| CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM: GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HOÁ |
Sáng ngày 10/9/2023 vừa qua, Khoa Ngữ văn đã tổ chức thành công buổi tọa đàm: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời đại toàn cầu hóa”. Chương trình được chào đón sự góp mặt của diễn giả: GS.TS. Ngô Như Bình – giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Đại học Harvard (Mỹ) và các cử tọa: PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng – giảng viên bộ môn Lí luận văn học, GS.TS. Lê Huy Bắc – Trưởng Khoa Việt Nam học, PGS. TS. Lê Nguyên Cẩn, PGS.TS Dương Tuấn Anh – Phó trưởng Khoa Ngữ văn cùng các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên.
Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Dương Tuấn Anh, chương trình do PGS.TS. Trần Kim Phượng chủ trì được chính thức bắt đầu. Buổi tọa đàm gồm 2 phần chính:
Phần 1: Giới thiệu cuốn sách “Vietnamese – An Essential Grammar” của GS.TS. Ngô Như Bình.
Phần 2: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời đại toàn cầu hóa.
“Vietnamese – An Essential Grammar” là một tài liệu giảng dạy tiếng Việt cho người bản ngữ tại nước ngoài. Cuốn sách bao gồm 7 chương với nội dung trải dài trên các khía cạnh cơ bản của tiếng Việt, các lỗi thường gặp của người dùng tiếng Anh để học tiếng Việt. Để làm rõ cho các vấn đề được đặt ra, GS.TS. Ngô Như Bình đưa ra các ví dụ cụ thể, đồng thời đặt tiếng Việt trong sự đối sánh với các ngôn ngữ khác để thấy được sự khác biệt giữa các ngôn ngữ. Sau lời chia sẻ của thầy, buổi tọa đàm bước vào khoảng thời gian trao đổi sôi nổi giữa diễn giả và các cử tọa.
Với câu hỏi mở đầu: “Một dân tộc có gì có thể quý giá hơn là ngôn ngữ mà ông cha ta để lại?”, người tham dự đã cùng GS.TS. Ngô Như Bình tiếp tục đi vào phần 2 của chương trình. Sau khi phân tích các kết quả của sự tiếp xúc ngôn ngữ, sự vay mượn ngôn ngữ trong các thời kỳ, bàn luận về vấn đề chữ viết,… thầy đi sâu vào vấn đề: “Tính trong sáng của tiếng Việt đang bị đe dọa” với 3 nội dung chính: Lỗi ngữ pháp và lỗi cách dùng, dùng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt một cách bừa bãi và áp đặt các cấu trúc của tiếng nước ngoài vào tiếng Việt. Trong nửa sau của buổi tọa đàm, thầy phân tích cụ thể các lỗi đang hiện hữu trên nhiều trang báo hiện nay. Với mỗi ví dụ, thầy đều lí giải và đưa ra cách sửa.
Kết thúc chương trình, diễn giả và các cử tọa đã có giây phút cùng nhau chụp những bức ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ này. Tọa đàm đã đem lại những ý nghĩa nhất định trong việc đặt ra những chủ để gợi mở trong công tác nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt: “Giảng dạy tiếng Việt không đơn thuần là dạy ngôn ngữ, mà còn là đưa người học đến với văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.” (PGS.TS. Trần Kim Phượng).
Khoa Ngữ văn xin được gửi lời cảm ơn tới GS.TS. Ngô Như Bình vì đã trở thành diễn giả của tọa đàm, xin chúc thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến những nghiên cứu của mình cho ngôn ngữ học.