Nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh của thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, ngày 11/11/2022, Khoa Văn học và Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM phối hợp với Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới". Hội thảo diễn ra từ 8 giờ đến 17 giờ 30 cùng ngày, chia làm hai tiểu ban với bốn chủ đề nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu. Trong buổi sáng, tiểu ban 1 tập hợp các bài nghiên cứu về Tiểu sử và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu - Những vấn đề mới, tiểu ban 2 tập hợp các bài nghiên cứu về Những xu hướng tiếp nhận thơ ca Nguyễn Đình Chiểu - Mở rộng và biến đổi. Trong buổi chiều, tiểu ban 1 diễn ra những báo cáo về Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - Những vấn đề văn bản và dạy học trong nhà trường, tiểu ban 2 đề cập đến các báo cáo về đề tài Nguyễn Đình Chiểu - Tư tưởng, đạo lý và thời đại.
Hội thảo được tổ chức kết hợp dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hai đầu cầu TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp cả nước. Vượt qua trở ngại về khoảng cách địa lí, buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Tại đầu cầu TP.HCM, PGS.TS Hà Văn Minh (Trưởng Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSPHN) trong Báo cáo đề dẫn đã phát biểu: “Nguyễn Đình Chiểu là thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam tiêu biểu. Gia tài Nguyễn Đình Chiểu để lại đặc biệt đa dạng và độc đáo. Có thể coi ông là một trong những tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ khi ra đời đã trở thành món ăn tinh thần quý báu của nhân dân Nam Bộ và dần trở thành di sản có ý nghĩa bản sắc của lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam. Dấu ấn văn chương, tầm vóc tư tưởng, tài năng, nhân cách của ông ngày càng được thế giới biết đến và phổ biến rộng rãi. Hội thảo lần này là một nỗ lực nằm trong chuỗi các hoạt động học thuật của cả nước nhằm tưởng nhớ, tri ân danh nhân một cách ý nghĩa nhất”.
Hội thảo được chia làm hai phiên với nhiều báo cáo, bài nghiên cứu đặc sắc được trình bày trước toàn thể đại biểu tham gia. Các tham luận đã đào sâu nhiều khía cạnh học thuật mà người đọc có thể chưa thể thấy hết khi thưởng thức các tác phẩm của "cụ Đồ Chiểu", cả về mặt tôn giáo, văn hoá, xã hội hay thực tiễn giáo dục. Phía đầu cầu Hà Nội, tại tiểu ban 1 diễn ra trực tiếp tại phòng 101 nhà B, cần kể đến một số bài nghiên cứu như “Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hoá thế giới" của GS.NGND Nguyễn Đình Chú, “Danh nhân văn hoá Nguyễn Đình Chiểu và các sáng tác của ông từ góc nhìn văn hoá giáo dục, văn hoá chính trị trong thế kỉ XXI” của TS. Nguyễn Thị Quế Anh, “Điểm sáng trong di sản thơ - văn tế của Nguyễn Đình Chiểu” của PGS.TS Đinh Thị Khang, hay "Bàn luận về vấn đề sử dụng ngữ liệu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong dạy học yếu tố Hán Việt" của PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Chung. Tại tiểu ban 2, có thể kể đến báo cáo của TS Nguyễn Thị Tính “Nhân vật Kim Trọng và Lục Vân Tiên từ góc nhìn so sánh”, hay “Tiên đạo và Dị đoan: Đạo giáo qua đôi mắt của Nguyễn Đình Chiểu" của ThS. Trịnh Thuỳ Dương và PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng.
Nội dung các bản tham luận tại hội thảo rất phong phú và đa dạng, khiến hình ảnh về cuộc đời, giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu hiện lên rõ nét và sâu sắc hơn. Những sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, là minh chứng cho thấy tài năng, đức độ của một nhà văn hóa, một tác giả lớn của dân tộc Việt Nam, đúng như UNESCO đã vinh danh. Đặc biệt trong buổi Hội thảo, không thể không kể đến nhóm nội dung nghiên cứu và đề xuất quan điểm, phương pháp pháp dạy học về Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường các cấp. Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được quy định bắt buộc trong chương trình Ngữ văn, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những phương pháp dạy học theo hướng mới, đặc biệt là những hướng tiếp cận dạy học Nguyễn Đình Chiểu theo phong cách tác giả và đặc trưng thể loại, sử dụng ngữ liệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong dạy học phương ngữ, từ Hán Việt; dạy học tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu theo mô hình trường học gắn với di sản văn hóa, giáo dục đạo đức cho học sinh. Những tham luận này góp phần đề ra những định hướng trong công tác đào tạo giáo viên cả nước, công cuộc đổi mới dạy học Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và dạy học Ngữ văn nói chung.
Buổi hội thảo đã diễn ra thành công và để lại nhiều dấu ấn. Không chỉ giàu ý nghĩa về mặt khoa học mà buổi hội thảo còn là cơ hội để các bạn sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được tiếp cận nhiều hơn với nghiên cứu khoa học, được biết thêm và cảm nhận rõ hơn tài năng, đóng góp vô giá của Nguyễn Đình Chiểu với lịch sử văn học nước nhà, văn hóa dân tộc.