🕐 Sáng ngày 14/10, Bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại đã tổ chức thành công buổi tọa đàm Truyện Kiều: Những diễn giải mới về văn bản và giá trị. Đây là cơ hội để các sinh viên, học viên Cao học và nghiên cứu sinh Khoa Ngữ văn yêu thích Truyện Kiều được tiếp cận với một phiên bản khác của tác phẩm; đồng thời giúp sinh viên có thêm những góc nhìn mới về kiệt tác của dân tộc.
📑 Tọa đàm có sự tham dự của nhiều giáo sư - nhà nghiên cứu đầu ngành như: GS. NGND Nguyễn Đình Chú, GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh và những nhà nghiên cứu trẻ, đầy nhiệt huyết như TS. Nguyễn Thị Tuyết, ThS. Dương Trung Dũng cùng các sinh viên, học viên có niềm yêu thích nghiên cứu, mong muốn trao đổi, thảo luận thêm về Truyện Kiều.
🔔 Mở đầu chương trình, PGS.TS Dương Tuấn Anh - Phó Trưởng Khoa Ngữ văn đã có những chia sẻ về nội dung, ý nghĩa và mục đích của buổi tọa đàm. Thầy khẳng định Truyện Kiều luôn có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống nhân dân tộc, đồng thời là cây cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Có thể nói, Truyện Kiều mãi là một kiệt tác cần tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu. PGS.TS Dương Tuấn Anh bày tỏ niềm vinh dự khi Khoa Ngữ văn nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học, những người yêu Truyện Kiều. Thầy trông đợi buổi toạ đàm sẽ mang lại những trao đổi có giá trị.
🎤 Tiếp nối chương trình, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh trình bày “Câu chuyện về nhóm tác giả làm sách Kim Vân Kiều tân truyện – Hội bản và giao lưu văn hoá Việt – Pháp cuối thế kỉ XIX”. Được chia sẻ qua một giọng nói chậm rãi, điềm đạm, nhưng phần trình bày của cô Băng Thanh đã đưa các cử toạ đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi được theo chân cô và nhóm nghiên cứu tham gia vào hành trình tìm kiếm lai lịch cuốn sách Kim Vân Kiều tân truyện - Hội bản. Những kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh cũng hết sức mới mẻ và khơi dậy sự tranh luận khi đặt ra những giả thuyết mới về nhóm tác giả Hội bản và xuất xứ các bức tranh liên hoàn trong cuốn sách này. Theo đó, Hội bản không phải là một cuốn sách của Hoàng gia triều Nguyễn, mà có thể do một nhóm tác giả thực hiện, trong đó có thể có sự hợp tác của người Pháp (Chéon) và người Việt Nam (Trương Minh Ký). Mặc dù chưa xác định được tác giả phần tranh, nhưng PGS.TS Trần Thị Băng Thanh đã chỉ ra người Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX có đủ điều kiện thực hiện các bức vẽ này.
📝 Cùng thảo luận sâu hơn về vấn đề, TS. Nguyễn Thị Tuyết trình bày báo cáo: “Chữ húy” với việc xác định niên đại và hệ văn bản Kim Vân Kiều tân truyện - Hội bản”. Bằng những khảo cứu hết sức tỉ mỉ đối với các dòng chữ trên bìa sách, nội dung phần tiểu dẫn, nguyên chú, cũng như những thống kê, đối sánh đầy công phu về các chữ huý trong Hội bản và các bản Truyện Kiều khác, TS. Nguyễn Thị Tuyết đã xác định Hội bản có niên đại từ năm 1889 đến 1894, thuộc dòng bản Thăng Long (bản Phường).
💡 Chia sẻ với những kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh và TS. Nguyễn Thị Tuyết là phần trình bày của GS.TS Trần Đình Sử. Từ những trải nghiệm đọc của cá nhân, thầy đã chỉ ra những điểm độc đáo và được cho là hạn chế của Hội bản. Theo GS.TS Trần Đình Sử, điểm đặc biệt về nghệ thuật trong Hội bản là 143 bức vẽ liên hoàn, bám sát nội dung Truyện Kiều. Tuy chưa xác định được người vẽ những bức tranh này, nhưng GS.TS Trần Đình Sử cho rằng đó có khả năng là người Việt. Hội bản cũng thể hiện rõ tính chất Nôm - Hán hợp dụng. Cuối cùng, thầy khẳng định Hội bản vẫn cần nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ các giả thuyết chưa được làm rõ.
