp gỡ. Để buổi tọa đàm thêm sôi nổi, các bạn sinh viên đã biểu diễn nhiều tiết mục vô cùng đặc sắc, phải kể đến phần đọc sáng tạo trên nền múa đương đại và sân khấu hóa dựa trên nguyên tác là hai tác phẩm “Phúc âm cho một người’’ và “Vạn sắc hư Vô’’. Những tiết mục ấy là những “món quà tinh thần’’ mà sinh viên Khoa Ngữ văn gửi tới các khách mời.
Tại phần giao lưu, hai khách mời Nguyễn Khắc Ngân Vi và Nguyễn Hoàng Điệp đã bày tỏ những quan điểm, đối thoại cùng giảng viên trong khoa về văn chương và điện ảnh. Qua phần giao lưu, các sinh viên đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ hết sức đắt giá. Lần đầu tiên khán giả được nghe những thông tin chưa từng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng về nhà văn Ngân Vi, từ cơ duyên cô đến với văn chương “cầm bút khi thấy có điều cần chia sẻ” tới những trăn trở về lối viết của nhà văn “cần tìm cho mình một lối đi riêng”. Nhà văn cũng bày tỏ những quan điểm sâu sắc về vấn đề của buổi tọa đàm: Nữ quyền và hiện sinh. Ngân Vi chia sẻ Nữ quyền và Hiện sinh có mối quan hệ giao thoa, nữ quyền là một phần của hiện sinh, cả hai đều hướng tới sự tự do, sự giải phóng: Hiện sinh là sự tự do của con người, nữ quyền là sự tự do của nữ giới, người phụ nữ được sống tự do nhất với bản thể mình.
Cũng trong phần trò chuyện, người nghe đã hiểu thêm về cơ duyên đến với môn nghệ thuật thứ 7 của Nguyễn Hoàng Điệp qua những lời kể đầy cuốn hút của chính vị đạo diễn. Đó là cơ duyên được đưa đẩy từ những hiểu lầm với nghiệp viết, những tình huống “dở khóc dở cười” thời tuổi trẻ. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng đã bộc bạch những chiêm nghiệm của mình đối với nghề. Đó là sự chiêm nghiệm về nguồn cảm hứng, sự chiêm nghiệm về các nhân vật nữ trong phim: “Người phụ nữ luôn là một cá nhân tồn tại đơn độc, tất cả những gì quanh họ khi họ cần đều sẽ biến mất”. Đặc biệt trong buổi tọa đàm, đạo diễn cũng đưa ra những quan điểm rất nghiêm túc về vị trí của điện ảnh và văn chương. Bên cạnh việc chia sẻ về chuyện nghề, hai khách mời cũng đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bạn sinh viên trong việc tiếp cận văn chương và điện ảnh, tối ưu hóa việc sân khấu hóa tác phẩm văn học trong nhà trường.
Không chỉ tham dự với tinh thần lắng nghe và tiếp nhận, các sinh viên ưu tú đại diện cho Văn khoa đã có những phần trình bày để giới thiệu, cảm nhận về những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi. Bằng cách đặt vấn đề và phân tích vô cùng chi tiết, các bạn đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới đối với văn chương. Thông qua chia sẻ của các sinh viên, người tham gia đã có cơ hội được nhìn và chiêm nghiệm lại hai tác phẩm “Vạn sắc hư vô” và “Đàn bà hư ảo” qua góc nhìn, khám phá những chi tiết gây ám ảnh, những chất liệu hiện thực thuộc về nội tâm con người, cảm thức hiện sinh và cả cảm thức kết nối. Hai khách mời cũng đồng thời bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao với tâm huyết và khả năng nghiên cứu cẩn thận, nghiêm túc của sinh viên Khoa Ngữ văn. Phần chia sẻ và trò chuyện với hai vị khách mời đã khép lại với rất nhiều quan điểm sáng tạo và những góc nhìn sâu sắc xoay quanh chủ đề buổi tọa đàm.
Cuối buổi tọa đàm, các quý vị đại biểu và khán giả đã có khoảng thời gian giao lưu, đặt câu hỏi, bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận xoay quanh vấn đề Nữ quyền và Hiện sinh. Phần hỏi đáp đã diễn ra trong không khí cởi mở, gần gũi, qua đó đã khơi gợi nhiều vấn đề trong sáng tạo văn học và điện ảnh của giới nữ. Trong đó, phải kể đến những nội dung như: định nghĩa “hạnh phúc thật sự” là gì, những hiểu lầm về nữ quyền hay những câu hỏi với nền văn chương chạm tới vấn đề hiện sinh trên thế giới.
Kết thúc chương trình, đại diện cho Ban Tổ chức, PGS. TS. Đặng Thu Thủy đã gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới hai vị khách mời, đồng thời bộc lộ hi vọng về những gặp gỡ, hợp tác trong tương lai.
Chương trình tọa đàm “Nữ quyền và Hiện sinh: Những đối thoại về văn học và điện ảnh” đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại những ấn tượng tốt và nhiều chia sẻ mang tính chuyên môn quý giá, giúp sinh viên Khoa Ngữ văn nói riêng và toàn thể cử tọa nói chung có thêm nhiều trải nghiệm với văn học, nghệ thuật. Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới hai khách mời - nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bởi sự hiện diện trong Tọa đàm ngày hôm nay. Xin chúc hai khách mời có thật nhiều niềm vui, thành công với nghề và luôn "truyền lửa" tới nhiều thế hệ.
Thực hiện: HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn