Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023)


18-11-2023

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023)

Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2023, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội xin tri ân và kính chúc các thầy cô giáo cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!

Kính chúc các thế hệ sinh viên Sư phạm Văn khoa đạt nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp giáo dục và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn từ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Lễ kỉ niệm 20 - 11 - 2023 và trích một số hình ảnh thầy trò Khoa Ngữ văn tại buổi lễ. Trân trọng!

DIỄN TỪ CHÀO MỪNG

41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

(20/11/1982 – 20/11/2023)

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Kính thưa các thế hệ thầy cô kính mến!

Thưa các anh chị sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh!

Năm 1957, sau rất nhiều trải nghiệm và thể nghiệm sống, nhân loại đã dứt khoát khẳng định vị trí nền tảng của giáo dục đối với việc định hình tương lai của thế giới: Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục đã quyết định chọn ngày 20-11 là ngày Quốc tế hiến chương các Nhà giáo. Năm 1958, trong hoàn cảnh chiến tranh, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỉ niệm ngày “nhà giáo quốc tế”. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1982, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được Chính phủ Việt Nam lựa chọn trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngành giáo dục có riêng ngày truyền thống của mình.

Từ “giáo dục” vốn có nghĩa rất cụ thể là “nuôi dạy”, là “ươm mầm”. Từ “nhà giáo” trong tiếng Việt là một khái niệm rất hiện đại và sang trọng, được đặt ra để khái quát hơn ý nghĩa rất cụ thể nhưng thiêng liêng của từ “thày”, trong “người thày”. “Thày” là một từ thuần Việt, mà những từ ngữ khác về sau có thể sử dụng đồng thời nhưng không thay thế được; từ này trỏ một người nào đó có khát khao tra một hạt giống xuống đất đai, cần mẫn chăm chút để hạt giống ấy nảy mầm, đơm hoa kết trái.  Nghĩa gốc của của từ “nghề” cũng rất đặc biệt, từ này nghĩa là “giồng”, trong “giồng cây”, “giồng người”; trỏ công việc lao tâm của một kẻ biết từ mầm cây để nhân bội thành mùa màng. “Không thày đố mày làm nên”; “Nên thợ nên thày nhờ có học”. Cảm tạ người xưa anh minh đã để lại cho chúng ta một vốn liếng để tự tôn, tự tôn bằng cách tiếp nối thành mạch đạo dòng đời.

Hôm nay, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023). Đây là dịp chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống cao đẹp của nghề dạy học, cùng xã hội tôn vinh và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo trong sự nghiệp trồng người; cùng tôn vinh giá trị tự thân của sự nghiệp giáo dục cao quý. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận về một nghề nghiệp đặc biệt mà nhân dân đã giao phó, nghề nghiệp tạo nên những cuộc đời. Tự tôn nghề thầy tức là ý thức rõ hơn về trọng nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo các thế hệ tương lai.

Trong không khí trang trọng và chan hòa tình thân ái hôm nay, thay mặt Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý; các thầy cô giáo và các bạn sinh viên sư phạm; quý đồng nghiệp trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa quý vị đại biểu, thầy cô và các bạn!

Khởi đầu từ “Sư phạm Văn khoa” 73 năm trước, khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội hôm nay được xã hội công nhận là một khoa trọng điểm trong một trường sư phạm trọng điểm của cả nước. Khoa Ngữ văn là một trong số ít những trung tâm nghiên cứu và đào tạo mạnh cả về sư phạm và khoa học ngữ văn của nước nhà.

Giảng đường này của chúng ta đã từng là nơi gắn bó của một đội ngũ hùng hậu các nhà giáo - nhà khoa học đầu ngành, các bậc sư biểu tiền bối, với gần 40 GS, hơn 70 PGS, hơn 100 TS; nơi đã đào tạo ra hàng chục nhà văn - nhà thơ, nhà hoạt động xã hội danh tiếng. Nhắc tới tên tuổi của họ, chúng ta có quyền tự hào và đồng thời, có trách nhiệm suy ngẫm - ý thức về thế hệ của mình. Giáo sư Hiệu trưởng trong lần gần nhất dự họp với khoa Ngữ văn đã nhấn mạnh: Nhắc tới lịch sử khoa Ngữ văn là xã hội nhắc đến tài năng và cá tính của những người thầy cụ thể. Thông điệp này hàm một khái quát, cao hơn, là một mong mỏi của Nhà trường.