🌷 Chương trình vinh dự có sự tham gia của GS. NGND. Nguyễn Đình Chú. Đến với buổi tọa đàm, GS. Nguyễn Đình Chú bày tỏ niềm tự hào và hạnh phúc khi Truyện Kiều nhận được sự quan tâm đến từ nhiều thế hệ. Trong buổi toạ đàm, thầy dành tặng cho các diễn giả và Khoa Ngữ văn những quyển sách quý giá.
✨ Kết thúc phần thuyết trình của diễn giả, hội trường được lắng nghe chia sẻ của ThS. Dương Trung Dũng và Thượng tá Hà Đăng Tín - những người có niềm yêu thích đặc biệt với Truyện Kiều. ThS. Dương Trung Dũng gợi góc nhìn mới mẻ về việc tiếp cận Truyện Kiều từ góc độ Phật giáo. Ông Hà Đăng Tín cung cấp cho độc giả các kết quả trong việc chuẩn hóa chữ Nôm các bản Kiều.
📰 Phần trình bày của các diễn giả trong buổi toạ đàm đã thu hút những thảo luận sôi nổi từ các cử toạ. Ông Dương Xuân Bảo (Nguyên cán bộ Cục Sáng chế) chia sẻ thêm về giá trị của Truyện Kiều trong đời sống văn hoá, thông qua hình thức bói Kiều. PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng (Bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại, Khoa Ngữ văn) đóng góp thêm các ý kiến để hoàn thiện, bổ sung cho kết quả nghiên cứu về Kim Vân Kiều tân truyện (Hội bản) như giả thuyết về lai lịch của hoạ sĩ tham gia minh hoạ Hội bản, ý nghĩa của những phần chú thích trong Hội bản. Ông Hà Văn Thạch (Chủ tịch Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều, tỉnh Hà Tĩnh) lại bình luận thêm về sức sống của Truyện Kiều trong đời sống đương đại. Tất cả các ý kiến đều nhằm mở ra những góc độ mới, tìm hiểu văn bản một cách đa chiều, toàn diện.
Kết thúc chương trình, PGS.TS. Trần Thị Hoa Lê - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại tổng kết: “Tọa đàm đã lắng nghe và thảo luận về những công bố mới nhất của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh - TS Nguyễn Thị Tuyết đồng chủ nhiệm xung quanh văn bản Kim Vân Kiều tân truyện - Hội bản (Kiều Hội bản 1894): về nhóm tác giả làm sách, xác định niên đại, hệ bản và hành trình lưu lạc của Kiều Hội bản 1894; về giá trị độc đáo nhiều mặt của Kiều Hội bản. Từ đó, tiếp tục góp phần khẳng định sức sống trường tồn và giá trị đa dạng của Truyện Kiều, cũng như tiếp tục dẫn mở thêm con đường "tìm về nguyên tác đích thực của Truyện Kiều". Tọa đàm đặc biệt có ý nghĩa truyền cảm hứng tìm tòi, nghiên cứu cho sinh viên, học viên trên hành trình tiếp nối tiền nhân, giữ gìn và phát huy di sản văn học, văn hóa của cha ông”.
🎊 Buổi tọa đàm đã khép lại trong không khí đậm chất học thuật, với những con người đã và đang dành trọn đam mê, tình yêu và tâm huyết trong việc lan tỏa giá trị tinh thần, nghệ thuật của Truyện Kiều trong thời đại mới. Khoa Ngữ văn xin gửi lời cảm ơn chân thành tới sự quan tâm và tham dự của các diễn giả, nhà nghiên cứu, quý đại biểu, khách mời. Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các diễn giả, báo cáo viên cùng toàn thể quý vị tham dự toạ đàm luôn có thật nhiều sức khỏe, thành công; mong rằng buổi toạ đàm đã mang đến cho các sinh viên thêm những thông tin quý giá, phục vụ công tác học tập và nghiên cứu trong tương lai.
Thực hiện: HPT - CLB TRUYỀN THÔNG KHOA NGỮ VĂN