Nghiên cứu khoa học

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: GIÁO SƯ HOÀNG TUỆ - NGÔN NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI


03-04-2024

Ngày 30 tháng 3 năm 2024, Hội thảo khoa học quốc gia "Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội" đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) với sự chủ trì, phối hợp của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hội thảo nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những cống hiến của Giáo sư Hoàng Tuệ, một trong những bậc thầy ngôn ngữ học đã góp phần đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam, bên cạnh các tên tuổi nổi bật khác thuộc thế hệ tiên phong sau Cách mạng như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Hoàng Phê, Hoàng Văn Hành, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Thị Châu, Đỗ Hữu Châu, Trần Chút,….

Giáo sư Hoàng Tuệ (1921 - 1999)

Đến dự Hội thảo có các vị đại diện lãnh đạo của Viện Ngôn ngữ học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, Hội Nhà văn Việt Nam,… và đông đảo các nhà khoa học trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đầu ngành ngôn ngữ học và văn học trong và ngoài nước, các thế hệ đồng nghiệp và học trò ở tuổi “cửu thập”, “bát thập”, “thất thập” đã đến tham dự như GS. Nguyễn Thiện Giáp, GS. Lý Toàn Thắng, GS. Đinh Văn Đức, GS. Trần Trí Dõi, GS. Bùi Minh Toán, GS. Nguyễn Văn Khang, GS. Nguyễn Minh Thuyết, GS. Trần Đăng Xuyền, PGS. Hoàng Văn Ma, PGS Đặng Thị Lanh, GS Nguyễn Thanh Hùng, PGS Nguyễn Thị Thanh Hương … Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học là học trò của Giáo sư Hoàng Tuệ đồng thời là bạn văn thân thiết của con trai ông là nhà văn Bảo Ninh cùng tham gia như Nguyễn Quang Thiều, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Phan Hoàng, Phạm Ngọc Tiến, Phạm Đình Ân, Phạm Xuân Nguyên, Yên Ba, Nguyễn Thế Thanh,…

Hành trình từ người chiến sĩ đến nhà giáo dục, nhà khoa học 

Hoàng Tuệ quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nay thuộc thị xã Đồng Hới. Ông sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế trong một gia đình có truyền thống học vấn bậc cao. Ông nội Huỳnh Côn là thầy dạy học của vua Duy Tân (1899 - 1945), sau đó là Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua này (1907 - 1916). Thân sinh của giáo sư là cụ Hoàng Châu Tích, từng giữ chức Hồng lô tự khanh, làm việc ở Quốc sử quán Huế.

Là một trí thức yêu nước, thời học sinh, Hoàng Tuệ vừa đi học ở Huế vừa tham gia các phong trào yêu nước từ khi mới 15 tuổi. Năm 1941, ông tốt nghiệp trung học tại Trường Quốc học Huế. Năm 1942, ông học tại Trường Đại học Luật Đông Dương ở Hà Nội. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông bỏ dở việc học tập để vào bộ đội. Từ năm 1945 - 1947, ông là cán bộ ở Đại đoàn 33 thuộc Mặt trận miền Nam Trung bộ và Trung Lào.

Từ năm 1947 đến năm 1954, ông dạy trung học phổ thông tại Trường PTTH Nguyễn Xuân Ôn và Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An.

Từ 1954 đến 1969, ông công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là một trong những giảng viên đầu tiên của Khoa Ngữ văn, là chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ - Khoa Ngữ văn. Trong thời gian công tác tại Khoa Ngữ văn, Giáo sư có nhiều công lao trong việc xây dựng Khoa, Bộ môn Ngôn ngữ, từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, khai phá, vạch đường hướng nghiên cứu, tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu học tập ngôn ngữ học… cho đến việc quản lí khoa, quản lí bộ môn và trực tiếp giảng dạy…

Năm 1969, ông làm chuyên viên cao cấp tại Ban Khoa giáo Trung ương, và từ năm 1977 đến 1993, giữ chức Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Trong vai trò này, Giáo sư Hoàng Tuệ đã tham gia và đóng góp lớn vào công tác điều tra ngôn ngữ học xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, qua đó góp phần vào việc xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam.

Các nghiên cứu và công trình của Giáo sư trải rộng trên nhiều lĩnh vực của ngôn ngữ học, từ ngữ pháp tiếng Việt, ngôn ngữ học xã hội, đến giáo dục ngôn ngữ. Giáo sư Hoàng Tuệ đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp khá đồ sộ với hơn một trăm bài báo và công trình khoa học. Trong đó có các tác phẩm chính là: “Giáo trình Việt ngữ”, tập I (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1962), “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” (Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984), “Vấn đề chuẩn ngôn ngữ qua lịch sử ngôn ngữ học” (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1993), “Ngôn ngữ và đời sống xã hội văn hóa” (Nxb. Giáo dục, 1996)....

Với những đóng góp lớn lao cho nền ngôn ngữ, giáo dục nước nhà, ông đã được Nhà nước trao tặng "Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ" (công trình cá nhân, 2005); Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ cho công trình tập thể "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên) (2005). Giáo sư Hoàng Tuệ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba…

Lãnh đạo Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chụp ảnh cùng nhà văn Bảo Ninh (con trai GS Hoàng Tuệ)

Các thế hệ đồng nghiệp và học trò của GS Hoàng Tuệ

Vinh danh và tri ân

Tại Hội thảo, lãnh đạo các cơ quan Viện Ngôn ngữ học và Tạp chí Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã phát biểu vinh danh và tri ân Giáo sư Hoàng Tuệ - người đặt nền móng cho ngôn ngữ học Việt Nam. Phát biểu khai mạc, GS Nguyễn Văn Khang (Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) khẳng định: Giáo sư Hoàng Tuệ là nhà ngôn ngữ học uy tín và tài năng, có tầm nhìn rộng, uyên bác, là nhà giáo có công đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn. Giáo sư nguyên là Phó trưởng khoa Ngữ văn, nguyên Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ - Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Văn học…

GS. TS Nguyễn Văn Khang (Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)  phát biểu

Phát biểu vinh danh và tri ân Giáo sư Hoàng Tuệ, đại diện các cơ quan đồng tổ chức Hội thảo (Viện Ngôn ngữ học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường ĐHSP Hà Nội) đều nhấn mạnh cống hiến to lớn của Giáo sư đối với ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. PGS.TS. Hà Văn Minh (Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh: "Giáo sư Hoàng Tuệ là một trong những người mở đường tinh anh của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Tầm vóc và tư tưởng học thuật của Hoàng Tuệ là vượt trội và bao trùm; sức nghĩ và sự sáng tạo thể hiện qua các công trình của Giáo sư đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, mang lại cảm hứng lớn cho giới nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương nước nhà. Giáo sư Hoàng Tuệ là chân dung của một nhà trí thức tiêu biểu, yêu nước bằng tình yêu tiếng Việt”...  Trong suốt sự kiện, các giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả đầu ngành; các nhà văn, nhà báo; các thế hệ đồng nghiệp và học trò như GS Lý Toàn Thắng, GS Đinh Văn Đức, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, PGS. Hoàng Văn Ma, PGS. Phi Tuyết Hinh, PGS. Đặng Thị Lanh, PGS. Nguyễn Thị Thanh Bình,…  đã bày tỏ sự tôn kính đối với GS Hoàng Tuệ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định, ngôn ngữ - tiếng Việt chính là bệ đỡ của văn chương dân tộc, sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Tuệ đã chuyên chú vào yếu tố gốc lõi ấy… Bên cạnh những trao đổi học thuật, các câu chuyện và kỉ niệm về Giáo sư không chỉ làm sáng tỏ thêm về nhân cách và tư duy khoa học của ông mà còn thể hiện sự kính trọng và yêu mến mà thế hệ sau này dành cho ông. PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), một học trò của Giáo sư Hoàng Tuệ xúc động chia sẻ: "Thầy tôi là như thế! Nghiêm khắc trong khoa học, yêu thương, cảm thông, với học trò và đồng nghiệp, tâm đắc với văn chương nước nhà, dành cả cuộc đời nghiên cứu Ngữ và Văn,..."

PGS.TS. Hà Văn Minh (Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội) phát biểu

Các thế hệ học trò Khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội tặng hoa tri ân, nhà văn Bảo Ninh cùng gia đình đón nhận

Thay mặt gia đình, nhà văn Bảo Ninh, con trai của cố Giáo sư Hoàng Tuệ, một cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, đã chia sẻ về ảnh hưởng sâu sắc từ người cha kính yêu đối với con đường văn chương của mình. Theo Bảo Ninh, dù thời niên thiếu không mấy mặn mà với môn văn, nhưng những cuốn sách trong tủ sách của cha, cùng những cuộc trò chuyện về cuộc sống, đã mở ra cho ông một thế giới văn học phong phú, đặc biệt là qua cuốn tiểu thuyết "Cuộc đời và số phận" của Vasilii Semenovich Grossman mà cha đã dịch miệng cho ông nghe. Những trải nghiệm này không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là bệ phóng vững chắc cho Bảo Ninh trong hành trình sáng tạo văn học của mình. Giáo sư Hoàng Tuệ có ảnh hưởng lớn tới tầm nhìn và tư duy nghệ thuật của nhà văn Bảo Ninh.

Hành trình tiếp nối Giáo sư Hoàng Tuệ

Kỉ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia "Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội"

Trong không khí trang trọng của Hội thảo, cuốn Kỉ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia "Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội" được NXB Dân Trí ấn hành đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng học thuật. Cuốn kỉ yếu dày gần 620 trang khổ lớn 19x27cm, gồm 68 bài viết của các chuyên gia trong và ngoài nước, với nội dung gồm nhiều chủ đề: 1) Những Kỉ niệm với GS Hoàng Tuệ (chủ yếu là về chuyên môn); 2) Đóng góp của GS. Hoàng Tuệ đối với nền Ngữ học nước nhà; 3) Triển khai nghiên cứu Ngữ văn (ngôn ngữ và văn học) theo hướng nghiên cứu của GS Hoàng Tuệ; 4) Nghiên cứu những vấn đề cụ thể về ngôn ngữ ở Việt Nam, như: Tiếng Việt, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Ngoại ngữ; Chính sách ngôn ngữ, Giáo dục ngôn ngữ, Ngôn ngữ với văn chương, v.v. Điểm nổi bật của cuốn kỉ yếu là sự đa dạng về phong cách và cấu trúc, với sự linh hoạt từ những bài viết ngắn gọn đến những bài nghiên cứu dài và sâu rộng, phản ánh đa chiều và phong phú về nghiên cứu ngôn ngữ học. Cuốn kỉ yếu không chỉ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại trong ngành ngôn ngữ học mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ, khích lệ họ tiếp tục khám phá và phát triển ngành ngôn ngữ học của Việt Nam với tinh thần không ngừng học hỏi. Mỗi bài nghiên cứu trong kỉ yếu là sự triển khai nối tiếp, phát triển di sản ngôn ngữ học mà Giáo sư  Hoàng Tuệ đã để lại.

Hội thảo đã phác họa khá toàn diện chân dung nhà giáo, nhà quản lí, nhà khoa học Hoàng Tuệ. Đó là người “khai sơn phá thạch”, đặt nền móng cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam, người mở đường cho việc tiếp cận ngôn ngữ học một cách liên ngành, nối kết chặt chẽ giữa ngôn ngữ với văn học, giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ học thuật.

Thông qua sự kiện mang tầm quốc gia này, cộng đồng học thuật và xã hội đã cùng nhau tri ân và ghi nhận công lao của một nhà khoa học lớn của Việt Nam. Cuộc đời nghiên cứu khoa học của Giáo sư  Hoàng Tuệ đã dừng lại nhưng tư tưởng khoa học của ông thì vẫn không ngừng lan tỏa đến các thế hệ tiếp nối. Hội thảo kết thúc với thông điệp về tầm quan trọng của việc phát triển nghiên cứu ngôn ngữ học, kêu gọi sự đoàn kết trong cộng đồng ngôn ngữ học Việt Nam nhằm tiếp tục xây dựng và bảo tồn di sản ngôn ngữ giàu đẹp của đất nước.

Lương Thị Hiền – Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Khoa Ngữ Văn)

Post by: Khoa Ngữ văn
03-04-2024