Sáng ngày 09/12/2023, tại Hội trường 1 nhà B trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn phối hợp cùng Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức thành công chương trình giao lưu nghệ thuật “Tác phẩm văn học và sân khấu kịch”. Đây là cơ hội để các học viên cao học có thể tiếp cận, hiểu rõ hơn về cách xây dựng, diễn xuất trong sân khấu kịch; đồng thời mở ra những góc nhìn mới để hiểu hơn về quá trình “sân khấu hoá” các tác phẩm văn học.
Buổi giao lưu có sự tham dự của các thầy, cô giáo đã và đang công tác tại Khoa Ngữ văn như: PGS.TS Hà Văn Minh - Trưởng Khoa Ngữ văn, PGS.TS Dương Tuấn Anh - Phó trưởng Khoa Ngữ văn, GS.TS Trần Đăng Xuyền, PGS.TS Trần Văn Toàn, PGS.TS Đặng Thu Thuỷ, TS. Trần Thị Thu Hương, TS. Đặng Thị Thu Hiền, Thạc sĩ Hoàng Thị Kiều Anh, cử nhân Vũ Kiều Chinh... Bên cạnh đó, Khoa Ngữ văn cũng vô cùng vinh dự được chào đón sự góp mặt của các vị khách quý đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam, đặc biệt là Đạo diễn, Biên kịch, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Tuấn Minh - khách mời chính của buổi giao lưu, và sự tham gia đông đảo của các học viên Cao học Khóa 32.
Mở đầu chương trình, các diễn viên đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam đã gửi đến cho toàn thể hội trường một trích đoạn kịch nhỏ được chuyển thể từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Với sự thể hiện xuất sắc của các diễn viên Minh Thu (vai Thị Nở), Hoàng Nhật (vai Chí Phèo), Thanh Hường (vai bà cô Thị Nở) cùng sự kết hợp ăn ý giữa diễn xuất, âm thanh và đạo cụ, vở kịch đã đem đến cho khán giả những rung cảm sâu sắc. Đoạn trích là phân cảnh Thị Nở đưa bát cháo hành cho Chí Phèo, qua lời thoại, cử chỉ, đài từ, điệu bộ,… từng câu chữ đã tạo nên một luồng gió mới, đưa khán giả đi qua mọi cung bậc cảm xúc, từ hài hước đến ngạc nhiên, xúc động.
Sau những giây phút lắng đọng khi được thưởng thức vở kịch, hội trường được lắng nghe những chia sẻ giữa các khách mời, diễn viên với PGS.TS. Trần Văn Toàn, qua sự dẫn dắt của MC Vũ Kiều Chinh. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh khẳng định: “Các vở diễn chỉ là một lát cắt nhỏ trong tác phẩm, ở đó đưa ra những góc nhìn về thân phận con người và không hoàn toàn bao hàm toàn bộ tác phẩm”. Tại đây, ông cũng chia sẻ những thách thức lớn trong quá trình sân khấu hóa tác phẩm khi khán giả, độc giả đã quá quen thuộc với nguyên gốc và hình tượng nhân vật. Từ tác phẩm văn học chuyển sang kịch bản, và cuối cùng trở thành một vở diễn hoàn chỉnh là ba bước chuyển khác nhau, mỗi bước đều đòi hỏi sự đầu tư cao và quan trọng nhất là không được làm méo mó, sai lệch về nội dung, tư tưởng, hình tượng nhân vật.
Cũng trong buổi giao lưu, đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã chia sẻ thêm về hành trình đưa nội tâm nhân vật trở thành lời thoại, và khẳng định đây là thách thức, là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Qua hành trình sáng tác kịch bản và dựng vở lấy cảm hứng từ “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, ông cho rằng đặc trưng của nghệ thuật sân khấu là tính ẩn dụ và ước lệ, phải tạo được không gian trong tác phẩm bên ngoài phạm vi hẹp. Vì vậy, vai trò của nghệ thuật sân khấu là phá bỏ mọi giới hạn để tái hiện được ý đồ tác phẩm, đưa đến những thông điệp một cách tích cực. Bên cạnh chia sẻ của đạo diễn, khán giả còn được lắng nghe những lời tâm sự về chuyện nghề của các diễn viên. Cả ba diễn viên Minh Thu, Thanh Hường và Hoàng Nhật đều bày tỏ sự trân trọng quá trình luyện tập, sự hướng dẫn từ các đạo diễn và nhấn mạnh vào sứ mệnh của người diễn viên - phải luôn thăng hoa, “nhập vai” liên tục khi đứng trên sân khấu.
Trong không gian thân mật và ấm áp, các khán giả không chỉ được trực tiếp lắng nghe kinh nghiệm, trải nghiệm của những “người trong nghề” mà còn được trực tiếp đặt câu hỏi cho các diễn giả, khách mời về những vấn đề xoay quanh sân khấu, nghệ thuật kịch và việc tiếp nhận, cách đọc các tác phẩm văn học. Qua những chia sẻ của đạo diễn Tạ Tuấn Minh cùng ba diễn viên, các học viên Cao học đã hiểu hơn về cách xây dựng và định hình giọng điệu cho nhân vật, cách tìm cảm hứng và những nguyên tắc để duy trì chất lượng nghề nghiệp, cân bằng giữa cảm xúc cá nhân và cảm xúc trong vở diễn,... Để khép lại buổi giao lưu, GS Trần Đăng Xuyền đã có đôi lời phát biểu, trao đổi và nhắn nhủ tới “người trong ngành”: Phải làm sao cho thật cô đọng, am hiểu văn học và sân khấu để có thể hoàn thành xuất sắc các vở diễn “sân khấu hóa”.
Khoa Ngữ văn xin gửi lời cảm ơn chân thành tới sự quan tâm và tham dự của các diễn giả, nhà nghiên cứu và toàn thể học viên Cao học Khóa 32. Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các diễn giả cùng toàn thể khán giả tham dự tọa đàm có thật nhiều sức khỏe, thành công. Mong rằng buổi tọa đàm đã mang đến cho các học viên thêm những thông tin quý giá, phục vụ công tác học tập và nghiên cứu trong tương lai.