Kính thưa thầy cô! Chúng ta đã đi qua những chặng đường vất vả, khó khăn để góp công sức to lớn dựng xây nền móng cho ngành khoa học ngữ văn nước nhà. Những năm tháng vất vả mà vinh quang ấy đã làm nên truyền thống của Khoa Ngữ văn chúng ta. Nhìn lại quá khứ, ta hiểu rằng, vinh quang không tự đến, nó được vun đắp bởi công sức của bao người đã kiên cường vượt qua những thử thách, gian lao. Cho phép tôi được gửi lời tri ân đến các thế hệ nhà giáo của Khoa, các bậc sư biểu của thế hệ trước đã góp phần làm nên truyền thống đáng tự hào của Khoa. Xin kính chúc sức khỏe tất cả các thầy cô, cựu sinh viên của thế hệ vinh quang ấy vẫn đang đồng hành với Khoa! Khoa Ngữ văn xin tri ân, giảng đường Văn khoa nhớ bóng dáng tất cả thầy cô và cựu sinh viên của Khoa đã đi xa; Khoa Ngữ văn thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã từ mái trường này, mang tâm hồn Văn khoa hóa thân thành sông núi!

Giảng đường này, 73 năm qua, đến ngày hôm nay, đã đào tạo và cung cấp cho xã hội 446 Tiến sĩ, gần 4.000 Thạc sĩ, trên 45.000 Cử nhân các hệ. Số lượng, cố nhiên chưa hẳn nói lên điều gì. Khoa Ngữ văn của chúng ta là một môi trường học thuật tiên phong, nhân văn, không xu thời, không vụ lợi; là nơi sẵn sàng chấp nhận và đón đợi những cá tính sáng tạo chân chính, những suy tư đột phá và mô phạm. Chuẩn mực, mô phạm không phải là rào cản của đổi mới và sáng tạo. Chúng ta vinh dự được trưởng thành trong một môi trường ngữ văn sư phạm, sẽ phải là, có trách nhiệm là, những thế hệ kế nối xứng đáng, với nhiệt thành khoa học cao sạch, với tâm đức sáng trong, với sự bền bỉ vượt khó và vượt qua chính mình.

Khoa Ngữ văn, với 7 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, với 15 cụm công trình của các thế hệ nhà giáo – nhà khoa học được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng  KHCN cấp Nhà nước, với trên 25 ngàn công trình - ấn phẩm khoa học khác đã công bố, và hàng năm vẫn tiếp tục công bố trung bình gần 300 công trình mới, đã và sẽ tự hào đồng hành cùng các thầy cô giáo và sinh viên sư phạm ngữ văn cả nước khám phá tiếp, sáng tạo lại, phát hiện và ươm dưỡng những tài năng trong tương lai. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo mở những không gian khoa học mới, trong một bối cảnh đầy thách thức, bộn bề và chật vật của xã hội, của ngành giáo dục hiện nay.

Kính thưa thầy cô và các bạn NCS, HV cao học và sinh viên!

Bối cảnh xã hội đổi thay cùng với những tác động mạnh mẽ của thời đại và thực tế đời sống đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục; xu hướng vận động và yêu cầu đổi mới căn bản - toàn diện giáo dục đang đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi lớn. Bên cạnh những tác động, thách thức chung, với riêng lĩnh vực giáo dục ngữ văn, thầy trò Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội đang cùng ngành giáo dục và giáo viên ngữ văn cả nước trăn trở 3 vấn đề lớn, mang tính bao trùm:

          - Thứ nhất, giá trị nhân văn - nhân bản và sứ mệnh đích thực của văn chương: Chúng ta và người học vẫn đang gằn chạy đua với tiến bộ công nghệ để đạt chuẩn ứng dụng tối thiểu. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của công nghệ tiên tiến; chúng ta cũng đã nhận rõ mặt trái của công nghệ; chúng ta tiên lượng rõ ràng về nguy cơ sơ cứng tâm hồn và sự băng hoại của các giá trị truyền thống; nhưng rõ ràng chúng ta chưa tìm ra/ chưa học được cách tự thích ứng một cách bền vững để trợ giúp thế hệ trẻ tự thích nghi và tự tìm ra cách định vị giá trị của cuộc sống. Sứ mệnh của văn chương trong đào luyện tâm hồn con người không thể phủ nhận. Nhưng “bằng cách nào” để thích ứng thì người làm giáo dục ngữ văn chúng ta đang còn loay hoay.

          - Thứ hai, bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng Việt trước nguy cơ bị thỏa hiệp và nhiễu loạn: Dạy học ngữ văn tức là hướng đến năng lực giao tiếp văn hóa. Mất bản sắc văn hóa sẽ không còn giao tiếp văn hóa. “Công dân toàn cầu” hay “hội nhập quốc tế” phải bằng và từ bản sắc văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp và tư duy nhưng đồng thời là sản phẩm mang tính bản sắc và là hiện thân của văn hóa. Chúng ta dạy học ngữ văn thế nào, đào tạo giáo viên ngữ văn thế nào mà có một thực tế là: làn sóng vọng ngoại vẫn lướt qua nguyên tắc căn bản của hội nhập; thế hệ trẻ ngày càng giỏi ngoại ngữ nhưng việc nói và viết tiếng Việt thì ngày càng không thuần thục. Với tư cách là người trong cuộc, mỗi người dạy học ngữ văn chúng ta chắc chắn đã suy tư nhiều về điều này.

- Thứ ba, riêng với giáo dục và nghiên cứu ngữ văn ở đại học, thách thức trong việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh và năng lực công bố quốc tế: Lĩnh vực ngữ văn nói riêng và khoa học XH&NV nói chung chắc chắn là có đặc thù riêng so với các lĩnh vực khác; tuy vậy, chúng ta không thể tự bằng lòng đóng khung tiếng nói học thuật của mình trong phạm vi quốc nội. Đi một mình sẽ không đi được xa. Cần hiệp lực để tạo nên sức mạnh mới bằng việc tự hình thành các nhóm nghiên cứu mũi nhọn. Chúng ta chưa kì vọng tạo ra được trường phái nghiên cứu với việc khai mở các lí thuyết nghiên cứu đột phá; thì chí ít, trước mắt, phải tiệm cận nhanh với phương pháp nghiên cứu mới để tăng cường năng lực và kinh nghiệm công bố quốc tế. Trong 5 năm qua, Khoa chúng ta đã có được khoảng 20 tác phẩm khoa học công bố trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín. Đây là những hứa hẹn bước đầu, để chúng ta, từ “sức ép” của yêu cầu thời đại, tạo thành nhu cầu và động lực của chính mình. Việc chúng ta công bố Quỹ Khoa học và công nghệ Ngữ văn để thúc đẩy công bố quốc tế, tại lễ kỉ niệm này, là một nỗ lực nhỏ để hướng đến một mục tiêu lớn như vậy.

          Nêu những vấn đề mà thầy cô Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội chúng ta hiện đang đặt ra trong mỗi giờ giảng và trang viết của mình, tại lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, có thể không đúng khung cảnh, không hợp tình. Nhưng tôi chắc chắn có một điều hợp lí: những suy tư trăn trở đó là lí do dẫn đến sự hội tụ hữu duyên của thầy trò các thế hệ chúng ta ở đây hôm nay. Chúng ta hạnh phúc được gặp gỡ và đồng hành cùng nhau trong chính những mâu thuẫn có tính xã hội và yêu cầu của thời đại như vậy!

Kính thưa thầy cô và các bạn!

Trường ĐHSP Hà Nội và Khoa Ngữ văn vẫn đang cùng ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong cả nước thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong 10 năm qua, chúng ta đã và đang thực hiện 3 lần chỉnh lí chương trình đào tạo, ở cả 3 cấp: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; đã tổ chức 8 hội thảo khoa học quốc gia và qua đó hội tụ sức mạnh của đội ngũ tinh hoa trong giới nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn cả nước. Khoa đã thực hiện xong công tác đánh giá ngoài chương trình đào tạo cử nhân sư phạm và năm tới bắt đầu thực hiện tự đánh giá chương trình cử nhân văn học. Trường và Khoa vẫn đang thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành là bồi dưỡng giáo viên, biên soạn và thẩm định sách giáo khoa… theo chương trình GDPT mới. Riêng Khoa ta có tới 38 thầy cô (trên tổng số 46 giảng viên cơ hữu) đã và đang thực hiện các nhiệm vụ này, với tư cách là các chủ biên, tác giả, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt và Ngữ văn theo chương trình 2018.

Về các hoạt động của sinh viên: Nhờ vào nỗ lực liên tục của thầy và trò, trong 10 năm qua, Khoa chúng ta có tới 9 giải nhất, 7 giải nhì sinh viên NCKH cấp Bộ và tương đương; hơn 20 giải nhất - nhì - ba cấp Trường và liên Khoa. Đó là một kỉ lục không dễ có đối với một bất kì một khoa KHXH nào trong cả nước. Để có được thành tích đó, ngoài cố gắng nỗ lực của chính các bạn sinh viên, phải kể đến công sức thầm lặng của các thầy cô hướng dẫn. Xin tuyên dương tất cả các thầy cô và các bạn!

Khoa Ngữ văn chúng ta vẫn luôn đi đầu trong Trường về hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm: liên tục trong mười mấy năm nay chúng ta thường xuyên đạt thành tích nhất nhì toàn đoàn trong những cuộc thi nghiệp vụ sư phạm của Trường.

Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên của Khoa có nhiều sáng tạo để khắc phục mặt trái của học chế tín chỉ. Các câu lạc bộ sinh viên phát huy tính năng động, tổ chức thành công nhiều hoạt động tích cực: tổ chức Hội thao sinh viên, tổ chức hoạt động thiện nguyện, hoạt động truyền thông, hoạt động nghệ thuật, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiệp vụ sư phạm...  Các hoạt động trên góp phần hình thành một thế hệ sinh viên sư phạm ngữ văn mới, năng động, sáng tạo, đáp ứng và thích ứng với những đổi thay nhiều mặt.

Kính thưa thầy cô! Khoa chúng ta vẫn đang trong thời điểm chuyển giao thế hệ lớn lần thứ 3. Đội ngũ chuyên môn nòng cốt hiện tại gồm 29 GS - PGS, 17 TS thuộc 7 chuyên ngành đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của ngành và của Trường. So với các khoa đào tạo ngành ngôn ngữ, văn học và sư phạm ngữ văn trong cả nước thì hiện chúng ta tạm vẫn có một đội ngũ thuộc nhóm mạnh nhất; nhưng trong tương lai không xa, chúng ta đang đứng trước một thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực bậc cao. Quy mô đào tạo hệ chính quy hiện tại, cả bậc học cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ là trên 2.700 người học. Trong 5 năm vừa qua, Khoa chúng ta mới chỉ tiếp nhận và tạo nguồn thêm được 7 cán bộ mới. Trong những năm tới, chiến lược đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chắc chắn phải là ưu tiên hàng đầu của Khoa.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Chúng ta đang sống trong không khí trang trọng, nồng nàn nghĩa tình của ngày Nhà giáo; chúng ta vinh dự, tự hào về truyền thống tôn sư cần học của dân tộc. Chúng ta ý thức chân thành về thiên chức người thầy. Chúng ta thực lòng chia sẻ những khó khăn chồng chất mà đồng nghiệp thân yêu của chúng ta và học trò ở mọi miền quê đang nhọc nhằn trải qua.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi tới quý vị đại biểu, các thầy cô, anh chị học viên, nghiên cứu sinh, sinh viên lời chúc mừng với tình cảm nồng hậu! Chúc thầy cô và gia đình thật mạnh khỏe, thật hạnh phúc! Kính chúc quý vị đồng nghiệp trên mọi miền đất nước; chúc các thế hệ cựu sinh viên ĐHSP Hà Nội - Khoa Ngữ văn đang công tác trong ngành giáo dục tiếp tục vượt khó để lan tỏa cốt chất hào hoa lãng mạn, để mạnh mẽ niềm tin và khát vọng! Chúng ta cùng chắt chiu yêu thương và vinh danh nghề thầy cao quý, để thế hệ tương lai của chúng ta vững lòng tin vào giá trị của chính mình! Người Sư phạm, người Văn khoa mãi có nhau, bên nhau và cùng nhau mở trang giáo án mới trong hành trình từ bục giảng… đến cuộc đời!

Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                   Trưởng Khoa

                                                                      PGS.TS Hà Văn Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

Post by: Khoa Ngữ văn
18-11-2023